SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - TIẾT 3 : HỘI THÁNH DUY NHẤT, THÁNH THIỆN, CÔNG GIÁO VÀ TÔNG TRUYỀN 

(giaolyductin. net)

Tiết 3

Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền

Paragraphus 3

Ecclesia est una, sancta, catholica et apostolica

811. “Đây là Hội Thánh duy nhất của Đức Kitô, mà trong Tín biểu chúng ta tuyên xưng là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”[1]. Bốn đặc tính này nối kết với nhau một cách không thể tách biệt[2], và nêu rõ những nét căn bản của Hội Thánh và của sứ vụ của Hội Thánh. Hội Thánh không tự mình có các thuộc tính ấy; Đức Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần, đã làm cho Hội Thánh được duy nhất, thánh thiện công giáo và tông truyền, và cũng chính Người kêu gọi Hội Thánh hãy thực hiện từng điều trong các đặc tính đó.

812. Chỉ đức tin mới có thể nhận biết rằng Hội Thánh có các đặc tính này từ nguồn mạch thần linh. Nhưng những biểu hiện lịch sử của các đặc tính đó cũng là những dấu chỉ nói lên cách rõ ràng trước lý trí nhân loại. Công đồng Vaticanô I nhắc lại: “Bởi sự thánh thiện trổi vượt, … sự hợp nhất công giáo và sự vững bền không gì thắng nổi của mình, Hội Thánh tự mình đã là một lý do quan trọng và thường xuyên về tính khả tín, và là một bằng chứng không thể phi bác về sứ vụ thần linh của mình”[3].

I.   HỘI THÁNH DUY NHẤT

ECCLESIA EST UNA

“Mầu nhiệm thánh thiêng của tính duy nhất của Hội Thánh[4]

813. Hội Thánh là duy nhất vì nguồn mạch của mình: “Khuôn mẫu mực tối cao và nguyên lý của mầu nhiệm này, là sự hợp nhất trong Ba Ngôi của Thiên Chúa duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần”[5]. Hội Thánh là duy nhất vì Đấng Sáng Lập của mình: “Quả thật, chính Chúa Con nhập thể … đã nhờ cây thập giá của mình mà giao hoà mọi người với Thiên Chúa … tái lập sự hợp nhất mọi người trong một dân tộc và một thân thể”[6]. Hội Thánh là duy nhất vì “linh hồn” của mình: “Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong các tín hữu, đầy tràn và điều khiển toàn Hội Thánh, làm cho các tín hữu hiệp thông với nhau cách kỳ diệu và kết hợp tất cả trong Đức Kitô cách rất mật thiết, cho nên Ngài là nguyên lý của sự hợp nhất của Hội Thánh”[7]. Vì vậy, theo bản chất, Hội Thánh là duy nhất:

“Ôi mầu nhiệm lạ lùng thay! Có Chúa Cha duy nhất của vũ trụ, có Ngôi Lời duy nhất của vũ trụ, và Chúa Thánh Thần duy nhất, và chính Ngài ở khắp nơi. Cũng có một người Mẹ Đồng Trinh duy nhất; mà tôi thích gọi người mẹ đó là Hội Thánh”[8].

814. Tuy nhiên, ngay từ khởi đầu, Hội Thánh duy nhất đó cho thấy mình rất đa dạng, điều này vừa xuất phát từ những hồng ân khác nhau của Thiên Chúa đồng thời vừa từ vô số những người lãnh nhận các hồng ân đó. Những đa dạng của các dân tộc và các nền văn hoá được quy tụ thành sự duy nhất của dân Thiên Chúa. Giữa các phần tử của Hội Thánh có sự đa dạng về các hồng ân, các chức năng, các hoàn cảnh và các cách sống; “trong sự hiệp thông của Hội Thánh, có sự hiện diện cách chính đáng của các Giáo Hội địa phương với những truyền thống riêng”[9]. Những phong phú lớn lao của sự đa dạng này không nghịch lại tính duy nhất của Hội Thánh. Tuy nhiên tội lỗi và những hậu quả nặng nề của nó không ngừng đe doạ hồng ân là sự duy nhất. Vì vậy thánh Tông Đồ đã khuyên phải duy trì “sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau” (Ep 4,3).

815. Những mối dây của sự duy nhất này là gì? Trên hết mọi sự, đó là đức mến, là “mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,l4). Nhưng sự duy nhất của Hội Thánh lữ hành cũng được nâng đỡ bằng những mối dây hiệp thông hữu hình:

– Nhờ việc tuyên xưng một đức tin duy nhất đã tiếp nhận từ các Tông Đồ;

– Nhờ sự cử hành chung việc phượng tự thần linh, nhất là các bí tích;

– Nhờ sự kế nhiệm tông truyền qua bí tích Truyền Chức Thánh, điều này duy trì sự hòa hợp huynh đệ của gia đình Thiên Chúa[10].

816. “Đây là Hội Thánh duy nhất của Đức Kitô, … mà Đấng Cứu Độ chúng ta, sau khi Người phục sinh, đã trao cho ông Phêrô chăn dắt, và truyền cho ông và các tông đồ khác phải truyền bá và cai quản…. Được thiết lập trên trần gian như một xã hội có phẩm trật, Hội Thánh ấy tồn tại trong (subsistit in) Hội Thánh Công giáo, do Vị kế nhiệm thánh Phêrô và các Giám mục hiệp thông với ngài điều khiển”[11].

Sắc lệnh về Đại Kết (de Oecumenismo) của Công đồng Vaticanô II giải thích: “Quả vậy, nhờ Hội Thánh duy nhất công giáo của Đức Kitô, là sự trợ giúp thông thường của ơn cứu độ, người ta có thể đạt được cách viên mãn các phương tiện cứu độ. Thật sự, chúng tôi tin, Chúa đã ủy thác tất cả sản nghiệp Tân Ước cho riêng Tông Đồ Đoàn do thánh Phêrô lãnh đạo, để tạo thành một Thân Thể duy nhất của Đức Kitô nơi trần thế; tất cả những ai thuộc về dân Thiên Chúa một cách nào đó, đều phải được tháp nhập một cách đầy đủ vào Thân Thể này”[12].

Những vết thương của sự duy nhất 

817. Thật ra, “trong Hội Thánh duy nhất và độc nhất này của Thiên Chúa, ngay từ buổi sơ khai, đã xuất hiện một số rạn nứt mà thánh Tông Đồ đã nặng lời khiển trách là đáng lên án. Trong những thế kỷ sau đó, còn phát sinh những xung đột trầm trọng hơn và những cộng đoàn không nhỏ đã tách biệt khỏi sự hiệp thông đầy đủ với Hội Thánh Công giáo, có khi không phải không do lỗi của những người ở cả hai bên[13]. Những sự đoạn tuyệt, làm tổn thương sự duy nhất của Thân Thể Đức Kitô (được phân biệt là lạc giáo, bội giáo và ly giáo)[14], đã xảy ra do tội lỗi của con người:

“Ở đâu có tội lỗi, ở đó có lộn xộn, ly giáo, lạc giáo, và xung đột; còn ở đâu có nhân đức, ở đó có sự duy nhất, sự kết hợp, nhờ đó tất cả các tín hữu chỉ có một trái tim, và một linh hồn”[15].  

