Tại Hội Nghị thường niên HĐGMVN 2006,

Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục Mỹ Tho, Chủ tịch UBGLĐT,

đã phổ biến Bản dịch sách TOÁT YẾU GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

do UBGLĐT thực hiện,

để các giáo phận góp ý hoàn chỉnh Bản dịch.

NGUỒN VUI hân hạnh giới thiệu Bản dịch này,

và có thể làm trung gian chuyển các e-mail góp ý của độc giả

tới các vị có trách nhiệm liên hệ.

Trích NGUỒN VUI

 

 

TOÁT YẾU GIÁO LÝCỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

 

TỰ SẮC

ĐỂ CHẤP THUẬN VÀ CÔNG BỐ

BẢN “TOÁT YẾU GIÁO LÝ”

CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

 

Kính gởi CHƯ HUYNH đáng kính,

Quý HỒNG Y, THƯỢNG PHỤ, TỔNG GIÁM MỤC, GIÁM MỤC

LINH MỤC, PHÓ TẾ VÀ MỌI THÀNH PHẦN DÂN CHÚA

 

  Cách đây hai mươi năm, sách GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO đã bắt đầu được soạn thảo, theo yêu cầu Khoá họp bất thường của Thượng Hội đồng Giám mục nhân dịp kỷ niệm hai mươi năm ngày bế mạc Công đồng Vaticanô II.

Tôi vô cùng cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã ban cho Hội thánh sách Giáo lý này; sách này đã được công bố vào năm 1992 do vị tiền nhiệm kính yêu của Tôi, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. 

Giá trị lớn lao và vẻ đẹp của quà tặng này đã được hàng Giám mục xác nhận qua việc các ngài đón nhận một cách tích cực và rộng rãi. Sách Giáo lý ấy nhắm trao vào tay các vị Giám mục như bản qui chiếu chắc chắn và đích thực để giảng dạy giáo lý công giáo và đặc biệt để soạn thảo các sách giáo lý địa phương. Sách Giáo lý cũng được mọi thành phần Dân Chúa đón nhận cách thuận lợi đáng kinh ngạc. Sách này cho đến nay đã được dịch ra hơn năm mươi thứ tiếng.

Giờ đây, với niềm vui lớn lao, Tôi chấp thuận và công bố bản Toát yếu Giáo lý này. 

Vào tháng 10 năm 2002, các tham dự viên của Hội nghị Quốc tế về Giáo lý đã nói lên một yêu cầu phổ biến trong Hội thánh là ước mong có được bản Toát yếu sách giáo lý. Vị Tiền nhiệm kính yêu của Tôi đã đón nhận ước muốn này và vào tháng 02 năm 2003 đã quyết định bắt đầu thực hiện. Ngài trao việc soạn thảo cho một Uỷ ban Hồng y, do chính Tôi làm chủ tịch, với sự cộng tác của nhiều chuyên viên. Trong quá trình làm việc, một dự thảo bản Toát yếu này được chuyển đến các Hồng y và những vị Chủ tịch các Hội đồng Giám mục. Bản dự thảo này được một số rất đông đón nhận và đánh giá cao.  

Toát yếu mà hôm nay Tôi giới thiệu cho Hội thánh phổ quát là một tổng hợp trung thành và chắc chắn sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo. Bản toát yếu này chứa đựng cách ngắn gọn mọi yếu tố căn bản và nền tảng của đức tin Hội thánh, tạo thành một thứ thủ bản “cầm tay – Vademecum” như vị Tiền nhiệm của Tôi ước muốn, cho phép mọi người, dù tin hay không, có thể có được một cái nhìn toàn diện về đức tin công giáo.

Bản Toát yếu này phản ánh cách trung thành sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo ngay trong cấu trúc, nội dung lẫn ngôn ngữ; hy vọng nhờ sự hỗ trợ và động viên của bản Toát yếu này, sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo được biết đến cách rộng rãi hơn và được đào sâu nhiều hơn.

  Với sự tin tưởng, Tôi trao bản Toát yếu này trước tiên cho toàn Hội thánh và đặc biệt cho từng người Kitô hữu, để vào thiên niên kỷ thứ ba này, mỗi người nhờ vào bản Toát yếu, có được một sức bật mới trong cố gắng Phúc Âm hoá và giáo dục đức tin. Đây phải là đặc điểm của tất cả các cộng đoàn trong Hội thánh và của tất cả những ai tin vào Đức Kitô, bất luận tuổi tác hay thuộc quốc gia nào.

 Nhờ tính chất ngắn gọn, trong sáng và đầy đủ, bản Toát yếu này cũng nhắm đến mọi người, đang sống trong một thế giới phân tán và có quá nhiều sứ điệp, khao khát biết được con Đường Sự sống, Chân lý, đã được Thiên Chúa trao phó cho Hội thánh của Con mình.

 Khi đọc bản Toát yếu có thẩm quyền này, nhờ sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Mẹ Đức Kitô và là Mẹ Hội thánh, mỗi người có thể nhận ra và đón nhận ngày một hơn vẻ đẹp, sự thống nhất và tính hiện thực bất tận của món quà vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại : đó là Con Duy Nhất của Ngài, Đức Giêsu Kitô, Đấng là “Đường, là Sự thật và là Sự sống”  (Ga 14,6).

 

Ban hành tại Rôma, gần Đền thờ thánh Phêrô, ngày 28 tháng 06 năm 2005,

Áp Đại lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô,

Năm thứ  nhất triều đại Giáo hoàng của Tôi

 

BENEDICTUS  PP XVI

 Bức tranh Đức Kitô PANTOCRATOR (Chủ tể muôn loài), có một vẻ đẹp mỹ thuật đặc biệt, gợi nhớ lời Thánh vịnh : “Giữa thế nhân, ngài vô song tuyệt mỹ, ân sủng được tuôn đổ trên môi ngài”(Tv 44 [45], 3). Áp dụng lời ca ngợi này vào Chúa Giêsu, thánh Gioan Kim Khẩu viết : “Đức Kitô ở vào tuổi tuyệt vời, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần; nơi Người chiếu tỏa một nét đẹp trên cả hai bình diện, nét đẹp của tâm hồn và nét đẹp của thể xác” (Giáo phụ Hy Lạp [PG] 52,479).

Bằng ngôn ngữ tượng hình, bức tranh này là một tổng hợp các Công đồng chung đầu tiên, không những trình bày vẻ huy hoàng của nhân tính, nhưng cả vinh quang của thần tính Chúa Giêsu.

Đức Kitô mặc một áo dài đỏ, bên ngoài là một áo choàng xanh đậm. Hai màu sắc này nhắc nhớ đến hai bản tính của Người, trong khi các phản chiếu ánh vàng gợi lên ngôi vị thần linh của Ngôi Lời. Từ vai phải có một dây các phép nạm vàng sa xuống, biểu trưng chức tư tế vĩnh cửu của Người. Gương mặt Người, uy nghi và trang trọng, được bao bọc bằng bộ tóc dày trên  nền một hào quang ở giữa có hình thánh giá. Trên hình thánh giá có ba mẫu tự O?N (Người là Đấng Hiện Hữu) lấy lại mạc khải danh Thiên Chúa trong sách Xuất Hành 14,3. Trên cao, ở viền bức tranh có hai cặp mẫu tự “IC – XC” (“Jesus” – “Christus”) tạo thành tựa đề cho bức ảnh.

Bàn tay mặt, ngón cái và ngón đeo nhẫn gấp lại gần như đụng nhau (để chỉ hai bản tính của Đức Kitô trong sự hợp nhất của ngôi vị), được trình bày với cử chỉ đặc trưng của việc ban phúc lành. Ngược lại, bàn tay trái, siết chặt quyển Tin Mừng; quyển sách này có ba ổ khóa, nhiều viên ngọc trai và đá quí. Quyển Tin Mừng, biểu trưng và tổng hợp Lời Chúa, cũng có một ý nghĩa Phụng vụ vì trong mỗi Thánh lễ chúng ta đều đọc một đoạn và khi truyền phép chúng ta đọc lại  lời của chính Chúa  Giêsu.

Bức tranh này liên kết một cách thành công những yếu tố tự nhiên và biểu trưng, mời gọi chúng ta suy niệm và bước theo Chúa Giêsu. Ngày hôm nay, thông qua Hội thánh là Hôn thê và là Thân thể nhiệm mầu của Người, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục chúc lành cho nhân loại và soi sáng nhân loại bằng Tin Mừng của Người, đó thực sự là cuốn sách của chân lý, của hạnh phúc và của ơn cứu độ con người.   

Vào tháng 08 năm 386, khi đang ở trong vườn, thánh Augustinô nghe một tiếng nói với ngài : “Hãy cầm lấy và đọc, hãy cầm lấy và đọc” (Tự thuật 8,12,29). Bản Toát yếu sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo là một tổng hợp Tin Mừng của Chúa Giêsu được huấn giáo của Hội thánh dạy dỗ; đó là một lời mời để mở quyển sách chân lý và đọc, và có thể là “ nuốt đi” như lời ngôn sứ Êdêkien (x. Ed 3,1-4).

THÉOPHANE DE CRÈTE (1546), Bức tranh về Đức Kitô, Tu viện Stavronikita, núi Athos.

 

DẪN NHẬP

 

1. Ngày 11 tháng 10 năm 1992, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II trao cho các tín hữu trên toàn thế giới sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, như một “bản văn qui chiếu” [1] cho Giáo lý được canh tân từ nguồn gốc sống động của đức tin. Ba mươi năm sau ngày khai mạc Công đồng Vaticanô II (1962-1965) một ước mơ đã trở thành hiện thực, ước mơ này đã được Thượng Hội đồng bất thường của các Giám mục vào năm 1985 đạo đạt lên, đó là ước muốn có một sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo trình bày tất cả đức tin cũng như luân lý.

 Năm năm sau, ngày 15 tháng 08 năm 1997, khi công bố Ấn bản mẫu của sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, Đức Giáo hoàng xác nhận mục đích cơ bản của tác phẩm này : “Đây là một trình bày đầy đủ và trọn vẹn giáo lý công giáo, cho phép mỗi người nhận ra điều Hội thánh tuyên xưng, cử hành, sống và cầu nguyện trong cuộc sống hằng ngày của mình” [2].

 2. Để làm nổi bật giá trị giáo lý và để đáp lại một yêu cầu do Đại hội Quốc tế về Giáo lý đạo đạt vào năm 2002, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập một Ủy ban đặc biệt vào năm 2003, đứng đầu là Đức Hồng y Joseph Ratzinger, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, ủy thác cho ngài công tác viết một bản Toát yếu sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, trong đó các nội dung đức tin được trình bày một cách tổng hợp hơn. Sau hai năm làm việc, Ủy ban viết được bản Dự thảo bản toát yếu; bản này được trao cho các Hồng y và Chủ tịch các Hội đồng Giám mục để xin ý kiến. Một số đông các phúc đáp đều đánh giá cao bản dự thảo này. Vì thế Ủy ban bắt đầu cho duyệt lại bản dự thảo dựa theo các đề nghị chỉnh sửa để chuẩn bị cho bản văn cuối cùng.

 3. Bản Toát yếu này có ba đặc điểm chính như sau : lệ thuộc chặt chẽ vào sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo; hình thức hỏi thưa; và việc sử dụng các hình ảnh nghệ thuật vào trong Giáo lý.

 Trước hết, bản Toát yếu này không phải là một tác phẩm hoàn toàn độc lập và cũng không phải để thay thế cho sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo; ngược lại luôn qui hướng về sách Giáo lý, bằng cách ghi những số liên hệ và theo sát cấu trúc, cách trình bày và nội dung của sách Giáo lý. Ngoài ra bản Toát yếu muốn khơi dậy mối quan tâm và lòng nhiệt thành đối với sách Giáo lý, sách vẫn luôn là bản văn nền tảng cho giáo lý của Hội thánh ngày nay bởi cách trình bày khôn ngoan và chiều sâu thiêng liêng của nó.

 Như  sách Giáo lý, bản Toát yếu cũng chia ra làm bốn phần tương ứng với những lề luật căn bản cho đời sống trong Đức Kitô.

 Phần đầu tiên – có tựa đề “Tuyên xưng đức tin” – gồm một tổng hợp cơ bản về Lex credendi, có nghĩa là Luật đức tin được Hội thánh Công giáo tuyên xưng, một tổng hợp rút  ra từ Kinh Tin Kính của các thánh Tông đồ, được bổ túc bằng bản Kinh Tin Kính của hai Công đồng Nicea và Constantinopoli, mà việc công bố liên tục trong những buổi họp mặt giúp người Kitô hữu luôn nhớ các chân lý nền tảng của đức tin.

 Phần thứ hai – có tựa đề “Cử hành mầu nhiệm Kitô giáo” – trình bày các yếu tố căn bản của Lex celebrandi. Việc rao giảng Tin Mừng tìm được câu trả lời thích ứng trong đời sống Bí tích. Trong đời sống này, các tín hữu có kinh nghiệm và làm chứng trong mỗi giây phút cuộc đời mình hiệu năng cứu độ của mầu nhiệm Vượt qua, trong đó Đức Kitô hoàn tất công trình cứu độ chúng ta.

Phần thứ ba – có tựa đề “Đời sống trong Đức Kitô” – nhắc nhớ lại Lex vivendi, có nghĩa là sự dấn thân mà các tín hữu biểu lộ trong thái độ và sự chọn lựa đạo đức của mình, sự trung thành với đức tin đã được tuyên xưng và được cử hành. Chúa Giêsu mời gọi các tín hữu thực hiện những hành động phù hợp với phẩm giá là con của Chúa Cha trong tình yêu của Chúa Thánh Thần.

Phần thứ tư – có tựa đề “Kinh nguyện Kitô giáo” -  trình bày một tổng hợp về Lex Orandi, có nghĩa là về đời sống cầu nguyện. Theo gương Chúa Giêsu, mẫu mực tuyệt vời cho kẻ cầu nguyện, người Kitô hữu được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa trong kinh nguyện, mà một trong những cách diễn tả ưu thế nhất là Kinh Lạy Cha, đó là kinh do chính Chúa Giêsu dạy chúng ta.

 4. Đặc điểm thứ hai của bản toát yếu này là hình thức đối thoại, lấy lại hình thức cổ xưa của sách giáo lý, gồm các câu hỏi và câu thưa. Đây là cách đối thoại giữa thầy và trò qua một loạt câu hỏi gây chú ý cho người đọc, mời gọi họ khám phá những phương diện luôn luôn mới của chân lý đức tin của mình. Hình thức hỏi thưa thu ngắn bản văn, đúc kết vào điểm chính yếu, tiện cho việc học thuộc lòng nội dung.

 5.  Đặc điểm thứ ba là có nhiều hình ảnh làm nổi bật cách phân chia bản toát yếu. Các tranh ảnh này được rút từ gia sản phong phú của nghệ thuật tranh ảnh thánh của Kitô giáo. Từ truyền thống cả nghìn năm của các Công đồng, chúng ta học biết rằng tranh ảnh cũng là một cách rao giảng Tin Mừng. Các nghệ nhân của mọi thời đại trình bày cho các tín hữu chiêm ngắm và kinh ngạc trước những sự kiện nổi bật của mầu nhiệm cứu độ với sự huy hoàng của màu sắc và vẻ đẹp tuyệt vời. Đó là một dấu chỉ cho thấy tranh ảnh thánh, trong văn hóa hình ảnh ngày nay, có thể diễn tả nhiều hơn là ngôn từ, vì trong sự sinh động của nó, sứ điệp Tin Mừng sẽ có nhiều hiệu quả hơn khi được diễn tả bằng ngôn từ và được tiếp tục truyền đạt.       

 6. Bốn mươi năm sau ngày kết thúc Công đồng Vaticanô II và trong năm Thánh Thể, bản Toát yếu có thể xem như là một công cụ mới để thỏa mãn khát vọng tìm kiếm chân lý của các tín hữu thuộc mọi lứa tuổi và trong mọi hoàn cảnh, cũng như ước muốn của những ai, dù chưa phải là tín hữu, đang khao khát chân lý và công bằng. Việc công bố bản Toát yếu này được diễn ra trong ngày Đại lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, cột trụ của Hội thánh toàn cầu và là những người rao giảng gương mẫu Tin Mừng cho thế giới trong thời đại của các ngài. Các vị Tông đồ này biết rõ điều các ngài rao giảng và chứng minh cho chân lý Đức Kitô đến hy sinh mạng sống. Chúng ta hãy bắt chước các ngài trong sự dấn thân truyền giáo và cầu xin Chúa cho Hội thánh luôn dõi theo giáo huấn của các Tông đồ, nhờ các ngài mà Hội thánh đã lãnh nhận trước tiên lời tuyên xưng vinh phúc của đức tin. 

 Lễ Lá, ngày 20 tháng 03 năm 2005

 

Hồng Y Joseph Ratzinger

Chủ tịch Ủy Ban đặc biệt  

 

Chú thích

[1] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Fidei depositum, 11.10.1992, DC 91 (1993) trang 1.

[2] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Laetamur magnopere, 1508, 1997, DC 94 (1997) trang 851.

  

Kiệt tác hoành tráng diễn tả việc các Đạo sĩ đến thờ lạy Chúa (x. Mt 2,1-12) trình bày mạc khải của Chúa Giêsu cho muôn dân. Mầu nhiệm Nhập thể là một hồng ân không những dành cho niềm tin của Đức Maria, của thánh Giuse, của các người phụ nữ, của những mục đồng, những con người đơn sơ của dân Israel, nhưng cũng cho niềm tin của những kẻ xa lạ đến từ phương Đông, để thờ lạy Đấng Mêsia mới sinh và dâng lên Người các lễ vật : “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2,11).

Các Đạo sĩ là những người đầu tiên của những dân tộc được mời gọi đến đức tin; họ đến với Chúa Giêsu không phải với bàn tay không, nhưng với sự phong phú của quê hương và văn hóa của họ.

Tin Mừng của Chúa Giêsu là lời cứu độ cho toàn thể nhân loại. Thánh Giáo hoàng Lêô Cả đã nói : “Mọi dân tộc, được ba vị Đạo sĩ này đại diện, thờ lạy Đấng Sáng Tạo vũ tru,ï và Thiên Chúa không những được rao giảng trong vùng Giuđêa, nhưng trên toàn thế giới, để Danh Ngài thật vĩ đại trên toàn Israel (x. Tv 75,2)” (Bài giảng thứ 3 ngày lễ Hiển linh).

Phần thứ nhất của bản Toát yếu trình bày việc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người và là lời đáp trả đức tin mà Hội thánh, nhân danh toàn thể nhân loại, dâng lên đáp lại hồng ân Nhập thể cứu độ của Con Thiên Chúa và cuộc Mạc khải thần linh của Người.

Gentile da Fabriano (1423) , Các Đạo sĩ thờ lạy, Galleria degli Uffizi, Florenz.

     

PHẦN  I

TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

 

 ĐOẠN THỨ NHẤT

“TÔI TIN” – “CHÚNG TÔI TIN”

 

Bức ảnh nhỏ này trình bày chu kỳ trọn vẹn của sáu ngày sáng tạo cho đến lúc nguyên tổ của nhân loại bị cám dỗ (x. St 1-3).

 

Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng !

Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan,

những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.

Này đại dương bát ngát mênh mông,

 nơi muôn vàn sinh vật to lẫn nhỏ vẫy vùng,

nơi tàu bè cỡi sóng và thủy quái tung tăng,

là vật Chúa tạo thành để làm trò tiêu khiển.

Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa

đợi chờ Ngài đến bữa cho ăn.

Ngài ban xuống, chúng lượm về,

Ngài mở tay, chúng thỏa thuê ơn phúc…

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi ! 

                                   (Tv 104, 24-28.35)

 

Trong đêm Vọng Phục sinh, Hội thánh ca ngợi Chúa vì công trình vĩ đại hơn nữa  của ơn cứu độ nhân loại và vũ trụ

          Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,

Chúa luôn hoạt động với sự khôn ngoan tuyệt vời,   

Chúa ban cho loài người mà Chúa đã cứu chuộc

để hiểu hy tế của Đức Kitô, Chiên lễ Vượt qua của chúng con,

là một công trình còn vĩ đại hơn cả công trình sáng tạo vào lúc khởi đầu vũ trụ.

Thánh Kinh của Souvigny, Những mẫu ảnh nhỏ về những Ngày Tạo dựng, Moulins, Thư viện thành phố.

  

1.       Ý định của Thiên Chúa dành cho con người là gì ?

1-25

Thiên Chúa tự bản thể là Đấng vô cùng hoàn hảo và hạnh phúc. Theo ý định nhân hậu, Ngài đã tự ý tạo dựng con người, để cho họ được thông phần sự sống hạnh phúc của Ngài. Khi thời gian đến hồi viên mãn, Thiên Chúa Cha đã cử Con Ngài đến làm Đấng Cứu Thế chuộc tội cho nhân loại đã sa ngã trong tội lỗi, để kêu gọi họ vào trong Hội thánh Ngài, và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, đón nhận họ làm dưỡng tử, và được thừa hưởng hạnh phúc vĩnh cửu của Ngài.

  

                                       CHƯƠNG MỘT

CON NGƯỜI “CÓ KHẢ NĂNG” ĐÓN NHẬN THIÊN CHÚA

 

“Lạy Chúa, Chúa vĩ đại và đáng ca tụng. . . . Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn của chúng con luôn xao xuyến cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa” (Thánh Augustinô).

 

2.      Tại sao con người khát khao Thiên Chúa ?

27-30

44-45

Khi tạo dựng con người theo hình ảnh mình, chính Thiên Chúa đã khắc ghi vào trong tâm hồn họ sự khát khao nhìn thấy Ngài. Cả khi họ không nhận ra sự khát khao này, Thiên Chúa vẫn không ngừng lôi kéo họ đến với mình, vì chỉ nơi Thiên Chúa, họ mới sống và tìm được chân lý và hạnh phúc viên mãn mà họ luôn tìm kiếm. Vì vậy, tự bản chất và do ơn gọi của mình, con người là một hữu thể tôn giáo, có khả năng bước vào sự hiệp thông với Thiên Chúa. Dây liên hệ mật thiết và sống động này với Thiên Chúa đem lại cho con người phẩm giá căn bản của mình.

3.      Với ánh sáng tự nhiên của lý trí, con người có thể nhận biết Thiên Chúa không ?

31-36

46-47

Khởi từ công trình tạo dựng, nghĩa là từ thế giới vật chất và con người, con người có thể chỉ dùng lý trí cũng nhận biết cách chắc chắn có Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của vũ trụ, là sự thiện hảo tuyệt vời, là chân lý và vẻ đẹp vô cùng vô tận.  

4.      Chỉ với ánh sáng tự nhiên của lý trí, con người có đủ khả năng để nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa hay không ?

37-38

Chỉ với ánh sáng của lý trí, con người sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận biết Thiên Chúa. Hơn nữa, tự mình, con người không thể nào bước vào mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa. Vì thế, con người cần được Mạc khải của Thiên Chúa soi dẫn, không những về những gì vượt quá sự hiểu biết nhân loại, mà cả về những chân lý tôn giáo và luân lý, tự chúng vốn không vượt quá khả năng của lý trí, để mọi người trong tình trạng hiện thời của nhân loại có thể biết được một cách dễ dàng, chắc chắn và không sai lầm.  

5.      Chúng ta có thể nói về Thiên Chúa thế nào ?

39-43

48-49

Chúng ta có thể nói về Thiên Chúa cho tất cả mọi người, khởi đi từ những nét hoàn hảo của con người và của những thụ tạo khác, đó là một phản ánh, dù rất hạn hẹp, về sự hoàn hảo vô tận của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta phải không ngừng thanh luyện ngôn ngữ của chúng ta vì nó bất toàn và bị lệ thuộc vào hình ảnh, phải ý thức rằng chúng ta không bao giờ có thể diễn tả đầy đủ mầu nhiệm vô tận của Thiên Chúa.  

 

CHƯƠNG HAI

THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI

 

Mạc khải của Thiên Chúa

 

6.      Thiên Chúa mạc khải cho con người điều gì ?

50-53

68-69

Với lòng nhân hậu và sự khôn ngoan, Thiên Chúa tự mạc khải chính mình cho con người. Qua các hành động và lời nói, Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài cũng như ý định của lòng nhân hậu, mà Ngài đã hoạch định tự muôn đời trong Đức Kitô. Ý định này nhằm đón nhận tất cả mọi người trở thành nghĩa tử trong Người Con duy nhất của Ngài nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần và cho họ tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.

7.      Những giai đoạn đầu tiên của Mạc khải là gì ?

54-58

70-71

 Từ nguyên thủy, Thiên Chúa tỏ mình ra cho nguyên tổ của chúng ta, là ông Ađam và bà Evà, và mời gọi họ bước vào sự hiệp thông mật thiết với Ngài. Sau khi họ sa ngã, Ngài đã không chấm dứt việc Mạc khải, nhưng đã hứa ban ơn cứu độ cho tất cả miêu duệ của họ. Sau cơn lụt đại hồng thủy, Ngài đã ký kết với ông Noe một Giao ước giữa Ngài với tất cả các sinh linh.  

8.      Những giai đoạn tiếp theo của Mạc khải của Thiên Chúa là gì ?  

59-64

72

Thiên Chúa chọn ông Abraham, khi gọi ông rời bỏ quê hương để làm cho ông trở thành “cha của vô số dân tộc” (St 17,5) và hứa qua ông sẽ chúc lành cho “mọi gia tộc trên mặt đất” (St 12,3). Con cháu của ông Abraham là những kẻ thừa hưởng các lời Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ họ. Thiên Chúa đã lập Israel làm dân Ngài tuyển chọn, cứu thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập, ký kết với họ Giao ước Sinai và, qua ông Môsê, Ngài ban cho họ Lề luật của Ngài. Các tiên tri đã loan báo một ơn cứu chuộc toàn diện cho dân Chúa cũng là ơn cứu độ dành cho tất cả mọi dân tộc, trong một Giao ước mới và vĩnh cửu. Chúa Giêsu, Đấng Mêsia, đã được sinh ra từ dân Israel, và từ dòng dõi Vua Đavít. 

9.      Giai đoạn Mạc khải trọn vẹn và dứt khoát của Thiên Chúa là gì ?

65-66

73

Giai đoạn Mạc khải trọn vẹn và dứt khoát của Thiên Chúa được thực hiện nơi Ngôi Lời nhập thể, là Đức Giêsu Kitô, Đấng là trung gian và là viên mãn của Mạc khải. Chúa Giêsu, Con duy nhất của Thiên Chúa, đã làm người, là Lời hoàn hảo và dứt khoát của Chúa Cha. Mạc khải đã được hoàn tất cách trọn vẹn qua việc Thiên Chúa Cha sai Con Ngài và ban tặng Thánh Thần, mặc dù đức tin của Hội thánh phải dần dần trải qua bao thế kỷ mới nhận biết ý nghĩa đầy đủ của Mạc khải.

 “Từ khi Thiên Chúa ban cho chúng ta Con Ngài, Đấng là Lời duy nhất và dứt khoát của Ngài, Thiên Chúa đã nói với  chúng ta một lần duy nhất trong Lời này và Ngài không còn gì để nói thêm nữa” (Thánh Gioan Thánh Giá).

 

10.  Các mạc khải tư có gía trị gì ?

67

Mặc dầu các mạc khải tư không thuộc về kho tàng đức tin, nhưng chúng có thể giúp chúng ta sống đức tin, với điều kiện chúng có một liên hệ chặt chẽ với Đức Kitô. Huấn quyền Hội thánh, có thẩm quyền để phân định các mạc khải tư đó, không thể chấp nhận những mạc khải tư nào vượt qua hay muốn sửa đổi Mạc khải dứt khoát là chính Đức Kitô.       

 

Lưu truyền Mạc khải của Thiên Chúa

 

11.  Tại sao phải lưu truyền Mạc khải của Thiên Chúa và lưu truyền bằng cách nào ?

74

Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4), nghĩa là nhận biết Đức Giêsu Kitô. Vì thế, phải rao giảng Đức Kitô cho mọi người, như chính lời Người dạy : “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Điều này đã được thực hiện bởi Truyền thống các Tông đồ, gọi tắt là Truyền thống tông đồ. 

12.  Truyền thống tông đồ là gì ?

75-79

83

96, 98

Truyền thống tông đồ là việc chuyển đạt sứ điệp của Đức Kitô, đã được thực hiện ngay từ lúc khởi đầu Kitô giáo, qua việc rao giảng, làm chứng, các cơ chế, phụng tự, và các sách được linh ứng. Các Tông đồ đã chuyển đạt mọi điều các ngài đã lãnh nhận từ Đức Kitô và học hỏi từ Chúa Thánh Thần cho những người kế nhiệm các ngài, là các giám mục, và qua họ, cho  mọi thế hệ đến tận thế.

13.  Truyền thống tông đồ được thực hiện như thế nào ?  

76

Tông truyền được thực hiện bằng hai cách : qua việc chuyển đạt sống động Lời Chúa (được gọi cách đơn sơ là Thánh truyền) và qua Thánh Kinh, trong đó cùng một lời rao giảng ơn cứu độ được ghi lại thành chữ viết.

14.  Tương quan giữa Thánh truyền và Thánh Kinh như thế nào ?

80-82

97

Thánh truyền và Thánh Kinh liên kết và giao lưu mật thiết với nhau. Thật vậy, cả hai làm cho mầu nhiệm Đức Kitô được hiện diện và sung mãn trong Hội thánh và cả hai cùng xuất phát từ một cội nguồn là Thiên Chúa. Cả hai làm nên một kho tàng đức tin duy nhất, nơi Hội thánh nhận được sự đảm bảo chắc chắn về tất cả những chân lý được mạc khải.  

15.  Kho tàng đức tin đã được ủy thác cho ai ?

84, 91

94, 99

Từ thời các thánh Tông đồ, kho tàng đức tin đã được ủy thác cho toàn thể Hội thánh. Nhờ Chúa Thánh Thần hỗ trợ và nhờ Huấn quyền hướng dẫn, với cảm thức siêu nhiên của đức tin, toàn thể dân Chúa đón nhận Mạc khải của Thiên Chúa, hiểu biết mỗi ngày một sâu xa hơn, và cố gắng sống Mạc khải đó. 

16.  Ai có thẩm quyền để  giải nghĩa kho tàng đức tin ?

85-90

100

Chỉ có Huấn quyền sinh động của Hội thánh, nghĩa là vị kế nhiệm thánh Phêrô làm Giám mục Rôma và các Giám mục hiệp thông với ngài, mới có đủ thẩm quyền giải thích kho tàng đức tin. Huấn quyền, trong việc phục vụ Lời Chúa, được hưởng đặc sủng về chân lý, có trách nhiệm xác định các tín điều, nghĩa là những công thức trình bày các chân lý chứa đựng trong Mạc khải của Thiên Chúa; thẩm quyền này cũng áp dụng trên các chân lý có liên hệ thiết yếu với Mạc khải.

 

17.  Đâu là mối tương quan giữa Thánh truyền, Thánh Kinh và Huấn quyền ?

95

Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn quyền liên hệ chặt chẽ với nhau, đến độ thực thể này không hiện hữu nếu không có hai thực thể kia. Dưới tác động của cùng một Chúa Thánh Thần, cả ba góp phần cách hữu hiệu vào ơn cứu độ loài người, mỗi thực thể theo cách thức riêng của mình.

 

Thánh Kinh

 

18.  Tại sao Thánh Kinh lại có thể dạy chân lý ?

105-108

135-136

Bởi vì chính Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh. Thánh Kinh là quyển sách được linh ứng và dạy dỗ cách không sai lạc những chân lý cần thiết cho ơn cứu độ chúng ta. Thật vậy, Chúa Thánh Thần linh ứng cho các tác giả phàm nhân để họ viết ra những điều Thiên Chúa muốn dạy dỗ chúng ta. Tuy nhiên, đức tin Kitô giáo không phải là một “tôn giáo của sách vở”, nhưng là của Lời Thiên Chúa, “không là một ngôn từ được viết ra và câm lặng, nhưng là Ngôi Lời nhập thể và sống động” (thánh Bênađô Clairvaux).

 

19.  Chúng ta phải đọc Thánh Kinh như thế nào ?

109-119

137

Thánh Kinh phải được đọc và giải thích dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, và phải theo sự hướng dẫn của Huấn quyền Hội thánh, theo ba tiêu chuẩn : (1) phải chú ý đến nội dung và sự duy nhất của toàn bộ Thánh Kinh; (2) phải đọc Thánh Kinh trong Thánh truyền sống động của Hội thánh; (3) phải chú ý đến tính tương hợp của đức tin, nghĩa là đến sự liên hệ hài hòa giữa các chân lý đức tin với nhau.

 

20.  Quy điển (Canon) của các Sách Thánh là gì ?              

120, 138

Quy điển  các Sách Thánh là danh mục đầy đủ về các Sách Thánh, mà Tông truyền đã phân định rõ ràng cho Hội thánh. Quy điển này gồm có bốn mươi sáu tác phẩm Cựu Ước và hai mươi bảy tác phẩm Tân Ước.

 

21.  Đâu là tầm quan trọng của Cựu Ước đối với các người Kitô hữu ?

121-123

Người Kitô hữu tôn kính Cựu Ước như là Lời đích thực của Thiên Chúa. Tất cả các tác phẩm của Cựu Ước được Thiên Chúa linh ứng nên có một giá trị trường tồn. Cựu Ước là bằng chứng cho thấy nghệ thuật giáo dục bằng tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Và nhất là, các tác phẩm Cựu Ước được viết ra để chuẩn bị cho việc Đức Kitô, Đấng Cứu Độ muôn loài, ngự đến.

 

22.  Đâu là tầm quan trọng của Tân Ước đối với các người Kitô hữu ?

124-127

139

Trung tâm của Tân Ước là Đức Giêsu Kitô. Tân Ước dạy chúng ta chân lý dứt khoát được Thiên Chúa mạc khải. Trong Tân Ước, bốn quyển Phúc Âm – Matthêu, Marcô, Luca và Gioan – là những chứng từ chính yếu về đời sống và về lời giảng dạy của Chúa Giêsu; bốn quyển sách này tạo thành trung tâm của tất cả Sách Thánh và có một vị trí độc nhất trong Hội thánh.  

 

23.  Đâu là sự thống nhất giữa Cựu Ước và Tân Ước ?

128-130

140

Thánh Kinh chỉ là một, vì chỉ có một Lời Chúa duy nhất, một chương trình cứu độ duy nhất của Thiên Chúa và một linh ứng duy nhất của Thiên Chúa cho cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Cựu Ước chuẩn bị cho Tân Ước và Tân Ước hoàn thành Cựu Ước : cả hai soi sáng cho nhau.

 

24.  Thánh Kinh giữ vai trò nào trong đời sống Hội thánh ?

131-133

141-142

Thánh Kinh đem lại sự hỗ trợ và sức mạnh cho đời sống Hội thánh. Đối với con cái Hội thánh, Thánh Kinh là sự củng cố đức tin, lương thực và nguồn mạch của đời sống tinh thần. Thánh Kinh là linh hồn của các môn thần học và giảng thuyết mục vụ. Thánh Vịnh gọi Thánh Kinh là “đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118 [119],105). Vì thế, Hội thánh khuyến khích chúng ta thường xuyên đọc Thánh Kinh, vì “không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô” (thánh Giêrônimô).

 

CHƯƠNG BA

LỜI ĐÁP TRẢ CỦA CON NGƯỜI VỚI THIÊN CHÚA

 

Tôi Tin

 

25.  Con người đáp trả như thế nào với Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải ?

142-143

Được ân sủng của Thiên Chúa nâng đỡ, con người đáp lời Thiên Chúa bằng việc vâng phục đức tin, bao gồm việc tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa và đón nhận chân lý của Ngài, chân lý được Thiên Chúa bảo đảm vì chính Ngài là Chân Lý.

 

26.  Trong Thánh Kinh, ai là những nhân chứng chính yếu cho việc vâng phục đức tin ?

144-149

Có rất nhiều chứng nhân, nhưng đặc biệt là hai vị :

-         Ông Abraham, dù bị thử thách, “vẫn vững tin vào Thiên Chúa” (Rm 4,3) và luôn vâng phục tiếng gọi của Ngài; vì thế ông trở thành “tổ phụ của tất cả những người tin” (Rm 4,11.18);

-         Đức Trinh Nữ Maria, trong suốt cuộc đời đã thể hiện một cách tuyệt vời sự vâng phục đức tin :  “Fiat mihi secundum verbum tuum – xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

 

27.  Tin vào Thiên Chúa có ý nghĩa cụ thể gì cho con người ?

150-152

176-178

Tin vào Thiên Chúa có nghĩa là gắn bó với chính Thiên Chúa, tin tưởng phó thác bản thân cho Ngài và chấp nhận tất cả những chân lý do Ngài mạc khải vì Ngài chính là Chân lý. Điều này có nghĩa là tin vào Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị : Chúa Cha,  Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

 

28.  Đức tin có những đặc điểm gì ?

153-165

179-180

183-184

Đức tin là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, được trao ban cho tất cả những ai cầu xin với lòng khiêm hạ; đó là nhân đức siêu nhiên cần thiết để được cứu độ. Hành vi đức tin là một hành vi nhân linh, nghĩa là một hành động của lý trí con người, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, tự do gắn bó với chân lý của Thiên Chúa. Ngoài ra, đức tin còn có đặc tính chắc chắn, vì được đặt nền tảng trên Lời Chúa; đức tin có đặc tính năng động “nhờ Đức ái” (Gl 5,6); đức tin luôn tăng triển, đặc biệt nhờ lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện. Trong hiện tại, đức tin cho chúng ta nếm trước niềm vui trên trời. 

 

29.  Tại sao không có mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học ?

159

Dù đức tin vượt lên trên lý trí, nhưng không bao giờ có mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học, vì cả hai đều có cùng một cội nguồn là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa ban ánh sáng lý trí và đức tin cho con người.  

 

“Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin” (Thánh Augustinô).

  

Chúng Tôi Tin

 

30.  Tại sao đức tin là một hành vi cá nhân nhưng đồng thời cũng là hành vi mang tính giáo hội  ?

166-169

181

Đức tin là một hành vi cá nhân, vì đó là sự đáp trả tự do của con người đối với Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải. Nhưng đồng thời đó cũng là một hành vi mang tính giáo hội, tính chất này được bày tỏ trong lời tuyên xưng đức tin : “Chúng tôi tin.” Thật vậy, chính Hội thánh tin : qua đó, nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, Hội thánh đi bước trước, sinh ra và nuôi dưỡng đức tin của mỗi người. Vì thế, Hội thánh là Mẹ và là Thầy.

 

“Không ai có thể có Thiên Chúa là Cha, mà lại không có Hội thánh là Mẹ.” (Thánh Cyrianô)

 

31.  Tại sao những công thức đức tin lại quan trọng ?

170-171

Những công thức đức tin là quan trọng vì chúng giúp ta diễn tả, đồng hóa, cử hành và cùng chia sẻ với những người khác các chân lý đức tin, khi sử dụng một ngôn ngữ chung.

 

32.  Phải hiểu như thế nào về đức tin duy nhất của Hội thánh ?

172-175

182

Dù được hình thành do nhiều người khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa và phong tục, Hội thánh đồng thanh tuyên xưng một đức tin duy nhất, được lãnh nhận từ một Chúa duy nhất và được chuyển đạt qua một Truyền thống tông đồ duy nhất. Hội thánh tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất –Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – và dạy một con đường cứu độ duy nhất. Vì thế, chúng ta, cùng một lòng một ý, tin những gì chứa đựng trong Lời Chúa, được truyền đạt hay được viết ra và được Hội thánh xác định là do Thiên Chúa mạc khải.

  

ĐOẠN THỨ HAI

 

TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO

 

Bức tranh ghép đá cổ xưa, trong đại thánh đường Rôma cổ mang tên thánh Clêmentê, tôn vinh vinh quang thập giá, mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo. Chúng ta có thể thấy hoa rực rỡ quanh gốc cây ô-rô, từ gốc cây này mọc lên rất nhiều cành lá uốn lượn theo mọi hướng, cùng với hoa và quả của chúng. Sức sống của cây này xuất phát từ thánh giá Chúa Giêsu, mà Hy tế của Người làm nên cuộc tái sáng tạo con người và vũ trụ. Chúa Giêsu là Ađam mới, Đấng nhờ mầu nhiệm khổ nạn, cái chết và sự Phục sinh, làm cho nhân loại được nở hoa, khi Người giao hòa nhân loại này lại với Chúa Cha.

 Chung quanh Đức Kitô đau khổ có mười hai con bồ câu trắng, chỉ mười hai vị Tông đồ. Dưới chân thánh giá, có Đức Maria và người môn đệ được thương mến : “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Chúa Giêsu nói với thân mẫu rằng : ‘Thưa Bà, đây là con của bà.’ Rồi Người nói với môn đệ : ‘Đây là mẹ của anh.’ Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 29,26-27).

 Trên cao, xuất hiện bàn tay của Chúa Cha, trao vòng vinh quang cho Con mình, Đấng chiến thắng sự chết nhờ mầu nhiệm Vượt qua của Người.

 Ở dưới gốc cây, một con nai con chiến đấu với con rắn của sự dữ. Cây này tượng trưng cho cây cứu độ, sản sinh ra một dòng suối từ đó nước tuôn tràn, đem lại sức sống cho bốn con suối nhỏ biểu trưng cho bốn sách Phúc Âm, mà các tín hữu kín múc để uống, như những con nai uống suối nước hằng sống. Ở đây, Hội thánh được trình bày như một vườn thiên quốc được Chúa Giêsu làm cho sinh động, Người chính thực là cây sự sống.

 Đại thánh đường Thánh Clêmentê, Rôma, Tranh ghép đá ở tiền đình, thế kỷ XII, (chi tiết : Thập giá, cây sự sống). Được phục chế với phép của các cha dòng Đaminh Ai-len

 

KINH TIN KÍNH

Kinh Tin Kính các Thánh Tông đồ

 

Tôi tin kính Đức Chúa Trời

là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.

Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô

là Con Một Đức Chúa Cha

cùng là Chúa chúng tôi.

Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần

mà Người xuống thai,

sinh bởi bà Maria đồng trinh,

chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô,

chịu đóng đinh trên cây thánh giá,

chết và táng xác,

xuống ngục tổ tông,

ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại,

lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng,

ngày sau bởi trời lại xuống

phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.

Tôi tin có Hội thánh hằng có ở khắp thế này,

các Thánh thông công.

Tôi tin phép tha tội.

Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

 

Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli

 

Tôi tin kính một Thiên Chúa

là Cha toàn năng,

Đấng tạo thành trời đất,

muôn vật hữu hình và vô hình.

Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô,

Con Một Thiên Chúa,

sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời.

Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa,

Ánh sáng bởi Ánh sáng,

Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật,

được sinh ra mà không phải được tạo thành,

đồng bản thể với Đức Chúa Cha :

nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.

Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta,

Người đã từ trời xuống thế.

Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần,

Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria

và đã làm người.

Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta,

thời quan Phongxiô  Philatô;

Người chịu khổ hình và mai táng,

ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.

Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha,

và Người sẽ lại đến trong vinh quang

để phán xét kẻ sống và kẻ chết,

Nước Người sẽ không bao giờ cùng.

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần

là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống,

Người bởi Đức Chúa Cha

và Đức Chúa Con mà ra.

Người được phụng thờ và tôn vinh

cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con :

Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.

Tôi tin Hội thánh duy nhất, thánh thiện,

công giáo và tông truyền.

Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa để tha tội.

Tôi trông đợi kẻ chết sống lại

và sự sống đời sau. Amen.

  

CHƯƠNG MỘT

TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA

    

Những bản tuyên xưng đức tin

 

33.  Những bản tuyên xưng đức tin là gì ?

185-188

192, 197

Đó là những công thức ngắn gọn, còn được gọi là “những bản tuyên xưng đức tin” hay “Kinh Tin Kính,” qua đó Hội thánh, ngay từ thuở ban đầu, đã diễn tả đức tin của mình một cách tổng hợp và chuyển đạt đức tin ấy bằng một ngôn ngữ chuẩn hoá và chung cho mọi tín hữu.

 

34.  Những bản tuyên xưng đức tin cổ nhất là những bản nào ?

189-191

Những bản tuyên xưng đức tin cổ xưa nhất là những Kinh Tin Kính khi cử hành Bí tích Rửa tội. Vì Bí tích Rửa tội được ban “nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19), nên các chân lý đức tin mà các người lãnh nhận Bí tích Rửa tội tuyên xưng, được phân chia theo ba Ngôi vị của Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

35.  Những bản tuyên xưng đức tin quan trọng nhất là những bản nào ?

193-195

Những bản quan trọng nhất là :

-         Kinh Tin Kính của các Thánh Tông đồ, là bản tuyên xưng đức tin cổ xưa nhất dùng khi cử hành Bí tích Rửa tội của Giáo hội Rôma;

-         Kinh Tin Kính Công Đồng Nicea-Constantinopoli, là kết quả của hai Công Đồng Chung đầu tiên, tại Nicea (năm 325) và tại Constantinopoli (năm 381).

Hai bản này vẫn còn là hai bản chung cho tất cả các Giáo hội lớn của Đông phương và Tây phương.

  

 “TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA PHÉP TẮC VÔ CÙNG,

DỰNG NÊN TRỜI ĐẤT”

  

36.  Tại sao bản tuyên xưng đức tin được khởi đầu bằng “Tôi tin kính Đức Chúa Trời” ?

198-199

Bởi vì xác quyết “Tôi tin kính Đức ChúaTrời” là điều quan trọng nhất. Xác quyết này là nguồn gốc của mọi chân lý khác về con người, về vũ trụ và về toàn bộ đời sống của những ai tin Thiên Chúa.

 

37.  Tại sao chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất ?

200-202
228

Bởi vì Thiên Chúa đã mạc khải cho dân Israel biết rằng Ngài là Thiên Chúa Duy Nhất, khi Ngài nói : “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” (Đnl 6,4). “Ta là Thiên Chúa, chẳng còn chúa nào khác” (Is 45,22). Chính Chúa Giêsu cũng xác nhận điều này : Thiên Chúa là “Đức Chúa duy nhất” (Mc 12,29). Tuyên xưng Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đức Chúa, không hề đưa đến sự chia cắt nào nơi Thiên Chúa duy nhất.   

38.  Thiên Chúa tự mạc khải với danh thánh nào ?

203-205
230-231

Thiên Chúa đã mạc khải chính mình cho Môsê là Thiên Chúa hằng sống, “Thiên Chúa của Ábraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp” (Xh 3,6). Ngài cũng mạc khải Danh Thánh huyền nhiệm của Ngài cho ông : “Ta là Đấng Hằng Hữu” (YHWH). Ngay từ thời Cựu Ước, Danh Thánh của Thiên Chúa không được phép đọc lên, nên phải thay thế bằng thuật ngữ Đức Chúa. Như vậy trong Tân Ước, Chúa Giêsu được người ta gọi là Đức Chúa, tức là được nhìn nhận là Thiên Chúa thật. 

39.   Có phải chỉ một mình Thiên Chúa “hiện hữu” không ?

212-213

Trong khi tất cả mọi thụ tạo đều lãnh nhận từ Thiên Chúa tất cả những gì chúng có và hiện hữu, chỉ Thiên Chúa mới tự mình hiện hữu một cách trọn vẹn và tuyệt hảo. Ngài là “Đấng hằng hữu,” không có khởi đầu và cũng chẳng có cùng tận. Chúa Giêsu cũng mạc khải rằng Người mang Danh Thánh : “Ta là Đấng hằng hữu” (Ga 8,28). 

40.  Tại sao việc Mạc khải Danh Thánh Thiên Chúa là điều quan trọng ?

206-213

Qua việc Mạc khải Danh Thánh, Thiên Chúa cho thấy sự phong phú chất chứa trong mầu nhiệm khôn lường của Ngài. Chỉ mình Ngài hiện hữu từ muôn thuở và cho đến muôn đời. Ngài siêu việt trên vũ trụ và lịch sử. Chính Ngài là Đấng tạo thành trời đất. Ngài là Thiên Chúa trung tín, luôn gần gũi với dân để cứu độ họ. Ngài là Đấng Thánh tuyệt hảo, “giàu lòng nhân hậu” (Ep 2,4), luôn sẵn sàng tha thứ. Ngài là Hữu Thể thiêng liêng, siêu việt, toàn năng, vĩnh cửu, ngôi vị, trọn hảo. Ngài là chân lý và tình yêu. 

