SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - MỤC 9 “TÔI TIN HỘI THÁNH CÔNG GIÁO” - TIẾT 1 HỘI THÁNH TRONG KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA

(giaolyductin.net - 12/12/13, 8:42 am)

Mục 9

“Tôi tin Hội Thánh Công giáo”

Articulus 9
“Credo Sanctam Ecclesiam Catholicam”

748. “Ánh sáng muôn dân chính là Đức Kitô, nên Thánh Công đồng đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần hết lòng mong ước chiếu giãi trên mọi người ánh sáng của Đức Kitô, phản chiếu trên dung nhan Hội Thánh, bằng việc rao truyền Tin Mừng cho mọi thụ tạo”[1]. Những lời trên đây mở đầu “Hiến chế tín lý về Hội Thánh” của Công đồng Vaticanô II. Như vậy, Công đồng cho thấy đề mục đức tin về Hội Thánh hoàn toàn tùy thuộc vào những đề mục quy chiếu về Chúa Giêsu Kitô. Hội Thánh không có ánh sáng nào khác ngoài ánh sáng của Đức Kitô; Hội Thánh có thể so sánh, theo hình ảnh các Giáo phụ thích dùng, với mặt trăng, mọi ánh sáng của nó đều là phản chiếu ánh sáng mặt trời.  

749. Đề mục về Hội Thánh cũng hoàn toàn tùy thuộc đề mục trước, về Chúa Thánh Thần. “Bởi vì khi đã cho thấy Chúa Thánh Thần là nguồn mạch và là Đấng ban phát mọi sự thánh thiện, bây giờ chúng tôi tuyên xưng rằng chính Ngài đã ban cho Hội Thánh sự thánh thiện”[2]. Hội Thánh, theo cách diễn tả của các Giáo phụ, là nơi “Thần Khí trổ hoa”[3].

750. Tin rằng Hội Thánh có đặc tính là “Thánh thiện” và “Công giáo”, và Hội Thánh có đặc tính “Duy nhất” và “Tông truyền” (như Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli thêm vào), là điều không thể tách biệt khỏi đức tin vào Thiên Chúa là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong Tín biểu của các Tông Đồ, chúng ta tuyên xưng chúng ta tin Hội Thánh (“Tôi tin có Hội Thánh”), chứ không phải “tôi tin kính Hội Thánh”, để chúng ta không lẫn lộn Thiên Chúa với các công trình của Ngài và để chúng ta quy một cách rõ ràng về lòng nhân hậu của Thiên Chúa tất cả mọi hồng ân mà Ngài đã đặt vào Hội Thánh của Ngài[4].

Tiết 1

Hội Thánh trong kế hoạch của Thiên Chúa

Paragraphus 1
Ecclesia in consilio Dei

I.  DANH XƯNG VÀ HÌNH ẢNH VỀ HỘI THÁNH

ECCLESIAE NOMINA ET IMAGINES 

751. “Hội Thánh” trong tiếng La tinh là Ecclesia (tiếng Hy lạp là Ekklèsia, Ek-kalein, “gọi ra, triệu tập”) có nghĩa là “một cuộc triệu tập”. Danh từ này được dùng để chỉ một cuộc tập họp dân chúng[5], thông thường mang tính chất tôn giáo. Từ này thường được bản Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp sử dụng để chỉ việc tập họp dân Chúa chọn trước mặt Thiên Chúa, nhất là cuộc tập họp ở núi Sinai khi Israel lãnh nhận Lề luật và được Thiên Chúa thiết lập làm dân thánh của Ngài[6]. Khi gọi mình là “Ecclesia” (Hội Thánh), cộng đoàn tiên khởi của những người tin vào Đức Kitô tự nhận mình là thừa kế của cuộc tập họp dân Chúa trong Cựu Ước. Trong cộng đoàn mới này, Thiên Chúa “triệu tập” dân của Ngài từ khắp cùng cõi đất. Từ “Kyriakè”, từ gốc của “Church” trong tiếng Anh, và “Kirche” trong tiếng Đức, có nghĩa là “điều thuộc về Chúa”.  

