SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - TIẾT 6 ĐỨC MARIA - MẸ ĐỨC
KITÔ, MẸ HỘI THÁNH
(giaolyductin.net - 31/03/14, 11:01 am)
Tiết 6
Đức Maria - Mẹ Đức
Kitô, Mẹ Hội Thánh
Paragraphus 6
Maria – Mater
Christi, Mater Ecclesiae
963. Sau khi chúng ta đã nói về nhiệm vụ của Đức Trinh Nữ diễm phúc
trong mầu nhiệm của Đức Kitô và Chúa Thánh Thần, giờ đây chúng ta phải lưu ý
đến chỗ đứng của Mẹ trong mầu nhiệm Hội Thánh. “Thật vậy, Đức Trinh Nữ Maria …
được nhận biết và tôn kính với tư cách là Mẹ thật của Thiên Chúa là Đấng Cứu
Chuộc…. Mẹ cũng ‘thật là Mẹ các chi thể của Đức Kitô’… bởi vì đã cộng tác bằng
đức mến để các tín hữu được sinh ra trong Hội Thánh, được làm chi thể của Đức
Kitô là Đầu của Hội Thánh”[1]. “Đức Maria, … Mẹ Đức Kitô, cũng là Mẹ … Hội Thánh”[2].
I. TÌNH MẪU TỬ CỦA ĐỨC MARIA ĐỐI VỚI HỘI THÁNH
MATERNITAS MARIAE
RELATE AD ECCLESIAM
Đức Maria hợp nhất
trọn vẹn với Con mình…
964. Nhiệm vụ của Đức Maria đối với Hội Thánh không thể tách biệt khỏi
sự hợp nhất của Mẹ với Đức Kitô, và trực tiếp xuất phát từ sự hợp nhất đó. “Sự
liên kết của Đức Maria với Người Con trong công cuộc cứu độ được biểu lộ từ lúc
Mẹ thụ thai Đức Kitô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa chịu chết”[3]. Trong
giờ khổ nạn của Người, sự liên kết đó được biểu lộ cách đặc biệt:
“Đức Trinh Nữ diễm
phúc đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, và Mẹ đã trung thành gìn giữ sự
hợp nhất với Con cho đến tận thập giá, Mẹ đứng đó không ngoài kế hoạch của
Thiên Chúa, Mẹ đã cùng chịu đau khổ cách khủng khiếp với Người Con Một của mình
và liên kết mình với hy lễ của Người bằng tình mẫu tử, đồng thuận cách yêu
thương với lễ phẩm bị sát tế do lòng Mẹ sinh ra; và cuối cùng, Mẹ được chính
Đức Kitô Giêsu đang hấp hối trên thập giá ban làm mẹ người môn đệ, bằng những
lời này: ‘Thưa Bà, đây là con Bà’ (x. Ga 19,26-27)”[4].
965. Đức Maria, sau cuộc Thăng thiên của Con mình, “đã trợ giúp Hội
Thánh sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình”[5]. Cùng với các Tông Đồ và một số
người phụ nữ khác, “chúng ta thấy … Đức Maria cũng dùng lời cầu nguyện của mình
mà khẩn cầu hồng ân là Thần Khí, Đấng đã phủ bóng trên ngài trong ngày Truyền tin”[6].
… cả trong cuộc Lên
trời của Mẹ…
966. “Sau cùng, Đức Trinh Nữ Vô nhiễm, được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi
tì vết nguyên tội, sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế, đã được đưa lên hưởng
vinh quang thiên quốc cả xác cả hồn, và được Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ,
để Mẹ được đồng hình đồng dạng cách sung mãn hơn với Con mình, là Chúa các chúa
và là Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết”[7]. Cuộc Lên trời của Đức Trinh Nữ rất
thánh là sự tham dự độc nhất vô nhị vào sự Phục sinh của Con mình và là việc
thể hiện trước sự phục sinh của các Kitô hữu khác:
“Lạy Mẹ Thiên Chúa,
khi sinh con, Mẹ vẫn khiết trinh; khi yên nghỉ, Mẹ vẫn không lìa bỏ trần gian:
Mẹ đã đến với Đấng là nguồn mạch sự sống, chính Mẹ, người đã cưu mang Thiên
Chúa hằng sống và chính Mẹ, bằng lời khẩn cầu của Mẹ, sẽ cứu linh hồn chúng con
khỏi chết”[8].