818. Ngày nay những người sinh ra trong các cộng đoàn phát sinh từ những cuộc ly khai ấy “và đang sống đức tin vào Đức Kitô, không thể bị tố cáo về tội chia rẽ, và Hội Thánh Công giáo quý mến họ với lòng tôn trọng và yêu thương huynh đệ…. Được công chính hóa bởi đức tin trong bí tích Rửa Tội, họ được tháp nhập vào Đức Kitô, và vì vậy họ có quyền mang danh Kitô hữu, và xứng đáng được con cái của Hội Thánh Công giáo nhìn nhận là anh em trong Chúa”[16].  

819. Hơn nữa, “nhiều yếu tố của sự thánh hóa và của chân lý”[17] hiện hữu bên ngoài những giới hạn hữu hình của Hội Thánh Công giáo: “Lời Chúa bằng văn tự, đời sống trong ân sủng, đức tin, đức cậy, đức mến, và những hồng ân nội tâm khác của Chúa Thánh Thần cùng những yếu tố hữu hình”[18]. Thần Khí của Đức Kitô dùng những Giáo Hội và những cộng đoàn giáo hội đó như những phương tiện cứu độ, sức mạnh của những phương tiện này xuất phát từ sự sung mãn của ân sủng và của chân lý mà Đức Kitô đã giao phó cho Hội Thánh Công giáo. Tất cả những điều thiện hảo đó đều xuất phát từ Đức Kitô và dẫn đến Người[19], và tự chúng là lời kêu gọi tiến đến “sự hợp nhất phổ quát”[20].  

Trên đường tiến đến hợp nhất 

820. “Đức Kitô từ ban đầu đã rộng ban cho Hội Thánh ơn hợp nhất. Chúng tôi tin rằng sự hợp nhất ấy tồn tại mãi trong Hội Thánh Công Giáo và chúng tôi hy vọng sự hợp nhất ngày càng phát triển cho đến ngày tận thế”[21]. Đức Kitô vẫn luôn luôn ban cho Hội Thánh ơn hợp nhất, nhưng Hội Thánh phải luôn luôn cầu nguyện và hành động để duy trì, tăng cường và hoàn chỉnh sự hợp nhất như Đức Kitô muốn. Vì thế, chính Chúa Giêsu cầu nguyện trong giờ khổ nạn và không ngừng cầu xin Chúa Cha cho các môn đệ được hợp nhất: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga l7,2l). Lòng ao ước lập lại sự hợp nhất của tất cả các Kitô hữu là một hồng ân của Đức Kitô và một lời kêu gọi của Chúa Thánh Thần[22].  

821. Để đáp lại lời kêu gọi hợp nhất của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh cần:

 canh tân thường xuyên để ngày càng trung thành hơn với ơn gọi của mình; sự canh tân này là động lực của phong trào hợp nhất[23].

 hối cải tận đáy lòng ”để sống phù hợp hơn với Tin Mừng”[24], vì chính sự bất trung với ân sủng của Đức Kitô là nguyên nhân gây chia rẽ giữa các chi thể;

 cầu nguyện chung, vì “sự hối cải tận đáy lòng và sự thánh thiện trong đời sống, cùng với những lời kinh chung và riêng cầu cho sự hợp nhất các Kitô hữu, phải được coi như là linh hồn của mọi phong trào đại kết và có thể xứng đáng được mệnh danh là sự đại kết trong tinh thần”[25];

– hiểu biết nhau trong tình huynh đệ[26];

 đào tạo tinh thần đại kết cho các tín hữu và nhất là cho các linh mục[27];

 đối thoại giữa các nhà thần học và gặp gỡ giữa các Kitô hữu của các Giáo Hội và các cộng đoàn khác nhau[28];

 hợp tác giữa các Kitô hữu trong các lãnh vực khác nhau để phục vụ con người[29].

822. “Toàn thể Hội Thánh, tín hữu cũng như mục tử, đều có bổn phận quan tâm đến việc tái lập sự hợp nhất”[30]. Nhưng cũng cần ý thức rằng “ý nguyện thánh thiện muốn giao hoà toàn thể Kitô hữu trong sự hợp nhất của Hội Thánh duy nhất và độc nhất của Đức Kitô, vượt quá sức lực và khả năng loài người”. Vì thế, chúng ta đặt hết hy vọng “vào lời Đức Kitô cầu nguyện cho Hội Thánh, vào tình thương của Chúa Cha đối với chúng ta và vào quyền năng của Chúa Thánh Thần”[31].  

II.   HỘI THÁNH THÁNH THIỆN

ECCLESIA EST SANCTA 

823. “Chúng tôi tin Hội Thánh … mãi mãi thánh thiện. Thật vậy, Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần được ca tụng là ‘Đấng Thánh duy nhất’, đã yêu dấu Hội Thánh như Hiền Thê của mình, và đã tự hiến vì Hội Thánh, để thánh hóa Hội Thánh, và kết hợp Hội Thánh với mình như Thân Thể của mình, và ban cho dư đầy hồng ân của Chúa Thánh Thần để làm vinh danh Thiên Chúa”[32]. Vì vậy Hội Thánh là “dân thánh của Thiên Chúa”[33] và các phần tử của Hội Thánh được gọi là “các Thánh”[34].

824. Hội Thánh, nhờ kết hợp với Đức Kitô, được chính Người thánh hóa; nhờ Người và trong Người, Hội Thánh cũng có khả năng thánh hóa: “Tất cả các công việc của Hội Thánh đều hướng về mục đích là thánh hóa con người trong Đức Kitô và tôn vinh Thiên Chúa”[35]. Hội Thánh được giao cho “đầy đủ các phương tiện cứu độ”[36]. Trong Hội Thánh, “chúng ta đạt đến sự thánh thiện nhờ ân sủng của Thiên Chúa”[37].

825. “Hội Thánh nơi trần thế được ghi dấu đặc biệt bằng sự thánh thiện đích thực, tuy chưa trọn hảo”[38]. Các chi thể của Hội Thánh còn phải đạt tới sự thánh thiện trọn hảo: “Được ban cho những phương tiện cứu độ dồi dào và cao cả như thế, tất cả các Kitô hữu, dù trong hoàn cảnh và bậc sống nào, mỗi người trong con đường của mình, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự thánh thiện trọn hảo như Chúa Cha là Đấng trọn hảo”[39].

826. Đức mến là linh hồn của sự thánh thiện mà mọi người được kêu gọi đạt tới: “Đức mến hướng dẫn, hình thành và đưa tới mục đích, tất cả các phương tiện thánh hoá”[40]:

“Tôi hiểu rằng nếu Hội Thánh là một thân thể gồm những bộ phận khác nhau, thì không thể thiếu bộ phận cần thiết nhất và cao quý nhất; tôi hiểu rằng Hội Thánh có một trái tim và trái tim ấy bừng cháy Tình Yêu. Tôi hiểu rằng chỉ có Tình Yêu khiến các chi thể của Hội Thánh hoạt động, nếu Tình Yêu bị tàn lụi, thì các Tông Đồ sẽ không loan báo Tin Mừng nữa, các vị Tử Đạo sẽ từ chối đổ máu mình ra…. Tôi hiểu rằng Tình Yêu bao gồm nơi mình tất cả các Ơn Gọi, Tình Yêu là mọi sự, và Tình Yêu bao trùm khắp không gian và thời gian… tắt một lời, Tình Yêu thì vĩnh cửu”[41].

