SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - CHƯƠNG
BA TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN
(giaolyductin.net28/11/13,
12:14 pm)
CHƯƠNG BA
TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN
CAPUT TERTIUM
CREDO IN SPIRITUM SANCTUM
683. “Không ai có thể nói rằng: ‘Đức
Giêsu là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3). “Thiên Chúa
đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Abba, Cha
ơi!’” (Gl 4,6). Sự nhận biết đó của đức tin chỉ có thể có được trong Chúa Thánh
Thần. Để được hiệp thông với Đức Kitô, trước hết cần phải được Chúa Thánh Thần
đánh động. Ngài đến với chúng ta trước và khơi dậy đức tin trong chúng ta. Nhờ
phép Rửa Tội của chúng ta, là bí tích đầu tiên của đức tin, mà sự sống, vốn bắt
nguồn nơi Chúa Cha và được ban cho chúng ta trong Chúa Con, được truyền thông
một cách thân mật và cá vị bởi Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh:
Bí tích Rửa Tội “ban cho chúng ta ơn tái sinh trong Chúa Cha, nhờ
Con của Ngài, trong Chúa Thánh Thần. Bởi vì những ai mang Thần Khí Thiên Chúa,
thì được dẫn đến với Ngôi Lời, nghĩa là đến với Chúa Con; nhưng Chúa Con trình
diện họ với Chúa Cha và Chúa Cha ban cho họ sự bất diệt. Vì vậy, không có Thần
Khí thì không thể thấy Con Thiên Chúa, và không có Chúa Con thì không ai có thể
đến gần Chúa Cha, bởi vì Chúa Con là sự nhận biết Chúa Cha, và sự nhận biết Con
Thiên Chúa là nhờ Chúa Thánh Thần”[1].
684. Chúa Thánh Thần, bằng ân sủng
của mình, là Đấng đầu tiên trong việc khơi dậy đức tin của chúng ta và trong sự
sống mới, sự sống đó là nhận biết Chúa Cha và Đấng Chúa Cha đã sai đến là Chúa
Giêsu Kitô[2]. Tuy nhiên Chúa Thánh Thần lại là Đấng
cuối cùng trong cuộc mạc khải các Ngôi Vị trong Ba Ngôi Chí Thánh. Thánh
Grêgôriô Nazianzênô, “Nhà thần học”, giải thích tiến trình này qua đường lối sư
phạm là “sự hạ cố” của Thiên Chúa:
“Cựu Ước đã giảng dạy một cách tỏ tường về Chúa Cha, nhưng một cách
hơi lờ mờ về Chúa Con. Rồi Tân Ước cho chúng ta thấy cách rõ ràng về Chúa Con,
và trình bày một cách lờ mờ nào đó về thần tính của Chúa Thánh Thần. Còn bây
giờ, chính Thần Khí ngự giữa chúng ta và công bố cho chúng ta một cách tỏ tường
hơn về Ngài. Quả vậy, sẽ là không khôn ngoan, nếu thần tính của Chúa Cha chưa
được tuyên xưng, mà đã giảng dạy cách tỏ tường về Chúa Con; và nếu thần tính
của Chúa Con chưa được đón nhận, thì việc giảng dạy về Chúa Thánh Thần, nói một
cách quá đáng, là như chất thêm một gánh khá nặng cho chúng ta: … Nhờ những
tiếp cận âm thầm thích hợp hơn và … những tiến dần lên, rồi những phát triển và
tăng tiến ‘từ sự sáng sủa này đến sự sáng sủa khác’, ánh sáng của mầu nhiệm Ba
Ngôi chiếu toả những tia sáng rạng ngời”[3].
685. Vì vậy, tin vào Chúa Thánh Thần
là tuyên xưng rằng Ngài là Một trong Ba Ngôi Chí Thánh, đồng bản thể với Chúa
Cha và Chúa Con, “được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa
Con”[4]. Do đó, vấn đề về mầu nhiệm thần linh của Chúa
Thánh Thần đã được trình bày trong “thần học về Ba Ngôi”. Vì vậy ở đây chúng ta
chỉ bàn về Chúa Thánh Thần trong “Nhiệm cục” thần linh.
686. Chúa Thánh Thần cùng hoạt động
với Chúa Cha và Chúa Con từ lúc khởi đầu cho đến khi hoàn tất kế hoạch cứu độ
chúng ta. Nhưng chỉ trong “thời sau hết”, bắt đầu từ cuộc Nhập Thể cứu chuộc
của Chúa Con, Chúa Thánh Thần mới được mạc khải và truyền thông, được nhận biết
và đón nhận với tư cách là một Ngôi Vị. Lúc đó kế hoạch của Thiên Chúa, được
hoàn thành trong Đức Kitô, Đấng là “Trưởng tử” và là Đầu của công trình tạo
dựng mới, đã có thể được thành hình cụ thể trong nhân loại nhờ việc tuôn đổ
Thần Khí: Hội Thánh, các Thánh thông công, phép tha tội, xác phàm sẽ sống lại,
và sự sống đời đời.
Mục 8
“Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần”
Articulus 8
“Credo in Spiritum Sanctum”
687. “Không ai biết được những gì nơi
Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa” (1 Cr 2,11). Tuy nhiên,
Thần Khí, Đấng mạc khải Thiên Chúa, làm cho chúng ta nhận biết Đức Kitô, Ngôi
Lời hằng sống của Thiên Chúa, lại không nói về chính mình Ngài. “Ngài đã dùng
các Tiên tri mà phán dạy”[5] để giúp chúng ta nghe được Lời của
Chúa Cha. Nhưng chúng ta không nghe tiếng Chúa Thánh Thần. Chúng ta chỉ nhận
biết Ngài trong tiến trình Ngài mạc khải Ngôi Lời cho chúng ta và chuẩn bị cho
chúng ta đón nhận Ngôi Lời trong đức tin. Thần chân lý, Đấng “vén màn” Đức Kitô
cho chúng ta, không nói về chính mình Ngài[6]. Sự ẩn
mình mang tính chất thần linh cách riêng biệt như vậy giải thích tại sao Ngài
là “Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết
Ngài” còn những ai tin vào Đức Kitô, thì nhận biết Ngài, bởi vì Ngài luôn ở với
họ (Ga 14,17).
688. Hội Thánh, sự hiệp thông sống
động trong đức tin của các Tông Đồ do chính Hội Thánh lưu truyền, là môi trường
để chúng ta nhận biết Chúa Thánh Thần:
– trong Thánh Kinh do Ngài linh hứng;
– trong Thánh Truyền, mà các Giáo phụ là những chứng nhân luôn hiện
đại;
– trong Huấn quyền của Hội Thánh, được Ngài trợ lực;
– trong phụng vụ bí tích, qua các lời nói và các biểu tượng của bí
tích, trong đó Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được hiệp thông với Đức Kitô;
– trong kinh nguyện, chính Ngài chuyển cầu cho chúng ta;
– trong các đặc sủng và các thừa tác vụ, nhờ đó Hội Thánh được xây
dựng;
– trong các dấu chỉ của đời sống tông đồ và thừa sai;
– trong chứng từ của các Thánh, qua đó Ngài biểu lộ sự thánh thiện
của Ngài và tiếp tục công trình cứu độ.