… chính Mẹ là Mẹ
chúng ta trong lãnh vực ân sủng
967. Vì sự hoàn toàn gắn bó của Mẹ với thánh ý Chúa Cha, với công trình
cứu chuộc của Con mình, và với mọi tác động của Chúa Thánh Thần, Đức Trinh Nữ
Maria là gương mẫu về đức tin và đức mến cho Hội Thánh. Vì vậy, chính Mẹ là
“thành phần ưu việt và tuyệt đối độc nhất vô nhị của Hội Thánh”[9], và Mẹ
cũng là “sự thực hiện mẫu mực”, là “điển hình”của Hội Thánh[10].
968. Nhưng nhiệm vụ của Mẹ đối với Hội Thánh và toàn thể nhân loại còn
được mở rộng hơn nữa. Chính Mẹ “đã cộng tác một cách tuyệt đối độc nhất vô nhị
vào công trình của Đấng Cứu Độ, bằng sự vâng phục, bằng đức tin, đức cậy và đức
mến nồng nhiệt, để phục hồi sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Vì lý do đó,
Mẹ là Mẹ của chúng ta trong lãnh vực ân sủng”[11].
969. “Tình mẫu tử này của Đức Maria trong Nhiệm cục ân sủng kéo dài
không ngừng, khởi từ sự ưng thuận Mẹ đã trung tín bày tỏ trong cuộc Truyền tin,
và chịu đựng cách không do dự dưới chân thập giá, cho tới sự hoàn tất vĩnh viễn
của mọi người được tuyển chọn. Thật vậy, sau khi Mẹ được lên trời, nhiệm vụ cứu
độ của Mẹ không chấm dứt, nhưng qua việc liên lỉ chuyển cầu của mình, Mẹ tiếp
tục đem lại cho chúng ta những hồng ân của ơn cứu độ vĩnh cửu…. Vì vậy, trong
Hội Thánh, Đức Trinh Nữ diễm phúc được kêu cầu bằng các tước hiệu là Trạng Sư,
Đấng Cứu Giúp, Đấng Phù Hộ, Đấng Trung Gian”[12].
970. “Nhiệm vụ làm mẹ của Đức Maria đối với loài người … không hề làm lu
mờ hay suy giảm sự trung gian duy nhất của Đức Kitô, nhưng tỏ cho thấy uy lực
của sự trung gian ấy. Thật vậy, mọi dòng chảy mang ơn cứu độ của Đức Trinh Nữ …
đều bắt nguồn từ công nghiệp đầy tràn chan chứa của Đức Kitô, dựa trên sự trung
gian của Người, hoàn toàn lệ thuộc vào sự trung gian đó, và múc lấy mọi sức
mạnh từ đó”[13].
“Quả vậy, không bao giờ một thụ tạo nào có thể được liệt kê cùng với Ngôi Lời
nhập thể và là Đấng Cứu Chuộc; nhưng cũng như chức tư tế của Đức Kitô được tham
dự bằng nhiều cách khác nhau hoặc bởi các thừa tác viên hoặc bởi giáo dân, và
cũng như sự tốt lành duy nhất của Thiên Chúa thật sự được tuôn đổ bằng nhiều
cách khác nhau cho các thụ tạo, thì cũng vậy, sự trung gian duy nhất của Đấng
Cứu Chuộc không loại bỏ nhưng khơi dậy sự cộng tác khác nhau nơi các thụ tạo,
nhờ được tham dự vào một nguồn mạch duy nhất”[14].
II. VIỆC SÙNG KÍNH ĐỨC TRINH NỮ DIỄM PHÚC
BEATAE VIRGINIS
CULTUS
971. “Hết
mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,48): “Lòng sùng kính của Hội
Thánh đối với Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc thuộc về chính bản chất của phụng tự
Kitô giáo”[15].
Đức Trinh Nữ diễm phúc “đáng được Hội Thánh tôn vinh bằng một phụng tự đặc
biệt. Thật vậy, từ những thời rất xa xưa, Đức Trinh Nữ diễm phúc đã được tôn
kính dưới tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu
dưới sự che chở của Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó…. Phụng tự đó, tuy là
độc nhất vô nhị, nhưng tự bản chất vẫn khác biệt với phụng tự tôn thờ được dâng
lên Ngôi Lời nhập thể, cũng như dâng lên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, và phụng
tự tôn kính Đức Maria chủ yếu là cổ võ phụng tự tôn thờ Chúa Ba Ngôi”[16]; sự tôn
kính đó được diễn tả trong các lễ phụng vụ dành cho Mẹ Thiên Chúa[17] và trong các kinh nguyện kính Đức
Maria, như kinh Mân Côi, “bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng”[18].