827. “Trong khi Đức Kitô thật sự là Đấng ‘thánh thiện, vô tội, tinh tuyền’, không hề biết đến tội, nhưng đến để đền các tội riêng của dân, thì, vì mang trong lòng mình những kẻ tội lỗi, vừa thánh thiện vừa phải luôn được thanh tẩy, Hội Thánh luôn tiếp tục việc sám hối và canh tân”[42]. Tất cả các chi thể của Hội Thánh, kể cả các thừa tác viên, đều phải nhận mình là kẻ tội lỗi[43]. Trong tất cả mọi người, cỏ lùng của tội lỗi còn lẫn lộn với lúa tốt của Tin Mừng cho đến tận thế[44]. Vì vậy, Hội Thánh quy tụ những người tội lỗi đã được lãnh nhận ơn cứu độ của Đức Kitô, nhưng còn đang trên đường thánh hóa:

Vì vậy, Hội Thánh “thánh thiện, dù mang trong lòng mình những người tội lỗi; bởi vì Hội Thánh không có sự sống nào khác ngoài sự sống của ân sủng; quả thật, nếu các chi thể của Hội Thánh được nuôi dưỡng bằng sự sống này, thì họ được thánh hoá, nếu họ tách mình khỏi sự sống này, thì họ rơi vào tội lỗi và các xấu xa của tâm hồn, những điều đó ngăn cản không cho sự thánh thiện rạng ngời của Hội Thánh được lan toả. Vì vậy, Hội Thánh chịu đau khổ và thống hối vì những tội lỗi đó, tuy có quyền giải thoát các con cái mình khỏi tội lỗi nhờ Máu Đức Kitô và hồng ân của Chúa Thánh Thần”[45].

828. Khi phong thánh cho một số tín hữu, nghĩa là khi long trọng tuyên bố những tín hữu này đã thực hành các nhân đức một cách anh dũng và đã sống trung thành với ân sủng của Thiên Chúa, Hội Thánh nhìn nhận quyền năng của Thần Khí thánh thiện đang ngự nơi mình và Hội Thánh nâng đỡ niềm hy vọng của các tín hữu khi đưa các thánh làm gương mẫu và làm người chuyển cầu cho họ[46]. “Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất suốt dòng lịch sử Hội Thánh, các Thánh nam nữ luôn là nguồn mạch và là khởi điểm của sự canh tân”[47]. “Quả thật, sự thánh thiện của Hội Thánh là nguồn mạch bí ẩn và là thước đo không thể sai lầm của hoạt động tông đồ và nhiệt tình truyền giáo của Hội Thánh”[48].

829. “Trong khi Hội Thánh đã đạt tới sự trọn hảo không tì ố, không vết nhăn, nơi Đức Trinh Nữ diễm phúc, thì các Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng, để chiến thắng tội lỗi mà tiến tới trong sự thánh thiện; vì vậy họ ngước mắt nhìn lên Đức Maria”[49]: nơi Đức Mẹ, Hội Thánh đã hoàn toàn thánh thiện.

III.  HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

ECCLESIA EST CATHOLICA

“Công giáo” là gì?

830. Thuật ngữ “công giáo” (catholica) có nghĩa là “phổ quát”, hoặc “theo tính toàn bộ” hoặc “theo sự toàn vẹn”. Hội Thánh là công giáo theo cả hai nghĩa:

Hội Thánh là công giáo bởi vì trong Hội Thánh có Đức Kitô hiện diện. “Ở đâu có Đức Kitô Giêsu, ở đó có Hội Thánh Công giáo”[50]. Nơi Hội Thánh, tồn tại sự sung mãn của Thân Thể Đức Kitô, được kết hợp với Đầu của mình[51], điều đó có nghĩa là Hội Thánh đã nhận được từ Đức Kitô “đầy đủ các phương tiện cứu độ”[52] theo như Người muốn: lời tuyên xưng đức tin chính xác và trọn vẹn, đời sống bí tích toàn vẹn và thừa tác vụ thánh chức trong sự kế nhiệm tông truyền. Theo ý nghĩa căn bản này, Hội Thánh đã là công giáo từ ngày lễ Ngũ Tuần[53] và mãi mãi sẽ là công giáo cho đến ngày Chúa quang lâm.

831. Hội Thánh là công giáo bởi vì Hội Thánh được Đức Kitô sai đến với toàn thể nhân loại[54]:

“Mọi người được kêu gọi vào dân mới của Thiên Chúa. Vì thế dân này, vẫn là một dân duy nhất, phải được mở rộng khắp trần gian và qua mọi thế hệ, để kế hoạch của thánh ý Thiên Chúa được hoàn thành: từ nguyên thủy Ngài đã tạo dựng một bản tính nhân loại duy nhất, và đã quyết định quy tụ nên một các con cái đã tản mát của Ngài…. Đặc tính phổ quát này, làm vinh dự cho dân Thiên Chúa, là một hồng ân của chính Chúa, nhờ đó Hội Thánh Công Giáo, một cách hữu hiệu và liên lỉ, hướng tới việc quy tụ toàn thể nhân loại cùng mọi điều thiện hảo của họ, dưới quyền Đức Kitô là Đầu, trong sự hợp nhất của Thần Khí của Người”[55].

Mỗi Giáo Hội địa phương cũng là “công giáo”

832. “Hội Thánh Đức Kitô thật sự hiện diện trong mọi cộng đoàn hợp pháp các tín hữu ở các địa phương, các cộng đoàn này gắn bó với các Mục tử của mình và trong Tân Ước được gọi là các Hội Thánh…. Trong các cộng đoàn đó, các tín hữu được quy tụ nhờ việc rao giảng Tin Mừng Đức Kitô, và mầu nhiệm Bữa Tiệc của Chúa được cử hành…. Trong các cộng đoàn đó, tuy thường là nhỏ bé và nghèo nàn hay sống tản mát, vẫn có Đức Kitô hiện diện, nhờ sức mạnh của Người mà Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền được kết hợp”[56].

833. Danh xưng “Giáo Hội địa phương”, trước hết là một giáo phận, được dùng để chỉ một cộng đoàn các tín hữu sống hiệp thông trong đức tin và các bí tích với Giám mục của họ là người đã thụ phong trong sự kế nhiệm tông truyền[57]. Các Giáo Hội địa phương này được thành lập “theo hình ảnh Hội Thánh phổ quát”, chính trong và từ các Giáo Hội ấy mà một Hội Thánh công giáo duy nhất hiện hữu[58].

834. Các Giáo Hội địa phương có đặc tính công giáo cách đầy đủ nhờ hiệp thông với một trong các Giáo Hội đó, tức là với Giáo Hội Rôma, là Giáo Hội “chủ trì trong đức mến”[59]. “Quả vậy, toàn thể Hội Thánh, nghĩa là các tín hữu ở khắp mọi nơi, cần phải hoà hợp với Giáo Hội Rôma vì sự ưu việt cao trọng hơn của nó”[60]. “Quả vậy, từ buổi đầu, khi Ngôi Lời Thiên Chúa xuống mang lấy xác phàm nơi chúng ta, tất cả các Giáo Hội của các Kitô hữu ở khắp mọi nơi đã coi và vẫn coi Giáo Hội cao quý ở Rôma như căn bản và nền tảng vững chắc duy nhất: vì theo chính lời hứa của Đấng Cứu Độ, các cửa địa ngục không bao giờ thắng được Giáo Hội ấy”[61].

