SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

TIẾT 3 CHÚA GIÊSU KITÔ ĐƯỢC “TÁNG XÁC”

(giaolyductin.net24/10/13, 10:55 am)

Tiết 3
Chúa Giêsu Kitô được “táng xác”

Paragraphus 3

Iesus Christus sepultus est

624. Chúa Giêsu “đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa” (Dt 2,9). Trong kế hoạch cứu độ của Ngài, Thiên Chúa đã định cho Con của Ngài không những phải chết “vì tội lỗi chúng ta” (1 Cr 15,3), nhưng còn phải “nếm sự chết”, nghĩa là, biết tình trạng của sự chết, tình trạng linh hồn Người và thân thể Người tách rời nhau một thời gian, từ lúc Người tắt thở trên thập giá cho đến lúc Người sống lại. Tình trạng Chúa Giêsu chịu chết là mầu nhiệm của việc mai táng và việc xuống ngục tổ tông. Đó là mầu nhiệm của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh trong đó Đức Kitô, được đặt trong mồ[1], biểu lộ sự nghỉ ngơi cao cả của Thiên Chúa vào ngày sabat[2], sau khi hoàn tất công trình cứu độ loài người[3], đem lại bình an cho khắp trần gian[4].

Thân thể Đức Kitô ở trong mộ

625. Khoảng thời gian Đức Kitô ở trong mộ thật sự nối kết tình trạng còn chịu đau đớn trước cuộc Vượt Qua của Người, với tình trạng vinh hiển hiện tại của Đấng Phục Sinh. Chính Ngôi Vị của “Đấng Hằng Sống” có thể nói: “Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời” (Kh 1,18):

“Đây là mầu nhiệm của sự sắp đặt của Thiên Chúa đối với cái Chết và sự Sống Lại từ cõi chết của Con Ngài, là bằng cái chết, linh hồn quả thật bị tách biệt khỏi thân thể, và Ngài đã không ngăn cản hậu quả tất yếu của tự nhiên; tuy nhiên, nhờ sự Sống Lại, mọi sự đã lại kết hợp với nhau nơi Người, đến độ Người thật sự trở thành giao điểm của sự chết và sự sống: để Đấng đã thiết lập điều tự nhiên bị tách biệt bằng cái chết, thì chính Người đã là nguyên lý kết hợp những gì đã bị tách biệt”[5].

626. Bởi vì “Đấng khơi nguồn sự sống” đã bị giết[6] cũng là “Đấng hằng sống đã phục sinh”[7], nên tất yếu là Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa vẫn tiếp tục đảm nhận linh hồn và thân thể của Người khi cả hai bị tách biệt với nhau vì cái chết:

“Vì vậy, mặc dầu Đức Kitô, như một người, đã chết, và linh hồn thánh của Người đã lìa khỏi thân thể tinh tuyền của Người, nhưng thần tính không tách biệt khỏi bên nào, không hề tách biệt khỏi linh hồn cũng không hề tách biệt khỏi thân thể: Ngôi Vị duy nhất của Người không bị chia ra thành hai. Quả vậy, thân thể và linh hồn ngay từ đầu đã hiện hữu trong Ngôi Vị của Ngôi Lời; và mặc dầu hồn xác bị tách biệt nhau trong sự chết, nhưng cả hai vẫn luôn hiện hữu nơi Ngôi Vị duy nhất của Ngôi Lời”[8].

“Chúa không để Đấng Thánh của Ngài phải hư nát”

627. Cái chết của Đức Kitô cái chết thật, vì đã chấm dứt cuộc đời nhân loại nơi trần thế của Người. Nhưng vì sự kết hợp của Ngôi Vị Chúa Con với thân thể của Người, nên thân thể ấy không trở thành một xác chết giống như trong những trường hợp khác, “vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi” (Cv 2,24), và do đó, “quyền năng của Thiên Chúa đã gìn giữ thân thể Đức Kitô khỏi hư nát”[9]. Về Đức Kitô, đồng thời người ta vừa có thể nói: “Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh” (Is 53,8), vừa có thể nói: “Cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát” (Cv 2,26-27)[10]. Sự Sống Lại của Đức Kitô “ngày thứ ba” (1 Cr 15,4; Lc 24,46)[11] là dấu chỉ của điều đó, cũng bởi vì người ta cho rằng sự hư nát được biểu lộ từ ngày thứ tư[12].

“Cùng chịu mai táng với Đức Kitô...”

628. Bí tích Rửa Tội, mà dấu chỉ nguyên thuỷ và đầy đủ của bí tích này là việc dìm xuống nước, nói lên cách hiệu nghiệm việc Kitô hữu xuống mộ để người ấy cùng với Đức Kitô chết cho tội lỗi, hầu tiến vào một đời sống mới: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4)[13].

TÓM LƯỢC

629. Chúa Giêsu đã nếm sự chết vì mọi người[14]. Con Thiên Chúa làm người đã chết thật sự và đã được mai táng thật sự.

630. Trong thời gian Đức Kitô ở trong mộ, Ngôi Vị thần linh của Người vẫn luôn đảm nhận cả linh hồn cả thân thể của Người, tuy lúc đó hai bên bị cái chết tách biệt. Vì vậy, thân thể của Đức Kitô đã chết mà “không phải hư nát” (Cv 13,37).


[1] X. Ga 19,42.

[2] X. Dt 4,4-9.

[3] X. Ga 19,30.

[4] X. Cl 1,18-20.

[5] Thánh Grêgôriô Nyssenô, Oratio catechetica 16, 9: TD 7, 90 (PG 45, 52).

[6] X. Cv 3,15.

[7] X. Lc 24,5-6.

[8] Thánh Gioan Đamascênô,Expositio fidei, 71 [De fide orthodoxa 3, 27]: PTS 12, 170 (PG 94, 1098).

[9] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, 51, 3, ad 2; Ed. Leon. 11, 490.

[10] X. Tv 16,9-10.

[11] X. Mt 12,40; Ga 2,1; Os 6,2.

[12] X. Ga 11,39.

[13] X. Cl 2,12; Ep 5,26.

[14] X. Dt 2,9.

[15] Canh thức Vượt qua, Công bố Tin mừng Phục sinh (“Exsultet”): Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 273 et 275.

[16] X. Cv 3,15; Rm 8,11.

[17] X. Dt 13,20.

[18] X. 1 Pr 3,18-19.

[19] X. Pl 2,10; Cv 2,24; Kh 1,18; Ep 4,9.

[20] X. Tv 6,6; 88,11-13.

[21] X. Tv 89,49; 1 Sm 28,19; Ed 32,17-32.

[22] X. Lc 16,22-26.

[23] Catechismus Romanus, 1, 6, 3: ed. Rodriguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 71.

[24] X. CĐ Rôma (năm 745), De descensu Christi ad inferos: DS 587.

[25] X. ĐGH Bênêđictô XII, Libellus Cum dudum (năm 1341), 18: DS 1011; ĐGH Clêmentê VI, Epistula Super quibusdam (năm 1351), c. 15, 13: DS 1077.

[26] X. CĐ Tôlêđô IV (năm 633), Capitulum, 1: DS 485; Mt 27,52-53.

[27] X. Mt 12,40; Rm 10,7; Ep 4,9.

[28] X. Cv 3,15.

[29] Antiqua homilia in sancto et magno Sabbato: PG 43, 440. 452. 461.

 


Sách Giáo Lý Công Giáo