SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO – TIẾT 3 CÁC MẦU NHIỆM CỦA CUỘC ĐỜI ĐỨC KITÔ 

(giaolyductin.net30/08/13, 10:55 am)

Tiết 3

Các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Kitô

Paragraphus 3

Mysteria vitae Christi

512. Khi đề cập đến cuộc đời Đức Kitô, Tín biểu chỉ nói về các mầu nhiệm Nhập Thể (được thụ thai và ra đời) và Vượt Qua (chịu khổ nạn, chịu đóng đinh vào thập giá, chịu chết, chịu mai táng, xuống ngục tổ tông, sống lại, và lên trời). Tín biểu không nói gì cách minh nhiên về các mầu nhiệm của cuộc đời ẩn dật và công khai của Chúa Giêsu; tuy nhiên, các đề mục đức tin liên quan đến việc Nhập Thể và cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu, lại làm sáng tỏ toàn bộ cuộc đời trần thế của Người. “Tất cả những việc Chúa Giêsu làm và những điều Người dạy, kể từ đầu cho tới ngày Người được rước lên trời” (Cv l,l-2), cần phải được nhìn xem dưới ánh sáng các mầu nhiệm Giáng Sinh và Phục Sinh.

513. Tùy theo hoàn cảnh, việc dạy giáo lý sẽ trình bày tất cả sự phong phú của các mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu lên một số yếu tố chung cho tất cả mọi mầu nhiệm của cuộc đời của Người (I), rồi sau đó phác hoạ các mầu nhiệm chính yếu trong cuộc đời ẩn dật (II) và công khai (III) của Chúa Giêsu.

I. CẢ CUỘC ĐỜI ĐỨC KITÔ LÀ MỘT MẦU NHIỆM

TOTA VITA CHRISTI MYSTERIUM EST

514. Có nhiều điều liên quan đến Chúa Giêsu mà loài người tò mò muốn biết, nhưng lại không được các sách Tin Mừng nói đến. Tin Mừng hầu như không nói gì về cuộc sống của Người ở Nazareth, và một phần lớn cuộc đời công khai của Người cũng không được kể lại[1] . Những gì đã được viết ra trong các Tin Mừng, được kể lại là “để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31).

515. Các sách Tin Mừng đã được viết ra bởi những người trong số những người đầu tiên đã có đức tin[2] , và muốn cho những người khác được tham dự vào đức tin đó. Đã được biết Chúa Giêsu là ai trong đức tin, họ có thể thấy và chỉ cho người khác thấy những dấu tích của mầu nhiệm của Người trong suốt cuộc đời trần thế của Người. Từ những mảnh tã quấn thân ngày Người Giáng Sinh[3] , cho đến chút giấm lúc Người chịu khổ hình[4] , và tấm khăn liệm ngày Người Phục Sinh[5] , mọi sự trong cuộc đời Chúa Giêsu đều là dấu chỉ của mầu nhiệm của Người. Qua những cử chỉ, những phép lạ, những lời nói của Người, Người mạc khải “nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9). Như vậy, nhân tính của Người xuất hiện như một “bí tích”, nghĩa là, một dấu chỉ và dụng cụ của thần tính của Người, và của ơn cứu độ mà Người mang lại: những gì hữu hình trong cuộc đời trần thế của Người, dẫn chúng ta đến với mầu nhiệm vô hình, là địa vị làm Con Thiên Chúa của Người và sứ vụ cứu chuộc của Người.

Những nét chung của các mầu nhiệm của Chúa Giêsu

516. Cả cuộc đời của Đức Kitô là một Mạc khải về Chúa Cha: những lời Người nói, những việc Người làm, những lúc Người im lặng, những đau khổ Người chịu, cách thế Người sống và giảng dạy. Chúa Giêsu có thể nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga l4,9), và Chúa Cha nói: “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35). Vì Chúa chúng ta đã làm người để chu toàn thánh ý của Chúa Cha[6] , nên ngay cả những điểm nhỏ nhặt nhất trong các mầu nhiệm của Người đều biểu lộ cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta[7] .

517. Cả cuộc đời của Đức Kitô là một mầu nhiệm Cứu chuộc. Ơn Cứu chuộc đến với chúng ta trước hết nhờ Máu Người đổ ra trên thập giá[8] , nhưng mầu nhiệm này được thực hiện qua cả cuộc đời Đức Kitô: ngay trong việc Người Nhập Thể, Người đã trở nên nghèo để lấy cái nghèo của Người mà làm cho chúng ta nên giàu có[9] ; trong cuộc sống ẩn dật, Người vâng phục[10]  để sửa lại sự bất phục tùng của chúng ta; khi giảng dạy, lời Người nói thanh tẩy những người nghe[11] ; khi chữa bệnh và trừ quỷ, “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17)[12] ; khi phục sinh, Người làm cho chúng ta được nên công chính[13].

518. Cả cuộc đời của Đức Kitô là một mầu nhiệm Quy tụ: tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm, đã nói, và đã chịu đau khổ, đều có mục đích là để phục hồi con người sa ngã về lại ơn gọi đầu tiên của họ:

“Khi nhập thể và làm người, Đức Kitô đã quy tụ nơi mình lịch sử lâu dài của nhân loại, và đã đem lại ơn cứu độ cho chúng ta theo con đường tắt, để những gì xưa kia chúng ta đã mất nơi Ađam, tức là không còn là hình ảnh và giống như Thiên Chúa nữa, thì nay chúng ta được nhận lại trong Đức Kitô Giêsu”[14]. “Chính vì thế Đức Kitô đã trải qua mọi tuổi đời, để cho mọi người lại được hiệp thông với Thiên Chúa”[15].

Chúng ta hiệp thông với các mầu nhiệm của Chúa Giêsu

519. Mọi sự phong phú của Đức Kitô là dành cho mọi người và là tài sản của mọi người[16] . Đức Kitô không sống cho bản thân Người, nhưng cho chúng ta, từ lúc Người nhập thể “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”[17], cho đến khi Người chịu chết “vì tội lỗi chúng ta” (1 Cr 15,3) và sống lại “để chúng ta được nên công chính” (Rm 4,25). Cả bây giờ nữa, Người vẫn là trạng sư của chúng ta “trước mặt Chúa Cha” (1 Ga 2,1), “vì Người hằng sống để chuyển cầu” cho chúng ta (Dt 7,25). Với tất cả những gì Người đã sống và đã chịu đựng một lần cho mãi mãi vì chúng ta, giờ đây Người luôn hiện diện “trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24) đến muôn đời.