835. “Vậy chúng ta phải cẩn thận, đừng nghĩ rằng Hội Thánh phổ quát như là một tổng hợp, hay có thể nói, một hiệp hội liên minh … các Giáo Hội địa phương…. Chính Hội Thánh, do ơn gọi và sứ vụ phổ quát, khi bén rễ vào những hoàn cảnh khác nhau, liên quan đến trật tự dân sự, xã hội và nhân loại, thì đã mặc lấy những bộ mặt bên ngoài và những đặc điểm khác nhau trong bất cứ miền nào của trái đất”[62]. Sự đa dạng phong phú về các kỷ luật giáo hội, các nghi thức phụng vụ, các di sản riêng về thần học và tu đức của các Giáo hội địa phương, “khi kết hợp nên một, cho thấy một cách sáng chói tính công giáo của Hội Thánh không bị phân chia”[63].

Ai thuộc về Hội Thánh Công giáo?

836. “Mọi người đều được kêu gọi tới sự hợp nhất mang tính công giáo của dân Thiên Chúa…. , và thuộc về hoặc quy hướng về sự hợp nhất đó bằng những cách khác nhau: hoặc là các tín hữu công giáo, hoặc là những người khác tin vào Đức Kitô, hoặc cuối cùng là tất cả mọi người một cách phổ quát, được kêu gọi hưởng ơn cứu độ nhờ ân sủng của Thiên Chúa”[64].

837. “Được tháp nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Hội Thánh, là những ai có Thần Khí của Đức Kitô, chấp nhận cơ cấu trọn vẹn của Hội Thánh và tất cả các phương tiện cứu độ đã được thiết lập trong Hội Thánh, và được kết hợp trong cơ cấu hữu hình của Hội Thánh với Đức Kitô, Đấng hướng dẫn Hội Thánh nhờ Đức Giáo Hoàng và các Giám mục, bằng những mối dây là việc tuyên xưng đức tin, là các bí tích, là sự cai quản và hiệp thông trong Hội Thánh. Tuy nhiên, một người dù đã được tháp nhập vào Hội Thánh, nhưng nếu không kiên trì trong đức mến, thì người đó vẫn không được cứu độ, vì quả thật, họ ở trong lòng Hội Thánh “bằng thân xác”, chứ không phải “bằng trái tim”[65].

838. “Với những người đã được Rửa Tội, mang danh xưng là Kitô hữu, nhưng không tuyên xưng đức tin toàn vẹn hoặc không duy trì sự hợp nhất hiệp thông dưới quyền Đấng kế nhiệm thánh Phêrô, Hội Thánh biết mình vẫn liên kết với họ vì nhiều lý do”[66]. “Quả vậy, những ai tin vào Đức Kitô và đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội theo đúng nghi thức, thì cũng hiệp thông một cách nào đó với Hội Thánh công giáo, mặc dầu là sự hiệp thông không trọn vẹn”[67]. Với các Giáo Hội Chính thống, sự hiệp thông này sâu đậm đến mức “chỉ còn thiếu một chút là đạt tới sự sung mãn phải có, cho phép cử hành chung bí tích Thánh Thể của Chúa”[68].

Hội Thánh và những người ngoài Kitô giáo

839. “Những ai chưa đón nhận Tin Mừng, cũng quy hướng về dân Thiên Chúa bằng những hình thức khác nhau”[69].

Tương quan của Hội Thánh với dân Do Thái. Hội Thánh, dân Thiên Chúa trong Tân Ước, khi nhìn kỹ vào mầu nhiệm của chính mình, khám phá ra mối liên hệ giữa mình với dân Do Thái[70], là dân “được Chúa là Thiên Chúa chúng ta ngỏ lời trước”[71]. Khác với các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo, đức tin Do Thái đã là lời đáp lại đối với mạc khải của Thiên Chúa trong Cựu Ước. Chính dân Do Thái này “đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Ngài cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, Lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa; họ là con cháu các tổ phụ; và … chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ” (Rm 9,4-5), “quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Ngài không hề đổi ý” (Rm 11,29).

840. Đàng khác, khi nhìn về tương lai, dân Thiên Chúa của Cựu Ước và dân mới của Thiên Chúa đều hướng tới những mục tiêu tương tự: đó là sự mong chờ Đấng Messia ngự đến (hoặc trở lại). Nhưng một bên, là mong chờ sự trở lại của Đấng Messia, đã chết và đã sống lại, được nhận biết là Chúa và là Con Thiên Chúa; còn bên kia, là mong chờ, vào ngày tận thế, việc Ngự đến của Đấng Messia, mà dung mạo của Người còn ẩn khuất, sự mong chờ này kèm theo bi kịch là không biết hay không nhận Đức Kitô Giêsu.

841. Tương quan của Hội Thánh với người Hồi giáo. “Ý định cứu độ còn bao gồm những ai nhận biết Đấng Tạo Hoá, trong số đó trước tiên phải kể đến những người Hồi giáo, những người tự nhận mình giữ đức tin của tổ phụ Abraham, cùng với chúng ta tôn thờ Thiên Chúa duy nhất, nhân từ, Đấng sẽ phán xét con người trong ngày sau hết”[72].

842. Mối liên hệ của Hội Thánh với các tôn giáo ngoài Kitô giáo trước hết xuất phát từ chỗ tất cả nhân loại cùng có chung một nguồn gốc và một mục đích:

“Thật vậy, mọi dân tộc đều họp thành một cộng đoàn, có chung một nguồn gốc, vì Thiên Chúa đã cho toàn thể nhân loại sinh sống trên khắp mặt địa cầu, họ cũng có cùng một mục đích tối hậu, là Thiên Chúa, Đấng trải rộng sự quan phòng, chứng tích lòng nhân hậu và kế hoạch cứu độ của Ngài đến tất cả mọi người, cho đến khi những người được chọn được hợp nhất trong Thành thánh”[73].

843. Hội Thánh nhìn nhận trong các tôn giáo khác một sự tìm kiếm “trong bóng tối và trong hình ảnh” vị Thiên Chúa không được biết đến, nhưng gần gũi, bởi vì chính Ngài ban cho mọi người sự sống, hơi thở và mọi sự, và bởi vì chính Ngài muốn tất cả mọi người đều được cứu độ. Như vậy, Hội Thánh xem bất cứ điều gì tốt đẹp và chân thật có thể gặp được trong các tôn giáo, như một sự chuẩn bị cho việc đón nhận Tin Mừng và điều đó “được ban bởi Đấng soi sáng mọi người, để cuối cùng họ được sống”[74].

844. Tuy nhiên trong cách thực hành tín ngưỡng của mình, người ta cũng biểu lộ những giới hạn và những sai lầm làm méo mó hình ảnh Thiên Chúa:

“Bị ma quỷ gạt gẫm, người ta rất thường sai lạc trong các suy nghĩ của mình, và đánh đổi chân lý của Thiên Chúa lấy điều giả dối, phục vụ loài thụ tạo hơn là Đấng Tạo Hoá, hoặc họ sống và chết như không có Thiên Chúa trên trần gian này, nên bị rơi vào tuyệt vọng tột cùng”[75].