“Thiên Chúa là Hữu Thể tuyệt hảo vô tận, là Ba Ngôi cực thánh.” (thánh Turibius thành Montenegro

41.  Phải hiểu “Thiên Chúa là chân lý” như thế nào ?

214-217
231

Thiên Chúa là chính Chân lý;  và do đó, Ngài không tự dối gạt mình cũng không dối gạt ai. Ngài là “Ánh sáng, nơi Ngài không có một chút bóng tối nào” (1 Ga 1,5). Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, là sự Khôn Ngoan nhập thể, đã được sai đi vào thế gian “để làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37). 

42.  Thiên Chúa mạc khải Ngài là Tình Yêu như thế nào ?

218-221

Thiên Chúa tự mạc khải cho dân Israel rằng Ngài là Đấng có một tình yêu mạnh mẽ hơn tình yêu của cha mẹ đối với con cái hoặc của vợ chồng đối với nhau. Tự bản chất, Thiên Chúa “là Tình Yêu” (1 Ga 4, 8.16), Ngài tự hiến ban mình cách trọn vẹn và nhưng không, Ngài “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, […] để nhờ Con Ngài, mà thế gian được cứu độ” (Ga 3,16-17). Khi sai phái Con Ngài và Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa mạc khải chính Ngài là sự trao đổi tình yêu vĩnh cửu. 

43.  Niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất bao hàm những gì ?

222-227
229
  

Niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất bao hàm việc nhận biết sự vĩ đại và quyền năng của Ngài, sống trong sự cảm tạ, luôn tin tưởng vào Ngài, cả khi gặp nghịch cảnh, nhận biết sự hợp nhất và phẩm giá đích thực của mọi người, đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, và sử dụng cách đúng đắn những gì Thiên Chúa đã dựng nên.  

44.  Mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo là gì ?

232-237   

Mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh. Các người Kitô hữu được Rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

 

45.  Chỉ dùng lý trí, con người có thể nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi hay không ?

237

Thiên Chúa đã để lại những dấu vết về thực thể Ba Ngôi của Ngài trong công trình tạo dựng và trong Cựu Ước, nhưng đời sống nội tại của Ba Ngôi chí thánh vẫn là một mầu nhiệm mà lý trí thuần túy của con người không thể nào đạt đến được, và ngay cả đức tin của Israel cũng không thể biết mầu nhiệm đó, trước thời Con Thiên Chúa nhập thể và Chúa Thánh Thần được gởi đến. Mầu nhiệm này đã được Đức Giêsu Kitô mạc khải và là nguồn gốc của tất cả các mầu nhiệm khác. 

46.  Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta điều gì về mầu nhiệm Chúa Cha ?

240-242

Đức Giêsu Kitô mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa là “Cha”, không những vì Ngài là Đấng sáng tạo vũ trụ và con người, nhưng trên hết, từ đời đời Ngài đã sinh ra Chúa Con tự lòng mình, Đấng là Ngôi Lời, là “phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3). 

47.  Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta, là ai ?

243-248

Ngài là Ngôi thứ ba trong Ba Ngôi cực thánh. Ngài là Thiên Chúa, hợp nhất và đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Con. Ngài “xuất phát từ Chúa Cha” (Ga 15,26), Đấng là nguyên lý không có khởi đầu, là nguồn gốc trọn vẹn cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cũng xuất phát từ Chúa Con (Filioque), vì Chúa Cha đã trao ban Ngài cho Chúa Con như Ân ban vĩnh cửu. Được Chúa Cha và Chúa Con nhập thể sai phái, Chúa Thánh Thần hướng dẫn Hội thánh đến sự nhận biết “Chân lý trọn vẹn” (Ga 16,13). 

48.  Hội thánh diễn tả đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào ?

249-256
266

Hội thánh diễn tả đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi khi tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất mà Ngài có Ba Ngôi : Cha, Con và Thánh Thần. Ba Ngôi vị thần linh chỉ là một Thiên Chúa duy nhất, vì mỗi Ngôi vị đều có trọn vẹn bản thể duy nhất và không thể phân chia của Thiên Chúa. Ba Ngôi thực sự phân biệt giữa nhau qua các liên hệ tương quan với nhau. Chúa Cha sinh Chúa Con; Chúa Con được Chúa Cha sinh ra; Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con.  

49.  Các Ngôi vị Thiên Chúa hoạt động như thế nào ?

257-260
267

Ba Ngôi vị thần linh không thể tách rời nhau trong cùng một bản thể duy nhất, thì cũng không thể tách rời trong các hoạt động của mình. Ba Ngôi có cùng một hoạt động duy nhất . Tuy nhiên, trong hoạt động thần linh duy nhất này, mỗi Ngôi vị hiện diện theo cách đặc thù của mình trong Ba Ngôi.  

“Lạy Thiên Chúa của con, Lạy Ba Ngôi con tôn thờ . . . xin ban bình an cho linh hồn con, xin biến  linh hồn con thành thiên đàng của Chúa, nơi trú ngụ dễ mến và nơi yên nghỉ của Chúa. Không bao giờ con muốn bỏ mặc Chúa một mình, nhưng con sẽ trọn vẹn ở đó, tỉnh thức trong đức tin, hoàn toàn thờ lạy, và hoàn toàn phó thác vào hoạt động sáng tạo của Chúa.” (Chân phước Elisabeth Chúa Ba Ngôi)     

50.  Thiên Chúa toàn năng nghĩa là gì ?

268-278

Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài là “Đấng mạnh mẽ, oai hùng” (Tv 23 [24],8), Đấng “không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Sự toàn năng của Ngài là phổ quát, và mầu nhiệm. Sự toàn năng này được biểu lộ trong việc sáng tạo vũ trụ từ hư vô và sáng tạo con người vì tình yêu, nhưng nhất là trong mầu nhiệm Nhập thể và trong sự Phục sinh Con của Ngài, trong hồng ân đón nhận chúng ta làm nghĩa tử và thứ tha tội lỗi. Vì thế, Hội thánh dâng lời cầu nguyện lên “Thiên Chúa toàn năng và vĩnh cửu” (“Omnipotens sempiterne Deus…”). 

51.  Tại sao việc khẳng định rằng : “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa dựng nên trời và đất” (St 1,1) lại rất quan trọng ?

279-289
315

Bởi vì việc tạo dựng là nền tảng cho tất cả dự định cứu độ của Thiên Chúa. Tạo dựng là việc biểu lộ tình yêu toàn năng và khôn ngoan của Thiên Chúa; đó là bước đầu tiên hướng đến Giao ước của Thiên Chúa duy nhất với dân Ngài; đó là khởi điểm của lịch sử cứu độ, lịch sử này đạt tới chóp đỉnh nơi Chúa Giêsu; đó là câu trả lời đầu tiên cho các vấn nạn căn bản của con người về nguồn gốc và cùng đích của mình. 

52.  Ai đã tạo dựng vũ trụ ?

290-292
316

Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là nguyên lý duy nhất và không thể phân chia của việc tạo dựng, mặc dù công trình tạo dựng vũ trụ được đặc biệt gán cho Chúa Cha. 

53.  Vũ trụ được dựng nên để làm gì ?

293-294
319

Vũ trụ được dựng nên để tôn vinh Thiên Chúa, Đấng đã muốn biểu lộ và thông ban lòng nhân hậu, chân lý và vẻ đẹp của Ngài. Mục đích tối hậu của việc tạo dựng là để Thiên Chúa, trong Đức Kitô, “có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28), vì vinh quang của Ngài và hạnh phúc của chúng ta.

 

 “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống và sự sống của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa” (Thánh Irênê). 

54.  Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ như thế nào ?

295-301
317-320

Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ cách tự do, bằng sự khôn ngoan và tình yêu. Vũ trụ không phải là sản phẩm của một luật tất yếu nào đó, của một định mệnh mù quáng hoặc bởi ngẫu nhiên. Thiên Chúa đã sáng tạo “từ hư vô” (ex nihilo; 2 Mcb 7,28), một thế giới được sắp xếp trật tự và tốt lành, nhưng Ngài vô cùng cao cả siêu việt trên mọi loài. Ngài gìn giữ vạn vật trong sự hiện hữu, nâng đỡ và ban cho nó khả năng hoạt động và hướng dẫn nó đến sự trọn hảo nhờ Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  

55.  Sự Quan phòng của Thiên Chúa là gì ?

302-306
321

Sự Quan phòng của Thiên Chúa là những sắp xếp nhờ đó Thiên Chúa hướng dẫn các thụ tạo của mình đến chỗ hoàn hảo mà Ngài đã định cho chúng. Thiên Chúa là tác giả tối cao của kế hoạch Ngài; nhưng để thực hiện kế hoạch đó, Ngài cũng sử dụng sự cộng tác của các thụ tạo. Đồng thời, Ngài ban cho chúng phẩm giá là tự hoạt động và trở thành nguyên nhân cho nhau. 

56.  Con người cộng tác vào sự Quan phòng của Thiên Chúa như thế nào ?

307-308
323

Tuy tôn trọng tự do của con người, nhưng Thiên Chúa ban cơ hội và đòi hỏi con người cộng tác với Ngài qua hành động, kinh nguyện và cả sự đau khổ của họ, khi gợi lên trong họ “ước muốn cũng như hành động theo lòng nhân hậu của Ngài” (Pl 2,13). 

57. Nếu Thiên Chúa toàn năng và quan phòng, tại sao lại có sự dữ ?

309-310
324, 400

Chỉ có toàn bộ đức tin Kitô giáo mới có thể trả lời cho câu hỏi vừa bi thảm vừa mầu nhiệm này. Thiên Chúa không bao giờ là nguyên nhân của sự dữ, dù trực tiếp hay gián tiếp. Ngài làm sáng tỏ mầu nhiệm sự dữ nhờ Con Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại để chiến thắng sự dữ luân lý to lớn là tội lỗi của con người, nguồn gốc của tất cả những sự dữ khác.    

58. Tại sao Thiên Chúa lại cho phép sự dữ xuất hiện ?

311-314
324

Đức tin giúp chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa đã không cho phép sự dữ xuất hiện, nếu Ngài không làm phát sinh điều thiện hảo từ chính sự dữ đó. Điều này Thiên Chúa đã thực hiện cách tuyệt vời trong cái chết và sự sống lại của Đức Kitô. Thật vậy, từ sự dữ luân lý lớn  nhất, là cái chết của Con Ngài, Ngài đã rút ra những điều thiện hảo vĩ đại nhất, đó là việc tôn vinh Đức Kitô và là ơn cứu độ chúng ta.  

Trời và Đất

 

59. Thiên Chúa đã tạo dựng những gì ?

325-327

Thánh Kinh nói : “Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1). Trong bản tuyên xưng đức tin, Hội thánh công bố Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo muôn vật hữu hình và vô hình, mọi loài thiêng liêng và vật chất, nghĩa là các thiên thần và thế giới hữu hình, và đặc biệt nhất là con người. 

60. Các thiên thần là ai ?

328-333
350-351

Các thiên thần là những thụ tạo thiêng liêng, không có thân xác, vô hình và bất tử; đó là những hữu thể có ngôi vị, có lý trí và ý chí. Họ không ngừng chiêm ngắm Thiên Chúa diện đối diện và tôn vinh Thiên Chúa; các ngài phục vụ Thiên Chúa và là những sứ giả của Ngài để thực hiện sứ vụ cứu độ loài người. 

61.    Các thiên thần hiện diện trong đời sống của Hội thánh như thế nào ?

 

Hội thánh liên kết với các thiên thần để tôn thờ Thiên Chúa; Hội thánh kêu cầu sự trợ giúp của các ngài và trong phụng vụ, Hội thánh kính nhớ một số vị trong các ngài. 

“Bên cạnh mỗi tín hữu đều có một thiên thần như Đấng bảo trợ và mục tử, hướng dẫn họ đến sự sống” (Thánh Basiliô cả). 

62.    Thánh Kinh dạy gì về việc tạo dựng thế giới hữu hình ?

337-344

Qua chuyện kể “sáu ngày” tạo dựng, Thánh Kinh cho chúng ta biết giá trị của thế giới thụ tạo, và mục đích của nó là để tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ con người. Mọi vật hiện hữu là nhờ Thiên Chúa, tất cả đều lãnh nhận từ Thiên Chúa sự tốt lành và hoàn hảo, lề luật và vị trí của mình trong vũ trụ.  

63.    Đâu là vị trí của con người trong công trình tạo dựng ?

343-344
353

Con người là chóp đỉnh của các thụ tạo hữu hình, vì được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa.   

64.    Các thụ tạo liên hệ với nhau như thế nào ?

342
354

Giữa các thụ tạo có mối liên hệ với nhau và một phẩm trật theo ý Thiên Chúa. Đồng thời cũng có một sự hợp nhất và liên đới giữa các thụ tạo, vì tất cả đều có cùng một Đấng Sáng Tạo, tất cả đều được Ngài yêu mến và được sắp xếp để tôn vinh Ngài. Vì thế, tôn trọng những lề luật đã được khắc ghi trong công trình tạo dựng và những mối tương quan phát xuất từ bản tính của mọi vật, là một nguyên tắc khôn ngoan và là một nền tảng của luân lý. 

65.     Đâu là mối liên hệ giữa công trình sáng tạo và công trình cứu chuộc ?

345-349

Công trình sáng tạo đạt tới tột đỉnh trong một công trình còn vĩ đại hơn nữa, là công trình cứu chuộc. Thật vậy, công trình cứu chuộc là khởi điểm cho công trình sáng tạo mới, trong đó tất cả sẽ tìm được ý nghĩa trọn vẹn và sự viên mãn của mình.  

Con người

 

66.    Phải hiểu “Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa” theo nghĩa nào ?

355-357

Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa theo nghĩa họ có khả năng nhận biết và yêu mến một cách tự do Đấng Sáng Tạo nên mình. Trên mặt đất, chỉ có con người là thụ tạo đã được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ và mời gọi họ tham dự vào đời sống thần linh của Ngài nhờ nhận biết và yêu thương. Vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người có phẩm giá của một ngôi vị; họ không phải là một sự vật, nhưng là một con người có khả năng nhận thức về bản thân mình, tự hiến mình cách tự do và đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân.   

67.    Thiên Chúa dựng nên con người với mục đích gì ?

358-359
381

 Thiên Chúa đã dựng nên tất cả cho con người, nhưng con người được dựng nên để nhận biết, phục vụ và yêu mến Thiên Chúa; hầu ở trần gian, họ dâng lên Thiên Chúa mọi thụ tạo mà tạ ơn Ngài, nhờ đó họ sẽ được nâng lên trời sống với Thiên Chúa. Chỉ trong mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập thể mà mầu nhiệm về con người mới thực sự được sáng tỏ. Con người được tiền định để phản ánh hình ảnh của Con Thiên Chúa làm người, Đấng là “hình ảnh trọn hảo của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15). 

68.    Tại sao loài người tạo thành một sự thống nhất ?

360-361

Tất cả mọi người tạo thành sự thống nhất của dòng giống loài người, vì họ có cùng một nguồn gốc, được lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa. Hơn nữa, Thiên Chúa, “đã tạo thành toàn thể nhân loại từ một người duy nhất” (Cv 17,26). Tất cả đều có một Đấng Cứu Độ duy nhất. Tất cả đều được mời gọi dự phần vào hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Chúa.  

69.    Trong con người, linh hồn và thân xác tạo thành một sự thống nhất như thế nào ?

362-365
382
 

Con người là một hữu thể vừa thể xác, lại vừa tinh thần. Trong con người, tinh thần và vật chất tạo thành một bản thể duy nhất. Sự thống nhất này rất sâu xa đến độ, nhờ nguyên lý tinh thần là linh hồn mà thể xác, vốn là vật chất, trở thành một thân xác con người sống động, và được dự phần vào phẩm giá “là hình ảnh của Thiên Chúa.”  

70.    Ai ban linh hồn cho con người ?

366-368
382

Linh hồn thiêng liêng và bất tử không đến từ cha mẹ, nhưng được Thiên Chúa tạo dựng cách trực tiếp. Linh hồn lìa khỏi thân xác lúc người ta chết, nhưng linh hồn không chết. Linh hồn sẽ tái hợp với thân xác trong ngày sống lại sau hết.

 

71.    Thiên Chúa đã thiết lập mối liên hệ nào giữa người nam và người nữ?

369-373
383

Người nam và người nữ được Thiên Chúa dựng nên với một phẩm giá ngang nhau là những nhân vị, và đồng thời họ bổ túc cho nhau trong tư cách là nam và nữ. Thiên Chúa đã muốn tạo dựng họ cho nhau, làm nên một sự hiệp thông các bản vị. Cả hai cùng được mời gọi truyền lại sự sống con người trong hôn nhân, khi cả hai trở nên “một xương một thịt” (St 2,24) và làm chủ trái đất như những “người quản lý” của Thiên Chúa. 

72.    Tình trạng nguyên thủy của con người theo kế hoạch của Thiên Chúa là gì ?

374-379
384

Khi sáng tạo người nam và người nữ, Thiên Chúa đã cho họ tham dự cách đặc biệt vào đời sống thần linh của Ngài, trong sự thánh thiện và công chính. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, con người sẽ không phải đau khổ, cũng không phải chết. Ngoài ra, có một sự hài hòa tuyệt hảo nơi chính con người, giữa thụ tạo với Đấng Sáng tạo, giữa người nam với người nữ, cũng như giữa đôi vợ chồng đầu tiên với toàn thể thụ tạo.     

Sự Sa Ngã

 

73.    Làm thế nào để hiểu được thực tại của tội lỗi ?

385-389

Tội lỗi hiện diện trong lịch sử loài người. Một thực tại như thế chỉ được hiểu biết cách đầy đủ dưới ánh sáng Mạc khải của Thiên Chúa, và nhất là dưới ánh sáng của Đức Kitô, Đấng Cứu Độ mọi người, Đấng tuôn đổ ân sủng thật sung mãn bất cứ nơi nào tràn đầy tội lỗi.     

74.    Sự sa ngã của các thiên thần là gì ?

391-395
414

Với cách diễn tả này, người ta muốn nói rằng Satan và các ma quỉ khác, được Thánh Kinh và Thánh truyền nói đến, vốn là các thiên thần tốt lành do Thiên Chúa dựng nên, nhưng đã trở thành ác xấu, bởi vì, qua việc chọn lựa tự do và dứt khoát, chúng từ chối Thiên Chúa và Vương quyền của Ngài và như thế làm phát sinh ra hỏa ngục. Chúng cố gắng lôi kéo con người vào cuộc nổi loạn chống lại Thiên Chúa;  nhưng trong Đức Kitô, Thiên Chúa xác nhận chiến thắng chắc chắn của Ngài trên Ác thần.  

75.    Tội đầu tiên của con người cốt tại điều gì ?

396-403
415-417

Con người, bị ma quỷ cám dỗ, đã dập tắt trong trái tim mình sự tin tưởng vào những liên hệ với Đấng Sáng Tạo của mình. Khi không tuân phục Thiên Chúa, con người muốn trở nên “như Thiên Chúa,” không nhìn nhận Thiên Chúa và không còn căn cứ vào Thiên Chúa nữa (St 3,5). Như thế, Ađam và Evà lập tức đánh mất ân sủng của sự thánh thiện và sự công chính nguyên thủy cho bản thân và tất cả con cháu họ. 

76.     Tội tổ tông truyền là gì ?

404
419

Mọi người đều bị sinh ra trong nguyên tội. Nguyên tội là tình trạng thiếu vắng ơn thánh sủng và sự công chính nguyên thủy. Đó là một tội mà chúng ta “vướng mắc” chứ không phải là một tội mà chúng ta vấp phạm ; đó là tình trạng lúc chào đời chứ không phải là một hành vi cá nhân. Do sự thống nhất của toàn thể loài người, tội này được truyền lại cho con cháu của Ađam trong bản tính loài người, “không phải do bắt chước, nhưng là qua truyền sinh.” Việc truyền đạt này là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể hiểu được cách trọn vẹn.    

77.    Những  hậu quả khác do nguyên tội gây nên là gì ?

  405-409
418

Sau khi tổ tông đã phạm tội, bản tính con người không hoàn toàn bị hủy hoại, nhưng bị thương tật trong các sức lực tự nhiên của mình, chịu sự u mê, đau khổ và nằm dưới quyền lực sự chết; bản tính con người bị nghiêng chiều về tội lỗi. Sự nghiêng chiều này được gọi là dục vọng (concupiscentia). 

78.    Thiên Chúa đã làm gì sau tội đầu tiên của con người ?

410-412
420

Sau tội đầu tiên, thế gian đã bị tràn ngập tội lỗi, nhưng Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người dưới quyền lực sự chết. Trái lại, Ngài đã tiên báo cách mầu nhiệm – trong “Tiền Tin Mừng” (x. St 3,15)– rằng sự dữ sẽ bị đánh bại và con người sẽ được nâng dậy khỏi sự sa ngã của họ. Đó là lời tiên báo đầu tiên về Đấng Mêsia cứu chuộc. Vì thế, chúng ta đã gọi sự sa ngã là “tội hồng phúc(felix culpa), vì “nhờ có ngươi, ta mới có được Đấng Cứu Chuộc cao cả dường này” (Phụng Vụ đêm Vọng Phục sinh). 

CHƯƠNG HAI

TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ,

CON MỘT THIÊN CHÚA

 

79.    Tin Mừng cho con người là gì ?

422-424

Tin Mừng là lời loan báo về Đức Giêsu Kitô, “Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), Đấng đã chết và đã sống lại. Vào thời vua Hêrôđê và Hoàng Đế Xêdarê Augustô, Thiên Chúa đã thực hiện những lời Ngài đã hứa với Ábraham và dòng dõi qua việc Ngài đã sai “Con Mình tới, sinh làm con một người nữ và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Ga 4,4-5). 

80.    Tin Mừng này được loan truyền như thế nào ?

425-429

Ngay từ đầu, các môn đệ tiên khởi đã khao khát loan báo Đức Giêsu Kitô, nhằm làm cho mọi người tin vào Người. Ngày nay cũng thế, sự hiểu biết say mê Đức Kitô làm nẩy sinh nơi các tín hữu niềm khao khát rao giảng Tin Mừng và dạy giáo lý, nghĩa là giúp mọi người nhận thấy tất cả kế hoạch của Thiên Chúa trong con người Chúa Giêsu và dẫn đưa nhân loại đến hiệp thông với Người.  

“TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ,

LÀ CON MỘT ĐỨC CHÚA CHA, CÙNG LÀ CHÚA CHÚNG TÔI”

 

81.    Danh thánh  “Giêsu” nghĩa là gì ?

430-435
452

Danh thánh Giêsu, được thiên thần gọi ngay từ lúc Truyền tin, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”. Danh thánh này nói lên căn tính và sứ mạng của Chúa Giêsu, vì “chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội” (Mt 1,21). Thánh Phêrô khẳng định rằng “dưới gầm trời này không có danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). 

82.    Tại sao Chúa Giêsu lại được gọi là “Đấng Kitô” ?

436-440
453

“Kitô” là tiếng Hy Lạp, còn “Mêsia” là tiếng Hypri, có nghĩa là “được xức dầu”. Chúa Giêsu là Đấng Kitô vì Người được Thiên Chúa thánh hiến, được xức dầu bằng Chúa Thánh Thần để đảm nhận sứ mạng cứu chuộc của Người. Người là Đấng Mêsia mà dân Israel mong đợi, được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian. Chúa Giêsu đã chấp nhận tước hiệu Mêsia, nhưng đã xác định rõ ràng ý nghĩa tước hiệu này : “từ trời xuống” (Ga 3,13), chịu đóng đinh và rồi sống lại, Người là Tôi Trung Đau Khổ, “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Từ tước hiệu Kitô này, chúng ta được mang danh hiệu là người Kitô hữu. 

83.    Chúa  Giêsu là “Con Một Thiên Chúa” theo ý nghĩa nào ?

441-445
454

Chúa Giêsu là “Con Một Thiên Chúa” theo một ý nghĩa duy nhất và trọn hảo. Vào lúc Người chịu phép rửa và trong cuộc Hiển Dung, tiếng của Chúa Cha cho thấy Chúa Giêsu là “Con yêu dấu” của Ngài. Khi Chúa Giêsu tự giới thiệu mình là Con, chỉ mình Người “biết Chúa Cha” (Mt 11,27), Người khẳng định mối tương quan duy nhất và vĩnh cửu của mình với Thiên Chúa là Cha của Người. “Người là Con duy nhất của Thiên Chúa” (1 Ga 4,9), là Ngôi Hai trong Ba Ngôi. Người là trung tâm của lời rao giảng của các thánh Tông đồ : các Tông đồ đã thấy “vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một” (Ga 1,14). 

84.    Tước hiệu “Đức Chúa” có ý nghĩa gì ?

446-451
455

Trong Thánh Kinh, thường tước hiệu này để chỉ Thiên Chúa tối cao. Chúa Giêsu tự nhận cho mình tước hiệu này và mạc khải quyền tối thượng thần linh của Người qua quyền năng của Người trên thiên nhiên, trên ma quỉ, trên tội lỗi và trên cái chết, và nhất là qua cuộc phục sinh của Người. Những tuyên xưng đầu tiên của các người Kitô hữu công bố quyền năng, danh dự và vinh quang dành cho Thiên Chúa Cha cũng thuộc về Chúa Giêsu, Đấng mà Thiên Chúa “đã ban tặng danh hiệu trổi vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2,9). Người là Đức Chúa của trần gian và của lịch sử, là Đấng duy nhất mà mọi người, với sự tự do của mình, phải hoàn toàn tùng phục. 

“BỞI PHÉP ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN

MÀ NGƯỜI XUỐNG THAI SINH BỞI BÀ MARIA ĐỒNG TRINH”

 

85.    Tại sao Con Thiên Chúa làm người ?

456-460

Con Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần, vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, có nghĩa là để chúng ta, là những kẻ tội lỗi, được giao hòa với Thiên Chúa, để cho chúng ta biết được tình thương vô bờ bến của Ngài, để trở nên mẫu gương cho chúng ta về sự thánh thiện và để làm cho chúng ta trở thành những người  “được thông phần bản tính Thiên Chúa ( 2 Pr 1,4). 

86.     Hai tiếng “Nhập Thể” có nghĩa là gì ?

461-463
483

Hội thánh dùng từ “Nhập Thể” để gọi mầu nhiệm của sự kết hợp tuyệt vời của thần tính và nhân tính trong Ngôi vị thần linh duy nhất của Ngôi Lời. Để thực hiện công cuộc cứu rỗi chúng ta, Con Thiên Chúa đã hóa thành “xác thể” (Ga 1,14), trở thành con người thật. Đức tin vào mầu nhiệm Nhập thể là dấu chỉ phân biệt của niềm tin Kitô giáo. 

87.    Đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật như thế nào ?

464-467
469

Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, không thể tách rời nhau trong sự duy nhất của Ngôi vị Thiên Chúa của Người. Chính Người là Con Thiên Chúa, là Đấng “được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha”, Người thật sự trở thành con người, trở thành anh em của chúng ta, tuy không ngừng là Thiên Chúa, là Đức Chúa của chúng ta. 

88.    Công đồng Chalcedonia (năm 451) dạy gì về vấn đề này ?

 467

Công đồng Chalcedonia dạy chúng ta phải tuyên xưng : “một Chúa Con duy nhất, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Người hoàn hảo trong thần tính, Người cũng hoàn hảo trong nhân tính, thật sự là Thiên Chúa và thật sự là người, có một linh hồn có lý trí và một thân xác, đồng bản thể với Chúa Cha theo thần tính mà cũng đồng bản thể với chúng ta theo nhân tính, “giống chúng ta về mọi phương diện ngoại trừ tội lỗi” (Dt 4,15), sinh bởi Đức Chúa Cha theo thần tính từ trước muôn đời, và trong những ngày cuối cùng này, vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người được sinh ra theo nhân tính từ Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.” 

89.    Hội thánh diễn tả mầu nhiệm Nhập thể như thế nào ?

464-469
479-481

Hội thánh diễn tả mầu nhiệm này khi xác quyết rằng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, với hai bản tính là thần tính và nhân tính, không lẫn lộn, nhưng kết hợp trong Ngôi Lời. Vì thế, trong nhân tính của Chúa Giêsu, tất cả – các phép lạ, đau khổ và cái chết – đều được qui về Ngôi vị thần linh của Người, Đấng hoạt động qua nhân tính mà Ngôi vị này đảm nhận.  

“Ôi Con duy nhất và là Ngôi Lời của Thiên Chúa, dù bất tử, nhưng để cứu rỗi chúng con, Chúa đã nhập thể nơi Đức Maria, Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và mãi mãi đồng trinh… Chúa là Một trong Ba Ngôi chí thánh, được tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, xin cứu độ chúng con!” (Phụng vụ Byzantin của thánh Gioan Kim Khẩu).   

90.    Có phải Con Thiên Chúa làm người có một linh hồn với tri thức nhân loại không ?

470-474
482

Con Thiên Chúa đã đón nhận một thân xác được một linh hồn nhân loại có tri thức làm cho sinh động. Với tri thức nhân loại, Chúa Giêsu đã học hỏi nhiều qua kinh nghiệm. Nhưng cũng với tư cách là con người, Con Thiên Chúa có một sự hiểu biết thâm sâu và trực tiếp về Thiên Chúa, Cha của Người. Người cũng nhìn thấu những tư tưởng thầm kín của con người và hiểu biết đầy đủ các ý định muôn thuở mà Người đến để mạc khải. 

91.    Hai ý muốn nơi Ngôi Lời nhập thể hợp tác với nhau như thế nào ?

475
482

Chúa Giêsu có một ý muốn của Thiên Chúa và một ý muốn của con người. Trong cuộc sống nơi trần gian, Con Thiên Chúa đã muốn làm theo con người điều mà Người đã quyết định theo thần tính với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần về ơn cứu độ chúng ta. Ý muốn nhân loại của Đức Kitô luôn theo ý muốn thần linh, không miễn cưỡng, không đối kháng, và hơn nữa, ý muốn nhân loại của Người đã tùng phục ý muốn thần linh.   

92.    Đức Kitô có một thân xác con người thật không ?

476-477

Đức Kitô đã đón nhận một thân xác thật sự của con người, qua đó Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình. Vì thế, Đức Kitô có thể được trình bày và tôn kính qua các ảnh tượng thánh.  

93.    Trái tim của Đức Kitô nói lên điều gì ?

478

Đức Kitô biết và yêu thương chúng ta bằng một trái tim của con người. Trái tim của Người bị đâm thâu để cứu độ chúng ta, là biểu trưng cho tình yêu vô biên của Người đối với Chúa Cha và đối với tất cả mọi người.    

94.    Câu “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai…” có ý nghĩa gì ?

484-486

Câu này muốn nói lên rằng Đức Trinh Nữ Maria đã thụ thai trong lòng mình Người Con Vĩnh Cửu là bởi tác động của Chúa Thánh Thần chứ không có sự cộng tác của một người nam : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà” (Lc 1,35), đó là lời thiên thần đã nói với Đức Maria lúc Truyền tin.

 

95.     “… sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh” : tại sao Đức Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa ?

495
509

Đức Maria thật sự là Mẹ Thiên Chúa bởi vì là Mẹ của Chúa Giêsu (Ga 2,1; 19,25). Thật vậy, Đấng mà Mẹ đã cưu mang bởi tác động của Chúa Thánh Thần và đã thực sự là con của Mẹ, chính là Con hằng hữu của Thiên Chúa Cha. Chính Người là Thiên Chúa. 

96.     “Vô Nhiễm Nguyên Tội” nghĩa là gì  ?

487-492
508

Từ muôn thuở và một cách hoàn toàn nhưng không, Thiên Chúa đã chọn Đức Maria làm Mẹ của Con mình. Để chu toàn sứ mạng này, Mẹ đã được ơn vô nhiễm ngay từ lúc được thụ thai. Điều này có nghĩa là, nhờ ân sủng của Thiên Chúa và đón nhận trước công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ ngay từ lúc được thụ thai.   

97.    Đức Maria đã cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa như thế nào ?

493-494
508-511

Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Đức Maria, suốt đời vẫn tinh tuyền không hề phạm một tội riêng nào. Mẹ là “Đấng đầy ân phúc”(Lc 1,28), “Đấng rất thánh.” Khi Thiên Thần báo tin rằng Mẹ sẽ sinh “Con Đấng Tối cao” (Lc 1,32), Mẹ đã tự do chấp nhận trong “sự vâng phục của đức tin” (Rm 1,5). Đức Maria tự hiến hoàn toàn cho con người và công trình của Chúa  Giêsu, Con của Mẹ, và với trọn tâm hồn Mẹ chấp nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa. 

98.    Việc mang thai Chúa Giêsu một cách đồng trinh có ý nghĩa gì ?

496-498
503

Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ chỉ do quyền năng của Chúa Thánh Thần mà thôi, không có sự can thiệp của người đàn ông. Người là Con Thiên Chúa trên trời theo thần tính, là Con của Đức Maria theo nhân tính, nhưng thực sự là Con Thiên Chúa trong hai bản tính, cùng hiện diện trong một Ngôi vị duy nhất, là ngôi vị thần linh.     

99.    Câu “Đức Maria trọn đời đồng trinh” có ý nghĩa gì ?

499-507
510-511

“Đức Maria trọn đời đồng trinh” có nghĩa là Mẹ “vẫn còn đồng trinh khi thụ thai Con mình, đồng trinh khi sinh Con, đồng trinh khi bồng ẵm Người, đồng trinh khi cho Người bú mớm, là người mẹ đồng trinh, vĩnh viễn đồng trinh” (thánh Augustinô). Khi các Phúc Âm nói về “anh chị em của Chúa Giêsu,” thì đó là những người bà con họ hàng gần của Chúa Giêsu, theo như cách nói thông thường trong Thánh Kinh. 

100.     Bằng cách nào tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Maria mang tính phổ quát ?

501-507
511

Đức Maria chỉ có một người Con duy nhất, là Chúa Giêsu, nhưng trong Người, tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ nới rộng cho hết mọi người đã được Chúa Giêsu cứu độ. Vâng phục bên cạnh Ađam mới là Đức Giêsu Kitô, Đức Trinh Nữ là bà Evà mới, bà mẹ đích thực của chúng sinh. Với tình yêu từ mẫu, Mẹ cộng tác vào việc sinh hạ và nuôi dưỡng họ trong trật tự ân sủng. Vừa là Trinh Nữ vừa là Mẹ, Đức Maria là hình ảnh của Hội thánh, là sự thể hiện toàn hảo nhất của Hội thánh. 

101.     “Cả cuộc đời Đức Kitô là một Mầu nhiệm” nghĩa là gì ?

512-521
561-562

Cả cuộc đời của Đức Kitô là một sự kiện mạc khải. Điều có thể thấy được trong cuộc đời trần thế của Người dẫn chúng ta đến Mầu nhiệm vô hình , nhất là Mầu nhiệm Con Thiên Chúa của Người : “Ai thấy Tôi là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Đàng khác, mặc dù ơn cứu độ đã được hoàn thành trọn vẹn qua thập giá và cuộc phục sinh, nhưng trọn cuộc đời của Đức Kitô là Mầu nhiệm cứu độ, vì tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm, đã nói và đã chịu đau khổ đều có mục đích là để cứu độ loài người sa ngã và để tái lập ơn gọi làm con Thiên Chúa của chúng ta. 

102.     Các mầu nhiệm của Chúa Giêsu đã được chuẩn bị như thế nào ?

522-524

Trước hết, đã có một thời gian hy vọng lâu dài hằng bao thế kỷ, mà chúng ta cảm nhận lại khi cử hành Phụng vụ mùa Vọng. Ngoài sự chờ đợi lờ mờ mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn các người ngoại giáo, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho việc Con Ngài ngự đến qua Giao ước cũ, cho đến thời ông Gioan Tẩy Giả, là người cuối cùng, nhưng lại vĩ đại nhất trong số các tiên tri.  

103.     Tin Mừng về mầu nhiệm Giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giêsu dạy chúng ta điều gì ?

525-530
563-564

Vào lúc Giáng sinh, vinh quang thiên quốc được tỏ lộ trong sự yếu đuối của Hài Nhi. Việc cắt bì Chúa Giêsu đã lãnh nhận là dấu chỉ Người thuộc về dân Do Thái và tượng trưng cho Bí tích Rửa tội của chúng ta. Hiển Linh là việc Vua-Mêsia của Israel tỏ mình ra cho tất cả muôn dân. Lúc dâng Chúa vào trong Đền Thờ, người ta nhận ra nơi ông Simeon và bà Anna sự chờ đợi của dân Israel, nay đến gặp gỡ Đấng Cứu Độ của mình. Cuộc trốn sang Ai Cập và sự kiện tàn sát trẻ vô tội báo trước cả cuộc đời của Đức Kitô sẽ chịu nhiều bách hại. Việc Người rời bỏ Ai Cập để trở về nhắc lại cuộc xuất hành và giới thiệu Đức Kitô như ông Môsê mới : Người là Đấng giải phóng đích thực và tối hậu.  

104.     Quãng đời ẩn dật của Chúa Giêsu tại Nazareth dạy chúng ta điều gì ?

533-534
564

Suốt cuộc sống ẩn dật Nazareth, Chúa Giêsu đã âm thầm sống một cuộc sống bình thường. Như vậy, Người cho phép chúng ta hiệp thông với Người trong sự thánh thiện của đời sống thường ngày được dệt bằng lời cầu nguyện, sự đơn sơ, lao động, tình yêu gia đình. Việc vâng phục của Người đối với Đức Maria và thánh Giuse, cha nuôi của Người, là hình ảnh của sự vâng phục con thảo đối với Chúa Cha của Người. Với đức tin, Đức Maria và thánh Giuse đón nhận mầu nhiệm của Chúa Giêsu, dù rằng không phải lúc nào các ngài cũng hiểu được mầu nhiệm ấy.   

105. Tại sao Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa của ông Gioan để “sám hối hầu được ơn tha tội” (Lc 3,3)  ?

535-537
565

Để khởi đầu quãng đời công khai và để tham dự trước vào Phép rửa là cái chết của mình, Chúa Giêsu, dù không có tội lỗi nào, và là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1,29), cũng chấp nhận liệt mình vào hàng các tội nhân. Chúa Cha tuyên bố Người là “Con yêu dấu” của mình (Mt 3,17) và Thánh Thần ngự xuống trên Người. Phép rửa của Chúa Giêsu là hình ảnh báo trước Bí tích Rửa tội của chúng ta.     

106.     Những cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc nói lên điều gì ?

538-540
566

Những cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu trong sa mạc thu tóm cơn cám dỗ của Ađam trong vườn địa đàng và những cơn cám dỗ của Israel trong sa mạc. Satan cám dỗ Chúa Giêsu về sự vâng phục sứ vụ mà Chúa Cha đã trao phó. Đức Kitô, Ađam mới, đã chống lại cơn cám dỗ, và chiến thắng của Người báo trước chiến thắng của cuộc khổ nạn, là sự vâng phục tuyệt đối trong tình yêu con thảo của Người. Trong thời gian Phụng vụ Mùa Chay, Hội thánh kết hợp với Mầu nhiệm này cách đặc biệt.  

107. Ai được mời gọi tham dự vào Nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu loan báo và thực hiện ?

541-546
567

Chúa Giêsu mời gọi mọi người tham dự vào Nước Thiên Chúa. Cả kẻ xấu xa nhất trong các tội nhân cũng được mời gọi sám hối và đón nhận lòng thương xót vô biên của Chúa Cha. Ngay trên mặt đất này, Nước Thiên Chúa đã thuộc về những ai đón nhận với tâm hồn khiêm tốn. Những mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa được mạc khải cho những người này.  

108. Tại sao Chúa Giêsu biểu lộ Nước Trời bằng các dấu chỉ và phép lạ ?

547-550
567

Chúa Giêsu làm các dấu chỉ và phép lạ kèm theo lời của Người, để chứng tỏ rằng Nước Trời đang hiện diện nơi Người, là Đấng Mêsia. Mặc dù đã chữa lành một số bệnh nhân, Người  không đến để loại trừ mọi cái xấu ra khỏi trái đất, nhưng trước hết là để giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Cuộc chiến đấu chống lại ma quỉ báo trước rằng thập giá của Người sẽ chiến thắng “thủ lãnh thế gian” (Ga 12,31). 

109. Trong Nước Trời, Chúa Giêsu đã trao quyền hành nào cho các Tông đồ của Người ?

551-553
567

Chúa Giêsu chọn Nhóm Mười Hai, những chứng nhân tương lai cho cuộc phục sinh của Người. Người cho họ tham dự vào sứ vụ và quyền hành của Người để dạy dỗ, tha thứ tội lỗi, xây dựng và điều khiển Hội thánh. Trong Nhóm này, thánh Phêrô lãnh nhận “chìa khóa Nước Trời” (Mt 16,19) và chiếm địa vị thứ nhất, có sứ mạng gìn giữ đức tin được toàn vẹn và củng cố các anh em mình. 

110. Việc Hiển Dung có ý nghĩa gì  ?

554-556
568

Trước hết, Thiên Chúa Ba Ngôi xuất hiện trong cuộc Hiển Dung : “Chúa Cha trong lời nói, Chúa Con trong nhân tính của mình, Chúa Thánh Thần trong đám mây sáng chói” (thánh Tôma Aquinô). Khi gợi lên cho ông Môsê và ông Êlia về cuộc “ra đi của mình” (Lc 9,31), Chúa Giêsu cho thấy rằng vinh quang của Người phải kinh qua thập giá; và Người sống trước cuộc phục sinh và cuộc trở lại trong vinh quang của Người, lúc Người “sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21). 

“Chúa đã hiển dung trên núi và các môn đệ chiêm ngắm vinh quang Người tùy khả năng, để mai sau khi thấy Người chịu đóng đinh thập giá, họ hiểu rằng Người đã tự nguyện chịu khổ hình. Rồi họ sẽ loan báo cho muôn dân biết Người chính là vinh quang Chúa Cha chiếu tỏa” (Phụng Vụ Byzantin). 

111. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia như thế nào ?

557-560
569-570

Vào thời gian đã định, Chúa Giêsu quyết lên Giêrusalem để chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại từ cõi chết. Với tư cách là Đức Vua-Mêsia, Đấng loan báo Vương quốc của Thiên Chúa đến, Người đi vào thành của Người, cỡi trên một con lừa. Những kẻ bé mọn đón rước Người bằng lời tung hô mà về sau được đưa vào kinh “Thánh! Thánh! Thánh!” trong Thánh Lễ : “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Mt 21,9). Phụng vụ Hội thánh khởi đầu Tuần Thánh bằng việc cử hành biến cố này. 

 “ĐỨC GIÊSU KITÔ ĐÃ CHỊU NẠN ĐỜI QUAN PHONGXIÔ PHILATO,

CHỊU ĐÓNG ĐINH TRÊN CÂY THÁNH GIÁ, CHẾT VÀ TÁNG XÁC”

 

112.     Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu có tầm quan trọng nào ?

571-573

Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu, bao gồm cuộc khổ nạn, cái chết, sự phục sinh và tôn vinh của Người, là trung tâm của đức tin Kitô giáo. Vì ý định cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất một lần thay cho tất cả nhờ cái chết cứu độ của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô. 

113. Chúa Giêsu bị kết án vì những lời buộc tội nào ?

574-576

Một số thủ lãnh Israel đã kết án Chúa Giêsu chống lại Lề Luật, chống lại Đền thờ Giêrusalem và đặc biệt chống lại niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, bởi vì Người tự tuyên bố mình là Con của Thiên Chúa. Chính vì thế họ đã nộp Người cho quan Philatô, để Người bị kết án tử hình. 

114. Đâu là thái độ của Chúa Giêsu đối với Lề luật Israel ?

577-582
592

Chúa Giêsu không hủy bỏ Lề luật do Thiên Chúa trao ban cho ông Môsê trên núi Sinai, nhưng Người đã làm cho Lề luật nên trọn bằng cách đem lại cho Lề luật lời giải thích tối hậu. Người là Đấng ban hành Lề luật của Thiên Chúa, Đấng chu toàn Lề luật cách viên mãn. Ngoài ra, qua cái chết đền tội trong vai trò Người Tôi Trung, Người hiến dâng hy tế duy nhất có khả năng cứu chuộc tất cả “tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao ước đầu tiên” (Dt 9,15). 

115. Đâu là thái độ của Chúa Giêsu đối với Đền thờ Giêrusalem ?

583-586
593

Chúa Giêsu bị kết án là có thái độ thù nghịch với Đền thờ. Thực ra, Người đã tôn trọng Đền thờ như là “nhà của Cha mình” (Ga 2,16). Chính tại đó Người đã giảng dạy một phần giáo huấn quan trọng của Người. Nhưng Người cũng báo trước Đền thờ sẽ bị tàn phá, trong liên hệ với cái chết của Người. Người tự giới thiệu mình là nơi cư ngụ vĩnh viễn của Thiên Chúa giữa loài người. 

116.     Chúa  Giêsu có chống lại niềm tin của Israel vào Thiên Chúa duy nhất và là Đấng cứu độ hay không ?

587-591
594

Chúa Giêsu không bao giờ chống lại niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, cả khi Người hoàn tất công trình của Thiên Chúa cách trọn hảo, chu toàn các lời hứa về Đấng Mêsia và đồng thời mạc khải Người ngang hàng với Thiên Chúa : đó là việc tha thứ các tội lỗi. Người mời gọi chúng ta phải tin vào Người và phải sám hối, giúp chúng ta nhận ra sự hiểu lầm bi thảm của Công nghị đã kết án Người đáng phải chết vì lý do phạm thượng.  

117.     Ai chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa  Giêsu ?

595-598

Không thể qui trách nhiệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu một cách không phân biệt cho mọi người Do Thái thời đó, cũng như cho con cháu họ sau này. Mỗi tội nhân, nghĩa là mọi người, thực sự là nguyên nhân và công cụ gây nên những đau khổ của Đấng Cứu Chuộc. Chịu trách nhiệm nặng nề hơn nữa là những người, đặc biệt nhất là các người Kitô hữu, thường xuyên sa ngã phạm tội và vui thoả trong những điều xấu xa. 

118.      Tại sao cái chết của Chúa Giêsu  lại nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa ?

599-605
619

Để tất cả chúng ta, là những kẻ đáng chết, được giao hòa trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã đưa ra một kế hoạch tràn đầy tình yêu là sai Con mình đến phó mình chịu  chết vì những kẻ tội lỗi. Cái chết của Đức Kitô đã được loan báo trong Cựu Ước, đặc biệt như hy tế của Người Tôi Tớ chịu đau khổ, và đã xảy ra “theo như lời Thánh Kinh.”  

119.     Đức Kitô đã dâng hiến mình cho Chúa Cha như thế nào ?

606-609
620

Đức Kitô đã tự do dâng hiến mình cho Chúa Cha, để chu toàn ý định cứu độ. Người đã trao ban sự sống “làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45). Nhờ đó, Người giao hòa toàn thể nhân loại với Thiên Chúa. Sự đau khổ và cái chết của Người cho thấy nhân tính của Người là dụng cụ tự do và hoàn hảo để Thiên Chúa, Đấng muốn cứu độ mọi người, thể hiện tình yêu của Ngài.  

120.     Việc dâng hiến của Chúa Giêsu được diễn tả như thế nào trong Bữa Tiệc Ly ?

610-611
621

Trong Bữa Tiệc Ly với các Tông đồ vào buổi tối truớc cuộc Khổ nạn, Chúa Giêsu đã tham dự trước, nghĩa là Người ám chỉ và thực hiện trước, việc tự nguyện dâng hiến chính mình : “Đây là Mình Thầy bị nộp vì anh em” (Lc 22,19); “Đây là Máu Thầy, máu đổ ra…” (Mt 26,28). Như thế, Người vừa thiết lập Bí tích Thánh Thể như việc “tưởng nhớ” (1 Cr 11,25) đến hy tế của Người, vừa thiết lập các Tông đồ của Người thành những tư tế của Giao ước mới. 

121.     Điều gì đã xảy ra trong cơn hấp hối nơi vườn Giếtsêmani ?

612

Mặc dầu nhân tính rất thánh của Đấng là “Tác giả sự sống” (Cv 3,15) đã khiếp sợ sự chết, nhưng ý chí nhân loại của Con Thiên Chúa vẫn tùng phục thánh ý Chúa Cha : để cứu độ chúng ta, Chúa Giêsu chấp nhận gánh lấy tội lỗi chúng ta trong thân xác mình, Người “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,8). 

122.           Hiệu quả hy tế của Đức Kitô trên thập giá là gì ?

613-617
622-623

Chúa Giêsu tự nguyện hiến dâng mạng sống mình làm hy lễ đền tội, nghĩa là Người sửa lại tội lỗi chúng ta bằng sự vâng phục trọn vẹn của Người vì tình yêu cho đến chết. Tình “Yêu thương đến cùng” (Ga 13,1) của Con Thiên Chúa đã giao hòa toàn thể nhân loại với Thiên Chúa. Như vậy, Hy lễ Vượt qua của Đức Kitô cứu chuộc mọi người cách độc nhất vô nhị, hoàn hảo và tối hậu, và mở lối cho họ vào sự hiệp thông với Thiên Chúa. 