520. Trong cả cuộc đời của Người, Chúa Giêsu tỏ mình là mẫu mực của chúng ta[18] : chính Người là “con người hoàn hảo”[19] , Người mời gọi chúng ta trở nên môn đệ của Người và bước đi theo Người; qua việc tự hạ của Người, Người ban cho chúng ta một gương mẫu để bắt chước[20] ; qua việc cầu nguyện của Người, Người lôi kéo chúng ta cầu nguyện[21] ; qua sự nghèo khó của Người, Người kêu gọi chúng ta tự nguyện chấp nhận sự thiếu thốn và những cơn bách hại[22] .

521. Tất cả những gì chính Người đã sống, Đức Kitô làm cho chúng ta được sống những điều đó trong Người, và Người sống những điều đó trong chúng ta. “Khi nhập thể, Con Thiên Chúa một cách nào đó đã nên một với mọi người”[23] . Chúng ta được kêu gọi nên một với Người; chính Người làm cho chúng ta, với tư cách là những chi thể của Thân Thể Người, được hiệp thông với những gì Người đã sống trong thân thể Người vì chúng ta và nên như mẫu mực cho chúng ta:

Chúng ta phải tiếp nối và hoàn thành nơi bản thân chúng ta các giai đoạn của cuộc đời Chúa Giêsu và các mầu nhiệm của Người, và thường xuyên cầu xin… để Người hoàn tất và kiện toàn những điều ấy trong chúng ta và trong toàn thể Hội Thánh Người…. Vì Con Thiên Chúa có ý truyền thông, mở rộng và tiếp tục các mầu nhiệm của Người trong chúng ta và trong toàn thể Hội Thánh Người,… hoặc bằng các ân sủng Người quyết định ban cho chúng ta hoặc bằng những hiệu quả Người muốn thực hiện nơi chúng ta qua các mầu nhiệm ấy. Bằng cách này, Người muốn hoàn tất các mầu nhiệm của Người trong chúng ta[24] .

II.  CÁC MẦU NHIỆM CỦA THỜI THƠ ẤU VÀ CỦA QUÃNG ĐỜI ẨN DẬT CỦA CHÚA GIÊSU

MYSTERIA INFANTIAE ET VITAE OCCULTAE IESU

Những sự chuẩn bị

522. Việc Con Thiên Chúa ngự đến trong thế gian là một biến cố hết sức trọng đại, đến độ Thiên Chúa đã muốn chuẩn bị cho biến cố đó qua nhiều thế kỷ. Các nghi thức và các hy lễ, các hình ảnh và các biểu tượng của “Giao Ước Cũ”[25] , tất cả đều được Thiên Chúa làm cho hội tụ trong Đức Kitô: Chính Ngài loan báo Đức Kitô qua miệng các Tiên tri kế tiếp nhau ở Israel. Ngoài ra, Ngài còn khơi dậy trong tâm hồn các người ngoại giáo một sự chờ đợi chưa rõ ràng việc Con Thiên Chúa ngự đến.

523. Thánh Gioan Tẩy Giả là vị Tiền Hô trực tiếp của Chúa[26] , đã được sai đến để dọn đường[27] . Thánh nhân là “ngôn sứ của Đấng Tối Cao” (Lc l,76), trổi vượt tất cả mọi Tiên tri[28] , và là vị Tiên tri cuối cùng[29] . Thánh nhân khởi đầu Tin Mừng[30] ; ngay từ trong lòng mẹ đã đón chào Đức Kitô đến[31] , và tìm thấy niềm vui trong việc được làm “bạn của chú rể” (Ga 3,29), Đấng mà thánh nhân chỉ cho biết là Chiên “Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga l,29). Thánh nhân đi trước Chúa Giêsu trong “thần trí và quyền năng của ngôn sứ Êlia” (Lc 1,17), và làm chứng cho Người bằng lời rao giảng của mình, bằng phép rửa thống hối của mình và cuối cùng bằng cuộc tử đạo của mình[32] .

524. Mỗi năm khi cử hành phụng vụ Mùa Vọng, Hội Thánh thể hiện lại niềm mong đợi Đấng Messia: khi hiệp thông với sự chuẩn bị lâu dài để đón Đấng Cứu độ ngự đến lần thứ nhất, các tín hữu canh tân lòng sốt sắng đón chờ Người ngự đến lần thứ hai[33] . Khi mừng sinh nhật và cuộc tử đạo của vị Tiền Hô, Hội Thánh hợp nhất với ước nguyện của thánh nhân: “Đức Kitô phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3,30).

Mầu nhiệm Giáng Sinh

525. Chúa Giêsu đã ra đời trong cảnh bần hàn của chuồng bò lừa, trong một gia đình nghèo[34] ; các mục đồng chất phác là những chứng nhân đầu tiên của biến cố. Chính trong cảnh nghèo hèn này mà vinh quang thiên quốc được tỏ lộ[35] . Hội Thánh không ngừng hoan hỉ hát mừng vinh quang đêm ấy:

“Hôm nay Đức Trinh Nữ sinh hạ Đấng Hằng Hữu, và thế gian dâng tặng hang đá cho Đấng Chí Tôn. Các Thiên thần cùng với các mục đồng tôn vinh Người, các đạo sĩ tiến bước theo ánh sao: bởi vì một Hài Nhi bé nhỏ, là Thiên Chúa vĩnh cửu, đã được sinh ra cho chúng ta!”[36]

526. “Trở nên trẻ nhỏ” trong tương quan với Thiên Chúa là điều kiện để vào Nước Trời[37] ; để được vậy, cần phải tự hạ[38] , phải trở nên bé mọn; hơn nữa, còn phải “được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (Ga 3,7), được sinh ra từ Thiên Chúa[39]  để trở nên con cái Thiên Chúa[40] . Mầu nhiệm Giáng Sinh được thực hiện nơi chúng ta khi Đức Kitô “được thành hình” nơi chúng ta[41] . Việc Giáng Sinh của Chúa Giêsu là mầu nhiệm của “việc trao đổi kỳ diệu” này:

“Cuộc trao đổi sao mà kỳ diệu! Đấng Tạo Hoá của nhân loại, nhận lấy một thân xác có linh hồn, khấng hạ sinh bởi một Trinh Nữ; khi làm người mà chẳng cần mầm giống nam nhân, Người đã rộng ban cho chúng ta thần tính của Người”[42] .