752. Trong ngôn ngữ Kitô giáo, từ Ecclesia (Hội Thánh) dùng để chỉ một cuộc tập họp phụng vụ[7], nhưng cũng để chỉ một cộng đoàn các tín hữu ở một địa phương[8] và toàn thể cộng đoàn các tín hữu trên khắp thế giới[9]. Ba nghĩa này thật ra không thể tách biệt nhau. “Hội Thánh” là dân được Thiên Chúa quy tụ từ khắp thế gian. Hội Thánh hiện diện trong những cộng đoàn địa phương và trở nên hiện thực trong một cộng đoàn phụng vụ, đặc biệt là cộng đoàn cử hành Thánh Thể. Hội Thánh sống nhờ Lời và Mình Thánh Đức Kitô và như vậy, Hội Thánh trở thành Thân Thể Đức Kitô.  

Các biểu tượng về Hội Thánh

753. Trong Thánh Kinh, chúng ta gặp nhiều hình ảnh và biểu tượng có tương quan mật thiết với nhau, được Mạc Khải dùng để nói về mầu nhiệm khôn lường của Hội Thánh. Các hình ảnh trong Cựu ước đều là những biến thể của một ý tưởng căn bản, ý tưởng về “dân Thiên Chúa”. Trong Tân Ước[10], tất cả những hình ảnh này có một tâm điểm mới là Đức Kitô, Đấng trở thành “Đầu” của dân này[11], một dân từ nay là Thân Thể của Người. Chung quanh tâm điểm đó, những hình ảnh được tổng hợp “rút ra hoặc từ đời sống chăn nuôi hay trồng trọt, hoặc từ việc xây dựng, hoặc từ đời sống gia đình và hôn nhân”[12].  

754. “Quả thật, Hội Thánh là chuồng chiên mà cửa vào duy nhất và cần thiết của chuồng chiên đó là Đức Kitô[13]. Hội Thánh cũng là đàn chiên mà chính Thiên Chúa đã tiên báo Ngài sẽ là mục tử của đàn chiên đó[14], và những con chiên của đàn ấy, tuy do các mục tử phàm nhân chăn dắt, nhưng luôn được dẫn dắt và nuôi dưỡng bởi chính Đức Kitô, vị Mục tử nhân lành và Thủ lãnh các mục tử[15], Đấng đã hiến mạng sống mình cho các con chiên[16][17].  

755. “Hội Thánh là thửa ruộng, hay cánh đồng của Thiên Chúa[18]. Trong cánh đồng đó, mọc lên cây ôliu cổ thụ mà gốc rễ thánh là các Tổ phụ, và nơi cây này, sự giao hoà giữa những người Do thái và các dân ngoại đã được và sẽ được thực hiện[19]. Hội Thánh được Nhà Làm Vườn thiên quốc trồng như một cây nho được tuyển chọn[20]. Đức Kitô là cây nho thật, ban sức sống và sự sinh sôi nảy nở các ngành, tức là chúng ta, những kẻ được ở trong Người nhờ Hội Thánh, và không có Người, chúng ta không thể làm gì được[21][22].

756. “Hội Thánh cũng thường được gọi là toà nhà của Thiên Chúa. [23] Chính Chúa đã tự ví Người như viên đá mà các thợ xây nhà loại bỏ, nhưng đã trở nên viên đá góc tường (Mt 21,42 và ss; Cv 4,11; 1 Pr 2,7; Tv 118,22). Trên nền móng này, Hội Thánh được xây dựng bởi các Tông Đồ[24] và nhờ nền móng này Hội Thánh có được sự vững vàng và kết cấu. Toà nhà này được gọi bằng nhiều tên khác nhau: nhà Thiên Chúa[25] nơi gia đình của Ngài cư ngụ, chỗ ở của Thiên Chúa trong Thần Khí[26], lều của Thiên Chúa giữa loài người[27], và nhất là Đền thánh, được tượng trưng bằng các đền thánh bằng đá được các Thánh Giáo phụ ca tụng, và trong phụng vụ được so sánh, một cách không phải vô lý, với Thành thánh, là Giêrusalem mới. Quả thật, ở trần gian này, chúng ta như những viên đá sống động được sử dụng để xây nên Thành thánh đó[28]. Ông Gioan đã chiêm ngưỡng Thành thánh đó từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống trong cuộc canh tân trần gian, ‘sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang’ (Kh 21,1-2)”[29].