123.     Tại sao Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ vác lấy thập giá của họ ?

 618

Khi kêu gọi các môn đệ vác thập giá mình mà theo Người, Chúa Giêsu muốn những người đầu tiên hưởng nhờ hy tế cứu độ của Người được kết hợp vào hy tế ấy.   

124.      Thân xác của Chúa Giêsu ở trong tình trạng nào khi Người nằm trong mồ ?

624-630

Đức Kitô đã chết thật sự và đã được mai táng thật sự. Nhưng quyền năng Thiên Chúa đã gìn giữ thân xác Người khỏi bị hư  nát.   

“ĐỨC GIÊSU KITÔ XUỐNG NGỤC TỔ TÔNG,

NGÀY THỨ BA BỞI TRONG KẺ CHẾT MÀ SỐNG LẠI”

 

125.      “Ngục tổ tông” mà Chúa Giêsu đi xuống là gì ?

632-637

“Ngục tổ tông” – khác với hỏa ngục của án phạt – là tình trạng của những người chết trước thời của Chúa Giêsu, dù họ lành thánh hay xấu xa. Với linh hồn được kết hợp với Ngôi vị thần linh, Chúa Giêsu xuống với những kẻ công chính trong ngục tổ tông, là những người đang mong chờ Đấng Cứu Chuộc họ, để cuối cùng họ có thể đạt được sự hưởng kiến Thiên Chúa. Sau khi nhờ cái chết của Người, Chúa Giêsu đã chiến thắng cả sự chết lẫn ma quỉ là “lãnh chúa của sự chết” (Dt 2,14), Người giải thoát những người công chính đang mong chờ Đấng Cứu Chuộc, và Người mở cửa trời cho họ.  

126.      Cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu có vị trí nào trong đức tin của chúng ta ?

631,638

Cuộc Phục sinh là chân lý cao cả nhất của đức tin chúng ta vào Đức Kitô. Với thập giá, cuộc Phục sinh là phần thiết yếu của mầu nhiệm Vượt qua. 

127.     Những “dấu chỉ” nào làm chứng cho cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu ?

 639-644
656-657

Ngoài dấu chỉ chính yếu là mồ trống, cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu được làm chứng bởi một số phụ nữ ;  họ  là những người đầu tiên đã gặp gỡ Người và đã báo tin cho các Tông đồ. Tiếp đó, Chúa Giêsu đã “hiện ra với Kêpha” (tức là thánh Phêrô), rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra cùng một lúc với hơn năm trăm anh em (1 Cr 15,5-6) và còn nhiều người khác nữa. Các Tông đồ đã không thể bày đặt ra chuyện Phục sinh, vì Phục sinh đối với họ là chuyện không thể có được. Quả thật, Chúa Giêsu cũng đã trách cứ sự cứng lòng tin của họ. 

128.     Tại sao Phục sinh cũng là một biến cố siêu việt ?

647
656-657

Tuy là một sự kiện mang tính lịch sử, có thể xác định và chứng thực qua các dấu chỉ và chứng cớ, nhưng vì là việc nhân tính của Đức Kitô bước vào vinh quang của Thiên Chúa, nên Phục sinh cũng siêu việt và vượt quá lịch sử, thực sự là Mầu nhiệm đức tin. Chính vì thế, Đức Kitô Phục sinh không tỏ mình ra cho thế gian, nhưng chỉ cho các môn đệ Người, làm cho họ trở thành những chứng nhân của Người trước mặt dân chúng. 

129.     Thân xác phục sinh của Chúa Giêsu ở trong tình trạng nào ?

645-646

Sự Phục sinh của Đức Kitô không phải là một cuộc trở lại đời sống trần thế. Thân xác phục sinh của Người, cũng chính là thân xác đã chịu đóng đinh, và vẫn mang vết tích của cuộc khổ nạn, nhưng từ lúc Phục sinh, thân xác này được tham dự vào đời sống thần linh với những đặc điểm của một thân xác vinh hiển. Vì thế, Đức Giêsu Kitô Phục sinh tuyệt đối tự do khi hiện ra với các môn đệ Người, theo cách thức và nơi chốn như Người muốn, dưới nhiều hình dạng khác nhau. 

130.     Sự Phục sinh là công trình của Ba Ngôi Cực Thánh theo cách nào ?

648-650

Sự Phục sinh của Đức Kitô là một hành động siêu việt của Thiên Chúa. Cả Ba Ngôi cùng hoạt động chung theo tính cách riêng biệt của mỗi Ngôi : Chúa Cha bày tỏ quyền năng của mình; Chúa Con “lấy lại” sự sống mà Người đã tự do dâng hiến (Ga 10,17) bằng cách kết hợp linh hồn và thân xác mình, mà Chúa Thánh Thần làm cho sống động và tôn vinh. 

131.     Đâu là ý nghĩa và ảnh hưởng của cuộc Phục sinh đối với ơn cứu độ ?

651-655
658

Phục sinh là chóp đỉnh của mầu nhiệm Nhập Thể, xác nhận thần tính của Đức Kitô cũng như tất cả những gì Người đã làm và đã giảng dạy. Cuộc Phục sinh thực hiện tất cả các lời hứa của Thiên Chúa vì lợi ích của chúng ta. Hơn nữa, Đấng Phục sinh, Đấng chiến thắng tội lỗi và cái chết, là nguyên lý cho việc công chính hóa và sự phục sinh của chúng ta. Ngay từ bây giờ, Phục sinh mang lại cho chúng ta ơn được làm nghĩa tử Thiên Chúa, khiến chúng ta được thực sự tham dự vào sự sống của Con duy nhất, Đấng sẽ làm cho thân xác chúng ta được sống lại vào ngày tận thế.  

“CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI

NGỰ BÊN HỮU ĐỨC CHÚA CHA PHÉP TẮC VÔ CÙNG”

 

132.     Việc Đức Kitô lên trời có ý nghĩa gì ?

659-667

Trong vòng bốn mươi ngày, Đức Kitô hiện ra với các tông đồ dưới hình dạng con người bình thường, che giấu vinh quang của Đấng Phục sinh, sau đó Người lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Người là Chúa, từ nay với nhân tính của Người, Người cai trị trong vinh quang vĩnh cửu của Con Thiên Chúa và không ngừng chuyển cầu cho chúng ta nơi Thiên Chúa Cha. Người cử Thánh Thần của Người đến với chúng ta và ban cho chúng ta niềm hy vọng một ngày kia sẽ được theo Ngườiù, đến nơi Người đã dọn sẵn cho chúng ta.  

“NGÀY SAU BỞI TRỜI

LẠI XUỐNG PHÁN XÉT KẺ SỐNG VÀ KẺ CHẾT”

 

133.     Hiện tại, Chúa Giêsu thống trị như thế nào ?

668-674
680

Là Đức Chúa của vũ trụ và lịch sử, là Thủ lãnh Hội thánh của Người, Đức Kitô vinh hiển vẫn hiện diện một cách mầu nhiệm trên trần gian, nơi Vương quốc của Người đã hiện diện như hạt giống và đã khởi đầu trong Hội thánh. Một ngày kia, Người sẽ trở lại trong vinh quang, nhưng chúng ta không biết được ngày nào giờ nào. Vì thế, chúng ta sống tỉnh thức trong cầu nguyện : “Lạy Chúa, xin hãy đến” (Kh 22,20). 

134.     Việc Chúa ngự đến trong vinh quang sẽ diễn ra như thế nào ?

675-677
680

Sau cơn rung chuyển cuối cùng trong vũ trụ của thế giới sẽ qua đi này, Đức Kitô sẽ ngự đến vinh quang với chiến thắng tối hậu của Thiên Chúa trong cuộc quang lâm và với cuộc phán xét cuối cùng. Như thế Nước Thiên Chúa sẽ được hoàn thành.  

135.     Đức Kitô sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết như thế nào ?

678-679
681-682

Đức Kitô sẽ phán xét với quyền năng mà Người đã thu nhận được như Đấng Cứu Chuộc trần gian, đã đến để cứu độ loài người. Những điều kín nhiệm trong tâm hồn cũng như thái độ của mỗi người đối với Thiên Chúa và tha nhân sẽ được tỏ ra. Mỗi người sẽ đón nhận sự sống hay bị kết án đời đời tùy theo các công việc họ đã làm. Như thế “sự viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,13) được thành tựu, trong đó “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28). 

CHƯƠNG BA

“TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN”

 

136.     Hội thánh muốn nói gì khi tuyên xưng “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần” ?

683-686

Tin vào Chúa Thánh Thần là tuyên xưng rằng Ngài là Ngôi Thứ Ba của Ba Ngôi Cực Thánh; Ngài xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con, và Ngài “được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con”. Chúa Thánh Thần được “sai đến . . . trong lòng chúng ta” (Gl 4,6) để chúng ta có thể nhận lãnh sự sống mới như những người con của Thiên Chúa. 

137.     Tại sao sứ vụ của Chúa Con và sứ vụ của Chúa Thánh Thần không thể tách rời nhau ?

687-690
742-743

Trong Ba Ngôi không thể phân chia, Chúa Con và Chúa Thánh Thần phân biệt với nhau, nhưng không tách rời nhau. Thực vậy, từ khởi đầu cho đến cùng tận thời gian, khi Chúa Cha sai Con Ngài, thì cũng sai Thánh Thần của mình, Đấng kết hợp chúng ta với Đức Kitô trong đức tin, để với tư cách là dưỡng tử, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là “Cha” (Rm 8,15). Chúa Thánh Thần vô hình, nhưng chúng ta nhận ra Ngài qua tác động của Ngài, khi Ngài mạc khải Ngôi Lời cho chúng ta và khi Ngài hoạt động trong Hội thánh. 

138.     Những tên gọi khác của Chúa Thánh Thần là gì ?

691-693

“Chúa Thánh Thần” là Danh xưng của Ngôi Ba. Đức Kitô cũng gọi Chúa Thánh Thần là Đấng An Ủi (Parakletos - Trạng sư) và Thần Chân Lý. Tân Ước còn gọi Ngài là Thánh Thần của Đức Kitô, của Đức Chúa, của Thiên Chúa, Thánh Thần của Vinh quang, Thánh Thần của Lời hứa. 

139.     Những biểu tượng về Chúa Thánh Thần là gì ?

694-701

Có rất nhiều biểu tượng về Chúa Thánh Thần : nước hằng sống tuôn trào từ trái tim bị đâm thâu của Đức Kitô và giải cơn khát cho những người đã được Rửa tội; việc xức dầu, đó là dấu chỉ của Bí tích Thêm sức;  lửa biến đổi tất cả những gì lửa bén tới; áng mây, mờ tối hay rạng ngời, trong đó vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện; việc đặt  tay thông ban Chúa Thánh Thần; chim bồ câu đã ngự xuống và ở lại trên Đức Kitô lúc Người chịu phép rửa. 

140.     “Chúa Thánh Thần đã dùng các tiên tri mà phán dạy” nghĩa là gì ?

687-688
702-706
743

Từ “Các tiên tri” ở đây được dùng để chỉ những người được Chúa Thánh Thần linh ứng để họ nói nhân danh Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần đã làm cho các lời tiên tri trong Cựu Ước được ứng nghiệm hoàn toàn nơi Đức Kitô; cũng chính Chúa Thánh Thần mạc khải mầu nhiệm Đức Kitô trong Tân Ước. 

141.     Hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi thánh Gioan Tẩy Giả như thế nào ?

717-720

Chúa Thánh Thần đổ tràn trên thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước. Dưới tác động của Thánh Thần, ông được sai đi để “chuẩn bị một dân cho Chúa” (Lc 1,17) và để loan báo việc Đức Kitô, Con Thiên Chúa, ngự đến ; đó là Đấng mà ông đã thấy Thánh Thần ngự xuống và ở lại trên Người, Đấng “sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1,33). 

142.     Đâu là công trình của Chúa Thánh Thần nơi Đức Maria ?

721-726
744

Mọi mong chờ việc Đức Kitô đến và sự chuẩn bị cho Người trong Cựu Ước được Chúa Thánh Thần hoàn thành tất cả nơi Đức Maria. Một cách độc nhất vô nhị, Chúa Thánh Thần đã đổ tràn ân sủng trên Đức Maria và làm cho đức trinh khiết của Mẹ nên phong phú, để Mẹ sinh hạ Người Con của Thiên Chúa trong thân xác. Chúa Thánh Thần đã làm cho Đức Maria trở thành Mẹ của “Đức Kitô toàn thể,” nghĩa là của Đức Kitô là Đầu và của Hội thánh là thân thể Người. Đức Maria hiện diện giữa nhóm Mười Hai ngày lễ Hiện Xuống, khi Thánh Thần khai mở “thời đại cuối cùng” với việc xuất hiện của Hội thánh. 

143.     Trong sứ vụ trần thế, Đức Giêsu Kitô có liên hệ gì với Chúa Thánh Thần ?

727-730
745-746

Từ khi nhập thể, Con Thiên Chúa được thánh hiến trở thành Đức Kitô trong nhân tính của Người nhờ việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần. Đức Kitô mạc khải Chúa Thánh Thần trong giáo huấn của Người, hoàn thành lời hứa đã được ban cho các tổ phụ. Người trao ban Thánh Thần cho Hội thánh vừa khai sinh khi thổi hơi trên các Tông đồ sau khi Người Phục sinh. 

144.     Điều gì dã xảy ra trong ngày lễ Ngũ tuần ?

731-732
738

Năm mươi ngày sau cuộc Phục sinh, vào lễ Ngũ tuần, Đức Giêsu Kitô vinh hiển đã đổ tràn Thánh Thần và mạc khải Ngài là một Ngôi Vị Thiên Chúa, qua đó Ba Ngôi cực thánh được mạc khải trọn vẹn. Sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần trở thành sứ vụ của Hội thánh, được sai đi công bố và loan truyền mầu nhiệm hiệp thông của Chúa Ba Ngôi. 

“Chúng con đã thấy ánh sáng thật, chúng con đã lãnh nhận Thánh Thần Thiên Chúa, chúng con đã tìm được đức tin chân chính : chúng con tôn thờ Ba Ngôi bất khả phân ly, vì chính Ba Ngôi đã cứu độ chúng con” (Phụng vụ Byzantin,  Điệp ca lễ Hiện Xuống).  

145.     Chúa Thánh Thần làm gì trong Hội thánh ?

733-741
747

Chúa Thánh Thần xây dựng, linh hoạt và thánh hóa Hội thánh : Là Thánh Thần Tình Yêu, Ngài làm cho những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội nhận lại được ơn giống Thiên Chúa đã bị đánh mất vì tội lỗi; Ngài giúp họ sống trong Đức Kitô bằng chính Sự sống của Ba Ngôi cực thánh. Người sai họ đi làm chứng cho Chân lý của Đức Kitô và cắt đặt họ vào trong các phận vụ hỗ tương, để mọi người đem lại “hoa trái của Thánh Thần” (Ga 5,22).  

146.     Đức Kitô và Thánh Thần của Người hoạt động như thế nào trong tâm hồn các tín hữu ?

738-741

Nhờ các Bí tích, Đức Kitô thông truyền Thánh Thần của Người và ân sủng của Thiên Chúa cho các chi thể trong thân thể Người. Ân sủng này mang lại hoa trái của đời sống mới theo Thánh Thần. Cuối cùng, Thánh Thần là Thầy dạy cầu nguyện.   

 

“TÔI TIN CÓ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO”

 

Hội thánh trong kế hoạch của Thiên Chúa

 

147.  Hai tiếng Hội thánh có nghĩa là gì ?

751-752
777, 804

Hội thánh là dân được Thiên Chúa kêu gọi và qui tụ từ khắp nơi trên thế giới, gồm những người, nhờ đức tin và Bí tích Rửa tội, trở thành con cái Thiên Chúa, chi thể của Đức Kitô và đền thờ của Chúa Thánh Thần. 

148. Trong Thánh Kinh, có những danh hiệu và hình ảnh nào khác để chỉ Hội thánh không ?

753-757

Trong Thánh Kinh chúng ta tìm thấy nhiều hình ảnh làm nổi bật những phương diện khác nhau của mầu nhiệm Hội thánh. Cựu Ước dành ưu tiên cho những hình ảnh liên kết với dân Thiên Chúa ; Tân Ước bằng những hình ảnh gắn liền với Đức Kitô như là đầu và dân là chi thể của Người; cũng có những hình ảnh khác rút từ đời sống thôn quê (chuồng chiên, đàn chiên, con chiên), đời sống đồng áng (ruộng vườn, cây Ôliu, vườn nho), từ nhà cửa (nhà ở, viên đá, đền thờ) và từ cuộc sống gia đình (người vợ, người mẹ, gia đình). 

149. Đâu là khởi đầu và hoàn thành của Hội thánh ?

758-766
778

Cả khởi đầu và sự hoàn thành của Hội thánh đều nằm trong kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa. Hội thánh đã được chuẩn bị trong Giao ước cũ qua việc tuyển chọn Israel, dấu chỉ cuộc tập họp trong tương lai gồm tất cả các dân tộc. Hội thánh được đặt nền tảng trên lời nói và việc làm của Đức Giêsu Kitô, và đặc biệt được hiện thực nhờ cái chết và cuộc phục sinh cứu độ của Người. Rồi Hội thánh được tỏ hiện như mầu nhiệm cứu độ bằng việc tuôn đổ Thánh Thần trong ngày lễ Hiện xuống. Hội thánh sẽ hoàn thành vào ngày tận thế như cuộc tập họp thiên quốc của tất cả những người được cứu chuộc.  

150. Sứ mạng của Hội thánh là gì ?

767-769

Sứ mạng của Hội thánh là rao truyền Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu Kitô đã khởi đầu và thiết lập Nước ấy giữa mọi dân tộc. Hội thánh thiết lập trên trái đất mầm giống và khởi điểm của Vương quốc cứu độ này.  

151. Hội thánh  là mầu nhiệm theo nghĩa nào ?

770-773
779

Hội thánh là mầu nhiệm bởi vì, trong thực tại hữu hình của mình, Hội thánh diễn tả và thực hiện một thực tại thiêng liêng, thần linh, chỉ có thể nhận ra bằng con mắt đức tin. 

152. “Hội thánh là bí tích phổ quát của ơn cứu độ” có nghĩa là gì ?

774-776
780

Câu này muốn nói Hội thánh là dấu chỉ và khí cụ cho việc giao hòa và hiệp thông toàn thể nhân loại với Thiên Chúa cũng như cho sự hợp nhất nhân loại. 

Hội Thánh : Dân Thiên Chúa, Thân thể Đức Kitô, Đền thờ Chúa Thánh Thần

 

153.  Tại sao Hội thánh  là Dân Thiên Chúa ?

781
802-804

Hội thánh là Dân Thiên Chúa, bởi vì Ngài muốn thánh hóa và cứu độ mọi người không phải cách riêng rẽ, nhưng thiết lập họ thành một Dân duy nhất, được qui tụ trong sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. 

154. Đâu là những đặc tính của Dân Thiên Chúa ?

782

Dân Thiên Chúa mà chúng ta là thành phần nhờ đức tin vào Đức Kitô và nhờ Bí tích Rửa tội, có cội nguồn là Thiên Chúa Cha,Thủ lãnh là Đức Giêsu Kitô, có địa vị là phẩm giá và sự tự do của con cái Thiên Chúa, có Lề luật là giới răn mới của tình yêu, có sứ vụ là trở thành muối và ánh sáng của thế giới, có cùng đích là Nước Thiên Chúa, đã được khởi đầu trên trần thế.  

155.   Dân Thiên Chúa thông dự như thế nào vào ba phận vụ của Đức Kitô là Tư tế, là Tiên tri và là Vương đế ?

783-786

Dân Thiên Chúa được dự phần vào phận vụ Tư tế của Đức Kitô, vì các người Kitô hữu được Chúa Thánh Thần thánh hiến để dâng các hy lễ thiêng liêng. Họ được tham dự vào phận vụ Tiên tri vì, nhờ cảm thức siêu nhiên của đức tin, họ gắn bó cách dứt khoát với đức tin, đào sâu để hiểu biết đức tin và trở thành chứng nhân cho đức tin. Họ được tham dự vào phận vụ là Vương đế qua việc phục vụ, noi gương Đức Kitô Giêsu, Vua vũ trụ, Đấng tự trở thành tôi tớ cho mọi người, nhất là cho những người nghèo túng và đau khổ.   

156.  Hội thánh  là Thân thể của Đức Kitô theo cách nào ?

787-791
805-806

Nhờ Chúa Thánh Thần, Đức Kitô, đã chết và đã phục sinh, kết hợp các tín hữu với chính Người một cách mật thiết. Như thế những ai tin vào Đức Kitô, vì được kết hợp chặt chẽ với Người, nhất là trong Bí tích Thánh Thể, thì cũng kết hợp với nhau nhờ đức ái, tạo thành một thân thể duy nhất là Hội thánh, hợp nhất với nhau trong sự đa dạng của các chi thể và các phận vụ. 

157.  Ai là đầu của thân thể này ?

792-795
807

Đức Kitô là “Đầu của thân thể, nghĩa là của Hội thánh” (Cl 1,18). Hội thánh sống nhờ Người, trong Người và cho Người. Đức Kitô và Hội thánh tạo thành “Đức Kitô toàn thể” (thánh Augustinô). “Có thể nói được là, Đầu và các chi thể làm nên cùng một con người huyền nhiệm” (Thánh Tôma Aquinô). 

158. Tại sao Hội thánh  được gọi là Hôn thê của Đức Kitô ?

796
808

Hội thánh được gọi là Hôn thê của Đức Kitô bởi vì chính Chúa đã tự xưng là “Hôn phu” (Mc 2,19), Đấng đã yêu thương Hội thánh, đã kết ước với Hội thánh bằng một Giao ước vĩnh cửu.  Người đã phó nộp mình vì Hội thánh, để thanh tẩy Hội thánh bằng Máu của Người, để làm cho Hội thánh “trở nên thánh thiện” (Ep 5,26) và làm cho Hội thánh thành mẹ của tất cả các con cái của Thiên Chúa. Nếu hai chữ “Thân thể” cho thấy sự hợp nhất giữa “Đầu” và các chi thể, thì hai chữ “Hôn thê” làm nổi bật sự phân biệt giữa đôi bên trong một quan hệ liên vị.   

159.  Tại sao Hội thánh được gọi là Đền thờ Chúa Thánh Thần ?

 797-798
809-810

Bởi vì Chúa Thánh Thần ngự trong thân thể là Hội thánh, trong “Đầu” và trong “các chi thể” của Hội thánh; hơn nữa, Ngài xây dựng Hội thánh trong đức mến, nhờ Lời Chúa, các Bí tích, các nhân đức và các đặc sủng.    

“Linh hồn tương quan với chi thể thế nào thì Chúa Thánh Thần cũng như thế đối với các chi thể của Đức Kitô và thân thể Người là Hội thánh.” (Thánh Augustinô). 

160.     Đặc sủng là gì ?

799-801

Đặc sủng là những ân huệ đặc biệt của Chúa Thánh Thần được ban tặng cho một số người vì lợi ích của con người, vì những nhu cầu của thế giới và đặc biệt là để xây dựng Hội thánh. Chỉ có Huấn quyền của Hội thánh mới có thẩm quyền nhận định các đặc sủng.  

Hội thánh Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền

 

161.     Tại sao Hội thánh có đặc tính duy nhất ?

813-815
866

Hội thánh có đặc tính là duy nhất, vì Hội thánh có nguồn gốc và khuôn mẫu là sự duy nhất của một Thiên Chúa trong Ba Ngôi; có Đấng sáng lập và làm Đầu là Đức Giêsu Kitô, Đấng qui tụ mọi dân tộc trong sự duy nhất của một thân thể ; có Chúa Thánh Thần như linh hồn, Đấng hợp nhất tất cả các tín hữu vào sự hiệp thông trong Đức Kitô. Hội thánh có cùng một đức tin, một đời sống Bí tích, một chuỗi kế nhiệm tông truyền duy nhất, cùng một niềm hy vọng chung và cùng một đức mến. 

162.     Hội thánh duy nhất của Đức Kitô tồn tại ở đâu ?

816
870

Với tính cách là một cộng đoàn được thiết lập và tổ chức ở trần gian, Hội thánh duy nhất của Đức Kitô tồn tại (subsistit in) trong Hội thánh Công giáo, được điều hành do vị kế nhiệm thánh Phêrô và do các Giám mục hiệp thông với ngài. Chỉ nhờ Hội thánh này người ta mới có thể đạt được cách đầy đủ các phương tiện cứu độ, vì Chúa đã trao phó tất cả những gì thiện hảo của Giao ước Mới cho tập thể tông đồ duy nhất, có thánh Phêrô đứng đầu. 

163.     Phải nhìn các người Kitô hữu không thuộc công giáo như thế nào ?

817-819

Trong các Giáo hội và các Cộng đoàn giáo hội , đã tách rời khỏi sự hiệp thông trọn vẹn với Hội thánh Công giáo, chúng ta cũng gặp được nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý. Tất cả các yếu tố này xuất phát từ Đức Kitô và đều hướng đến sự hợp nhất công giáo. Các thành viên của các Giáo hội và các cộng đoàn này được hội nhập vào Đức Kitô nhờ Bí tích Rửa tội;  vì vậy chúng ta nhìn nhận họ như anh em.  

164.     Làm thế nào để dấn thân cho sự hợp nhất ?

820-822
866

Lòng khao khát muốn tái lập sự hợp nhất giữa tất cả các người Kitô hữu là một hồng ân của Đức Kitô và là một lời kêu gọi của Chúa Thánh Thần. Khao khát này liên quan đến toàn thể Hội thánh và được thực hiện bằng việc sám hối tận đáy lòng, cầu nguyện, nhìn nhận lẫn nhau là anh em và đối thoại thần học. 

165.     Hội thánh có đặc tính là thánh thiện theo nghĩa nào ?

823-829
867

Hội thánh có đặc tính thánh thiện, vì Thiên Chúa chí thánh là tác giả của Hội thánh. Đức Kitô đã tự nộp mình vì Hội thánh, để thánh hóa Hội thánh và làm cho Hội thánh có khả năng thánh hóa. Chúa Thánh Thần ban sự sống cho Hội thánh bằng tình yêu. Trong Hội thánh có tất cả các phương tiện cứu độ. Sự thánh thiện là ơn gọi của từng người trong Hội thánh và là mục đích của mọi hoạt động của Hội thánh. Trong Hội thánh có Đức Trinh Nữ Maria và rất nhiều vị thánh là gương mẫu và là những đấng chuyển cầu cho Hội thánh. Sự thánh thiện của Hội thánh là suối nguồn cho sự thánh hóa các con cái mình, những người đang sống trên trần gian, tất cả đều tự nhận mình là kẻ tội lỗi và luôn cần sám hối và thanh tẩy. 

166.     Tại sao Hội thánh được gọi là công giáo ?

830-831
868

Hội thánh có đặc tính là công giáo, nghĩa là phổ quát, vì Đức Kitô hiện diện trong Hội thánh. “Ở đâu có Đức Kitô Giêsu, ở đó có Hội thánh Công giáo” (Thánh Inhaxiô Antiôkia). Hội thánh loan báo sự toàn diện và toàn vẹn của đức tin. Hội thánh gìn giữ và quản lý tất cả các phương tiện cứu độ. Hội thánh được sai đến với mọi dân tộc ở mọi thời đại và mọi nền văn hóa của họ. 

167.  Giáo hội địa phương có phải công giáo không ?

832-835

Mỗi Giáo hội địa phương (nghĩa là một giáo phận hoặc giáo khu) đều là công giáo, được hình thành bởi cộng đoàn các người Kitô hữu, cùng hiệp thông trong đức tin và trong các Bí tích với Giám mục của họ, là người được tấn phong trong chuổi kế nhiệm tông truyền, và với Giáo hội Rôma là giáo hội “đứng đầu về mặt đức ái” (thánh Ignatio Antiôkia). 

168. Ai thuộc về Hội thánh Công giáo ?

836-838

Tất cả mọi người, dưới nhiều hình thức khác nhau, đều thuộc về hay hướng đến sự hợp nhất công giáo của dân Thiên Chúa. Người hoàn toàn thuộc về Hội thánh Công giáo là người, nhận được Thánh Thần của Đức Kitô, kết hợp với Hội thánh bằng các dây liên kết là việc tuyên xưng đức tin, các Bí tích, sự hướng dẫn của giáo phẩm và sự hiệp thông. Những người đã được Rửa tội nhưng không thực hiện đầy đủ sự hợp nhất công giáo thì cũng hiệp thông một cách nào đó, tuy là hiệp thông không trọn vẹn, với Hội thánh Công giáo.  

169.  Hội thánh Công giáo liên hệ với dân Do Thái như thế nào ?

839-840

Hội Thánh Công giáo công nhận liên hệ của mình với dân Do Thái vì Thiên Chúa đã tuyển chọn dân này, trước tất cả mọi dân khác, để đón nhận Lời Ngài. Chính dân Do Thái “được Thiên Chúa nhận làm con, được Ngài cho thấy vinh quang, ban tặng các Giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa; họ là con cháu các tổ phụ, và chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ” (Rm 9,4-5). Khác với các tôn giáo khác không thuộc Kitô giáo, đức tin Do Thái đã là lời đáp trả cho Mạc khải của Thiên Chúa trong Giao Ứơc Cũ. 

170.  Liên hệ giữa Hội thánh Công giáo với các tôn giáo ngoài Kitô giáo như thế nào ?

 841-845

Trước hết, đó là mối liên hệ về nguồn gốc và cứu cánh chung của toàn thể nhân loại. Hội thánh Công giáo nhìn nhận những gì tốt lành và chân thật trong các tôn giáo khác đều xuất phát từ Thiên Chúa. Đó là một tia phản chiếu chân lý của Ngài. Điều này có thể chuẩn bị cho việc đón nhận Tin Mừng và thúc đẩy đến sự hợp nhất nhân loại trong Hội thánh của Đức  Kitô. 

171.Câu khẳng định “Ngoài Hội thánh không có ơn cứu độ” có nghĩa gì ?

846-848

Câu này muốn nói rằng ơn cứu độ xuất phát từ Đức Kitô-là-Đầu thông qua trung gian là Hội thánh, thân thể Người. Những ai biết rằng Hội thánh được Đức Kitô thiết lập và cần thiết cho ơn cứu độ mà không muốn bước vào hay không muốn gắn bó với Hội thánh, thì sẽ không được cứu độ. Ngoài ra, nhờ Đức Kitô và Hội thánh Người, những người, không vì lỗi mình mà không biết Tin Mừng của Đức Kitô và Hội thánh Người, nhưng chân thành đi tìm Thiên Chúa và dưới ảnh hưởng của ân sủng, cố gắng thực hiện ý Thiên Chúa qua sự hướng dẫn của lương tâm, vẫn có thể đạt được ơn cứu độ muôn đời.        

172.  Tại sao Hội thánh phải loan truyền Tin Mừng cho toàn thế giới ?

849-851

Bởi vì Đức Kitô đã truyền cho Hội thánh : “Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Mệnh lệnh này của Chúa có cội nguồn là tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng đã sai phái Con và Thánh Thần Ngài, vì Ngài “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). 

173.  Thế nào là Hội thánh truyền giáo ?

852-856

Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, suốt dòng lịch sử, Hội thánh tiếp tục sứ vụ của chính Đức Kitô. Vì vậy, các người Kitô hữu phải loan báo cho mọi người Tin Mừng đã được Đức Kitô mang đến, khi bước theo cùng một con đường như Người, tức là sẵn sàng hy sinh, thậm chí đến chỗ tử đạo.   

174. Tại sao Hội thánh có đặc tính tông truyền ?

857
869

Hội thánh có đặc tính tông truyền căn cứ vào nguồn gốc của mình, vì Hội thánh được “xây dựng trên nền tảng các Tông đồ” (Ep 2,20); căn cứ vào giáo lý là giáo huấn của các thánh Tông đồ; và căn cứ vào cơ cấu của mình, vì Hội thánh được xây dựng, thánh hóa và hướng dẫn cho đến ngày Chúa lại đến, bởi các thánh Tông đồ, nhờ những vị kế nhiệm các ngài là các Giám mục hiệp thông với vị kế nhiệm thánh Phêrô.  

175.  Sứ vụ của các thánh Tông đồ hệ tại ở đâu ?

858-861

Tông đồ có nghĩa là người được sai đi. Chúa Giêsu, Đấng được Chúa Cha sai đến, đã kêu gọi và tuyển chọn mười hai người trong số các môn đệ và đặt họ làm Tông đồ của Người, khi làm cho họ thành những chứng nhân cho cuộc Phục sinh của Người và làm nền tảng cho Hội thánh của Người. Người truyền cho họ phải tiếp tục sứ vụ của Người, khi Người nói với họ : “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21), và Người hứa ở với họ cho đến ngày tận thế.  

176.  Kế nhiệm tông truyền là gì ?

861-865

Kế nhiệm tông truyền là chuyển giao sứ vụ và quyền hạn của các Tông đồ cho những người kế vị các ngài, là các Giám mục, qua Bí tích Truyền chức thánh. Chính nhờ việc chuyển giao này mà Hội thánh vẫn duy trì được sự hiệp thông trong đức tin và đời sống với nguồn gốc của mình, trải qua bao thế kỷ, Hội thánh thực hành việc tông đồ của mình là làm lan toả Vương quốc của Đức Kitô trên trần gian.  

Các người Kitô hữu : phẩm trật, giáo dân, đời sống thánh hiến

 

177.     Các tín hữu là ai ?

871-872

Các tín hữu là những người được tháp nhập vào Đức Kitô nhờ Bí tích Rửa tội, được trở nên thành phần của dân Thiên Chúa. Trở thành những người được dự phần vào các phận vụ Tư tế, Tiên tri và Vương đế của Đức Kitô, tùy theo điều kiện riêng của mình, họ được mời gọi thực thi sứ vụ được Thiên Chúa trao phó cho Hội thánh. Giữa họ, có một sự bình đẳng thực sự  do phẩm giá của họ là con cái Thiên Chúa. 

178.     Dân Thiên Chúa được hình thành như thế nào ?

873
934

Theo sự xếp đặt của Thiên Chúa, trong Hội thánh có những thừa tác viên được hiến thánh, đã được lãnh nhận Bí tích Truyền chức thánh và tạo thành phẩm trật của Hội thánh. Những người khác được gọi là giáo dân. Trong cả hai thành phần này, có những tín hữu được thánh hiến một cách đặc biệt cho Thiên Chúa qua việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm : khiết tịnh trong đời sống độc thân, khó nghèo và vâng phục. 

179.     Tại sao Đức Kitô lại thiết lập phẩm trật trong Hội thánh ?

874-876
935

Đức Kitô đã thiết lập phẩm trật trong Hội thánh để chăn dắt dân Thiên Chúa nhân danh Người; và vì thế Người đã trao ban quyền hành cho họ. Phẩm trật bao gồm các thừa tác viên đã được thánh hiến : các giám mục, linh mục, phó tế. Nhờ Bí tích Truyền chức thánh, các Giám mục và linh mục, khi thực thi thừa tác vụ của mình, hoạt động nhân danh và trong cương vị của Đức Kitô-là-Đầu. Các Phó tế phục vụ dân Chúa trong việc phục vụ (diakonia) lời Chúa, Phụng vụ và việc bác ái. 

180.     Chiều kích tập thể của thừa tác vụ trong Hội thánh được thực hiện như thế nào?

877

Theo gương nhóm mười hai Tông đồ, được Đức Kitô tuyển chọn và sai đi chung với nhau, sự kết hợp của các thành phần phẩm trật trong Hội thánh là để phục vụ sự hiệp thông của tất cả các tín hữu. Mỗi Giám mục thực thi thừa tác vụ của mình như thành viên của Giám mục đoàn, trong sự hiệp thông với Đức Giáo hoàng, dự phần với ngài vào việc chăm lo cho Hội thánh phổ quát. Các linh mục thực thi thừa tác vụ của mình trong linh mục đoàn của Hội thánh địa phương trong sự hiệp thông với Giám mục và dưới sự hướng dẫn của ngài.  

181.     Tại sao thừa tác vụ trong Hội thánh cũng có đặc tính cá nhân ?

878-879

Thừa tác vụ trong Hội thánh cũng có đặc tính cá nhân, bởi vì, nhờ hiệu năng của Bí tích Truyền chức thánh, mỗi người đều chịu trách nhiệm trước Đức Kitô, Đấng đã kêu gọi họ một  cách cá nhân khi trao phó cho họ một sứ vụ.  

182.     Sứ vụ của Đức Giáo hoàng là gì ?

881-882
936-937

Đức Giáo hoàng, vừa là Giám mục Rôma vừa là vị kế nhiệm Thánh Phêrô, là nguyên lý và nền tảng trường tồn và hữu hình cho sự hợp nhất của Hội thánh. Ngài là vị đại diện Đức Kitô, đứng đầu Giám mục đoàn và là mục tử của toàn thể Hội thánh. Vì do Chúa thiết lập, ngài có quyền trọn vẹn, tối cao, trực tiếp và phổ quát trên Hội thánh. 

183.     Nhiệm vụ của Giám mục đoàn là gì ?

883-885

Giám mục đoàn, hiệp thông với Đức Giáo hoàng và luôn phải có ngài, cũng thực thi trên Hội thánh một quyền tối cao và trọn vẹn.  

184.      Các Giám mục thực thi sứ vụ giảng dạy của mình như thế nào ?

888-890
939

Trong sự hiệp thông với Đức Giáo hoàng, các Giám mục có bổn phận loan báo Tin Mừng cho mọi người cách trung thành và có thẩm quyền. Với thẩm quyền của Đức Kitô, các ngài là chứng nhân đích thực của đức tin tông truyền. Nhờ cảm thức siêu nhiên của đức tin, Dân Thiên Chúa, được Huấn quyền sống động của Hội thánh hướng dẫn, gắn bó cách kiên vững với đức tin.  

185.     Sự bất khả ngộ của Huấn quyền thể hiện lúc nào ?

891

Sự bất khả ngộ thể hiện khi Đức Giáo hoàng, căn cứ vào thẩm quyền là Mục tử tối cao của Hội thánh, hay Giám mục đoàn trong sự hiệp thông với Đức Giáo hoàng, nhất là khi các ngài họp Công đồng chung, công bố một giáo lý có liên quan đến đức tin hay luân lý bằng một hành động dứt khoát, hoặc khi Đức Giáo hoàng và các Giám mục, trong Huấn quyền thông thường của các ngài, đồng thanh tuyên bố một tín điều dứt khoát. Tất cả các tín hữu đều phải gắn bó với giáo huấn này trong sự vâng phục đức tin.  

186.     Các Giám mục thực thi sứ vụ thánh hóa như thế nào ?

893

Các Giám mục thánh hóa Hội thánh khi trao ban ân sủng của Đức Kitô bằng việc rao giảng và cử hành các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể. Các ngài cũng thánh hóa Hội thánh bằng lời cầu nguyện, gương mẫu và việc làm của mình.  

187.     Các Giám mục thực thi sứ vụ cai quản như thế nào ?

894-896

Mỗi Giám mục, với tư cách là thành viên của Giám mục đoàn, phải quan tâm cách tập thể đối với mọi Giáo hội địa phương và Hội thánh toàn cầu, trong sự hợp nhất với các Giám mục khác kết hợp với Đức Giáo hoàng. Giám mục, được ủy thác một Giáo hội địa phương, sẽ điều khiển Giáo hội ấy với thẩm quyền do chức thánh, riêng biệt, thông thường và trực tiếp, nhân danh Đức Kitô, vị Mục tử Nhân lành, trong sự hiệp thông với toàn thể Hội thánh và dưới sự dẫn dắt của Đấng kế nhiệm thánh Phêrô.   

188.     Ơn gọi của người tín hữu giáo dân là gì ?

897-900
940

Người tín hữu giáo dân có ơn gọi riêng để tìm kiếm Nước Thiên Chúa, bằng việc soi sáng và sắp xếp các thực tại trần gian theo ý muốn của Thiên Chúa. Làm như vậy là họ thực hiện ơn gọi nên thánh và hoạt động tông đồ, một ơn gọi được trao ban cho mọi người đã lãnh Bí tích Rửa tội.  

189.      Người tín hữu giáo dân tham gia vào sứ vụ tư tế của Đức Kitô như thế nào ?

901-903

Họ tham gia vào sứ vụ tư tế này, khi dâng hiến – như hy lễ thiêng liêng “dâng lên Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô” ( 1 Pr 2,5), nhất là trong Thánh lễ – cuộc sống riêng của họ, cùng với tất cả các hoạt động, lời cầu nguyện và dấn thân truyền giáo, cuộc sống gia đình và lao động hằng ngày, những khó khăn trong cuộc sống mà họ chịu đựng cách kiên nhẫn và những lúc thư giãn thân xác và tinh thần. Bằng cách đó, người giáo dân, dấn thân cho Đức Kitô và được Chúa Thánh Thần thánh hiến, sẽ dâng lên Thiên Chúa cả thế giới.    

190.     Họ tham dự vào sứ vụ tiên tri của Đức Kitô như thế nào ?

904-907
942

Họ tham dự vào sứ vụ tiên tri này của Đức Kitô khi luôn đón nhận trong đức tin Lời của Đức Kitô và loan báo Lời đó cho thế giới bằng chứng từ đời sống của họ, cũng như qua lời nói, hoạt động rao giảng Tin Mừng và dạy giáo lý. Việc rao giảng Tin Mừng như vậy đạt được hiệu quả đặc biệt vì việc này được thực hiện trong các hoàn cảnh thông thường nơi trần thế.   

191.     Họ tham dự vào sứ vụ Vương đế của Đức Kitô như thế nào ?

908-913
943

Người giáo dân tham dự vào sứ vụ Vương đế của Đức Kitô khi đón nhận từ nơi Người quyền năng chiến thắng tội lỗi, nơi chính họ và trong thế giới, qua việc từ bỏ bản thân và sống đời sống thánh thiện. Họ thực hành nhiều tác vụ khác nhau để phục vụ cộng đoàn và ghi dấu ấn trên các hoạt động trần thế của con người và các cơ chế xã hội bằng giá trị luân lý.  

192.      Đời sống thánh hiến là gì ?

914-916
944

Là một bậc sống được Hội thánh công nhận. Đó là lời tự nguyện đáp trả tiếng gọi đặc biệt của Đức Kitô, qua đó những người được thánh hiến hoàn toàn tự hiến cho Thiên Chúa và hướng tới sự hoàn hảo của đức ái dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Đặc tính của sự thánh hiến là việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm. 

193.     Đời sống thánh hiến đóng góp gì cho sứ vụ của Hội thánh ?

931-933
945

Đời sống thánh hiến dự phần vào sứ vụ của Hội thánh, bằng việc tự hiến trọn vẹn cho Đức Kitô và các anh em của Người, khi làm chứng cho niềm hy vọng về Nước Trời. 

 

TÔI TIN CÁC THÁNH THÔNG CÔNG

 

194.     “Các thánh thông công” có ý nghĩa gì ?

946-953
960

Câu nói  “các thánh thông công” trước hết nói lên sự tham dự chung của tất cả các thành phần Hội thánh vào những thực tại thánh (sancta) :  đức tin, các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, các đặc sủng và những ân huệ thiêng liêng khác. Cội nguồn của sự hiệp thông là đức ái “không tìm tư lợi” (1 Cr 13,5), nhưng thúc đẩy các tín hữu đặt “mọi sự là của chung” (Cv 4,32), kể cả của cải vật chất của họ, nhằm phục vụ những người nghèo khổ hơn. 

195.     Câu nói “các thánh thông công” còn mang ý nghĩa nào khác nữa ?

954-959
961-962

Câu này còn nói lên sự hiệp thông giữa những người thánh (sancti), nghĩa là những ai, nhờ ân sủng, được kết hợp với Đức Kitô chịu chết và sống lại. Một số còn lữ hành trên trần gian; một số khác, đã rời bỏ đời này, hiện đang được thanh luyện, và cũng được trợ giúp bằng lời cầu nguyện của chúng ta; sau hết, một số khác nữa, đã được hưởng vinh quang Thiên Chúa và đang chuyển cầu cho chúng ta. Tất cả cùng nhau làm thành một gia đình duy nhất trong Đức Kitô, là Hội thánh, để ca ngợi  và tôn vinh Chúa Ba Ngôi. 

Đức Maria : Mẹ Đức Kitô, Mẹ Hội thánh

 

196.      Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc là Mẹ Hội thánh theo nghĩa nào ?

963-966
973

Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc là Mẹ Hội thánh trong trật tự ân sủng bởi vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, là Đầu của Thân Thể Người là Hội thánh. Khi sắp chết trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trối Đức Maria làm mẹ của môn đệ Người bằng những lời này : “Đây là mẹ của anh” (Ga 19,27).  

197.      Đức Maria trợ giúp Hội thánh như thế nào ?

967-970

Sau khi Con mình về trời, Đức Maria đã giúp đỡ Hội thánh lúc khởi đầu bằng lời cầu nguyện, và cả sau khi đã được lên trời, Mẹ vẫn tiếp tục chuyển cầu cho con cái mình, vẫn là mẫu gương cho mọi người về đức tin và đức ái, tạo ảnh hưởng cứu độ trên họ, ảnh hưởng này xuất phát từ sự dư đầy các công nghiệp của Đức Kitô. Các tín hữu nhìn Mẹ như nguyên ảnh và sự tham dự trước vào cuộc phục sinh đang chờ đón họ ; họ kêu cầu Mẹ dưới các tước hiệu là Trạng sư, Đấng phù trợ, Đấng bảo trợ và Đấng trung gian. 

198.      Đức Trinh Nữ rất thánh được tôn kính như thế nào ?

971

Mẹ được sùng kính cách đặc biệt, nhưng khác hẳn với việc tôn thờ chỉ dành riêng cho Ba Ngôi cực thánh. Việc sùng kính đặc biệt này được diễn tả một cách độc đáo trong các ngày lễ phụng vụ dành kính Mẹ Thiên Chúa cũng như trong các kinh nguyện tôn kính Đức Mẹ, như kinh Mân Côi, được xem là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng.   

199.     Đức Trinh nữ Maria diễm phúc là hình ảnh cánh chung của Hội thánh như thế nào ?

972
974-975

Khi nhìn lên Đức Maria, hoàn toàn thánh thiện và đã được tôn vinh cả hồn lẫn xác, Hội thánh chiêm ngắm nơi Mẹ điều Hội thánh được kêu gọi để sống trên trần gian và điều Hội thánh sẽ trở thành trên quê hương thiên quốc.  

“TÔI TIN PHÉP THA TỘI”

 

200.      Tội lỗi được tha thứ như thế nào ?

976-980
984-985

Bí tích đầu tiên và căn bản để tha tội là Bí tích Rửa tội. Đối với những tội phạm sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Đức Kitô đã thiết lập Bí tích Hòa giải hay Thống hối, nhờ đó người đã được Rửa tội được giao hòa với Thiên Chúa và với Hội thánh. 

201.      Tại sao Hội thánh  có quyền tha tội ?

981-983
986-987

Hội thánh có sứ vụ và quyền năng để tha các tội lỗi, bởi vì chính Đức Kitô đã trao ban cho Hội thánh quyền ấy : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). 

“TÔI TIN XÁC LOÀI NGƯỜI  NGÀY SAU SỐNG LẠI”

 

202.     Hai chữ “thân xác” có ý nghĩa gì ? Đâu là sự quan trọng của nó ?

990
1015

Hai chữ “thân xác” chỉ con người trong tình trạng yếu đuối và phải chết. “Thân xác là then chốt của ơn cứu độ” (Tertullien). Thật vậy, chúng ta tin Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên thân xác; chúng ta tin Ngôi Lời mặc lấy thân xác để cứu chuộc thân xác; chúng ta tin vào sự sống lại của thân xác, đó là hoàn tất việc tạo dựng và cứu chuộc thân xác. 

203.     “Xác sống lại” có nghĩa là gì ?

 990

Điều này muốn nói đến tình trạng vĩnh viễn của con người không phải chỉ là linh hồn thiêng liêng tách biệt khỏi thân xác, nhưng thân xác phải chết của chúng ta cũng được gọi để một ngày kia sẽ sống lại. 

204.     Đâu là mối liên hệ giữa cuộc Phục sinh của Đức Kitô với việc sống lại của chúng ta ?

998
1002-1003

Cũng như Đức Kitô đã thực sự sống lại từ cõi chết và sống mãi, cũng vậy, Người sẽ làm cho tất cả chúng ta sống lại trong ngày sau hết, với một thân xác không còn hư nát, “Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,29). 