Các mầu nhiệm của thời thơ ấu của Chúa Giêsu

527. Việc cắt bì cho Chúa Giêsu, ngày thứ tám sau khi Người ra đời[43] , là dấu chỉ việc Người được tháp nhập vào dòng dõi của tổ phụ Abraham, vào dân của Giao Ước, là dấu chỉ sự suy phục Lề luật của Người[44] , của việc Người đến với phụng tự Israel, nền phụng tự mà Người sẽ tham dự suốt đời Người. Dấu chỉ này báo trước “phép cắt bì của Đức Kitô”, tức là bí tích Rửa Tội[45] .

528. Hiển Linh là sự tỏ mình ra của Chúa Giêsu, như Đấng Messia của Israel, là Con Thiên Chúa, và là Đấng Cứu Độ trần gian. Cùng với việc Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Jorđanô và với tiệc cưới Cana[46] , lễ này mừng kính việc “các đạo sĩ” từ phương Đông đến thờ lạy Chúa Giêsu[47] . Nơi các “đạo sĩ” này, là đại diện cho các tôn giáo lương dân lân cận, Tin Mừng nhận ra những hoa quả đầu mùa của các dân tộc sẽ đón nhận Tin Mừng cứu độ nhờ mầu nhiệm Nhập Thể. Việc các đạo sĩ đến Giêrusalem để bái lạy Vua dân Do Thái[48]  cho thấy các vị ấy đến Israel, dưới ánh sáng tiên báo Đấng Messia của ngôi sao Đavid[49] , để tìm kiếm Đấng sẽ là vua của các dân tộc[50] . Việc họ đến có nghĩa là các dân ngoại chỉ có thể gặp được Chúa Giêsu và thờ lạy Người là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ trần gian, bằng cách hướng về dân Do Thái[51]  và nhờ dân ấy mà lãnh nhận lời hứa về Đấng Messia như đã được ghi chép trong Cựu Ước[52] . Cuộc Hiển Linh cho thấy đông đảo dân ngoại được gia nhập vào gia đình của các Tổ Phụ[53] , và được hưởng “phẩm giá của Israel[54] .

529. Việc dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ[55]  cho thấy Người có tư cách là “con đầu lòng” thuộc về Thiên Chúa như sở hữu riêng của Ngài[56] . Cùng với ông Simêon và bà Anna, toàn thể dân Israel đến gặp gỡ Đấng Cứu Độ mà họ trông chờ (truyền thống Byzantin gọi biến cố này như vậy). Chúa Giêsu được nhìn nhận là Đấng Messia được mong đợi đã quá lâu, là “ánh sáng muôn dân”, là “vinh quang của Israel”, nhưng cũng là “dấu hiệu cho người đời chống báng”. Lưỡi gươm của đau khổ được tiên báo cho Đức Maria, loan báo một việc dâng hiến khác, hoàn hảo và duy nhất, là việc dâng hiến trên thập giá, việc dâng hiến này sẽ mang lại ơn cứu độ mà Thiên Chúa “đã dành sẵn cho muôn dân”.

530. Việc trốn sang Ai Cập và sự kiện tàn sát trẻ vô tội[57]  cho thấy sự chống đối của bóng tối đối với ánh sáng: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Cả cuộc đời của Đức Kitô sẽ được ghi dấu bằng sự bách hại. Những ai thuộc về Người, đều tham dự vào điều đó với Người[58] . Việc Người rời bỏ Ai Cập để trở về[59]  gợi nhớ cuộc Xuất Hành[60]  và giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng giải phóng tối hậu.

Các mầu nhiệm của quãng đời ẩn dật của Chúa Giêsu

531. Phần lớn cuộc đời Người, Chúa Giêsu đã chia sẻ thân phận của đại đa số con người: một cuộc sống thường ngày không có vẻ cao trọng nào, một cuộc sống lao động tay chân, một cuộc sống suy phục Luật Thiên Chúa trong Do Thái giáo[61] , một cuộc sống trong cộng đoàn. Về toàn bộ quãng đời này, chúng ta được mạc khải là Chúa Giêsu đã vâng phục cha mẹ Người[62]  và “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn, và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52).

532. Sự vâng phục của Chúa Giêsu đối với Mẹ Người và cha nuôi của Người là chu toàn cách trọn hảo điều răn thứ tư. Sự vâng phục ở trần gian là hình ảnh của sự vâng phục con thảo của Người đối với Cha trên trời của Người. Việc Chúa Giêsu hằng ngày vâng phục thánh Giuse và Mẹ Maria loan báo và tham dự trước vào sự tuân phục của lời cầu nguyện trong vườn Cây Dầu: “Xin đừng cho ý con thể hiện…” (Lc 22,42). Sự vâng phục của Đức Kitô trong các hoàn cảnh thường ngày của cuộc đời ẩn dật đã khởi đầu công trình tái tạo những gì mà ông Ađam đã phá huỷ vì bất tuân[63] .

533. Cuộc đời ẩn dật ở Nazareth cho phép mọi người hiệp thông với Chúa Giêsu qua những lối sống thông thường nhất:

“Ngôi nhà Nazareth là mái trường nơi chúng ta bắt đầu học về cuộc đời Chúa Giêsu; đây là trường dạy Tin Mừng. Trước hết là bài học về thinh lặng. Ước gì chúng ta biết quý chuộng sự thinh lặng, vì đó là bầu khí tuyệt vời và tối cần cho tâm hồn…. Kế đến là bài học về đời sống gia đình: Ước gì Nazareth dạy chúng ta biết gia đình là gì, sự hiệp thông tình yêu của gia đình là gì, vẻ đẹp quan trọng và bừng sáng của gia đình là gì, tính chất thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình là gì…. Sau cùng là bài học về lao động. Ôi Nazareth, ngôi nhà của “Con bác thợ mộc”, chính tại đây, chúng ta muốn hiểu biết và đề cao bổn phận lao động của con người, tuy nhọc nhằn nhưng đem lại ơn cứu chuộc…. Sau hết, tại đây chúng tôi muốn chào mừng mọi người lao động trên toàn thế giới, và chỉ cho họ một mẫu mực vĩ đại, là người anh thần linh của họ”[64] .

534. Việc tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền thờ[65]  là biến cố duy nhất phá vỡ sự im lặng của các sách Tin Mừng về những năm tháng ẩn dật của Chúa Giêsu. Ở đây, Chúa Giêsu cho chúng ta thoáng thấy mầu nhiệm của sự tận hiến của Người cho sứ vụ xuất phát từ tư cách làm Con Thiên Chúa của Người. “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49) Đức Maria và thánh Giuse “không hiểu” lời này, nhưng đón nhận lời ấy trong đức tin, và Đức Maria “hằng ghi nhớ những điều ấy trong lòng”, suốt những năm dài Chúa Giêsu ẩn mình trong sự thinh lặng của cuộc đời bình thường.