757. “Hội Thánh cũng được gọi là ‘thành Giêrusalem trên trời’, và ‘Mẹ chúng ta’ (Gl 4,26)[30]; được mô tả như Hiền Thê tinh tuyền của Con Chiên không tì ố[31], được Đức Kitô ‘yêu thương và hiến mình để thánh hóa’ (Ep 5,25-26), được Người kết hợp bằng một giao ước bất khả tiêu hủy, và được Người ‘nuôi nấng và chăm sóc’ không ngừng (Ep 5,29)”[32].

II.  NGUỒN GỐC, NỀN TẢNG VÀ SỨ VỤ CỦA HỘI THÁNH

ORIGO, FUNDATIO ET MISSIO ECCLESIAE 

758. Để tìm hiểu mầu nhiệm Hội Thánh, trước hết cần phải suy tư về nguồn gốc của Hội Thánh trong kế hoạch của Ba Ngôi Chí Thánh rồi việc Hội Thánh được hình thành dần dần trong lịch sử.

Một kế hoạch xuất phát từ trái tim của Chúa Cha 

759. “Chúa Cha hằng hữu, bởi kế hoạch hoàn toàn tự do và bí nhiệm do sự khôn ngoan và nhân hậu của Ngài, đã tạo dựng trần gian, đã quyết định nâng người ta lên cho tham dự đời sống thần linh”, Ngài kêu gọi mọi người tới đời sống đó trong Con của Ngài. “Ngài đã quyết định tập họp những người tin vào Đức Kitô thành Hội Thánh thánh thiện”. “Gia đình” này “của Thiên Chúa” được thiết lập và từng bước được hình thành qua các giai đoạn của lịch sử nhân loại theo sự an bài của Chúa Cha: Thật vậy, “Hội Thánh đã được hình dung trước, từ lúc khởi đầu trần gian, được chuẩn bị một cách kỳ diệu trong lịch sử dân Israel và trong Giao Ước cũ, được thiết lập trong thời đại cuối cùng, được tỏ hiện bằng việc Thần Khí được tuôn đổ, và sẽ được hoàn tất cách vinh hiển vào lúc tận thế”[33].  

Hội Thánh được hình dung trước, từ lúc khởi đầu trần gian 

760. Các Kitô hữu thời sơ khai cho rằng: “Trần gian đã được tạo dựng vì Hội Thánh”[34]. Thiên Chúa đã tạo dựng trần gian để trần gian được hiệp thông vào đời sống thần linh của Ngài, sự hiệp thông này được thực hiện qua việc “triệu tập” người ta trong Đức Kitô, và “sự triệu tập” này là Hội Thánh. Hội Thánh là mục đích của mọi sự[35], và cả những thăng trầm đau thương, như việc các thiên thần sa ngã và loài người phạm tội, đã chẳng được Thiên Chúa cho phép xảy ra nếu như đó không là cơ hội và phương thế để biểu dương toàn thể sức mạnh của cánh tay Ngài, toàn thể mức độ của tình yêu Ngài muốn dành cho trần gian:

“Quả vậy, cũng như ý muốn của Thiên Chúa là một công trình, và công trình đó có tên là trần gian, thì cũng vậy, ý định của Ngài là cứu độ loài người, và công trình cứu độ ấy có tên là Hội Thánh”[36].

Hội Thánh được chuẩn bị trong Giao Ước Cũ 

761. Việc tập họp dân Thiên Chúa bắt đầu ngay từ lúc tội lỗi phá hủy sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Việc tập họp Hội Thánh là như sự phản ứng của Thiên Chúa trước cảnh hỗn độn do tội lỗi gây ra. Công cuộc tái hợp âm thầm này được thực hiện giữa lòng tất cả các dân tộc: “Hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Ngài tiếp nhận” (Cv 10,35)[37].  

762. Việc chuẩn bị xa cho cuộc tập họp dân Thiên Chúa bắt đầu bằng ơn gọi của ông Abraham, Thiên Chúa hứa cho ông trở thành cha tương lai của một dân tộc vĩ đại[38]. Việc chuẩn bị gần bắt đầu bằng việc tuyển chọn Israel làm dân Thiên Chúa[39]. Nhờ việc được tuyển chọn, Israel phải là dấu chỉ cuộc tập họp trong tương lai gồm tất cả các dân tộc[40]. Nhưng các Tiên tri tố cáo Israel đã phản bội Giao ước và đã hành xử như một gái điếm[41]. Các ngài loan báo một Giao Ước mới và vĩnh cửu[42]. “Giao ước mới này, chính Đức Kitô đã thiết lập”[43].  