845. Để quy tụ lại tất cả con cái của Ngài đã bị tội lỗi làm tản mát và lạc lối, Chúa Cha đã muốn tập họp toàn thể nhân loại vào Hội Thánh của Con Ngài. Hội Thánh là nơi trong đó nhân loại phải tìm lại được sự hợp nhất của mình và ơn cứu độ của mình. Hội Thánh là “trần gian đã được giao hoà”[76]. Hội Thánh là con tàu “được căng buồm bằng thánh giá của Chúa, theo luồng gió của Chúa Thánh Thần, an toàn vượt biển trần gian này”[77], theo một hình ảnh khác quen thuộc với các Giáo phụ, Hội Thánh được hình dung bằng con tàu của ông Nôê, con tàu duy nhất cứu khỏi cơn lụt đại hồng thủy[78].

“Ngoài Hội Thánh không có ơn cứu độ”

846. Phải hiểu thế nào về lời khẳng định thường được các Giáo phụ nhắc lại này? Theo nghĩa tích cực, khẳng định này có nghĩa là toàn bộ ơn cứu độ xuất phát từ Đức Kitô là Đầu nhờ Hội Thánh là Thân Thể của Người:

“Dựa vào Thánh Kinh và Thánh Truyền, Công đồng dạy rằng: Hội Thánh lữ hành này là cần thiết để được cứu độ. Quả vậy, chỉ một mình Đức Kitô là trung gian và là con đường của ơn cứu độ, Người hiện diện giữa chúng ta trong Thân Thể Người là Hội Thánh; qua việc minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và Phép Rửa, chính Người đã đồng thời xác nhận sự cần thiết của Hội Thánh, mà người ta bước vào đó nhờ Phép Rửa như qua một cái cửa. Vì vậy, những ai không phải là không biết rằng Hội Thánh Công giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập, hoặc không muốn kiên trì sống trong Hội Thánh này, thì không thể được cứu độ”[79].

847. Lời khẳng định này không nhắm tới những người không biết Đức Kitô và Hội Thánh của Người mà không do lỗi của họ:

“Quả vậy, những người không biết đến Tin Mừng của Đức Kitô và Hội Thánh Người mà không do lỗi của họ, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ân sủng, cố gắng chu toàn thánh ý của Ngài bằng các công việc theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể đạt được ơn cứu độ muôn đời”[80].

848. “Mặc dầu Thiên Chúa có thể dùng những đường lối chỉ mình Ngài biết để đưa những người không biết Tin Mừng, mà không do lỗi của họ, đến với đức tin, mà không có đức tin thì không thể làm vui lòng Ngài[81], Hội Thánh vẫn có bổn phận, và đồng thời là một quyền thánh thiêng, phải rao giảng Tin Mừng”[82] cho tất cả mọi người.

Truyền giáo - một đòi hỏi bắt nguồn từ tính công giáo của Hội Thánh

849. Lệnh truyền giáo. “Được Thiên Chúa sai đến với muôn dân để nên ‘bí tích cứu độ phổ quát’, do những đòi hỏi sâu sắc của tính công giáo, vâng theo lệnh truyền của Đấng Sáng Lập của mình, Hội Thánh cố gắng loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người”[83]. “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,l9-20).

850. Nguồn gốc và mục đích của việc truyền giáo. Lệnh truyền giáo của Chúa bắt nguồn từ tình yêu vĩnh cửu của Ba Ngôi Chí Thánh: “Tự bản chất, Hội Thánh lữ hành phải truyền giáo, vì chính Hội Thánh bắt nguồn từ sứ vụ của Chúa Con và sứ vụ của Chúa Thánh Thần, theo ý định của Thiên Chúa Cha”[84]. Mục đích tối hậu của việc truyền giáo là làm cho loài người được tham dự vào sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Thần Khí tình yêu của chính các Ngài[85].

851. Động lực của việc truyền giáo. Hội Thánh luôn nhận lấy bổn phận và sức mạnh thúc đẩy việc truyền giáo của mình từ chính tình yêu của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người: Quả vậy, “tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi…” (2 Cr 5,l4)[86]. Thật vậy, “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ nhờ nhận biết chân lý. Ơn cứu độ được gặp thấy trong chân lý. Những ai vâng theo sự thúc đẩy của Thánh Thần chân lý, thì đã ở trên đường cứu độ; nhưng chân lý này đã được uỷ thác cho Hội Thánh, nên Hội Thánh phải đáp ứng khát vọng của những người đó là mang chân lý đến cho họ. Bởi vì Hội Thánh tin vào kế hoạch phổ quát của ơn cứu độ, nên Hội Thánh phải truyền giáo.

852. Những nẻo đường truyền giáo. “Chúa Thánh Thần là Đấng chủ xướng toàn bộ việc truyền giáo của Hội Thánh”[87]. Chính Ngài dẫn dắt Hội Thánh trên các nẻo đường truyền giáo. “Hội Thánh tiếp tục và triển khai qua dòng lịch sử sứ vụ của chính Đức Kitô, Đấng đã được sai đi rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo; được Thần Khí Đức Kitô thúc đẩy, Hội Thánh phải tiến bước trên chính con đường Đức Kitô đã đi, là con đường khó nghèo, vâng phục, phục vụ và tự hiến cho đến chết, từ đó Người đã chiến thắng nhờ sự sống lại của Người”[88]. Theo cách đó, “máu là hạt giống trổ sinh các Kitô hữu”[89].

853. Nhưng trên đường lữ hành, Hội Thánh cũng cảm nghiệm “khoảng cách giữa sứ điệp mà Hội Thánh phải rao giảng và sự yếu hèn nhân loại của những người được ủy thác Tin Mừng”[90]. Chỉ bằng con đường “sám hối và canh tân”[91] và “qua cửa hẹp của Thập Giá”[92], Dân Thiên Chúa mới có thể mở rộng Nước Đức Kitô[93]. “Cũng như Đức Kitô đã hoàn thành công trình cứu chuộc trong nghèo khó và bị bách hại, Hội Thánh cũng được kêu gọi tiến bước trên chính con đường đó, để truyền thông cho người ta những hoa trái của ơn cứu độ”[94].

854. Do chính sứ vụ của mình, “Hội Thánh đồng hành với toàn thể nhân loại và cảm nghiệm cùng một số phận trần thế với trần gian, và Hội Thánh hiện hữu như men, như linh hồn của xã hội nhân loại phải được canh tân trong Đức Kitô và phải được biến đổi thành gia đình của Thiên Chúa”[95]. Vì thế nỗ lực truyền giáo đòi hỏi sự kiên nhẫn. Công việc truyền giáo bắt đầu bằng việc rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc và các nhóm người chưa tin vào Đức Kitô[96]; tiếp đến là thiết lập những cộng đoàn Kitô hữu, là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trên trần gian[97], và thành lập những Giáo Hội địa phương[98]; tiến trình hội nhập văn hóa được thúc đẩy, để Tin Mừng nhập thể vào các nền văn hóa của các dân tộc[99]; tiến trình đó sẽ không thiếu lúc gặp sự chống đối. “Đối với người ta, các tập thể và các dân tộc, Hội Thánh chỉ tiếp xúc và thâm nhập dần dần, và như vậy đón nhận họ vào sự sung mãn của tính công giáo”[100].