205.     Khi chúng ta chết, điều gì sẽ xảy ra cho linh hồn và thân xác chúng ta ?

992-1004
1016-1018

Khi chết, linh hồn và thân xác sẽ tách rời nhau, thân xác sẽ bị huỷ hoại, trong khi linh hồn, vì là bất tử, sẽ chịu sự phán xét của Thiên Chúa và chờ đợi ngày được kết hợp lại với thân xác khi thân xác được biến đổi vào ngày Chúa trở lại. Việc tìm hiểu sự sống lại diễn ra như thế nào vượt quá khả năng của trí tưởng tượng và sự hiểu biết của chúng ta. 

206.     “Chết trong Đức Kitô Giêsu” có nghĩa là gì ?

1005-1014
1019

Điều này có nghĩa là chết trong ân sủng của Chúa, lúc không có tội trọng. Ai tin vào Đức Kitô và theo gương Người, sẽ có thể biến đổi cái chết của mình thành một hành vi vâng phục và yêu mến đối với Chúa Cha. “Đây là lời đáng tin cậy : Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người” (2 Tm 2,11).      

“TÔI TIN HẰNG SỐNG VẬY”

 

207.     Đời sống vĩnh cửu là gì ?

1020
1051

Đời sống vĩnh cửu là đời sống bắt đầu ngay sau khi chết. Đời sống này không có kết thúc. Mỗi người, khi bắt đầu bước vào đời sống vĩnh cửu, sẽ phải nhận một cuộc phán xét riêng do chính Đức Kitô, vị Thẩm Phán của kẻ sống và kẻ chết; đời sống này sẽ được đóng ấn trong cuộc phán xét chung.  

208.     Phán xét riêng là gì ?

1021-1022
1051

Là cuộc phán xét thưởng phạt tức khắc mà mỗi người, ngay sau khi chết, phải lãnh nhận từ Thiên Chúa trong linh hồn bất tử của mình, liên quan đến đức tin và các việc làm của mình. Sự phân định thưởng phạt này gồm có việc được vào hưởng hạnh phúc thiên đàng, tức khắc hoặc sau một cuộc thanh luyện thích hợp, hay là phải chịu phạt muôn đời trong hỏa ngục.  

209.  “Thiên đàng” là gì ?

1023-1026
1053

“Thiên đàng” là tình trạng hạnh phúc tối thượng và vĩnh viễn. Ai chết trong ân sủng của Thiên Chúa và ai không cần bất cứ sự thanh luyện cuối cùng nào, sẽ được qui tụ quanh Chúa Giêsu và Đức Maria, các thiên thần và các thánh. Như vậy các ngài tạo thành Hội thánh thiên quốc, nơi các ngài được chiêm ngắm Thiên Chúa “mặt giáp mặt” ( 1 Cr 13,12); các ngài sống trong sự hiệp thông tình yêu với Chúa Ba Ngôi và chuyển cầu cho chúng ta. 

Sự sống thật và theo bản chất cốt tại điều này : Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, đổ tràn hồng ân thiên quốc trên tất cả không trừ ai. Nhờ lòng nhân hậu của Ngài, cả chúng ta nữa, chúng ta đã lãnh nhận lời hứa không thể mai một là được sống đời đời” (thánh Cyrillô thành Giêrusalem).    

210.  Luyện ngục là gì ?

1030-1031
1054

Luyện ngục là tình trạng của những người chết trong tình thân với Thiên Chúa, nhưng, dù đã được đảm bảo ơn cứu độ vĩnh cửu, họ còn cần thanh luyện trước khi được hưởng hạnh phúc thiên đàng.  

211.  Bằng cách nào chúng ta có thể giúp đỡ các linh hồn đang được thanh luyện nơi luyện ngục ?

1032

Nhờ sự “các thánh thông công” các tín hữu còn lữ hành trên trần gian, có thể giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục, bằng cách dâng lời cầu khẩn, đặc biệt là Thánh lễ, và cả những việc bố thí,  ân xá và những việc hãm mình để cầu cho họ.  

212.     Hoả ngục hệ tại điều gì ?

1033-1035
1056-1057

Hoả ngục hệ tại án phạt đời đời dành cho những ai, do sự lựa chọn tự do của mình, chết trong tình trạng có tội trọng. Hình phạt chính yếu của hỏa ngục là xa cách đời đời khỏi Thiên Chúa. Chỉ nơi Ngài con người mới có sự sống và hạnh phúc; con người được tạo dựng là để hưởng những điều ấy và họ luôn khao khát những điều ấy. Đức Kitô diễn tả thực tại hoả ngục bằng những lời này : “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời” (Mt 25,41). 

213.     Thiên Chúa là Đấng nhân hậu vô biên, làm sao Ngài lại để có hỏa ngục ?

1036-1037

Thiên Chúa muốn “cho mọi người ăn năn hối cải” (2 Pr 3,9), nhưng vì Ngài đã tạo dựng con người có tự do và có trách nhiệm, nên Ngài tôn trọng các quyết định của họ. Vì thế, nếu cho đến lúc chết, con người vẫn còn nằm trong tội trọng, từ chối tình yêu nhân từ của Thiên Chúa, thì chính họ, với sự tự lập hoàn toàn, tự ý loại mình ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa. 

214.     Phán xét cuối cùng hệ tại điều gì  ?

1038-1041
1058-1059

Sự phán xét cuối cùng (phán xét chung) hệ tại sự phán quyết về cuộc sống hạnh phúc hay án phạt đời đời, mà Chúa Giêsu, khi Người trở lại như vị Thẩm phán của kẻ sống và kẻ chết, sẽ tuyên bố cho “những người công chính cũng như kẻ có tội” (Cv 24,15), qui tụ tất cả trước mặt Người. Sau cuộc phát xét cuối cùng, thân xác sống lại sẽ tham dự vào sự thưởng phạt mà linh hồn đã lãnh nhận trong cuộc phán xét riêng. 

215.     Khi nào cuộc phán xét này sẽ xảy ra ?

1040

Cuộc phán xét này sẽ xảy ra vào ngày tận thế mà chỉ mình Thiên Chúa mới biết được ngày nào giờ nào. 

216.   “Hy vọng trời mới đất mới” nghĩa là gì ?

1042-1050
1060

Sau cuộc phán xét cuối cùng, chính vũ tru,ï được giải thoát khỏi nô lệ sự hư nát, sẽ được dự phần vào vinh quang của Đức Kitô với việc khai mạc “trời mới đất mới” (2 Pr 3,13). Như thế sự viên mãn của Nước Thiên Chúa sẽ đạt đến đích điểm, nghĩa là ý định cứu độ của Thiên Chúa được hoàn thành vĩnh viễn : “Qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1,10). Khi ấy Thiên Chúa sẽ “có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28), trong cuộc sống đời đời. “AMEN”

 

217.      Tiếng Amen, kết thúc Kinh Tin Kính, có nghĩa là gì ?

1061-1065

Tiếng Do Thái Amen –cũng được dùng để kết thúc quyển sách cuối cùng của Thánh Kinh, cũng như một số lời cầu nguyện của Tân Ước và các lời cầu nguyện phụng vụ của Hội thánh– diễn tả lời ‘Thưa vâng” đầy tin tưởng và trọn vẹn của chúng ta đối với những gì chúng ta đã tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, chúng ta hoàn toàn phó mình cho Đấng là AMEN tối hậu (Kh 3,14), tức là Đức Kitô.     

Trong bức tranh này, Chúa Giêsu tiến đến gần các tông đồ đang ngồi ở bàn, và từ người này sang người khác, Người cho họ rước lễ. Đây là một loại hình ảnh cho thấy lòng nhiệt thành đối với Bí tích Thánh Thể của Hội thánh trong suốt dòng lịch sử.

 Thánh tử đạo Éméritus, vào khoảng đầu thế kỷ thứ bốn, đã nói : “Sine Dominico non possumus - chúng tôi không thể sống thiếu ngày Chúa nhật -” khi phải chịu đựng một trong những cuộc bách hại tệ hại nhất chống lại người Kitô hữu, đó là cuộc bách hại dưới trào hoàng đế Diocletianus vào năm 304 scn. Bị buộc tội đã ban phát Thánh Thể cho cộng đoàn, ngài chấp nhận không chút lưỡng lự : “Không có Thánh Thể, chúng tôi không thể sống.” Và một trong số những vị tử đạo thêm vào : “Vâng, tôi đã đến với cộng đoàn và tôi đã cử hành tiệc thánh của Chúa với anh em tôi, chỉ vì tôi là  người Kitô hữu” (Hạnh các thánh tử đạo tại Abitina, c.11; 7,16). Vì trung thành  với Bí tích Thánh Thể, bốn mươi chín vị chứng nhân của miền bắc Phi Châu đã bị kết án tử hình. Chúa Giêsu của Bí tích Thánh Thể là sự sống đích thực cho Saturnin và các bạn tử đạo tại Abitina ở Phi Châu. Các ngài muốn chết hơn là không được lãnh nhận lương thực Thánh Thể, bánh của đời sống vĩnh cửu.

 Thánh Tôma Aquinô có thói quen vào giữa trưa, xuống nhà thờ và, với lòng tin tưởng và phó thác, ngài áp trán vào Nhà Tạm để chuyện trò thân mật với Chúa Giêsu Thánh Thể.  Vị thần học gia vĩ đại của thời Trung Cổ được nổi danh vì đã sáng tác các bản văn phụng vụ cho đại lễ Mình Thánh Chúa (Corpus Domini) trong đó, ngài diễn tả đầy đủ sự sùng kính sâu xa Bí tích Thánh Thể.

 Thánh thi ca tụng (Verbum supernum prodiens) là một bài tổng hợp linh đạo Bí tích Thánh Thể của Kitô giáo :

 Trước khi nộp mình chịu chết, vì một người môn đệ của mình phản bội,

(Chúa Giêsu) tự ban mình cho các môn đệ làm lương thực sự sống.

Người ban cho họ dưới hai hình dạng, Thịt và Máu của Người;

Để qua bản thể hai hình dạng này, Người nuôi sống trọn loài người.

Khi sinh ra, Người tự hiến mình là bạn đồng hành

Khi ngồi cùng bàn với họ, Người tự hiến như lương thực,

Khi chịu chết, Người tự hiến như phần thưởng.

 Thánh Tôma Aquinô gọi Bí tích Thánh Thể là “chóp đỉnh và sự viên mãn của cả đời sống tinh thần,” làm nổi bật ý thức đức tin của Hội thánh tin tưởng vào Bí tích Thánh Thể, vào sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta và là lương thực cần thiết cho đời sống tinh thần. Bí tích Thánh Thể tạo thành sợi chỉ đỏ, khởi đi từ Bàn Tiệc Ly, nối kết mọi thế kỷ lịch sử của Hội thánh cho đến chúng ta ngày hôm nay. Các lời truyền phép – “Này là Minh Thầy” và “Này là Máu Thầy” – được nói lên, mãi mãi và ở khắp mọi nơi, ngay cả trong các trại tập trung, trong các nhà tù còn tồn tại đến ngày  nay. Chính trên chân trời Thánh Thể mà Hội thánh đặt nền tảng cho đời sống, sự hiệp thông và sứ vụ của mình.

 

JOOS VAN WASSENHOVEN, Chúa Giêsu ban Mình Thánh cho các Tông đồ, Phòng trưng bày họa phẩm quốc gia vùng Marches, Urbino. 

PHẦN II

CỬ HÀNH MẦU NHIỆM KITÔ GIÁO

  

ĐOẠN THỨ NHẤT

NHIỆM CỤC BÍ TÍCH

 

Hy tế thập giá là nguồn mạch cho nhiệm cục bí tích của Hội thánh. Trong ảnh, Đức Maria, tượng trưng cho Hội thánh, đón nhận từ tay trái mình máu và nước, biểu tượng các Bí tích c?a H?i thánh, đổ ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu : “Khi đến gần Chúa  Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,33-34). 

Thánh Augustinô chú giải : “Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đang khi chịu đau khổ, đã dâng hiến vì chúng ta điều mà Người đã nhận từ chúng ta khi sinh ra, và mãi mãi trở nên vị Thượng tế vĩ đại. Người ra lệnh cho chúng ta dâng hy lễ mà anh em thấy, đó chính là Mình và Máu Người. Thật vậy, thân xác Người, bị lưỡi đòng đâm thâu qua, tuôn chảy nước và máu, với nước và máu này Người tha thứ tội lỗi chúng ta. Khi anh em nhớ lại ân sủng này, thì ơn cứu độ lại hoạt động (vì chính Thiên Chúa đã làm điều này nơi anh em), run rẩy và sợ sệt, anh em hãy đến gần để chia sẻ từ bàn thánh này. Hãy nhận ra trong bánh này là chính thân xác mà anh em đã treo trên thập giá, và trong chén này là chính máu chảy ra từ cạnh sườn Người. Các hy lễ xa xưa của dân Chúa, trong sự đa dạng của chúng, chỉ tiên báo hy lễ duy nhất sẽ đến. Và Đức Kitô v?a là con chiên, vì sự vô tội của tâm hồn thanh sạch Người, v?a  là con dê, vì xác thịt  Người giống xác thịt  của kẻ tội lỗi. Tất cả những gì được tiên báo bằng nhiều cách khác nhau trong các hy lễ của Cựu Ước đều hướng về hy lễ được mạc khải trong Tân Ước.   

Hãy nhận lấy và ăn Thân mình Đức Kitô, vì ngay lúc này anh em đã trở nên chi thể của Đức Kitô, trong Thân Thể của Đức Kitô; hãy lãnh nhận và uống Máu Đức Kitô. Để không phải tách rời nhau, hãy ăn điều nối kết anh em lại; để không tự đánh giá thấp chính mình, hãy uống giá chu?c của anh em. Mỗi khi anh em ăn và uống các thứ ấy, chúng biến đổi nên anh em, cũng thế, nếu như trong đời sống, anh em sống vâng phục và đạo đức, anh em biến đổi nên thân thể Đức Kitô. Thật vậy, khi gần đến cuộc khổ nạn, khi cử hành lễ Vượt qua với các môn đệ, Người cầm lấy bánh, tạ ơn mà nói : “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em.” Cùng một thể thức ấy, sau khi chúc lành, Người trao chén, mà nói : “Đây là Máu Thầy, máu của Giao ước mới, sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội”. Điều ấy, anh em đã đọc và đã nghe trong Phúc Âm, dù vậy, anh em không biết rằng Bí tích Thánh Thể  là chính Chúa Con; nhưng ngay bây giờ, với trái tim đã được thanh tẩy trong một lương tâm không tì vết, và với thân xác được rửa sạch trong nước tinh tuyền, anh em hãy đến gần Người và anh em sẽ được chiếu sáng và sẽ không còn xấu hổ nữa” (Bài giảng 228B). 

Nhà nguyện Redemptoris Mater, Tranh ghép đá của bức tường trình bày mầu nhiệm Nhập Thể, Vatican.  

218. Phụng vụ là gì ?

1066-1070

Phụng vụ là việc cử hành mầu nhiệm Đức Kitô, đặc biệt là cử hành Mầu nhiệm Vượt qua của Người. Trong Phụng vụ, qua trung gian việc thực thi phận vụ tư tế của Đức Giêsu Kitô, sự thánh hóa con người được biểu lộ và thực hiện qua các dấu chỉ. Thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô, nghĩa là Đầu và các chi thể, thực thi việc thờ phượng công khai dành cho Thiên Chúa. 

219. Phụng vụ có vị trí nào trong đời sống Hội thánh ?

1071-1075

            Là hành động tuyệt đối thánh thiêng, Phụng vụ là chóp đỉnh mà mọi hoạt động của Hội thánh đều hướng tới, đồng thời là nguồn mạch phát sinh mọi năng lực của đời sống Hội thánh. Qua Phụng vụ, Đức Kitô tiếp tục công trình cứu chuộc chúng ta trong Hội thánh, với Hội thánh và nhờ Hội thánh của Người. 

220. Nhiệm cục bí tích cốt tại điều gì ?

1076

            Nhiệm cục bí tích cốt tại việc thông chuyển các hiệu quả ơn cứu chuộc của Đức Kitô qua việc cử hành các Bí tích của Hội thánh, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, “cho tới khi Chúa lại đến” (1 Cr 11, 26). 

CHƯƠNG MỘT

MẦU NHIỆM VƯỢT QUA TRONG ĐỜI SỐNG CỦA HỘI THÁNH

 

 

PHỤNG VỤ – CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA BA NGÔI

 

221. Chúa Cha là nguồn mạch và cùng đích của Phụng vụ  theo nghĩa nào?

1077-1083
1110

Trong Phụng vụ, Chúa Cha đổ tràn các phúc lành của Ngài cho chúng ta trong Người Con nhập thể, đã chết và đã sống lại vì chúng ta, và Ngài tuôn đổ Chúa Thánh Thần vào lòng chúng ta. Đồng thời Hội thánh chúc tụng Chúa Cha qua việc tôn thờ, ca tụng, tạ ơn, và cầu xin Ngài ban hồng ân là Chúa Con và Chúa Thánh Thần. 

222. Công trình của Đức Kitô trong Phụng vụ là gì ?

1084-1090

Trong Phụng vụ Hội thánh, Đức Kitô biểu lộ và hoàn thành mầu nhiệm Vượt qua của Người. Khi trao ban Thánh Thần cho các Tông đồ, Người trao ban cho họ và những người kế nhiệm họ quyền thực hiện công trình cứu độ qua hy tế Thánh Thể và qua các Bí tích, nơi chính Người hoạt động để trao ban ân sủng của Người cho các tín hữu trong mọi thời và trên toàn thế giới.  

223. Chúa Thánh Thần hoạt động như thế nào trong Phụng vụ của Hội thánh ?

1091-1109
1112

Trong Phụng vụ, Chúa Thánh Thần hoạt động cách chặt chẽ nhất với Hội thánh. Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho Hội thánh gặp gỡ Chúa của mình. Ngài nhắc nhớ và làm tỏ hiện Đức Kitô  cho đức tin của cộng đoàn. Ngài làm cho hiện diện và hiện tại hóa mầu nhiệm của Đức Kitô; Ngài kết hợp Hội thánh vào đời sống và sứ vụ của Đức Kitô, làm cho hồng ân hiệp thông được sinh hoa kết quả nơi Hội thánh.    

MẦU NHIỆM VƯỢT QUA TRONG CÁC BÍ TÍCH CỦA HỘI THÁNH

 

224. Các Bí tích là gì ? Đó là những Bí tích nào ?

 1113-1131

Các Bí tích là những dấu chỉ khả giác và hữu hiệu của ân sủng, do Đức  Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội thánh; qua các Bí tích, sự sống thần linh được trao ban cho chúng ta. Có bảy Bí tích : Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể, Thống hối, Xức dầu bệnh nhân, Truyền chức thánh và Hôn phối. 

225.  Đâu là mối liên hệ giữa các Bí tích với Đức Kitô ?

1114-1116 

Các mầu nhiệm trong đời sống Đức Kitô là nền tảng cho những gì mà ngày hôm nay, qua các thừa tác viên của Hội thánh, Đức Kitô trao ban trong các Bí tích.    

“Điều hữu hình nơi Đấng cứu độ chúng ta được chuyển vào trong các Bí tích ” (thánh Lêo Cả).

 

226.  Đâu là sự liên kết giữa các Bí tích với Hội thánh ?

1117-1119

Đức Kitô đã ủy thác các Bí tích cho Hội thánh của Người. Các Bí tích này là “của Hội thánh” theo hai nghĩa : các Bí tích là “do Hội thánh,” vì các Bí tích là hoạt động của Hội thánh, (mà Hội Thánh) là Bí tích của hoạt động Đức Kitô; các Bí tích là “cho Hội thánh,” theo nghĩa là các Bí tích xây dựng Hội thánh. 

227.  Ấn tín Bí tích là gì ?

1121

Là một dấu ấn thiêng liêng được thông ban trong các Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức. Ấn tín này là lời hứa và bảo đảm cho sự che chở của Thiên Chúa. Nhờ ấn tín, người Kitô hữu trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô; họ được tham dự vào chức tư tế của Người theo nhiều cách. Họ là thành phần trong Hội thánh theo những bậc sống và phận vụ khác nhau; như thế, ơn gọi của họ là phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ Hội thánh. Vì ấn tín không thể xóa đi được, nên ba Bí tích trao ban ấn tín, chỉ được nhận một lần trong đời. 

228.     Đâu là mối liên hệ giữa các Bí tích với đức tin ?

1122-1126
1133

Không những các Bí tích giả thiết phải có đức tin, mà các Bí tích còn nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin, bằng lời đọc và những nghi thức. Qua việc cử hành các Bí tích, Hội thánh tuyên xưng đức tin tông truyền. Từ đó có câu thành ngữ cổ “lex orandi, lex credendi”, điều này muốn nói : Hội thánh tin như Hội thánh cầu  nguyện.  

229.     Tại sao các tích hữu hiệu ?

1127-1128
1131

Các Bí tích hữu hiệu “ex opere operato” (do chính hành động được hoàn tất). Thực vậy, chính Đức Kitô hoạt động trong các Bí tích và thông ban ân sủng mà các Bí tích biểu lộ, không lệ thuộc vào sự thánh thiện bản thân của thừa tác viên; tuy nhiên, các hoa trái của Bí tích cũng tùy thuộc vào sự chuẩn bị nội tâm của người lãnh nhận. 

230.     Tại sao các tích cần thiết cho ơn cứu độ ?

1129

Mặc dù không phải tất cả các Bí tích đều được ban cho từng người Kitô hữu, các Bí tích đều cần thiết cho những ai tin vào Đức Kitô, bởi vì chúng trao ban các ân sủng Bí tích, ơn tha thứ tội lỗi, ơn được làm nghĩa tử của Thiên Chúa, ơn nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và ơn được thuộc về Hội thánh. Chúa Thánh Thần chữa lành và biến đổi những ai lãnh nhận các Bí tích.  

231.     Ân sủng Bí tích là gì ?

1129; 1131
1134; 2003

Ân sủng Bí tích là ân sủng của Chúa Thánh Thần, được Đức Kitô trao ban, mỗi Bí tích theo một cách. Ân sủng này giúp người tín hữu trên bước đường nên thánh, và cũng giúp Hội thánh tăng trưởng trong đức ái và trong chứng từ của mình. 

232.     Đâu là mối liên hệ giữa các Bí tích với đời sống vĩnh cửu ?

1130

Trong các Bí tích, Hội thánh đã được tham dự trước vào đời sống vĩnh cửu, đang khi “chờ đợi ngày hồng phúc, ngày Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (Tt 2, 13).

 

CHƯƠNG HAI

CỬ HÀNH MẦU NHIỆM VƯỢT QUA

 

CỬ HÀNH PHỤNG VỤ CỦA HỘI THÁNH

 

Ai cử hành ?

 

233.     Ai hoạt động trong Phụng vụ ?

1135-1137
1187

Chính “Đức Kitô toàn thể” (Christus Totus), gồm Đầu và Thân thể, hoạt động trong Phụng vụ. Với tư cách là vị Thượng tế, Đức Kitô cử hành cùng với Thân thể Người là Hội thánh trên trời và Hội thánh ở trần gian. 

234.     Ai cử hành Phụng vụ trên trời ?

1138-1139

Phụng vụ trên trời được cử hành do các thiên thần, các thánh của Cựu Ước và Tân Ước, đặc biệt là Mẹ Thiên Chúa, các thánh Tông đồ, các thánh tử đạo và “một đoàn người thật đông” không tài nào đếm nổi, “thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9). Khi cử hành mầu nhiệm cứu độ trong các Bí tích, chúng ta được dự phần vào Phụng vụ vĩnh cửu này.  

235.     Hội thánh ở trần gian cử hành Phụng vụ như thế nào ?

1140-1144
1188

Hội thánh ở trần gian cử hành Phụng vụ với tư cách là dân tư tế, trong đó mỗi người hoạt động tùy theo phận vụ riêng của mình, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần. Các người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội hiến dâng chính mình trong hy lễ thiêng liêng, các thừa tác viên có chức thánh cử hành theo thánh chức mà họ đã lãnh nhận để phục vụ tất cả các chi thể của Hội thánh; các Giám mục và linh mục hoạt động trong cương vị Đức Kitô, là Thủ lãnh.   

Cử hành thế nào ? 

236.     Phụng vụ được cử hành thế nào ?

1145

Việc cử hành Phụng vụ được kết thành bằng các dấu chỉ và biểu tượng. Ý nghĩa của những dấu chỉ và biểu tượng này được bắt nguồn trong công trình tạo dựng và trong các nền văn hóa nhân loại, được xác định trong các biến cố của Cựu Ước và được hoàn tất trọn vẹn trong Con Người của Đức Kitô và trong  các hoạt động của Người.  

237.     Các dấu chỉ tích bắt nguồn từ đâu ?

1146-1152
1189

Một số dấu chỉ bắt nguồn từ công trình tạo dựng (ánh sáng, nước, lửa, bánh, rượu, dầu); một số khác từ đời sống xã hội (tẩy rửa, xức dầu, bẻ bánh); một số khác từ lịch sử cứu độ thời Cựu Ước (các nghi thức Vượt qua, các hy lễ, việc đặt tay, việc thánh hiến). Những dấu chỉ này, có một số được qui định và bất biến, đã được Đức Kitô sử dụng và trở thành những phương tiện chuyển thông hoạt động cứu độ và thánh hóa của Người. 

238.     Đâu là mối liên hệ giữa cử chỉ và lời nói trong việc cử hành Bí tích ?

1153-1155
1190

Trong việc cử hành Bí tích, cử chỉ và lời nói liên hệ với nhau chặt chẽ. Thật vậy, dù các cử chỉ tượng trưng tự chúng đã là một thứ ngôn ngữ, nhưng vẫn cần có các lời thuộc nghi thức kèm theo và làm cho chúng sinh động. Trong Phụng vụ, lời đọc và cử chỉ không thể tách rời nhau vì chúng vừa là dấu chỉ vừa là giáo huấn; chúng cũng không thể tách rời nhau vì chúng thực hiện điều chúng biểu thị.  

239.     Bài ca và âm nhạc có vai trò trong việc cử hành Phụng vụ theo những tiêu chuẩn nào ?

1156-1158
1191

 Bài ca và âm nhạc liên kết chặt chẽ với hành vi Phụng vụ. Vì vậy, phải tôn trọng các tiêu chuẩn sau đây : các bản văn phải phù hợp với giáo lý công giáo, ưu tiên rút từ Thánh Kinh và các nguồn Phụng vụ; vẻ đẹp diễn cảm của lời cầu nguyện; phẩm chất âm nhạc; sự tham gia của cộng đoàn; sự phong phú về văn hóa của dân Thiên Chúa; đặc điểm thánh thiêng và trang trọng của việc cử hành. “Hát là cầu nguyện hai lần” (thánh Augustinô).     

240.     Mục đích của các ảnh tượng thánh là gì ?

1159-1161
1192

Ảnh tượng Đức Kitô là ảnh tượng phụng vụ cách tuyệt hảo; các ảnh tượng thánh khác trình bày Đức Trinh Nữ và các thánh, biểu lộ Đức Kitô được tôn vinh nơi các ngài. Các ảnh tượng này công bố chính sứ điệp Tin Mừng mà Thánh Kinh chuyển đạt bằng lời. Các ảnh tượng thánh góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu.

 

Phụng vụ được cử hành khi nào ? 

241.     Trung tâm của thời gian Phụng vụ là gì ?

1163-1167
1193

Trung tâm của thời gian Phụng vụ là ngày Chúa Nhật, nền tảng và cốt lõi của cả năm Phụng vụ. Năm Phụng vụ có chóp đỉnh là lễ Phục sinh, ngày “lễ của các ngày lễ.”

 

242.     Ý nghĩa của năm Phụng vụ  là gì ?

1168-1173
1194-1195

Trong năm Phụng vụ, Hội thánh cử hành toàn thể Mầu nhiệm Đức Kitô, từ lúc Người nhập thể cho đến ngày Người lại đến trong vinh quang. Trong một số ngày, Hội thánh tôn kính Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc, Mẹ Thiên Chúa, với một lòng trìu mến đặc biệt; Hội thánh cũng kính nhớ các thánh là những người đã sống cho Đức Kitô, đã chịu đau khổ với Người và hiện đang ở với Người trong vinh quang. 

243.     Các Giờ kinh Phụng vụ là gì ?

1174-1178
1196

Các Giờ kinh Phụng vụ – Kinh nguyện công khai và thường xuyên của Hội thánh – là lời cầu nguyện của Đức Kitô cùng với Thân Thể Người. Nhờ Các Giờ kinh Phụng vụ, Mầu nhiệm của Đức Kitô, mà chúng ta cử hành trong Thánh lễ, thánh hóa và làm thay hình đổi dạng thời gian của mỗi ngày. Các Giờ kinh Phụng vụ được kết thành chủ yếu từ các Thánh Vịnh, các bản văn khác của Thánh Kinh, cũng như những bài đọc của các Giáo phụ và các tôn sư linh đạo.   

Phụng vụ được cử hành ở đâu ? 

244.     Hội thánh có cần những nơi chốn để cử hành Phụng vụ không ?

1197-1198

Việc thờ phượng “trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4,24) của Giao ước Mới không bị lệ thuộc vào bất cứ nơi nào đặc biệt, vì Đức Kitô là Đền Thờ đích thực của Thiên Chúa; nhờ Người, các người Kitô hữu và toàn thể Hội thánh, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, cũng trở thành đền thờ của Thiên Chúa hằng sống. Tuy nhiên, Dân Thiên Chúa, trong hoàn cảnh trần thế, cần đến những nơi chốn để cộng đoàn có thể qui tụ cử hành Phụng vụÏ. 

245.  Các “thánh đường” là gì ?

 1198-1999

Đó là những ngôi nhà của Thiên Chúa, biểu tượng của Hội thánh đang sống tại đó cũng như  biểu trưng nơi cư ngụ thiên quốc. Đó là những nơi cầu nguyện trong đó Hội thánh cử hành đặc biệt là Thánh lễ và tôn thờ Đức Kitô thực sự hiện diện trong nhà tạm.   

246.  Những nơi nào là ưu tiên bên trong các thánh đường ?

 1182-1186

Những nơi ưu tiên là : bàn thờ, nhà tạm, nơi cất giữ Dầu thánh (myron), ngai Giám mục (cathedra) hay linh mục, giảng đài, giếng rửa tội, tòa giải tội. 

SỰ ĐA DẠNG CỦA PHỤNG VỤ – SỰ DUY NHẤT CỦA MẦU NHIỆM

 

247.  Tại sao mầu nhiệm duy nhất của Đức Kitô lại được cử hành theo nhiều truyền thống Phụng vụ khác nhau ?

 1200-1204
1207-1209

Mầu nhiệm của Đức Kitô phong phú khôn lường nên không một truyền thống Phụng vụ  nào diễn tả trọn vẹn được. Vì vậy, ngay từ ban đầu, sự phong phú này đã được thể hiện nơi các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau, qua những cách diễn tả đa dạng và bổ túc cho nhau cách kỳ diệu. 

248.  Có tiêu chuẩn nào bảo đảm cho tính duy nhất trong sự đa dạng này ?

1209

Đó là sự trung thành với Truyền thống Tông đồ, nghĩa là sự hiệp thông trong đức tin và trong các Bí tích đã lãnh nhận từ các Tông đồ; sự hiệp thông này được biểu lộ và bảo đảm bằng sự liên tục kế nhiệm tông đồ. Hội thánh là công giáo : do đó, Hội thánh có thể hội nhập tất cả những sự phong phú đích thực của các nền văn hóa khác nhau vào sự duy nhất của mình. 

249.  Trong Phụng vụ, có phải tất cả đều bất biến không ?

1205-1206

Trong Phụng vụ, nhất là trong Phụng vụ các Bí tích, có những yếu tố bất biến vì là thể chế thiên định, đuợc Hội thánh trung thành gìn giữ. Ngoài ra, cũng có những yếu tố có thể thay đổi mà Hội thánh có quyền và đôi khi có bổn phận thích nghi với các nền văn hóa của các dân tộc khác nhau. 

ĐOẠN THỨ HAI

BẢY BÍ TÍCH CỦA HỘI THÁNH

 

Bảy Bí tích của Hội thánh là :

 

    

Rửa tội,

Thêm sức

Thánh Thể

Thống hối

Xức dầu bệnh nhân

Truyền chức

Hôn phối

 Các Bí tích của Hội thánh là những hoa trái của hy tế cứu độ của Chúa Giêsu trên thập giá. Bức tranh ba mảng trình bày một nhà thờ nơi cử hành bảy Bí tích. Ở giữa, cây thánh giá giương cao một cách vượt trội. Dưới chân thánh giá có Đức Maria, kiệt lực, được thánh Gioan nâng đỡ, cũng như các bà đạo đức. Hậu cảnh, một linh mục đang dâng Thánh lễ, nâng cao Bánh thánh sau truyền phép, cho thấy rằng hy tế thập giá được hiện thực trong việc cử hành Thánh lễ dưới hai hình bánh rượu. Bên trái cho thấy nhà nguyện bên cạnh, các Bí tích Rửa tội, Thêm sức được Giám mục trao ban và cả Bí tích Thống hối. Bên phải, các Bí tích Truyền chức, Hôn phối và Xức dầu bệnh nhân được trao ban.  

ROGER VAN DER WEYDEN, Tranh ba mảng về bảy Bí tích, Bảo tàng Koninklijk voor Schone Kunsten, Anvers.    

250.  Các Bí tích của Hội thánh được phân loại thế nào ?

1210-1211

Người ta phân loại : các Bí tích khai tâm Kitô giáo (Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể), các Bí tích chữa lành (Thống hối và Xức dầu bệnh nhân), các Bí tích phục vụ cho sự hiệp thông và sứ vụ (Truyền chức thánh và Hôn phối). Bảy Bí tích liên quan đến những thời điểm quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Tất cả các Bí tích đều hướng về Bí tích Thánh Thể “như mục đích đặc thù của mình” (thánh Tôma Aquinô). 

CHƯƠNG MỘT

CÁC BÍ TÍCH KHAI TÂM KITÔ GIÁO

 

251. Việc khai tâm Kitô giáo được thực hiện thế nào ?

1212
1275

Việc khai tâm Kitô giáo được thực hiện qua ba Bí tích đặt nền tảng cho đời sống Kitô hữu. Các tín hữu được tái sinh nhờ Bí tích Rửa tội, được củng cố nhờ Bí tích Thêm sức, và được nuôi dưỡng nhờ Bí tích Thánh Thể. 

BÍ TÍCH RỬA TỘI

 

252. Các tên gọi của Bí tích đầu tiên trong việc khai tâm Kitô giáo là gì ?

1213-1216
1276-1277

Đầu tiên, người ta gọi Bí tích này là Rửa tội theo nghi thức chính yếu của việc cử hành. Rửa tội muốn nói việc “dìm xuống” nước. Người được Rửa tội được dìm vào trong sự chết của Đức Kitô và sống lại với Người như  một “thụ tạo” mới (2 Cr 5,17). Người ta còn gọi Bí tích này là “tắm tái sinh và đổi mới trong Chúa Thánh Thần” (Tt 3,5), hay là “ơn soi sáng” vì người được Rửa tội trở thành “con cái sự sáng” (Ep 5, 8). 

253. Bí tích Rửa tội được diễn tả bằng những hình ảnh tượng trưng nào trong Cựu Ước ?

1217-1222

Trong Cựu Ước, người ta gặp nhiều hình ảnh tượng trưng khác nhau về Bí tích Rửa tội : nước, được coi như nguồn gốc của sự sống và sự chết; tàu Nôe cứu thoát con người nhờ nước; cuộc vượt qua Biển Đỏ giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập; việc băng qua sông Giođan tiến vào đất hứa, là hình ảnh của sự sống đời đời. 

254.     Ai đã kiện toàn những hình ảnh tượng trựng đó ?

1223-1224

Những hình ảnh tượng trưng trong Cựu Ước được hoàn thành trong Đức Giêsu Kitô, Đấng ngay lúc khởi đầu đời sống công khai, đã để cho Gioan Tẩy giả làm phép rửa cho mình tại sông Giođan. Trên thập giá, từ cạnh sườn của Người bị đâm thâu, máu và nước đã tuôn trào, là dấu chỉ của Bí tích Rửa tội và Thánh thể. Sau khi Phục sinh, Người đã ủy thác cho các Tông đồ sứ vụ sau đây : “Anh em hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19-20). 

255.     Hội thánh  ban Bí tích Rửa tội cho những ai và từ bao giờ ?

1226-1228

Từ ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Hội thánh ban Bí tích Rửa tội cho những ai tin vào Đức Giêsu Kitô. 

256.     Nghi thức chính yếu của Bí tích Rửa tội là gì ?

1229-1245
1278

Nghi thức chính yếu của Bí tích này gồm việc dìm ứng viên xuống nước hay đổ nước trên đầu họ trong khi kêu cầu : nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.    

257.     Ai có thể lãnh nhận Bí tích Rửa tội ?

1246-1252

Mọi người chưa lãnh nhận đều có thể lãnh nhận Bí tích Rửa tội.

 

258.     Tạo sao Hội thánh Rửa tội cho các em bé ?

1250

Bởi vì  các em bé được sinh ra trong tội nguyên tổ, nên cần được giải thoát khỏi quyền lực Ác thần và đưa dẫn vào Vương quốc của sự tự do của con cái Thiên Chúa.  

259.     Hội thánh đòi hỏi gì nơi người sắp lãnh Bí tích Rửa tội ?

1253-1255

Hội thánh đòi hỏi người sắp nhận Bí tích Rửa tội phải tuyên xưng đức tin; trong trường hợp là một người trưởng thành thì việc tuyên xưng này phải do chính bản thân họ, nhưng nếu là một em bé, thì việc tuyên xưng do cha mẹ và Hội thánh. Cha mẹ đỡ đầu và cả cộng đoàn giáo hội đều có trách nhiệm phần nào trong việc chuẩn bị Bí tích Rửa tội (cho người dự tòng) cũng như trong việc phát triển đức tin và ân sủng của Bí tích Rửa tội .   

260.     Ai có thể ban Bí tích Rửa tội ?

1256
1284

Thừa tác viên thông thường của Bí tích Rửa tội là các Giám mục và linh mục; trong Giáo hội Latinh còn có cả các phó tế. Trong trường hợp cần thiết, mọi người đều có thể ban Bí tích Rửa tội, miễn là họ có ý làm điều Hội thánh làm. Người ban Bí tích Rửa tội đổ nước trên đầu ứng viên và đọc công thức Ba Ngôi khi Rửa tội : “Tôi Rửa tội cho […] nhân danh Cha và Con và  Thánh Thần.” 

261.     Bí tích Rửa tội có cần thiết cho ơn cứu độ không ?

1257

Bí tích Rửa tội cần thiết cho ơn cứu độ đối với những người đã được nghe rao giảng Tin Mừng và những người có khả năng xin lãnh nhận Bí tích này.  

262.     Người không lãnh Bí tích Rửa tội có thể được cứu rỗi không ?

1258-1261
1281-1283

Vì Đức Kitô đã chết để cứu độ tất cả mọi người, nên những người sau đây có thể được cứu độ dù không lãnh nhận Bí tích Rửa tội : những ai chết vì đức tin (Rửa tội bằng máu), những người dự tòng và cả những người, dưới tác động của ân sủng, dù không biết Đức Kitô cũng như Hội thánh của Người, nhưng đã thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và cố gắng chu toàn thánh ý Người (Rửa tội bằng lòng ước ao). Về phần các trẻ em chết mà không được Rửa tội, Hội thánh trong Phụng vụ phó thác các em cho lòng nhân từ của Thiên Chúa. 

263.     Bí tích Rửa tội mang lại những hiệu quả nào ?

1262-1274
1279-1280

Bí tích Rửa tội tha thứ nguyên tội, mọi tội cá nhân và các hình phạt do tội. Bí tích Rửa tội cho tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hóa, nhờ ơn công chính hóa giúp tháp nhập vào Đức Kitô và Hội thánh Người. Bí tích này cho tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô và tạo nền tảng cho sự hiệp thông với tất cả các người Kitô hữu. Bí tích này trao ban các nhân đức đối thần và các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Người lãnh nhận Bí tích Rửa tội thuộc về Đức Kitô luôn mãi : họ được đóng ấn không thể xóa được của Đức Kitô (ấn tín).  

264.     Đâu là ý nghĩa của “tên thánh” khi lãnh Bí tích Rửa tội ?

2156-2159
2167

Mọi tên gọi đều là quan trọng vì Thiên Chúa biết tên gọi của từng người, nghĩa là biết tính cách độc đáo của mỗi người. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, người Kitô hữu nhận một tên gọi đặc biệt trong Hội Thánh, ưu tiên nên chọn tên của một vị thánh, vị này là gương mẫu thánh thiện cho người nhận tên, và ngài sẽ chuyển cầu cho họ nơi Thiên Chúa. 

BÍ TÍCH THÊM SỨC

 

265.     Bí tích  Thêm sức có vị trí nào trong Nhiệm cục Cứu độ ?

1285-1288
1315

Trong Giao ước cũ, các tiên tri đã loan báo việc tuôn đổ Thánh Thần của Chúa trên Đấng Mêsia đang được mong đợi, và trên toàn dân của Đấng Mêsia. Trọn đời sống và sứ vụ của Đức Kitô diễn ra trong sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Thánh Thần. Các Tông đồ nhận lãnh Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ tuần và loan báo “những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2, 11). Qua việc đặt tay, các ngài trao ban cho các người mới lãnh nhận Bí tích Rửa tội hồng ân của chính Chúa Thánh Thần. Qua bao thế kỷ, Hội thánh liên tục sống nhờ Chúa Thánh Thần và thông ban Chúa Thánh Thần cho con cái mình. 

266.     Tại sao Bí tích này được gọi là Bí tích Dầu thánh hay Thêm sức ?

1289

Người ta gọi Bí tích này là Bí tích Dầu thánh (trong các Giáo hội đông phương : Chrismation là việc xức bằng dầu myron, nghĩa là Dầu thánh), bởi vì nghi thức chính yếu của Bí tích này là việc xức dầu. Người ta gọi Bí tích này là Bí tích Thêm Sức, vì Bí tích này kiên cường và củng cố ân sủng của Bí tích Rửa tội. 

267.     Nghi thức chính yếu của Bí tích Thêm sức là gì ?

1290-1301
1318
1320-1321

Nghi thức chính yếu của Bí tích Thêm sức là việc xức Dầu thánh (dầu pha hương liệu đã được Giám mục thánh hiến), kèm theo việc đặt tay của thừa tác viên,  ngài sẽ đọc các lời thuộc Bí tích dành riêng cho nghi thức. Ở Phương Tây việc xức dầu được ghi trên trán của những người đã được Rửa tội, kèm theo lời này :  “Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”. Trong các Giáo hội Đông Phương theo nghi thức Byzantin, việc xức dầu còn ghi trên nhiều phần thân thể, với công thức : “Tôi ghi dấu cho anh bằng hồng ân của Chúa Thánh Thần.”  

268.     Bí tích Thêm sức có những hiệu quả nào ?

1302-1305
1316-1317

Hiệu quả của Bí tích Thêm sức là việc đổ tràn Chúa Thánh Thần cách đặc biệt, như trong ngày lễ Ngũ Tuần. Việc đổ tràn này ghi một ấn tín không thể tẩy xoá trong linh hồn người lãnh nhận, và gia tăng ân sủng của Bí tích Rửa tội. Việc tuôn tràn Thánh Thần giúp chúng ta tiến sâu hơn vào ơn làm con cái Thiên Chúa, kết hợp chúng ta chặt chẽ hơn với Đức Kitô và với Hội thánh của Người. Bí tích này củng cố trong tâm hồn chúng ta các hồng ân của Chúa Thánh Thần và trao ban cho chúng ta một sức mạnh đặc biệt để làm chứng cho đức tin Kitô giáo. 

269.  Ai có thể lãnh nhận Bí tích Thêm sức ?

1306-1311
1319

Tất cả những ai đã nhận Bí tích Rửa tội đều có thể và phải nhận Bí tích Thêm sức và chỉ một lần duy nhất. Để lãnh nhận cho có hiệu quả, người đã được Rửa tội phải ở trong tình trạng ân sủng. 

270.  Ai là thừa tác viên của Bí tích Thêm sức ?

1312-1314

Thừa tác viên nguyên thủy của Bí tích Thêm sức là Giám mục. Đây là cách làm nổi bật sự liên kết giữa người được Thêm sức với Hội thánh trong cơ cấu tông truyền. Khi linh mục trao ban Bí tích này – điều này thông thường ở Đông Phương và trong những hoàn cảnh đặc biệt ở Tây Phương – mối dây liên kết với Giám mục và với Hội thánh được biểu lộ qua linh mục, là cộng sự viên của Giám mục, và qua Dầu thánh được chính Giám mục thánh hiến.    

BÍ TÍCH THÁNH THỂ

 

271.  Bí tích Thánh Thể là gì ?

1322-1323
1409

Bí tích Thánh Thể là chính hy tế Mình và Máu của Chúa Giêsu, mà Người đã thiết lập để lưu tồn hy tế thập giá của Người qua bao thế kỷ cho đến khi Người lại đến. Như thế, Người ủy thác cho Hội thánh việc tưởng nhớ cái Chết và cuộc Phục sinh của Người. Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ hợp nhất, dây bác ái, bữa tiệc vượt qua, nơi chúng ta lãnh nhận Đức Kitô, linh hồn được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm cho đời sống vĩnh cửu.   

272. Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh thể khi nào ?

1323
1337-1340

Người đã thiết lập Bí tích Thánh Thể vào ngày Thứ Năm tuần thánh, “trong đêm bị trao nộp” (1 Cr 11, 23), khi Người ăn bữa tiệc cuối cùng với các Tông đồ của Người. 

273. Người đã thiết lập Bí tích Thánh Thể như thế nào ?

1337-1340
1365, 1406

Sau khi qui tụ các Tông đồ trong nhà Tiệc ly, Chúa Giêsu cầm lấy bánh trong tay, bẻ ra và trao cho các ông mà nói : “Anh em hãy nhận lấy mà ăn : này là Mình Thầy bị nộp vì anh em”. Rồi Người cầm trong tay chén đầy ruợu và nói với họ : “Anh em hãy nhận lấy mà uống: này là chén Máu Thầy, Máu Giao ước mới và vĩnh cửu, đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội. Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. 

274. Bí tích Thánh Thể có ý nghĩa gì  trong đời sống của Hội thánh ?

1324-1327
1407

 Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô giáo. Thánh Thể là tột đỉnh hoạt động thánh hóa của Thiên Chúa đối với chúng ta và là tột đỉnh của hoạt động phượng tự chúng ta dâng lên Ngài. Bí tích Thánh Thể chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Hội thánh, đó chính là Đức Kitô, Đấng là Chiên Vượt qua của chúng ta. Việc hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa và sự hợp nhất của dân Thiên Chúa được diễn tả và thực hiện nhờ Bí tích Thánh Thể. Qua việc cử hành Thánh lễ, chúng ta được kết hợp với Phụng vụ trên trời và tham dự trước vào đời sống vĩnh cửu. 

275. Bí tích này còn được gọi bằng những tên gọi nào ?

1328-1332

Nguồn phong phú vô tận của Bí tích này được diễn tả qua nhiều tên gọi khác nhau, gợi lên những khía cạnh đặc biệt. Những tên gọi thông dụng nhất là: Thánh Thể, Thánh lễ, Bữa tiệc của Chúa, lễ Bẻ Bánh, Cử hành Thánh Thể, Tưởng nhớ cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa, Hy lễ thánh, Phụng vụ thánh và Thần linh, Mầu nhiệm thánh, Bí tích thánh nơi bàn thờ, Hiệp lễ. 

276.  Đâu là vị trí của Bí tích Thánh Thể trong Nhiệm cục cứu độ ?

1333-1344

Trong Giao ước cũ, Bí tích Thánh Thể đặc biệt được tượng trưng bằng bữa ăn Vượt qua, được Người Hi-pri cử hành hàng năm với bánh không men, để ghi nhớ ngày ra đi vội vã và giải phóng khỏi đất Ai Cập. Chúa Giêsu đã báo trước về Bí tích này trong giáo huấn của Người, và Người đã thiết lập Bí tích này khi cử hành bữa tiệc ly với các Tông đồ, trong khung cảnh bữa tiệc Vượt qua. Trung thành với lệnh truyền của Chúa : “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1 Cr 11, 24), Hội thánh luôn cử hành Bí tích Thánh Thể, nhất là vào ngày chúa nhật, ngày Phục sinh của Chúa Giêsu.  