Hội Thánh được Đức Kitô thiết lập 

763. Chúa Con là Đấng thực hiện kế hoạch cứu độ của Chúa Cha vào lúc thời gian đến hồi viên mãn: đó là lý do Người được sai đến[44]. “Chúa Giêsu đã khởi đầu Hội Thánh của Người bằng việc rao giảng Tin Mừng, nghĩa là rao giảng Nước Thiên Chúa ngự đến, Nước đã được hứa trong Thánh Kinh từ nhiều thế kỷ[45]. Để chu toàn ý Chúa Cha, Đức Kitô đã khai mạc Nước Trời nơi trần thế. Hội Thánh là Nước của Đức Kitô đã hiện diện trong mầu nhiệm[46].  

764. “Quả thật, Nước Thiên Chúa sáng tỏ trước mặt mọi người trong lời nói, hành động và sự hiện diện của Đức Kitô”[47]. Ai đón nhận lời của Chúa Giêsu là đón nhận “chính Nước Thiên Chúa”[48]. Mầm mống và điểm khởi đầu của Nước Thiên Chúa là “một đoàn chiên nhỏ bé” (Lc 12,32), gồm những người được Chúa Giêsu đến triệu tập quanh Người và chính Người là mục tử của họ[49]. Những người đó họp thành gia đình đích thực của Chúa Giêsu[50]. Những ai Người đã quy tụ quanh Người, Người đã dạy cho họ một “cách hành động” mới, và cả một kinh nguyện riêng[51].  

765. Chúa Giêsu đã thiết lập cho cộng đoàn của Người một cơ cấu tồn tại cho tới khi Nước Thiên Chúa được hoàn thành trọn vẹn. Trước hết, Người tuyển chọn nhóm Mười Hai với ông Phêrô làm thủ lãnh[52]. Những vị này, đại diện cho mười hai chi tộc Israel[53], là những tảng đá nền móng của Giêrusalem mới[54]. Nhóm Mười Hai[55] và các môn đệ khác[56] được tham dự vào sứ vụ của Đức Kitô, vào quyền năng của Người, và cả số phận của Người[57]. Bằng tất cả các hành động này, Đức Kitô chuẩn bị và xây dựng Hội Thánh của Người.  

766. Nhưng Hội Thánh được sinh ra một cách chủ yếu từ việc hiến thân trọn vẹn của Đức Kitô để cứu độ chúng ta, việc hiến thân ấy được thể hiện trước trong việc thiết lập bí tích Thánh Thể và được thực hiện trên thập giá. “Sự khởi đầu và tăng trưởng của Hội Thánh được đánh dấu bằng việc máu và nước trào ra từ cạnh sườn rộng mở của Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá”[58]. “Chính từ cạnh sườn của Đức Kitô yên nghỉ trên thập giá đã phát sinh bí tích kỳ diệu là toàn thể Hội Thánh”. [59] Như bà Evà được tạo ra từ cạnh sườn của ông Ađam, thì cũng vậy, Hội Thánh được sinh từ trái tim bị đâm thâu của Đức Kitô chết trên thập giá[60].  

Hội Thánh – được tỏ hiện bởi Chúa Thánh Thầ

767. “Vậy sau khi công trình mà Chúa Cha trao cho Chúa Con thực hiện nơi trần thế đã được hoàn tất, thì Chúa Thánh Thần được sai đến vào ngày lễ Ngũ Tuần, để Ngài thánh hoá Hội Thánh một cách liên lỉ”[61]. Lúc đó “Hội Thánh được tỏ hiện một cách công khai trước mặt dân chúng, và Tin Mừng bắt đầu được truyền bá cho muôn dân qua việc rao giảng”[62]. Bởi vì là “cuộc triệu tập” mọi người đến với ơn cứu độ, nên tự bản chất của mình, Hội Thánh có tính chất thừa sai, được Đức Kitô sai đến với mọi dân tộc để làm cho họ thành môn đệ[63].  