III. ĐỨC MARIA - HÌNH ẢNH CÁNH CHUNG CỦA HỘI THÁNH
MARIA – ICON
ESCHATOLOGICA ECCLESIAE
972. Sau khi đã trình bày về Hội Thánh, về nguồn gốc, sứ vụ và đích điểm
của Hội Thánh, chúng ta không thể kết luận bằng cách nào tốt hơn là hướng nhìn
về Đức Maria, để nơi Mẹ, chúng ta chiêm ngắm Hội Thánh là gì trong mầu nhiệm
của mình, trong “cuộc lữ hành đức tin” của mình, và Hội Thánh sẽ là gì trong
quê hương tương lai, khi kết thúc cuộc hành trình của mình, ở đó, “để làm vinh
danh Chúa Ba Ngôi Chí Thánh và không thể phân chia”, “trong sự hiệp thông của
tất cả các Thánh”[19], có một người đang mong đợi
Hội Thánh, người mà Hội Thánh tôn kính với tư cách là Mẹ của Chúa mình và là Mẹ
riêng của mình.
“Cũng như ở trên
trời, nơi Mẹ đã được vinh quang cả xác cả hồn, Mẹ Chúa Giêsu là hình ảnh và là
khởi đầu của Hội Thánh sẽ được hoàn thành ở đời sau như thế nào, thì cũng vậy,
nơi trần thế, cho đến khi ngày của Chúa đến, Mẹ sáng chói như dấu chỉ của niềm
hy vọng vững chắc và niềm an ủi cho dân lữ hành của Thiên Chúa”[20].
TÓM LƯỢC
973. Đức Maria, khi nói lời “Xin vâng” trong ngày Truyền tin và như vậy
bày tỏ sự đồng thuận của mình đối với mầu nhiệm Nhập Thể, đã cộng tác vào toàn
bộ công trình Con của Mẹ phải hoàn thành. Chính ngài là Mẹ ở bất cứ nơi nào Con
của Mẹ là Đấng Cứu Độ, và là Đầu của Nhiệm Thể.
974. Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế
của mình, được đưa cả xác cả hồn lên hưởng vinh quang thiên quốc, nơi Mẹ tham
dự vào vinh quang của cuộc Phục Sinh của Con mình, thể hiện trước sự phục sinh
của tất cả các chi thể của Thân Thể Người.
975. “Chúng tôi tin Mẹ rất thánh của Thiên Chúa, bà Evà mới, Mẹ Hội
Thánh, giờ đây ở trên trời, vẫn tiếp tục nhiệm vụ làm mẹ đối với các chi thể
của Đức Kitô”[21].
[1]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 53: AAS 57 (1965) 57-58; x. Thánh
Augustinô, De sancta virginitate 6, 6: CSEL 41, 240 (PL 40, 399).
[2]ĐGH Phaolô VI, Allocutio ad Conciliares
Patres, tertia exacta Oecumenicae Synodi Sessione (21-11-1964): AAS 56 (1964) 1015.
[3]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 57: AAS 57 (1965) 61.
[4]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 58: AAS 57 (1965) 61-62.
[5]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 69: AAS 57 (1965) 66.
[6]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 59: AAS 57 (1965) 62.
[7]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 59: AAS 57 (1965) 62; x. ĐGH Piô XII,
Tông hiến Munificentissimus Deus (1-11-1950): DS 3903.
[8]Troparium in die
dormitionis beatae Mariae Virginis: Opologion to mega (Romae 1876) 215.
[9]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 53: AAS 57 (1965) 59.
[10]X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 63: AAS 57 (1965) 64.
[11]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 61: AAS 57 (1965) 63.
[12]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 62: AAS 57 (1965) 63.
[13]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 60: AAS 57 (1965) 62.
[14]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 62: AAS 57 (1965) 63.
[15]ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Marialis cultus 56: AAS 66 (1974) 162.
[16]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 66: AAS 57 (1965) 65.
[17]X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 103: AAS 56 (1964) 125.
[18]ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Marialis cultus, 42: AAS 66 (1974) 152-153.
[19]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 69: AAS 57 (1965) 66-67.
[20]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 68: AAS 57 (1965) 66.
[21]ĐGH Phaolô VI, Sollemnis Professio
fidei, 15: AAS 60
(1968) 439.