SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - TIẾT 4: ĐẤNG
TẠO HOÁ
(giaolyductin.org 12/04/13, 10:56 am)
Paragraphus 4
Creator
279. “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã tạo thành trời đất” (St 1,1). Những
lời long trọng này đã mở đầu bộ Thánh Kinh. Tín biểu lấy lại những lời đó khi
tuyên xưng Thiên Chúa là Cha toàn năng, “Đấng tạo thành trời đất”[1], “muôn vật hữu hình và vô hình”[2].
Vì vậy trước hết, chúng ta nói về Đấng Tạo Hoá, kế đến về công trình tạo dựng
của Ngài, sau hết về việc con người sa ngã phạm tội, rồi được Chúa Giêsu Kitô,
Con Thiên Chúa, đến giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi.
280. Công trình tạo dựng là nền tảng liên quan đến “mọi sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa”,
“khởi đầu của lịch sử cứu độ”[3] mà Đức Kitô là tột đỉnh. Ngược lại,
mầu nhiệm Đức Kitô là ánh sáng quyết định soi tỏ mầu nhiệm tạo dựng; mầu nhiệm
Đức Kitô mạc khải cùng đích của việc “lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã sáng tạo trời
đất” (St 1,1): ngay từ đầu, Thiên Chúa đã nhắm tới vinh quang của công trình
tạo dựng mới trong Đức Kitô[4].
281. Vì vậy, các bài Sách Thánh trong đêm Canh thức Vượt Qua, đêm mừng
công trình tạo dựng mới trong Đức Kitô, bắt đầu bằng bài tường thuật công trình
tạo dựng. Trong phụng vụ Byzantin, bài tường thuật này luôn là bài đọc thứ nhất
trong lễ vọng các đại lễ kính Chúa. Theo một chứng từ cổ xưa, việc dạy các dự
tòng để chịu phép Rửa Tội cũng theo cùng một đường lối đó[5].
CATECHESIS DE
CREATIONE
282. Việc dạy giáo lý về công trình tạo dựng là hết sức quan trọng. Nó
liên quan đến chính nền tảng của cuộc sống làm người và làm Kitô hữu: vì nó đem
lại câu trả lời của đức tin Kitô giáo cho câu hỏi căn bản mà con người của mọi
thời đại thường đặt ra cho mình: “Chúng ta từ đâu tới?”, “Chúng ta đi về đâu?”,
“Nguồn gốc của chúng ta là gì?”, “Cùng đích của chúng ta là gì?”, “Mọi vật hiện
hữu từ đâu tới và đi về đâu?”. Hai câu hỏi này, về nguồn gốc và cùng đích,
không thể tách rời nhau. Chúng có tính cách quyết định đối với ý nghĩa và định
hướng cho cuộc đời chúng ta và cho cách thức hành động của chúng ta.
283. Câu hỏi về nguồn gốc trần gian và con người là đối tượng của nhiều
công trình nghiên cứu khoa học, giúp mở rộng tầm hiểu biết của chúng ta về độ
tuổi và các chiều kích của trần gian, về sự hình thành các dạng sinh vật, về sự
xuất hiện đầu tiên của loài người. Những khám phá này mời gọi chúng ta thêm
lòng cảm phục sự cao cả của Đấng Tạo Hóa, tạ ơn Ngài vì các công trình của
Ngài, vì sự thông minh và tài năng Ngài đã ban cho các nhà bác học và các nhà
nghiên cứu. Cùng với vua Salômôn, những vị này có thể nói: “Chính Ngài đã khấng
ban cho tôi tri thức xác thực về những gì đang hiện hữu, để tôi thấu hiểu cơ
cấu của vũ trụ và năng lực của các nguyên tố tạo thành…. Vì chính người thợ làm
ra muôn vật muôn loài đã chỉ dạy cho tôi. Người thợ ấy chính là Đức Khôn Ngoan”
(Kn 7,17-21).