768. Chúa Thánh Thần “dạy dỗ và hướng dẫn Hội Thánh bằng nhiều hồng ân theo phẩm trật và theo đặc sủng”[64], để Hội Thánh thực hiện sứ vụ của mình. “Từ đó, được trang bị bằng các hồng ân của Đấng Sáng Lập và trong khi trung thành tuân giữ các giới luật của Người về bác ái, khiêm nhường và từ bỏ, Hội Thánh lãnh nhận sứ vụ loan báo và thiết lập Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa nơi mọi dân tộc, và tạo thành mầm mống và điểm khởi đầu của Nước này trên trái đất”[65].  

Hội Thánh – được hoàn tất trong vinh quang

769. “Hội Thánh … sẽ chỉ được hoàn tất trong vinh quang thiên quốc”[66], trong cuộc Ngự đến vinh hiển của Đức Kitô. Cho đến ngày đó, “Hội Thánh vẫn tiến bước trên đường lữ thứ giữa những cuộc bách hại của thế gian và những ơn an ủi của Thiên Chúa”[67]. Nơi trần thế, Hội Thánh biết mình đang ở chốn lưu đày, đang trên đường lữ thứ xa cách Chúa[68], Hội Thánh khao khát cuộc ngự đến trọn vẹn của Nước Thiên Chúa, khao khát “giờ sẽ được kết hợp cùng Vua của mình trong vinh quang”[69]. Sự hoàn tất của Hội Thánh, và qua đó, sự hoàn tất của trần gian trong vinh quang sẽ chỉ xảy ra sau nhiều thử thách lớn lao. Chỉ khi đó “mọi người công chính từ ông Ađam, ‘từ ông Abel người công chính cho đến người được tuyển chọn cuối cùng’ sẽ được quy tụ trong Hội Thánh phổ quát bên cạnh Chúa Cha”[70].

III.  MẦU NHIỆM HỘI THÁNH

ECCLESIAE MYSTERIUM

770. Hội Thánh sống trong lịch sử, nhưng đồng thời siêu việt trên lịch sử. “Chỉ tâm trí được soi sáng bởi đức tin”[71] mới có thể nhận ra trong thực tại hữu hình của Hội Thánh một thực tại thiêng liêng mang sự sống thần linh.

Hội Thánh – vừa hữu hình vừa thiêng liêng

771. “Đức Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất, đã thiết lập và không ngừng nâng đỡ Hội Thánh của Người, một cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến, như một cơ cấu hữu hình nơi trần thế, qua Hội Thánh đó Người ban phát chân lý và ân sủng cho mọi người”. Hội Thánh đồng thời:

– “vừa là một xã hội… có tổ chức theo phẩm trật, vừa là Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô”;

– “vừa là một tập thể hữu hình vừa là một cộng đoàn thiêng liêng”;

– “vừa là một Hội Thánh được phong phú bởi những của cải trần thế vừa là một Hội Thánh được phong phú bởi những của cải thiên quốc”.

Các chiều kích trên đồng thời “cấu thành một thực tại phức hợp duy nhất, kết hợp hai yếu tố nhân loại và thần linh”[72]:

“Hội Thánh có đặc điểm là vừa mang tính nhân loại vừa mang tính thần linh, vừa hữu hình vừa hàm chứa những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành trong hành động vừa siêu thoát trong chiêm niệm, vừa hiện diện trong trần gian vừa xa lạ với trần gian; tuy nhiên, trong Hội Thánh, yếu tố nhân loại quy hướng về yếu tố thần linh và tuỳ thuộc vào đó; yếu tố hữu hình quy hướng về yếu tố vô hình; yếu tố hoạt động quy hướng về yếu tố chiêm niệm, và hiện tại quy hướng về thành đô tương lai mà chúng ta đang tìm kiếm”[73].