I. SỨ VỤ PHỐI HỢP CỦA CHÚA
CON VÀ CHÚA THÁNH THẦN
CONIUNCTA FILII ET SPIRITUS MISSIO
689. Đấng mà Chúa Cha đã sai đến
trong tâm hồn chúng ta, Thần Khí của Con Ngài[7], Đấng
ấy thật sự là Thiên Chúa. Là Đấng đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, Ngài
không thể bị tách biệt khỏi Chúa Cha và Chúa Con, trong đời sống thâm sâu của
Ba Ngôi cũng như trong hồng ân tình yêu của Ba Ngôi dành cho trần gian. Nhưng
đức tin của Hội Thánh, khi tôn thờ Ba Ngôi Chí Thánh ban sự sống, đồng bản thể
và không thể phân chia, cũng tuyên xưng sự phân biệt giữa các Ngôi Vị. Khi Chúa
Cha sai Lời của Ngài đến, Ngài luôn sai Thần Khí của Ngài nữa: một sứ vụ phối
hợp trong đó Chúa Con và Chúa Thánh Thần được phân biệt, nhưng không thể tách
biệt. Đức Kitô là Đấng xuất hiện vì Người là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa
vô hình, nhưng chính Chúa Thánh Thần là Đấng mạc khải Đức Kitô.
690. Chúa Giêsu là Đức Kitô, “Đấng
được xức dầu”, bởi vì Thần Khí là sự Xức dầu của Người, và mọi sự xảy ra khởi
từ cuộc Nhập Thể, đều bắt nguồn từ sự sung mãn này[8]. Sau
cùng, khi Đức Kitô được tôn vinh[9], đến lượt Người,
Người có thể sai Thần Khí từ nơi Chúa Cha đến với những ai tin vào Người: Người
truyền thông cho họ vinh quang của mình[10], nghĩa là
truyền thông Chúa Thánh Thần, Đấng tôn vinh Người[11]. Từ
lúc đó, sứ vụ phối hợp này được mở rộng đến những người được Chúa Cha nhận làm
nghĩa tử trong thân thể của Con Ngài: sứ vụ của Thần Khí nghĩa tử sẽ là kết hợp
họ với Đức Kitô và làm cho họ sống trong Người.
“Việc Xức dầu nói lên ý nghĩa là không có khoảng cách nào giữa Chúa
Con và Chúa Thánh Thần; cũng như lý trí và giác quan không nhận thấy một trung
gian nào giữa da thịt và dầu xức, thì sự kết hợp giữa Chúa Con và Chúa Thánh
Thần cũng không thể phân chia như vậy, đến độ ai muốn tiếp xúc với Đức Kitô
bằng đức tin, cần phải tiếp xúc với dầu trước đã: quả vậy, không có chi thể
nào, mà không có Chúa Thánh Thần. Vì vậy, việc tuyên xưng quyền làm Chúa của
Chúa Con được thực hiện trong Chúa Thánh Thần do những kẻ đón nhận Chúa Con,
những người này được Chúa Thánh Thần từ muôn phương đến gặp khi họ đến với Chúa
Con bằng đức tin”[12].
II. DANH XƯNG, CÁC DANH HIỆU VÀ CÁC BIỂU TƯỢNG CỦA
CHÚA THÁNH THẦN
SPIRITUS SANCTI NOMEN, APPELLATIONES ET SYMBOLA
Danh xưng riêng của Chúa Thánh Thần
691. “Chúa Thánh Thần” là danh xưng
riêng của Đấng chúng ta phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Hội
Thánh đã lãnh nhận danh xưng này từ Chúa Giêsu và tuyên xưng danh này trong bí
tích Rửa Tội của những người con mới của mình[13].
Từ “Thần Khí” xuất phát từ chữ Ruah trong tiếng Do thái và có nghĩa
đầu tiên là hơi thở, không khí, gió. Chúa Giêsu dùng đúng hình ảnh khả giác
“gió” để gợi ý cho ông Nicôđêmô hiểu sự mới mẻ siêu việt của Đấng, theo Ngôi
Vị, là Hơi Thở của Thiên Chúa, là Thần Khí[14]. Đàng
khác, “Thánh” và “Thần” là những thuộc tính thần linh chung cho Ba Ngôi Vị thần
linh. Nhưng Thánh Kinh, phụng vụ và ngôn ngữ thần học, khi kết hợp hai từ đó
lại với nhau, muốn nói cách riêng đến Ngôi Vị khôn tả của Chúa Thánh Thần,
không thể nào lẫn lộn với những cách sử dụng khác của các từ “thánh” và “thần”.
Những danh hiệu của Chúa Thánh Thần
692. Khi Chúa Giêsu loan báo và hứa
rằng Chúa Thánh Thần sẽ ngự đến, Người gọi Chúa Thánh Thần là “Đấng Bào Chữa” (Paracletus),
hoặc sát chữ là “Đấng được gọi đến bên mình”, ad-vocatus (Ga 14,16. 26; 15,26; 16,7). Paracletus cũng thường được dịch là “Đấng
An ủi”, và Chúa Giêsu là Đấng An ủi thứ nhất[15]. Chính
Chúa gọi Chúa Thánh Thần là “Thần chân lý”[16].
693. Ngoài danh xưng riêng của Ngài,
rất thường được dùng trong sách Công Vụ Tông Đồ và các Thánh Thư, ta còn thấy
những danh hiệu nơi thánh Phaolô như sau: Thần Khí của lời hứa (Ep 1,13;
Gl 3,14), Thần Khí nghĩa tử (Rm 8,15; Gl 4,6), Thần Khí của Đức Kitô (Rm
8,9) Thần Khí của Chúa (2 Cr 3,17), Thần Khí của Thiên Chúa (Rm 8,9. 14; 15,19;
1 Cr 6,11; 7,40); và nơi thánh Phêrô: Thần Khí của vinh quang (1 Pr 4,14).
Những biểu tượng chỉ Chúa Thánh Thần
694. Nước. Trong bí tích Rửa Tội, nước là một biểu tượng nói lên tác động
của Chúa Thánh Thần, vì vậy, sau lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần, nước trở thành
dấu chỉ bí tích hữu hiệu của việc tái sinh: giống như trong lần sinh ra thứ
nhất chúng ta được cưu mang trong nước, thì cũng vậy, nước Rửa Tội thật sự nói
lên rằng việc chúng ta được sinh vào đời sống thần linh được ban trong Chúa
Thánh Thần. Nhưng, “chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí”, “và
tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12,13): Vì vậy
đích thân Thần Khí cũng là Nước hằng sống, chảy ra từ Đức Kitô chịu đóng đinh
thập giá[17] như
từ nguồn mạch của mình, và vọt ra thành sự sống vĩnh cửu trong chúng ta[18].