III. CÁC MẦU NHIỆM CỦA QUÃNG ĐỜI CÔNG KHAI CỦA CHÚA GIÊSU

MYSTERIA VITAE PUBLICAE IESU

Chúa Giêsu chịu phép rửa

535. Chúa Giêsu khởi đầu[66]  quãng đời công khai bằng việc Người chịu phép rửa của ông Gioan tại sông Giođan[67] . Ông Gioan rao giảng “phép rửa tỏ lòng thống hối để được ơn tha tội” (Lc 3,3). Đông đảo những người tội lỗi, thu thuế, binh lính[68] , Pharisêu và Sađoc[69] , cùng những cô gái điếm[70] , đến xin ông làm phép rửa. “Bấy giờ Chúa Giêsu đến”. Vị Tẩy Giả ngần ngại, nhưng Chúa Giêsu yêu cầu: Người chịu phép rửa. Lúc đó, Chúa Thánh Thần, lấy hình chim bồ câu, ngự xuống trên Chúa Giêsu, và có tiếng phán từ trời: “Đây là Con yêu dấu của Ta” (Mt 3,l3-l7). Đây là việc Chúa Giêsu tỏ mình ra (“Hiển Linh”) với tư cách là Đấng Messia của Israel và là Con Thiên Chúa.

536. Phép Rửa của Chúa Giêsu, về phần Người, là sự chấp nhận và khởi đầu sứ vụ của Người, với tư cách là Người Tôi Trung Đau Khổ. Người chấp nhận bị liệt vào hàng tội nhân[71] . Chính Người là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1,29); nay Người tham dự trước vào “phép rửa” là cái chết đẫm máu của Người[72] . Người đến để chu toàn “đức công chính” (Mt 3,l5), nghĩa là, Người hoàn toàn quy phục thánh ý của Cha Người: vì tình yêu, Người bằng lòng chịu phép rửa là cái chết để chúng ta được ơn tha thứ tội lỗi[73] . Đáp lại sự chấp nhận ấy, có tiếng của Chúa Cha tuyên bố Ngài hoàn toàn hài lòng về Con của mình[74] . Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giêsu đã có đầy tràn từ lúc được Người được thụ thai, nay đến để “ở lại” trên Người[75] . Chúa Giêsu sẽ là nguồn mạch ban Thánh Thần cho toàn thể nhân loại. Trong phép rửa của Người, “các tầng trời”, mà tội của ông Ađam đã đóng lại, nay được “mở ra cho Người” (Mt 3,l6); và dòng nước nhờ việc Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần ngự xuống được thánh hóa, để chuẩn bị cho một công trình tạo dựng mới.

537. Kitô hữu, nhờ bí tích Rửa Tội, được đồng hoá một cách bí tích với Chúa Giêsu, Đấng, trong phép rửa của mình, đã tham dự trước vào cái Chết và sự Sống Lại của mình; họ phải tiến vào mầu nhiệm của sự khiêm tốn quy phục và thống hối này, bước xuống nước cùng với Chúa Giêsu để cùng với Người bước lên, và phải được tái sinh bởi nước và Chúa Thánh Thần để trở nên con yêu dấu của Chúa Cha trong Chúa Con và “sống một đời sống mới” (Rm 6,4):

“Chúng ta hãy cùng chịu mai táng với Đức Kitô bằng Phép Rửa, để cùng được phục sinh với Người; hãy cùng bước xuống với Người, để đồng thời cũng được nâng lên; chúng ta hãy cùng đi lên với Người, để đồng thời cũng được tôn vinh”[76] .

“Nhờ những gì đã được hoàn thành nơi Đức Kitô, chúng ta biết rằng: sau khi chúng ta được tẩy rửa trong nước và Chúa Thánh Thần từ trời ngự xuống trên chúng ta, thì chúng ta được xức dầu vinh quang thiên quốc và trở thành con cái Thiên Chúa nhờ có tiếng của Chúa Cha nhận cho làm nghĩa tử”[77] .

Chúa Giêsu chịu cám dỗ

538. Các sách Tin Mừng có nói đến một thời gian Chúa Giêsu sống cô tịch trong hoang địa, ngay sau khi Người nhận phép rửa của ông Gioan. “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa” (Mc 1,12) và Chúa Giêsu ở lại đó bốn mươi ngày không ăn; Người sống giữa các dã thú và các Thiên thần hầu hạ Người.[78]  Cuối thời gian này, Satan cám dỗ Người ba lần nhằm đặt vấn đề về thái độ con thảo của Người đối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đẩy lui các cuộc tấn công này, chúng thu tóm cơn cám dỗ của ông Ađam trong vườn địa đàng và những cơn cám dỗ của dân Israel trong hoang địa, rồi ma quỷ bỏ Người mà đi, “chờ đợi thời cơ” (Lc 4,l3).

539. Các tác giả Tin Mừng nêu rõ ý nghĩa cứu độ của biến cố bí nhiệm này. Chúa Giêsu là Ađam mới, Người vững lòng trung thành ở chỗ Ađam cũ đã đầu hàng cơn cám dỗ. Chúa Giêsu thực hiện cách hoàn hảo ơn gọi của dân Israel: trái hẳn với những kẻ xưa kia đã thách thức Thiên Chúa suốt bốn mươi năm trong hoang địa[79] , Chúa Giêsu được mạc khải như Người Tôi Trung của Thiên Chúa, hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Trong việc này, Chúa Giêsu toàn thắng ma quỷ: Người đã trói kẻ mạnh và thu lại tài sản nó đã cướp[80] . Chiến thắng của Chúa Giêsu trước kẻ cám dỗ trong hoang địa báo trước chiến thắng của cuộc khổ nạn, là sự vâng phục tuyệt đối trong tình yêu con thảo của Người đối với Chúa Cha. 

540. Cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu cho thấy cách thế Con Thiên Chúa là Đấng Messia, trái ngược hẳn điều Satan xúi giục Người và người ta muốn gán cho Người[81] . Chính vì thế, Đức Kitô chiến thắng Tên cám dỗ là chiến thắng cho chúng ta: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Mỗi năm, qua bốn mươi ngày Mùa Chay, Hội Thánh kết hợp với mầu nhiệm Chúa Giêsu trong hoang địa. 

