Mục 11

“Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”

Articulus 11
“Credo carnis resurrectionem”

988. Tín biểu của Kitô giáo – là Bản tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và vào hành động tạo dựng, cứu độ và thánh hoá của Ngài – được kết thúc với lời tuyên xưng về sự sống lại của những người chết, vào lúc cùng tận thời gian, và về sự sống vĩnh cửu.

989. Chúng ta tin một cách chắc chắn và hy vọng một cách chính xác rằng: cũng như Đức Kitô đã thật sự sống lại từ cõi chết và sống muôn đời, thì cũng vậy, những người công chính sau cái chết của mình sẽ sống muôn đời với Đức Kitô phục sinh, Đấng sẽ làm cho họ sống lại vào ngày sau hết[1]. Sự sống lại của chúng ta, cũng như sự sống lại của Người, sẽ là công trình của Ba Ngôi Chí Thánh:

“Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11)[2].

990. Từ “thân xác” được dùng ở đây để chỉ con người trong thân phận yếu đuối và phải chết của nó[3]. “Xác sống lại” có nghĩa là sau khi chết, không những linh hồn bất tử được có sự sống, mà cả “thân xác phải chết” (Rm 8,11) của chúng ta cũng sẽ được đảm nhận lại sự sống.

991. Tin sự sống lại của những người chết là một yếu tố căn bản của đức tin Kitô giáo ngay từ hồi đầu. “Niềm tin của các Kitô hữu, sự sống lại của những người chết. Chúng tôi tin điều đó”[4]:

“Sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không sống lại! Mà nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng…. Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15,12-14.20).

I. SỰ PHỤC SINH CỦA ĐỨC KITÔ VÀ CỦA CHÚNG TA

RESURRECTIO CHRISTI ET NOSTRA

Mạc khải tiệm tiến về sự Phục Sinh

992. Việc kẻ chết sống lại đã được Thiên Chúa mạc khải dần dần cho dân Ngài. Niềm hy vọng vào sự sống lại về thân xác của những người chết đã phổ biến như một hệ luận nội tại của đức tin vào Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng toàn bộ con người, cả hồn cả xác. Đấng tạo dựng trời đất cũng là Đấng trung tín giữ Giao Ước của Ngài với tổ phụ Abraham và dòng dõi ông. Chính trong hai viễn tượng [tạo dựng và giao ước] này, niềm tin vào sự phục sinh bắt đầu được biểu lộ. Trong những cơn thử thách của mình, các vị Tử Đạo nhà Macabêô đã tuyên xưng:

“Bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Ngài sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2 Mcb 7,9). “Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Ngài cho sống lại” (2 Mcb 7,14)[5].

993. Những người Pharisêu[6] và nhiều người đương thời với Chúa[7] đã mong đợi sự phục sinh. Chúa Giêsu đã giảng dạy điều đó một cách xác quyết. Với những người Sađucêô phủ nhận sự phục sinh, Người trả lời: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao?” (Mc 12,24). Đức tin về sự phục sinh dựa trên đức tin vào Thiên Chúa, Đấng “không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là của kẻ sống” (Mc 12,27).

994. Hơn nữa: Chúa Giêsu kết hợp đức tin về sự phục sinh với Ngôi Vị riêng của Người: “Chính Thầy là sự Sống lại và là sự Sống” (Ga 11,25). Chính Chúa Giêsu sẽ làm cho sống lại trong ngày sau hết những ai đã tin vào Người[8] và những ai đã ăn Thịt và uống Máu Người[9]. Ngay bây giờ, Người đã đưa ra một dấu chỉ và một bảo chứng khi trả lại sự sống cho một số người đã chết[10], như vậy Người loan báo sự phục sinh riêng của Người tuy sự phục sinh của Người thuộc một trật tự khác. Người nói về biến cố độc nhất này như dấu chỉ Jôna[11], như dấu chỉ Đền Thờ[12]: Người loan báo sự phục sinh của Người ngày thứ ba sau khi Người bị giết[13].

995. Làm chứng nhân cho Đức Kitô là “làm chứng nhân về sự phục sinh của Người” (Cv 1,22)[14], là đã ăn, đã uống “với Người sau khi Người từ trong kẻ chết sống lại” (Cv 10,41). Niềm hy vọng Kitô giáo về sự phục sinh được ghi dấu cách tuyệt đối bằng những cuộc gặp gỡ Đức Kitô phục sinh. Chúng ta sẽ phục sinh như Người, với Người và nhờ Người.