277.  Bí tích Thánh Thể được cử hành thế nào ?

1345-1355
1408

Bí tích Thánh Thể được cử hành gồm hai phần chính, hợp thành một hành vi phụng tự duy nhất : Phụng vụ Lời Chúa gồm việc công bố và lắng nghe Lời Chúa, và Phụng vụ Thánh Thể gồm việc tiến dâng bánh rượu, kinh nguyện thánh thể (hay anaphore) và hiệp lễ. 

278.  Ai là thừa tác viên của Bí tích Thánh Thể ?

1348
1411

Thừa tác viên Bí tích Thánh Thể là vị tư tế (Giám mục hay linh mục) đã được truyền chức thành sự; vị này cử hành trong cương vị (in Persona) Đức Kitô – Thủ lãnh và nhân danh Hội thánh.

 

279.  Các chất liệu chính yếu và cần thiết của Bí tích Thánh Thể là gì ?

1412

Các chất liệu đó là bánh mì và rượu nho. 

280.  Tại sao nói Bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm hy tế của Đức Kitô ?

1362-1367

Bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm theo nghĩa làm cho hiện diện và hiện tại hoá hy tế thập giá mà Đức Kitô đã dâng lên Chúa Cha, một lần thay cho tất cả, vì nhân loại. Đặc tính hy tế của Bí tích Thánh Thể được biểu lộ trong chính những lời thiết lập : “Đây là Mình Thầy, bị nộp vì anh em” và “Chén này là Giao ước mới trong Máu Thầy, sẽ đổ ra vì anh em” (Lc 22,19-20). Hy tế thập giá và hy tế Thánh Thể là một hy tế duy nhất. Hiến vật và người dâng là một, chỉ khác biệt về cách tiến dâng : cách đổ máu trên thập giá, cách không đổ máu trong Bí tích Thánh Thể. 

281.  Hội thánh tham dự vào hy tế Thánh Thể theo cách nào ?

1368-1372
1414

Trong Bí tích Thánh Thể, hy tế của Đức Kitô cũng trở thành hy tế của các chi thể trong Thân Thể Người. Đời sống của các tín hữu, lời ca ngợi, hoạt động, cầu nguyện, lao động của họ được kết hợp với Đức Kitô. Vì là hy tế, Bí tích Thánh Thể cũng được dâng lên thay cho tất cả các tín hữu, người còn sống cũng như kẻ đã qua đời, như của lễ đền tội cho tất cả mọi người, để đón nhận được từ Thiên Chúa những ích lợi thiêng liêng và trần thế. Hơn nữa, Hội thánh trên trời cũng hiện diện trong lễ dâng của Đức Kitô. 

282.  Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể như thế nào ?

1373-1375
1413

Đức Giêsu Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể một cách độc nhất vô nhị và không thể so sánh được. Thật vậy, Người hiện diện cách đích thực, thực sự và theo bản thể: với Mình và Máu Người, với linh hồn và thần tính của Người. Trong Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô trọn vẹn, vừa là Thiên Chúa vừa là con người, hiện diện theo cách Bí tích, nghĩa là dưới hình bánh và hình rượu. 

283.  Biến đổi bản thể nghĩa là gì ?

1376-1377
1413

Biến đổi bản thể nghĩa là sự biến đổi trọn vẹn bản thể bánh thành bản thể Mình Thánh Đức Kitô, và biến đổi trọn vẹn bản thể rượu thành bản thể Máu Thánh Người. Sự biến đổi này được thực hiện trong Kinh Nguyện Thánh Thể, nhờ tính hữu hiệu của lời Đức Kitô và tác động của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, những đặc tính khả giác bên ngoài của bánh và rượu, nghĩa là các “hình bánh rượu,” vẫn không thay đổi. 

284.  Việc bẻ bánh có phân chia Đức Kitô không ?

1377

Việc bẻ bánh không phân chia Đức Kitô. Người hiện diện trọn vẹn và toàn phần trong mỗi hình dạng Thánh Thể, và trong mỗi phần nhỏ của cả hai hình dạng đó. 

285.  Sự hiện diện của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể kéo dài bao lâu ?

1377

Sự hiện diện của Đức Kitô kéo dài bao lâu hình bánh ruợu đã truyền phép còn tồn tại.  

286.  Phải tôn thờ Bí tích Thánh Thể cách nào ?

1378-1381
1418

Đó là sự tôn thờ “latria”, nghĩa là sự tôn thờ chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa, dù trong Thánh lễ, dù ngoài Thánh lễ. Hội thánh bảo quản bánh rượu đã truyền phép một cách cẩn thận tối đa; Hội thánh mang Thánh Thể cho các bệnh nhân, cho những người không có khả năng tham dự Thánh lễ. Hội thánh trưng Thánh Thể cho các tín hữu tôn thờ cách long trọng ; mang Thánh Thể đi rước kiệu và mời gọi mọi người thường xuyên kính viếng và thờ lạy Bí tích cực thánh này, được gìn giữ trong Nhà tạm. 

287.  Tại sao Bí tích Thánh Thể là tiệc Vượt qua ?

1382-1384
1391-1396

Bí tích Thánh Thể là tiệc Vượt qua vì khi làm cho cuộc Vượt qua của Người hiện diện một cách Bí tích, Đức Kitô ban cho chúng ta Mình và Máu Người làm của ăn thức uống. Người kết hợp chúng ta với Người và với nhau trong hy tế của Người. 

288.  Bàn thờ có ý nghĩa gì ?

1383
1410

Bàn thờ là biểu tượng của chính Đức Kitô, Đấng đang hiện diện như của lễ hiến tế (bàn thờ - hy tế thập giá) và như lương thực thần thiêng được ban tặng cho chúng ta (bàn thờ – bàn tiệc Thánh Thể). 

289.  Hội thánh đòi buộc chúng ta phải tham dự Thánh lễ khi nào ?

1389
1417

Hội thánh đòi buộc các tín hữu phải tham dự Thánh lễ vào các ngày Chúa nhật và các lễ buộc. Hội thánh cũng khuyên chúng ta tham dự Thánh lễ vào các ngày khác nữa. 

290.  Khi nào chúng ta phải rước lễ ?

1389

Hội thánh khuyên các tín hữu, nếu có đủ điều kiện cần thiết, nên rước lễ mỗi khi tham dự Thánh lễ. Hội thánh buộc chúng ta rước lễ một năm ít là một lần trong mùa Phục sinh.

 

291.  Phải có những điều kiện nào để rước lễ ?

1385-1389

Để rước lễ, chúng ta phải hoàn toàn thuộc về Hội thánh Công giáo và sống trong tình trạng ân sủng, nghĩa là phải ý thức mình không có tội trọng. Ai ý thức mình đã phạm một tội trọng, phải lãnh nhận Bí tích Thống hối trước khi rước lễ. Cũng cần phải có sự tịnh tâm và cầu nguyện, giữ sự chay tịnh do Hội thánh qui định và có những thái độ bên ngoài xứng đáng (cử chỉ, cách ăn mặc) biểu lộ lòng tôn kính đối với Đức Kitô. 

292. Việc rước lễ đem lại những hiệu quả gì ?

1391-1397
1416

Việc rước lễ làm tăng triển sự hiệp thông của chúng ta với Đức Kitô và với Hội thánh Người, bảo toàn và canh tân đời sống ân sủng đã nhận được khi lãnh Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức, giúp tăng triển tình yêu đối với tha nhân. Việc rước lễ làm chúng ta nên mạnh mẽ trong đức ái, xoá bỏ các tội nhẹ và gìn giữ chúng ta, trong tương lai, khỏi các tội trọng. 

293. Khi nào có thể trao ban Bí tích Thánh Thể cho các người Kitô hữu không công giáo?

1398-1401

Các thừa tác viên công giáo chỉ được phép trao ban Bí tích Thánh Thể cho những người thuộc các Giáo hội Đông Phương, dù không hiệp thông trọn vẹn với Hội thánh Công giáo, nếu như chính họ tự ý xin và có đủ các điều kiện cần thiết. Còn đối với những người thuộc các cộng đoàn giáo hội khác, các thừa tác viên công giáo được phép trao ban Bí tích Thánh Thể cho họ, khi có lý do quan trọng, và do chính họ tự ý xin và có đủ các diều kiện cần thiết, và họ cũng phải biểu lộ đức tin công giáo đối với Bí tích Thánh Thể.  

294.  Tại sao Thánh Thể là “bảo chứng cho vinh quang mai sau” ?

1402-1405

Vì Bí tích Thánh Thể đổ tràn trong chúng ta tất cả mọi ân sủng và sự chúc lành của trời cao, nên Bí tích này củng cố chúng ta nên mạnh mẽ trên đường lữ hành trần gian, và làm cho chúng ta thêm lòng khao khát đời sống vĩnh cửu, khi đã liên kết chúng ta với Đức Kitô, Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, với Hội thánh thiên quốc, với Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc và với tất cả các thánh. 

Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta bẻ cùng một tấm bánh là phương dược trường sinh bất tử và của ăn đem lại sự sống muôn đời trong Đức Kitô” (Thánh Ignatio Antiokia).

 

 CHƯƠNG HAI

 CÁC BÍ TÍCH CHỮA LÀNH

 

295.  Tại sao Đức Kitô lập Bí tích Thống hối và Xức dầu bệnh nhân ?

1420-1421
1426

Đức Kitô là thầy thuốc chữa lành linh hồn và thể xác, Người đã lập các Bí tích này vì đời sống mới do Người ban cho chúng ta qua các Bí tích khai tâm Kitô giáo, có thể bị suy yếu và thậm chí bị mất đi do tội lỗi. Vì thế, Người muốn rằng Hội thánh tiếp tục công trình chữa lành và cứu độ của Người qua hai Bí tích chữa lành.  

BÍ TÍCH THỐNG HỐI HAY GIAO HÒA

 

296.  Bí tích này được gọi như thế nào ?

1422-1424

Bí tích này được gọi là Bí tích Thống hối, Giao hòa, Tha thứ, Xưng tội và Sám hối. 

297.  Tại sao lại có một Bí tích Giao hòa sau Rửa tội ?

1425-1426
1484

Vì đời sống mới trong ân sủng, được lãnh nhận khi lãnh Bí tích Rửa tội, không tiêu hủy sự yếu đuối của bản tính con người, cũng như sự hướng chiều theo tội lỗi (có nghĩa là dục vọng, concupiscentia), nên Đức Kitô đã thiết lập Bí tích Giao hoà để những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội có thể ăn năn trở lại một khi họ xa lìa Người vì tội lỗi.  

298. Đức Kitô thiết lập Bí tích này khi nào ?

1485

Đức Kitô sống lại đã thiết lập Bí tích này khi Người hiện ra với các Tông đồ vào chiều ngày Phục sinh và nói với họ : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần; anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ  ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). 

299.  Những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội có cần phải hoán cải hay không ?

1427-1429

Lời kêu gọi hoán cải của Đức Kitô luôn vang vọng trong đời sống những người đã lãnh Bí tích Rửa tội. Việc hoán cải này là một cuộc chiến đấu liên tục của toàn thể Hội thánh, tuy có đặc điểm là thánh thiện, nhưng lại bao gồm các tội nhân. 

300. Thống hối nội tâm là gì ?

1430-1433
1490

Là biểu hiện của “tâm hồn tan nát” (Tv 50 [51],19), được ân sủng thần linh thúc đẩy để đáp lại tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Lòng thống hối bao hàm sự đau khổ và quay lưng lại với tội lỗi đã phạm, quyết tâm trong tương lai sẽ không phạm tội nữa và tin tưởng vào sự trợ giúp của Thiên Chúa. Lòng thống hối được dưỡng nuôi bằng niềm hy vọng vào sự thương xót của Thiên Chúa.  

301.  Việc thống hối trong đời sống người Kitô hữu được diễn tả dưới những hình thức nào ?

1434-1439

Việc thống hối được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt qua việc ăn chay, cầu nguyện, bố thí. Các hình thức thống hối này, và nhiều hình thức khác, có thể được người Kitô hữu thực hành trong đời sống hằng ngày của họ, đặc biệt trong Mùa Chay và ngày thứ sáu là ngày sám hối. 

302.  Các yếu tố chính yếu của Bí tích Giao hòa là gì ?

1440-1449

Có hai yếu tố chính : hành vi của người sám hối, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, và lời xá giải của linh mục, nhân danh Đức Kitô, trao ban ơn tha thứ và xác định cách đền tội.  

303.  Hối nhân phải có những hành vi nào ?

1450-1460
1487-1492

Những việc hối nhân phải làm là : xét mình cẩn thận; ăn năn tội cách trọn khi phát xuất từ lòng yêu mến Chúa và cách không trọn khi dựa vào những động lực khác, và quyết tâm không tái phạm nữa; xưng tội, tức là xưng thú tội lỗi với linh mục; đền tội, tức làm một số việc thống hối mà cha giải tội ấn định để đền bù những hậu quả do tội gây ra. 

304.  Phải xưng những tội nào ?

1456

Chúng ta phải xưng tất cả các tội trọng nhớ được mà chưa xưng sau khi đã xét mình cẩn thận. Việc xưng thú các tội trọng là phương tiện thông thường duy nhất để được ơn tha tội.  

305.  Khi nào phải xưng thú các tội trọng ?

1457

Mọi tín hữu khi đến tuổi khôn buộc phải xưng các tội trọng của mình ít nhất một năm một lần và, trong mọi trường hợp, phải xưng các tội trọng trước khi rước lễ.  

306.  Tại sao khi xưng tội cũng nên xưng thú các tội nhẹ ?

1458

Hội thánh tha thiết khuyên chúng ta xưng thú các tội nhẹ, mặc dầu điều này không phải là cần thiết theo nghĩa hẹp, bởi vì việc xưng thú như vậy giúp tạo nên lương tâm ngay thẳng và giúp chiến đấu chống lại những hướng chiều về đàng xấu, để chúng ta được Đức Kitô chữa lành và được tiến triển trong đời sống theo Thánh Thần.   

307.  Ai là thừa tác viên Bí tích này ?

1461-1466
1495

Đức Kitô đã ủy thác thừa tác vụ Giao hòa cho các Tông đồ của Người, cho các Giám mục kế nhiệm các ngài, và cho các linh mục, là những cộng tác viên của Giám mục. Như vậy, tất cả các vị ấy trở thành khí cụ của lòng thương xót và sự công chính của Thiên Chúa. Các ngài thực thi quyền tha thứ các tội lỗi nhân danh Cha, Con và Thánh Thần. 

308.  Việc tha thứ một số tội được dành riêng cho ai ?

1463

Việc xá giải một số tội đặc biệt nghiêm trọng (như những người bị vạ tuyệt thông) được dành riêng cho Tòa thánh hay vị Giám mục sở tại hay một số linh mục được các ngài ủy nhiệm. Trong trường hợp nguy tử, bất kỳ linh mục nào cũng có thể xá giải bất cứ tội lỗi hay vạ tuyệt thông nào.  

309.  Cha giải tội có bị ràng buộc với bí mật tòa giải tội hay không ?

1467

Vì sự tế nhị và cao cả của thừa tác vụ này và vì phải tôn trọng những người xưng tội, mọi cha giải tội buộc phải giữ “ấn tín tòa giải tội,” nghĩa là phải bí mật tuyệt đối về những tội lỗi người ta đã xưng thú cho ngài trong tòa giải tội. Vấn đề giữ ấn tín tòa giải tội không có luật trừ, ai vi phạm sẽ bị những hình phạt rất nặng. 

310.  Hiệu quả của Bí tích này là gì ?

1468-1470
1496

Hiệu quả của Bí tích Thống hối là : được giao hòa với Thiên Chúa, và như vậy, được tha thứ tội lỗi; được giao hòa với Hội thánh; được trở lại tình trạng ân sủng nếu như đã mất; được tha thứ hình phạt đời đời đáng phải chịu vì các tội trọng đã phạm và, ít nhất một phần, những hình phạt tạm là hậu quả của tội; được bình an thư thái trong lương tâm và được an ủi; được gia tăng sức mạnh thiêng liêng để chiến đấu trong cuộc lữ hành. 

311.  Trong một số trường hợp, có thể cử hành Bí tích này bằng việc xưng tội chung và xá giải tập thể không ?

1480-1484

Trong những trường hợp thật sự khẩn cấp (như có nguy cơ sắp chết) người ta có thể cử hành chung Bí tích Giao hòa, gồm có việc xưng tội chung và xá giải tập thể, nhưng vẫn phải tuân giữ các luật lệ của Hội thánh và với quyết tâm sẽ xưng riêng các tội trọng vào thời gian sớm nhất. 

312.  Ân xá là gì ?

1471-1479
1498

Ân xá là việc tha thứ trước mặt Thiên Chúa khỏi những hình phạt tạm đáng chịu vì những tội lỗi đã phạm, dù đã được tha thứ. Với những điều kiện được Hội thánh quy định, người tín hữu có thể lãnh nhận ơn tha thứ này cho chính mình hay cho những người đã qua đời, nhờ thừa tác vụ của Hội thánh, như là người phân phát ơn cứu chuộc và chia sẻ kho tàng công phúc của Đức Kitô và các thánh. 

BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

 

313.  Trong Cựu Ước, người ta quan niệm thế nào về bệnh tật ?

1499-1502

Trong Cựu Ước, con người, trong khi bị đau yếu, cảm nghiệm được sự hữu hạn của mình,  đồng thời cũng nhận ra bệnh tật có liên hệ cách bí nhiệm với tội lỗi. Các tiên tri đã thoáng nhận ra rằng bệnh tật cũng có thể có một giá trị cứu chuộc các tội lỗi cá nhân của mình và của người khác. Vì thế người ta đón nhận bệnh tật trước tôn nhan Thiên Chúa và kêu cầu Ngài  chữa lành. 

314.  Lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu đối với các bệnh nhân có ý nghĩa gì ?

1503-1505

Lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu đối với các bệnh nhân và nhiều việc chữa lành Người đã thực hiện là một dấu chỉ chứng tỏ, nơi Người, Nước Thiên Chúa đã đến, và như vậy, đã đến lúc chiến thắng tội lỗi, đau khổ và cái chết. Bằng cuộc khổ nạn và cái chết của Người, Chúa  Giêsu đem lại cho đau khổ một ý nghĩa mới, đó là, nếu được kết hợp với sự đau khổ của Người, thì đau khổ có thể trở thành một phương tiện thanh luyện và cứu độ cho chúng ta và cho những người khác. 

315.  Hội thánh đối xử thế nào đối với các bệnh nhân ?

1506-1513
1526-1527

Khi nhận nơi Chúa mệnh lệnh chữa lành các bệnh nhân, Hội thánh cố gắng chăm sóc và cầu nguyện cho các bệnh nhân. Đặc biệt, Hội thánh có một Bí tích đặc biệt dành cho các bệnh nhân, do chính Đức Kitô thiết lập và thánh Giacôbê chứng nhận : “Ai trong anh em đau yếu ư ? Người ấy hãy mời các kỳ mục trong Hội thánh đến và họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa,” (Gc 5, 14-15). 

316.  Ai có thể lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân ?

1514-1515
1528-1529

Mọi tín hữu đều có thể lãnh nhận Bí tích này, khi họ bắt đầu lâm cơn nguy tử do bệnh tật hay già yếu. Chính người đó có thể lãnh nhận Bí tích này nhiều lần nữa, khi bệnh trở nặng hay mắc phải một cơn bệnh nặng khác. Nếu có thể được, nên cho bệnh nhân xưng tội riêng,  trước khi cử hành Bí tích này.  

317.  Ai ban Bí tích này ?

1516
1530

Chỉ có các tư  tế (Giám mục hay linh mục) mới có thể trao ban Bí tích này.  

318.  Bí tích này được cử hành thế nào ?

1517-1519
1531

Việc cử hành Bí tích này chính yếu là việc xức dầu, nếu có thể được là dầu do Giám mục làm phép, trên trán và hai bàn tay của bệnh nhân (trong nghi thức Rôma) và trên các phần thân thể khác (trong các nghi thức khác). Việc xức dầu có kèm theo lời nguyện của vị tư  tế cầu xin ân sủng đặc biệt của Bí tích này. 

319.  Bí tích này mang lại những hiệu quả gì ?

1520-1523
1532

Bí tích này mang lại một ân sủng đặc biệt, giúp bệnh nhân được kết hợp chặt chẽ hơn với  cuộc khổ nạn của Đức Kitô, để mưu ích cho bản thân và cho toàn thể Hội thánh. Ân sủng này mang lại cho bệnh nhân sức mạnh, bình an, can đảm và ơn tha thứ tội lỗi nếu bệnh nhân không thể xưng tội được. Đôi khi, nếu Thiên Chúa muốn, Bí tích này cũng đem lại sự chữa lành thân xác. Dầu sao đi nữa, Bí tích Xức dầu bệnh nhân chuẩn bị cho một cuộc vượt qua để tiến về Nhà Cha. 

320.  Của Ăn đàng là gì ?

1524-1525

Của Ăn đàng là Bí tích Thánh Thể được trao ban cho những người sắp rời bỏ cuộc sống trần gian và đang chuẩn bị cho cuộc vượt qua tiến vào đời sống vĩnh cửu. Được lãnh nhận vào lúc sắp rời bỏ thế gian để về với Chúa Cha, việc rước Mình và Máu Đức Kitô tử nạn và phục sinh là mầm giống cho đời sống vĩnh cửu và sức mạnh phục sinh.

 

 CHƯƠNG BA

CÁC BÍ TÍCH PHỤC VỤ CHO SỰ HIỆP THÔNG VÀ CHO SỨ VỤ

 

321. Các Bí tích nào dành cho việc phục vụ sự hiệp thông và sứ vụ ?

1533-1535

Có hai Bí tích, Truyền chức thánh và Hôn phối, đem lại một ân sủng riêng cho một sứ vụ đặc biệt trong Hội thánh, để phục vụ việc xây dựng dân Thiên Chúa. Cả hai đóng góp một cách đặc biệt cho sự hiệp thông trong Hội thánh và cho ơn cứu độ của những người khác.

 

BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH

 

322.     Bí tích Truyền chức thánh là gì ?

1536

 Là Bí tích qua đó, sứ vụ Đức Kitô đã ủy thác cho các Tông đồ của Người, được tiếp tục thực thi trong Hội thánh, cho đến ngày tận thế. 

323.  Tại sao gọi là Bí tích Truyền chức thánh  (Ordo) ?

1537-1538

Từ Ordo chỉ một phẩm trật của Hội thánh; người gia nhập vào phẩm trật đó phải được thánh hiến đặc biệt (Ordinatio). Nhờ hồng ân đặc biệt của Chúa Thánh Thần, việc thánh hiến này cho phép người thụ phong được thực thi một quyền thánh chức nhân danh và với thẩm quyền của Đức Kitô để phục vụ Dân Thiên Chúa. 

324.  Bí tích Truyền chức thánh có vị trí nào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa ?

1539-1546
1590-1591

Trong Cựu Ước, có những hình ảnh tượng trưng về Bí tích này : việc phục vụ của chi tộc Lêvi, cũng như chức tư tế của ông Aaron và thể chế bảy mươi kỳ lão (x. Ds 11,25). Các hình ảnh này được kiện toàn nơi Đức Kitô Giêsu, nhờ hy tế thập giá, là “Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người” (1 Tm 2,5), là “vị thượng tế theo phẩm trật Melkisedec” (Dt 5, 10). Chức tư tế duy nhất của Đức Kitô được hiện diện qua chức tư tế thừa tác.  

“Đức Kitô là vị Tư tế đích thực duy nhất, người này kẻ khác chỉ là những thừa tác viên của Người” (Thánh Tôma Aquinô).

 

325.  Các cấp bậc khác nhau của Bí tích Truyền chức thánh là những cấp bậc nào ?

1554
1593

Bí tích Truyền chức thánh gồm có ba cấp bậc, không thể thay thế trong cơ cấu tổ chức của Hội thánh,  đó là chức Giám mục, chức linh mục và chức phó tế. 

326.  Việc truyền chức Giám mục có hiệu quả gì ?

1557-1558
1594

Việc truyền chức Giám mục trao ban sự viên mãn của Bí tích Truyền chức. Bí tích này làm cho Giám mục trở thành người kế nhiệm hợp pháp của các Tông đồ và hội nhập ngài vào Giám mục đoàn, chia sẻ với Đức Giáo hoàng  và các Giám mục khác sự quan tâm chăm sóc cho toàn thể Hội thánh. Bí tích này trao ban cho Giám mục trách vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản.  

327.  Đâu là nhiệm vụ của Giám mục trong Giáo hội địa phương được uỷ thác cho ngài ?

1560-1561

Trong một Giáo hội địa phương được uỷ thác cho ngài, Giám mục là nguyên lý hữu hình và là nền tảng cho sự hợp nhất của Giáo hội đó; với tư cách là người đại diện Đức Kitô, vị Giám mục chu toàn trách nhiệm mục vụ đối với giáo hội này, với sự giúp đỡ của các linh mục và phó tế của ngài.  

328.  Việc truyền chức linh mục có hiệu quả gì ?

1562-1567
1595

Việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần ghi nơi linh mục một ấn tín thiêng liêng không thể tẩy xóa, khiến ngài nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô-Tư Tế, và trao cho ngài khả năng hoạt động nhân danh Đức Kitô-Thủ Lãnh. Là cộng sự viên của hàng Giám mục, linh mục được thánh hiến để loan báo Tin Mừng, cử hành việc phụng thờ Thiên Chúa, nhất là Bí tích Thánh Thể; từ đó ngài rút được sức mạnh cho thừa tác vụ của mình và cho nhiệm vụ là mục tử của các tín hữu. 

329.  Linh mục thi hành thừa tác vụ của mình thế nào ?

1568

Dù được truyền chức cho một sứ vụ phổ quát, linh mục thực thi sứ vụ này trong một Giáo hội địa phương, liên kết trong tình huynh đệ với các linh mục khác, cùng nhau làm thành linh mục đoàn; các vị này, hiệp thông với Giám mục và thuộc quyền ngài, chịu trách nhiệm về Giáo hội địa phương đó. 

330.  Việc phong chức phó tế có hiệu quả gì ?

1569-1571
1596

Được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô-tôi tớ cho mọi người, vị Phó tế được truyền chức để phục vụ Hội thánh. Dưới quyền Giám mục mình, phó tế thực thi việc phục vụ trong thừa tác vụ Lời Chúa, việc phụng thờ Thiên Chúa, trong trách nhiệm mục vụ và bác ái. 

 

331.  Bí tích Truyền chức thánh được cử hành thế nào ?

1572-1574
1597

Cho cả ba cấp bậc, Bí tích Truyền chức thánh được trao ban qua việc Giám mục đặt tay trên đầu tiến chức, rồi long trọng đọc lời nguyện truyền chức. Qua lời nguyện này, Giám mục cầu xin Thiên Chúa đổ tràn Chúa Thánh Thần với các hồng ân của Ngài một cách đặc biệt trên tiến chức, giúp thực thi thừa tác vụ mà tiến chức phải đảm nhận.  

332.  Ai có thể cử hành Bí tích Truyền chức thánh ?

1575-1576
1600

Chỉ có các Giám mục đã được tấn phong thành sự, với tư cách là người kế nhiệm các Tông đồ, mới có quyền tấn phong ba cấp bậc của Bí tích Truyền chức thánh.

 

333.  Ai có thể lãnh nhận Bí tích Truyền chức thánh ?

1577-1580
1598

Chỉ có những người nam đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội mới có thể lãnh nhận thành sự Bí tích Truyền chức. Hội thánh biết mình bị ràng buộc với sự chọn lựa của chính Chúa. Không ai có quyền đòi hỏi được lãnh nhận Bí tích Truyền chức. Nhưng chỉ có thẩm quyền của Hội thánh mới đưa ra phán quyết về khả năng của các ứng viên. 

334.  Người lãnh nhận Bí tích Truyền chức thánh có buộc phải sôÙng độc thân không ?

1579-1580
1599

Hàng Giám mục luôn bị buộc phải sống độc thân. Đối với hàng linh mục, trong Giáo hội La tinh, theo cách thông thường chỉ chọn các tín hữu phái nam đang sống độc thân và muốn giữ luật độc thân “vì Nước Trời” (Mt 19, 12). Trong các Giáo hội Đông Phương, một người sau khi đã được truyền chức linh mục thì không được phép kết hôn. Những người đã lập gia đình có thể lãnh nhận chức phó tế vĩnh viễn. 

335.  Bí tích Truyền chức thánh có những hiệu quả nào ?

1581-1589

Bí tích Truyền chức thánh đem lại sự tràn đầy ân sủng đặc biệt của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho người được thánh hiến – thích ứng với từng cấp bậc của Bí tích – nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong phận vụ của Người là Tư tế, Tiên tri và Vương đế. Bí tích Truyền chức thánh trao ban một ấn tín thiêng liêng không thể tẩy xóa, vì vậy không thể tái ban, cũng như không thể chỉ trao ban (để thi hành) trong một khoảng thời gian giới hạn.  

336.  Chức tư tế thừa tác được thực thi với thẩm quyền nào ?

1547-1553
1592

Trong việc thực thi thừa tác vụ thánh, các tư tế được truyền chức nói và làm, không phải do thẩm quyền riêng tư, cũng không phải do mệnh lệnh hoặc sự uỷ thác của cộng đoàn, nhưng trong cương vị của Đức Kitô – Thủ lãnh và nhân danh Hội thánh. Vì thế, chức tư tế thừa tác hoàn toàn khác biệt, chứ không chỉ khác biệt theo mức độ, với chức tư tế chung của tất cả các tín hữu; chính để phục vụ cho các tín hữu, Đức Kitô đã thiết lập chức tư tế thừa tác.   

BÍ TÍCH HÔN PHỐI

 

337.  Ý định của Thiên Chúa đối với người nam và người nữ là gì ?

1601-1605

Thiên Chúa là tình yêu, và đã tạo dựng con người từ tình yêu. Ngài kêu gọi con người yêu thương. Khi tạo dựng họ có nam có nữ, Người kêu gọi họ sống đời hôn nhân trong một hiệp thông thân mật của sự sống và tình yêu với nhau, “vì lẽ đó, họ không còn là hai, nhưng là một thân thể” (Mt 19, 6). Khi chúc lành cho họ, Thiên Chúa nói  : “Hãy sinh sôi nảy nở” (St 1,28). 

338.  Thiên Chúa đã thiết lập hôn nhân nhằm mục đích gì ?

1659-1660

Sự kết hợp hôn nhân giữa người nam và người nư,õ được đặt nền tảng và được sắp xếp theo các luật lệ của Đấng Sáng Tạo, tự bản chất được hướng tới sự hiệp thông và thiện ích của các đôi vợ chồng, cũng như việc sinh sản và giáo dục con cái. Theo ý định ngay từ ban đầu của Thiên Chúa, sự kết hợp hôn nhân là bất khả phân ly, như Đức Giêsu Kitô đã xác nhận : “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). 

339.  Tội lỗi đe dọa hôn nhân như thế nào ?

1606-1608

Vì nguyên tội đã gây đổ vỡ cho sự hiệp thông, được Đấng Sáng Tạo ban tặng, giữa người nam và người nữ, nên sự kết hợp hôn nhân luôn bị đe dọa bởi bất hoà và sự không chung thuỷ. Tuy nhiên, với lòng nhân từ vô bờ bến, Thiên Chúa ban cho người nam và người nữ ân sủng để họ thực hiện sự kết hợp đời sống của họ theo đúng ý định nguyên thủy của Ngài. 

340.  Cựu Ước dạy gì về hôn nhân ?

1609-1611

Đặc biệt qua việc giáo dục của Lề luật và các tiên tri, Thiên Chúa giúp đỡ dân Ngài dần dần trưởng thành trong ý thức về tính duy nhất và sự bất khả phân ly của hôn nhân. Hôn ước giữa Thiên Chúa với Israel chuẩn bị và tượng trưng cho Giao ước mới, được Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô hoàn thành với Hội thánh là Hiền thê của Người.  

341.  Đức Kitô đem lại điều mới mẻ nào cho hôn nhân ?

1612-1617
1661

Đức Giêsu Kitô không những tái lập quy định từ ban đầu do Thiên Chúa muốn, mà Người còn ban ân sủng để con người có thể sống hôn nhân trong phẩm giá mới của Bí tích, là dấu chỉ về tình yêu phu thê của Người đối với Hội thánh : “Người làm chồng hãy yêu thuơng vợ mình như Đức Kitô đã yêu thương Hội thánh” (Ep 5, 25). 

342.  Có buộc tất cả mọi người phải kết hôn hay không ?

1618-1620

Hôn nhân không phải là một sự bắt buộc cho hết mọi người. Đặc biệt, Thiên Chúa kêu gọi một số người nam và người nữ, để theo Chúa Giêsu trong đời sống khiết tịnh và độc thân vì Nước Trời, giúp họ từ bỏ thiện ích to lớn của hôn nhân để lo toan những công việc của Chúa và tìm cách làm đẹp lòng Người. Như thế, họ trở thành dấu chỉ cho sự ưu tiên tuyệt đối của tình yêu Đức Kitô và sự sốt sắng mong chờ ngày Người đến trong vinh quang.  

343.  Bí tích Hôn phối được cử hành thế nào ?

1621-1624

Vì hôn nhân làm cho các người phối ngẫu sống một bậc sống công khai trong Hội thánh, nên việc cử hành Phụng vụ của Bí tích này cũng công khai, dưới sự chứng kiến của vị tư tế (hay của người chứng hôn được Hội thánh ủy thác) và các nhân chứng khác.   

344.  Sự ưng thuận kết hôn là gì ?

1625-1632
1662-1663

Sự ưng thuận kết hôn là ý muốn do người nam và người nữ bộc lộ, để tự hiến cho nhau một cách dứt khoát, với mục đích sống một giao ước tình yêu chung thủy và sung mãn. Vì chính sự ưng thuận làm thành Bí tích Hôn phối, nên sự ưng thuận là điều không thể thiếu và cũng không thể thay thế được. Để Bí tích Hôn phối thành sự, sự ưng thuận phải có đối tượng là hôn nhân đích thực; và sự ưng thuận đó phải là một hành vi nhân linh ý thức và tự do, không do bị ép buộc hay vì sợ hãi một quyền lực nào.  

345.  Phải làm gì khi một trong hai người phối ngẫu không phải là công giáo ?

1633-1637

Để hợp pháp, các hôn nhân hỗn hợp (giữa người công giáo và người đã Rửa tội ngoài công giáo) cần có sự cho phép của thẩm quyền Giáo hội. Các hôn nhân khác đạo (giữa người công giáo và người không Rửa tội), để thành sự, cần phải có phép chuẩn. Trong mọi trường hợp,  điều chính yếu là đôi hôn phối phải ý thức chấp nhận những mục đích và đặc tính căn bản của hôn nhân; và về phần người công giáo, phải chấp nhận những cam kết là giữ đức tin và bảo đảm việc Rửa tội cũng như giáo dục công giáo cho con cái, cũng phải báo cho người phối ngẫu biết những điều ấy. 

346.  Bí tích Hôn phối có những hiệu quả nào ?

1638-1642

Bí tích Hôn phối tạo nên một mối dây liên kết vĩnh viễn và độc nhất giữa hai người phối ngẫu. Chính Thiên Chúa đã xác nhận sự ưng thuận của những người kết hôn. Như thế, hôn nhân thành sự và hoàn hợp giữa những người đã được Rửa tội không bao giờ có thể tháo gỡ được. Mặt khác, Bí tích cũng trao ban cho đôi vợ chồng ân sủng cần thiết để họ đạt tới sự thánh thiện trong đời sống lứa đôi, cũng như trong việc sinh con có trách nhiệm và giáo dục con cái.  

347.  Các tội nghịch lại Bí tích Hôn phối một cách nghiêm trọng là các tội nào ?

1645-1648

Đó là các tội : ngoại tình đa thê vì đi ngược lại với phẩm giá bình đẳng của người nam và người nữ, ngược lại với tính duy nhất độc hữu của tình yêu hôn nhân; từ chối sinh con, vì loại bỏ khỏi hôn nhân hồng ân con cái; ly dị, vì đi ngược lại với tính bất khả phân ly của hôn nhân. 

348.  Khi nào Hội thánh chấp nhận việc vợ chồng ly thân ?

1629
1649

Hội thánh chấp nhận việc vợ chồng ly thân khi việc họ chung sống, vì những lý do nghiêm trọng, đã trở nên không thể được trong thực tế, mặc dù Hội thánh vẫn mong muốn họ hòa giải với nhau. Nhưng bao lâu người phối ngẫu còn sống, không ai trong đôi vợ chồng được tự do tái hôn; trừ khi hôn phối của họ là không thành sự và được thẩm quyền Hội thánh tuyên bố điều đó. 

349.  Hội thánh có thái độ nào đối với những người đã ly dị lại tái hôn ?

1650-1651
1665

Trung thành với Chúa, Hội thánh không thể công nhận hôn nhân của những người đã ly dị lại kết hôn theo luật dân sự. “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mc 10.11-12). Đối với họ, Hội thánh giữ một thái độ chăm sóc ân cần, mời gọi họ duy trì đời sống đức tin, cầu nguyện, thực hành các việc bác ái và chăm lo việc giáo dục con cái theo Kitô giáo. Nhưng bao lâu tình trạng như thế của họ kéo dài, vì rõ ràng trái với luật Chúa, họ không được xưng tội, rước lễ, cũng như đảm nhiệm một số trách nhiệm trong Hội thánh. 

350.  Tại sao gia đình Kitô hữu được gọi là Hội thánh tại gia ?

1655-1658
1666

Gia đình Kitô hữu được gọi là Hội thánh tại gia vì gia đình biểu lộ và sống bản chất “hiệp thông và gia đình” của Hội thánh như gia đình của Thiên Chúa. Mọi thành viên trong gia đình, tùy theo vai trò riêng của mình, thực thi chức tư tế được lãnh nhận từ Bí tích Rửa tội, góp phần xây dựng gia đình thành một cộng đoàn ân sủng và cầu nguyện, một trường dạy các đức tính nhân bản và Kitô giáo, là nơi đầu tiên đức tin được loan truyền cho con cái. 

 

CHƯƠNG BỐN

NHỮNG CỬ HÀNH PHỤNG VỤ KHÁC

 

CÁC Á BÍ TÍCH

 

351. Các á Bí tích là gì ?

1667-1672
1677-1678

Đó là những dấu chỉ thánh thiêng do Hội thánh thiết lập để thánh hóa một số hoàn cảnh trong cuộc sống. Các á Bí tích gồm một lời cầu nguyện, kèm theo là dấu thánh giá và những dấu chỉ khác. Trong số các á Bí tích, quan trọng nhất là các phép lành. Các phép lành này là một lời ca ngợi Thiên Chúa và một lời khẩn nguyện để kêu xin những hồng ân của Thiên Chúa; cũng có những việc thánh hiến con người cũng như các đồ vật được dùng vào việc thờ phượng Thiên Chúa. 

352.  Nghi thức Trừ tà là gì ?

1673

Người ta gọi là nghi thức Trừ tà, khi Hội thánh, với thẩm quyền của mình, nhân danh Chúa Giêsu, kêu xin để một người hay một vật được Thiên Chúa bảo vệ khỏi ảnh hưởng của Ác thần và giải thoát khỏi ách thống trị của nó. Trong cử hành Bí tích Rửa tội, có một nghi  thức Trừ tà đơn giản. Nghi thức Trừ tà trọng thể chỉ được thực hiện bởi một linh mục, với sự cho phép của Giám mục. 

353. Đâu là những hình thức đạo đức bình dân kèm theo đời sống Bí tích của Hội thánh ?

1674-1676
1679

Cảm thức tôn giáo của dân Kitô giáo trong mọi thời đại đều có những cách diễn tả lòng đạo đức của mình qua nhiều hình thức khác nhau luôn đi kèm theo đời sống Bí tích của Hội thánh, như việc tôn kính các di tích thánh, kính viếng các đền thánh, những cuộc hành hương, những cuộc rước kiệu, chặng đàng thánh giá, kinh Mân côi. Dưới ánh sáng đức tin, Hội thánh soi sáng và cổ võ những hình thức chính đáng của lòng đạo đức bình dân. 

LỄ NGHI AN TÁNG THEO KITÔ GIÁO

 

354.  Có tương quan nào giữa các Bí tích và cái chết của người Kitô hữu ?

1680-1683

Người Kitô hữu, chết trong Đức Kitô, khi kết thúc cuộc đời trần thế của mình, đạt đến sự viên mãn của đời sống mới được bắt đầu nơi Bí tích Rửa tội, được củng cố bằng Bí tích Thêm sức và được nuôi dưỡng bằng Bí tích Thánh Thể, là tham dự trước vào bàn tiệc thiên quốc. Ý nghĩa cái chết trong Kitô giáo được biểu lộ dưới ánh sáng sự Chết và sự Phục sinh của Đức Kitô, niềm hy vọng duy nhất của chúng ta. Người Kitô hữu chết trong Đức Kitô, là ra đi để “cư ngụ nơi Chúa” ( 2 Cr 5,8). 

355. Lễ nghi an táng diễn tả ý nghĩa gì ?

1684-1685

Dù được cử hành theo nhiều nghi thức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và truyền thống địa phương, lễ nghi an táng của Kitô giáo luôn làm nổi bật đặc tính Vượt qua của cái chết theo Kitô giáo trong niềm hy vọng sống lại, cũng như ý nghĩa của sự hiệp thông với người đã qua đời, đặc biệt là trong lời cầu nguyện cho linh hồn họ được thanh luyện. 

356.  Những giai đoạn chính của lễ nghi an táng là gì ?

1686-1690

Lễ nghi an táng thường gồm bốn phần chính : cộng đoàn đón tiếp quan tài với những lời an ủi và hy vọng, Phụng vụ Lời Chúa, Hy tế Thánh Thể, và lễ nghi từ biệt, trong đó linh hồn người quá cố được phó dâng lên Thiên Chúa, Đấng là nguồn sống vĩnh cửu, trong khi thân xác được an táng trong niềm hy vọng phục sinh. 

 Bức tranh minh họa trình bày bữa Tiệc Ly với việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, trong một phòng lớn trên tầng cao, được phủ đầy những tấm thảm (x. Mc 14,15) : “Cũng đang bữa ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói : “Anh em nhận lấy mà ăn, đây là mình Thầy.” Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói : “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. Thầy bảo cho anh em biết : từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26,26-28). 

Trong ảnh, Chúa Giêsu và các Tông đồ ngồi quanh một cái bàn hình chén rượu. Trên bàn có các hình  bánh và rượu. Căn phòng mở ra một hậu cảnh kiến trúc rất tỉ mỉ, với các lâu đài và một Nhà tạm tròn có bảy cột, biểu trưng cho Hội thánh, nơi trú ngụ của Chúa Giêsu Thánh Thể. Thánh Gioan đưa ra một chi tiết có ý nghĩa, ngài nghiêng đầu vào ngực Chúa Giêsu (x. Ga 13,25). Ngài chỉ cho thấy sự hiệp thông tình yêu mà Bí tích Thánh Thể thực hiện trong người tín hữu. Đó là câu trả lời của người  môn đệ đối với lời mời của Thầy : “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái… Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,5.9-10). 

Bí tích Thánh Thể là sự hiệp thông với Chúa Giêsu và là lương thực thiêng liêng để nâng đỡ người tín hữu  trong cuộc chiến đấu hằng ngày; họ là người được mời gọi để tuân giữ các giới răn : “Đấng Cứu Thế […] luôn hiện diện trọn vẹn nơi những kẻ sống trong Người : Người chăm lo cho mỗi người đầy đủ các nhu cầu; Người là tất cả cho họ và Người không cho phép họ hướng cái nhìn về bất cứ một cái gì khác, cũng như tìm một cái gì khác ngoài Người. Thật vậy, các Thánh không cần gì ngoài Người : Người ban cho họ cuộc sống, giúp họ lớn lên và nuôi dưỡng họ, trong họ Người là ánh sáng và hơi thở; Người tạo cho họ có khả năng để nhìn Người, soi sáng họï ngang qua chính Người và cuối cùng để cho họ nhìn thấy Người. Người chính là Đấng dưỡng nuôi và cũng là lương thực; Người là Đấng trao ban Bánh sự sống và điều Người trao ban chính là Người : sự sống của những người sống, hương thơm cho những người thở, y phục cho những ai muốn mặc lấy. Chính Người là Đấng cho phép chúng ta tiến lên, vì Người chính là con đường và cũng là nơi chúng ta an nghỉ, là đích điểm cuối cùng. Chúng ta là chi thể và Người là Đầu. Nếu như chúng ta phải chiến đấu, thì Người sẽ chiến đấu bên cạnh chúng ta và chính Người sẽ đem lại chiến thắng cho ai được vinh dựï. Nếu như chúng ta là những kẻ chiến thắng, thì Người sẽ là vòng hoa chiến thắng. Như thế Người sẽ hướng dẫn tâm trí chúng ta về với Người và không cho phép chúng ta hướng về điều gì khác, cũng không yêu điều gì khác {…] Từ những điều chúng ta đã nói, ta thấy rõ cuộc sống trong Đức Kitô không chỉ hướng về tương lai, nhưng đã có ngay lúc này đối với các thánh đang sống và hoạt động trong đời sống đó” (Nicolas Cabasilas, Đời sống trong Đức Kitô, 1 , 13-15)

 

Jacob Copiste, Tranh minh họa về Phúc Âm thứ tư, Thư viện của các cha dòng Méchitaristes, Vienne. 

 

 PHẦN III

ĐỜI SỐNG TRONG ĐỨC KITÔ

 

ĐOẠN THỨ NHẤT

ƠN GỌI CỦA CON NGƯỜI :

ĐỜI SỐNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN

 

Đức Maria, Đấng Rất thánh (Panhagia) là kỳ công của Chúa Thánh Thần (Đấng Cực Thánh – Panhagion).

 Từ lúc được thụ thai vô nhiễm cho đến khi vinh quang được rước về trời, cuộc đời của Mẹ được tình yêu Thiên Chúa nâng đỡ. Thánh Thần tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con đã làm cho Đức Maria thành một thụ tạo mới, bà Evà mới mà trái tim và tâm trí luôn hướng về sự thờ phượng và vâng phục Cha trên trời, mà Mẹ là người con gái Ngài yêu mến; khi đón nhận và phục vụ cho Chúa Con mà Mẹ chính là thân mẫu, là người môn đệ và người thân cận; khi đồng thuận và cộng tác với Chúa Thánh Thần, Mẹ trở thành Đền thờ quí giá của Ngài.

 Trong hình ảnh này, Đức Maria được các thiên thần nhạc sĩ bao quanh và mừng hát. Trên đầu của Mẹ chói sáng ánh quang tình yêu thần linh của Chúa Thánh Thần, Đấng được tượng  trưng bằng chim bồ câu. Đức Maria là Mẹ và là người Bảo trợ của Hội thánh (dưới chân Mẹ, người ta thấy một ngôi thánh đường). Nhờ sự cầu bàu từ mẫu đầy hiệu năng gần bên Chúa Giêsu, Mẹ đổ tràn trên Hội thánh ân sủng bởi trời cách phong phú (được biểu trưng bằng cây hồng đầy hoa).

 Dưới thấp, bên trái, Thánh Gioan Tông đồ, tượng trưng cho mọi người Kitô hữu, chiêm ngắm Đấng Vô nhiễm Nguyên tội và nhìn Đức Trinh Nữ diễm phúc là mẫu gương tuyệt vời, và đồng thời cũng là thầy và người hướng dẫn cho đời sống trong Chúa Thánh Thần.

 Thầy dòng Xi-tô (vào thế kỷ 12) đã suy tư về việc chia sẻ các kinh nghiệm thiêng liêng của các Tông đồ với Đức Maria. Khi so sánh các kinh nghiệm này với mười hai ngôi sao bao quanh đầu Đức Trinh Nữ diễm phúc, ngài viết : “Chúng qui tụ quanh Đức Trinh Nữ diễm phúc đầy khôn ngoan như các môn đệ vây quanh thầy của mình, để học hỏi đầy đủ hơn chân lý về các cử chỉ Mẹ đang thực hiện; chân lý mà họ phải rao giảng cho kẻ khác vào lúc cần thiết. Vì được Thiên Chúa thánh hiến và dạy dỗ, Đức Maria như cả thư viện đích thực của sự khôn ngoan thiên quốc. Vì h?ng ngày, M? dã s?ng g?n gui v?i chính s? Khơn Ngoan hi?n thân noi Ngu?i Con; Mẹ như người đồng hành cận kề, và đón nhận tất cả những gì Mẹ được nghe và được thấy vào trong tâm trí để nghiền ngẫm. (Bài giảng thứ nhất về việc Đức Maria được đón nhận lên trời)

 ELGRECO, Thánh Gioan chiêm ngắm Đấng Vô nhiễm Nguyên tội, Museo de la Santa Cruz, Toledo.    

