SÁCH GIÁO LÝ HỘI
THÁNH CÔNG GIÁO
CHƯƠNG HAI: TÔI TIN
KÍNH MỘT CHÚA GIÊSU KITÔ, CON MỘT THIÊN CHÚA
CHƯƠNG HAI
TÔI TIN KÍNH MỘT CHÚA GIÊSU KITÔ, CON MỘT
THIÊN CHÚA
CAPUT SECUNDUM
CREDO IN IESUM
CHRISTUM, FILIUM DEI UNICUM
Tin Mừng: Thiên Chúa đã sai Con mình tới
422. “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình
tới, sinh làm con một người phụ nữ và sống dưới Lề luật, để chuộc những ai sống
dưới Lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). Đây là Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa[1]: Thiên Chúa đã viếng
thăm dân Ngài[2]. Ngài đã thực hiện những lời hứa với tổ phụ
Abraham và con cháu ông[3]. Ngài đã thực hiện vượt quá mọi điều chúng ta
mong ước: Ngài đã sai Con yêu dấu của Ngài tới[4].
423. Chúng tôi tin và chúng tôi tuyên xưng rằng: Chúa Giêsu
Nazareth, một người Do thái sinh bởi một phụ nữ Israel tại Bêlem dưới thời vua
Hêrôđê Cả và hoàng đế Cêsarê Augustô I, vốn làm nghề thợ mộc, đã chịu chết trên
thập giá tại Giêrusalem, thời tổng trấn Phongtiô Philatô dưới triều hoàng đế
Tibêriô, Chúa Giêsu ấy là Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đã làm người, “Người bởi
Thiên Chúa mà đến” (Ga 13,3), là “Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13; 6,33), Đấng đã
đến trong xác phàm[5], bởi vì “Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa
chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa
Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. Từ nguồn sung mãn
của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga
1,14.16).
424. Được tác động bởi ân sủng Chúa Thánh Thần và được Chúa Cha
lôi kéo, chúng tôi tin và tuyên xưng về Chúa Giêsu rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con
Thiên Chúa hằng sống” (Mt l6,l6). Trên tảng đá đức tin, mà ông Phêrô đã tuyên
xưng, Đức Kitô đã xây dựng Hội Thánh của Người.[6]
“Loan báo Tin Mừng về
sự phong phú khôn lường của Đức Kitô” (Ep 3,8)
425. Lưu truyền đức tin Kitô giáo, trước tiên là loan báo Chúa
Giêsu Kitô, để dẫn đưa người ta đến chỗ tin vào Người. Ngay từ đầu, các môn đệ
tiên khởi đã khao khát loan báo Đức Kitô: “Phần chúng tôi, những gì tai đã
nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20). Các ông đã kêu
mời con người trong mọi thời đại vào hưởng niềm vui hiệp thông với Đức
Kitô:
“Điều vẫn có ngay từ
lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều
chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời Sự Sống. Quả
vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo
cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ
bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả
anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi
thì hiệp thông với Chúa Cha và với Chúa Giêsu Kitô, Con của Ngài. Những điều
này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (1 Ga
1,1-4).
Trọng tâm của việc dạy giáo lý: Đức Kitô
426. “Phải xác quyết ngay rằng, ở trung tâm của việc dạy giáo
lý, chủ yếu chúng ta gặp một nhân vật: đó là Chúa Giêsu Kitô Nazareth, ‘Con Một
của Chúa Cha’…. Người đã chịu khổ hình và đã chịu chết vì chúng ta; và Người,
từ khi sống lại, luôn luôn sống với chúng ta…. Dạy giáo lý là giúp người ta
nhận ra toàn bộ kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa trong con người Đức Kitô; là
tìm hiểu ý nghĩa các hành động và lời nói của Đức Kitô, và các dấu lạ Người đã
thực hiện”[7]. Mục đích của việc dạy giáo lý là “dẫn đưa con người đến
hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô; chỉ một mình Người mới có thể dẫn người ta đến
tình yêu của Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và đến chỗ được thông phần vào sự
sống của Ba Ngôi Chí Thánh”[8].
427. “Trong việc dạy giáo lý, phải giảng dạy Đức Kitô, là Ngôi
Lời nhập thể và là Con Thiên Chúa, những điều khác phải được quy chiếu về
Người; chỉ một mình Đức Kitô giảng dạy, còn bất cứ ai khác giảng dạy đều phải
là phát ngôn viên của Người, phải để Đức Kitô nói qua miệng lưỡi họ…. Mọi giáo
lý viên đều phải có thể áp dụng cho mình lời nói huyền nhiệm này của Chúa
Giêsu: ‘Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi’”
(Ga 7,l6)[9].
428. Ai được kêu gọi rao giảng Tin Mừng Đức Kitô, trước hết phải
tìm “mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô”; người ấy phải “đành mất hết”,
“để được Đức Kitô và được kết hợp với Người”, và để “biết Người quyền năng thế
nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên
đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày
cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,8-11).
429. Từ việc nhận biết Đức Kitô với tâm tình yêu mến, sẽ nảy
sinh ước ao loan báo Người, ước ao “rao giảng Tin Mừng” về Người, và ước ao dẫn
đưa người khác đến chỗ “chấp nhận” đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Nhưng đồng
thời, người ta cũng cảm thấy nhu cầu phải luôn hiểu biết đức tin ấy một cách
tốt hơn. Nhằm mục đích đó, theo thứ tự của Tín biểu, trước hết các tước hiệu
chính của Chúa Giêsu sẽ được trình bày: Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Chúa (Mục 2). Tiếp đó Tín biểu tuyên xưng các mầu nhiệm chính yếu của cuộc đời
Đức Kitô: các mầu nhiệm về việc Nhập Thể của Người (Mục 3), các mầu nhiệm về cuộc Vượt Qua của Người (Mục 4 và 5) và sau cùng các mầu nhiệm về sự Tôn Vinh Người (Mục 6 và 7).
Bản dịch của UBGLĐT/HĐGMVN
[1] X. Mc 1,1.
[2] X. Lc 1,68.
[3] X. Lc l,55.
[4] X. Mc l,11.
[5] X. l Ga 4,2.
[6] X. Mt 16,18; Thánh Lêô
Cả, Sermo 4, 3: CCL 88, 19-20 (PL 54, 151); Sermo 51,1: CCL 88A, 296-297 (PL 54, 309);Sermo 62, 2: CCL 88A, 377-378 (PL 54, 350-351); Sermo 83, 3: CCL 88A, 521-522 (PL 54, 432).
[7] ĐGH Gioan Phaolô
II, Tông huấn Catechesi tradendae, 5: AAS 71 (1979) 1280-1281.
[8] ĐGH Gioan Phaolô
II, Tông huấn Catechesi tradendae, 5: AAS 71 (1979) 1281.
[9] ĐGH Gioan Phaolô
II, Tông huấn Catechesi tradendae, 6: AAS 71 (1979) 1281-1282.