695. Sự xức dầu. Sự xức dầu cũng là một biểu tượng nói về Chúa Thánh Thần, đến độ
từ này trở thành đồng nghĩa với Chúa Thánh Thần[19]. Trong
nghi thức khai tâm Kitô giáo, việc xức dầu là dấu chỉ bí tích của phép Thêm
Sức, mà các Giáo Hội Đông phương gọi cách chính xác là “Sự Xức dầu thánh” (“Christmatio”). Nhưng để
hiểu thật rõ, phải trở lại với cuộc xức dầu đầu tiên bởi Chúa Thánh Thần: cuộc
xức dầu cho Chúa Giêsu. “Kitô” (tiếng Do thái là Messia) có nghĩa là “người
được xức dầu” bằng Thần Khí Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, có một số nhân vật là
“những người được xức dầu” của Chúa[20], nổi bật là vua
Đavid[21]. Nhưng Chúa Giêsu là Đấng Được Xức Dầu của
Thiên Chúa một cách độc nhất vô nhị: nhân tính mà Chúa Con đảm nhận, “được xức
dầu bằng Chúa Thánh Thần” một cách trọn vẹn. Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần
thiết đặt làm “Đức Kitô”[22]. Đức Trinh Nữ Maria thụ
thai Đức Kitô bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã dùng Thiên thần loan báo rằng Người
là Đức Kitô khi Người giáng sinh[23], và là Đấng thúc
đẩy ông Simêon đến đền thờ để ông được thấy Đức Kitô của Chúa[24];
Đức Kitô được đầy Thánh Thần[25], và sức mạnh của Chúa
Thánh Thần xuất phát từ Đức Kitô trong những hành vi chữa lành và cứu độ của
Người[26]. Cuối cùng chính Chúa Thánh Thần làm cho Chúa
Giêsu sống lại từ cõi chết[27]. Lúc đó Chúa Giêsu, được
thiết đặt làm Đức Kitô một cách trọn vẹn trong nhân tính đã chiến thắng sự chết
của Người[28], tuôn đổ Chúa Thánh Thần cách tràn đầy
cho đến khi “các Thánh”, trong sự kết hợp với nhân tính của Con Thiên Chúa, làm
nên “con người trưởng thành tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,13), làm
nên “Đức Kitô toàn thể” (“totum Christum”) theo cách nói của thánh Augustinô[29].
696. Lửa. Trong khi nước là biểu tượng của việc sinh sản và sinh sôi nảy nở
của sự sống được ban trong Chúa Thánh Thần, thì lửa là biểu tượng của sức mạnh
có sức biến đổi của các hoạt động của Chúa Thánh Thần. Tiên tri Êlia, người
“xuất hiện… chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng” (Hc
48,1), bằng lời cầu nguyện, ông kéo lửa từ trời xuống thiêu cháy hy lễ trên núi
Carmel[30], lửa này như hình ảnh của ngọn lửa là Chúa
Thánh Thần, làm biến đổi những gì lửa đó chạm tới. Ông Gioan Tẩy Giả, người đi
trước Chúa “đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia” (Lc 1,17), đã loan báo
Đức Kitô là Đấng “sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc
3,16), trong Đấng là Thần Khí mà Chúa Giêsu sẽ nói về Ngài: “Thầy đã đến ném
lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49).
Dưới hình ảnh những cái lưỡi “như bằng lửa”, Chúa Thánh Thần ngự trên các môn
đệ vào sáng ngày lễ Ngũ Tuần và xuống đầy lòng các ông[31].
Truyền thống linh đạo sẽ giữ lại biểu tượng ngọn lửa như biểu tượng diễn cảm
nhất của hành động của Chúa Thánh Thần[32]: “Anh em
đừng dập tắt Thần Khí” (1 Tx 5,19).
697. Áng mây và ánh sáng. Hai biểu tượng này là không thể tách biệt trong các cuộc tỏ hiện
của Chúa Thánh Thần. Trong các cuộc thần hiện thời Cựu Ước, áng mây khi mờ tối,
khi chói sáng, vừa mạc khải Thiên Chúa hằng sống và cứu độ, vừa che khuất sự
siêu việt của vinh quang Ngài; với ông Môisen trên núi Sinai[33],
trong Lều Hội Ngộ[34] và
suốt cuộc hành trình trong hoang địa[35]; với vua
Salômôn dịp cung hiến Đền Thờ[36]. Rồi những hình ảnh
này được Đức Kitô hoàn thành trong Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần ngự
đến trên Đức Trinh Nữ Maria và “phủ bóng” trên Bà, để Bà thụ thai và hạ sinh
Chúa Giêsu[37]. Trên núi Hiển Dung, chính Chúa Thánh
Thần đến trong đám mây bao phủ Chúa Giêsu, ông Môisen và ông Êlia, cùng với các
ông Phêrô, Giacôbê và Gioan, và “từ đám mây có tiếng phán rằng: ‘Đây là Con Ta,
Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người’” (Lc 9,35). Cuối cùng,
cũng chính đám mây này “quyện lấy Chúa Giêsu khuất mắt” các môn đệ trong ngày
Thăng Thiên[38] và
sẽ mạc khải Con Người trong vinh quang của Người vào ngày Người ngự đến[39].
698. Dấu ấn là một biểu tượng rất gần với biểu tượng xức dầu. Thật vậy, Đức
Kitô là Đấng “Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6,27), và trong Người, Chúa Cha
cũng ghi dấu xác nhận chúng ta[40]. Hình ảnh “dấu ấn”,
bởi vì nói lên hiệu quả không thể xoá nhoà của việc xức dầu bằng Chúa Thánh
Thần trong các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Truyền Chức Thánh, nên đã được dùng trong
một số truyền thống thần học để diễn tả “ấn tín” không thể xoá được, được ghi
dấu bởi ba bí tích không thể được tái ban đó.
699. Bàn tay. Chúa Giêsu đặt tay để chữa lành cho các bệnh nhân[41] và chúc
lành cho các trẻ em[42]. Các Tông Đồ cũng làm như vậy
nhân danh Người[43]. Hơn nữa, chính qua việc đặt tay
của các Tông Đồ mà Chúa Thánh Thần được ban[44]. Thư gửi tín hữu Do Thái kể việc đặt tay vào số “các mục căn
bản” của giáo huấn của mình[45]. Hội Thánh đã giữ lại
dấu chỉ này của việc tuôn đổ tràn đầy Thánh Thần trong các kinh Khẩn cầu Chúa
Thánh Thần [Epiclesis]
trong các bí tích.
700. Ngón tay. Chúa Giêsu “dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ”[46]. Nếu Lề luật của Thiên Chúa được ghi trên các bia đá
“do chính tay Thiên Chúa viết” (Xh 31,18), thì “lá thư của Đức Kitô”, được trao
cho các tông đồ chăm sóc, “đã được viết… bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng
sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng
thịt, tức là lòng người” (2 Cr 3,3). Thánh thi “Veni Creator Spiritus” (“Lạy Thần Khí Sáng Tạo,
xin ngự đến”) khẩn cầu Chúa Thánh Thần bằng những lời này: “Chúa là
ngón tay trong bàn tay mặt của Chúa Cha”[47].
701. Chim bồ câu. Vào cuối trận lụt đại hồng thủy (đây là một biểu tượng chỉ bí
tích Rửa Tội), chim bồ câu được ông Nôê thả ra đã trở về, ngậm một nhánh ô liu
xanh tươi, báo cho biết mặt đất lại đã có thể cư ngụ được[48].
