GẶP GỠ & ĐỐI THOẠI - MỘT
HÌNH THỨC SƯ PHẠM MỚI (www.giaolyductin.net/07/08/11,
12:06 pm)
I. KHÁI NIỆM GẶP GỠ
& ĐỐI THOẠI
Gặp gỡ là nghệ thuật
“hòa hợp với người khác”
Theo tài liệu Canh tân Giáo lý
của Hội đồng Giám mục Ý, gặp gỡ là nghệ thuật “hòa điệu với người khác” (RdC
170b) để cùng nhau lớn lên, cùng nhau thực hiện một hành trình, cùng nhau tái
tạo một kinh nghiệm tôn giáo sống động, cho đến khi cả hai được lớn lên.
Để được như vậy giáo lý viên cần
có: (1) “khả năng hướng dẫn người khác lãnh hội, nội tâm hóa và sự diễn tả sứ
điệp Kitô giáo” (RdC 169), (2) “biết chuẩn bị trong suy tư và cầu nguyện những
giả thuyết (hypothesis) về việc dạy học” (RdC 181), và (3) “sử dụng cách khôn
ngoan kỹ thuật giảng dạy thích hợp” (RdC 170c).
Có thể nói thành công hay thất
bại của gặp gỡ trong giáo lý tùy thuộc lý luận dạy học được sử dụng như thế
nào. Do đó, giáo lý viên hay linh hoạt viên giáo lý, ngoài những kiến thức về
thần học và giáo lý, còn phải biết sử dụng kỹ thuật dạy học để thực hiện một
cuộc gặp gỡ và đối thoại trong giáo lý.
Chẳng có tài liệu và đồ dùng
giảng dạy nào đương nhiên phù hợp với mọi giáo lý viên hay linh hoạt viên giáo
lý, với mọi tham dự viên cũng như mọi cuộc gặp gỡ. Là “trung gian” giữa nội
dung giảng dạy và nhu cầu tâm lý của tham dự viên, giáo lý viên phải suy nghĩ,
điều chỉnh, đổi mới và sáng tạo nhằm thích nghi tài liệu với thực tế tâm lý của
tham dự viên, đòi hỏi của từng nhóm, từng tham dự viên.
Giáo lý viên không thể nói:
“sách giáo lý viết như thế này, nên không thể làm khác được”; hoặc “sách tiến
hành theo cách này, nên phải theo tiến trình đó”. Không có tiến trình nào là
hợp lý nếu tách khỏi thực tại hoặc xa rời tiến trình tâm lý; làm như vậy chỉ
lãng phí thời gian và sức lực; hoặc bỏ lỡ cơ hội và làm cho cuộc gặp gỡ trở nên
trống rỗng thay vì làm cho nó sống động.
Giáo lý viên phải để một mắt vào
sách giáo lý và mắt kia vào những đòi hỏi tâm lý của tham dự viên, bởi vì tinh
thần chỉ có thể tăng trưởng khi vấn đề được giải quyết từ bên trong. Giáo lý
viên phải tìm hiểu tham dự viên và thế giới của họ để chuẩn bị cho gặp gỡ.
Đối thoại có nghĩa
là “trao đổi”, là “cho và nhận”.
Đối thoại phát xuất từ đòi hỏi
cơ bản của con người, đó là việc mở ra với người khác để “cho” và để “nhận”.
Thật vậy, mỗi người có giá trị riêng và xứng đáng được tôn trọng với những gì
họ có như khả năng nhận thức, phân tích, phán đoán, liên lạc và đề xuất; mỗi
người có quyền được người khác lắng nghe và lắng nghe người khác qua việc đóng
góp những suy tư và hoạt động của mình đồng thời nhận lại và những suy tư và
hoạt động của người khác, để cùng nhau tìm kiếm và nghiên cứu chân lý.
Tìm kiếm và nghiên cứu là hoạt
động tìm hiểu những thực tại như con người, sự việc, ý tưởng, vấn đề, hiện
tượng tôn giáo… nhằm sống tốt hơn trên phương diện cá nhân cũng như xã hội. Ở
đây, chúng ta muốn nói đến việc tìm kiếm sự hiểu biết và kinh nghiệm về những
gì được gọi là thực tại tôn giáo, thực tại mà chúng ta tiếp cận trực tiếp hoặc
gián tiếp để tạo ra những kinh nghiệm tôn giáomới.
Cuộc tìm kiếm này phải được linh
hoạt viên giáo lý và tham dự viên cùng quan tâm thực hiện; cả hai đều phải quan
tâm thực hiện cuộc tìm kiếm này, vì không thể có gặp gỡ khi cả hai bên không có
cùng một quan tâm. Giáo lý viên và tham dự viên phải có chung mối quan tâm là
tìm hiểu thực tại để sống tốt hơn trên phương diện cá nhân cũng như xã hội,
bằng không sẽ không có gặp gỡ hoặc gặp gỡ trở nên trống rỗng.
