SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - TIẾT 2: HỘI THÁNH – DÂN THIÊN CHÚA, THÂN THỂ ĐỨC KITÔ,
ĐỀN THỜ CHÚA THÁNH THẦN
(giaolyductin.org)
Tiết 2
Hội Thánh – Dân Thiên Chúa,
Thân Thể Đức Kitô, Đền Thờ Chúa Thánh Thần
Paragraphus 2
Ecclesia – Populus Dei,
I. HỘI THÁNH – DÂN THIÊN CHÚA
ECCLESIA – POPULUS DEI
781. “Quả thật, trong mọi thời và trong mọi dân, bất cứ ai kính
sợ Thiên Chúa và thực hành sự công chính đều được Ngài đón nhận. Tuy nhiên,
Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu độ người ta riêng rẽ từng người một,
không liên kết với nhau, nhưng Ngài muốn thiết lập họ thành một Dân, là dân
nhận biết Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài một cách thánh thiện. Vì vậy,
Ngài đã chọn dân Israel làm dân của Ngài, thiết lập với họ một Giao ước, giáo
huấn họ dần dần, bằng cách biểu lộ chính mình Ngài và ý muốn của Ngài trong
lịch sử của họ và thánh hiến họ cho Ngài. Tuy nhiên, tất cả những điều đó chỉ
là chuẩn bị và hình bóng của Giao Ước mới và hoàn hảo, sẽ được ký kết trong Đức
Kitô…. Đó là Giao Ước mới Đức Kitô đã thiết lập trong máu Người, Người kêu gọi
những người Do thái và dân ngoại làm thành một Dân, liên kết nhau hướng về sự
hợp nhất không theo xác thịt nhưng trong Thần Khí [1].
Những đặc tính của dân Thiên Chúa
782. Dân Thiên Chúa có những đặc tính, phân biệt họ một cách rõ
ràng với tất cả những tập thể trong lịch sử về tôn giáo, chủng tộc, chính trị
hoặc văn hóa:
– Đây là dân của Thiên Chúa: Thiên Chúa không thuộc riêng một dân nào. Nhưng Ngài thủ
đắc cho mình một dân từ những người trước kia không phải là một dân: “là giống
nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh” (1 Pr 2,9).
– Người ta trở nên phần tử của dân này, không nhờ sự sinh ra theo thể lý, nhưng nhờ sự sinh ra
“bởi ơn trên”, “bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,3-5), nghĩa là, nhờ đức tin vào Đức
Kitô và nhờ bí tích Rửa Tội.
– “Dân này có Đấng làm Đầu là Chúa Giêsu Kitô (Đấng Được Xức Dầu, Đấng Messia): bởi vì
cùng một Sự Xức Dầu, là Chúa Thánh Thần, chảy từ Đầu vào Thân thể, nên đây là
“Dân thuộc về Đấng Được Xức Dầu”.
– “Dân này có phẩm giá và sự tự do của các con cái Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần ngự trong
trái tim của họ như trong một đền thờ”[2].
– “Dân này có Luật là giới răn mới của yêu thương như chính Đức Kitô đã yêu thương
chúng ta”[3]. Đó là Luật “mới” của Chúa Thánh Thần[4].
– Sứ vụcủa dân này là làm muối
đất và ánh sáng thế gian[5]. “Dân này là hạt giống chắc chắn nhất mang lại sự hợp
nhất, niềm hy vọng và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại”[6].
– Cuối cùng, mục đích của dân này là “Nước Thiên Chúa, đã được chính Thiên Chúa khởi sự
nơi trần thế và ngày càng lan rộng, cho đến khi được chính Ngài hoàn tất trong
ngày tận thế”[7].
Dân tư tế, tiên tri và vương đế
783. Chúa Cha đã dùng Thánh Thần xức dầu và thiết đặt Chúa Giêsu
Kitô làm “Tư tế, Tiên tri và Vương đế”. Toàn thể dân Thiên Chúa tham dự vào ba
chức năng này của Đức Kitô và lãnh trách nhiệm về sứ vụ và về sự phục vụ, xuất
phát từ ba chức năng đó[8].