“Ôi thật khiêm cung! Ôi thật cao trọng! Lều tạm bằng gỗ tùng và thánh điện của Thiên Chúa, lều tạm trần thế và cung điện thiên quốc; ngôi nhà bằng đất sét và lâu đài hoàng gia; thân thể của sự chết và đền thờ của ánh sáng; và sau cùng, đối tượng bị khinh miệt bởi những kẻ kiêu căng, và hiền thê của Đức Kitô! Tôi đen nhưng tôi đẹp, hỡi các thiếu nữ Giêrusalem: mặc dầu lao động và đau khổ của cuộc lưu đày lâu dài làm nàng xanh xao, nhưng nàng lại được trang điểm bằng vẻ đẹp thiên quốc”[74].  

Hội Thánh – mầu nhiệm hợp nhất người ta với Thiên Chúa 

772. Trong Hội Thánh, Đức Kitô hoàn thành và mạc khải mầu nhiệm riêng của Người như mục đích của kế hoạch của Thiên Chúa: “quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep l,l0). Thánh Phaolô gọi cuộc kết hợp phu phụ của Đức Kitô với Hội Thánh là “một mầu nhiệm cao cả” (Ep 5,32). Bởi vì được kết hợp với Đức Kitô như với Phu Quân của mình[75], nên chính Hội Thánh cũng trở thành một mầu nhiệm[76]. Khi chiêm ngắm mầu nhiệm nơi Hội Thánh, thánh Phaolô đã thốt lên: “Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1,27).  

773. Trong Hội Thánh, sự hiệp thông này giữa người ta với Thiên Chúa nhờ đức mến “không bao giờ mất được” (1 Cr l3,8) là mục đích chi phối tất cả những gì là phương tiện bí tích gắn liền với thế giới đang qua đi này[77]. “Toàn bộ cơ cấu của Hội Thánh đều hướng về sự thánh thiện của các chi thể của Đức Kitô. Sự thánh thiện ấy lại được xác định theo ‘mầu nhiệm cao cả’, là mầu nhiệm Hiền Thê dùng tặng phẩm tình yêu của riêng mình đáp trả lại tặng phẩm của Đấng Phu Quân”[78]. Đức Maria trổi vượt tất cả chúng ta về sự thánh thiện, vốn là mầu nhiệm của Hội Thánh, như một Hiền Thê không tỳ ố, không vết nhăn[79]. Vì vậy, “chiều kích Maria của Hội Thánh trổi vượt trên chiều kích Phêrô”[80].  

Hội Thánh - bí tích phổ quát của ơn cứu độ 

774. Từ mysterion trong tiếng Hy Lạp được dịch sang tiếng La tinh bằng hai từ là mysterium (mầu nhiệm) và sacramentum (bí tích). Trong cách giải thích về sau này, từ sacramentum (bí tích)diễn tả dấu chỉ hữu hình của thực tại ẩn giấu của ơn cứu độ, thực tại ẩn giấu đó được diễn tả bằng từmysterium (mầu nhiệm). Theo nghĩa này, chính Đức Kitô là mầu nhiệm của ơn cứu độ: “Mầu nhiệm của Thiên Chúa không là gì khác ngoài Đức Kitô”[81]. Công trình cứu độ do nhân tính thánh thiện và có sức thánh hóa của Đức Kitô thực hiện là bí tích của ơn cứu độ. Bí tích này được biểu lộ và hoạt động trong các bí tích của Hội Thánh (mà các Giáo Hội Đông phương cũng gọi là các “mầu nhiệm thánh”). Bảy bí tích là những dấu chỉ và những dụng cụ Chúa Thánh Thần dùng để tuôn đổ ân sủng của Đức Kitô là Đầu, trên Hội Thánh là Thân Thể của Người. Như vậy, Hội Thánh chứa đựng và truyền thông ân sủng vô hình mà mình là dấu chỉ. Trong ý nghĩa loại suy này, chính Hội Thánh được gọi là một “bí tích”.  

775. “Trong Đức Kitô, Hội Thánh là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hợp nhất của toàn thể nhân loại”[82]: là bí tích của sự kết hợp mật thiết con người với Thiên Chúa: đó là mục đích đầu tiên của Hội Thánh. Bởi vì sự hiệp thông giữa con người bắt rễ trong sự kết hợp với Thiên Chúa, nên Hội Thánh cũng là bí tích của sự hợp nhất của nhân loại. Trong Hội Thánh, sự hợp nhất đó đã bắt đầu, bởi vì Hội Thánh quy tụ những người “thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9); đồng thời, Hội Thánh là “dấu chỉ và dụng cụ” để thực hiện trọn vẹn sự hợp nhất này mà cho đến nay vẫn còn phải đạt tới.  