“Nước Thiên Chúa đã đến gần” 

541. “Sau khi ông Gioan bị nộp, Chúa Giêsu đến miền Galilêa, rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: ‘Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’” (Mc 1,14-15). “Để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Đức Kitô đã khởi đầu Nước Trời nơi trần gian”[82]. Và thánh ý Chúa Cha là “nâng loài người lên, cho họ được dự phần vào sự sống của Thiên Chúa”[83]. Thiên Chúa thực hiện điều này bằng cách quy tụ người ta quanh Con của Ngài, là Chúa Giêsu Kitô. Cộng đồng được quy tụ này, chính là Hội Thánh, là “hạt giống và điểm khởi đầu của Nước Thiên Chúa” trên trần gian[84]

542. Đức Kitô là trung tâm của cộng đồng nhân loại này trong “gia đình của Thiên Chúa”. Người triệu tập họ quanh Người bằng lời nói, bằng những dấu chỉ biểu lộ Nước Thiên Chúa, bằng việc sai phái các môn đệ của Người. Người sẽ làm cho Nước Người đến, chủ yếu nhờ mầu nhiệm cao cả là cuộc Vượt Qua của Người, tức là cái Chết trên thập giá và sự Sống lại của Người. “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Mọi người đều được mời gọi tham dự vào sự kết hợp này với Đức Kitô[85].

Chúa Giêsu loan báo Nước Thiên Chúa

543. Mọi người đều được mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa. Nước này của Đấng Messia trước tiên được loan báo cho con cái Israel[86] , nhưng hướng đến việc đón nhận mọi người thuộc mọi dân tộc[87] . Để vào Nước Thiên Chúa, cần phải đón nhận lời của Chúa Giêsu:

“Lời Chúa được ví như hạt giống gieo trong ruộng: ai nghe Lời Chúa với đức tin và gia nhập đàn chiên nhỏ của Đức Kitô, thì đã đón nhận chính Nước Người; rồi do sức của nó, hạt giống nẩy mầm và lớn lên cho tới mùa gặt”[88] .

544. Nước Thiên Chúa thuộc về những người nghèo hèn và bé mọn, nghĩa là, những người đón nhận Nước ấy với tâm hồn khiêm tốn. Đức Kitô được sai đến để “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,l8)[89] . Người tuyên bố rằng họ có phúc, “vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3); Chúa Cha đã thương mạc khải cho những kẻ “bé mọn” này điều Người giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết[90] . Chúa Giêsu, từ máng cỏ cho tới thập giá, đã chia sẻ kiếp sống của những kẻ nghèo hèn; Người đã từng chịu đói[91] , chịu khát[92] , chịu thiếu thốn[93] . Hơn thế nữa, Người tự đồng hóa mình với mọi hạng người nghèo hèn và coi lòng yêu thương tích cực đối với họ là điều kiện để được vào Nước của Người[94] .

545. Chúa Giêsu mời những kẻ tội lỗi vào bàn tiệc Nước Thiên Chúa: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17)[95] . Người mời gọi họ hối cải, vì không hối cải thì không thể vào Nước Người, nhưng Người cũng dùng lời nói và hành động cho họ thấy lòng thương xót vô biên của Cha Người đối với họ[96] , và “trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc l5,7). Bằng chứng cao cả nhất của tình yêu này, là việc Người dâng hiến mạng sống mình “cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28).

546. Chúa Giêsu kêu gọi người ta vào Nước Trời, bằng cách dùng các dụ ngôn, là nét đặc trưng trong cách giảng dạy của Người[97] . Qua các dụ ngôn, Người mời vào dự tiệc Nước Trời[98] , nhưng Người cũng đòi phải có một lựa chọn triệt để: để đạt được Nước Trời, cần phải cho đi mọi sự[99] ; lời nói suông không đủ, cần phải có việc làm[100] . Các dụ ngôn như những tấm gương đối với con người: họ đón nhận Lời Chúa chỉ như mảnh đất khô khan hay mảnh đất mầu mỡ?[101]  Họ làm gì với những nén bạc đã nhận?[102]  Chúa Giêsu và sự hiện diện của Nước Trời trong trần gian, một cách kín đáo, nằm ở trung tâm của các dụ ngôn. Cần phải tiến vào Nước Trời, nghĩa là, phải trở nên môn đệ Đức Kitô, mới “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13,11). Còn đối với những kẻ “ở ngoài” (Mc 4,11), mọi sự đều bí ẩn[103] .

Các dấu chỉ Nước Thiên Chúa

547. Kèm theo những lời Người nói, Chúa Giêsu đã làm “những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ” (Cv 2,22) để cho thấy Nước Trời đang hiện diện nơi Người. Chúng chứng tỏ Chúa Giêsu chính là Đấng Messia đã được tiên báo[104] .

548. Các dấu lạ do Chúa Giêsu thực hiện minh chứng Chúa Cha đã sai Người đến[105] . Chúng mời gọi ta hãy tin vào Người[106] . Những ai đến với Người bằng đức tin, đức tin cho họ được điều họ thỉnh cầu[107] . Lúc đó, các phép lạ củng cố lòng tin vào Người, Đấng thực hiện các công việc của Cha Người: chúng chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa[108] . Nhưng chúng cũng có thể là cớ vấp ngã[109] . Quả vậy, chúng không nhằm thỏa mãn trí tò mò, và lòng ưa chuộng ma thuật. Bất chấp những phép lạ hết sức tỏ tường của Người, Chúa Giêsu vẫn bị một số người loại bỏ[110] , thậm chí Người còn bị tố cáo là hành động nhờ ma quỷ[111] .

549. Khi giải thoát một số người khỏi những sự dữ đời này như đói khát[112] , bất công[113] , bệnh tật và cái chết[114] , Chúa Giêsu đã thực hiện các dấu chỉ Người là Đấng Messia. Tuy nhiên, Người không đến để loại trừ mọi điều xấu khỏi trần gian này[115] , nhưng để giải thoát con người khỏi ách nô lệ nặng nề nhất, là ách nô lệ của tội lỗi[116] , thứ ách nô lệ này ngăn cản họ trong ơn gọi của họ là làm con cái Thiên Chúa, và gây ra mọi hình thức nô lệ giữa con người.

550. Khi Nước Thiên Chúa trị đến là lúc nước Satan bị sụp đổ[117] : “Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt l2,28). Những việc trừ quỷ do Chúa Giêsu thực hiện, giải phóng người ta khỏi quyền thống trị của ma quỷ[118] . Những việc ấy báo trước sự chiến thắng cao cả của Chúa Giêsu trên “thủ lãnh thế gian này”[119] . Nhờ thập giá của Đức Kitô mà Nước Thiên Chúa sẽ được thiết lập vĩnh viễn: “Thiên Chúa đã cai trị từ cây gỗ”[120] .