784. Khi một người gia nhập dân Thiên Chúa nhờ đức tin và nhờ bí
tích Rửa Tội, thì người đó được tham dự vào ơn gọi duy nhất của dân đó: vào ơn
gọi làm tư tế của dân Thiên Chúa. “Chúa Kitô được cất nhắc làm Thượng tế
giữa loài người, đã làm cho dân mới ‘thành một nước, thành những tư tế cho
Thiên Chúa, Cha của Người’. Thật vậy, những ai đã lãnh Phép Rửa, nhờ ơn tái
sinh và việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần, đều được thánh hiến để trở thành ngôi nhà thiêng liêng và hàng tư tế thánh”[9].
785. “Dân thánh của Thiên Chúa cũng được tham dự vào chức năng tiên tri của Đức Kitô”. Chủ yếu nhờ cảm thức siêu nhiên của đức tin,
một cảm thức riêng của toàn thể dân Thiên Chúa, giáo dân và giáo phẩm, khi họ
“luôn luôn gắn bó với đức tin đã được truyền lại cho các Thánh một lần cho mãi
mãi”[10],
khi họ đào sâu để hiểu biết đức tin hơn, và trở thành chứng nhân cho Đức Kitô
giữa trần gian này.
786. Cuối cùng, dân Thiên Chúa được tham dự vào chức năng vương đế của Đức Kitô. Đức Kitô
thực thi quyền vương đế của Người khi Người lôi kéo mọi người đến với mình qua
cái Chết và sự Sống lại của Người[11]. Đức Kitô, là Vua và
là Chúa của vũ trụ, đã trở nên tôi tớ mọi người, vì “Người đến không phải để
được người ta phục vu, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu
chuộc muôn người” (Mt 20,28). Đối với Kitô hữu, “cai trị là phục vụ” Đức Kitô[12]; Hội Thánh đặc biệt
“nhận ra trong những người nghèo khó và đau khổ hình ảnh của Đấng Sáng Lập
nghèo khó và đau khổ của mình”[13]. Dân Thiên Chúa thực
hiện “phẩm giá vương đế” của mình khi sống theo ơn gọi phục vụ cùng với Đức
Kitô.
“Quả thật, tất cả những
người được tái sinh trong Đức Kitô, dấu thánh giá làm cho họ trở thành Vua,
việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần thánh hiến họ làm tư tế, để, ngoại trừ sự
phục vụ đặc biệt của thừa tác vụ của chúng tôi, tất cả các Kitô hữu có tinh
thần và có lý trí đều nhận ra mình thuộc dòng dõi vương đế và có chức vụ tư tế.
Thật vậy, có gì mang tính vương đế đối với một tâm hồn cho bằng hướng dẫn thân
xác mình quy phục Thiên Chúa? Và có gì mang tính tư tế cho bằng dâng lên Chúa
một lương tâm trong sạch và dâng những lễ vật tinh tuyền của lòng đạo hạnh trên
bàn thờ của trái tim?”[14]
II. HỘI
THÁNH – THÂN THỂ ĐỨC KITÔ
ECCLESIA –
Hội Thánh là sự hiệp thông với Chúa Giêsu
787. Ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã kết hợp các môn đệ Người vào
cuộc đời Người[15]; Người đã mạc khải cho họ mầu nhiệm Nước Trời[16]; và cho họ được tham
dự vào sứ vụ, niềm vui[17] và những đau khổ của
Người[18].
Chúa Giêsu còn nói đến một sự hiệp thông mật thiết hơn nữa giữa Người với những
ai đi theo Người: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em…. Thầy là
cây nho, anh em là cành” (Ga 15,4-5). Và Người loan báo một sự hiệp thông bí
nhiệm và thật sự giữa thân thể của Người và thân thể của chúng ta: “Ai ăn thịt
và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).
788. Khi không còn hiện diện hữu hình với các môn đệ của Người,
Chúa Giêsu đã không để họ phải mồ côi[19]. Người hứa Người sẽ ở
với họ cho đến tận thế[20]. Người sai Thần Khí của Người đến với họ[21]. Như vậy sự hiệp thông
với Chúa Giêsu một cách nào đó đã trở nên mật thiết hơn: “Quả thật, bằng việc
truyền thông Thần Khí của Người, Chúa Giêsu đã thiết lập các anh em Người, được
triệu tập từ muôn dân, thành thân thể của Người một cách mầu nhiệm”[22].