Khi Chúa Giêsu tiến lên từ dòng nước phép rửa của Người, Chúa Thánh Thần lấy
hình chim bồ câu đáp xuống và ngự trên Người[49]. Chúa
Thánh Thần đáp xuống trái tim đã được thanh tẩy của những người lãnh bí tích Rửa
Tội và nghỉ ngơi ở đó. Trong một số nhà thờ, Thánh Thể được lưu giữ trong một
bình bằng kim loại có hình chim bồ câu (gọi là columbarium) treo bên trên bàn thờ. Trong
truyền thống nghệ thuật ảnh tượng Kitô giáo, chim bồ câu là biểu tượng để chỉ
Chúa Thánh Thần.
III. THẦN KHÍ VÀ LỜI THIÊN
CHÚA TRONG THỜI ĐẠI CỦA CÁC LỜI HỨA
SPIRITUS ET VERBUM DEI IN PROMISSIONUM TEMPORE
702. Từ lúc khởi đầu cho đến khi
“thời gian đến hồi viên mãn”[50], sứ vụ phối hợp của
Ngôi Lời và của Thần Khí Chúa Cha tuy còn ẩn giấu, nhưng đã hoạt động. Thần Khí
của Thiên Chúa chuẩn bị cho thời đại của Đấng Messia, và cả hai Đấng, lúc này
chưa được mạc khải trọn vẹn, nhưng đã được hứa ban để nhân loại chờ mong và đón
nhận khi các Ngài tỏ hiện. Vì vậy, khi đọc Cựu Ước[51],
Hội Thánh tìm hiểu kỹ càng[52] những gì Thần Khí, “Đấng đã dùng các
Tiên tri mà phán dạy”[53], có ý muốn nói với chúng ta
về Đức Kitô.
Ở đây, đức tin của Hội Thánh dùng từ “các Tiên tri” chỉ chung tất
cả những vị được Chúa Thánh Thần linh hứng trong việc loan báo sống động và
trong việc soạn thảo các Sách Thánh, thuộc Cựu Ước cũng như Tân Ước. Truyền
thống Do thái phân biệt Lề luật (năm sách đầu tiên hoặc Ngũ Thư), các Tiên tri
(các sách chúng ta gọi là lịch sử và tiên tri) và các Văn phẩm (chủ yếu là các
sách khôn ngoan và các Thánh vịnh)[54].
Trong công trình tạo dựng
703. Lời Thiên Chúa và Hơi Thở của
Ngài là nguồn gốc của sự hiện hữu và sự sống của mọi thụ tạo[55]:
“Chúa Thánh Thần ngự trị, thánh hóa và làm cho các thụ tạo có sinh
khí, bởi vì Ngài là Thiên Chúa đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con…. Vì Ngài
là Thiên Chúa nên Ngài đem lại sức mạnh cho mọi thụ tạo và gìn giữ chúng trong
Chúa Cha và Chúa Con”[56].
704. “Còn đối với con người, Thiên
Chúa dùng các bàn tay của Ngài [nghĩa là Chúa Con và Chúa Thánh Thần] để nhào
nắn nó… và vẽ hình dáng riêng của Ngài trên xác phàm đã được nhào nắn, đến độ
dầu nó là hữu hình, nó cũng mang dáng dấp thần linh”[57].
Thần Khí của lời hứa
705. Con người, bị biến dạng bởi tội
lỗi và cái chết, vẫn còn là “theo hình ảnh Thiên Chúa”, theo hình ảnh Chúa Con,
nhưng “bị tước mất vinh quang Thiên Chúa”[58], không
còn “giống như Thiên Chúa”. Lời hứa với tổ phụ Abraham khai mạc nhiệm cục cứu
độ; vào cuối nhiệm cục này, chính Chúa Con sẽ đảm nhận “hình ảnh”[59] và sẽ
phục hồi cho nó lại “giống” với Chúa Cha, khi trả lại cho con người vinh quang,
tức là Thần Khí “ban sự sống”.
706. Trái với mọi hy vọng phàm nhân,
Thiên Chúa hứa cho tổ phụ Abraham một dòng dõi như hoa trái của đức tin và của
quyền năng Chúa Thánh Thần[60]. Nơi dòng dõi của ông,
mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc[61]. Dòng
dõi đó sẽ là Đức Kitô[62], trong Người sự tuôn đổ Thánh
Thần sẽ thực hiện việc quy tụ nên một các con cái Thiên Chúa đang tản mát[63]. Tự ràng buộc mình bằng một lời thề[64],
Thiên Chúa cam kết sẽ ban Con chí ái của Ngài[65], cũng
như sẽ ban Thần Khí của Lời hứa, Đấng chuẩn bị công cuộc cứu chuộc dân mà Thiên
Chúa đã thủ đắc cho mình[66].
Trong những cuộc Thần hiện và trong Lề luật
707. Những cuộc Thần hiện (những cuộc
tỏ hiện của Thiên Chúa), từ thời các Tổ phụ cho đến ông Môisen, và từ ông Jôsuê
cho đến các thị kiến mở đầu sứ vụ của các Tiên tri lớn, soi sáng con đường của
Lời hứa. Truyền thống Kitô giáo luôn nhận biết Ngôi Lời Thiên Chúa tỏ mình cho
người ta thấy được và nghe được trong các cuộc Thần hiện đó, Ngài đồng thời vừa
“được mạc khải” vừa “bị che khuất” trong áng mây của Chúa Thánh Thần.
708. Đường lối sư phạm này của Thiên
Chúa tỏ lộ rõ ràng trong việc ban Lề luật[67]. Lề luật
đã được ban như một “người quản giáo” để dẫn dân tới Đức Kitô[68].
Nhưng sự bất lực của Lề luật, không thể cứu độ con người đã mất “sự giống như”
Thiên Chúa, và sự ý thức mạnh hơn về tội, do Lề luật mang lại[69] đã khơi dậy lòng khao khát Chúa Thánh
Thần. Những lời than vãn của các Thánh vịnh làm chứng điều đó.
Trong thời các Vua và thời Lưu Đày
709. Lề luật, dấu chỉ của Lời hứa và
của Giao Ước, lẽ ra phải điều khiển trái tim cũng như các thể chế của dân phát
sinh từ đức tin của tổ phụ Abraham. “Nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ
giao ước của Ta … Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh”
(Xh 19,5-6)[70]. Nhưng, sau thời Đavid,
710. Việc quên lãng Lề luật và bất
trung với Giao Ước dẫn đến cái chết: cuộc lưu đày có vẻ là sự thất bại của các
Lời hứa, mà thật ra là sự trung tín bí nhiệm của Thiên Chúa, Đấng cứu độ, và là
khởi đầu của cuộc phục hồi như đã hứa, nhưng theo Thần Khí. Dân Thiên Chúa cần
phải trải qua cuộc thanh tẩy này[72]; cuộc lưu đày mang
bóng dáng cây thập giá trong kế hoạch của Thiên Chúa, và số sót những người
nghèo trở về từ cuộc lưu đày, là một trong những hình ảnh rõ ràng nhất của Hội
Thánh.
Sự mong đợi Đấng Messia và Thần Khí của Người
711. “Này Ta sắp làm một việc mới”
(Is 43,19). Hai đường hướng tiên tri được phác hoạ, một đường dẫn đến sự mong
đợi Đấng Messia; đường kia hướng đến việc loan báo một Thần Khí mới, hai đường
hướng này đồng quy nơi “số sót” nhỏ bé, nơi dân của những người nghèo[73], họ đang mong đợi “niềm an ủi của Israel” và “sự cứu
chuộc Giêrusalem” (Lc 2,25. 38) trong niềm hy vọng.