284. Sự quan tâm lớn lao dành cho các công cuộc nghiên cứu này còn được
thúc đẩy mạnh mẽ bởi một câu hỏi thuộc một lãnh vực khác, vượt quá phạm vi của
các khoa học tự nhiên. Vấn đề không phải chỉ là tìm hiểu trần gian vật chất
phát sinh khi nào và cách nào, và con người đã xuất hiện lúc nào, nhưng quan
trọng hơn, chính là khám phá ra ý nghĩa của nguồn gốc đó: Phải chăng trần gian
bị điều khiển bởi một sự ngẫu nhiên, một định mệnh mù quáng, một tất yếu vô
danh, hay được điều khiển bởi một Hữu Thể siêu việt, thông minh và tốt lành,
được gọi là Thiên Chúa? Và nếu trần gian xuất phát từ sự khôn ngoan và tốt lành
của Thiên Chúa, thì tại sao lại có sự dữ? Nó từ đâu ra? Ai chịu trách nhiệm về
nó? Có cách nào thoát khỏi sự dữ không?
285. Từ buổi đầu, đức tin Kitô giáo đã đối mặt với những giải đáp khác
với giải đáp của mình về vấn đề nguồn gốc. Người ta gặp trong các tôn giáo và
các văn hóa cổ xưa nhiều huyền thoại về vấn đề nguồn gốc. Một số triết gia đã
cho rằng mọi sự đều là Thần Linh, trần gian là Thần Linh, hoặc quá trình tiến
hoá của trần gian là quá trình tiến hoá của Thần Linh (thuyết phiếm thần); một
số khác cho rằng trần gian là một xuất phát tất yếu của Thần Linh, từ Thần Linh
phát ra và trở về với Ngài; một số khác nữa khẳng định sự hiện hữu của hai
nguyên lý vĩnh cửu, Thiện và Ác, Ánh Sáng và Bóng Tối, luôn giao tranh với nhau
(thuyết nhị nguyên, thuyết của Manikê); một số người theo các thuyết ấy cho
rằng thế giới (ít nhất là thế giới vật chất) là xấu, là sản phẩm của một sự sa
ngã, vì vậy cần phải loại bỏ đi hoặc phải vượt khỏi (thuyết ngộ đạo); những
người khác lại cho rằng trần gian do Thiên Chúa tạo nên, theo kiểu một người
thợ làm ra cái đồng hồ, làm ra rồi để nó tự vận hành (tự nhiên thần giáo); cuối
cùng, có những người không chấp nhận một nguồn gốc siêu việt nào của trần gian,
chỉ coi trần gian thuần tuý là sự tương tác của vật chất vẫn luôn hiện hữu
(thuyết duy vật). Tất cả những cố gắng đó cho thấy rằng câu hỏi về vấn đề nguồn
gốc là một thắc mắc muôn thuở và phổ quát. Việc tìm kiếm này là một nét đặc
trưng của con người.
286. Chính trí thông minh của loài người có khả năng tìm ra câu trả lời
cho câu hỏi về nguồn gốc. Thật vậy, sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá,
có thể được nhận biết một cách chắc chắn bằng ánh sáng của lý trí con người,
nhờ các công trình của Ngài[6], mặc dù sự nhận biết đó
thường bị mờ tối và lệch lạc vì sai lầm. Chính vì vậy cần có đức tin củng cố và
soi sáng lý trí để hiểu biết chân lý này cách chính xác. “Nhờ đức tin, chúng ta
hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi lời của Thiên Chúa; vì thế những cái
hữu hình là do những cái vô hình mà có” (Dt 11,3).
287. Chân lý về công trình tạo dựng rất quan trọng đối với toàn bộ cuộc
sống con người, nên Thiên Chúa, do lòng nhân hậu của Ngài, đã muốn mạc khải cho
Dân Ngài nhận biết những điều hữu ích về vấn đề này. Vượt trên sự hiểu biết tự
nhiên mà bất cứ người nào cũng có thể có được về Đấng Tạo Hóa[7],
Thiên Chúa đã dần dần mạc khải cho Israel mầu nhiệm tạo dựng. Thiên Chúa, Đấng
đã chọn các tổ phụ, Đấng đã đưa Israel ra khỏi Ai cập, Đấng đã tạo dựng và huấn
luyện Israel khi tuyển chọn dân này làm dân riêng của Ngài[8],
chính Ngài đã tự mạc khải mình là Đấng làm chủ mọi dân tộc trên mặt đất, và cả
toàn cõi đất, mình là Đấng duy nhất “đã dựng nên trời đất” (Tv 115,15; 124,8;
134,3).