776. Với tính cách là bí tích, Hội Thánh là dụng cụ của Đức Kitô. “Hội Thánh cũng được Đức Kitô sử dụng như dụng cụ để cứu chuộc mọi người”[83], “Hội Thánh là bí tích phổ quát của ơn cứu độ”[84] qua đó Đức Kitô “biểu lộ và đồng thời thực hiện mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với con người”[85]. Hội Thánh là “kế hoạch hữu hình của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại”[86], trong kế hoạch này, Thiên Chúa muốn cho “nhân loại phổ quát họp thành Dân duy nhất của Thiên Chúa, quy tụ thành Thân thể duy nhất của Đức Kitô, xây dựng nên một Đền thờ duy nhất của Chúa Thánh Thần”[87].

TÓM LƯỢC

777. Từ Hội Thánh (Ecclesia) có nghĩa gốc là “cuộc triệu tập”. Từ này chỉ sự tập họp những người được Lời Chúa triệu tập, để hợp thành dân Thiên Chúa, và những người này, được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Đức Kitô, chính họ trở thành Thân Thể Đức Kitô.  

778. Hội Thánh vừa là con đường, đồng thời vừa là mục đích của kế hoạch của Thiên Chúa:Được hình dung trước trong công trình tạo dựng, được chuẩn bị trong Cựu Ước, được thành lập do các lời và hành động của Chúa Giêsu Kitô, được thực hiện nhờ thập giá cứu chuộc và sự phục sinh của Người, Hội Thánh được làm tỏ hiện như mầu nhiệm cứu độ qua việc tuôn đổ Chúa Thánh Thần. Hội Thánh sẽ được hoàn tất trong vinh quang thiên quốc như cuộc tập họp mọi người được cứu chuộc từ cõi đất[88].  

779. Hội Thánh vừa hữu hình vừa thiêng liêng, vừa là một xã hội có phẩm trật vừa là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Hội Thánh là duy nhất, được tạo thành bởi hai yếu tố nhân loại và thần linh. Đó là mầu nhiệm Hội Thánh, mầu nhiệm này chỉ có thể được đón nhận bằng đức tin.  

780. Trên trần gian này, Hội Thánh là bí tích cứu độ, là dấu chỉ và dụng cụ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người.


[1]CĐ Vaticanô II, Hiến Chế tín lý Lumen Gentium, 1: AAS 57 (1965) 5.

[2]Catechismus Romanus, 1, 10, 1: ed. P. Rodriguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 104.

[3]Thánh Hippôlytô Rôma, Traditio apostolica, 35: ed. B. Botte (Munster i. W. 1989) 82.

[4]X. Catechismus Romanus, 1, 10, 22: ed. P. Rodriguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 118.

[5]X. Cv 19,39.

[6]X. Xh 19.

[7]X. 1 Cr 11,18; 14,19. 28. 34-35.

[8]X. 1 Cr 1,2; 16,1.

[9]X. 1 Cr 15,9; Gl 1,13; Plm 3,6.

[10]X. Ep 1,22; Cl 1,18.

[11]X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965) 13.

[12]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 6: AAS 57 (1965) 8.

[13]X. Ga 10,1-10.

[14]X. Is 40,11; Ed 34,11-31.

[15]X. Ga 10,11; 1 Pr 5,4.

[16]X. Ga 10,11-15.

[17]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 6: AAS 57 (1965) 8.

[18]X. 1 Cr 3,9.

[19]X. Rm 11,13-26.

[20]X. Mt 21,33-43 và song song; Is 5,1-7.

[21]X. Ga 15,1-5.

[22]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 6: AAS 57 (1965) 8.

[23]X. 1 Cr 3,9.

[24]X. 1 Cr 3,11.

[25]X. 1 Tm 3,15.

[26]X. Ep 2,19-22.

[27]X. Kh 21,3.

[28]X. 1 Pr 2,5.

[29]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 6: AAS 57 (1965) 8-9.

[30]X. Kh 12,17.

[31]X. Kh 19,7; 21,2. 9; 22,17.