 357.  Đời sống luân lý của người Kitô hữu được nối kết với đức tin và các Bí tích như thế nào ?

1691-1698

Điều mà Kinh Tin Kính tuyên xưng, các Bí tích tiếp tục trao ban. Qua các Bí tích, các tín hữu đón nhận ân sủng của Đức Kitô và hồng ân của Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, họ có khả năng sống đời sống mới với tư cách là con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng họ đã đón nhận trong đức tin. 

 “Hỡi người Kitô hữu, hãy ý thức phẩm giá của bạn” (Thánh Lêô Cả).

 

CHƯƠNG MỘT

PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

 

Con người, hình ảnh của Thiên Chúa

 

358. Nền tảng phẩm giá con người là gì ?

1699-1715

Phẩm giá của con người bắt nguồn trong việc con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Được phú bẩm một linh hồn thiêng liêng và bất tử, lý trí và ý chí tự do, con người được qui hướng về Thiên Chúa và được mời gọi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cả hồn lẫn xác.  

ƠN GỌI ĐƯỢC HẠNH PHÚC

 

359.  Làm thế nào con người đạt tới hạnh phúc ?

1716

Con người đạt được diễm phúc nhờ ân sủng của Đức Kitô, ân sủng này cho họ được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Đức Kitô chỉ cho các môn đệ của mình con đường dẫn tới hạnh phúc vĩnh cửu : đó là các Mối phúc. Ân sủng của Đức Kitô cũng hoạt động trong tất cả những ai, dựa theo lương tâm ngay thẳng, tìm kiếm và yêu mến chân lý và điều thiện, và tránh điều ác.    

360.  Tại sao các Mối phúc lại quan trọng đối với chúng ta ?  

1716-1717
1725-1726

Các Mối phúc nằm ở trung tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu. Chúng nhắc lại các lời hứa mà Thiên Chúa đã trao ban từ thời ông Ábraham và hoàn thành các lời hứa. Các Mối phúc diễn tả chính diện mạo của Chúa Giêsu, nêu lên những đặc tính đích thực của đời sống người Kitô hữu và mạc khải cho con người cùng đích hoạt động của họ : đó là hạnh phúc đời đời. 

361.  Đâu là mối liên hệ giữa các Mối phúc và lòng khao khát hạnh phúc của con người ? 

1718-1719

Các mối phúc đáp lại lòng khao khát bẩm sinh về hạnh phúc mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn con người để lôi kéo họ về với Ngài và chỉ mình Ngài mới có thể lấp đầy lòng khao khát ấy.  

362.  Hạnh phúc đời đời là gì ?

1720-1724
1727-1729

Đó là việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong đời sống vĩnh cửu, ở đó chúng ta sẽ được trọn vẹn “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4), thông phần vinh quang của Đức Kitô và niềm vui của đời sống Ba Ngôi. Hạnh phúc đời đời vượt quá khả năng con người. Đó là một hồng ân siêu nhiên và nhưng không của Thiên Chúa, cũng như ân sủng dẫn đưa chúng ta đến đó. Hạnh phúc được hứa ban đặt chúng ta trước những chọn lựa luân lý quan trọng về của cải trần thế, thúc đẩy chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.                                                                

SỰ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI

 

363.  Tự do là gì ?

1730-1733
1743-1744

Tự do là khả năng Thiên Chúa ban cho con người để hành động hay không hành động, để làm việc này hay việc khác, và như vậy, tự mình đưa ra những quyết định một cách ý thức.  Tự do là nét đặc trưng của các hành vi nhân linh. Càng làm điều thiện, người ta càng tự do hơn. Tự do hướng đến sự hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, Đấng là sự thiện tối thượng và là hạnh phúc của chúng ta. Tự do cũng bao hàm khả năng lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu. Sự lựa chọn điều xấu là một lạm dụng tự do, đưa chúng ta vào vòng nô lệ tội lỗi. 

364.  Đâu là mối tương quan giữa tự do và trách nhiệm ?

1734-1737
1745-1746

Vì có tự do, con người phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình theo mức độ các hành vi này do chính họ muốn, cả khi việc qui trách và trách nhiệm về một hành động có thể bị giảm thiểu hoặc đôi khi bị loại bỏ, vì lý do thiếu hiểu biết, không chú ý, do áp lực, do sợ hãi, do xúc động thái quá, hoặc do các thói quen. 

365.  Tại sao mọi người có quyền thực thi tự do của mình ?

1738
1747

Mỗi người đều có quyền sử dụng tự do của mình, vì tự do không thể tách rời khỏi phẩm giá con người. Vì thế quyền này phải luôn được tôn trọng, đặc biệt trong lãnh vực luân lý và tôn giáo. Quyền tự do này phải được luật dân sự công nhận và bảo vệ, trong các giới hạn của công ích và trật tự công cộng chính đáng.  

366.  Sự tự do của con người nằm ở vị trí nào trong nhiệm cục cứu độ ?

1739-1742

1748

Sự tự do của chúng ta bị suy yếu vì tội nguyên tổ. Sự suy yếu này càng trầm trọng hơn vì các tội lỗi sau đó.  Nhưng “chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1). Nhờ ân sủng của Người, Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đến sự tự do thiêng liêng, để làm cho chúng ta thành những cộng tác viên tự do của Người, trong Hội thánh và trong thế giới. 

367.  Đâu là nguồn gốc luân lý của hành vi nhân linh ?

1749-1754
1757-1758
 

Tính chất luân lý của hành vi nhân linh dựa trên ba nguồn :

-       Đối tượng được lựa chọn, nghĩa là một điều thiện đích thực hay có vẻ như thế.

-       Ý hướng của chủ thể hành động, nghĩa là mục đích khiến cho chủ thể hành động.

-       Các hoàn cảnh của hành động, bao gồm cả các hậu quả của hành động. 

368.  Khi nào hành vi là tốt xét về phương diện luân lý ?

1755-1756
1759-1760

Xét về phương diện luân lý, hành vi tốt phải có cùng lúc đối tượng, ý hướng và các hoàn cảnh đều tốt. Đối tượng được chọn tự nó có thể làm cho hành vi trở thành xấu, dù có ý hướng tốt. Không được phép làm một điều xấu để đạt được một điều tốt. Một mục đích xấu có thể hủy hoại hành vi, cho dù đối tượng tự nó là tốt. Ngược lại, một mục đích tốt không thể làm cho một hành động mà đối tượng của nó là xấu, trở thành tốt được, vì mục đích không biện minh cho các phương tiện. Các hoàn cảnh có thể làm giảm thiểu hay gia tăng trách nhiệm của tác giả hành vi, nhưng chúng không thể làm thay đổi phẩm chất luân lý của chính các hành vi. Hoàn cảnh không bao giờ có thể làm cho một hành vi tự nó là xấu trở thành tốt được.   

369.  Có phải có những hành vi luôn luôn không được phép làm hay không ?

1756, 1761

Có những hành vi, mà sự lựa chọn chúng luôn luôn là không được phép, vì đối tượng của chúng (chẳng hạn lộng ngôn, sát nhân và ngoại tình). Việc lựa chọn những hành vi này đã có một lệnh lạc của ý chí, nghĩa là một điều xấu luân lý; điều xấu này không thể biện minh bằng việc xét đến những điều tốt có thể rút ra từ những hành vi đó.  

                                                            

TÍNH LUÂN LÝ CỦA CÁC ĐAM MÊ

 

370.  Các đam mê là gì ?

1762-1766
1771-1772

Đam mê là những cảm xúc, những rung động hay những chuyển biến của sự nhạy cảm – đó là những yếu tố tự nhiên của tâm lý con người – chúng thúc đẩy con người hành động hay không hành động, theo điều được cảm nhận là tốt hoặc xấu. Những đam mê căn bản là yêu và ghét, ước muốn và sợ hãi, vui buồn và phẫn nộ. Đam mê quan trọng nhất là tình yêu, được h?p d?n b?i điều thiện. Người ta chỉ yêu điều thiện hảo, hoặc là điều thiện hảo thực sự hoặc là điều người ta tưởng là thiện hảo.  

371.  Xét về khía cạnh luân lý, đam mê tốt hay xấu ?

1767-1770
1773-1775

Vì là những rung động của khả năng cảm thụ, đam mê tự chúng không tốt và cũng chẳng  xấu. Đam mê tốt khi đưa đến những hành động tốt, và là xấu trong trường hợp nghịch lại. Các đam mê có thể được thăng hoa thành các nhân đức hay thoái hóa thành các nết xấu.                                                               

LƯƠNG TÂM LUÂN LÝ

 

372.  Lương tâm luân lý là gì ?

1776-1780
1795-1797

Hiện diện trong sâu thẳm lòng người, lương tâm luân lý là một phán đoán của lý trí, vào lúc cần thiết, thúc đẩy con người làm lành lánh dữ. Nhờ lương tâm luân lý, con người nhận thức được phẩm chất luân lý của một hành vi sẽ làm hay đã làm, và đảm nhận trách nhiệm về hành vi đó. Khi lắng nghe tiếng nói của lương tâm luân lý, con người khôn ngoan có thể nghe được tiếng Thiên Chúa nói với mình. 

373.  Phẩm giá con người đòi buộc điều gì đối với lương tâm luân lý ?

1780-1782
1798

Phẩm giá con người đòi hỏi sự ngay thẳng của lương tâm luân lý, có nghĩa là lương tâm phải phù hợp với điều công chính và tốt lành dựa theo lý trí và Lề luật của Thiên Chúa. Căn cứ vào phẩm giá nhân vị như thế, con người không thể bị ép buộc phải hành động nghịch lại với lương tâm mình, cũng như không thể bị ngăn cản, trong các giới hạn của công ích, hành động theo lương tâm mình, nhất là trong lãnh vực tôn giáo.  

374.  Làm sao đào tạo lương tâm ngay thẳng và chân thật ?

1783-1788
1799-1800

Lương tâm luân lý ngay thẳng và chân thật được đào tạo qua giáo dục, qua việc thấm nhu?n Lời Chúa và các giáo huấn của Hội thánh. Lương tâm luân lý được các hồng ân Chúa Thánh Thần nâng đỡ và được các lời khuyên bảo của những người khôn ngoan trợ giúp. Ngoài ra, cầu nguyện và xét mình cũng đóng góp rất nhiều vào việc đào tạo luân lý.  

375.  Đâu là những quy tắc mà lương tâm luôn phải theo ?

1789

Có ba qui tắc căn bản : 1) Không bao giờ được làm điều xấu để đạt tới điều tốt; 2) Luật vàng: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12); 3) Đức ái Kitô giáo luôn đòi hỏi tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ, mặc dù điều đó không có nghĩa là chấp nhận một điều xấu khách quan như là một điều tốt.   

376.  Lương tâm có thể đưa ra những phán đoán sai lầm không ?

1790-1794
1801-1802

Con người phải luôn tuân theo phán đoán chắc chắn của lương tâm mình; nhưng lương tâm cũng có thể đưa ra những phán đoán sai lầm, vì không phải lúc nào người ta cũng tránh được lầm lỗi của mình. Tuy nhiên, người ta không thể qui trách nhiệm cho người thực hiện điều xấu vì sự thiếu hiểu biết ngoài ý muốn, cả khi đó là một điều xấu khách quan. Chính vì thế, con ngu?i ph?i v?n d?ng h?t m?i kh? nang d? giúp lương tâm luân lý tránh kh?i những sai lầm.                                   

CÁC NHÂN ĐỨC

 

377.  Nhân đức là gì ?

1803, 1833

Nhân đức là một xu hướng thường xuyên và kiên trì để làm điều thiện. “Mục đích của một đời sống nhân đức là trở nên giống Thiên Chúa” (thánh Grêgôriô thành Nyssa). Có những đức tính nhân bản và những nhân đức đối thần.  

378.  Các d?c tính nhân bản là gì ?

1804
1810-1811
1834, 1839

Các d?c tính nhân bản là xu hướng thường xuyên và kiên trì của lý trí và ý chí nhằm điều chỉnh hành vi của chúng ta, điều tiết các đam mê và hướng dẫn nếp sống chúng ta cho phù hợp với lý trí và đức tin. Nhờ đạt được và củng cố thường xuyên bằng các hành vi luân lý tốt, các d?c tính nhân bản được ân sủng Thiên Chúa thanh luyện và nâng cao.    

379.  Các d?c tính nhân bản chính là gì ?

1805
1834

Đó là các đức tính được gọi là các đức tính “căn bản.” Tất cả các nhân đức khác đều qui tụ quanh các đức tính này và tạo thành nền tảng cho đời sống đạo đức. Đó là : khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ.  

380.  Khôn ngoan là gì ?       

1806
1835

Khôn ngoan là đức tính giúp lý trí sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh phân định điều thiện đích thực và chọn lựa những phương tiện thích hợp để đạt tới điều thiện đó. Sự khôn ngoan hướng dẫn các đức tính khác, bằng cách chỉ ra cho chúng luật lệ và mức độ của chúng.                         

381.  Công bằng là gì ?

1807
1836

Công bằng là đức tính luân lý thể hiện qua quyết tâm trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và trả cho tha nhân những gì thuộc về tha nhân. Công bằng đối với Thiên Chúa được gọi là “nhân đức thờ phượng”.   

382.  Can đảm là gì ?

1808
1837

Can đảm là đức tính luân lý giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời; can đảm có thể đưa đến khả năng dám hy sinh chính mạng sống để bảo vệ một điều công chính. 

383.  Tiết độ là gì ?

1809
1838

Tiết độ là đức tính luân lý giúp ta điều tiết sức lôi cuốn của những lạc thú, sử dụng chừng mực các của cải trần thế, giúp ý chí làm chủ các bản năng và kiềm chế các ham muốn trong giới hạn chính đáng. 

384.  Các nhân đức đối thần là gì ?

1812-1813
1840-1841

Các nhân đức đối thần là những nhân đức có chính Thiên Chúa là nguồn gốc, động lực và đối tượng trực tiếp. Các nhân đức này được phú bẩm trong con người cùng với ân sủng thánh hóa, giúp con người có khả năng sống tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi. Các nhân đức đối thần tạo nền móng và động lực cho hành vi luân lý của người Kitô hữu, làm sinh động các đức tính nhân bản. Chúng là bảo chứng cho sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong các khả năng của con người.   

385.  Các nhân đức đối thần là những nhân đức nào ?

1813

Các nhân đức đối thần gồm có : đức tin, đức cậy và đức mến. 

386.  Đức tin là gì ?

1814-1816
1842

Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã mạc khải cho chúng ta và những gì Hội thánh dạy chúng ta tin, bởi vì Thiên Chúa là chính Chân lý. Bằng đức tin, con người phó thác bản thân mình một cách tự do cho Thiên Chúa. Vì thế người tin tìm kiếm để nhận biết và thi hành ý muốn của Ngài, vì “đức tin hoạt động nhờ đức ái” (Gl 5,6). 

387.  Đức cậy là gì ?

1817-1821
1843

Đức cậy là nhân đức đối thần giúp chúng ta khao khát và mong chờ Thiên Chúa ban cho chúng ta đời sống vĩnh cửu là hạnh phúc của chúng ta, khi tin tưởng vào các lời hứa của Đức Kitô và cậy dựa vào sự trợ giúp của ơn Chúa Thánh Thần để xứng đáng hưởng đời sống vĩnh cửu và kiên trì cho đến hết cuộc đời trần thế.    

388.  Đức ái là gì ?

1822-1829
1844

Đức ái là nhân đức đối thần giúp chúng ta kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và bởi tình yêu đối với Thiên Chúa, chúng ta yêu thương người khác như chính mình. Chúa Giêsu lấy đức ái làm giới răn mới, là sự viên mãn của Lề luật. Đức ái là “mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14), là nền tảng của các nhân đức khác mà nó làm cho sinh động, gợi hứng và ra lệnh. Không có đức ái, “tôi sẽ chẳng là gì cả và . . . chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,1-3). 

389.  Các ơn Chúa Thánh Thần là gì ?

1830-1831
1845

Các ơn Chúa Thánh Thần là những xu hướng thường trực giúp cho con người ngoan ngoãn theo những linh ứng của Thiên Chúa. Có bảy ơn Chúa Thánh Thần : khôn ngoan, thông minh, mưu lược, dũng cảm, hiểu biết, hiếu thảo và kính sợ Thiên Chúa.  

390.  Những hoa trái của Chúa Thánh Thần là gì ?

1832

Những hoa trái của Chúa Thánh Thần là những điều thiện hảo được khắc ghi trong chúng ta như hoa quả đầu mùa của vinh quang vĩnh cửu. Truyền thống Hội thánh đưa ra mười hai hoa trái của Chúa Thánh Thần : “Bác ái, hoan lạc, an bình, kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ, từ tâm, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết” (Gl 5,22-23).

 

TỘI LỖI

 

391.  Để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì ?

1846-1848
1870

Để có thể đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải nhìn nhận và thống hối các tội lỗi của mình. Chính Thiên Chúa, qua Lời và Thánh Thần của Ngài, giúp chúng ta thấy rõ tội lỗi của mình, ban cho chúng ta lương tâm ngay thẳng và niềm hy vọng vào ơn tha thứ.   

392.  Tội là gì ?

1849-1851
1871-1872

Tội là “một lời nói, hành vi hoặc ước muốn trái nghịch với Luật vĩnh cửu” (thánh Augustinô). Tội là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa, không vâng phục tình yêu của Người. Tội gây thương tích cho bản tính của con người và làm thương tổn đến tương quan giữa con người. Qua cuộc Tử nạn, Đức Kitô cho thấy rõ ràng tích chất trầm trọng của tội và đã chiến thắng nó bằng lòng thương xót của Người.  

393.  Có nhiều loại tội hay không ?

1852-1853
1873

Có rất nhiều loại tội. Các tội có thể được phân biệt theo đối tượng của chúng hoặc theo các nhân đức hay các giới răn, mà tội đối nghịch. Người ta còn có thể phân biệt tội theo tương quan trực tiếp của chúng với Thiên Chúa, với tha nhân hoặc với chính bản thân. Ngoài ra, người ta cũng có thể phân biệt tội trong tư  tưởng, lời nói, việc làm và việc bỏ sót không làm.  

394.  Người ta phân biệt tội theo tính chất trầm trọng của chúng như thế nào ?

1854

Người ta phân biệt tội trọng và tội nhẹ. 

395.  Khi nào người ta phạm tội trọng ?

1855-1861
1874

Người ta phạm tội trọng khi cùng lúc có chất liệu nặng, ý thức đầy đủ, và tự ý ưng thuận. Tội trọng phá huỷ đức mến trong chúng ta, cướp đi ân sủng thánh hoá và dẫn chúng ta đến cái chết đời đời trong hỏa ngục nếu không sám hối. Tội trọng được tha thứ cách thông thường nhờ Bí tích Rửa tội và Bí tích Thống hối, còn gọi là Bí tích Hòa giải.  

396.  Khi nào người ta phạm tội nhẹ ?

1862-1864
1875

Khác biệt cách triệt để với tội trọng, người ta phạm tội nhẹ khi chất liệu là nhẹ, hoặc thậm chí chất liệu là nặng, nhưng không có đầy đủ ý thức hay không hoàn toàn ưng thuận. Tội nhẹ không cắt đứt tương quan với Thiên Chúa, nhưng làm suy yếu đức mến. Tội nhẹ biểu lộ lòng quyến luyến lệch lạc đối với của cải trần thế, ngăn cản sự tiến triển của linh hồn trong việc thực hành nhân đức và trong việc thực thi điều thiện luân lý. Tội nhẹ đáng chịu những hình phạt tạm thời để thanh luyện.                 

397.  Tội sinh sôi nảy nở nơi chúng ta như thế nào ?

1865, 1876

Tội tạo nên xu hướng về tội, và do việc lặp đi lặp lại cùng một hành vi, sẽ tạo nên thói xấu. 

398.  Các thói xấu là gì ?

1866-1867

Đối nghịch với các nhân đức, các thói xấu là những thói quen lệch lạc làm mờ tối lương tâm và hướng chiều về điều xấu. Các thói xấu có thể ghép lại thành bảy mối tội đầu : kiêu ngạo, hà tiện, ganh tị, nóng giận, dâm dục, mê ăn uống, và lười biếng. 

399.  Chúng ta có trách nhiệm gì đối với tội người khác không ?

1868

Chúng ta có trách nhiệm đối với tội của người khác, khi chúng ta cộng tác cách có lỗi vào tội đó. 

400.  Các cơ cấu của tội là gì ?

1869

Các cơ cấu của tội là những hoàn cảnh xã hội hay những tổ chức nghịch lại với Luật Thiên Chúa; chúng là những biểu lộ và là hậu quả của các tội cá nhân.  

 

CHƯƠNG HAI

CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI

 

CÁ NHÂN VÀ XÃ HỘI

 

401.  Chiều kích xã hội của con người hệ tại điều gì ?

1877-1880
1890-1891

Con người không những được kêu gọi theo từng cá nhân để hưởng hạnh phúc, nhưng còn có một chiều kích xã hội, tạo thành một yếu tố căn bản của bản chất cũng như ơn gọi của mình. Thật vậy, tất cả mọi người đều được kêu gọi đến cùng một mục đích là chính Thiên Chúa. Có một sự tương tự nào đó giữa sự hiệp thông các Ngôi Vị Thiên Chúa với tình huynh đệ mà con người phải thiết lập với nhau, trong chân lý và tình yêu. Tình yêu đối với tha nhân không thể tách rời khỏi tình yêu đối với Thiên Chúa.  

402.  Đâu là mối tương quan giữa cá nhân với xã hội ?

1881-1882
1892-1893

Nguyên lý, chủ thể và mục đích của tất cả các định chế xã hội là và phải là con người . Một số cộng đồng, chẳng hạn như gia đình và tập thể dân sự, rất cần thiết cho con người. Các hiệp hội khác cũng hữu ích cho con người, cả trên bình diện quốc gia cũng như trên bình diện quốc tế, nhưng phải tôn trọng nguyên tắc hỗ trợï. 

403.  Nguyên tắc hỗ trợ là gì ?

1883-1885
1894

Nguyên tắc này có nghĩa là một cộng đồng ở cấp độ cao hơn không được thâu tóm các phận vụ thuộc cộng đồng ở cấp độ thấp hơn, đến độ cướp mất thẩm quyền của cộng đồng cấp thấp này. Đúng hơn, cộng đồng cấp cao phải nâng đỡ cộng đồng cấp thấp trong trường hợp cần thiết.  

404.  Một cộng đồng nhân loại đích thực còn đòi buộc điều gì khác nữa ?

1886-1889
1895-1896

Cộng đồng nhân loại đích thực đòi buộc phải tôn trọng sự công bằng, một bậc thang giá trị đúng đắn, các chiều kích thể lý và bản năng phải phụ thuộc các chiều kích nội tâm và tinh thần. Đặc biệt, nơi nào tội lỗi làm băng hoại môi trường xã hội, phải kêu gọi sám hối tâm hồn và kêu cầu đến ân sủng của Thiên Chúa, để có thể thay đổi xã hội hầu thực sự phục vụ cho tất cả mọi người và từng cá nhân. Đức ái là giới răn cao cả nhất mang tính xã hội, vì đòi buộc sự công bằng và giúp thực hiện sự công bằng.    

                                                           

THAM DỰ VÀO ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

 

405.  Quyền bính trong xã hội được đặt trên nền tảng nào ?

1897-1902
1918-1920

Mọi cộng đồng nhân loại đều cần có một quyền bính hợp pháp để bảo đảm trật tự và góp phần vào việc phục vụ công ích. Quyền bính này đặt nền tảng trên bản tính con người, vì  phù hợp với trật tự được Thiên Chúa thiết lập. 

406.  Khi nào quyền bính được thực thi hợp pháp ?

1901
1903-1904
1921-1922

Quyền bính được thực thi cách hợp pháp khi hoạt động vì công ích và sử dụng các phương tiện hợp pháp về mặt luân lý để đạt được công ích ấy. Vì thế, các thể chế chính trị phải được thiết lập do quyết định tự do của các công dân và họ phải tuân giữ nguyên tắc “Nhà nước pháp chế,” trong đó luật pháp là tối thượng chứ không phải ý muốn độc đoán của một số người. Các luật  lệ bất công và các biện pháp trái nghịch với trật tự luân lý không bó buộc lương tâm con người.  

407.  Công ích là gì ?

1905-1906
1924

Công ích được hiểu là toàn thể những điều kiện của đời sống xã hội cho phép các nhóm và các cá nhân đạt tới sự hoàn hảo của mình. 

408.  Công ích bao gồm những điều gì ?

1907-1909
1925

Công ích bao gồm : sự tôn trọng và cổ võ các quyền lợi căn bản của con người, việc phát triển các lợi ích tinh thần và vật chất của con người cũng như của xã hội, hoà bình và an ninh cho tất cả mọi người. 

409.  Ở đâu công ích được thực hiện một cách đầy đủ nhất ?

1910-1912
1927

Công ích được thực hiện cách đầy đủ nhất trong các cộng đồng chính trị nào biết bảo vệ và cổ võ thiện ích cho các công dân và các tổ chức trung gian, mà không quên thiện ích phổ quát của gia đình nhân loại.

 

410.  Con người tham gia vào việc thực hiện công ích như thế nào ?

1913-1917
1926

Tuỳ theo địa vị và vai trò đảm nhận, mỗi người phải góp phần vào việc cổ võ công ích : bằng việc tôn trọng các luật công bằng, và dấn thân vào những lãnh vực mà cá nhân họ có trách nhiệm, như chăm sóc gia đình và dấn thân trong công việc của mình. Trong khả năng của mình, các công dân cũng phải tích cực tham gia vào đời sống công cộng.                                                      

CÔNG BẰNG XÃ HỘI

 

411.  Làm thế nào  xã hội bảo đảm được công bằng xã hội ?

1928-1933
1943-1944

Xã hội bảo đảm công bằng xã hội khi tôn trọng phẩm giá và những quyền lợi con người; đó chính là mục đích thực sự của xã hội. Ngoài ra, xã hội tìm kiếm công bằng xã hội, là điều liên hệ đến công ích và việc thực thi quyền hành, khi xã hội tạo điều kiện để các hiệp hội và các cá nhân đạt được những gì thuộc về quyền lợi của họ. 

412.  Đâu là nền tảng sự bình đẳng giữa người với người ?          

1934-1935
1945

Mọi người đều được hưởng sự bình đẳng về phẩm giá và những quyền lợi căn bản, vì họ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa duy nhất và được ban cho một linh hồn có lý trí. Họ có chung một bản tính và một nguồn gốc, và được mời gọi chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa trong Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất. 

413.  Chúng ta đánh giá những bất bình đẳng giữa con người như thế nào ?  

1936-1938
1946-1947

Có những sự bất bình đẳng về mặt kinh tế và xã hội ảnh hưởng trên hàng triệu con người. Những bất bình đẳng này đi ngược lại cách công khai với Phúc Âm và đối nghịch với công bằng, với phẩm giá con người và với hòa bình. Nhưng cũng có những khác biệt giữa con người, do những nhân tố khác nhau thuộc kế hoạch của Thiên Chúa. Thật vậy, Thiên Chúa muốn rằng người này nhận ở người kia những gì họ cần thiết và những ai có những “nén bạc” đặc biệt, nên chia sẻ với những người khác. Những sự khác biệt này khuyến khích và thường bắt buộc con người phải sống hào hiệp, nhân từ và chia sẻ. Chúng thúc đẩy các nền văn hóa làm phong phú lẫn nhau. 

414.  Tình liên đới nhân loại được biểu lộ như thế nào ?

1939-1942
1948

Xuất phát từ tình huynh đệ nhân bản và Kitô giáo, tình liên đới trước hết được biểu lộ trong việc phân phối hợp lý các của cải, trong việc trả lương lao động một cách công bằng và trong việc dấn thân cho một trật tự xã hội công bằng hơn. Nhân đức liên đới được thực hiện qua việc chia sẻ các của cải tinh thần của đức tin, điều này còn quan trọng hơn là các của cải vật chất. 

CHƯƠNG BA

ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA : LỀ LUẬT  VÀ ÂN SỦNG

 

LUẬT  LUÂN  LÝ

 

415.  Luật luân lý là gì ?

1950-1953
1975-1978

Luật luân lý là công trình khôn ngoan của Thiên Chúa, chỉ cho con người những con đường và qui luật sống, dẫn đến hạnh phúc Thiên Chúa đã hứa, và ngăn cấm những nẻo đường đưa con người xa lìa Thiên Chúa. 

416.  Luật luân lý tự nhiên hệ tại điều gì ?

1954-1960
1978-1979

Được Đấng Sáng Tạo khắc ghi trong tâm hồn mọi người, luật tự nhiên hệ tại việc tham dự vào sự khôn ngoan và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Luật tự nhiên diễn tả cảm thức luân lý nguyên thủy, giúp con người sử dụng lý trí để phân định điều tốt điều xấu. Luật tự nhiên mang tính phổ quát và bất biến, đặt nền tảng cho các quyền lợi và nghĩa vụ căn bản của con người, cũng như của cộng đồng nhân loại và của chính luật dân sự. 

417.  Mọi người có nhận thức được luật tự nhiên không ?

1960

Vì tội lỗi, mọi người không thể nhận thức luật tự nhiên cách rõ ràng và trực tiếp như nhau.  

Vì vậy, “Thiên Chúa đã viết trên các bảng Luật, tất cả những gì mà con người không đọc nổi trong tâm hồn họ” (thánh Augustinô).

 

418.  Tương quan giữa luật tự nhiên và Luật Cựu Ước như thế nào ?

1961-1962
1980

Luật Cựu Ước là cấp độ đầu tiên của Luật mạc khải, trình bày nhiều chân lý mà lý trí tự nhiên có thể đạt tới; những chân lý này được củng cố và chính thức hóa trong các Giao ước cứu độ. Các qui định luân lý của chúng được tóm lại trong Mười điều răn, đặt nền tảng cho ơn gọi của con người. Các qui định này ngăn cấm những gì nghịch lại tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, và ấn định những đòi hỏi căn bản của tình yêu ấy.    

419.  Luật Cựu Ước có vị trí nào trong kế hoạch cứu độ ?

1963-1964
1982

Luật Cựu Ước giúp chúng ta nhận biết nhiều chân lý mà lý trí có thể đạt được. Luật Cựu Ước chỉ cho thấy điều người ta phải làm hay không được phép làm, và nhất là, như một nhà sư phạm khôn ngoan, chuẩn bị con người sám hối để đón nhận Tin Mừng. Tuy nhiên, dù thánh thiện, thiêng liêng và tốt lành, Luật Cựu Ước vẫn bất toàn, vì tự nó không ban sức mạnh và ân sủng của Chúa Thánh Thần để giúp người ta tuân giữ nó. 

420.  Luật Mới hay Luật Tin Mừng là gì ?

1965-1972
1983-1985

Luật Mới hay Luật Tin Mừng được Đức Kitô rao giảng và thực hiện, là sự viên mãn và hoàn thành Luật Thiên Chúa, tự nhiên và mạc khải. Luật Mới được tóm kết trong giới răn mến Chúa yêu người, “yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta”. Luật Mới cũng là một thực tại trong thâm tâm con người, đó là ân sủng của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta có thể thực hiện một tình yêu như thế. Đó là “luật tự do” (Gc 1,25), hướng dẫn chúng ta mau mắn hành động dưới sự thúc đẩy của tình yêu.   

“Trước tiên, Luật Mới là  ân sủng của Chúa Thánh Thần, được ban cho các tín hữu trong Đức Kitô” (thánh Tôma Aquinô).   

421.  Chúng ta gặp được Luật Mới ở đâu ?

1971-1974
1986

Chúng ta gặp được Luật Mới trong suốt cuộc đời và lời rao giảng của Đức Kitô, cũng như trong huấn giáo luân lý của các Tông đồ. Bài giảng trên núi là cách diễn tả chính yếu của luật này.   

ÂN SỦNG VÀ CÔNG CHÍNH HOÁ

 

422.  Công chính hoá là gì ?

1987-1995
2017-2020

Công chính hoá là công trình tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa. Đó là hành động nhân từ và nhưng không của Thiên Chúa, Đấng tha thứ tội lỗi cho chúng ta và làm cho chúng ta nên công chính, thánh thiện trong con người chúng ta. Điều đó được thực hiện bằng ân sủng của Chúa Thánh Thần, ân sủng đó được dành sẵn cho chúng ta nhờ cuộc khổ nạn của Đức Kitô, và được trao ban cho chúng ta qua Bí tích Rửa tội. Việc công chính hóa mở đường cho lời đáp trả tự do của con người, nghĩa là cho đức tin vào Đức Kitô và cho sự cộng tác với ân sủng của Chúa Thánh Thần.  

423.  Ân sủng công chính hóa chúng ta là gì ?

1996-1998,
2005
2021

Ân sủng là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban giúp chúng ta tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và có khả năng hành động vì tình yêu dành cho Ngài. Ân sủng được gọi là ơn thường sủng, ơn thánh hóa hay ơn thần hóa, vì ân sủng thánh hóa và thần hóa chúng ta. Ân sủng siêu nhiên, vì tùy thuộc hoàn toàn vào sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa và vượt quá mọi khả năng của lý trí và sức lực con người. Vì vậy, ân sủng vượt khỏi kinh nghiệm của chúng ta. 

424.  Các loại ân sủng khác là gì ?

1999-2000
2003-2004
2023-2024

Ngoài ơn thường sủng, còn có ơn hiện sủng (ân sủng tùy hoàn cảnh), các ơn Bí tích (ân sủng đặc biệt của mỗi Bí tích), các ân sủng đặc biệt hay đặc sủng (có mục đích là sự thiện ích của Hội thánh), trong đó có ơn chức phận, là ơn đi kèm theo việc thi hành các thừa tác vụ trong Hội thánh và các trách nhiệm của đời sống.   

425.  Đâu là tương quan giữa ân sủng với tự do con người ?

2001-2002

Ân sủng dọn đường, chuẩn bị và khơi dậy lời đáp trả tự do của con người. Ân sủng thỏa mãn những khát vọng thâm sâu của sự tự do con người, mời gọi tự do cộng tác, hướng dẫn tự do đến sự toàn thiện. 

426.  Công phúc là gì ?

2006-2010
2025-2026

Công phúc là điều đem lại quyền được thưởng cho một hành động tốt. Trong những liên hệ với Thiên Chúa, con người tự mình không có gì được gọi là công phúc, vì họ lãnh nhận tất cả từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa cho con người khả năng lập công nhờ kết hợp vào đức ái của Đức Kitô, nguồn mạch các công phúc của chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Vì vậy, công phúc của những việc lành trước hết là do ân sủng của Thiên Chúa, thứ đến mới do ý chí tự do của con người. 

427.  Chúng ta có thể lập công để lãnh nhận những điều thiện hảo nào  ?

2010-2011
2027

Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể lập công để lãnh nhận, cho chính mình và cho người khác, những ân sủng hữu ích cho việc thánh hoábản thân và cho việc đạt tới đời sống vĩnh cửu, cũng như của cải vật chất cần thiết cho chúng ta, theo kế hoạch của Thiên Chúa. Tuy nhiên, không ai có thể lập công để lãnh nhận ân sủng đầu tiên, là ân ban lúc khởi đầu để sám hối và được nên công chính.  

428.  Có phải mọi người đều được mời gọi tiến đến sự thánh thiện Kitô giáo không ?

2012-2016
2028-2029

Mọi tín hữu đều được mời gọi tiến đến sự thánh thiện Kitô giáo. Sự thánh thiện này là sự viên mãn của đời sống Kitô hữu, sự toàn hảo của tình yêu, được thực hiện trong việc kết hợp mật thiết với Đức Kitô và, trong Người, với Thiên Chúa Ba Ngôi. Con đường nên thánh của người Kitô hữu, sau khi kinh qua thập giá, sẽ được hoàn thành trong cuộc phục sinh chung cuộc của những người công chính, trong đó “Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi loài.”  

GIÁO HỘI, MẸ VÀ THẦY

 

429.  Hội thánh nuôi dưỡng đời sống luân lý của người Kitô hữu như thế nào ?

2030-2031
2047

Hội thánh là cộng đoàn các người Kitô hữu. Trong Hội thánh, họ đón nhận lời Chúa và những giáo huấn về “Luật của Đức Kitô” (Gl 6,2), lãnh nhận ân sủng các Bí tích, kết hợp bản thân vào hy lễ Thánh Thể của Đức Kitô, để đời sống luân lý của họ trở thành một phượng tự thiêng liêng. Trong Hội thánh, họ học gương thánh thiện của Đức Trinh Nữ Maria và của các thánh. 

430.  Tại sao Huấn quyền Hội thánh can thiệp vào lãnh vực luân lý ?

2032-2040
2049-2051

Trách nhiệm của Huấn quyền Hội thánh là rao giảng đức tin để mọi người tin và áp dụng vào đời sống cụ thể. Trách nhiệm này cũng bao gồm cả những giới luật đặc thù của luật tự nhiên, bởi vì tuân giữ những giới luật đó rất cần thiết cho ơn cứu độ. 

431.  Các điều răn của Hội thánh có mục đích gì ?

2041
2048

Năm điều răn của Hội thánh có mục đích bảo đảm cho người tín hữu những điều tối thiểu thiết yếu về tinh thần cầu nguyện, đời sống Bí tích, dấn thân luân lý và tăng trưởng tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. 

432.  Năm điều răn của Hội thánh là gì ?

2042-2043

Năm điều răn của Hội thánh là : (1) tham dự Thánh lễ Chúa nhật cũng như các ngày lễ buộc, kiêng việc xác và những hoạt động có thể cản trở việc thánh hoá những ngày đó; (2) xưng tội để lãnh nhận Bí tích Giao hoà ít là mỗi năm một lần; (3) Rước lễ ít là trong mùa Phục sinh; 4) Kiêng thịt và giữ chay trong những ngày Hội thánh quy định; (5) Mỗi người theo khả năng, đóng góp cho các nhu cầu vật chất của Hội thánh. 

433.  Tại sao đời sống luân lý của người Kitô hữu rất cần thiết để loan báo Tin Mừng ?

2044-2046

Nhờ đời sống luân lý phù hợp với Chúa Giêsu, các người Kitô hữu lôi kéo mọi người tin vào Thiên Chúa thật; họ xây dựng Hội thánh; đem tinh thần Phúc Âm vào giữa lòng đời và chuẩn bị cho Nước Thiên Chúa đến. 

ĐOẠN THỨ HAI

MƯỜI ĐIỀU RĂN

 

 

Một anh thanh niên đã hỏi Chúa Giêsu câu này : “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời ?” Chúa Giêsu trả lời anh ta : “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,17.21) 

Việc “Theo Chúa Giêsu” đòi buộc chúng ta phải tuân giữ các điều răn. Luật Cũ không bị bỏ đi, nhưng chúng ta được mời gọi tìm lại luật đó trong con người của vị Thầy chí thánh, Đấng thực hiện Lề luật cách trọn hảo ngay trong bản thân mình, khi mạc khải trọn vẹn ý nghĩa và xác nhận giá trị tồn tại của nó.   

Hình ảnh của đoạn này trình bày Chúa  Giêsu đang dạy các môn đệ Bài giảng trên núi (x. Mt 5-7). Những yếu tố quan trọng nhất của bải giảng này chính là : Tám mối phúc thật, việc hoàn thiện Luật Cũ, kinh Lạy Cha, những hướng dẫn về chay tịnh, lời mời gọi các môn đệ trở thành muối đất và ánh sáng thế gian. 

Núi nằm ở vị trí cao hơn mặt đất và gần trời hơn, cho thấy đó là một nơi thích hợp nhất để gặp gỡ Thiên Chúa. Chúa Giêsu như vị Thầy, ngồi trên tảng đá như bục giảng ở vị trí thật tốt, với ngón trỏ bàn tay phải hướng lên trời, để chỉ xuất xứ thần linh của các lời nói của Người về cuộc sống và hạnh phúc. Cuộn giấy Người cầm nơi bàn tay trái cho thấy giáo huấn trọn vẹn của Người, giáo huấn mà Người gởi gấm cho các Tông đồ một cách tin tưởng; Người mời gọi họ rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc, Rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. 

Mười hai Tông đồ, ngồi vòng quanh như một mũ triều dưới chân Thầy, mỗi người đều có hào quang trên đầu để chỉ sự trung tín với Chúa Giêsu và chứng tá về sự thánh thiện trong Hội thánh. Một người, hơi bị khuất bên phía mặt, có một vòng đen, nói lên sự bất trung đối với Tin Mừng. Lời công bố Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu không phải là những lời trống rỗng và bất định, nhưng đầy hiệu năng và trường tồn. Về điểm này, chúng ta đọc được đoạn nói về người bất toại ở Capharnaum, được ba Phúc Âm Nhất Lãm trình thuật, rất có ý nghĩa : 

“Chúa Giêsu xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. Và kìa, người ta khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Chúa Giêsu bảo người bại liệt : “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi !” Và kìa mấy kinh sư nghĩ bụng rằng : “Ông này nói phạm thượng.” Nhưng Chúa Giêsu biết ý nghĩ của họ, liền nói : “Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy ? Trong hai điều : một là bảo : “Con đã được tha tội rồi”, hai là bảo : “Đứng dậy mà đi” điều nào dễ hơn ? Vậy để  các ông biết : ở dưới đấy này, Con Người có quyền tha tội – bấy giờ Chúa Giêsu bảo người bại liệt : “Hãy đứng dậy, vác giường mà về nhà đi !” (Mt 9,1-6). 

Trong sự kiện này, việc chữa lành về mặt thể lý là phương diện khả giác của phép lạ thiêng liêng về việc giải phóng khỏi tội lỗi. Chữa lành và tha thứ vẫn là những cử chỉ tiêu biểu cho việc giáo dục của Chúa  Giêsu, vị Thầy thần linh.

FRA ANGELICO, Bài giảng trên núi, Bảo tàng viện  Thánh Marco, Florence

 

Xuất hành 20, 2-17

 

“Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. 

Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. 

Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.  

Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ : vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. 

Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Ngài  một cách bất xứng. 

Ngươi hãy nhớ ngày sabát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Ngài đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sabát và coi đó là ngày thánh. 

Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. 

Ngươi không được giết người. 

Ngươi không được ngoại tình. 

Ngươi không được trộm cắp. 

Ngươi không được làm chứng gian hại người. 

Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.” 

Đệ nhị luật 5, 6-21

 

“Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. 

Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.  

Ngươi không được tạc tượng vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ : vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. 

Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Thiên Chúa không dung tha kẻ dùng danh Ngài một cách bất xứng. 

Ngươi hãy giữ ngày sabát, mà coi đó là ngày thánh, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi, cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, bò lừa và mọi gia súc của ngươi, và ngoại kiều ở trong thành của ngươi, để tôi tớ nam nữ của ngươi được nghỉ như ngươi. Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai-cập, và Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày sa-bát. 

Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi. 

Ngươi không được giết người. 

Ngươi không được ngoại tình. 

Ngươi không được trộm cắp. 

Ngươi không được làm chứng dối hại người.  

Ngươi không được ham muốn vợ người ta, ngươi không được thèm muốn nhà của người ta, đồng ruộng, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.”

 

Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn

 

Thứ nhứt, thờ phượng Đức Chúa Trời và kính mến Ngài  trên hết mọi sự.

Thứ hai, chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.

Thứ ba, giữ ngày Chúa Nhật,

Thứ bốn, thảo kính cha mẹ,

Thứ năm, chớ giết người,

Thứ sáu, chớ làm sự dâm dục,

Thứ bảy, chớ lấy của người,

Thứ tám, chớ làm chứng dối,

Thứ chín, chớ muốn vợ chồng người,

Thứ mười, chớ tham của người

434.  “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời ?” (Mt 19,16)

2052-2054
2075-2076

Khi người thanh niên hỏi câu này, Chúa Giêsu trả lời : “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn,” rồi Người thêm : “Hãy đến theo Tôi” (Mt 19, 16-21). Việc theo Chúa Giêsu bao gồm cả việc tuân giữ các điều răn. Lề luật không bị phá bỏ, nhưng chúng ta được mời gọi tìm lại Lề luật nơi Con người của Vị Tôn sư thần linh của mình, Đấng thực thi trọn vẹn Lề luật nơi chính mình, Đấng mạc khải trọn vẹn ý nghĩa của Lề luật, và chứng nhận tính trường tồn của Lề luật. 

435.  Chúa Giêsu giải thích Lề luật thế nào ?

2055

Chúa Giêsu giải thích Lề luật dưới ánh sáng của giới răn yêu thương duy nhất nhưng có hai vế, là sự viên mãn của Lề luật : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách tiên tri đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,37-40). 

436.  “Mười điều răn” nghĩa là gì ?

2056-2057

“Mười điều răn” có nghĩa là “mười lời” (Xh 34, 28), tóm tắt Lề luật do Thiên Chúa ban cho dân Israel trong bối cảnh của Giao ước qua trung gian Môsê. Khi trình bày các giới răn về tình yêu đối với Thiên Chúa (ba giới răn đầu) và đối với tha nhân (bảy giới răn sau), Mười điều răn vạch ra cho dân Chúa và từng người con đường dẫn đến cuộc sống được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi . 

437.  Liên hệ giữa Mười điều răn với Giao ước như thế nào ?

2058-2063
2077

Mười điều răn phải được hiểu dưới ánh sáng của Giao uớc; trong ánh sáng đó Thiên Chúa tự mạc khải và cho biết ý muốn của Ngài. Bằng việc tuân giữ các giới răn, dân Chúa muốn nói lên sự lệ thuộc của mình vào Thiên Chúa và đáp lại sáng kiến yêu thương của Ngài với lòng biết ơn. 

438.  Hội thánh dành cho Mười điều răn tầm quan trọng nào ?

2064-2068

Trung thành với Thánh Kinh và với gương của Chúa Giêsu, Hội thánh nhìn nhận Mười điều răn có tầm quan trọng và ý nghĩa hàng đầu. Các người Kitô hữu buộc phải tuân giữ Mười điều răn.  

439.  Tại sao Mười điều răn tạo thành một thể thống nhất ?

2069
2079

Mười điều răn tạo thành một thể thống nhất và không thể phân chia, vì mỗi giới răn đều liên kết với các giới răn khác và với toàn thể Mười điều răn. Vì vậy, vi phạm một giới răn là vi phạm toàn bộ Lề luật. 

440.  Tại sao Mười điều răn đòi buộc một cách nghiêm trọng ?

2072-2073,
2081

Bởi vì Mười điều răn trình bày những trách nhiệm căn bản của con người đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.  

441.  Chúng ta có khả năng tuân giữ Mười điều răn không ?

2074
2082

Thưa có, vì Đức Kitô, Đấng mà không có Người chúng ta không thể làm được việc gì, ban cho chúng ta có khả năng tuân giữ Mười điều răn, nhờ hồng ân Thánh Thần và ân sủng của Người. 

 

 

CHƯƠNG MỘT

“NGƯƠI PHẢI YÊU MẾN ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI

HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN VÀ HẾT TRÍ KHÔN NGƯƠI”

 

 

ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT :

TA LÀ ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI.

NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC CÓ THẦN NÀO KHÁC .

 

442.  Lời tuyên bố của Thiên Chúa : “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi” (Xh 20,2) bao hàm điều gì ?

2083-2094
2133-2134

Đối với người tín hữu, câu này buộc phải giữ và thực hành ba nhân đức đối thần, tránh các tội nghịch lại những nhân đức ấy. - Đức tin giúp tin tưởng vào Thiên Chúa và loại trừ những gì trái ngược, chẳng hạn như cố tình nghi ngờ, cứng tin, lạc giáo, bội giáo, ly giáo. - Đức cậy  giúp tin tưởng chờ đợi sự hưởng kiến Thiên Chúa và ơn phù trợ của Ngài, tránh sự ngã lòng và tự phụ. - Đức mến giúp yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và phải loại trừ tội lãnh đạm, vô ơn, nguội lạnh, lười biếng hoặc uể oải tinh thần, và tội oán ghét Thiên Chúa phát sinh từ kiêu ngạo. 

443.  Lời Chúa truyền “Ngươi phải thờ phượng một mình Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài  mà thôi”  gồm những điều gì  ?

2095-2105
2135-2136

Câu này buộc phải thờ lạy Thiên Chúa là Chúa tể của tất cả những gì hiện hữu; phải tôn thờ Ngài xứng đáng với tư cách cá nhân hay tập thể; phải cầu nguyện bằng những lời ca ngợi, tạ ơn và cầu khẩn; phải dâng lên Ngài những lễ tế, nhất là lễ tế thiêng liêng của cuộc đời chúng ta, kết hợp với hy lễ tuyệt hảo của Đức Kitô; phải giữ những lời hứa và lời khấn đã dâng lên Thiên Chúa. 