Ở trên, chúng ta đã thấy Chúa Giêsu hoàn thành những lời tiên tri
nói về Người như thế nào. Ở đây, chúng ta giới hạn vào những lời tiên tri trong
đó tương quan giữa Đấng Messia và Thần Khí của Người xuất hiện rõ ràng hơn.
712. Những nét phác hoạ dung mạo Đấng
Messia được mong đợi, bắt đầu được biểu lộ trong sách Emmanuel[74] (khi
“ngôn sứ Isaia … đã thấy vinh quang” của Đức Kitô: Ga 12,41), đặc biệt trong
đoạn văn Is 11,1-2:
“Từ gốc tổ Giessê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ,
Từ cội rễ ấy, sẽ mọc
lên một mầm non.
Thần Khí Chúa sẽ ngự
trên vị này:
Thần khí khôn ngoan
và minh mẫn,
Thần khí mưu lược và
dũng mãnh,
Thần khí hiểu biết
và kính sợ Chúa”.
713. Những nét phác hoạ về Đấng
Messia được mạc khải chủ yếu trong các bài ca về Người Tôi trung[75]. Những bài ca này loan báo ý nghĩa cuộc khổ nạn của
Chúa Giêsu, và cho thấy cách Người sẽ đổ tràn Thần Khí để cho muôn người được
sống: không phải từ bên ngoài, nhưng bằng cách “mặc lấy thân nô lệ” của chúng
ta (Pl 2,7). Khi mang lấy cái chết của chúng ta trên mình Người, Người có thể
truyền thông cho chúng ta Thần Khí riêng của Người, Thần Khí sự sống của Người.
714. Chính vì vậy, Đức Kitô khởi đầu
công cuộc loan báo Tin Mừng của Người bằng cách áp dụng cho mình đoạn sau đây
của tiên tri Isaia (Lc 4,18-19)[76]:
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
Vì Chúa đã xức dầu
tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin
Mừng cho kẻ nghèo hèn,
Ngài đã sai tôi đi
công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ
được sáng mắt,
trả lại tự do cho
người bị áp bức,
công bố một năm hồng
ân của Chúa”.
715. Các bản văn tiên tri trực tiếp
liên quan đến việc sai Chúa Thánh Thần đến, là những lời sấm trong đó Thiên
Chúa lấy ngôn ngữ Lời hứa mà nói vào trái tim của dân Ngài, bằng cung giọng yêu
thương và trung tín[77], sáng ngày lễ Ngũ Tuần, thánh
Phêrô sẽ tuyên bố việc hoàn thành những điều đó[78]. Theo
những lời hứa đó, trong “thời sau hết”, Thần Khí Thiên Chúa sẽ đổi mới trái tim
người ta bằng cách ghi khắc Lề luật mới trong họ; Ngài sẽ quy tụ và giao hoà
những dân tộc đã bị phân tán và chia rẽ; Ngài sẽ biến đổi công trình tạo dựng
thứ nhất và Thiên Chúa sẽ ở đó với người ta trong hoà bình.
716. Đoàn dân “của những người nghèo”[79], những người khiêm nhu và hiền lành, hoàn toàn phó
thác cho kế hoạch bí nhiệm của Thiên Chúa của mình, những người mong chờ công
lý không bởi người ta nhưng bởi Đấng Messia, đoàn dân ấy cuối cùng là công
trình cao cả mà âm thầm của Chúa Thánh Thần, trải suốt thời gian của các Lời
hứa, để chuẩn bị cho cuộc Ngự đến của Đức Kitô. Phẩm chất tâm hồn của những
người đó, đã được thanh tẩy và soi sáng bởi Thần Khí, được diễn tả trong các
Thánh vịnh. Nơi những người nghèo này, Thần Khí chuẩn bị cho Chúa “một dân hoàn
hảo”[80].
IV. THẦN KHÍ CỦA ĐỨC KITÔ
LÚC THỜI GIAN VIÊN MÃN
SPIRITUS CHRISTI IN PLENITUDINE TEMPORUM
Gioan, Vị Tiền hô, Tiên tri và Tẩy giả
717. “Có một người được Thiên Chúa
sai đến, tên là Gioan” (Ga 1,6). Ông Gioan được “đầy Thánh Thần, ngay khi
còn trong lòng mẹ” (Lc 1,15)[81], do chính Đức Kitô mà
Đức Trinh Nữ Maria vừa thụ thai bởi Chúa Thánh Thần. Như vậy, việc Đức Maria
“viếng thăm” bà Êlisabeth đã trở thành việc Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài[82].
718. Ông Gioan chính là “tiên tri
Êlia phải đến”[83]: ngọn lửa của Thần Khí ở trong ông
và làm cho ông (với tư cách là người “tiền hô”) “chạy trước” Chúa, Đấng ngự đến.
Nơi ông Gioan, vị Tiền hô, Chúa Thánh Thần hoàn tất việc “chuẩn bị một dân sẵn
sàng đón Chúa” (Lc 1,17).
719. Ông Gioan “còn hơn một Tiên tri
nữa”[84]. Nơi ông, Chúa Thánh Thần hoàn thành việc
“dùng các Tiên tri mà phán dạy”. Ông Gioan kết thúc hàng ngũ các Tiên tri khởi
đầu từ ông Êlia[85]. Ông loan báo niềm an ủi
720. Cuối cùng, với ông Gioan Tẩy
Giả, Chúa Thánh Thần khởi sự và biểu hiện trước những gì Ngài sẽ thực hiện với
Đức Kitô và trong Đức Kitô: đó là phục hồi cho con người sự “giống như” Thiên
Chúa. Phép rửa của ông Gioan là phép rửa thống hối, còn Phép Rửa trong nước và
trong Thần Khí sẽ là sự tái sinh[89].
“Mừng vui lên, hỡi người đầy ân phúc”
721. Đức Maria, Mẹ rất thánh của
Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh, là công trình tuyệt tác của sứ vụ phối hợp
giữa Chúa Con và Thần Khí lúc thời gian viên mãn. Trong kế hoạch cứu độ, bởi vì
Thần Khí Thiên Chúa đã chuẩn bị Mẹ, lần đầu tiên Chúa Cha đã tìm được Chỗ Ở,nơi Con
của Ngài và Thần Khí của Ngài có thể cư ngụ giữa loài người. Theo ý nghĩa này,
Truyền thống Hội Thánh thường đọc những bản văn đẹp nhất viết về đức Khôn Ngoan
trong tương quan với Đức Maria[90]: trong phụng vụ Đức
Maria được ca ngợi và được trình bày như là “Toà Đấng Khôn Ngoan”. Nơi Đức
Maria, “những kỳ công của Thiên Chúa” mà Thần Khí sắp hoàn thành trong Đức Kitô
và trong Hội Thánh, bắt đầu được biểu lộ.