855. Công việc truyền giáo của Hội Thánh đòi hỏi nỗ lực để hợp nhất các Kitô hữu[101]. “Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu ngăn trở Hội Thánh thực hiện đầy đủ tính công giáo đặc thù của mình nơi những con cái đó, những người đã liên kết với Hội Thánh bằng Phép Rửa, nhưng còn bị tách biệt chưa hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh. Hơn nữa, chính Hội Thánh cũng khó diễn tả sự sung mãn của tính công giáo về mọi phương diện trong đời sống thực tế”[102].

856. Nhiệm vụ truyền giáo bao hàm sự đối thoại đầy tôn trọng đối với những ai chưa đón nhận Tin Mừng[103]. Các tín hữu có thể nhận được điều bổ ích cho chính mình từ cuộc đối thoại này, nhờ học biết thêm rằng “bất cứ điều gì thuộc về chân lý và ân sủng đã có nơi các dân tộc, đều được nhận ra như một sự hiện diện bí ẩn của Thiên Chúa”[104]. Chính các tín hữu loan báo Tin Mừng cho những người không biết, để củng cố, bổ túc, và nâng cao chân lý và sự thiện mà Thiên Chúa đã tuôn đổ cho người ta, cho các dân tộc, và để thanh luyện họ khỏi sự sai lầm và sự dữ “để Thiên Chúa được vinh danh, ma quỷ phải hổ thẹn, và con người được hạnh phúc”[105].

IV.  HỘI THÁNH TÔNG TRUYỀN

ECCLESIA EST APOSTOLICA

857. Hội Thánh có đặc tính tông truyền vì được đặt nền trên các Tông Đồ, và điều này được hiểu theo ba nghĩa:

– Hội Thánh đã và đang được xây dựng trên “nền móng là các Tông Đồ” (Ep 2,20)[106], là những chứng nhân đã được chính Đức Kitô tuyển chọn và sai đi[107];

– Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng hằng ngự trong Hội Thánh, Hội Thánh gìn giữ và lưu truyền giáo huấn[108], kho tàng quý báu, những lời lành thánh nghe được từ các Tông Đồ[109];

– Hội Thánh tiếp tục được giảng dạy, thánh hóa và hướng dẫn bởi các Tông Đồ cho đến khi Đức Kitô trở lại nhờ những vị kế nhiệm các ngài trong nhiệm vụ mục tử: Giám mục đoàn, “với sự trợ giúp của các linh mục, hợp nhất với Đấng kế nhiệm thánh Phêrô là mục tử tối cao của Hội Thánh”[110].

“Lạy Chúa là Mục Tử hằng hữu, Chúa không bỏ rơi đoàn chiên Chúa, nhưng nhờ các Thánh Tông Đồ, Chúa luôn che chở giữ gìn để đoàn chiên được hướng dẫn nhờ các vị lãnh đạo Chúa đã đặt làm mục tử nhân danh Con Chúa…”[111].

Sứ vụ của các Tông Đồ

858. Chúa Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đi. Ngay từ đầu sứ vụ của Người, Người “gọi đến với mình những kẻ Người muốn…. Người lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3,13-14). Từ đó, họ là “những người được sai đi” (thuật ngữ Hy Lạp Apostoloi nói lên ý nghĩa đó). Qua họ, Đức Kitô tiếp tục sứ vụ riêng của Người: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,2l)[112]. Như vậy, thừa tác vụ của họ là sự tiếp tục sứ vụ của Đức Kitô. Chính Người nói với nhóm Mười Hai: “Ai đón tiếp anh em, là đón tiếp Thầy” (Mt l0,40)[113].

859. Chúa Giêsu kết hợp họ vào sứ vụ mà Người lãnh nhận từ Chúa Cha: cũng như “Chúa Con không thể tự mình làm gì” (Ga 5,19. 30) nhưng lãnh nhận tất cả từ Chúa Cha, Đấng đã sai Người, thì những người Chúa Giêsu sai đi cũng vậy, họ không thể làm được gì nếu không có Người[114], từ nơi Người, họ đã lãnh nhận lệnh truyền sai đi và quyền năng để hoàn thành điều đó. Vì thế, các Tông Đồ của Đức Kitô biết rằng họ đã được Thiên Chúa làm cho trở thành “những thừa tác viên của Tân Ước “(2 Cr 3,6), “những thừa tác viên của Thiên Chúa” (2 Cr 6,4), “những sứ giả thay mặt Đức Kitô” (2 Cr 5,20), “những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1 Cr 4,l).

860. Trong nhiệm vụ của các Tông Đồ, có một khía cạnh không thể được lưu truyền: đó là các ngài là những chứng nhân đặc tuyển về sự sống lại của Chúa và là những nền móng của Hội Thánh. Nhưng cũng có một khía cạnh trường tồn trong nhiệm vụ của các ngài: Đức Kitô đã hứa với các ngài rằng Người sẽ ở với các ngài cho đến tận thế[115]. “Sứ vụ thần linh, mà Đức Kitô ủy thác cho các Tông Đồ, sẽ tồn tại cho đến tận thế, bởi vì Tin Mừng, được truyền lại bởi các ngài, phải luôn luôn là nguyên lý của toàn bộ sự sống đối với Hội Thánh. Chính vì vậy các Tông Đồ … đã cẩn thận thiết đặt những người kế nhiệm”[116].

Các Giám mục – những vị kế nhiệm các Tông Đồ

861. “Để sứ vụ đã được ủy thác cho các ngài vẫn được tiếp tục sau khi các ngài qua đời, các Tông Đồ đã trao cho các cộng sự viên trực tiếp của mình, như trao một di chúc, nhiệm vụ phải hoàn thành và củng cố công trình các ngài đã khởi sự, khuyên nhủ họ lưu ý đến hết đoàn chiên mà trong đó Chúa Thánh Thần đã đặt họ chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa. Các ngài đã thiết đặt những người như vậy và quy định rằng sau đó, khi những người này chết, thì những người đàn ông khác đã được thử thách sẽ lãnh nhận thừa tác vụ của họ”[117].

862. “Cũng như nhiệm vụ được Chúa ủy thác cho một mình ông Phêrô, vị thứ nhất của các Tông Đồ, phải được lưu truyền cho các vị kế nhiệm ông, là một nhiệm vụ trường tồn, thì cũng vậy, nhiệm vụ của các Tông Đồ là phải chăn dắt Hội Thánh, và được thực thi liên tục bởi việc truyền chức thánh cho các Giám mục, nhiệm vụ đó cũng trường tồn”. Vì vậy, Hội Thánh dạy rằng: “Chính Chúa đã thiết đặt các Giám mục kế nhiệm các Tông Đồ làm các mục tử của Hội Thánh, nên ai nghe các ngài là nghe Đức Kitô, còn ai khinh miệt các ngài là khinh miệt Đức Kitô và Đấng đã sai Đức Kitô đến”[118].