996. Ngay từ đầu, đức tin Kitô giáo về sự phục sinh đã gặp những phản ứng không hiểu và chống đối[15]. “Trong đức tin Kitô giáo, không có việc nào bị chống đối cách mạnh mẽ, dai dẳng, quyết liệt và hăng hái cho bằng vấn đề thân xác sống lại”[16]. Thông thường, người ta chấp nhận là sự sống của nhân vị, sau khi chết, được tiếp tục một cách thiêng liêng. Nhưng làm sao tin được rằng thân xác hiển nhiên là phải chết này lại có thể phục sinh vào đời sống vĩnh cửu?

Người chết sẽ phục sinh thế nào?

997. “Phục sinh” là gì? Khi chết, linh hồn và thân xác bị tách biệt, thân xác con người bị hư hoại trong khi linh hồn của nó đến gặp Thiên Chúa, mà vẫn mong đợi được kết hợp lại với thân xác được tôn vinh của mình. Thiên Chúa, bằng sự toàn năng của Ngài, sẽ vĩnh viễn trả lại sự sống bất hoại cho thân xác chúng ta, kết hợp thân xác đó với linh hồn chúng ta, bằng sức mạnh của cuộc phục sinh của Chúa Giêsu.

998. Ai sẽ phục sinh? Tất cả mọi người đã chết đều sẽ phục sinh: “Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống, ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,29)[17].

999. Phục sinh thế nào? Đức Kitô đã phục sinh với thân xác riêng của Người: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!” (Lc 24,39); nhưng Người không trở lại với đời sống trần thế. Cũng vậy, trong Người, “tất cả mọi người sẽ sống lại với thân xác riêng của mình, thân xác hiện giờ họ đang mang”[18], nhưng thân xác này “sẽ được biến đổi thành thân xác của sự vinh quang”[19], thành “thân thể có thần khí” (1 Cr 15,44):

“Nhưng có người sẽ nói: Kẻ chết sống lại thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về? Đồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống; cái ngươi gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi… Gieo xuống thì hư nát, mà sống lại thì bất diệt; … những kẻ chết sẽ sống lại mà không còn hư nát… Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (l Cr 15,35-37.42.52-53).

1000. Sự “phục sinh thế nào” đó, vượt quá trí tưởng tượng và sự hiểu biết của chúng ta; điều đó chỉ có thể đạt tới bằng đức tin. Nhưng việc chúng ta tham dự vào bí tích Thánh Thể đã cho chúng ta được nếm trước sự biến hình của thân xác chúng ta nhờ Đức Kitô:

“Cũng như bánh là hoa mầu ruộng đất, sau khi nhận được lời khẩn cầu Thiên Chúa, không còn là bánh thường nữa, nhưng là Thánh Thể với hai thực tại trần thế và thiên quốc: cũng vậy, thân xác chúng ta khi đón nhận Thánh Thể thì không còn bị hư hoại, nhưng đã mang niềm hy vọng phục sinh”[20].

1001. Khi nào phục sinh? Một cách vĩnh viễn, “trong ngày sau hết” (Ga 6,39-40.44.54; 11,24); “ngày tận thế”[21]. Quả vậy, sự phục sinh của những người chết được gắn liền với cuộc Quang lâm của Đức Kitô:

“Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng Tổng lãnh Thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên” (l Tx 4,16).

Phục sinh với Đức Kitô

1002. Nếu thật sự là, Đức Kitô sẽ cho chúng ta phục sinh trong “ngày sau hết”, thì cũng thật sự là, một cách nào đó, chúng ta đã phục sinh với Đức Kitô rồi. Thật vậy, nhờ Chúa Thánh Thần, đời sống Kitô hữu, ngay nơi trần thế, đã là sự tham dự vào cái Chết và sự Sống lại của Đức Kitô:

“Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu Phép Rửa, lại cùng được sống lại với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Người sống lại từ cõi chết… Anh em đã được sống lại cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 2,12; 3,1).