722. Chúa Thánh Thần đã dùng ân sủng
của Ngài mà chuẩn bị Đức Maria. Mẹ của Đấng “nơi Người, tất
cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9) tất phải “đầy ơn
phúc”. Đức Maria đã được thụ thai, trong ân sủng thuần tuý, không hề có tội,
với tư cách là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo, xứng đáng nhất trong mọi
người để đón nhận hồng ân khôn tả của Đấng Toàn Năng. Thiên thần Gabriel chào
Mẹ cách chính xác là “Con gái Sion”: “Kính mừng” (= “Mừng vui lên”)[91]. Chính Mẹ, trong bài thánh ca của mình[92], đã làm cho lời tạ ơn của toàn dân Thiên Chúa và của
Hội Thánh lên tới Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, khi Mẹ cưu mang nơi mình Chúa
Con vĩnh cửu.
723. Nơi Đức Maria, Chúa Thánh Thần thực hiện kế hoạch nhân ái của Chúa Cha. Bởi
Chúa Thánh Thần, Đức Trinh Nữ đã thụ thai và sinh hạ Con Thiên Chúa. Sự đồng
trinh mà vẫn sinh con của Mẹ là độc nhất vô nhị nhờ quyền năng của Chúa Thánh
Thần và của đức tin[93].
724. Nơi Đức Maria, Chúa Thánh Thần làm tỏ hiện Con của Chúa Cha đã trở thành Con của
Đức Trinh Nữ. Mẹ là bụi gai bừng cháy của cuộc Thần hiện tối hậu: chính Mẹ,
được đầy tràn Chúa Thánh Thần, tỏ cho thấy Ngôi Lời trong xác phàm khiêm hạ của
Người, và làm cho những kẻ nghèo hèn[94] và những của đầu mùa của các dân tộc[95] nhận
biết Người.
725. Cuối cùng, qua Đức Maria, Chúa
Thánh Thần bắt đầu làm cho được hiệp thông với Đức Kitô, những người là đối tượng
của tình yêu nhân ái của Thiên Chúa (“những người thiện tâm” của Thiên Chúa[96]), và những người khiêm hạ luôn luôn là những người
đầu tiên đón nhận Người: các mục đồng, các đạo sĩ, ông Simêon và bà Anna, cô
dâu chú rể ở Cana và các môn đệ đầu tiên.
726. Vào cuối sứ vụ này của Chúa
Thánh Thần, Đức Maria trở nên “Người Đàn Bà”, bà Evà mới, “Mẹ của chúng sinh”,
Mẹ của “Đức Kitô toàn thể” (“totius Christi” Mater)[97]. Chính với tư cách này, Mẹ hiện diện với nhóm Mười
Hai, “đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện” (Cv 1,14), vào lúc bình minh của
“thời đại cuối cùng” mà Thần Khí sắp khai mạc vào sáng ngày lễ Ngũ Tuần với
việc làm tỏ hiện Hội Thánh.
Đức Kitô Giêsu
727. Toàn bộ sứ vụ của Chúa Con và
Chúa Thánh Thần trong thời gian viên mãn tập trung vào sự kiện Chúa Con là Đấng
Được Xức Dầu bằng Thần Khí của Chúa Cha khởi từ cuộc Nhập Thể của Người: Chúa
Giêsu là Đức Kitô, Đấng Messia.
Toàn bộ chương hai của Tín biểu phải được đọc dưới ánh sáng này. Toàn
bộ công trình của Đức Kitô là sứ vụ phối hợp của Chúa Con và của Chúa Thánh
Thần. Ở đây, chúng ta sẽ chỉ đề cập những gì liên quan đến lời Chúa Giêsu hứa
ban Thánh Thần và việc Người thực hiện lời hứa đó sau khi Người được tôn vinh.
728. Chúa Giêsu không mạc khải trọn
vẹn Chúa Thánh Thần, cho tới khi Người được tôn vinh qua cái Chết và sự Sống
lại của Người. Tuy nhiên, Người cũng dần dần gợi ý về Chúa Thánh Thần khi Người
giảng dạy dân chúng, khi Người mạc khải Thịt của Người sẽ là của ăn cho thế
gian được sống[98]. Người cũng gợi ý cho ông Nicôđêmô[99], cho người phụ nữ
729. Chỉ khi đến Giờ Chúa Giêsu phải
được tôn vinh, Người mới hứa rằng Chúa Thánh Thần sẽ ngự đến, vì cái Chết và sự
Sống lại của Người sẽ là sự hoàn thành Lời đã hứa với các Tổ phụ[104]: Thần chân lý, Đấng Bào Chữa khác, sẽ được Chúa Cha
ban nhờ lời cầu xin của Chúa Giêsu; chính Ngài sẽ được Chúa Cha sai đến nhân
danh Chúa Giêsu; Chúa Giêsu sẽ sai Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha mà đến, bởi vì
Ngài xuất phát từ Chúa Cha. Chúa Thánh Thần sẽ đến, và chúng ta sẽ nhận biết
Ngài, Ngài sẽ ở cùng chúng ta mãi mãi, Ngài sẽ cư ngụ với chúng ta; Ngài sẽ dạy
dỗ chúng ta mọi sự và nhắc cho chúng ta nhớ tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói,
và Ngài sẽ làm chứng cho Đức Kitô; Ngài sẽ dẫn chúng ta đến chân lý trọn vẹn và
sẽ tôn vinh Đức Kitô. Còn đối với thế gian, Ngài sẽ chứng minh rằng thế gian
sai lầm về tội lỗi, về sự công chính, và về việc xét xử.
730. Cuối cùng, Giờ của Chúa Giêsu đã
đến[105]: Chúa Giêsu phó thác thần khí của Người trong
tay Chúa Cha[106] vào
đúng lúc Người toàn thắng sự chết bằng cái Chết của mình, đến độ khi “sống lại
từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha” (Rm 6,4), Người liền
“thổi hơi” banChúa
Thánh Thần trên các môn đệ của Người[107]. Từ Giờ đó,
sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần trở thành sứ vụ của Hội Thánh: “Như
Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21)[108].
V. THẦN KHÍ VÀ HỘI THÁNH TRONG THỜI ĐẠI CUỐI CÙNG
SPIRITUS ET ECCLESIA IN ULTIMIS TEMPORIBUS
Lễ Ngũ Tuần
731. Ngày lễ Ngũ Tuần (vào cuối bảy
tuần mừng lễ Vượt Qua), cuộc Vượt Qua của Đức Kitô được hoàn thành bằng việc
tuôn đổ Chúa Thánh Thần, Đấng được biểu lộ, được ban, và được truyền thông với
tư cách là một Ngôi Vị thần linh: Chúa Kitô từ nguồn sung mãn của Người tuôn đổ
cách đầy tràn Thần Khí của Người [109].
732. Trong ngày đó, mầu nhiệm Ba Ngôi
Chí Thánh được mạc khải trọn vẹn. Sau ngày đó, Nước mà Đức Kitô đã loan báo,
được mở ra cho những ai tin vào Người: trong sự khiêm hạ của xác phàm và trong
đức tin, họ đã được tham dự vào sự hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh. Chúa Thánh
Thần, nhờ việc Ngài ngự đến, mà Ngài không ngừng ngự đến, dẫn đưa trần gian vào
“thời đại cuối cùng”, thời đại của Hội Thánh, vào Nước đã được sở hữu làm gia
sản, nhưng chưa hoàn tất:
“Chúng ta đã thấy Ánh sáng thật, chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thần
Thiên Chúa, chúng ta đã tìm được đức tin chân chính: chúng ta tôn thờ Ba Ngôi
bất khả phân ly, vì chính Ba Ngôi đã cứu độ chúng ta”[110].