Tất cả là gặp gỡ và
đối thoại
Giáo lý không chỉ là giảng dạy
nhưng trước hết và trên hết là gặp gỡ và đối thoại. Trong gặp gỡ và đối thoại,
không còn tồn tại người dạy và người học nhưng người dạy cũng là người học, và
ngược lại. Cả hai trở thành chủ thể trong tiến trình tăng trưởng và trong tiến
trình này, quyền lực không còn giá trị nữa. Để thi hành quyền lực, cần thi hành
với sự tự do chứ không phải kiểm soát. (x. Freire P., La pedagogia degli
oppressi, Mondatori, Milano 1974, 94).
Là gặp gỡ và đối thoại, giáo
lýkhông giới hạn trong khuôn khổ của một lớp học, vì gặp gỡ và đối thoại phải
được tiếp tục thực hiện trong những giờ giải lao, ở ngoài đường, ở quán nước,
trong cộng đoàn giáo xứ, trong những hoạt động ngoài phạm vi lớp học, trong
những hình thức hoạt động của các phong trào, hiệp hội, ở nông thôn, ngoại ô
hay thành phố.
Tắt một lời, đây là cuộc gặp gỡ
và đối thoại toàn diện với cả con người của tham dự viên, gặp gỡ và đối thoại
với từng hoặc với tất cả tham dự viên, vào bất cứ lúc nào có thể trong cuộc
sống.
II. CÁCH THỰC HIỆN MỘT CUỘC
GẶP GỠ VÀ ĐỐI THOẠI
Điều kiện cần thiết
cho gặp gỡ và đối thoại
Để thực hiện cuộc gặp gỡ &
đối thoại này, trước hết giáo lý viên phải loại bỏ ý tưởng dạy giáo lý là “dạy
bổn” và học giáo lý là “nhớ và thuộc lòng” những câu hỏi-thưa dọn sẵn (đây chỉ
là một trong các bước của lộ trình giáo lý); kế đến, giúp tham dự viên chủ động
trong việc học (thay vì tiếp nhận cách thụ động những gì giáo lý viên dạy); sau
hết, gặp gỡ và đối thoại với tham dự viên để cùng nhau tìm hiểu một vấn đề tôn
giáo hay cùng nhau khám phá để có được một kinh nghiệm tôn giáo mới.
Cấu trúc một buổi
gặp gỡ - đối thoại
1. Cầu nguyện
Mỗi cuộc gặp gỡ phải khởi đầu và
kết thúc bằng cầu nguyện. Có nhiều cách cầu nguyện khác nhau: truyền thống,
sáng tạo, bài hát, cử điệu…mà sách giáo lý đề nghị.
2. Nhắc lại cuộc gặp
gỡ trước và chuẩn bị cho gặp gỡ này
Để có sự liên kết với lần gặp gỡ
trước, giáo lý viên có thể nhắc lại sơ qua nội dung của cuộc gặp gỡ trước. Glv
hỏi các em: “Điều gì chúng ta đã nói, đã đọc, đã viết, đã đề nghị…trong lần gặp
gỡ trước? Các em đã thực hành quyế tâm thế nào? Các em có kể cho cha mẹ nghe về
buổi gặp gỡ giáo lý không? Đâu là những đoạn các em ghi nhớ? Những khuôn mặt
nào làm các em nhớ? Các em đã làm gì tốt hơn trong cuộc sống? Chúa Nhật trước
các em đã làm gì? Các em có cầu nguyện không? Các em có làm những việc tốt
không? Các em có nhớ điều mà chúng ta đã thực hiện trong lần gặp gỡ trước không
(vẽ hình, dán tranh, hình chụp, múa cử điệu, làm poster…)? Điều gì gây ấn tượng
cho các em nhất?
3. Dẫn vào cuộc gặp
gỡ mới
Sự quan tâm và tham gia của tham
dự viên được kích thích bằng một câu, một đoạn văn, một hình ảnh, đặc biệt bằng
một kinh nghiệm sống.
4. Nghe và hiểu lời
Chúa
Mỗi cuộc gặp gỡ đều ứng với một
nội dung để học hỏi và kiểm điểm đời sống, nhờ đọc và hiểu Lời Chúa. Giáo lý
viên đối thoại với tham dự viên để giúp họ khảo sát bản văn Lời Chúa và khám
phá sứ điệp của Lời Chúa. Giáo lý viên cần nắm vững cách kể chuyện và đặt câu
hỏi.
5. Nội tâm hóa và
đáp trả Lời Chúa
Đây là thời điểm thích hợp nhất
để tham dự viên trở thành chủ thể của buổi gặp gỡ. Mỗi tham dự viên đón nhận và
đáp trả lời Chúa mời gọi cách khác nhau. Tham dự viên được mời gọi diễn tả lại
những gì đã diễn ra trong tâm hồn qua một hình vẽ hay một màn kịch, một bài hát
hay một cử điệu, một vần thơ hay một lời nguyện… Chẳng hạn, giáo lý viên có thể
gợi ý:
· Em hãy diễn tả bằng hình
vẽ điều đánh động em nhất trong buổi gặp gỡ và chú thích một câu phù hợp với
hình vẽ.