444.  Bằng cách nào con người thực hiện quyền lợi của mình, là được thờ phượng Thiên Chúa trong chân lý và tự do ?

2104-2109
2137

Mỗi người đều có quyền và bổn phận luân lý phải tìm kiếm chân lý, đặc biệt là những gì liên quan đến Thiên Chúa và Hội thánh của Ngài. Và một khi đã nhận biết Ngài, mỗi người đều có quyền và bổn phận luân lý phải đón nhận Ngài, trung thành với Ngài, bằng việc dâng lên Ngài một sự thờ phượng đích thực. Đồng thời, phẩm giá con người đòi hỏi về phương diện tôn giáo không ai có thể bị ép buộc hành động trái với lương tâm, và cũng không ai được ngăn cản họ hành động theo lương tâm, riêng tư cũng như công khai, một mình hay chung với những người khác, trong ranh giới của trật tự công cộng.   

445.  Thiên Chúa cấm đoán điều gì khi Ngài ra lệnh : “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20, 2) ?

2110-2128
2138-2140

Giới răn này cấm :

-   tội đa thầnthờ ngẫu tượng là thần thánh hóa một thụ tạo, quyền lực, tiền bạc hay cả ma quỉ.

-   tội mê tín là một lệch lạc trái với việc tôn thờ Thiên Chúa đích thực. Mê tín biểu lộ dưới những hình thức khác như : bói toán, ma thuật, phù thủy và chiêu hồn;

-   tội vô đạo biểu hiện bằng hành động thử thách Thiên Chúa, trong lời nói hay trong hành động; bằng việc phạm thượng, nghĩa là xúc phạm đến người hay đồ vật đã thánh hiến, nhất là Bí tích Thánh Thể; mại thánh, nghĩa là muốn mua bán những thực tại linh thiêng;

-   tội vô thần  là loại trừ sự hiện hữu của Thiên Chúa, thường phát xuất từ một quan niệm sai lạc về quyền tự lập của con người;

-   chủ thuyết bất khả tri cho rằng con người không thể nào biết về Thiên Chúa, và bao gồm chủ trương lãnh đạm tôn giáo và vô thần thực hành.  

446.  Giới răn của Thiên Chúa : “Ngươi không đựơc tạc tượng, vẽ hình . . .”, có phải là cấm việc tôn thờ ảnh tượng không ?

2129-2132
2141

Trong Cựu Ước, giới răn này cấm trình bày Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối siêu việt, bằng bất cứ hình thức nào. Nhưng khởi từ mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa, việc tôn kính ảnh tượng thánh của người Kitô hữu được xác nhận (qua Công đồng Nicea II, năm 787), vì việc tôn kính này được đặt nền tảng trên mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, qua đó Thiên Chúa siêu việt trở nên hữu hình.  Đây không phải là việc thờ lạy ảnh tượng, nhưng là việc tôn kính Đấng được trình bày qua ảnh tượng : Đức Kitô, Đức Trinh Nữ, các thiên thần và các thánh. 

ĐIỀU RĂN THỨ HAI

NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC KÊU TÊN THIÊN CHÚA CÁCH BẤT XỨNG

 

447.  Chúng ta phải tôn kính thánh Danh Thiên Chúa như thế nào ?

2142-2149
2160-2162

Chúng ta tôn kính thánh Danh Thiên Chúa bằng việc kêu cầu, chúc tụng, ca ngợi và tôn vinh Ngài. Vì vậy, cấm không được kêu đến Danh Ngài để làm chứng cho một tội ác, và không được sử dụng cách bất xứng Danh thánh Ngài, như lộng ngôn, điều này tự bản chất là một tội trọng, cũng như chửi thềbất trung với những lời hứa nhân Danh Thiên Chúa. 

448.  Tại sao cấm thề gian ?

2150-2151
2163-2164

Vì người ta nại đến Thiên Chúa, Đấng là chính Chân lý, để làm chứng cho một lời nói dối.

 “Đừng thề nhân danh Đấng Sáng Tạo, cũng đừng thề nhân danh thụ tạo, trừ khi ta nói thành thật và cần thiết với lòng tôn kính” (thánh Inhaxiô Loyola).

 

449.  Bội thề là gì ?

2152-2155

Bội thề khi đưa ra một lời hứa kèm theo một lời thề, nhưng cố ý không tuân giữ hay sau đó sẽ phá bỏ. Đó là một tội trọng phạm đến Thiên Chúa vì Ngài là Đấng luôn trung tín với những lời Ngài đã hứa.  

ĐIỀU RĂN THỨ BA

NGƯƠI PHẢI THÁNH HÓA NGÀY CỦA ĐỨC CHÚA

 

450.  Tại sao Thiên Chúa “đã chúc phúc cho ngày sabát và coi đó là ngày thánh” (Xh 20, 11) ?

2168-2172
2189

Trong ngày sabát, dân Do Thái tưởng nhớ việc Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy theo như trình thuật Tạo dựng, cũng như nhớ đến việc giải thoát Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập và nhớ đến Giao ước được Thiên Chúa thiết lập với dân Ngài. 

451.  Chúa Giêsu xử sự thế nào đối với ngày sa-bát ?

2173

Chúa Giêsu công nhận sự thánh thiêng của ngày sabát và Người dùng thẩm quyền thần linh để đưa ra giải thích đích thực về ngày này : “Ngày sabát được lập ra vì loài người chứ không phải loài người vì ngày sabát” (Mc 2, 27). 

452.  Lý do nào người Kitô hữu thay thế ngày sabát bằng ngày Chúa nhật ?

2174-2176
2190-2191

Ngày Chúa nhật là ngày Phục sinh của Đức Kitô. Là “ngày thứ nhất trong tuần” (Mc 16,2), ngày Chúa nhật gợi lại cuộc sáng tạo lần thứ nhất; là “ngày thứ tám” tiếp sau ngày sabát, ngày Chúa nhật biểu trưng một cuộc sáng tạo mới được khởi đầu bằng cuộc Phục sinh của Đức Kitô. Như thế, đối với các người Kitô hữu, ngày Chúa nhật trở thành ngày thứ nhất của mọi ngày và của tất cả mọi ngày lễ : ngày của Chúa; trong ngày này, nhờ cuộc Vượt qua, Đức Kitô hoàn tất ý nghĩa thiêng liêng ngày sabát của người Do Thái và loan báo sự an nghỉ đời đời của con người trong Thiên Chúa. 

453.  Phải thánh hóa ngày Chúa nhật thế nào ?

2177-2185
2192-2193

 

Các người Kitô hữu thánh hóa ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc khác bằng việc tham dự tiệc Thánh Thể của Chúa và tránh mọi hoạt động làm ngăn trở việc thờ phượng Thiên Chúa, hay làm xáo trộn niềm vui đặc thù trong ngày của Chúa, cũng như việc nghỉ ngơi cần thiết cho tinh thần và thân xác. Tuy nhiên, trong ngày Chúa nhật, các người Kitô hữu có thể làm những việc liên quan đến nhu cầu gia đình hay phục vụ cho những lợi ích quan trọng của xã hội, với điều kiện những hoạt động này không tạo thành những thói quen có hại cho việc thánh hóa ngày Chúa nhật, cho cuộc sống gia đình hay cho sức khỏe. 

454. Tại sao phải đấu tranh để luật dân sự công nhận ngày Chúa nhật là ngày lễ nghỉ ?

2186-2188
2194-2195

Để cho tất cả mọi người đều có thể nghỉ ngơi đầy đủ và có được một thời gian rảnh rỗi để chăm lo việc tôn giáo, gia đình, văn hóa và xã hội; tìm được thời gian thuận tiện để suy niệm, suy tư, yên tĩnh và học tập; để làm những việc thiện ích, đặc biệt là việc phục vụ những người bệnh tật và già yếu.

 

CHƯƠNG HAI

“NGƯƠI PHẢI YÊU THƯƠNG NGƯỜI THÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH”

 

ĐIỀU RĂN THỨ TƯ

NGƯƠI HÃY THỜ CHA KÍNH MẸ

 

455.  Điều răn thứ tư dạy điều gì ?

2196-2200
2247-2248

Điều răn thứ tư dạy chúng ta phải tôn kính và chăm sóc cha mẹ và những ai được Thiên Chúa trao ban quyền hành để mưu ích cho chúng ta. 

456.  Bản chất của gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa như thế nào ?

2201-2205
2249

Người nam và người nữ kết hợp với nhau qua hôn nhân, cùng với con cái tạo thành một gia đình. Thiên Chúa đã thiết lập gia đình và đặt nền tảng căn bản cho gia đình. Hôn nhân và gia đình được sắp xếp hướng về thiện ích của đôi vợ chồng, về việc sinh sản và giáo dục con cái. Giữa các thành viên trong gia đình có những mối liên hệ cá nhân và những trách nhiệm hàng đầu. Trong Đức Kitô, gia đình trở thành một Hội thánh tại gia, vì đó là một cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến. 

457. Gia đình có vai trò gì trong xã hội ?

2207-2208

Gia đình là tế bào nguyên thủy của xã hội loài người, có trước bất kỳ sự công nhận nào của chính quyền. Các nguyên tắc và giá trị của gia đình tạo thành nền tảng cho đời sống xã hội. Đời sống gia đình là khởi điểm của đời sống xã hội.  

458.  Xã hội có trách nhiệm gì đối với gia đình ?

2209-2213
2250

Xã hội có trách nhiệm nâng đỡ và củng cố hôn nhân và gia đình, nhưng vẫn tôn trọng nguyên tắc hỗ trợ. Các chính quyền phải tôn trọng, bảo vệ và cổ võ bản chất đích thực của hôn nhân và gia đình, đạo đức chung, các quyền của cha mẹ và sự thịnh vượng của các gia đình.   

459.  Con cái có những bổn phận nào đối với cha mẹ ?

2214-2220
2251

Con cái phải hiếu thảo, biết ơn, ngoan ngoãn và vâng phục cha mẹ. Nhờ những tương quan tốt đẹp với anh em, con cái góp phần làm tăng thêm sự hòa thuận và thánh thiện của toàn bộ đời sống gia đình. Khi cha mẹ nghèo túng, bệnh tật, cô đơn hay già yếu, con cái đã trưởng thành phải trợ giúp các ngài về vật chất và tinh thần. 

460.  Cha mẹ có những trách nhiệm nào đối với con cái ?

2221-2231

Vì được tham dự vào tình phụ tử của Thiên Chúa, cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái, và cũng là những người đầu tiên giáo dục đức tin cho con cái. Họ có nhiệm vụ yêu thương và tôn trọng con cái, là những nhân vịcon cái của Thiên Chúa; Họ có nhiệm vụ cung cấp cho con cái, theo hết khả năng mình, những nhu cầu vật chất và tinh thần, chọn cho chúng những trường học thích hợp, và với những lời khuyên khôn ngoan, giúp chúng chọn lựa nghề nghiệp hay bậc sống. Đặc biệt, cha mẹ có sứ vụ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái. 

461.  Làm thế nào cha mẹ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái  ?

2252-2253

Cha mẹ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái chủ yếu bằng gương sáng, kinh nguyện, dạy giáo lý trong gia đình và tham dự vào đời sống giáo hội.  

462.  Các mối liên hệ trong gia đình có giá trị tuyệt đối không ?

2232-2233

Các mối liên hệ trong gia đình, dù rất quan trọng, nhưng không phải tuyệt đối, bởi vì ơn gọi tiên quyết của người Kitô hữu là bước theo Đức Kitô bằng cách yêu mến Người : “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không đáng làm môn đệ Thầy. Ai yêu con trai con gái mình hơn Thầy thì không đáng làm môn đệ Thầy” (Mt 10,37). Cha mẹ phải vui mừng giúp đỡ con cái bước theo Chúa Giêsu trong tất cả các bậc sống, kể cả trong đời sống thánh hiến hay thừa tác vụ linh mục. 

463.  Quyền bính phải được thực thi thế nào trong những lãnh vực khác nhau của xã hội dân sự ?

2234-2237
2254

Quyền bính phải được thực thi như một sự phục vụ, nhờ tôn trọng các quyền lợi căn bản của con người, một bậc thang giá trị đúng đắn, các luật lệ, sự công bằng phân phối và nguyên lý hỗ trợ. Khi thực thi quyền hành, mỗi người phải tìm lợi ích cho tập thể chứ không phải cho bản thân. Các quyết định của họ phải dựa trên chân lý về Thiên Chúa, về con người và về thế giới. 

464.  Người công dân có những bổn phận nào đối với chính quyền dân sự ?

2238-2241
2255

Công dân phải coi cấp trên như những người đại diện Thiên Chúa, góp phần cộng tác cách chính trực với họ để đời sống công cộng và xã hội được hoạt động tốt đẹp. Điều này bao gồm cả tình yêu và việc phục vụ tổ quốc, quyền lợi và bổn phận bầu cử, đóng thuế, bảo vệ tổ quốc và quyền phê phán mang tính chất xây dựng. 

465.  Khi nào người công dân không được vâng phục chính quyền dân sự ?

2242-2243
2256

Theo lương tâm, người công dân không được vâng phục những mệnh lệnh của chính quyền dân sự, khi chúng đi ngược lại các đòi hỏi của trật tự luân lý : “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người” (Cv 5,29). 

ĐIỀU RĂN THỨ NĂM

NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC GIẾT NGƯỜI

 

466.  Tại sao phải tôn trọng sự sống con người ?

2258-2262
2318-2320

Vì sự sống con người là điều linh thánh.  Ngay từ đầu, sự sống cần đến một tác động sáng tạo của Thiên Chúa và sự sống mãi mãi nằm trong một liên hệ đặc biệt với Đấng Sáng Tạo, là cùng đích duy nhất của mình. Không ai được phép trực tiếp huỷ hoại một con người vô tội, vì điều này đối nghịch cách nghiêm trọng với phẩm giá con người và với sự thánh thiện của Đấng Sáng Tạo. “Ngươi không được giết người vô tội và người công chính” (Xh 23,7). 

467.  Tại sao bảo vệ con người và xã hội một cách hợp pháp không đối nghịch với luật tuyệt đối này ?

2263-2265

Qua việc bảo vệ hợp pháp, người ta chọn sự tự vệ và bảo vệ mạng sống cho bản thân hay cho người khác, chứ không phải chọn việc giết người. Đối với những người có trách nhiệm về mạng sống của người khác, việc bảo vệ hợp pháp không những là một quyền mà còn là một nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, không được sử dụng bạo lực vượt quá những gì cần thiết. 

468. Hình phạt có mục đích gì ?

2266

Hình phạt được chính quyền dân sự hợp pháp đề ra có mục đích để sửa chữa những xáo trộn do lỗi lầm gây nên, để bảo vệ trật tự công cộng và an ninh cho mọi người, và để góp phần cải hóa phạm nhân. 

469.  Người ta có thể đề ra những hình phạt nào ?

2267

Hình phạt được chính quyền dân sự đề ra phải tương xứng với tính chất trầm trọng của hành vi tội ác. Ngày nay với những khả năng Nhà Nước có thể sử dụng để dẹp được tội ác bằng cách vô hiệu hoá kẻ phạm tội, những trường hợp tuyệt đối cần thiết phải sử dụng án tử hình “từ nay sẽ hiếm đi, nếu như trong thực tế có thể nói là không còn tồn tại nữa” (Evangeliun vitae). Nếu các phương tiện không gây đổ máu là đủ, thì chính quyền phải sử dụng các phương tiện này, vì chúng tương ứng hơn với những điều kiện cụ thể của công ích, chúng phù hợp hơn với phẩm giá con người và không xoá sổ cách vĩnh viễn khả năng sửa sai của kẻ phạm tội.   

470.  Điều răn thứ năm cấm những gì ?

2268-2283
2321-2326

Điều răn thứ năm cấm những tội trái ngược cách nghiêm trọng với luật luân lý :

-   tội giết người cố ý và trực tiếp, cũng như việc đồng lõa trong tội đó;

-   tội phá thai trực tiếp, có ý coi đó là mục đích hay phương tiện, cũng như việc cộng tác vào tội này. Hội thánh đã ra vạ tuyệt thông cho người phạm tội này, bởi vì những con người, ngay từ lúc được thụ thai, phải được bảo vệ và che chở một cách tuyệt đối trong sự toàn vẹn của nó;

-   tội an tử trực tiếp, có mục đích chấm dứt sự sống của những người tật nguyền, đau yếu hay hấp hối, bằng một hành động hay bỏ không làm một hành động cần kíp;

-   tội tự sát và chủ ý cộng tác vào việc tự sát, tội này là một xúc phạm nghiêm trọng đến tình yêu chính đáng đối với Thiên Chúa, đối với chính mình và đối với tha nhân. Về phần trách nhiệm, tội tự sát có thể nghiêm trọng hơn khi gây gương xấu, nhưng cũng có thể giảm thiểu vì những rối loạn tâm lý đặc biệt hoặc vì những sợ hãi trầm trọng.  

471.  Những chữa trị y dược nào được phép khi cái chết như sắp gần kề ?

2278-2279

Việc cắt ngang những chăm sóc thường xuyên cho bệnh nhân không thể coi là hợp pháp được. Tuy nhiên, được phép sử dụng các thuốc giảm đau nào không có mục đích làm cho chết, và được phép từ chối “việc trị liệu khắc nghiệt,” nghĩa là việc chữa trị quá tốn kém, nhưng không đem lại chút hy vọng nào để đạt được kết quả tích cực.  

472.  Tại sao xã hội có trách nhiệm phải bảo vệ mọi thai nhi ?

2273-2274

Quyền sống của con người, ngay từ lúc được thụ thai, là một yếu tố làm thành xã hội dân sự và luật pháp của xã hội. Khi Nhà Nước không cố gắng phục vụ cho các quyền lợi của mọi người, và đặc biệt cho những người yếu đuối nhất, trong số đó có các em béù đã được thụ thai mà chưa được sinh ra, thì chính những nền tảng của Nhà Nước pháp quyền đã bị xói mòn.    

473.  Làm thế nào để tránh gương xấu ?

2284-2287

Gương xấu hệ tại ở việc dẫn người khác đến chỗ phạm tội. Người ta phải loại bỏ gương xấu vì tôn trọng linh hồn và thể xác con người. Nếu ai cố ý dẫn dắt người khác phạm một điều xấu nặng nề, thì chính người dẫn dắt đã phạm một tội nghiêm trọng. 

474.  Chúng ta có trách nhiệm nào đối với thân xác ?

2288-2291

Chúng ta phải chăm sóc sức khỏe thân xác của mình và của tha nhân cách hợp lý, nhưng phải tránh xa việc tôn thờ thân xác và mọi thứ thái quá. Ngoài ra còn phải tránh việc sử dụng ma túy, vì nó gây nên sự hủy hoại trầm trọng cho sức khỏe và đời sống con người, cũng phải tránh sự lạm dụng các thứ như thực phẩm, rượu, thuốc hút và các thứ thuốc men.  

475.  Khi nào các thí nghiệm khoa học, y khoa hay tâm lý, trên con người hay nhóm người, là hợp pháp về mặt luân lý ?

2292-2295

Về mặt luân lý, các thí nghiệm ấy là hợp pháp nếu chúng phục vụ cho lợi ích toàn vẹn của cá nhân và xã hội, mà không gây ra những rủi ro không cân xứng cho sự sống và sự toàn vẹn thể lý hay tâm lý của các cá nhân; những người nhận thí nghiệm phải được thông báo trước, và đã ưng thuận.  

476.  Trước và sau khi chết, có được phép hiến tặng và ghép các bộ phận hay không ?

2296

Về mặt luân lý, việc ghép các bộ phận cơ thể có thể được chấp nhận với sự ưng thuận của người cho và không gây nguy hiểm quá đáng cho người đó. Hiến tặng các bộ phận sau khi chết là một hành vi cao quý, nhưng trước khi lấy các bộ phận đó, phải xác định người hiến tặng chắc chắn đã chết.  

477.  Những việc nào đối nghịch với việc tôn trọng sự toàn vẹn thể lý của con người ?

2297-2298

Những việc đó là : bắt cóc, bắt người làm con tin, khủng bố, tra tấn, bạo lực, trực tiếp làm người ta vô sinh. Việc cắt bỏ một phần thân thể của một người chỉ được chấp nhận về mặt luân lý nếu mục đích là để chữa bệnh cho chính người đó.  

478.  Phải chăm sóc những người hấp hối như thế nào ?

2299

Những người hấp hối có quyền được sống xứng đáng với phẩm giá vào những giây phút cuối cùng của đời sống trần thế, nhất là được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện và các Bí tích, giúp họ chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống. 

479.  Phải đối xử với thân xác kẻ chết như thế nào ?

2300-2301

Thi hài người quá cố phải được đối xử với lòng tôn trọng và bác ái. Hội thánh cho phép hỏa táng, nếu việc này không gây rắc rối cho đức tin về sự phục sinh thân xác.  

480.  Chúa đòi hỏi mỗi người điều gì về vấn đề hòa bình ?

2302-2303

Đức Kitô, Đấng đã tuyên bố “phúc cho ai xây dựng hòa bình” (Mt 5, 9), đòi hỏi sự bình an của tâm hồn và kết án thái độ giận dữ, là muốn báo thù vì điều xấu đã phải gánh chịu, và lòng thù ghét, là ao ước điều xấu cho tha nhân. Những thái độ này, nếu cố ý và ưng theo trong những vấn đề rất quan trọng, đều là những tội trọng nghịch lại với đức ái. 

481.  Hòa bình trên thế giới là gì ?

2304-2305

Hòa bình trên thế giới cần thiết để đời sống con người được tôn trọng và phát triển. Hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh hay là sự cân bằng các thế lực đối lập, nhưng là sự “ổn định trật tự” (thánh Augustinô), “thành quả của công lý” (Is 32, 17) và hiệu quả của đức ái. Hòa bình trần thế là hình ảnh và hoa trái bình an của Đức Kitô.  

482. Hòa bình trên thế giới đòi buộc điều gì  ?

2304;
2307-2308

Hòa bình trên thế giới đòi buộc sự phân phối cách công bằng và bảo vệ tài sản của con người, sự tự do giao tiếp giữa con người, sự tôn trọng phẩm giá con người và các dân tộc, sự kiên trì thực hiện công bằng và tình huynh đệ. 

483. Về mặt luân lý, khi nào được phép sử dụng sức mạnh quân sự ?

2307-2310

Việc sử dụng sức mạnh quân sự chỉ được biện minh về mặt luân lý khi hội đủ những điều kiện sau đây : chắc chắn về sự thiệt hại phải chịu là trầm trọng và kéo dài; tất cả các giải pháp hòa bình đều thất bại; những điều kiện quan trọng để thành công; việc loại bỏ những thiệt hại lớn nhất, sau khi đã cân nhắc về sức tàn phá của những phương tiện chiến tranh hiện đại. 

484. Trong trường hợp có nguy cơ chiến tranh, ai có quyền phán đoán về những điều kiện đó ?

2309

Quyền này tùy thuộc vào sự phán đoán khôn ngoan của những vị cầm quyền, những vị này cũng có quyền đề ra cho công dân nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc. Những ai vì lý do lương tâm không thi hành nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, phải phục vụ xã hội  bằng những hình thức khác. 

485. Trong trường hợp chiến tranh, luật luân lý đòi buộc điều gì ?

2312-2314
2328

Ngay cả trong trường hợp chiến tranh, luật luân lý vẫn luôn có hiệu lực. Luật này đòi buộc phải xử sự cách nhân đạo với những người không chiến đấu, các chiến binh bị thương và các tù binh. Các hành động cố ý đi ngược với quyền lợi của các dân tộc và các mệnh lệnh buộc thi hành các hành động đó, đều là những tội ác mà sự vâng phục tối mặt không đủ để chạy tội. Phải kết án những sự huỷ diệt hàng loạt, cũng như việc tiêu diệt một dân tộc hay một sắc tộc thiểu số. Đó là những tội rất nặng nề. Về mặt luân lý, phải chống lại các mệnh lệnh buộc thi hành các tội ác như thế. 

486. Chúng ta phải làm gì để tránh chiến tranh ?

2315-2317
2327-2330

Vì chiến tranh gây ra những sự dữ và bất công, nên chúng ta phải làm tất cả những gì hợp lý để ngăn chận chiến tranh bằng bất cứ giá nào. Đặc biệt phải tránh việc tích trử và buôn bán vũ khí không do các chính quyền hợp pháp qui định; phải tránh những bất công về mặt kinh tế và xã hội;  tránh việc kỳ thị chủng tộc và tôn giáo; phải tránh ganh ghét, thách thức, kiêu căng và tinh thần báo thù. Tất cả những gì được thực hiện để khắc phục các tệ hại này và những xáo trộn khác, đều giúp xây dựng hòa bình và đẩy xa chiến tranh. 

ĐIỀU RĂN THỨ SÁU

NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC NGOẠI TÌNH

 

487.  Con người có bổn phận gì đối với phái tính của mình ?

2331-2336
2392-2393

Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ, có cùng một phẩm giá nhân bản. Ngài đã khắc ghi ơn gọi yêu thương và hiệp thông nơi mỗi người. Mỗi người phải chấp nhận phái tính riêng của mình và nhận ra tầm quan trọng của nó đối với toàn thể con người, tính đặc thù của mỗi phái tính và việc hai phái tính bổ túc cho nhau.   

488.  Khiết tịnh là gì ?

2337-2338

Khiết tịnh là sự hoà nhập phái tính trong con người của mình cách thành công. Tính dục thực sự nhân bản khi được hoà nhập cách đúng đắn trong liên hệ giữa người và người. Khiết tịnh là một nhân đức luân lý, một ơn huệ của Thiên Chúa, một ân sủng, một hoa trái của Chúa Thánh Thần.    

489.  Nhân đức khiết tịnh đòi hỏi những gì  ?

2339-2341

Nhân đức khiết tịnh đòi hỏi sự rèn luyện để làm chủ bản thân, như cách biểu lộ sự tự do nhân bản, hướng đến việc tự hiến bản thân. Để đạt được mục đích này, cần phải có sự giáo dục đầy đủ và thường xuyên, được thực hiện qua từng giai đoạn tăng trưởng.

 

490.  Có những phuơng tiện nào giúp chúng ta sống khiết tịnh ?

2340-2347

Có nhiều phuơng tiện như ân sủng Thiên Chúa, sự trợ giúp của các Bí tích, việc cầu nguyện, sự tự biết mình, việc thực hành khổ chế tùy theo những hoàn cảnh khác nhau, việc thực hành các nhân đức luân lý, đặc biệt là nhân đức tiết độ, nhằm để lý trí hướng dẫn các đam mê.  

491. Tất cả những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội được mời gọi sống đức khiết tịnh theo cách nào ?

2348-2350
2394

Các người Kitô hữu luôn nhìn Đức Kitô là khuôn mẫu đời sống khiết tịnh; họ được mời gọi sống khiết tịnh tuỳ theo bậc sống của mình : những người sống bậc đồng trinh hay độc thân của đời thánh hiến, là cách sống trổi vượt để sẵn sàng hiến mình cho Thiên Chúa với trọn tâm hồn; những nguời lập gia đình được mời gọi sống khiết tịnh theo bậc vợ chồng; những người không lập gia đình cũng đuợc mời gọi sống khiết tịnh bằng cách tiết dục. 

492. Những tội chính phạm đến đức khiết tịnh là những tội nào ?

2351-2359
2396

Những tội nặng phạm đến đức khiết tịnh, tùy theo bản chất của từng đối tượng, đó là ngoại tình, thủ dâm, tà dâm, khiêu dâm, mại dâm, hiếp dâm, các hành vi đồng tính luyến ái. Các tội này là biểu hiện của đam mê dâm đãng. Nếu phạm các tội này với các trẻ vị thành niên, thì sẽ xúc phạm cách nặng nề hơn vào sự toàn vẹn thể lý và luân lý của các em. 

493. Tại sao giới răn thứ sáu “Ngươi không được ngoại tình” lại ngăn cấm tất cả các tội lỗi nghịch với đức khiết tịnh ?

2336

Dù trong bản văn Thánh Kinh về Mười điều răn, chúng ta chỉ đọc “Ngươi chớ phạm tội ngoại tình” (Xh 20,14), nhưng Truyền thống Hội thánh vẫn theo sát các giáo huấn luân lý của Cựu Ước và Tân Ước, luôn xem giới răn thứ sáu như bao gồm tất cả các tội phạm đến đức khiết tịnh. 

494.  Đâu là trách nhiệm của chính quyền dân sự đối với đức khiết tịnh ?

2354

Chính quyền có trách nhiệm cổ võ sự tôn trọng phẩm giá con người, cũng có trách nhiệm góp phần tạo ra một môi truờng xã hội thuận lợi cho đức khiết tịnh. Nhờ những luật lệ thích hợp, chính quyền phải ngăn chận việc bành trướng các trọng tội nghịch đức khiết tịnh đã kể trên, đặc biệt để bảo vệ các trẻ vị thành niên và những người yếu đuối.  

495.  Tình yêu hôn nhân, gồm cả tính dục được Thiên Chúa định hướng vào hôn nhân, có được những điều tốt lành nào ?

 2360-2361
2397-2398

Đối với những người đã được rửa tội, những điều tốt lành của tình yêu hôn nhân, một tình yêu đã được thánh hoá bằng Bí tích Hôn phối, đó là sự duy nhất, chung thủy, tính bất khả phân ly và sẵn sàng đối với việc truyền sinh. 

496.  Hành vi vợ chồng có ý nghĩa gì ?

2362-2367

Hành vi vợ chồng có hai ý nghĩa : sự kết hợp (là hành vi hiến thân cho nhau của đôi vợ chồng), và việc truyền sinh (là hành vi mở ngỏ cho việc sinh sản con cái). Không ai được phép phá vỡ sự liên kết bất khả phân ly, do Thiên Chúa thiết lập, giữa hai ý nghĩa đó của hành vi vợ chồng, bằng cách loại bỏ một trong hai ý nghĩa đó.  

497.  Khi nào việc điều hòa sinh sản là phù hợp với luân lý ?

2368-2369
2399

Việc điều hòa sinh sản là một trong những phương diện của trách nhiệm làm cha làm mẹ. Việc làm này phù hợp cách khách quan với luật luân lý, khi được chính đôi vợ chồng thực hiện, mà không bị một áp lực bên ngoài, cũng không do ích kỷ, nhưng vì những lý do chính đáng và bằng những phương pháp phù hợp với những tiêu chuẩn khách quan của luân lý, nghĩa là nhờ việc tiết dục định kỳ và sử dụng những thời kỳ không thể thụ thai. 

498.  Đâu là những phương pháp điều hòa sinh sản không phù hợp với luân lý ?

 2370-2372

Những hoạt động sau đây phải coi là không phù hợp với luân lý, đó là trực tiếp triệt sản hoặc ngừa thai, được thực hiện trước hoặc trong khi giao hợp, hoặc trong quá trình dẫn đến kết quả tự nhiên của việc giao hợp, nhằm mục đích hay tạo phương thế để ngăn cản sự truyền sinh.  

499.  Tại sao thụ tinh và thụ thai nhân tạo không hợp với luân lý ?

2373-2377

Thụ tinh và thụ thai nhân tạo không thể chấp nhận về mặt luân lý, vì tách rời việc sinh sản với sự giao hợp, trong hành động này đôi vợ chồng trao hiến cho nhau, và như vậy, đặt kỹ thuật lên trên nguồn gốc và vận mệnh của con người. Hơn nữa, việc thụ tinh và thụ thai do người khác, tức là có một người thứ ba can thiệp vào hành vi vợ chồng nhờ qua kỹ thuật; hành động này vi phạm quyền của đứa bé được sinh ra từ người cha và người mẹ của nó, hai người được liên kết với nhau bằng hôn nhân và có độc quyền là chỉ nhờ nhau mà cả hai mới được làm cha, làm mẹ.   

500.  Người ta phải nhìn em bé như thế nào ?

2378

Em bé là một tặng phẩm của Thiên Chúa, tặng phẩm tuyệt hảo nhất của hôn nhân.  Không có một quyền nào để có những đứa con (theo nghĩa là được quyền có con với bất cứ giá nào). Trái lại, đứa con có quyền là hoa trái của hành vi hôn nhân của cha mẹ em, cũng như có quyền được tôn trọng là một nhân vị ngay từ lúc em được thụ thai.   

501.  Đôi vợ chồng có thể làm gì nếu họ không có con ?

2379

Nếu không đuợc Thiên Chúa ban tặng con cái, sau khi đã tận dụng mọi trợ giúp chính đáng của y khoa, đôi vợ chồng có thể sống quảng đại qua việc bảo trợ hay nhận con nuôi, hay tham gia những công tác phục vụ tha nhân. Như vậy họ thực hiện một sự sinh sản quý giá về mặt thiêng liêng.   

502.  Những tội nào phạm đến phẩm giá của hôn nhân ?

2380-2391
2400

Những tội phạm đến phẩm giá của hôn nhân là : ngoại tình, ly dị, đa thê, loạn luân, tự do sống chung (chung sống không hôn nhân, nhân tình), hành vi tính dục trước hôn nhân hay ngoài hôn nhân. 

ĐIỀU RĂN THỨ BẢY

NGUƠI KHÔNG ĐUỢC TRỘM CẮP

 

503.  Điều răn thứ bảy nói lên điều gì ?

 2401-2402

Điều răn này nói lên sự xác định và phân phối của cải cách phổ quát, nói về quyền tư hữu, việc tôn trọng con người và tài sản của họ, việc tôn trọng tính toàn vẹn của công trình tạo dựng. Hội thánh nhìn giới răn này là nền tảng cho giáo huấn xã hội của mình, để xét đến hành động đúng đắn trong lãnh vực kinh tế, trong đời sống xã hội và chính trị, trong quyền lợi và trách nhiệm lao động của con người, trong công bằng và tình liên đới giữa các quốc gia, trong tình thương đối với người nghèo.  

504.  Đâu là những điều kiện của quyền tư hữu ?

2403

Người ta có quyền tư hữu với điều kiện là tài sản đó đạt được hay nhận được một cách chính đáng, và việc sử dụng của cải là nhằm thỏa mãn những nhu cầu căn bản của mọi người. 

505.  Mục đích của quyền tư hữu là gì ?

2404-2406

Tài sản riêng có mục đích bảo đảm sự tự do và phẩm giá của các cá nhân, giúp họ thoả mãn những nhu cầu căn bản cho những người mà họ có trách nhiệm, và cho cả những ai đang sống thiếu thốn. 

506.  Điều răn thứ bảy quy định những gì ?

2407
2450-2451

Điều răn thứ bảy buộc phải tôn trọng tài sản của người khác, qua việc thực thi công bằng và bác ái, sống tiết độ và liên đới. Đặc biệt, điều răn này đòi buộc :

-   tôn trọng các lời hứa và các hợp đồng đã cam kết;

-   đền bù những điều bất công đã gây ra và hoàn trả những gì đã trộm cắp;

-   tôn trọng sự toàn vẹn của công trình sáng tạo, bằng cách sử dụng khôn ngoan và chừng mực những tài nguyên khoáng chất, thực vật và động vật trong vũ trụ, đặc biệt quan tâm đến những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. 

507.  Con nguời phải có thái độ nào đối với các động vật ?

2416-2418
2457

Con nguời phải đối xử tốt đẹp với các động vật vì chúng là những thụ tạo của Thiên Chúa, tránh cách yêu thương thái quá hoặc sử dụng mù quáng, nhất là với các thí nghiệm khoa học vượt quá giới hạn hợp lý và gây đau đớn vô ích cho chúng. 

508.  Điều răn thứ bảy cấm những điều gì ?

2408-2413
2453-2455

Điều răn thứ bảy cấm :

-   trộm cắp, đó là việc chiếm đoạt tài sản người khác trái với ý muốn hợp lý của họ.

-   trả lương không công bằng,

-   lũng đoạn giá trị của cải để từ đó rút ra lợi nhuận cho mình mà làm thiệt hại cho người khác,

-   việc giả mạo các thương phiếu hay hóa đơn.

-    trốn thuế hoặc buôn bán gian lận, cố ý phá hoại tài sản cá nhân cũng như công cộng,

-   đầu cơ, tham nhũng, lạm dụng tài sản công làm của riêng, cố ý làm sai trái trong lao động, lãng phí.  

509.  Nội dung Học thuyết xã hội của Hội thánh  là gì ?

2419-2423

Học thuyết xã hội của Hội thánh, là sự khai triển có hệ thống các chân lý của Tin Mừng về phẩm giá con nguời và chiều kích xã hội của con nguời, đề ra những nguyên tắc để suy tư, qui định những tiêu chuẩn để phán đoán, và trình bày những qui luật và định huớng để hành động. 

510.  Khi nào Hội thánh can thiệp vào lãnh vực xã hội ?

2420
2458

Hội thánh can thiệp khi các quyền căn bản của con nguời, thiện ích chung hoặc phần rỗi các linh hồn bị vi phạm. Hội thánh can thiệp bằng việc đưa ra một phán đoán luân lý trong lãnh vực kinh tế và xã hội.  

511.  Đời sống kinh tế và xã hội phải được thực hiện như thế nào ?

2459

Đời sống kinh tế và xã hội phải được thực hiện theo những phương pháp riêng của mình, trong vòng trật tự luân lý, để phục vụ con người trong sự toàn vẹn của họ và phục vụ cho toàn thể cộng đồng nhân loại, trong sự tôn trọng công bằng xã hội. Đời sống kinh tế và xã hội phải lấy con nguời làm đối tượng, trung tâm và cùng đích của nó. 

512.  Điều gì đi nguợc với Học thuyết xã hội của Hội thánh ?

2424-2425

Đi ngược với Học thuyết xã hội của Hội thánh là các hệ thống kinh tế và xã hội chủ trương hy sinh những quyền lợi căn bản của con người, hay coi lợi nhuận là quy luật tuyệt đối và mục đích tối hậu của chúng. Do đó, Hội thánh phi bác các ý thức hệ trong thời đại mới dưới hình thức “chủ nghĩa cộng sản”, hay dưới những hình thức vô thần và độc tài khác của “chủ nghĩa xã hội”. Ngoài ra, trong việc thực hành “chủ nghĩa tư bản”, Hội thánh phi bác chủ nghĩa cá nhân và quan niệm coi luật thị trường có vị trí tuyệt đối trên lao động của con nguời. 

513.  Lao động có ý nghĩa gì đối với con người ?

2426-2428
2460-2461

Đối với con người, lao động vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi, nhờ đó con người cộng tác với Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo. Thật vậy, bằng lao động cách cẩn trọng và tinh thông, con nguời phát huy những khả năng đã được ghi khắc trong bản tính của mình, biểu lộ những hồng ân của Đấng Sáng Tạo và những tài năng mà họ đã lãnh nhận; thỏa mãn những nhu cầu của bản thân và những người thân cận; cũng như phục vụ cộng đồng nhân loại. Ngoài ra, với ân sủng của Thiên Chúa, lao động có thể là một phương tiện để thánh hóa và cộng tác với Đức Kitô để cứu độ những người khác.    

514.  Mọi nguời đều được quyền gì về vấn đề lao động ?

 

 

Mọi người đều được quyền có một việc làm ổn định và luơng thiện, không bị kỳ thị bất công, được quyền tự do chọn lựa về mặt kinh tế và được quyền hưởng đồng lương công bằng. 

515.  Nhà Nước có trách nhiệm gì với lao động ?

2431

Nhà Nước có trách nhiệm bảo đảm sự tự do cá nhân và quyền tư hữu, cũng như giá trị tiền tệ ổn định và những việc phục vụ xã hội có hiệu quả, phải trông coi và hướng dẫn việc thực thi các quyền con người trong lãnh vực kinh tế. Thích ứng với hoàn cảnh, xã hội phải trợ giúp các công dân tìm được việc làm.  

516.  Những nguời lãnh đạo xí nghiệp có trách nhiệm gì ?

2432

Những người lãnh đạo xí nghiệp phải chịu trách nhiệm về hậu quả kinh tế và môi sinh do các công việc của họ. Họ phải chú tâm đến thiện ích của con người chứ không chỉ nhắm làm gia tăng các lợi nhuận, mặc dầu lợi nhuận cũng cần thiết để bảo đảm các cuộc đầu tư, tương lai của xí nghiệp, việc làm, và sự phát triển tốt đẹp của đời sống kinh tế. 

517.  Các công nhân có trách nhiệm gì ?

2435

Họ phải chu toàn các công việc của mình một cách có lương tâm, thành thạo và nhiệt tình, tìm cách giải quyết các tranh chấp bằng đối thoại. Việc sử dụng đình công bất bạo động là hợp pháp về mặt luân lý khi đó là một phương cách cần thiết để đạt được quyền lợi chính đáng, nhưng phải nhắm đến công ích.   

518.  Làm thế nào thực hiện sự công bằng và tình liên đới giữa các quốc gia ?

 2437-2441

Trên bình diện quốc tế, tất cả các quốc gia và các cơ chế phải hoạt động trong tình liên đới và nguyên tắc hỗ trợ, nhằm mục đích loại bỏ hay ít là giảm thiểu sự khốn cùng, sự bất bình đẳng về tài nguyên và các phương tiện kinh tế, các bất công kinh tế và xã hội, việc bóc lột con người, sự gia tăng mức nợ của các nước nghèo, những chủ thuyết máy móc bất nhân gây chướng ngại cho sự phát triển của các quốc gia chậm tiến.  

519.  Các người Kitô hữu tham gia vào đời sống chính trị và xã hội như thế nào ?

2442

Các người Kitô hữu giáo dân trực tiếp tham gia vào đời sống chính trị và xã hội bằng cách làm cho tinh thần Kitô giáo thấm nhập vào các thực tại trần thế, cộng tác với mọi người, như những chứng nhân đích thực của Tin Mừng và là những người kiến tạo hòa bình và công lý.  

520.  Tình yêu đối với người nghèo dựa trên nền tảng nào ?

2443-2449
2462-2463

Tình yêu đối với người nghèo dựa trên nền tảng Tin Mừng của các Mối phúc và theo gương của Chúa Giêsu, Đấng luôn quan tâm đến người nghèo. Chúa Giêsu đã nói : “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Tình yêu đối với kẻ nghèo thể hiện qua việc dấn thân chống lại sự nghèo khổ về vật chất và rất nhiều hình thức nghèo đói về văn hoá, luân lý và tôn giáo. Các việc bác ái, tinh thần hay vật chất, và nhiều tổ chức từ thiện đã xuất hiện trải qua bao thế kỷ, là một chứng từ cụ thể về tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo, là nét đặc trưng của các môn đệ Chúa Giêsu.    

ĐIỀU RĂN THỨ TÁM

NGUƠI KHÔNG ĐUỢC LÀM CHỨNG GIAN

 

521.  Con nguời có bổn phận nào đối với chân lý ?

2464-2470
2504

Mọi người đều được kêu gọi phải thành thật và trung thực trong hành động cũng như trong lời nói, buộc phải tìm kiếm và gắn bó với chân lý, hướng cuộc đời mình theo các đòi hỏi của chân lý. Trong Đức Giêsu Kitô, chân lý về Thiên Chúa được tỏ hiện cách trọn vẹn. Người là Chân Lý. Ai bước theo Người, phải sống trong Thánh Thần chân lý và tránh xa lối sống hai mặt, dối trá và giả hình. 

522.  Người Kitô hữu làm chứng cho chân lý như thế nào ?

2471-2474
2505-2506

Người Kitô hữu phải làm chứng cho chân lý Tin Mừng trong mọi lãnh vực của hoạt động công khai và riêng tư, dù phải hy sinh mạng sống mình, nếu cần thiết. Tử đạo là chứng từ cao cả nhất cho chân lý đức tin. 

523.  Điều răn thứ tám cấm những gì ?

2475-2487
2507-2509

Điều răn thứ tám cấm:

- làm chứng dối, thề thốt và dối trá; mức độ nặng nhẹ căn cứ trên sự sai lệch của sự thật, trên những hoàn cảnh, trên những ý hướng của kẻ nói dối và mức độ thiệt hại mà các nạn nhân phải gánh chịu;

- phán đoán hồ đồ, nói xấu, vu khống, bôi nhọ, là những tội làm giảm hay phá hoại uy tín và  danh dự mà mỗi người có quyền hưởng.

- nịnh hót, tâng bốc và xu nịnh, nhất là khi nhằm mục đích phạm tội trọng hay thủ lợi bất chính.

Tất cả tội phạm nghịch với sự thật buộc phải đền bù lại nếu gây tai hại cho kẻ khác. 

524.  Điều răn thứ tám đòi buộc những gì ?

2488-2492
2510-2511

Điều răn thứ tám đòi buộc chúng ta phải tôn trọng sự thật, kèm theo sự tế nhị của đức ái:  trong lãnh vực truyền thông và thông tin, phải biết đánh giá lợi ích riêng và lợi ích chung, bảo vệ đời sống riêng tư, tránh gây gương xấu. Phải luôn bảo vệ các bí mật nghề nghiệp, trừ những trường hợp ngoại lệ, và vì những lý do nghiêm trọng và cân xứng. Cũng phải tôn trọng những chuyện tâm sự mà chúng ta đã hứa giữ bí mật.  

525.  Phải sử dụng những phuơng tiện truyền thông xã hội thế nào ?

2493-2499
2512

Thông tin bằng các phương tiện truyền thông phải phục vụ ích lợi chung; về nội dung, thông tin phải luôn đúng sự thật và trong giới hạn của công lý và bác ái, phải mang tính chất toàn vẹn. Mặt khác, thông tin phải được diễn tả cách chân thật và thích hợp, cẩn thận tuân giữ các luật luân lý, các quyền lợi chính đáng và phẩm giá con nguời. 

526.  Đâu là tuơng quan giữa chân lý, vẻ đẹp và mỹ thuật thánh ?

2500-2503
2513

Chân lý tự bản chất là đẹp. Chân lý bao gồm sự huy hoàng của vẻ đẹp tinh thần. Ngoài lời nói, còn có nhiều cách diễn tả chân lý, đặc biệt là các tác phẩm nghệ thuật. Chúng là hoa trái của một tài năng được Thiên Chúa trao ban, và cố gắng của con người. Mỹ thuật thánh được xem là chân thật và đẹp đẽ, phải gợi lên và tôn vinh mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Kitô, phải dẫn đến tình yêu của Thiên Chúa và thờ lạy Ngài là Đấng Sáng Tạo và Cứu Độ, là Vẻ đẹp tối cao của Chân lý và Tình yêu. 

ĐIỀU RĂN THỨ CHÍN

NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC HAM MUỐN VỢ NGƯỜI TA

 

527.  Điều răn thứ chín đòi buộc điều gì ?

2514-2516
2528-2530

Điều răn thứ chín đòi buộc phải chiến thắng đam mê xác thịt trong tư tưởng cũng như trong ước muốn. Cuộc chiến đấu chống lại dục vọng phải cần đến việc thanh luyện tâm hồn và thực hành đức tiết độ.  

528.  Điều răn thứ chín cấm điều gì ?

 2517-2519
2531-2532

Điều răn thứ chín cấm nuôi dưỡng những ý tưởng và ước muốn về những hành vi bị giới răn thứ sáu cấm đoán. 

529.  Làm thế nào để đạt tới sự thanh sạch của tâm hồn ?

2520

Với ơn Chúa, trong cuộc chiến đấu chống lại các ước muốn sai trái, người tín hữu đạt được sự thanh sạch của tâm hồn nhờ nhân đức và hồng ân khiết tịnh, nhờ sự trong sáng nơi ý hướng, nơi cái nhìn bên ngoài và bên trong, nhờ chế ngự các giác quan và trí tưởng tượng, và nhờ cầu nguyện. 

530.  Sự thanh sạch còn có những đòi buộc nào khác nữa không ?

2521-2527
2533

Sự thanh sạch đòi hỏi phải có nết na; gìn giữ những gì thầm kín của con nguời, diễn tả sự tế nhị của đức khiết tịnh, kiểm soát cái nhìn và cử chỉ cho phù hợp với phẩm giá của con người và những giao tế của họ. Sự thanh sạch đòi buộc phải ngăn chặn thói khiêu dâm đang lan tràn và tránh xa những gì đưa đến sự tò mò không lành mạnh. Điều này còn đòi buộc phải thanh tẩy môi trường xã hội, bằng cuộc chiến đấu chống lại sự suy thoái phong hóa dựa trên một quan niệm sai lạc về tự do của con nguời. 

ĐIỀU RĂN THỨ MƯỜI

NGƯƠI KHÔNG ĐUỢC HAM MUỐN TÀI SẢN CỦA NGƯỜI TA

 

531.  Điều răn thứ mười đòi buộc điều gì và cấm điều gì ?