1003. Được liên kết với Đức Kitô nhờ bí tích Rửa Tội, các tín hữu thật sự đã tham dự vào sự sống thiên quốc của Đức Kitô phục sinh[22], nhưng sự sống này còn “tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,3). Chính Thiên Chúa đã cho chúng ta được “cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời” (Ep 2,6). Được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể, chúng ta đã thuộc về Thân Thể của Người. Khi chúng ta được phục sinh vào ngày sau hết, “lúc đó”, chúng ta sẽ xuất hiện “với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3,4).

1004. Trong khi mong đợi ngày đó, thân xác và linh hồn của tín hữu đã được tham dự vào phẩm giá được hiện hữu “trong Đức Kitô”; vì vậy, phải tôn trọng thân xác của mình, và cả thân xác của người khác, nhất là khi thân xác đó phải chịu đau đớn:

“Thân xác… phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác; Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô sống lại; chính Ngài cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? … Anh em đâu còn thuộc về mình nữa… Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1 Cr 6,13-15.19-20).

II. CHẾT TRONG ĐỨC KITÔ GIÊSU

IN CHRISTO IESU MORI

1005. Để được phục sinh với Đức Kitô, chúng ta phải chết với Đức Kitô, phải “lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (2 Cr 5,8). Khi ra đi[23], nghĩa là chết, linh hồn bị tách biệt khỏi thân xác. Linh hồn sẽ lại kết hợp với thân xác của mình trong ngày kẻ chết sống lại[24].

Sự chết

1006. “Đối diện với sự chết, bí ẩn về thân phận con người lên đến mức cao nhất”[25]. Theo một nghĩa nào đó, sự chết phần xác là điều tự nhiên, nhưng đối với đức tin, thật ra, sự chết là “lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta” (Rm 6,23)[26]. Và đối với những người chết trong ân sủng Đức Kitô, sự chết là tham dự vào cái Chết của Chúa, để họ cũng có thể tham dự vào sự Phục sinh của Người[27].

1007. Sự chết là kết thúc cuộc đời trần thế. Cuộc đời chúng ta được đo bằng thời gian, trong quãng thời gian đó, chúng ta thay đổi, chúng ta già đi, và cũng như đối với mọi sinh vật trên trái đất, sự chết xuất hiện như một kết thúc bình thường của cuộc đời. Khía cạnh này của sự chết mang lại sự khẩn trương cho cuộc đời chúng ta: Nhắc đến việc phải chết giúp chúng ta nhớ rằng chúng ta chỉ có một thời gian giới hạn để thực hiện cuộc đời chúng ta:

“Giữa tuổi thanh xuân, bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình. Đừng chờ… bụi đất lại trở về với đất, khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa hơi thở Ngài đã ban cho mình” (Gv 12, 1.7).

1008. Sự chết là hậu quả của tội lỗi. Là người giải thích xác thực những khẳng định của Thánh Kinh[28] và Thánh Truyền, Huấn quyền của Hội Thánh dạy rằng cái chết đã đi vào trần gian vì tội lỗi của con người[29]. Mặc dù con người có bản tính là phải chết, nhưng Thiên Chúa đã định cho con người không phải chết. Vì vậy sự chết đi ngược lại với những kế hoạch của Thiên Chúa Tạo Hoá, và nó đã đi vào trần gian với tính cách là hậu quả của tội lỗi[30]. “Sự chết … về phần xác, mà lẽ ra con người đã thoát khỏi nếu đã không phạm tội”[31], cũng là “thù địch… cuối cùng” (1 Cr 15,26) mà con người phải chiến thắng.

1009. Sự chết được Đức Kitô biến đổi. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, cũng đã chịu chết vì chết là đặc điểm của thân phận nhân loại. Nhưng chính Người, tuy run sợ khi đối diện với sự chết[32], đã đảm nhận nó trong một hành vi suy phục thánh ý Cha Người cách trọn vẹn và tự nguyện. Sự vâng phục của Chúa Giêsu đã biến đổi lời chúc dữ của sự chết thành lời chúc lành[33].

