SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH
CÔNG GIÁO - MỤC 10 “TÔI TIN PHÉP THA TỘI”
(giaolyductin.net - 12/04/14, 10:18 am)
Mục 10
“Tôi tin phép tha tội”
Articulus 10
“Credo remissionem peccatorum”
976. Tín biểu các Tông Đồ kết hợp đức tin về
ơn tha tội không những với đức tin vào Chúa Thánh Thần mà còn với đức tin về
Hội Thánh và về sự hiệp thông của các Thánh. Chúa Kitô phục sinh, khi ban Chúa
Thánh Thần cho các Tông Đồ của Người, Người ban cho họ quyền năng thần linh
riêng của Người để tha tội: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho
ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga
20,22-23).
(Phần Thứ Hai của Sách Giáo Lý này sẽ trình bày rõ ràng về ơn tha
tội qua bí tích Rửa Tội, bí tích Giải Tội và các bí tích khác, nhất là bí tích
Thánh Thể. Vì vậy, ở đây, chúng ta chỉ nói cách vắn tắt đến một số yếu tố căn
bản.)
UNUM BAPTISMA IN REMISSIONEM PECCATORUM
977. Chúa chúng ta đã gắn liền ơn tha tội với
đức tin và bí tích Rửa Tội: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo
Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16,15-16). Bí tích Rửa Tội là bí tích đầu tiên và chính yếu để
tha tội, bởi vì bí tích này kết hợp chúng ta với Đức Kitô đã chết vì tội lỗi
chúng ta, và đã sống lại vì sự công chính hoá của chúng ta[1],
để “chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4).
|
978. “Khi lần đầu chúng ta tuyên xưng đức tin
và được tẩy sạch nhờ Phép Rửa thánh thiêng, thì ơn tha thứ được ban cho chúng
ta một cách hết sức dư dật, đến nỗi không còn tội lỗi nào phải tẩy xóa, dù là
tội tổ tông hay những tội riêng do thiếu sót hoặc do lỗi phạm, không còn phải
chịu hình phạt nào để đền tội. Tuy nhiên, không ai được giải thoát khỏi mọi yếu
đuối của bản tính nhờ ân sủng của bí tích Rửa Tội: nhưng đúng hơn, chúng ta vẫn
phải chiến đấu chống lại những quấy nhiễu của dục vọng, nó không ngừng xúi giục
chúng ta phạm tội”[2].
|
979. Trong cuộc chiến chống việc hướng chiều
về sự dữ này, ai là người có đủ nghị lực và cảnh giác để tránh được mọi vết
thương của tội lỗi? “Vì vậy, bởi vì trong Hội Thánh cần phải có quyền tha tội
theo một thể thức khác với bí tích Rửa Tội, nên chìa khoá Nước Trời đã được ký
thác cho Hội Thánh, nhờ đó tội của mọi hối nhân có thể được tha thứ, cho dù họ
có phạm tội mãi đến ngày cuối cùng của cuộc đời”[3].
980. Nhờ Bí tích Thống Hối, người đã được rửa
tội có thể được giao hoà với Thiên Chúa và với Hội Thánh:
“Các Giáo phụ có lý khi gọi bí tích Thống Hối là ‘một Phép Rửa cực nhọc’[4]. Bí tích Thống Hối này là cần thiết cho những người
sa ngã sau khi chịu Phép Rửa, để được cứu độ, như Phép Rửa là cần thiết cho
những người chưa được tái sinh”[5].
II. QUYỀN CHÌA KHOÁ
POTESTAS CLAVIUM
981. Đức Kitô, sau cuộc Phục Sinh của Người,
đã sai các Tông Đồ Người đi “nhân danh Người, mà rao giảng cho muôn dân… kêu
gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47). Các
Tông Đồ và những vị kế nhiệm các ngài chu toàn “chức vụ giao hoà” (2 Cr 5,18)
không những bằng việc loan báo cho người ta ơn tha thứ của Thiên Chúa, mà Đức
Kitô đã có công đạt được cho chúng ta, và bằng việc kêu gọi người ta hối cải và
tin, mà còn bằng việc truyền thông cho họ ơn tha thứ tội lỗi nhờ bí tích Rửa
Tội, và bằng việc giao hoà họ với Thiên Chúa và với Hội Thánh nhờ quyền chìa
khoá các ngài đã lãnh nhận từ Đức Kitô:
“Hội Thánh đã lãnh nhận chìa khóa Nước Trời, để trong Hội Thánh nhờ
Máu Đức Kitô và tác động của Chúa Thánh Thần, việc tha thứ tội lỗi được thể
hiện. Trong Hội Thánh, linh hồn đã chết do tội lỗi được hồi sinh để được cùng
sống với Đức Kitô, nhờ ân sủng của Người mà chúng ta được cứu độ”[6].