288. Việc mạc khải về công trình tạo dựng như vậy không thể tách rời
khỏi việc mạc khải và thực hiện Giao Ước của Thiên Chúa duy nhất với dân Ngài.
Công trình tạo dựng được mạc khải như bước đầu hướng tới Giao Ước này, như
chứng từ đầu tiên và phổ quát của tình yêu toàn năng của Thiên Chúa[9]. Vì thế, chân lý về công trình tạo dựng cũng được diễn
tả ngày càng mạnh mẽ trong sứ điệp của các Tiên tri[10],
trong lời cầu nguyện của các Thánh vịnh[11] và của phụng vụ, trong suy tư về sự
khôn ngoan[12] của
dân Chúa chọn.
289. Trong tất cả những lời Thánh Kinh nói về công trình tạo dựng, ba
chương đầu của sách Sáng Thế có một chỗ đứng độc đáo. Về phương diện văn
chương, những bản văn đó có thể do nhiều nguồn khác nhau. Các tác giả được linh
hứng đã đặt các bản văn này ở đầu Sách Thánh để long trọng diễn tả những chân
lý về công trình tạo dựng, về nguồn gốc và cùng đích của công trình đó trong
Thiên Chúa, về trật tự và sự tốt lành của nó, về ơn gọi của con người, và cuối
cùng về thảm kịch tội lỗi và niềm hy vọng vào ơn cứu độ. Những lời này, được
đọc dưới ánh sáng của Chúa Kitô, trong sự thống nhất của Thánh Kinh, và trong
Truyền thống sống động của Hội Thánh, vẫn là nguồn chính yếu cho việc dạy giáo
lý về những mầu nhiệm của “lúc khởi đầu”: việc tạo dựng, sự sa ngã, lời hứa ban
ơn cứu độ.
CREATIO –
SANCTISSIMAE TRINITATIS OPUS
290. “Lúc khởi đầu Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất” (St 1,1): những lời
đầu tiên này của Thánh Kinh xác quyết ba điều: Thiên Chúa vĩnh cửu đã ban một
khởi điểm cho tất cả những gì hiện hữu bên ngoài Ngài. Duy chỉ mình Ngài là
Đấng Tạo Hoá (động từ “tạo dựng”- tiếng hipri là bara -
luôn có chủ từ là Thiên Chúa). Tất cả những gì hiện hữu (được diễn tả bằng thuật
ngữ “trời đất”) đều tùy thuộc vào Đấng đã cho chúng hiện hữu.
291. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời… và Ngôi Lời là Thiên Chúa…. Nhờ Ngôi
Lời, vạn vật được tạo thành và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành”
(Ga 1,1-3). Tân Ước mạc khải rằng: Thiên Chúa đã tạo dựng tất cả nhờ Ngôi Lời
vĩnh cửu là Con yêu dấu của Ngài. “Trong Người, muôn vật được tạo thành, trên
trời cùng dưới đất…. Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người.
Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người” (Cl
1,16-17). Đức tin của Hội Thánh cũng xác quyết một cách tương tự về hoạt động
tạo dựng của Chúa Thánh Thần: Ngài, Đấng chúng ta tuyên xưng là “Đấng ban sự
sống”[13], là “Thần Khí Sáng Tạo” (“Veni, Creator Spiritus”:
“Lạy Thần Khí
Sáng Tạo, xin ngự đến”), là “Nguồn mạch của sự thiện hảo”[14].
292. Hành động tạo dựng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là một, một
cách không thể tách biệt, với hành động tạo dựng của Chúa Cha, là điều đã được
thoáng thấy trong Cựu Ước[15], đã được mạc khải trong
Tân Ước, nay được quy luật đức tin của Hội Thánh xác định rõ ràng: “Chỉ có một
Thiên Chúa duy nhất […]: Ngài là Cha, là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hoá, là Tác
Giả, là Đấng làm nên mọi sự, Đấng tự mình tác tạo mọi sự, nghĩa là nhờ Lời và
đức Khôn Ngoan của Ngài”[16]; “Chúa Con và Chúa Thánh
Thần” là như “những bàn tay” của Ngài[17]. Tạo dựng là
công trình chung của Ba Ngôi Chí Thánh.