Việc tông đồ

863. Toàn thể Hội Thánh có đặc tính tông truyền vì, nhờ các vị kế nhiệm thánh Phêrô và các Tông Đồ, Hội Thánh vẫn giữ nguyên nguồn gốc của mình trong sự hiệp thông đức tin và sự sống. Hội Thánh còn có đặc tính tông truyền vì “được sai đi” khắp trần gian; tất cả các chi thể của Hội Thánh, tuy bằng những cách khác nhau, đều tham dự vào tính chất “được sai đi” này. “Quả vậy, ơn gọi Kitô hữu, tự bản chất, cũng là ơn gọi làm việc tông đồ”. Được gọi là “Việc tông đồ”, là “mọi hoạt động của Nhiệm Thể” nhằm “làm cho Nước Đức Kitô ở mọi nơi trên trần thế” được rộng mở[119].

864. “Vì Đức Kitô, Đấng được Chúa Cha sai đến, là nguồn mạch và là nguồn gốc của mọi việc tông đồ trong Hội Thánh, nên việc tông đồ”, của các thừa tác viên có chức thánh cũng như của các giáo dân, “có sinh hoa kết quả hay không đều tùy thuộc vào sự kết hợp sống động của chính họ với Đức Kitô”[120]. Việc tông đồ, tuỳ theo các ơn gọi, các nhu cầu thời đại, các hồng ân khác nhau của Chúa Thánh Thần, mang những hình thức hết sức đa dạng. Nhưng đức mến, được múc nguồn đặc biệt từ bí tích Thánh Thể, luôn “như là linh hồn của mọi việc tông đồ”[121].

865. Hội Thánh là Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền trong căn tính sâu xa và tối hậu của mình, bởi vì nơi Hội Thánh, “Nước Trời”, “Nước Thiên Chúa”[122] đã hiện hữu và sẽ được hoàn thành trong ngày tận thế, Nước đó đã đến nơi Ngôi Vị của Đức Kitô và trong trái tim của những ai được tháp nhập vào Người, đang lớn lên cách âm thầm cho đến khi nước đó tỏ hiện trọn vẹn lúc cánh chung. Lúc đó, tất cả mọi người đã được Người cứu chuộc, đã được Người “thánh hóa và làm cho nên tinh tuyền trước tôn nhan Thiên Chúa trong tình yêu”[123], sẽ được quy tụ thành dân duy nhất của Thiên Chúa, “Hiền Thê của Con Chiên”[124], “Thành Thánh tự trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi sự huy hoàng của Thiên Chúa”[125]; và “tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên” (Kh 21,14).

TÓM LƯỢC

866. Hội Thánh duy nhất: Hội Thánh chỉ có một Chúa, tuyên xưng một đức tin, sinh bởi một Phép Rửa, họp thành một Thân Thể, được làm cho sống bởi một Thần Khí, nhắm đến một niềm hy vọng[126], khi niềm hy vọng này hoàn thành, mọi chia rẽ sẽ được vượt thắng.

867. Hội Thánh thánh thiện: Thiên Chúa chí thánh là Đấng sáng lập Hội Thánh; Đức Kitô, Phu Quân của Hội Thánh đã tự hiến để thánh hóa Hội Thánh; Thần Khí thánh thiện làm cho Hội Thánh được sống. Dù bao gồm những người tội lỗi, Hội Thánh vẫn là ”cộng đoàn không tội lỗi được tạo thành từ những người tội lỗi”. Nơi các Thánh, Hội Thánh chiếu tỏa sự thánh thiện của mình. Nơi Đức Maria, Hội Thánh đã thánh thiện trọn vẹn.

868. Hội Thánh công giáo: Hội Thánh loan báo toàn bộ đức tin, mang trong mình và ban phát đầy đủ các phương tiện cứu độ; Hội Thánh được sai đến với tất cả các dân tộc; Hội Thánh ngỏ lời với tất cả mọi người; Hội Thánh bao trùm mọi thời đại; Hội Thánh “tự bản chất, có đặc tính là truyền giáo”[127].

869. Hội Thánh tông truyền: Hội Thánh được xây dựng trên những nền móng vững chắc là mười hai Tông Đồ của Con Chiên[128]; Hội Thánh không thể bị hủy diệt[129]; Hội Thánh được gìn giữ một cách không thể sai lầm trong chân lý; Đức Kitô điều khiển Hội Thánh qua thánh Phêrô và các Tông Đồ khác, các ngài đang hiện diện nơi những người kế nhiệm các ngài, là Đức Giáo Hoàng và Giám mục đoàn.

870. “Hội Thánh duy nhất của Đức Kitô mà trong Tín biểu chúng ta tuyên xưng là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền,… Hội Thánh này tồn tại trong Hội Thánh Công giáo, do vị kế nhiệm thánh Phêrô và các Giám mục hiệp thông với ngài điều khiển, mặc dù nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý vẫn được gặp thấy bên ngoài cơ cấu Hội Thánh Công giáo”[130].


[1]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 8: AAS 57 (1965) 11.

[2]X. Sanctum Officium, Epistula ad Episcopos Angliae (14-9-1864): DS 2888.

[3]CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 3: DS 3013.

[4]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 2: AAS 57 (1965) 92.

[5]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 2: AAS 57 (1965) 92.

[6]CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 78: AAS 58 (1966) 1101.

[7]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 2: AAS 57 (1965) 91.

[8]Thánh Clêmentê Alexandria, Paedagogus, 1, 6, 42: GCS 12, 115 (PG 8, 300).

[9]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 13: AAS 57 (1965) 18.

[10]X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 2: AAS 57 (1965) 91-92; Id. , Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 14: AAS 57 (1965) 18-19; Bộ Giáo Luật, điều 205.

[11]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 8: AAS 57 (1965) 11-12.

[12]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 3: AAS 57 (1965) 94.

[13]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 3: AAS 57 (1965) 92-93.

[14]X. Bộ Giáo Luật, điều 751.

[15]Ôrigiênê, In Ezechielem holimia, 9, 1: SC 352, 296 (PG 13, 732).

[16]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 3: AAS 57 (1965) 93.

[17]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 8: AAS 57 (1965) 12.

[18]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 3: AAS 57 (1965) 93; x. Id. , Hiến chế tín lýLumen Gentium, 15: AAS 57 (1965) 19.

[19]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 3: AAS 57 (1965) 93.

[20]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 8: AAS 57 (1965) 12.

[21]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 4: AAS 57 (1965) 95.

[22]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 1: AAS 57 (1965) 90-91.

[23]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 6: AAS 57 (1965) 96-97.

[24]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 7: AAS 57 (1965) 97.

[25]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 8: AAS 57 (1965) 98.

[26]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 9: AAS 57 (1965) 98.

[27]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 10: AAS 57 (1965) 99.

[28]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 4: AAS 57 (1965) 94; Ibid. , 9: AAS 57 (1965) 98; Ibid. , 11: AAS 57 (1965) 99.

[29]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 12: AAS 57 (1965) 99-100.

[30]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 5: AAS 57 (1965) 96.

[31]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 24: AAS 57 (1965) 107.

[32]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 39: AAS 57 (1965) 44.

[33]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 12: AAS 57 (1965) 16.

[34]X. Cv 9,l3; 1 Cr 6,l; l6,l.