[32]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 6: AAS 57 (1965) 9.

[33]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 2: AAS 57 (1965) 5-6.

[34]Hermas, Pastor, 8, 1 (Visio 2, 4, 1): SC 53, 96; x. Aristides, Apologia, 16, 7: BP 11, 125; Thánh Justinô, Apologia 2, 7: CA 1, 216-218 (PG 6, 456).

[35]X. Thánh Êpiphaniô, Panarion 1, 1, 5, Haereses 2, 4: GCS 25, 174 (PG 41, 181).

[36]Thánh Clêmentê AlexandriaPaedagogus, 1, 6, 27, 2: GCS 12, 106 (PG 8, 281).

[37]X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965) 12; Ibid. , 13: AAS 57 (1965) 17-18; Ibid. , 16: AAS 57 (1965) 20.

[38]X. St 12,2; 15,5-6.

[39]X. Xh 19,5-6; Đnl 7,6.

[40]X. Is 2,2-5; Mk 4,1-4.

[41]X. Os 1; Is 1,2-4; Gr 2; v. v….

[42]X. Gr 31,31-34; Is 55,3.

[43]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965) 13.

[44]X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3: AAS 57 (1965) 6; Id. , Sắc lệnh Ad Gentes, 3: AAS 58 (1966) 949.

[45]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5: AAS 57 (1965) 7.

[46]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3: AAS 57 (1965) 6.

[47]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5: AAS 57 (1965) 7.

[48]X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5: AAS 57 (1965) 7.

[49]X. Mt 10,16; 26,31; Ga 10,1-21.

[50]X. Mt 12,49.

[51]X. Mt 5-6.

[52]X. Mc 3,14-15.

[53]X. Mt 19,28; Lc 22,30.

[54]X. Kh 21,12-14.

[55]X. Mc 6,7.

[56]X. Lc 10,1-2.

[57]X. Mt 10,25; Ga 15,20.

[58]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3: AAS 57 (1965) 6.

[59]CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 5: AAS 56 (1964) 99.

[60]X. Thánh Ambrôsiô, Expositio evangelii secundum Lucam 2,85-89: CCL 14, 69-72 (PL 15, 1666-1668).

[61]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 4: AAS 57 (1965) 6.

[62]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes,4: AAS 58 (1966) 950.

[63]X. Mt 28,19-20; CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 2: AAS 58 (1966) 948; Ibid. , 5-6: AAS 58 (1966) 951-955.

[64]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 4: AAS 57 (1965) 7.

[65]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5: AAS 57 (1965) 8.

[66]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 53.

[67]Thánh Augustinô, De civitate Dei, 18, 51: CSEL 40/2, 354 (PL 41, 614); x. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 8: AAS 57 (1965) 12.

[68]X. 2 Cr 5,6; CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 6: AAS 57 (1965) 9.

[69]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5: AAS 57 (1965) 8.

[70]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 2: AAS 57 (1965) 6.

[71]Catechismus Romanus, 1, 10, 20: ed. P. Rodriguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 117.

[72]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 8: AAS 57 (1965) 11.

[73]CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 2: AAS 56 (1964) 98.

[74]Thánh Bênađô, In Canticum sermo 27, 7, 14: Opera, ed. J. Leclecq-C. H Talbot-H. Rochais, v. 1 (Romae 1957) 191.

[75]X. Ep 5,25-27.

[76]X. Ep 3,9-l1.

[77]X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 53.

[78]ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Mulieris dignitatem, 27: AAS 80 (1988) 1718.

[79]X. Ep 5,27.

[80]ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Mulieris dignitatem 27: AAS 80 (1988) 1718, nota 55.

[81]Thánh Augustinô, Epistula 187, 11, 34: CSEL 57, 113 (PL 33, 845).

[82]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 1: AAS 57 (1965) 5.

[83]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965) 13.

[84]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 53.

[85]X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 45: AAS 58 (1966) 1066.

[86]ĐGH Phaolô VI, Allocutio ad Sacri Collegii Cardinalium Patres (22-6-1973): AAS 65 (1973) 391.

[87]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 7: AAS 58 (1966) 956; x. Id. , Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 17: AAS 57 (1965) 20-21.

[88]X. Kh 14,4.

 


Sách Giáo Lý Công Giáo