“Chìa khóa Nước Trời”

551. Chúa Giêsu, khi khởi đầu đời sống công khai của Người, đã chọn Nhóm Mười Hai người đàn ông để các ông ở với Người và tham dự vào sứ vụ của Người[121] . Người cho các ông tham dự vào quyền hành của Người và “sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân” (Lc 9,2). Các ông được liên kết vĩnh viễn với Nước của Đức Kitô, bởi vì Người sẽ dùng các ông mà điều khiển Hội Thánh:

“Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự toà xét xử mười hai chi tộc Israel” (Lc 22,29-30).

552. Trong nhóm Mười Hai, ông Simon Phêrô giữ địa vị thứ nhất[122] ; Chúa Giêsu ủy thác cho ông một sứ vụ độc đáo. Nhờ Chúa Cha mạc khải, ông Phêrô tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Lúc đó Chúa chúng ta liền tuyên bố với ông: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt l6,l8). Đức Kitô, “Viên đá sống động”[123] , bảo đảm rằng Hội Thánh mà Người xây dựng trên Tảng Đá Phêrô sẽ chiến thắng quyền lực tử thần. Nhờ đức tin ông đã tuyên xưng, ông Phêrô sẽ mãi là Tảng Đá kiên vững của Hội Thánh. Ông có sứ vụ gìn giữ đức tin được toàn vẹn và làm cho các anh em mình nên vững mạnh trong đức tin[124] .

553. Chúa Giêsu ủy thác cho ông Phêrô một thẩm quyền đặc biệt: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời; dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,19). “Quyền chìa khoá” là quyền cai quản Nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh. Chúa Giêsu, “Mục Tử nhân lành” (Ga 10,11) xác nhận nhiệm vụ đó sau khi Người phục sinh: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,15-17). Quyền “cầm buộc và tháo cởi” có nghĩa là quyền tha tội, quyền đưa ra những phán quyết về giáo lý và những quyết định về kỷ luật trong Hội Thánh. Chúa Giêsu ủy thác quyền này cho Hội Thánh qua thừa tác vụ của các Tông Đồ[125] , và đặc biệt của ông Phêrô, người duy nhất Chúa minh nhiên trao phó chìa khóa Nước Trời.

Nếm trước Nước Trời: Chúa Hiển Dung

554. Từ ngày ông Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Chúa Giêsu “bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết, Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ…, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Ông Phêrô khước từ lời loan báo đó[126] , các môn đệ khác cũng không hiểu gì hơn[127] . Chính trong bối cảnh này, đã xảy ra biến cố kỳ diệu là cuộc Hiển Dung của Chúa Giêsu[128]  trên núi cao, trước mặt ba nhân chứng do Người lựa chọn, là các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Dung mạo và y phục của Chúa Giêsu trở nên chói sáng, ông Môisen và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người, “nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9,31). Một đám mây bao phủ các Ngài và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).

555. Chúa Giêsu tỏ lộ vinh quang thần linh của mình trong chốc lát, và như vậy Người xác nhận lời tuyên xưng của ông Phêrô. Người cũng cho thấy rằng, để “vào trong vinh quang của Người” (Lc 24,26), Người phải đi qua thập giá tại Giêrusalem. Ông Môisen và ông Êlia đã thấy vinh quang của Thiên Chúa trên núi; Lề luật và các Tiên tri đã tiên báo những đau khổ của Đấng Messia[129] . Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đúng là do ý muốn của Chúa Cha: Chúa Con hành động với tư cách là Người Tôi Trung của Thiên Chúa[130] . Đám mây nói lên sự hiện diện của Chúa Thánh Thần: “Cả Ba Ngôi cùng xuất hiện, Chúa Cha trong tiếng nói, Chúa Con trong nhân tính của mình, Chúa Thánh Thần trong đám mây sáng chói”[131] :

“Lạy Chúa Kitô là Thiên Chúa, Chúa đã hiển dung trên núi và, tuỳ theo khả năng, các môn đệ Chúa chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, để mai sau khi thấy Chúa chịu đóng đinh thập giá, họ hiểu rằng Chúa đã tự nguyện chịu khổ hình. Rồi họ sẽ loan báo cho thế giới biết Chúa chính là vinh quang Chúa Cha chiếu toả”[132] .

556. Tại ngưỡng cửa đời sống công khai: phép rửa; tại ngưỡng cửa cuộc Vượt Qua: biến cố Hiển Dung. Qua phép rửa của Chúa Giêsu, “mầu nhiệm cuộc tái sinh lần thứ nhất” được loan báo: đó là bí tích Rửa Tội của chúng ta; Hiển Dung là “bí tích của cuộc tái sinh lần thứ hai”: đó là sự phục sinh riêng của chúng ta.[133]  Ngay từ bây giờ, chúng ta được tham dự vào sự phục sinh của Chúa, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong các bí tích của Thân Thể Chúa Kitô. Biến cố Hiển Dung cho chúng ta được nếm trước việc ngự đến trong vinh quang của Chúa Kitô, Đấng “sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21). Nhưng biến cố ấy cũng nhắc nhở chúng ta rằng: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22).

“Khi ông Phêrô ước ao sống với Đức Kitô trên núi, ông chưa hiểu gì[134] . Hỡi ông Phêrô, Chúa sẽ chỉ dành cho ông điều đó, sau khi chết. Còn hiện nay thì Chúa nói: Hãy xuống núi để chịu lao nhọc ở trần gian, để phục vụ ở trần gian, để chịu sỉ nhục, chịu đóng đinh ở trần gian. Đấng là Sự Sống, đã xuống để bị giết; Đấng là Bánh, đã xuống để chịu đói; Đấng là Đường, đã xuống để chịu mệt nhọc trên đường; Đấng là Nguồn Mạch, đã xuống để chịu khát; còn ông lại từ chối lao nhọc ư?”[135] .

Chúa Giêsu lên Giêrusalem

557. “Khi đã tới ngày Chúa Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (Lc 9,5l)[136] . Qua quyết định này, Chúa Giêsu tỏ cho thấy Người lên Giêrusalem trong tư thế sẵn sàng để chịu chết ở đó. Người đã loan báo đến ba lần cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Người[137] . Khi tiến về Giêrusalem, Người nói: “Một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được!” (Lc l3,33).

558. Chúa Giêsu gợi lại cái chết của các Tiên tri, đã bị giết ở Giêrusalem[138] . Dù sao, Người vẫn khẩn khoản kêu gọi Giêrusalem quy tụ quanh Người: “Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu” (Mt 23,37b). Khi nhìn thấy Giêrusalem, Người khóc thương thành ấy[139]  và một lần nữa thốt lên ao ước của lòng Người: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được” (Lc 19,42).

Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Messia

559. Giêrusalem sẽ đón nhận Đấng Messia của mình như thế nào? Chúa Giêsu, Đấng luôn trốn tránh mọi ý đồ của dân chúng muốn tôn Người làm vua[140] , đã chọn thời điểm và chuẩn bị kỹ lưỡng để tiến vào Giêrusalem, thành của “Đavid, tổ tiên Người” (Lc l,32) với tư cách là Đấng Messia[141] . Người được dân chúng hoan hô như con vua Đavid, như Đấng mang lại ơn cứu độ (Hosanna có nghĩa là “xin cứu”, “xin ban ơn cứu độ!”). Nhưng “Đức Vua vinh hiển” (Tv 24,7-l0) lại “ngồi trên lưng lừa con” (Dcr 9,9) tiến vào thành: Người không chinh phục Thiếu nữ Sion, hình ảnh của Hội Thánh Người, bằng mưu mẹo hay bằng bạo lực, nhưng bằng sự khiêm tốn, là bằng chứng của sự thật[142] . Vì vậy, ngày hôm đó, thần dân của Nước Người là các trẻ em[143]  và “những người nghèo của Thiên Chúa”, họ tung hô Người giống như các Thiên thần đã loan báo Người cho các mục đồng[144] . Lời tung hô của họ: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Tv 118,26) được Hội Thánh dùng lại trong kinh “Thánh! Thánh! Thánh!” để mở đầu phụng vụ Thánh Thể tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa.

560. Việc Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem tỏ cho thấy Nước Thiên Chúa đang đến. Sự kiện đó, Đức Vua Messia sắp hoàn thành bằng cuộc Vượt Qua, là sự Chết và sự Sống lại của Người. Phụng vụ Hội Thánh khởi đầu Tuần Thánh bằng việc cử hành biến cố Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem, trong Chúa Nhật Lễ Lá.

TÓM LƯỢC

561. “Cả cuộc đời của Đức Kitô là một giáo huấn liên tục: những lúc Người thinh lặng, các dấu lạ Người làm, việc Người cầu nguyện, tấm lòng yêu thương của Người đối với con người, sự quan tâm đặc biệt của Người đối với những người bé mọn và nghèo hèn, việc Người hoàn toàn chấp nhận hiến mình trên thập giá để cứu chuộc loài người, và cuối cùng việc Người sống lại, tất cả là sự thực hiện lời Người và sự hoàn tất Mạc Khải của Người”[145] .

562. Các môn đệ Đức Kitô phải nên giống Người cho tới khi Người được thành hình trong họ[146] . “Chúng ta được thâu nhận vào các mầu nhiệm của cuộc đời Người, nên đồng hình đồng dạng với Người, cùng chết và cùng sống lại với Người, cho tới khi cùng cai trị với Người”[147] .

563. Con người, hoặc mục đồng hoặc đạo sĩ, không thể gặp được Thiên Chúa ở trần gian này, nếu không quỳ xuống trước máng cỏ Bêlem và thờ lạy Thiên Chúa ẩn mình trong sự yếu đuối của một hài nhi.

564. Chúa Giêsu, qua việc tuân phục Đức Maria và thánh Giuse, và qua việc lao động khiêm nhường trong những năm dài ở Nazareth, nêu gương thánh thiện cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày trong gia đình và trong việc lao động.

565. Chúa Giêsu, ngay từ lúc khởi đầu đời sống công khai của Người, lúc Người chịu phép rửa, là “Người Tôi Trung” hoàn toàn hiến thân cho công trình Cứu Độ, công trình này sẽ được hoàn tất trong “phép rửa” là cuộc khổ nạn của Người.

566. Các cơn cám dỗ trong hoang địa cho thấy Chúa Giêsu, Đấng Messia khiêm nhường, đã chiến thắng Satan nhờ việc Người gắn bó trọn vẹn với kế hoạch cứu độ theo ý muốn của Chúa Cha.

567. Đức Kitô đã khai mạc Nước Trời nơi trần gian. “Thật sự, Nước này chiếu sáng trước mặt mọi người qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Chúa Kitô”[148] . Hội Thánh là hạt giống và điểm khởi đầu của Nước Trời. Chìa khóa Nước Trời được trao cho ông Phêrô.

568. Cuộc Hiển Dung của Chúa Kitô nhằm mục đích củng cố đức tin của các Tông Đồ để chuẩn bị cho cuộc khổ nạn: việc leo lên “núi cao” chuẩn bị cho việc leo lên đồi Calvariô. Đức Kitô, Đầu của Hội Thánh, biểu lộ điều Thân Thể Người ao ước và là điều được phản ánh trong các bí tích: đó là “niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1,27)[149] .

569. Chúa Giêsu tự nguyện lên Giêrusalem dù biết rằng tại đây Người sẽ phải chết cách khổ nhục vì sự thù nghịch của những kẻ tội lỗi[150] .

570. Việc Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem cho thấy Nước Trời đang đến. Đức Vua Messia, mà trẻ em và những người có tâm hồn nghèo hèn nghênh đón, sẽ hoàn thành Nước Trời bằng cuộc Vượt Qua, là cái Chết và sự Sống lại của Người.


[1] X. Ga 20,30.

[2] X. Mc 1,1; Ga 21,24.

[3] X. Lc 2,7.

[4] X. Mt 27,48.

[5] X. Ga 20,7.

[6] X. Dt 10,5-7.

[7] X. 1 Ga 4,9.

[8] X. Ep 1,7; Cl 1,13-14 (Vulgata); 1 Pr 1,18-19.

[9] X. 2 Cr 8,9.

[10] X. Lc 2,51.

[11] X. Ga 15,3.

[12] X. Is 53,4.

[13] X. Rm 4,25.

[14] Thánh Irênê, Adversus haereses, 3, 18, 1: SC 211, 342-344 (PG 7, 932).

[15] Thánh Irênê, Adversus haereses, 3, 18, 7: SC 211, 366 (PG 7, 937); x. Id., Adversus haereses, 2, 22, 4: SC 294, 220-222 (PG 7, 784).

[16] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor hominis, 11: AAS 71 (1979) 278.

[17] Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli: DS 150.

[18] X. Rm 15,5; Pl 2,5.

[19] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 38: AAS 58 (1966) 1055.

[20] X. Ga 13,15.

[21] X. Lc 11,1.

[22] X. Mt 5,11-12.

[23] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966) 1042.