Ý nghĩa của sự chết theo Kitô giáo

1010. Nhờ Đức Kitô, sự chết theo Kitô giáo có một ý nghĩa tích cực. “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21). “Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết [với Người], ta sẽ cùng sống [với Người]” (2 Tm 2,11). Sự mới mẻ chủ yếu của cái chết theo Kitô giáo là điều này: nhờ Phép Rửa, Kitô hữu đã “chết với Đức Kitô” một cách bí tích, để sống một đời sống mới; nếu chúng ta chết trong ân sủng của Đức Kitô, sự chết thể lý sẽ hoàn tất việc “chết với Đức Kitô” đó, và như vậy nó hoàn thành việc tháp nhập chúng ta vào Người trong hành vi cứu chuộc của Người:

“Tôi thà chết trong Đức Kitô Giêsu, hơn là cai trị toàn cõi trái đất. Tôi tìm kiếm Người, Đấng đã chết cho chúng ta; tôi khao khát Người, Đấng đã phục sinh vì chúng ta. Giờ tôi được sinh ra đã đến gần… Anh em hãy để tôi nhận lãnh ánh sáng tinh tuyền; khi tôi tới được đó, tôi sẽ là một con người”[34].

1011. Trong sự chết Thiên Chúa kêu gọi con người đến với Ngài. Vì vậy, đối với cái chết, Kitô hữu có thể mong ước giống như thánh Phaolô: “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô” (Pl 1,23); và họ có thể biến đổi cái chết riêng của mình thành một hành vi vâng phục và yêu mến đối với Chúa Cha theo gương Đức Kitô[35]:

“Tình yêu của tôi đã bị đóng đinh vào thập giá; … Một mạch nước đang sống và đang nói ở trong tôi, nói với tôi tự bên trong rằng: ‘Hãy đến với Chúa Cha’”[36].

“Con nóng lòng được nhìn thấy Chúa, nên con muốn chết”[37].

“Tôi không chết, tôi đang bước vào cõi sống”[38].

1012. Cái nhìn của Kitô giáo về sự chết[39] được diễn tả một cách rõ ràng trong phụng vụ của Hội Thánh:

“Lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi; và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn trên trời”[40].

1013. Sự chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế của con người, là kết thúc thời gian của ân sủng và của lòng thương xót mà Thiên Chúa ban cho con người để họ thực hiện cuộc đời trần thế của mình theo kế hoạch của Thiên Chúa và để họ quyết định số phận tối hậu của mình. “Sau khi kết thúc dòng đời duy nhất là cuộc đời trần thế của chúng ta”[41], chúng ta sẽ không trở lại với những cuộc đời trần thế khác. “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Dt 9,27). Không có việc “đầu thai” (“reincarnatio”) sau khi chết.

1014. Hội Thánh khuyên chúng ta hãy chuẩn bị cho giờ chết của chúng ta (“Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi chết đột ngột và bất ngờ”: Kinh Cầu Các Thánh cũ), hãy khấn xin Mẹ Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta “trong giờ lâm tử” (kinh Kính Mừng) và hãy phó thác cho thánh Giuse là bổn mạng của ơn chết lành:

“Trong mọi hành động và suy nghĩ, con phải xử sự như con sắp chết tức thì. Nếu con có lương tâm tốt lành, con sẽ không quá sợ sự chết. Xa lánh tội lỗi thì tốt hơn là trốn tránh sự chết. Nếu hôm nay con không sẵn sàng, thì làm sao ngày mai con sẵn sàng được?”[42]

“Lạy Chúa, chúc tụng Chúa vì chị chết thể xác, không người nào sống mà có thể thoát được chị. Khốn cho những ai chết trong những tội trọng; phúc cho những ai, mà chị gặp, đang ở trong thánh ý Chúa, bởi vì cái chết thứ hai sẽ không làm gì hại cho họ”[43].

TÓM LƯỢC

1015. “Thân xác là then chốt của ơn cứu độ”[44]. Chúng ta tin vào Thiên Chúa, Đấng tạo dựng thân xác. Chúng ta tin vào Ngôi Lời đã trở nên xác phàm để cứu chuộc thân xác. Chúng ta tin “xác loài người ngày sau sống lại”, là tột đỉnh của công trình tạo dựng và cứu chuộc thân xác.

1016. Do sự chết, linh hồn bị tách biệt khỏi thân xác, nhưng khi phục sinh, Thiên Chúa sẽ trả lại sự sống bất hoại cho thân xác đã được biến đổi của chúng ta, Ngài lại kết hợp nó với linh hồn chúng ta. Cũng như Đức Kitô đã phục sinh và sống muôn đời, tất cả chúng ta sẽ sống lại trong ngày sau hết.