982. Không có tội nào, dù nặng nề đến mấy, mà
Hội Thánh không thể tha thứ. “Không người nào, dù gian ác và xấu xa đến đâu,
lại không thể hy vọng chắc chắn mình được tha thứ, miễn là người đó thật sự
thống hối về các lầm lạc của mình”[7]. Đức Kitô, Đấng đã chết cho tất
cả mọi người, muốn rằng: các cửa của sự tha thứ trong Hội Thánh của Người luôn
rộng mở cho bất cứ ai bỏ tội lỗi trở về[8].
983. Việc dạy giáo lý phải cố gắng khơi dậy
và nuôi dưỡng nơi các tín hữu niềm tin về sự cao cả khôn sánh của hồng ân mà
Chúa phục sinh đã làm cho Hội Thánh của Người: đó là sứ vụ và quyền năng tha
thứ thật sự các tội lỗi, nhờ thừa tác vụ của các Tông Đồ và của những vị kế
nhiệm các ngài:
|
“Chúa muốn các môn đệ của Người có một quyền năng lớn lao: Người
muốn các tôi tớ thấp hèn của Người nhân danh Người mà thực hiện tất cả những gì
Người đã làm khi còn tại thế”[9].
“[Các tư tế] đã lãnh nhận quyền năng mà Thiên Chúa đã không ban cho
các Thiên thần hoặc các Tổng lãnh Thiên thần…. Bất cứ điều gì các tư tế làm nơi
đất thấp, thì trên trời cao, Thiên Chúa đều phê chuẩn”[10].
“Nếu trong Hội Thánh không có ơn tha tội, thì không có một hy vọng
nào: nếu trong Hội Thánh không có ơn tha tội, thì không có hy vọng nào về đời sống
tương lai và sự giải thoát vĩnh cửu. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban
cho Hội Thánh của Ngài hồng ân này”[11].
TÓM LƯỢC
984. Tín biểu kết hợp sự “tha tội” với lời
Tuyên xưng đức tin về Chúa Thánh Thần. Quả thật, Đức Kitô phục sinh đã ký thác
cho các Tông Đồ quyền tha tội, khi Người ban Chúa Thánh Thần cho các ngài.
985. Bí tích Rửa Tội là bí tích đầu tiên và
chính yếu để tha tội: bí tích này kết hợp chúng ta với Đức Kitô, Đấng đã chết
và sống lại, và ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần.
986. Do ý muốn của Đức Kitô, Hội Thánh có
quyền tha tội cho những người đã được rửa tội; Hội Thánh thực thi quyền này,
một cách thông thường, qua các Giám mục và các linh mục trong bí tích Thống
Hối.
987. “Trong việc tha tội, cả các tư tế, cả
các bí tích đều là những dụng cụ, qua đó Chúa Kitô, là Tác giả và là Đấng ban
phát ơn cứu độ, thực hiện việc tha tội và sự công chính trong chúng ta”[12].
[1] X. Rm 4,25.
[2] Catechismus Romanus, 1, 11, 3: ed. P. Rodríguez (Città
del Vaticano-Pamplona 1989) 123.
[3] Catechismus Romanus, 1, 11, 4: ed. P. Rodríguez (Città
del Vaticano-Pamplona 1989) 123.
[4] X. Thánh Grêgôriô Nazianzênô, Oratio 39, 17: SC
358, 188 (PG 36, 356).
[5] CĐ Triđentinô, Sess. 14a, Doctrina de
[6] Thánh Augustinô, Sermo 214, 11: ed. P. Verbraken:
Revue Bénédictine 72 (1962) 21 (PL 38, 1071-1072).
[7] Catechismus Romanus, 1, 11, 5: ed. P. Rodríguez (Città
del Vaticano-Pamplona 1989) 124.
[8] X. Mt 18,21-22.
[9] Thánh Ambrôsiô, De Paenitentia 1, 8, 34: CSEL 73,
135-136 (PL 16, 476-477).
[10] Thánh Gioan Kim Khẩu, De sacerdotio 3, 5: SC 272,
148 (PG 48, 643).
[11] Thánh Augustinô, Sermo 213, 8, 8: ed. G.
Morin, Sancti Augustini sermones post Maurinos reperti (Guelferbytanus
1, 9) (Romae 1930) 448 (PL 38, 1064).
[12] Catechismus Romanus, 1, 11, 6: ed. P. Rodríguez (Città
del Vaticano-Pamplona 1989) 124-125.