Chúa Thánh Thần - Hồng ân của Thiên Chúa
733. “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga
4,8. 16) và tình yêu là hồng ân đầu tiên, chứa đựng tất cả mọi sự khác. Tình
yêu này “Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho
chúng ta” (Rm 5,5).
734. Bởi vì do tội mà chúng ta chết
hoặc ít nhất là bị thương, nên hiệu quả đầu tiên của hồng ân tình yêu là ơn tha
thứ các tội của chúng ta. Chính “ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” (2 Cr
13,13) trong Hội Thánh phục hồi những người đã được Rửa Tội trở lại tình trạng
“giống như” Thiên Chúa mà họ đã đánh mất vì tội lỗi.
735. Lúc đó Chúa Thánh Thần ban cho
chúng ta “bảo chứng” hoặc “những ân huệ khởi đầu” của phần gia sản của chúng ta[111]: đó là chính sự sống của Ba Ngôi Chí Thánh, là yêu
thương “như chính Ngài đã yêu thương chúng ta”[112]. Tình
yêu này (Đức mến của 1 Cr 13) là nguyên lý của đời sống mới trong Đức Kitô, nay
có thể thực hiện được bởi vì chúng ta đã lãnh nhận “sức mạnh của Thánh Thần khi
Ngài ngự xuống” (Cv 1,8).
736. Nhờ sức mạnh đó của Chúa Thánh
Thần, các con cái Thiên Chúa có thể mang lại hoa trái. Đấng đã tháp chúng ta
vào Cây Nho thật, sẽ làm cho chúng ta mang lại hoa trái của Thần Khí, là “bác
ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết
độ” (Gl 5,22-23). Thần Khí là sự sống của chúng ta; chúng ta càng từ bỏ chính
mình[113], Thần Khí càng làm cho chúng ta hoạt động[114].
“Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta được phục hồi để vào thiên đàng,
được dẫn lên Nước Trời, được ban ơn làm nghĩa tử: chúng ta được vững lòng để
gọi Thiên Chúa là Cha của mình, và thông phần vào ân sủng của Đức Kitô, được
gọi là con cái ánh sáng và dự phần vào vinh quang vĩnh cửu”[115].
Chúa Thánh Thần và Hội Thánh
737. Sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa
Thánh Thần được thực hiện trong Hội Thánh, là Thân Thể Đức Kitô và Đền Thờ Chúa
Thánh Thần. Sứ vụ phối hợp này từ nay đưa các tín hữu của Đức Kitô vào sự hiệp
thông của Người với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần: Thần Khí chuẩn bị người ta, Ngài đến với họ trước bằng
ân sủng của Ngài để lôi kéo họ đến với Đức Kitô. Chính Ngài làm tỏ hiện Chúa phục sinh cho họ, nhắc cho họ nhớ
Lời của Người và mở trí cho họ hiểu được sự Chết và sự Sống Lại của Người. Ngài làm cho mầu nhiệm của Đức Kitô hiện diện cho họ, nhất là trong bí tích Thánh
Thể, để hòa giải họ, và cho họ được hiệp thông với Thiên Chúa, để làm cho họ “mang
lại nhiều hoa trái”[116].
738. Như vậy, sứ vụ của Hội Thánh
không phải là được thêm vào sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần, nhưng là
bí tích của sứ vụ đó: Hội Thánh, tự bản chất và trong tất cả các chi thể của
mình, được sai đi để loan báo và làm chứng, hiện tại hóa và truyền bá mầu nhiệm
hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh (đây sẽ là nội dung của mục kế tiếp):
“Tất cả chúng ta đã lãnh nhận cùng một Thần Khí duy nhất là Thánh
Thần, nên một cách nào đó chúng ta được kết hợp với nhau và với Thiên Chúa. Mặc
dầu chúng ta nhiều người, và mặc dầu Đức Kitô đã làm cho Thần Khí của Chúa Cha
và của Người cư ngụ trong mỗi người chúng ta, Thần Khí vẫn là một và không thể
phân chia, Ngài quy tụ những thần trí riêng rẽ… trong sự hợp nhất nhờ chính
Ngài và làm cho tất cả như nên một trong Ngài. Cũng như sức mạnh của Mình Thánh
Chúa Kitô làm cho những ai ăn Mình Thánh Người được thuộc về một thân thể duy
nhất như thế nào, thì cũng một cách đó, theo tôi nghĩ, Thần Khí duy nhất và
không thể phân chia của Thiên Chúa đang ngự trong mọi người, cũng đưa mọi người
đến sự hợp nhất tinh thần như vậy”[117].
739. Bởi vì Chúa Thánh Thần là sự Xức
Dầu của Đức Kitô, nên Đức Kitô, là Đầu của thân thể, tuôn đổ Thánh Thần cho các
chi thể của Người để nuôi dưỡng và chữa lành họ, cắt đặt họ vào trong các phận
vụ đối với nhau, làm cho họ được sống, sai họ đi làm chứng, liên kết họ vào
việc Người dâng mình lên Chúa Cha và vào việc Người chuyển cầu cho khắp cả trần
gian. Qua các bí tích của Hội Thánh, Đức Kitô truyền thông cho các chi thể của
Người Thần Khí của Người, là Đấng Thánh và là Đấng Thánh Hóa (đây sẽ là nội
dung của Phần Thứ Hai của Sách Giáo Lý này).
740. “Những kỳ công của Thiên Chúa”
đang nói ở đây, được ban cho các tín hữu trong các bí tích của Hội Thánh, sẽ
mang lại hoa trái trong đời sống mới trong Đức Kitô theo Thần Khí (đây sẽ là
nội dung của Phần Thứ Ba của Sách Giáo Lý này).
741. “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là
những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng
chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn
tả” (Rm 8,26). Chúa Thánh Thần, Đấng thực hiện các công trình của Thiên Chúa,
là Thầy dạy cầu nguyện (đây sẽ là nội dung của Phần Thứ Tư của Sách Giáo Lý
này).
TÓM LƯỢC
742. “Để chứng thực anh em là con
cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu
lên: Abba, Cha ơi” (Gl 4,6).
743. Từ lúc khởi đầu cho đến lúc hoàn
tất thời gian, khi Thiên Chúa sai Con của Ngài, Ngài luôn luôn sai Thần Khí của
Ngài: Sứ vụ của hai Ngôi được
phối hợp và không thể tách biệt nhau. .
744. Khi thời gian đến hồi viên mãn,
Chúa Thánh Thần hoàn thành nơi Đức Maria mọi công cuộc chuẩn bị để Đức Kitô ngự
đến giữa dân của Thiên Chúa. Qua hành động của Chúa Thánh Thần nơi Đức Maria,
Chúa Cha ban cho trần gian Đấng Emmanuel, Đấng là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”
(Mt 1,23).
745. Con Thiên Chúa qua việc Xức Dầu
bằng Chúa Thánh Thần được thánh hiến làm Đức Kitô (Đấng Messia) trong cuộc Nhập
Thể của Người[118].
746. Chúa Giêsu, nhờ sự Chết và sự
Sống lại của Người, được thiết đặt làm Chúa và làm Đức Kitô trong vinh quang[119].