789. Việc so sánh Hội Thánh với một thân thể làm sáng tỏ sự ràng
buộc thân mật giữa Hội Thánh và Đức Kitô. Hội Thánh không chỉ được quy tụ quanh Đức Kitô; Hội Thánh được nên
một trongNgười, trong Thân Thể của Người. Có ba khía cạnh của Hội Thánh –
Thân Thể Đức Kitô, cần được lưu ý đặc biệt: sự hợp nhất của mọi chi thể với
nhau nhờ họ kết hợp với Đức Kitô; Đức Kitô là Đầu của Thân Thể; và Hội Thánh là
Hiền Thê của Đức Kitô.
“Một Thân Thể duy nhất”
790. Khi đáp lại Lời Thiên Chúa và trở nên chi thể của Thân Thể
Đức Kitô, các tín hữu được kết hợp mật thiết với Đức Kitô: “Trong thân thể đó,
sự sống của Đức Kitô được truyền thông cho các tín hữu là những kẻ, nhờ các bí
tích, đã được kết hợp một cách bí nhiệm và thật sự với Đức Kitô chịu nạn và
được tôn vinh”[23]. Điều này đặc biệt là thật đối với bí tích Rửa Tội, nhờ bí
tích này chúng ta được kết hợp với cái Chết và sự Sống lại của Đức Kitô[24], và đối với bí tích
Thánh Thể, nhờ bí tích này “khi chúng ta được tham dự thật sự vào Thân Thể của
Chúa, chúng ta được nâng lên đến sự hiệp thông với Người và với nhau”[25].
791. Sự hợp nhất trong Thân Thể không làm mất tính đa dạng của
các chi thể: “Trong việc xây dựng Thân Thể của Đức Kitô, có sự đa dạng của các
chi thể và các phận vụ. Chỉ có một Thần Khí, Đấng phân phát các hồng ân khác
nhau của Ngài, theo sự phong phú của Ngài và theo nhu cầu của các thừa tác vụ
để mang lại lợi ích cho Hội Thánh”[26]. Sự hợp nhất của Nhiệm
Thể làm phát sinh và cổ võ đức mến giữa các tín hữu. “Từ đó, nếu một chi thể
đau khổ, thì tất cả các chi thể đều đau khổ; còn nếu một chi thể được vinh dự,
thì tất cả các chi thể đều chung vui”[27]. Sau cùng, sự hợp nhất
của Thân Thể Đức Kitô chiến thắng mọi chia rẽ nhân loại: “Quả thế, bất cứ ai
trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô; không
còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà;
nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,27-28).
Đức Kitô là Đầu của Thân Thể này
792. Đức Kitô là “Đầu của Thân Thể, nghĩa là Đầu của Hội Thánh”
(Cl 1,18). Người là Nguyên Lý của cả công trình tạo dựng và công trình cứu
chuộc. Khi được siêu thăng vào trong vinh quang của Chúa Cha, “Người đứng hàng
đầu trong mọi sự” (Cl 1,18), nhất là trong Hội Thánh, và qua Hội Thánh, Người
mở rộng Nước của Người trên mọi sự.
793. Chính Người kết hợp chúng ta với
cuộc Vượt Qua của Người: Mọi chi thể phải trở nên giống như Người “cho đến khi Đức
Kitô được hình thành” nơi họ (Gl 4,l9). “Chính vì thế chúng ta… được đảm nhận
lấy các mầu nhiệm của cuộc đời Người, hiệp thông với những đau khổ của Người
như thân thể hiệp thông với Đầu, cùng chịu đau khổ với Người, để cùng được tôn
vinh với Người”[28].
794. Chính Người làm cho chúng ta
được tăng trưởng[29]: Để làm cho chúng ta tăng trưởng trong Người, là Đầu của
chúng ta[30], Đức Kitô phân phối các hồng ân và các thừa tác vụ trong
Thân Thể Người là Hội Thánh, nhờ đó chúng ta giúp đỡ lẫn nhau trên con đường
cứu độ.
795. Vì vậy, Đức Kitô và Hội Thánh là “Đức Kitô toàn thể” (Christus totus). Hội Thánh là một với Đức Kitô. Các Thánh ý thức một cách
rất sống động về sự hợp nhất này:
“Vậy chúng ta hãy vui
mừng và cảm tạ, vì không những chúng ta trở thành Kitô hữu, mà còn trở thành
chính Đức Kitô. Thưa anh em, anh em có hiểu ân sủng của Thiên Chúa, Đấng là
Đầu, trên chúng ta không? Anh em hãy cảm phục và vui mừng: chúng ta được trở
thành Đức Kitô. Quả vậy, nếu Người là Đầu và chúng ta là chi thể, thì con người
toàn thể (totus homo) chính là Người và
chúng ta…. Vậy sự viên mãn của Đức Kitô, là Đầu và các chi thể. Nhưng Đầu và
các chi thể là gì? Đó là Đức Kitô và Hội Thánh”[31].