· Em hãy lấy lại một hình
vẽ trong sách giáo lý mà em thích rồi diễn tả lại theo cách của em. Chú thích
hình vẽ bằng một câu.
· Em hãy viết một đoạn tóm
lược hoặc một lời cầu nguyện ngắn.
· Chúng ta cùng sáng tác
một màn kịch, một bài hát, một video clip…
· Chúng ta tổ chức một
cuộc triển lãm hay một buổi đọc văn thơ cho cha mẹ tham dự.
· Chúng ta có thể hỏi cha
mẹ điều gì về Chúa, về Giáo Hội…
Việc đáp trả không chỉ dừng lại
ở cảm nghĩ, nhưng còn được thực hiện qua một số việc cụ thể được gợi hứng bởi
chứng từ hay gương sáng của những người trong cộng đoàn. Giáo lý viên đề nghị
một số việc để các em tự do chọn lựa.
6. Củng cố và ghi
nhớ
Mỗi hoạt động giáo lý phải bồi
dưỡng nhận thức, tâm tình và thái độ của các tham dự viên. Không làm được điều
này, buổi gặp gỡ gần như thất bại. Vì thế, phải có bước “củng cố” lại ý chính
của buổi gặp gỡ.
Nhiều người không muốn nhắc đến
việc “ghi nhớ” trong giáo lý, nhưng chắc chắn không thể “bỏ hoàn toàn việc ghi
nhớ này trong khi dạy giáo lý”.
“Việc ghi nhớ những
lời nói chính xác của CGS, những đoạn Kinh Thánh quan trọng, mười giới răn,
những hình thức tuyên xưng đức tin, những bản văn phụng vụ, những kinh nguyện
căn bản, những khái niệm then chốt của giáo huấn…là một thực tại cần thiết.
Những hoa trái của đức tin và lòng đạo…không nảy nở trong những vùng sa mạc của
một khoa giáo lý mà không dùng đến trí nhớ. Điều thiết yếu là những bản văn ghi
nhớ phải được nội tâm hóa và dần dần được hiểu tường tận, để trở nên nguồn sống
cho mỗi kitô hữu cũng như cho cả cộng đoàn” (DGL 55).
Trên thực tế, các sách giáo lý
cổ điển cống hiến những câu hỏi và những câu trả lời ở cuối mỗi chương. Bổn
phận của mỗi giáo lý viên là giải thích những câu trả lời đó sao cho phù hợp
với các em và giúp các em học, không chỉ là ghi nhớ trong trí mà là như “nguồn
sống cho mỗi kitô hữu cũng như cho cả cộng đoàn”, như ĐTC Gioan Phaolô II đã
khẳng định.
7. Cầu nguyện kết
thúc
Kết thúc buổi gặp gỡ luôn nhắm
đến việc lượng giá buổi gặp gỡ; cơ hội để tham dự viên nhìn lại buổi gặp gỡ,
khám phá ơn Chúa ban và dâng lời tạ ơn.
8. Đối thoại với phụ
huynh
Phụ huynh là những giáo lý viên
đầu tiên của con cái mình qua lời nói và việc làm. Họ ảnh hưởng sâu đậm trên
đời sống đức tin của con cái. Rất tiếc, sự tham gia của phụ huynh vào việc dạy
giáo lý chưa được tốt, vì thế cần đối thoại ít là từ xa, để giúp các phụ huynh
nhận thức lại vai trò quan trọng và không thể thay thế của mình trong việc giáo
dục đức tin cho con cái. Việc lãnh nhận bí tích của con cái luôn là một cơ hội
tốt nhất cho sự đối thoại này. Giáo lý viên cần kết hợp cụ thể, thường xuyên và
hấp dẫn với phụ huynh.
KẾT LUẬN
Chúng tôi đã trình bày “khung
hướng dẫn” cho một buổi dạy giáo lý với hình thức gặp gỡ và đối thoại; tuy
nhiên không nên áp dụng một cách cứng nhắc, mà cần điều chỉnh lại sao cho phù
hợp với những đòi hỏi và những tình huống khác nhau mà giáo lý viên cũng như
tham dự viên cùng tìm kiếm.
Nguyên bản Catechisti oggi. Note di
catechetica, psicopedagogia e didattica per la pastorale dell’eta’ evolutiva
(Giáo lý viên ngày nay. Những đặc tính của giáo lý, tâm lý sư phạm và dạy học
đối với mục vụ cho lứa tuổi phát triển) của G. CIONCHI, Elledici, TO, 1999,
149-158.
Md Phạm Thúy chuyển
ngữ từ tiếng Ý