[35]CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 10: AAS 56 (1964) 102.

[36]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 3: AAS 57 (1965) 94.

[37]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 53.

[38]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 53.

[39]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11: AAS 57 (1965) 16.

[40]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 42: AAS 57 (1965) 48.

[41]Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, Manuscrit B, 3v: Manuscrits autobiographiques (Paris 1992) 299.

[42]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 8: AAS 57 (1965) 12; x. Id. , Sắc lệnhUnitatis redintegratio, 3: AAS 57 (1965) 92-94; Ibid. , 6: AAS 57 (1965) 96-97.

[43]X. 1 Ga 1,8-10.

[44]X. Mt 13,24-30.

[45]ĐGH Phaolô VI, Sollemnis Professio fidei, 19: AAS 60 (1968) 440.

[46]X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 40: AAS 57 (1965) 44-45; Ibid. , 48-51: AAS 57 (1965) 53-58.

[47]ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles laici, 16: AAS 81 (1989) 417.

[48]ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles laici, 17: AAS 81 (1989) 419-420.

[49]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 65: AAS 57 (1965) 64.

[50]Thánh Ignatiô Antiôchia, Epistula ad Smyrnaeos, 8, 2: SC 10bis, 138 (Funk 1, 282).

[51]X. Ep 1,22-23.

[52]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 6: AAS 58 (1966) 953.

[53]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 4: AAS 58 (1966) 950-951.

[54]X. Mt 28,19.

[55]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 13: AAS 57 (1965) 17.

[56]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 26: AAS 57 (1965) 31.

[57]X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Christus Dominus, 11: AAS 58 (1966) 677; Bộ Giáo Luật,các điều 368-369; Bộ Giáo Luật Đông phương, các điều 177,1. 178. 311,1. 312.

[58]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23: AAS 57 (1965) 27.

[59]Thánh Ignatiô Antiôchia, Epistula ad Romanos, Inscr. : SC 10bis, 106 (Funk 1, 252).

[60]Thánh Irênê, Adversus haereses, 3, 3, 2: SC 211, 32 (PG 7, 849); x. CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Pater aeternus, c. 2: DS 3057.

[61]Thánh Maximô Hiển tu, Opuscula theologica et polemica: PG 91, 137-140.

[62]ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, 62: AAS 68 (1976) 52.

[63]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23: AAS 57 (1965) 29.

[64]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 13: AAS 57 (1965) 18.

[65]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 14: AAS 57 (1965) 18-19.

[66]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 15: AAS 57 (1965) 19.

[67]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 3: AAS 57 (1965) 93.

[68]ĐGH Phaolô VI, Allocutio in Aede Sixtina, decem exactis annis a sublatis mutuis excommunicationibus inter Romanam et Constantinopolitanam Ecclesias (14-12-1975): AAS 68 (1976) 121; x. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 13-18: AAS 57 (1965) 100-104.

[69]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 16: AAS 57 (1965) 20.

[70]X. CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Nostra aetate, 4: AAS 58 (1966) 742-743.

[71]Thứ Sáu Tuần Thánh, Nghi thức Cử hành cuộc Thương Khó của Chúa, Cầu nguyện cho mọi người VI: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 254.

[72]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 16: AAS 57 (1965) 20; x. Id. , Tuyên ngônNostra aetate, 3: AAS 58 (1966) 741-742.

[73]CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Nostra aetate, 1: AAS 58 (1966) 740.

[74]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 16: AAS 57 (1965) 20; x. Id. , Tuyên ngônNostra aetate, 2: AAS 58 (1966) 740-741; ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi,53: AAS 68 (1976) 41.

[75]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 16: AAS 57 (1965) 20.

[76]Thánh Augustinô, Sermo 96, 7, 9: PL 38, 588.

[77]Thánh Ambrôsiô, De virginitate 18,119: Sancti Ambrosii Episcopi Mediolanensis opera, v. 14/2 (Milano-Roma 1989) 96 (PL 16, 297).

[78]X. 1 Pr 3,20-21.

[79]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 14: AAS 57 (1965) 18.

[80]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 16: AAS 57 (1965) 20; x. Sanctum Officium, Epistula ad Archiepiscopum Bostoniensem (8-8-1949): DS 3866-3872.

[81]X. Dt 11,6.

[82]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 7: AAS 58 (1966) 955.

[83]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 1: AAS 58 (1966) 947.

[84]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 2: AAS 58 (1966) 948.

[85]X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệpRedemptoris missio, 23: AAS 83 (1991) 269-270.

[86]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 6: AAS 58 (1966) 842-843; ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 11: AAS 83 (1991) 259-260.

[87]ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 21: AAS 83 (1991) 268.

[88]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 5: AAS 58 (1966) 952.

[89]Tertullianô, Apologeticum, 50, 13: CCL 1, 171 (PL 1, 603).

[90]CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 43: AAS 58 (1966) 1064.

[91]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 8: AAS 57 (1965) 12; x. Ibid. , 15: AAS 57 (1965) 20.

[92]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 1: AAS 58 (1966) 947.

[93]X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 12-20: AAS 83 (1991) 260-268.

[94]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 8: AAS 57 (1965) 12.

[95]CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 40: AAS 58 (1966) 1058.

[96]X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 42-47: AAS 83 (1991) 289-295.

[97]X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 15: AAS 58 (1966) 964.

[98]X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 48-49: AAS 83 (1991) 295-297.

[99]X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 52-54: AAS 83 (1991) 299-302.

[100]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 6: AAS 58 (1966) 953.

[101]X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 50: AAS 83 (1991) 297-298.

[102]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 4: AAS 57 (1965) 96.

[103]X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 55: AAS 83 (1991) 302-304.

[104]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 9: AAS 58 (1966) 958.

[105]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 9: AAS 58 (1966) 958.

[106]X. Kh 21,14.

[107]X. Mt 28,16-20; Cv 1,8; 1 Cr 9,1; 15,7-8; Gl 1,1; v. v….

[108]X. Cv 2,42.

[109]X. 2 Tm 1,13-14.

[110]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 5: AAS 58 (1966) 952.

[111]Kinh Tiền Tụng Lễ Các Thánh Tông Đồ I: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 426.

[112]X. Ga 13,20; 17,18.

[113]X. Lc l0,l6.

[114]X. Ga l5,5.

[115]X. Mt 28,20.

[116]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 20: AAS 57 (1965) 23.

[117]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 20: AAS 57 (1965) 23; x. Thánh Clêmentê Rôma, Epistula ad Corinthios, 42, 4: SC 167, 168-170 (Funk, 1, 152); Ibid. 44, 2: SC 167, 172 (Funk, 1, 154-156).

[118]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 20: AAS 57 (1965) 24.

[119]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 2: AAS 58 (1966) 838.

[120]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 4: AAS 58 (1966) 840; x. Ga 15,5.

[121]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 3: AAS 58 (1966) 839.

[122]X. Kh 19,6.

[123]X. Ep 1,4.

[124]X. Kh 21,9.

[125]X. Kh 21,10-11.

[126]X. Ep 4,3-5.

[127]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 2: AAS 58 (1966) 948.

[128]X. Kh 21,14.

[129]X. Mt 16,18.

[130]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 8: AAS 57 (1965) 11-12.


Sách Giáo Lý Công Giáo