“Đấng Cứu Chuộc chúng
ta đã tỏ cho thấy, Người cùng với Hội Thánh mà Người đã đảm nhận, là như một
người duy nhất”[32].
“Đầu và các chi thể là
như một người huyền nhiệm duy nhất”[33].
Một câu nói của thánh
nữ Jeanne d’Arc trước toà án tóm tắt đức tin của các Thánh tiến sĩ và cũng diễn
tả lương tri của tín hữu: “Về Chúa chúng ta và Hội Thánh thì tôi nghĩ cả hai
chỉ là một, không phải rắc rối làm gì”[34].
Hội Thánh là Hiền Thê của Đức Kitô
796. Sự hợp nhất giữa Đức Kitô và Hội Thánh, giữa Đầu và các chi
thể của Thân Thể, cũng bao hàm sự phân biệt giữa hai bên trong một tương quan
cá vị. Khía cạnh này thường được diễn tả bằng hình ảnh phu quân và hiền thê. Đề
tài Đức Kitô phu quân của Hội Thánh đã được các Tiên tri chuẩn bị và ông Gioan
Tẩy Giả loan báo[35]. Chính Chúa cũng tự xưng như là “chàng rể” (Mc 2,l9)[36]. Thánh Tông Đồ trình
bày Hội Thánh và mỗi tín hữu, chi thể của Thân Thể Người, như là Hiền Thê “được
kết hôn” với Chúa Kitô để nên một Thần Khí với Người[37]. Hội Thánh là Hiền Thê
tinh tuyền của Con Chiên tinh tuyền[38], mà Đức Kitô đã yêu
thương, Người đã hiến mạng sống mình vì Hội Thánh “để thánh hoá và thanh tẩy
Hội Thánh” (Ep 5,26), Người liên kết Hội Thánh với mình bằng một giao ước vĩnh
cửu, và không ngừng chăm sóc Hội Thánh như thân thể riêng của Người[39]:
“Đây là Đức Kitô toàn
thể, gồm Đầu và thân thể, và là một do bởi nhiều người…. Vậy hoặc là đầu nói,
hoặc là các chi thể nói, thì đều là Đức Kitô nói: Người nói trong cương vị là
Đầu (ex persona capitis), và Người nói trong cương vị là Thân Thể (ex persona corporis). Nhưng nói gì? ‘Cả hai sẽ thành một xương một
thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh’ (Ep
5,3l-32). Và chính Chúa cũng nói trong Tin Mừng: “Như vậy, họ không còn là hai,
nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt l9,6). Vậy như anh em đã biết, thật sự thì
có hai người, nhưng cả hai đã nên một khi thành vợ thành chồng…. Với tư cách là Đầu, Người tự xưng là ‘Phu quân’; với tư cách là
Thân Thể, Người tự xưng là ‘Hiền thê’”[40].
III. HỘI THÁNH – ĐỀN THỜ CỦA CHÚA THÁNH THẦN
ECCLESIA – TEMPLUM
SPIRITUS SANCTI
797. “Tinh thần hay linh hồn chúng ta tương quan với các chi thể
thế nào, thì Chúa Thánh Thần cũng như thế đối với các chi thể của Đức Kitô, đối
với Thân Thể Đức Kitô là Hội Thánh”[41]. “Cũng phải quy về
Thần Khí của Đức Kitô, như về một nguyên lý không hữu hình, việc tất cả các
phần của Thân Thể được kết hợp với nhau, cũng như với Đầu cao trọng của mình,
vì Thần Khí hiện diện trọn vẹn nơi Đầu, trọn vẹn nơi Thân Thể, trọn vẹn nơi mỗi
một chi thể”[42]. Chúa Thánh Thần làm cho Hội Thánh trở nên “Đền thờ của
Thiên Chúa hằng sống” (2 Cr 6,l6)[43]:
“Quả vậy, hồng ân của
Thiên Chúa đã được uỷ thác cho Hội Thánh… và sự hiệp thông của Đức Kitô đã được
ký thác cho Hội Thánh, đó là Chúa Thánh Thần, Ngài là bảo chứng của sự bất
diệt, là sức mạnh củng cố đức tin của chúng ta và là chiếc thang đưa chúng ta
lên tới Thiên Chúa…. Quả vậy, ở đâu có Hội Thánh, thì ở đó có Thần Khí của
Thiên Chúa; và ở đâu có Thần Khí của Thiên Chúa, thì ở đó có Hội Thánh và mọi
ân sủng”[44].