2534-2540
2551-2554

Điều răn này bổ túc cho điều răn truớc, buộc phải có thái độ tôn trọng tài sản của kẻ khác. Điều răn này cấm : tham lamham muốn bất chính  tài sản của người khác; cấm ganh tị, nghĩa là cảm thấy buồn phiền khi thấy nguời khác có tài sản, và ước ao vô độ muốn chiếm đoạt tài sản đó. 

532.  Chúa Giêsu đòi buộc điều gì khi dạy tinh thần nghèo khó ?

2544-2547
2556

Chúa Giêsu đòi buộc các môn đệ yêu mến Nguời trên hết mọi sự và mọi nguời. Việc từ bỏ sự giàu sang trong tinh thần khó nghèo theo Tin Mừng và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi những âu lo của ngày mai, sẽ chuẩn bị cho chúng ta hưởng mối phúc của “những người nghèo khó trong tinh thần, vì Nước Trời đã thuộc về họ” (Mt 5, 3). 

533.  Khao khát lớn nhất của con người là gì ?

2548-2550
2557

Khao khát lớn nhất của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa. Tiếng kêu khát vọng của con người là : “Tôi muốn nhìn thấy Thiên Chúa.” Thật vậy, con người chỉ có thể tìm được hạnh phúc đích thực và trọn vẹn của mình trong sự hưởng kiến và hạnh phúc nơi Đấng đã dựng nên họ vì tình yêu và cũng là Đấng lôi kéo họ về với Ngài trong tình yêu vô tận.  

“Ai thấy Thiên Chúa thì đã đạt được mọi phúc lộc mà nguời ta có thể nghĩ tuởng ra đuợc” (thánh Grêgôriô thành Nysse).

 

  

PHẦN THỨ TƯ

KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO

 

Ảnh thánh lấy lại trình thuật Thánh Kinh về ngày Hiện Xuống : “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4). 

Trong ảnh thánh, từ chim bồ câu, tượng trưng Chúa Thánh Thần, chúng ta thấy một cột trụ ánh sáng dày đặc đổ xuống, phủ trên Đức Maria và các Tông đồ. Đó là ánh sáng chiếu soi tâm trí các Tông đồ khi trao ban cho họ các hồng ân kiến thức, khôn ngoan, thông suốt các thực tại thiêng liêng, nhưng cũng có những hồng ân đạo đức, sức mạnh, an ủi và kính sợ Thiên Chúa. 

Ngoài ra, trên đầu họ có những lưỡi lửa, như muốn nói lên tình yêu tràn đầy của Thiên Chúa thúc đấy họ trở thành những người rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Thật vậy, nhờ được tràn đầy ân sủng, mọi người có thể hiểu được các Tông đồ; tiếng nói của tình yêu mang tính phổ quát và có thể đến với mọi người. Để chữa trị việc chia rẽ ngôn ngữ giữa các dân tộc, lễ Hiện Xuống đã  đưa ra phương thuốc giúp các dân tộc hợp nhất với nhau. 

Giữa bức tranh, Đức Maria ngự trị như người Mẹ của Hội thánh, Nữ hoàng của các Tông đồ và của những ai cầu nguyện trọn hảo. Chính trong tình yêu của Chúa Thánh Thần, các tín hữu có thể dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện đầy tình hiếu thảo, như lời của Thánh Tông đồ : “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : “Ábba, Cha ơi !” (Gl 4,6).    

Tranh thánh của người Copte về ngày Lễ Hiện Xuống.

 

 

ĐOẠN THỨ NHẤT

KINH NGUYỆN TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

 

    

Mọi thời gian đều thuận tiện để cầu nguyện. Dù vậy, Hội thánh đề nghị các tín hữu nên dành thời gian cho việc cầu nguyện liên tục : Kinh sáng và kinh tối; kinh nguyện trước và sau khi dùng cơm, Phụng vụ các giờ kinh, cử hành Thánh lễ ngày Chúa nhật, chuỗi Mân côi, các lễ trong năm Phụng vụ. 

Tranh thánh cho thấy một vài lễ chính thức trong năm Phụng vụ, đánh dấu kinh nguyện của Hội thánh. Ở trung tâm trình bày mầu nhiệm Vượt qua : cuộc Phục sinh và lên trời của Chúa  Giêsu. Từ đại lễ này là chóp đỉnh của cầu nguyện Phụng vụ, các ngày lễ khác kính Chúa và Mẹ Maria  rút được ý nghĩa và hiệu quả cứu độ của mình.   

Tranh thánh của Phụng vụ Byzantine về các ngày lễ chính của Phụng vụ. 

     

534.  Cầu nguyện là gì ?

2558-2565
2590

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa hay là dâng lời cầu lên Thiên Chúa để xin những ơn lành phù hợp với thánh ý của Ngài. Cầu nguyện luôn là một hồng ân của Thiên Chúa, Đấng đến gặp gỡ con người. Cầu nguyện theo Kitô giáo là một liên hệ cá nhân và sống động của con cái với Cha là Thiên Chúa vô cùng nhân lành, với Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô và với Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong tâm hồn họ. 

CHƯƠNG MỘT

MẠC KHẢI VỀ CẦU NGUYỆN

 

535.  Tại sao mọi người đều được mời gọi cầu nguyện ?

2566-2567

Chỉ vì Thiên Chúa đã sáng tạo mọi sự từ hư không và vì con người, sau khi phạm tội, vẫn còn khả năng nhận biết Đấng Sáng Tạo của mình, nên vẫn khao khát hướng về Đấng đã tạo dưng nên mình. Mọi tôn giáo, và đặc biệt trong toàn bộ lịch sử cứu độ, làm chứng cho sự khao khát Thiên Chúa nơi con người. Nhưng chính Thiên Chúa đã đi bước trước, không ngừng lôi kéo mỗi người đến gặp gỡ Ngài cách huyền nhiệm trong việc cầu nguyện. 

MẠC KHẢI VỀ CẦU NGUYỆN TRONG CỰU ƯỚC

 

536.  Ông Ábraham là mẫu gương về cầu nguyện như thế nào ?

2570-2573
2592

Ông Ábraham là mẫu gương về cầu nguyện bởi vì ông bước đi trước nhan Thiên Chúa, Đấng ông lắng nghe và vâng phục. Lời cầu nguyện của ông là một cuộc chiến đấu của đức tin, vì ngay khi bị thử thách, ông vẫn xác tín vào sự trung thành của Thiên Chúa. Ngoài ra, sau khi đón tiếp Chúa trong lều của mình và được Ngài cho biết các kế hoạch, ông cả dám chuyển cầu cho các kẻ tội lỗi với một lòng tin tưởng táo bạo. 

537.  Ông Môsê đã cầu nguyện thế nào ?

2574-2577
2593

Lời cầu nguyện của ông Môsê tiêu biểu cho lời cầu nguyện chiêm niệm. Thiên Chúa, Đấng đã gọi ông từ Bụi Gai bốc cháy, thường xuyên tiếp xúc lâu giờ với ông, “mặt giáp mặt như hai người bạn với nhau” (Xh 33,11). Trong tình thân mật với Thiên Chúa, ông Môsê rút được sức mạnh để kiên trì chuyển cầu cho dân mình : như vậy, lời cầu nguyện của ông tượng trưng cho lời chuyển cầu của Đấng Trung Gian duy nhất là Đức Giêsu Kitôâ. 

538.  Trong Cựu Ước, nhà vua và đền thờ có liên quan gì đến cầu nguyện ?

2578-2580
2594

Kinh nguyện của Dân Thiên Chúa được phát triển dưới bóng Nhà Chúa – bên Hòm bia Giao ước, rồi nơi Đền thờ – nhờ sự hướng dẫn của các vị Mục tử. Trong số đó, có Đavít, là vị vua “được đẹp lòng Thiên Chúa”, là người mục tử cầu nguyện cho dân của mình. Lời cầu nguyện của ông là mẫu mực cho kinh nguyện của dân, vì lời này luôn gắn bó với lời hứa của Thiên Chúa, được dâng lên với lòng tin tưởng yêu kính đối với Đấng là Vua và là Chúa duy nhất.  

539.  Cầu nguyện có vai trò gì trong sứ vụ của các tiên tri ?

2581-2584

Nhờ cầu nguyện, các tiên tri tìm được ánh sáng và sức mạnh để thúc đẩy dân chúng tin tưởng và hoán cải tâm hồn. Các ngài sống trong sự thân mật sâu xa với Thiên Chúa và chuyển cầu cho anh em của mình, là những người được các ngài loan báo điều họ đã thấy và đã nghe từ nơi Thiên Chúa. Ông Êlia là tổ phụ các tiên tri, nghĩa là những người tìm kiếm Tôn nhan Thiên Chúa. Trên đỉnh Carmel, ông đã giúp cho dân chúng quay về với đức tin, nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa, Đấng ông cầu khẩn : “Xin đáp lời con, lạy Chúa, xin đáp lời con” (1 V 18,37).  

540. Các Thánh Vịnh có tầm quan trọng thế nào trong kinh nguyện ?

2579
2585-2589
2596-2597

Các Thánh Vịnh là tột đỉnh của kinh nguyện Cựu Ước : Lời Thiên Chúa đã trở thành lời cầu nguyện của con người. Vừa mang tính cá nhân, vừa mang có tính cộng đoàn, các Thánh Vịnh được Thánh Thần linh ứng, ca ngợi những kỳ công của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng và trong lịch sử cứu độ. Đức Kitô đã cầu nguyện bằng các Thánh Vịnh và đã đưa chúng đến mức toàn hảo. Vì thế, các Thánh Vịnh là một yếu tố chính yếu và thường xuyên trong kinh nguyện của Hội thánh; chúng thích hợp cho con người trong mọi hoàn cảnh và qua mọi thời gian.  

TRONG CHÚA GIÊSU,

VIỆC CẦU NGUYỆN ĐÃ ĐƯỢC MẠC KHẢI VÀ THỰC HIỆN CÁCH TRỌN VẸN

 

541.  Chúa Giêsu đã học cầu nguyện với ai ?

2599
2620

Trong nhân loại, Chúa Giêsu đã học cầu nguyện từ Mẹ Người và từ truyền thống Do Thái. Nhưng lời cầu nguyện của Người còn phát xuất từ một nguồn mạch sâu thẳm hơn nữa, vì Người là Con vĩnh cửu của Thiên Chúa. Trong nhân tính thánh thiện, Chúa Giêsu dâng lên Cha của Người lời kinh tuyệt vời trong tình con thảo.  

542.  Chúa Giêsu cầu nguyện khi nào ?

2600-2604
2620

Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu thường xuyên cầu nguyện. Người thường lui vào nơi hoang vắng, kể cả lúc ban đêm. Người cầu nguyện trước những thời điểm quyết định cho sứ vụ của mình hay của các tông đồ. Thực ra, cả cuộc đời của Người là cầu nguyện, vì Người luôn sống trong sự hiệp thông tình yêu với Cha của mình. 

543.  Chúa Giêsu cầu nguyện như thế nào trong suốt cuộc khổ nạn ?

2605-2606
2620

Trong cơn hấp hối nơi vườn Ghếtsêmani, cũng như qua các lời cuối cùng trên Thánh giá, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu mạc khải chiều sâu thẳm của lời cầu nguyện trong tình con thảo của Người. Chúa Giêsu chu toàn ý định yêu thương của Chúa Cha và mang lấy trên mình Người tất cả âu lo của nhân loại, tất cả mọi lời van xin và chuyển cầu của lịch sử cứu độ.  Người dâng lên Chúa Cha, Đấng đón nhận những lời cầu nguyện ấy và đáp lại một cách vượt quá sự chờ mong, bằng cách làm cho Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại.  

544.  Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện như thế nào ?

2608-2614
2621

Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện không những với lời kinh Lạy Cha, nhưng còn dạy chúng ta cầu nguyện ngay cả lúc Người cầu nguyện. Với cách thức này, Người cho chúng ta thấy, bên cạnh nội dung của lời cầu nguyện, còn có những thái độ cần thiết cho việc cầu nguyện đích thực : tâm hồn thanh sạch đang tìm kiếm Nước Trời và sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù của mình; sự tin tưởng mạnh mẽ, đầy tình con thảo, vượt quá những gì chúng ta có thể cảm nghiệm và thấu hiểu; sự tỉnh thức giúp người môn đệ tránh được cơn cám dỗ.     

545.  Tại sao lời cầu nguyện của chúng ta mang lại hiệu quả ?

2615-2616

Lời cầu nguyện của chúng ta mang lại hiệu quả, vì được kết hợp với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong đức tin. Trong Người, lời cầu nguyện Kitô giáo trở thành sự hiệp thông tình yêu với Chúa Cha. Lúc đó, chúng ta có thể dâng những lời cầu xin lên Thiên Chúa và sẽ được nhậm lời : “Anh em hãy xin, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16,24). 

546.  Đức Trinh Nữ Maria đã cầu nguyện thế nào ?

2617; 2618
2622; 2674
2679

Kinh nguyện của Đức Maria phát xuất từ niềm tin và việc quảng đại hiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa. Mẹ của Chúa Giêsu cũng là bà Eva Mới, là “Mẹ của chúng sinh”. Mẹ đã cầu xin Chúa Giêsu, Con của Mẹ, cho những nhu cầu của loài người.

 547.  Trong Tin Mừng, có lời cầu nguyện nào của Đức Maria không ?

2619

Ngoài lời chuyển cầu của Đức Maria tại Cana miền Galilê, Tin Mừng còn ghi lại kinh Magnificat (Lc 1,46-55), là lời ca tụng của Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Hội thánh, là lời tạ ơn trong hân hoan xuất phát từ tâm hồn của những người nghèo khó, vì niềm hy vọng của họ sẽ trở thành hiện thực khi Thiên Chúa thực hiện các lời hứa của Ngài. 

KINH NGUYỆN TRONG THỜI HỘI THÁNH

 

548.  Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem đã cầu nguyện như thế  nào ?

2623-2624

Khởi đầu sách Công Vụ Tông Đồ có ghi lại, trong cộng đoàn tiên khởi tại Giêrusalem được Thánh Thần dạy cho biết cầu nguyện, “các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42). 

549.  Chúa Thánh Thần can thiệp như thế nào trong kinh nguyện của Hội thánh ?

2623; 2625

Chúa Thánh Thần, bậc thầy nội tâm của kinh nguyện Kitô giáo, dạy Hội thánh đời sống cầu nguyện; Ngài hướng dẫn Hội thánh luôn đi sâu vào việc chiêm ngắm và kết hợp với mầu nhiệm khôn lường của Đức Kitô. Các hình thức cầu nguyện, như được trình bày trong các tác phẩm thời các Tông đồ và Tân Ước, vẫn luôn là mẫu mực cho kinh nguyện Kitô giáo. 

550.  Các hình thức chính yếu của kinh nguyện Kitô giáo là gì ?

2643-2644

Đó là chúc tụng và thờ lạy, xin ơn và chuyển cầu, tạ ơn và ca ngợi. Thánh lễ chứa đựng và diễn tả tất cả các hình thức cầu nguyện này.  

551. Lời kinh chúc tụng là gì ?

2626-2627
2645

Lời kinh chúc tụng là lời con người đáp lại các hồng ân của Thiên Chúa. Chúng ta chúc tụng Đấng Toàn Năng, Đấng đã chúc lành cho chúng ta trước và ban tràn đầy hồng ân của Ngài cho chúng ta.  

552.  Việc thờ lạy là gì ?

2628

Việc thờ lạy là sự phủ phục của con người, tự nhận mình là thụ tạo trước Đấng Sáng Tạo muôn trùng chí thánh của mình. 

553.  Những hình thức khác nhau của lời kinh xin ơn là gì ?

2629-2633
2646

Đây có thể là một lời xin ơn tha thứ hay còn là một lời khiêm tốn và tin tưởng xin ơn cho tất cả mọi nhu cầu tinh thần lẫn vật chất của chúng ta. Nhưng điều trước hết phải nài xin, là cầu cho Nước Thiên Chúa mau đến. 

554.  Lời kinh chuyển cầu là gì ?

2634-2636
2647

Kinh chuyển cầu là lời cầu nguyện xin ơn cho một người khác. Lời kinh này giúp chúng ta nên giống Chúa Giêsu, kết hợp chúng ta với kinh nguyện của Người, Đấng chuyển cầu lên Thiên Chúa cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những người tội lỗi. Lời kinh chuyển cầu cần phải mở rộng đến cả kẻ thù của chúng ta. 

555.  Khi nào chúng ta dâng lên Thiên Chúa lời kinh tạ ơn ?

2637-2638
2648

Hội thánh không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, nhất là khi cử hành Thánh lễ, trong đó Đức Kitô cho Hội thánh tham dự vào hành động tạ ơn của Người dâng lên Thiên Chúa Cha. Đối với người Kitô hữu, mọi biến cố trong đời sống đều trở thành chất liệu để tạ ơn.  

556.  Lời kinh ca ngợi là gì ?

2639-2643
2649

Lời kinh ca ngợi là kinh nguyện công nhận Thiên Chúa là Chúa một cách trực tiếp. Lời kinh này hoàn toàn vô vị lợi : ca ngợi Thiên Chúa vì chính Ngài, và tôn vinh Ngài vì Ngài hiện hữu. 

CHƯƠNG HAI

TRUYỀN THỐNG CẦU NGUYỆN

 

557.  Truyền thống có tầm quan trọng nào đối với việc cầu nguyện ?

2650-2651

Trong Hội thánh, qua Thánh truyền sống động, Chúa Thánh Thần dạy cho con cái Thiên Chúa biết cầu nguyện. Thật vậy, kinh nguyện không hạn hẹp vào một sự bộc phát nội tâm, nhưng bao gồm cả việc chiêm niệm, học hỏi và tiến sâu vào những thực tại thiêng liêng mà con người có thể cảm nghiệm được. 

NHỮNG NGUỒN MẠCH CỦA KINH NGUYỆN

 

558.  Kinh nguyện Kitô giáo có những nguồn mạch nào ?

2652-2662

Đó là :

-   Lời Chúa trao ban cho chúng ta “khoa học siêu việt” về Đức  Kitô (Pl 3, 8);

-   Phụng vụ của Hội thánh loan báo, hiện tại hoá và thông truyền mầu nhiệm cứu độ;

-   Các Nhân đức đối thần ;

-   Những hoàn cảnh thường ngày, trong đó chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa.

 

 “Lạy Chúa, con yêu mến Ngài, và ân sủng duy nhất mà con cầu xin là cho con được yêu mến Ngài mãi mãi […] Lạy Thiên Chúa của con, nếu miệng lưỡi con không thể lúc nào cũng lập lại rằng con yêu mến Ngài, con muốn rằng tim con luôn lặp lại lời đó với Chúa theo từng nhịp thở của con” (thánh Gioan Maria Vianney). 

CON ĐƯỜNG CẦU NGUYỆN

 

559. Hội thánh có nhiều con đường cầu nguyện không ?

2663

Hội thánh có nhiều con đường cầu nguyện khác nhau, tùy theo môi trường lịch sử, xã hội và văn hóa. Chỉ Huấn quyền mới có quyền nhận định những con đường này có trung thành với đức tin tông truyền hay không; các vị mục tử và giáo lý viên có trách nhiệm giải thích ý nghĩa của các con  đường này;  ý nghĩa đó phải luôn gắn bó với Đức Giêsu Kitô. 

560.  Con đường cầu nguyện của chúng ta là con đường nào ?

2664
2680-2681

Con đường cầu nguyện của chúng ta là chính Đức Kitô. Lời cầu nguyện chúng ta dâng lên Thiên Chúa, Cha chúng ta, nhưng chỉ lên tới Ngài khi chúng ta cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu, ít nhất là cách mặc nhiên. Nhân tính của Chúa Giêsu là con đường duy nhất, qua đó Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện lên Cha của chúng ta. Vì thế các lời kinh Phụng vụ đều kết thúc bằng công thức : “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”. 

561.  Chúa Thánh Thần có vai trò gì trong việc cầu nguyện của chúng ta ?

2670-2672
2680-2681

Chúa Thánh Thần là bậc Thầy nội tâm của kinh nguyện Kitô giáo và “chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8,26), nên Hội thánh khuyến khích chúng ta kêu cầu và van nài trong mọi hoàn cảnh : “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!” 

562.  Kinh nguyện Kitô giáo dâng lên Đức Maria nhằm ý hướng gì ?

2673-2679
2682

Vì sự cộng tác độc đáo của Đức Maria vào hoạt động của Chúa Thánh Thần, nên Hội thánh yêu thích kêu cầu Mẹ và cùng cầu nguyện với Mẹ, vì Mẹ là người cầu nguyện tuyệt hảo, nhờ đó cùng với Mẹ chúng ta tôn vinh và kêu cầu Chúa. Thật vậy, Đức Maria chỉ “đường” cho chúng ta, con đường ấy chính là Con của Mẹ, Đấng Trung Gian duy nhất.  

563.  Hội thánh cầu nguyện với Đức Maria như thế nào ?

2676-2678
2682

Hội thánh cầu nguyện với Đức Maria trước tiên là bằng kinh Kính Mừng Maria, nhờ lời kinh đó Hội thánh van xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ. Còn nhiều kinh khác để dâng lên Đức Maria, trong đó có chuỗi Mân Côi, các kinh cầu Đức Bà cũng như các thánh thi và thánh ca theo nhiều truyền thống Kitô giáo khác nhau. 

CÁC LINH ĐẠO CẦU NGUYỆN

 

564.  Các thánh là những người dẫn đường cầu nguyện như thế nào ?

2683-2684
2692-2693

Các thánh là những mẫu gương cho chúng ta về cầu nguyện và chúng ta cũng van xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta và cho toàn thế giới nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Lời chuyển cầu của các ngài là việc các ngài phục vụ một cách cao cả nhất cho kế hoạch của Thiên Chúa. Trong mầu nhiệm các thánh thông công, đã có nhiều đường hướng linh đạo phát sinh suốt dòng lịch sử Hội thánh, để dạy chúng ta cách sống và thực hành việc cầu nguyện.   

565.  Ai có thể dạy chúng ta cầu nguyện ?

2685-2690
2694-2695

Gia đình Kitô hữu là nơi đầu tiên để dạy cầu nguyện. Hội thánh đặc biệt khuyến khích các gia đình nên cầu nguyện hằng ngày, vì đó là chứng từ đầu tiên của đời sống cầu nguyện của Hội thánh. Việc huấn giáo, những nhóm cầu nguyện, việc linh hướng tạo thành một trường học và một sự nâng đỡ cho việc cầu nguyện. 

566.  Những nơi nào thuận tiện cho việc cầu nguyện ?

2691
2696

Chúng ta có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, nhưng việc chọn một nơi thích hợp sẽ giúp ích hơn cho việc cầu nguyện. Nhà thờ là nơi dành riêng cho kinh nguyện Phụng vụ và việc tôn thờ Thánh Thể. Những nơi khác cũng có thể giúp chúng ta cầu nguyện, chẳng hạn “một góc cầu nguyện” trong gia đình, một tu viện, một đền thánh.  

CHƯƠNG BA

ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

 

567.  Thời gian nào thích hợp nhất cho việc cầu nguyện ?

2697-2698
2720

Mọi thời điểm đều thích hợp cho việc cầu nguyện. Nhưng Hội thánh đề nghị cho các tín hữu những chu kỳ cố định để nuôi đưỡng việc cầu nguyện liên tục : kinh sáng và kinh chiều, trước và sau khi dùng cơm, Các Giờ kinh Phụng vụ, Thánh lễ ngày Chúa nhật, kinh Mân Côi, các lễ mừng trong năm Phụng vụ.  

“Chúng ta phải nhớ đến Chúa, thường hơn là chúng ta hít thở” (thánh Grêgôriô thành Nazianze)

 

568.  Có mấy hình thức diễn tả đời sống cầu nguyện ?

2697-2699

Truyền thống Kitô giáo đã lưu giữ ba hình thức chính để diễn tả và sống việc cầu nguyện :  khẩu nguyện, suy niệm và cầu nguyện chiêm niệm. Đặc điểm chung của cả ba hình thức này là tập trung tâm trí.  

NHỮNG HÌNH THỨC CẦU NGUYỆN

 

569.  Khẩu nguyện có đặc tính gì ?

2700-2704
2722

Khẩu nguyện liên kết thân xác chúng ta với lời cầu nguyện nội tâm. Ngay cả lời cầu nguyện thầm kín nhất cũng phải cần đến khẩu nguyện. Trong mọi trường hợp, khẩu nguyện phải luôn xuất phát từ đức tin của bản thân người cầu nguyện. Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta một công thức tuyệt hảo của khẩu nguyện, đó là kinh Lạy Cha. 

570.  Suy niệm là gì ?

2705-2708
2723

Suy niệm là suy tư trong cầu nguyện. Việc suy tư này phải bắt đầu từ Lời Chúa trong Thánh Kinh. Suy niệm vận dụng lý trí, trí tưởng tượng, tình cảm, ước muốn, để đào sâu đức tin, hoán cải tâm hồn và củng cố ý chí muốn bước theo Đức Kitô. Đây là bước khởi đầu tiến đến việc kết hợp với Chúa trong tình yêu.  

571.  Cầu nguyện chiêm niệm là gì ?

2709-2719
2724
2739-2741

Chiêm niệm là đơn sơ chiêm ngắm Thiên Chúa, trong thinh lặng và trong tình yêu. Đó là một hồng ân của Thiên Chúa, một khoảnh khắc của đức tin thuần túy trong đó người cầu nguyện tìm kiếm Đức Kitô, phó thác mình cho ý định yêu thương của Chúa Cha và đặt mình dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Thánh Têrêsa Avila định nghĩa chiêm niệm như  “một cuộc trao đổi thân tình giữa bạn hữu, một mình bên  Đấng mà chúng ta biết là Ngài yêu thương ta.” 

CUỘC CHIẾN ĐẤU CỦA CẦU NGUYỆN

 

572.  Tại sao cầu nguyện lại là một cuộc chiến đấu ?

2725

Cầu nguyện là một quà tặng của ân sủng, nhưng trước đó phải có một lời đáp trả dứt khoát từ phía chúng ta. Ai cầu nguyện cũng “phải chiến đấu” chống lại chính bản thân mình, chống lại những gì chung quanh và nhất là chống lại tên cám dỗ, là kẻ làm tất cả để ngăn chận việc cầu nguyện. Cuộc chiến đấu trong cầu nguyện phải gắn liền với sự tấn tới trong đời sống thiêng liêng. Chúng ta cầu nguyện như chúng ta sống, bởi vì chúng ta sống như chúng ta cầu nguyện.  

573.  Có những chướng ngại nào cản trở việc cầu nguyện không ?

2726-2728
2752-2753

Có nhiều quan niệm sai lệch về cầu nguyện. Nhiều người cho rằng họ không có thời giờ để cầu nguyện hay cầu nguyện là vô ích. Người cầu nguyện có thể nản lòng trước những khó khăn và những điều xem ra thất bại. Để thắng vượt những chướng ngại này, chúng ta cần sự khiêm nhường, tin tưởng và kiên trì.  

574.  Đâu là những khó khăn trong việc cầu nguyện ?

2729-2733
2754-2755

Lo ra (chia trí) là khó khăn thường xuyên của việc cầu nguyện. Lo ra tách sự chú ý của chúng ta ra khỏi Thiên Chúa, và cũng có thể cho thấy chúng ta đang quyến luyến điều gì. Lúc đó tâm hồn chúng ta phải khiêm tốn quay về với Chúa. Lời cầu nguyện còn thường bị sự khô khan tấn công. Ai muốn chiến thắng sự khô khan, phải gắn bó với Thiên Chúa bằng đức tin, cho dù không cảm thấy một sự an ủi nào. Sự nguội lạnh là một hình thức lười biếng về mặt thiêng liêng do lơ là việc tỉnh thức và do sự chểnh mảng của tâm hồn.  

575. Làm thế nào để củng cố lòng tin tưởng hiếu thảo của chúng ta ?

2734-2741
2756

Lòng tin tưởng của người con hiếu thảo bị thử thách khi nghĩ rằng chúng ta không được Thiên Chúa nhậm lời. Lúc đó, phải tự vấn xem, đối với chúng ta, Thiên Chúa thực sự là một người Cha mà chúng ta đang cố gắng thực thi ý Ngài, hay Ngài chỉ là phương tiện để chúng ta đạt được điều mong muốn. Nếu kết hợp lời cầu nguyện của chúng ta với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, chúng ta biết rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta còn nhiều ơn hơn chúng ta cầu xin : đó là chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng thay đổi tâm hồn chúng ta.  

576.  Có thể cầu nguyện trong mọi lúc hay không ?

2742-2745
2757

Chúng ta có thể cầu nguyện luôn luôn, vì thời gian của người Kitô hữu là thời gian của Đức Kitô phục sinh, Đấng “ở với chúng ta mọi ngày” (Mt 28,20). Cầu nguyện không thể tách rời khỏi đời sống của người Kitô hữu. 

“Bạn có thể cầu nguyện thường xuyên và sốt sắng, khi  ở ngoài chợ hay khi đi dạo một mình, khi đang ngồi ở cửa hàng hay khi đang mua bán, và ngay cả khi làm bếp” (thánh Gioan Kim Khẩu).  

577.  Kinh nguyện của Chúa Giêsu trong Giờ của Người là gì ?

2604
2746-2751
2758

Người ta gọi kinh nguyện này là “lời nguyện tư tế” của Chúa Giêsu trong bữa tiệc cuối cùng. Chúa Giêsu, vị Thượng tế của Giao ước mới, dâng lời cầu nguyện này lên Cha của Người khi Giờ của “cuộc vượt qua” , Giờ Hy tế của Người, đã đến. 

ĐOẠN THỨ HAI

LỜI KINH CHÚA DẠY: KINH LẠY CHA

 

KINH LẠY CHA

 

Lạy Cha chúng con ở trên trời;

Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng;

Nước Cha trị đến,

Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời

Xin Cha cho chúng con,

hôm nay lương thực hằng ngày;

Và tha nợ chúng con,

như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ;

nhưng cứu chúng con cho khỏi sự Dữ. 

PATER NOSTER

 

Pater noster qui es in caelis :

sanctificetur Nomen Tuum;

adveniat Regnum Tuum;

fiat voluntas Tua,

sicut in caelo, et in terra.

Panem nostrum quotidianum da nobis hodie;

et dimitte nobis debita nostra,

sicut et nos dimittimus debitoribus nostris;

et ne nos inducas in tentationem;

sed libera nos a Malo

 

“Có một lần Chúa Giêsu cầu nguyện nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện !” (Lc 11,1). Chúa  Giêsu nhận lời cầu xin này và dạy Kinh Lạy Cha. 

Các môn đệ là những người đã có kinh nghiệm với việc cầu nguyện theo Do Thái giáo vào thời đó, rất xúc động vì tính cách đặc biệt của việc cầu nguyện của Thầy mình. Thật vậy, Chúa Giêsu luôn sống với lời cầu nguyện (x. Lc 5,16). Những thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời của Người đều đi kèm với lời cầu nguyện : Chúa Giêsu cầu nguyện khi lãnh nhận nghi thức thanh tẩy ở sông Giordan (Lc 3,21); trước khi kêu gọi các tông đồ (Lc 6,12); trước khi hiển dung (Lc 9,28). Người cầu nguyện cho đức tin của ông Phêrô (Lc 22,31-32) và cho việc Thánh Thần đến (Ga 14,15-17). Người cầu nguyện trước khi cho Lazarô sống lại (Ga 11,41) và khi Người tiến bước vào thành Giêrusalem thật long trọng (Ga 12,27). Trong bữa Tiệc ly, Người cầu nguyện với Chúa Cha cho việc tôn vinh Người (Ga 17,1-5), cho các môn đệ (Ga 17,6-19) và cho tất cả những kẻ tin  Người (Ga 17,20-26). Người cầu nguyện trước cuộc khổ nạn (Lc 22,39-46) và ngay lúc hấp hối, Người cầu nguyện cho các kẻ thù của mình (Lc 23,34). 

Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trong một cuộc đối thoại vâng phục, đem lại cho sứ vụ của Người đầy sức sống : “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Chính sự hiệp thông thân tình với Chúa Cha là nguồn vui và là nguồn ca tụng : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha […] Cha Tôi đã giao phó mọi sự cho Tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11,25.27). 

Lời cầu nguyện dâng lên Chúa Cha là hơi thở của đời sống trần thế của Người. Cho dù hoàn toàn ở giữa chúng ta, Chúa Giêsu không bao giờ ở xa Nhà của Chúa Cha, có nghĩa là luôn hiệp thông với Cha trong kinh nguyện. Mặt khác, chính sự thân mật hiếu thảo này trở thành sự gần gũi mang lại ơn cứu độ và nhân từ đối với anh em của mình, cho đến hy tế cao vời trên thập giá.  

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu vẫn tiếp tục trong ngày hôm nay (x. Dt 7,25). Trong Phụng vụ Thánh lễ, Đức Kitô, vị Thượng Tế, dâng lên Cha hy tế cứu độ của Người. Người dâng lên trong sự hiệp thông với Thân Thể của Người là Hội thánh. Mỗi lời cầu nguyện của chúng ta dâng lên Thiên Chúa Cha “nhờ Đức Kitô Chúa chúng con”. Chính lời cầu nguyện của Đức Kitô nâng đỡ tất cả lời cầu nguyện của chúng ta, những khẩu nguyện cũng như tâm nguyện. Khi Hội thánh cầu nguyện, thì chính lúc Chúa Con ôm hôn đầu gối của Chúa Cha. Lời cầu nguyện của con cái hướng lên Cha ngang qua tiếng nói của Vị Trưởng Tử. Họ rất đông, nhiều cánh tay giơ lên để kêu cầu, ca ngợi và van nài; nhưng chỉ một tiếng nói duy nhất, đó là tiếng nói của Chúa Con. 

Bức tranh trình bày Chúa Giêsu đang cầu nguyện trong vườn Gethsemani. Người đón nhận chén đắng của cuộc khổ nạn bằng sự vâng phục tuyệt đối Chúa Cha để cứu độ nhân loại. 

 EL GRECO, Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, Bảo tàng nghệ thuật TOLEDO (OHIO).         

578.  Đâu là nguồn gốc của kinh Lạy Cha ?

2759-2760
2773

Chúa Giêsu đã dạy chúng ta lời kinh không thể thay thế được của Kitô giáo, đó là kinh Lạy Cha, khi một môn đệ thấy Người cầu nguyện, đã xin Người “dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11, 1). Truyền thống Phụng vụ Hội thánh luôn dùng bản văn của thánh Mátthêu (6, 9-13). 

“BẢN TÓM LƯỢC TOÀN BỘ TIN MỪNG”

 

579.  Kinh Lạy Cha có vị trí nào trong Sách Thánh ?

2761-2764
2774

Kinh Lạy Cha là “bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng” (Tertullianô), là “lời cầu nguyện tuyệt hảo” (thánh Tôma Aquinô). Kinh Lạy Cha nằm ở trung tâm Bài giảng trên núi (Mt 5-7), và lấy lại nội dung chính yếu của Tin Mừng dưới hình thức một kinh nguyện.  

580. Tại sao kinh này được gọi là “lời kinh của Chúa” ?

2765-2766
2775

Kinh Lạy Cha được gọi là “lời kinh của Chúa,” vì do chính Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta.   

581.  Kinh Lạy Cha giữ vị trí nào trong kinh nguyện của Hội thánh ?

2767-2772
2776

Kinh Lay Cha là lời kinh tuyệt hảo của Hội thánh. Kinh này chỉ được “trao” cho những người con của Thiên Chúa vào lúc lãnh nhận Bí tích Rửa tội để nhấn mạnh việc tái sinh vào đời sống thần linh . Bí tích Thánh Thể mạc khải ý nghĩa tròn đầy của lời kinh này : những lời cầu xin của kinh này, dựa trên mầu nhiệm cứu độ đã được thực hiện, sẽ được nhậm lời cách trọn vẹn khi Chúa đến. Kinh Lạy Cha là thành phần chính yếu của Các giờ kinh Phụng vụ.   

“LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI”

 

582.  Tại sao chúng ta có thể “dám tin tưởng đến gần” Chúa Cha ?

2777-2778
2797

Vì Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ, hướng dẫn chúng ta đến trước Tôn Nhan Chúa Cha, và vì Thánh Thần của Người đã làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Như thế, chúng ta có thể cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha với sự tin tưởng đơn sơ và hiếu thảo, với sự vui mừng an tâm, sự can đảm khiêm hạ và trong sự xác tín được Thiên Chúa yêu thương và nhậm lời.  

583.  Làm sao chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là “Cha” ?

2779-2785
2789
2798-2800

Chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, vì Con Thiên Chúa làm người đã mạc khải cho chúng ta và Thánh Thần của Ngài đã giúp chúng ta nhận biết điều đó. Việc kêu cầu Thiên Chúa Cha đưa chúng ta vào mầu nhiệm của Ngài, với lòng thán phục luôn mới mẻ, và gợi lên trong chúng ta sự ước muốn sống đời con thảo. Như vậy với kinh Lạy Cha, chúng ta phải ý thức rằng chính chúng ta là con Thiên Chúa, trong Người Con chí ái của Ngài.  

584.  Tại sao chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha “chúng con” ?

2786-2790
2801

Thuật ngữ “chúng con” diễn tả một tương quan hoàn toàn mới mẻ với Thiên Chúa. Khi cầu nguyện với Chúa Cha, chúng ta thờ lạy và tôn vinh Ngài cùng với Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong Đức Kitô, chúng ta là Dân “của Ngài” và Ngài là Thiên Chúa “của chúng ta”, bây giờ và mãi mãi. Thật vậy, chúng ta gọi Ngài là Cha “chúng con” vì Hội thánh của Đức Kitô là sự hiệp thông gồm đông đảo anh em, tạo nên “một trái tim và một linh hồn ” (Cv 4,32). 

585.  Chúng ta cầu nguyện Lạy Cha “chúng con” với tinh thần hiệp thông và truyền giáo nào ?

2791-2793
2801

Kinh Lạy Cha “chúng con” là gia sản chung của tất cả những người đã được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nên họ phải cảm nhận lời kêu gọi khẩn thiết cùng với Chúa Giêsu cầu nguyện cho sự hợp nhất của các môn đệ Người. Cầu nguyện bằng kinh “Lạy Cha chúng con,” tức là cầu nguyện với và cho tất cả mọi người, để họ nhận biết một Thiên Chúa thật và phải hợp nhất với nhau.   

586.  Thuật ngữ “ở trên trời” có nghĩa là gì ?

2794-2796
2802

“Ở trên trời” là một cách diễn tả theo Thánh Kinh, không muốn chỉ một vị trí, nhưng muốn nói lên một cách hiện hữu : Thiên Chúa vượt quá và vượt trên tất cả. Thuật ngữ này diễn tả sự uy nghi, sự thánh thiện của Thiên Chúa, cũng như sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn những người công chính. Trời, hay Nhà Cha, là quê hương đích thực mà lòng chúng ta hằng hướng đến trong niềm hy vọng, ngay khi chúng ta còn đang sống trên mặt đất này. Là những người “hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,3), chúng ta đã sống trên trời. 

BẢY LỜI CẦU XIN

 

587.  Lời kinh của Chúa được cấu tạo như thế nào ?

2803-2806
2857

Lời kinh của Chúa có bảy lời cầu xin dâng lên Thiên Chúa là Cha. Ba lời đầu tiên, có tính đối thần, hướng chúng ta về Thiên Chúa, vì vinh quang của Ngài : lời kinh này tự bản chất thuộc về tình yêu và trước tiên nghĩ đến Đấng chúng ta yêu. Ba lời đó cho thấy những điều mà chúng ta đặc biệt cầu xin : sự thánh hóa Danh Thiên Chúa, việc Vương quốc sẽ đến và việc thi hành Ý của Ngài. Bốn lời cầu xin cuối trình bày với Cha nhân từ những thống khổ và những chờ đợi của chúng ta. Chúng ta van xin Người lương thực, sự tha thứ, sự trợ giúp trong các cơn cám dỗ và sự giải thoát khỏi thần Dữ. 

588.  Lời cầu xin “Nguyện danh Cha cả sáng” có ý nghĩa gì  ?

2807-2812
2858

“Danh Cha cả sáng” trước hết là một lời ca ngợi công nhận Thiên Chúa là Đấng Thánh. Thật vậy, Thiên Chúa đã mạc khải Danh Thánh của Ngài cho Môsê và Ngài muốn cho dân Ngài được thánh hiến dành riêng cho Ngài, là một dân tộc thánh thiện mà Ngài yêu thích cư ngụ nơi họ.  

589. Danh Thiên Chúa được thánh hóa nơi chúng ta và trên thế giới như thế nào ?

2813-2815

Thiên Chúa buộc chúng ta phải “nên thánh”(1 Ts 4,7).  Câu “Danh Thiên Chúa được thánh hoá” muốn nói lên đòi hỏi việc hiến thánh của Bí tích Rửa tội phải làm sinh động cả cuộc đời chúng ta; ngoài ra còn mang ý nghĩa, chúng ta phải chăm sóc cuộc đời và lời cầu nguyện của chúng ta như thế nào để Danh Thiên Chúa được mọi người nhận biết và chúc tụng  

590. Hội thánh  xin gì  khi cầu nguyện “Nước Cha trị đến” ?

2816-2821
2859

Hội thánh xin cho Nước Thiên Chúa trị đến một cách dứt khoát qua việc Đức Kitô trở lại trong vinh quang. Nhưng Hội thánh cũng cầu xin cho vương quyền của Thiên Chúa ngày càng lớn lên trong hiện tại qua việc thánh hóa con người trong Chúa Thánh Thần, và nhờ sự cố gắng của họ trong việc phục vụ công lý và hòa bình theo các Mối phúc. Lời cầu xin này là tiếng kêu của Chúa Thánh Thần và của Hiền thê : “Lạy Chúa Giêsu ! xin hãy đến” (Kh 22,20).   

591.  Tại sao chúng ta cầu xin : “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” ?

2822-2827
2860

Ý muốn của Cha chúng ta là “tất cả mọi người được cứu độ” (1 Tm 2,3). Vì thế, Chúa Giêsu đã đến để chu toàn cách trọn hảo ý định cứu độ của Cha. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa là Cha kết hợp ý muốn của chúng ta vào ý muốn Con của Ngài, theo gương của Đức Trinh Nữ rất Thánh và của các thánh. Chúng ta cầu xin cho ý định của tình yêu nhân hậu của Ngài  được thực hiện trọn vẹn dưới đất như đã được thực hiện trọn vẹn trên trời. Chính nhờ lời cầu nguyện này mà chúng ta có thể “nhận ra ý muốn của Thiên Chúa” (Rm 12,2) và “kiên trì thi hành thánh ý” (Dt 10,36). 

592.  Lời cầu “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” có nghĩa gì ?

2828-2834
2861

Với lòng phó thác tin tưởng của phận làm con, chúng ta xin Thiên Chúa ban lương thực hằng ngày để mọi người được sống và chúng ta công nhận Ngài là Cha chúng ta, Đấng tốt lành vượt quá mọi sự tốt lành. Chúng ta cũng xin Ngài cho biết phải hoạt động thế nào để công lý và tình liên đới buộc những ai dư đầy biết giúp đỡ các nhu cầu của những kẻ thiếu thốn.   

593.  Lời cầu xin này có ý nghĩa đặc thù nào cho người Kitô hữu ?

2835-2837
2861

Vì “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4), lời cầu xin này cũng bao hàm cả cơn đói khát Lời ChúaMình Thánh Chúa  trong Bí tích Thánh Thể, cũng như đói khát Chúa Thánh Thần. Chúng ta cầu xin những điều này với lòng tin tưởng tuyệt đối cho ngày hôm nay của Thiên Chúa. Những điều này được ban cho chúng ta đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể, một sự tham dự trước vào bàn tiệc của Vương quốc sẽ đến.   

594.   Tại sao chúng ta nói “xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” ?

2838-2839
2862

Khi xin Thiên Chúa là Cha tha thứ cho chúng ta, chúng ta nhận biết mình là kẻ tội lỗi trước mặt Ngài. Nhưng đồng thời chúng ta cũng tuyên xưng lòng thương xót của Ngài, vì trong Chúa Con và qua các Bí tích, “chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1, 14). Tuy nhiên, lời cầu xin của chúng ta chỉ có thể được nhậm lời, với điều kiện là, về phần chúng ta, chúng ta phải tha thứ trước.   

595.  Làm sao có thể tha thứ được ?

2840-2845
2862

Lòng thương xót chỉ có thể đi vào tâm hồn, nếu như chính chúng ta biết tha thứ cho cả kẻ thù của mình. Dù đối với con người, điều này xem ra không thể thực hiện được, nhưng một trái tim rộng mở cho Chúa Thánh Thần sẽ có khả năng, như Chúa Giêsu, yêu thương cho đến cùng, biến đổi thương đau thành lòng trắc ẩn, và sự xúc phạm thành lời chuyển cầu.  Tha thứ chính là tham dự vào lòng khoan dung của Thiên Chúa và là một trong những đỉnh cao của kinh nguyện Kitô giáo.    

596.  “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” nghĩa là gì ?

2846-2849
2863

Chúng ta xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, đừng để chúng ta đơn độc dưới quyền lực của cơn cám dỗ. Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần để biết nhận định, một đàng, giữa thử thách giúp ta tăng trưởng trong sự lành và sự cám dỗ dẫn đến tội lỗi và sự chết, và đàng khác, giữa bị cám dỗthuận theo cơn cám dỗ. Lời cầu xin này kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng cám dỗ bằng lời cầu nguyện của Người. Lời cầu này cũng van xin ơn tỉnh thức và bền đỗ đến cùng. 

597.  Tại sao chúng ta lại kết thúc bằng lời cầu xin “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự Dữ” ?

2850-2854
2864

Sự Dữ muốn ám chỉ một nhân vật là Satan, kẻ đối nghịch với Thiên Chúa, “kẻ chuyên mê hoặc toàn thể nhân loại” (Kh 12,9). Đức Kitô đã chiến thắng ma quỷ. Nhưng chúng ta cầu xin cho cả gia đình nhân loại được giải thoát khỏi Satan và mọi việc làm của nó. Chúng ta cũng cầu xin hồng ân quí giá là sự bình an và ân sủng để kiên trì chờ đợi Đức Kitô lại đến, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự Dữ cách dứt khoát. 

598 . Chữ “Amen” cuối cùng có nghĩa là gì ?

2855-2856
2865

“Sau khi đọc kinh xong, bạn đọc Amen, nhấn mạnh lời Amen, nghĩa là ‘xin Chúa cứ làm cho con như vậy’, chúng ta quyết tâm đón nhận tất cả những điều Chúa dạy trong lời kinh này” (thánh Xyrilô thành Giêrusalem).

  

Các thiên thần là những thụ tạo của Thiên Chúa. Một số đông đã và vẫn luôn trung thành với Thiên Chúa, trước tôn nhan Ngài, trong sự phục vụ Ngài và Hội thánh, kết hợp với những người đã được cứu chuộc trong vinh quang thiên quốc. 

Như trong thị kiến của Giacóp về cái thang – “trên đó, các sứ thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống” (St 28,12) – các thiên thần là những sứ giả năng động và tràn đầy sức lực nối kết trời với đất. Giữa Thiên Chúa và nhân loại  không có sự thinh lặng và câm nín, nhưng vẫn đối thoại  liên tục, sự hiệp thông không bao giờ ngưng trệ. Và con người, được xác định cho sự hiệp thông này, phải có một thính giác tinh thần thật linh hoạt để nghe và hiểu tiếng nói của thiên thần, sẽ gợi lên những lời tốt đẹp, những tình cảm thánh thiện, những hoạt động nhân từ, những thái độ bác ái và những liên hệ thật xây dựng. 

Đó là những gì chúng ta xin với thiên thần hộ thủ trong lời kinh nổi tiếng của đạo đức bình dân Kitô giáo.

 

Lạy thiên thần của Thiên Chúa,

sứ giả bảo vệ con ! 

Thiên Chúa đã gởi ngài đến để đồng hành với con.

Hãy soi sáng, che chở, hướng dẫn và dìu dắt con.

Amen.

 Hình ảnh trình bày một nhóm thiên thần không có cánh, đang cầu nguyện khi hát. Các ngài mặc những phẩm phục chói lọi thánh thiện để thấy các ngài đang thực hiện một công tác Phụng vụ trang trọng. Thật vậy, các thiên thần không những là những sứ giả được Thiên Chúa  sai đi, để thông báo ý muốn của Ngài cho con người, nhưng các ngài còn có trách vụ ca tụng Thiên Chúa trong Phụng vụ thiên quốc vĩnh cửu (x. Kh 8,2).

 

JAN VAN EYCK, Các thiên thần ca hát, Bức tranh ghép nhiều mảng của nhà thờ chánh tòa Gand.

 


Trở Về Trang Nhà