1017. “Chúng ta tin… sự phục sinh thật của thân xác này, mà giờ đây chúng ta đang mang”[45]. Tuy nhiên, được gieo xuống mồ là thân xác hư hoại, phục sinh là thân xác bất hoại[46], “thân xác có thần khí” (1 Cr 15,44).

1018. Do hậu quả của tội tổ tông, con người phải chịu chết về phần xác, “mà lẽ ra con người đã thoát khỏi nếu đã không phạm tội”[47].

1019. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã tự nguyện chịu chết vì chúng ta trong sự suy phục thánh ý Thiên Chúa, Cha của Người, một cách trọn vẹn và tự nguyện. Bằng cái chết của Người, Người đã chiến thắng sự chết, và như vậy mở ra cho tất cả mọi người khả năng được cứu độ.

Nguồn: http://giaolyductin.net


[1] X. Ga 6,39-40.

[2] X. 1 Tx 4,14; 1 Cr 6,14; 2 Cr 4,14; Pl 3,10-11.

[3] X. St 6,3; Tv 56,5; Is 40,6.

[4] Tertullianô, De resurrectione mortuorum 1, 1: CCL 2, 921 (PL 2, 841).

[5] X. 2 Mcb 7,29; Đn 12,1-13.

[6] X. Cv 23,6.

[7] X. Ga 11,24.

[8] X. Ga 5,24-25; 6,40.

[9] X. Ga 6,54.

[10] X. Mc 5,21-43; Lc 7,11-17; Ga 11.

[11] X. Mt 12,39.

[12] X. Ga 2,19-22.

[13] X. Mc 10,34.

[14] X. Cv 4,33.

[15] X. Cv 17,32; 1 Cr 15,12-13.

[16] Thánh Augustinô, Enarratio in Psalmum 88, 2, 5: CCL 39, 1237 (PL 37, 1134).

[17] X. Đn 12,2.

[18] CĐ Latêranô IV, Cap. 1, De fide catholica: DS 801.

[19] X. Pl 3,21.

[20] Thánh Irênê, Adversus haereses, 4, 18, 5: SC 100, 610-612 (PG 7,1028-1029).

[21] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 54.

[22] X. Pl 3,20.

[23] X. Pl 1,23.

[24] X. ĐGH Phaolô VI, Sollemnis Professio fidei, 28: AAS 60 (1968) 444.

[25] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 18: AAS 58 (1966) 1038.

[26] X. St 2,17.

[27] X. Rm 6,3-9; Pl 3,10-11.

[28] X. St 2,17; 3,3.19; Kn 1,13; Rm 5,12; 6,23.

[29] X. CĐ Triđentinô, Sess. 5a, Decretum de peccato originali, canon 1: DS 1511.

[30] X. Kn 2,23-24.

[31] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 18: AAS 58 (1966) 1038.

[32] X. Mc 14,33-34; Dt 5,7-8.

[33] X. Rm 5,19-21.

[34] Thánh Ignatiô Antiôchia, Epistula ad Romanos, 6, 1-2: SC 10bis 114 (Funk 1, 258-260).

[35] X. Lc 23,26.

[36] Thánh Ignatiô Antiôchia, Epistula ad Romanos, 7, 2: SC 10bis 116 (Funk 1, 260).

[37] Thánh Têrêsa Giêsu, Poesía 7: Biblioteca Mística Carmelitana, v.6 (Burgos 1919) 86.

[38] Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, Lettre (9-6-1897): Correspondance Générale, v. 2 (Paris 1973) 1015.

[39] X. 1 Tx 4,13-14.

[40] Kinh Tiền Tụng I cầu cho các tín hữu đã qua đời: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 439.

[41] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 54.

[42] De imitatione Christi, 1, 23, 5-8: ed. T. Lupo (Città del Vaticano 1982) 70.

[43] Thánh Phanxicô Assisi, Canticum Fratris SolisOpuscula sancti Patris Francisci Assisiensis, ed. C. Esser (Grottaferrata 1978) 85-86.

[44] Tertullianô, De resurrectione mortuorum, 8, 2: CCL 2, 931 (PL 2, 852).

[45] CĐ Lyon II, Professio fidei Michaelis Palaeologi imperatoris: DS 854.

[46] X. 1 Cr 15,42.

[47] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 18: AAS 58 (1966) 1038.