798. Chúa Thánh Thần là “nguyên lý của mọi hành động tác sinh và
thật sự có giá trị cứu độ trong mỗi phần của Thân Thể”[45]. Ngài hoạt động bằng
nhiều cách để xây dựng toàn thân trong đức mến[46]: bằng Lời Thiên Chúa
là “Lời có sức xây dựng” (Cv 20,32); bằng bí tích Rửa Tội nhờ đó Ngài làm nên
Thân Thể Đức Kitô[47]; bằng các bí tích giúp cho các chi thể của Đức Kitô được
tăng trưởng và được chữa lành; bằng ân sủng của các Tông Đồ, là điều trổi vượt
trong các hồng ân của Ngài[48]; bằng các nhân đức, giúp các tín hữu hành động theo sự
lành, và cuối cùng bằng nhiều ân sủng đặc biệt (được gọi là “các đặc sủng”)
giúp các tín hữu “có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và phận vụ
khác nhau, để mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Hội Thánh”[49].
Các đặc sủng
799. Các đặc sủng, hoặc ngoại thường hoặc đơn giản và khiêm tốn,
là những ân sủng của Chúa Thánh Thần, đều hữu ích cho Hội Thánh cách trực tiếp
hay gián tiếp, theo mức độ các đặc sủng đó quy về việc xây dựng Hội Thánh, về
việc mưu ích cho con người và về những nhu cầu của trần gian.
800. Các đặc sủng phải được đón nhận với lòng biết ơn, không
những bởi người lãnh nhận các đặc sủng đó, mà còn bởi tất cả các phần tử của
Hội Thánh. Đó là sự phong phú thật kỳ diệu của ân sủng cho sức sống tông đồ và
cho sự thánh thiện của toàn Thân Thể Đức Kitô; miễn là đó phải là những hồng ân
thật sự xuất phát bởi Chúa Thánh Thần, và được thực thi hoàn toàn phù hợp với
những thúc đẩy đích thực của Ngài, nghĩa là theo đức mến, là thước đo thật của
các đặc sủng[50].
801. Theo nghĩa này, rõ ràng là sự phân định các đặc sủng luôn
luôn là cần thiết. Không có đặc sủng nào được miễn khỏi tương quan với và quy
phục các Mục tử của Hội Thánh. Các ngài “có thẩm quyền đặc biệt, không phải để
dập tắt Thần Khí, nhưng phải thử thách tất cả và giữ lại điều gì là tốt”[51], để tất cả các đặc
sủng, trong sự khác biệt và bổ sung lẫn nhau, cùng cộng tác “vì lợi ích chung”
(1 Cr 12,7)[52].
TÓM LƯỢC
802. Chúa Giêsu Kitô “đã tự hiến để
cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng
ta, khiến chúng ta thành dân riêng của Người” (Tt 2,14).
803. “Anh em là giống nòi được tuyển
chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1 Pr
2,9).
804. Chúng ta gia nhập dân Thiên Chúa
nhờ đức tin và nhờ bí tích Rửa Tội. “Tất cả mọi người đều được kêu gọi gia nhập
dân mới của Thiên Chúa”[53], để trong Đức Kitô “người ta làm thành một gia đình duy nhất và một
dân duy nhất của Thiên Chúa”[54].
805. Hội Thánh là Thân Thể của Đức
Kitô. Nhờ Thần Khí và nhờ hành động của Ngài trong các bí tích, nhất là bí tích
Thánh Thể, Đức Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại, làm cho cộng đoàn các tín hữu
nên Thân Thể của Người.
806. Trong sự hợp nhất của Thân Thể
này, có sự đa dạng của các chi thể và các chức năng. Tất cả các chi thể đều
được liên kết với nhau, nhất là với những người đau khổ, những người nghèo và
những người bị bách hại.
807. Hội Thánh là một Thân Thể có Đức
Kitô là Đầu:Hội Thánh sống do Người, trong Người, và
cho Người; chính Người sống với Hội Thánh và trong Hội Thánh.