“MUNDUS AD DEI
GLORIAM CONDITUS EST”
293. Chân lý căn bản, mà Thánh Kinh và Truyền Thống không ngừng giảng
dạy và cử hành, là: “Trần gian được tạo dựng để làm vinh danh Thiên Chúa”[18]. Thánh Bonaventura giải thích: Thiên Chúa đã tạo dựng
mọi sự “không phải để gia tăng vinh quang, nhưng để biểu lộ và truyền thông
vinh quang của Ngài”[19]. Quả thật, Thiên Chúa không
thể có lý do nào khác để tạo dựng, ngoài tình yêu và sự tốt lành của Ngài: “Khi
tay Ngài được mở ra bằng chìa khoá của tình yêu, thì các thụ tạo xuất hiện”[20]. Công đồng Vaticanô I giải thích:
“Thiên Chúa, do sự
tốt lành và uy quyền toàn năng của Ngài, không phải để gia tăng hoặc đạt được
vinh phúc của Ngài, nhưng để biểu lộ sự trọn hảo của Ngài qua những điều thiện
hảo Ngài ban cho các thụ tạo, do ý định hoàn toàn tự do của Ngài, lúc khởi đầu
thời gian, đã tạo dựng mọi loài từ hư vô, cả loài thiêng liêng lẫn loài có thể
xác”[21].
294. Vinh quang của Thiên Chúa cốt tại việc biểu lộ và truyền thông sự
tốt lành của Ngài, vì đó mà trần gian đã được tạo dựng. “Theo ý muốn nhân hậu
của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng
Ngài ban tặng cho ta” (Ep 1,5-6). “Thật vậy, vinh quang của Thiên
Chúa là con người sống, và sự sống của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa.
Nếu sự mạc khải của Thiên Chúa qua công trình tạo dựng đã đem đến sự sống cho
mọi loài trên trái đất, thì việc Ngôi Lời biểu lộ Chúa Cha lại càng đem lại sự
sống gấp bội cho những ai thấy Thiên Chúa”[22]. Mục
đích tối hậu của công trình tạo dựng là Thiên Chúa, “Đấng dựng nên mọi loài,
cuối cùng sẽ ‘có toàn quyền trên muôn loài’ (1 Cr 15,28), đem lại vinh quang
cho Ngài và đồng thời đem lại vinh phúc cho chúng ta”[23].
[1]Tín biểu của các Tông Đồ: DS 30.
[2]Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli: DS 150.
[3]Thánh bộ Giáo sĩ, Directorium catechisticum generale, 51:
AAS 64 (1972) 128.
[4]X. Rm 8,18-23.
[5]X. Êgiêria, Itinerarium seu Peregrinatio ad loca sancta 46, 2: SC 296, 308; PLS 1, 1089-1090;
Thánh Augustinô, De catechizandis rudibus 3, 5: CCL 46, 124 (PL 40, 313).
[6]X. CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, De Revelatione, canon 1: DS
3026.
[7]X. Cv 17,24-29; Rm 1,19-20.
[8]X. Is 43,1.
[9]X. St 15,5; Gr 33,19-26.
[10]X. Is 44,24.
[11]X. Tv 104.
[12]X. Cn 8,22-31.
[13]Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli: DS 150.
[14]Phụng vụ Byzantin, 2um Sticherum
Vesperarum Dominicae Pentecostes:Pentekostarion (
[15]X. Tv 33,6; 104,30; St 1,2-3.
[16]Thánh Irênê, Adversus haereses, 2, 30, 9: SC 294,
318-320 (PG 7, 822).
[17]Thánh Irênê, Adversus haereses, 4, 20, 1: SC 100,
626 (PG 7, 1032).
[18]CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lýDei Filius,
De Deo rerum omnium Creatore, canon 5: DS 3025.
[19]Thánh Bônaventura, In secundum librum Sententiarum, dist.
1, p. 2, a. 2, q. 1, concl.:Opera omnia, v. 2 (Ad Claras Aquas 1885) 44.
[20]Thánh Tôma Aquinô, Commentum in secundum librum Sententiarum,
Prologus: Opera omnia,
v. 8 (
[21]CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 1: DS 3002.
[22]Thánh Irênê, Adversus haereses, 4, 20, 7: SC 100, 648 (PG 7, 1037).
[23]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 2: AAS 58 (1966) 948.