[24] Thánh Gioan Eudes, Le royaume de Jésus, 3,4: Oeuvres complètes, v.1 (Vannes 1905) 310-311.

[25] X. Dt 9,15.

[26] X. Cv 13,24.

[27] X. Mt 3,3.

[28] X. Lc 7,26.

[29] X. Mt 11,13.

[30] X. Cv 1,22; Lc 16,16.

[31] X. Lc 1,41.

[32] X. Mc 6,17-29.

[33] X. Kh 22,17.

[34] X. Lc 2,6-7.

[35] X. Lc 2,8-20.

[36] Thánh Rômanô Mêlôđô,Kontakion, 10, In diem Nativitatis Christi, Prooemium: SC 110, 50.

[37] X. Mt 18,3-4.

[38] X. Mt 23,12.

[39] X. Ga 1,13.

[40] X. Ga 1,12.

[41] X. Gl 4,19.

[42] X. Lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Điệp Ca Kinh Chiều I và II: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v.1 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 385 và 397.

[43] X. Lc 2,21.

[44] X. Gl 4,4.

[45] X. Cl 2,11-13.

[46] X. Lễ trọng mừng Chúa Hiển Linh, Điệp Ca kinh “Magnificat”, Kinh Chiều II: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v.1 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 465.

[47] X. Mt 2,1.

[48] X. Mt 2,2.

[49] X. Ds 24,17; Kh 22,16.

[50] X. Ds 24,17-19.

[51] X. Ga 4,22.

[52] X. Mt 2,4-6.

[53] X. Thánh Lêô Cả, Sermo 33, 3: CCL 138, 173 (PL 54, 242).

[54] Canh thức Vượt Qua, Lời nguyện sau bài đọc thứ III: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 277.

[55] X. Lc 2,22-39.

[56] X. Xh 13,12-13.

[57] X. Mt 2,13-18.

[58] X. Ga 15,20.

[59] X. Mt 2,15.

[60] X. Os 11,1.

[61] X. Gl 4,4.

[62] X. Lc 2,51.

[63] X. Rm 5,19.

[64] ĐGH Phaolô VI, Homilia in templo Annuntiationis beatae Mariae Virginis in Nazareth(5-1-1964): AAS 56 (1964) 167-168.

[65] X. Lc 2,41-52.

[66] X. Lc 3,23.

[67] X. Cv 1,22.

[68] X. Lc 3,10-14.

[69] X. Mt 3,7.

[70] X. Mt 21,32.

[71] X. Is 53,12.

[72] X. Mc 10,38; Lc 12,50.

[73] X. Mt 26,39.

[74] X. Lc 3,22; Is 42,1.

[75] X. Ga 1,32-33; Is 11,2.

[76] Thánh Grêgôriô Nazianzênô, Oratio 40, 9: SC 358, 216 (PG 36, 369).

[77] Thánh Hilariô, In evangelium Matthaei, 2, 6: SC 254, 110 (PL 9, 927).

[78] X. Mt 1,13.

[79] X. Tv 95,10.

[80] X. Mc 3,27.

[81] X. Mt 16,21-23.

[82] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3: AAS 57 (1965) 6.

[83] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 2: AAS 57 (1965) 5-6.

[84] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5: AAS 57 (1965) 8.

[85] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3: AAS 57 (1965) 6.

[86] X. Mt 10,5-7.

[87] X. Mt 8,11; 28,19.

[88] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5: AAS 57 (1965) 7.

[89] X. Lc 7,22.

[90] X. Mt 11,25.

[91] X. Mc 2,23-26; Mt 21,18.

[92] X. Ga 4,6-7; 19,28.

[93] X. Lc 9,58.

[94] X. Mt 25,31-46.

[95] X. 1 Tm 1,15.

[96] X. Lc 15,11-32.

[97] X. Mc 4,33-34.

[98] X. Mt 22,1-14.

[99] X. Mt 13,44-45.

[100] X. Mt 21,28-32.

[101] X. Mt 13,3-9.

[102] X. Mt 25,14-30.

[103] X. Mt 13,10-15.

[104] X. Lc 7,18-23.

[105] X. Ga 5,36; 10,25.

[106] X. Ga 10,38.

[107] X. Mc 5,25-34; 10,52.

[108] X. Ga 10,31-38.

[109] X. Mt 11,6.

[110] X. Ga 11,47-48.

[111] X. Mc 3,22.

[112] X. Ga 6,5-15.

[113] X. Lc 19,8.

[114] X. Mt 11,5.

[115] X. Lc 12,13-14; Ga 18,36.

[116] X. Ga 8,34-36.

[117] X. Mt 12,26.

[118] X. Lc 8,26-39.

[119] X. Ga 12,31.

[120] Vênantiô Fortunatô, Hymnus “Vexilla Regis”: MGH 1/4/1, 34 (PL 88, 96).

[121] X. Mc 3,13-19.

[122] X. Mc 3,16; 9,2; Lc 24,34; 1 Cr 15,5.

[123] X. 1 Pr 2,4.

[124] X. Lc 22,32.

[125] X. Mt 18,18.

[126] X. Mt 16,22-23.

[127] X. Mt 17,23; Lc 9,45.

[128] X. Mt 17,1-8; 2 Pr 1,16-18.

[129] X. Lc 24,27.

[130] X. Is 42,1.

[131] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, q. 45, a. 4, ad 2: Ed. Leon. 11, 433.

[132] Phụng vụ Byzantin. Kontakion in die Transfigurationis: Menaia tou olou eniautou, v. 6 (Romae 1901) 341.

[133] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, q. 45, a. 4, ad 2: Ed. Leon. 11, 433.

[134] X. Lc 9,23.

[135] Thánh Augustinô, Sermo 78, 6: PL 38, 492-493.

[136] X. Ga 13,1.

[137] X. Mc 8,31-33; 9,31-32; 10,32-34.

[138] X. Mt 23,37a.

[139] X. Lc 19,41.

[140] X. Ga 6,15.

[141] X. Mt 21,1-11.

[142] X. Ga 18,37.

[143] X. Mt 21,15-16; Tv 8,3.

[144] X. Lc 19,38; 2,14.

[145] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Catechesi tradendae, 9: AAS 71 (1979) 1284.

[146] X. Gl 4,19.

[147] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 7: AAS 57 (1965) 10.

[148] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5: AAS 57 (1965) 7.

[149] X. Thánh Lêô Cả, Sermo 51, 3: CCL 138A, 298-299 (PL 54, 310).

[150] X. Dt 12,3.

 


Sách Giáo Lý Công Giáo