808. Hội Thánh là Hiền Thê của Đức
Kitô:Người đã yêu mến Hội Thánh và đã nộp mình vì Hội Thánh. Người đã
thanh tẩy Hội Thánh bằng Máu Người. Người làm cho Hội Thánh trở thành Mẹ, sinh
ra tất cả các con cái của Thiên Chúa.
809. Hội Thánh là Đền Thờ của Chúa
Thánh Thần. Thần Khí là như linh hồn của Nhiệm Thể, là nguyên lý của sự sống
của Nhiệm Thể, nguyên lý của sự hợp nhất trong khác biệt, nguyên lý của sự
phong phú các hồng ân và đặc sủng của Nhiệm Thể.
810. “Như vậy Hội Thánh phổ quát xuất
hiện như một dân được quy tụ trong sự hợp nhất của Chúa Cha, và Chúa Con và
Chúa Thánh Thần”[55].
[1]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965) 12-13.
[2]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965) 13.
[3]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965) 13; x. Ga 13,14.
[4]X. Rm 8,2; Gl 5,25.
[5]X. Mt 5,13-16.
[6]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965) 13.
[7]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965) 13.
[8]X. ĐGH Gioan Phaolô II,
Thông điệp Redemptoris Hominis 18-21: AAS 71 (1979) 301-320.
[9]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 10: AAS 57 (1965) 14.
[10]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 12: AAS 57 (1965) 16.
[11]X. Ga 12,32.
[12]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 36: AAS 57 (1965) 41.
[13]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 8: AAS 57 (1965) 12.
[14]Thánh Lêô Cả, Sermo 4, 1: CCL 138, 16-17 (PL 54, 149).
[15]X. Mc 1,l6-20; 3,l3-l9.
[16]X. Mt l3,l0-l7.
[17]X. Lc l0,l7-20.
[18]X. Lc 22,28-30.
[19]X. Ga l4,l8.
[20]X. Mt 28,20.
[21]X. Ga 20,22; Cv 2,33.
[22]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 7: AAS 57 (1965) 9.
[23]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 7: AAS 57 (1965) 9.
[24]X. Rm 6,4-5; 1 Cr 12,13.
[25]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 7: AAS 57 (1965) 9.
[26]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 7: AAS 57 (1965) 10.
[27]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 7: AAS 57 (1965) 10.
[28]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 7: AAS 57 (1965) 10.
[29]X. Cl 2,19.
[30]X. Ep 4,11-16.
[31]Thánh Augustinô, In Iohannis evangelium tractatus, 21, 8: CCL 36, 216-217
(PL 35, 1568).
[32]Thánh Grêgôriô Cả, Moralia in Iob, Praefatio, 6, 14: CCL 143, 19 (PL 75, 525).
[33]Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, q. 48, a. 2, ad 1: Ed.
[34]Thánh Jeanne d’Arc, Dictum: Procès de condamnation, ed. P. Tisset (
[35]X. Ga 3,29.
[36]X. Mt 22,l-l4; 25,l-l3.
[37]X. 1 Cr 6,l5-l7; 2 Cr
11,2.
[38]X. Kh 22,l7; Ep l,4;
5,27.
[39]X. Ep 5,29.
[40]Thánh Augustinô, Enarratio in Psalmum 74, 4: CCL 39, 1027 (PL 37, 948-949).
[41]Thánh Augustinô, Sermo 268, 2: PL 38, 1232.
[42]ĐGH Piô XII, Thông điệp Mystici corporis: DS 3808.
[43]X. 1 Cr 3,16-17; Ep
2,21.
[44]Thánh Irênê, Adversus haereses, 3, 24, 1: SC 211, 472-474 (PG 7, 966).
[45]ĐGH Piô XII, Thông điệp Mystici corporis: DS 3808.
[46]X. Ep 4,16.
[47]X. 1 Cr l2,l3.
[48]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 7: AAS 57 (1965) 10.
[49]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 12: AAS 57 (1965) 16; x.
[50]X. 1 Cr 13.
[51]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 12: AAS 57 (1965) 17.
[52]X. CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 30: AAS 57 (1965) 37; ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles laici, 24: AAS 81 (1989) 435.
[53]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 13: AAS 57 (1965) 17.
[54]CĐ Vaticanô II, Sắc
lệnh Ad Gentes, 1: AAS 58 (1966) 947.
[55]CĐ Vaticanô II, Hiến
chế tín lý Lumen Gentium, 4: AAS 57 (1965) 7; x. Thánh Cyprianô,De