Chính Người, từ nguồn sung mãn của mình, tuôn đổ Chúa Thánh Thần trên các Tông
Đồ và trên Hội Thánh.
747. Chúa Thánh Thần, Đấng mà Đức
Kitô là Đầu đã tuôn đổ cho các chi thể của Người, xây dựng, ban sinh khí và
thánh hóa Hội Thánh. Hội Thánh là bí tích của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Chí
Thánh và loài người.
[1]Thánh Irênê, Demonstratio praedicationis apostolicae,
7: SC 62, 41-42.
[2]X. Ga 17,3.
[3]Thánh Grêgôriô Nazianzênô, Oratio 31 (Theologica 5), 26: SC 250, 326 (PG
36, 161-164).
[4]Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli: DS 150.
[5]Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli: DS 150.
[6]X. Ga 16,13.
[7]X. Gl 4,6.
[8]X. Ga 3,34.
[9]X. Ga 7,39.
[10]X. Ga 17,22.
[11]X. Ga 16,14.
[12]Thánh Grêgôriô Nyssênô, Adversus Macedonianos de Spiritu Sancto,
16: Gregorii Nysseni opera, ed. W. Jaeger-H.
Langerbeck, v. 3/1 (
[13]X. Mt 28,19.
[14]X. Ga 3,5-8.
[15]X. 1 Ga 2,1 (parakleton).
[16]X. Ga 16,13.
[17]X. Ga 19,34; 1 Ga 5,8.
[18]X. Ga 4,10-14; 7,38; Xh 17,1-6; Is 55,1;
Dcr 14,8; 1 Cr 10,4; Kh 21,6; 22,17.
[19]X. 1 Ga 2,20. 27; 2 Cr 1,21.
[20]X. Xh 30,22-32.
[21]X. 1 Sm 16,13.
[22]X. Lc 4,18-19; Is 61,1.
[23]X. Lc 2,11.
[24]X. Lc 2,26-27.
[25]X. Lc 4,1.
[26]X. Lc 6,19; 8,46.
[27]X. Rm 1,4; 8,11.
[28]X. Cv 2,36.
[29]Thánh Augustinô,Sermo 341,1,1: PL 39, 1493; Ibid. 9,11: PL
34, 1499.
[30]X. 1 V 18,38-39.
[31]X. Cv 2,3-4.
[32]X. Thánh Gioan Thánh Giá, Llama de amor viva: Biblioteca Mistica
Carmelitana, v. 13 (
[33]X. Xh 24,15-18.
[34]X. Xh 33,9-10.
[35]X. Xh 40,36-38; 1 Cr 10,1-2.
[36]X. 1 V 8,10-12.
[37]X. Lc 1,35.
[38]X. Cv 1,9.
[39]X. Lc 21,27.
[40]X. 2 Cr 1,22; Ep 1,13; 4,30.
[41]X. Mc 6,5; 8,23.
[42]X. Mc 10,16.
[43]X. Mc 16,18; Cv 5,12; 14,3.
[44]X. Cv 8,17-19; 13,3; 19,6.
[45]X. Dt 6,2.
[46]X. Lc 11,20.
[47]Chúa Nhật Hiện Xuống, Thánh Thi Kinh Chiều I và II:Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v. 2 (Typis
Polyglottis Vaticanis 1974) 795 và 812.
[48]X. St 8,8-12.
[49]X. Mt. 3,16 và song song.
[50]X. Gl 4,4.
[51]X. 2 Cr 3,14.
[52]X. Ga 5,39. 46.
[53]Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli: DS 150.
[54]X. Lc 24,44.
[55]X. Tv 33,6; 104,30; St 1,2; 2,7; Gv
3,20-21; Xh 37,10.
[56]Officium Horarum Byzantinum. Matutinum
pro die
[57]Thánh Irênê, Demonstratio praedicationis apostolicae, 11: SC 62, 48-49.
[58]X. Rm 3,23.
[59]X. Ga 1,14; Pl 2,7.
[60]X. St 18,1-15; Lc 1,26-38. 54-55; Ga
1,12-13; Rm 4,16-21.
[61]X. St 12,3.
[62]X. Gl 3,16.
[63]X. Ga 11,52.
[64]X. Lc 1,73.
[65]X. St 22,17-18; Rm 8,32; Ga 3,16.
[66]X. Ep 1,13-14; Gl 3,14.
[67]X. Xh 19-20; Đnl 1-11; 29-30.
[68]X. Gl 3,24.
[69]X. Rm 3,20.
[70]X. 1 Pr 2,9.
[71]X. 2 Sm 7; Tv 89; Lc 1,32-33.
[72]X. Lc 24,26.
[73]X. Sp 2,3.
[74]X. Is 6-12.
[75]X. Is 42,1-9; Mt 12,18-21; Ga 1,32-34,
atque etiam Is 49,16; Mt 3,17; Lc 2,32, et denique Is 50,4-10 et 52,13-15;
53,12.
[76]X. Is 61,1-2.
[77]X. Ed 11,19; 36,25-28; 37,1-14; Gr
31,31-34; Ge 3,1-5.
[78]X. Cv 2,17-21.
[79]X. Sp 2,3; Tv 22,27; 34,3; Is 49,13;
61,1; v. v….
[80]X. Lc 1,17.
[81]X. Lc 1,41.
[82]X. Lc 1,68.
[83]X. Mt 17,10-13.
[84]X. Lc 7,26.
[85]X. Mt 11,13-14.
[86]X. Ga 1,23; Is 40,1-3.
[87]X. Ga 15,26; 5,33.
[88]X. 1 Pr 1,10-12.
[89]X. Ga 3,5.
[90]X. Cn 8,1- 9,6; Hc 24.
[91]X. Sp 3,14; Dcr 2,14.
[92]X. Lc 1,46-55.
[93]X. Lc 1,26-38; Rm 4,18-21; Gl 4,26-28.
[94]X. Lc 2,15-19.
[95]X. Mt 2,11.
[96]X. Lc 2,14.
[97]X. Ga 19,25-27.
[98]X. Ga 6,27. 51. 62-63.
[99]X. Ga 3,5-8.
[100]X. Ga 4,10. 14. 23-24.
[101]X. Ga 7,37-39.
[102]X. Lc 11,13.
[103]X. Mt 10,19-20.
[104]X. Ga 14,16-17. 26; 15,26; 16,7-15;
17,26.
[105]X. Ga 13,1; 17,1.
[106]X. Lc 23,46; Ga 19,30.
[107]X. Ga 20,22.
[108]X. Mt 28,19; Lc 24,47-48; Cv 1,8.
[109]X. Cv 2,33-36.
[110]Officium Horarum Byzantinum. Vespertinum
in die Pentecostes, Sticherum 4: Pentekostarion (Romae 1884) 390.
[111]X. Rm 8,23; 2 Cr 1,22.
[112]X. 1 Ga 4,11-12.
[113]X. Mt 16,24-26.
[114]X. Gl 5,25.
[115]Thánh Basiliô Cả, Liber de Spiritu Sancto, 15,36: SC 17bis, 370 (PG 32, 132).
[116]X. Ga 15,5. 8. 16.
[117]Thánh Cyrillô
[118]X. Tv 2,6-7.
[119]X. Cv 2,36.