ĐỒNG HÀNH TRONG GIÁO LÝ
(giaolyductin.org 19/02/13, 11:54 am)
DỌC ĐƯỜNG KHI NGƯỜI NÓI CHUYỆN VÀ GIẢI
THÍCH KINH THÁNH CHO CHÚNG TA, LÒNG CHÚNG TA ĐÃ CHẲNG BỪNG CHÁY LÊN SAO? (LUCA
24,32)
“Giáo Hội hiện hữu để rao giảng Tin Mừng”
(Phaolô VI, tông huấn EN s.14) nên mọi hoạt động của Giáo Hội, kể cả việc dạy
giáo lý, phải được thực hiện trong viễn tượng này. Việc dạy giáo lý được coi là
thời điểm chính yếu của tiến trình rao giảng Tin Mừng và kín múc trong việc rao
giảng Tin Mừng động lực truyền giáo đã đem lại cho nó sự phong phú và căn tính
đặc thù (x. HDTQ 59).
Nếu việc Rao giảng Tin Mừng ngày nay
không còn hạn hẹp trong việc đem Tin Mừng cho muôn dân và mời gọi họ hoán cải,
mà bao gồm cả việc đem Tin Mừng thấm nhập mọi lãnh vực đời sống, phục vụ sự
sống và phát triển con người toàn diện, thì việc dạy giáo lý cũng phải “là cuộc
đào tạo Kitô giáo toàn diện, khai mở hết mọi nhân tố của đời sống Kitô hữu”
(HDTQ, s.84); việc dạy giáo lý không đơn giản là dạy giáo thuyết đức tin, nhưng
bao gồm các hoạt động như giáo dục phụng vụ, huấn luyện luân lý, dạy cầu
nguyện, giáo dục đời sống cộng đoàn và khai tâm cho việc truyền giáo (HDTQ 85
& 86).
Thế nhưng làm sao có thể thực hiện đầy
đủ các chức năng này trong một giờ giáo lý? Để thực hiện điều ấy, người hướng
dẫn và người thụ giáo cần phải làm gì và làm như thế nào? Cuộc gặp gỡ của Chúa
Giêsu với hai môn đệ trên đường Emmau cho thấy chúng ta có thể thực hiện những
yêu cầu trên khi chúng ta dạy giáo lý dưới hình thức gặp gỡ và đối thoại.
Trước hết, Chúa Giêsu bước đến và cùng
đi, lắng nghe và chấp nhận, thấu hiểu và cảm thông với hai môn đệ.
1. Bước đến và cùng đi: Khi bước đến và cùng đi với các môn đệ, Chúa Giêsu dấn mình vào
một cuộc đối thoại nhằm giúp các ông tiến bước trong hành trình đức tin. Dạy
giáo lý một cách nào đó cũng là đồng hành với người thụ giáo hướng đến một đức
tin trưởng thành.
“Việc dạy giáo lý được trình bày như một
tiến trình, một lộ trình, một dấn bước theo Đức Kitô của Tin Mừng, trong Thánh
Thần, đến với Chúa Cha, đạt tới sự trưởng thành Đức tin ‘tùy theo mức độ ân
sủng Đức Kitô ban cho’ (Ep. 4,7), cũng như đạt tớinhững khả năng và những nhu
cầu của mỗi người” (HDTQ, s.143)
2. Lắng nghe và chấp nhận: Cuộc đối thoại bắt đầu bằng việc
Chúa Giêsu lắng nghe hai môn đệ bày tỏ cảm nguyện và tâm tư của mình, đồng thời
chấp nhận các ngài với tất cả những gì các ngài hiện có, với cái hay và cái dở,
cái tốt và cái xấu, cái đúng và cái sai.
“Người môn đệ của Đức Kitô tự đáy lòng
mình chia sẻ ‘những niềm vui và hy vọng, những buồn sầu và lo lắng của nhân
loại ngày nay’ (GS, s.1), người môn đệ nhìn và tham dự vào lịch sử nhân loại
không phải chỉ bằng lý trí mà còn bằng đức tin” (HDTQ, s.16).
3. Thấu hiểu và cảm thông: Khi ân cần lắng nghe và chấp nhận các môn đệ, Chúa Giêsu để cho
mình tự do đi vào thế giới riêng của các ông, cố gắng nắm bắt hay lãnh hội ý
nghĩa của những kinh nghiệm mà họ chia xẻ để thấu hiểu và cảm thông. Ngài không
tìm cách áp đặt cảm nghiệm hoặc tâm tư của mình lên các môn đệ, nhưng để cho
các ông tự do bộc lộ cảm nghĩ của mình cách đầy đủ và rõ ràng.
“Trong việc dạy giáo lý, người đón nhận
phải có thể tỏ ra là một chủ thể tích cực, ý thức và cùng chịu trách nhiệm, chứ
không như một máy thu thanh im lặng và thụ động.” (HDTQ, s.167)
Hình ảnh Chúa Giêsu bước đến và cùng đi
với các môn đệ như người bạn đồng hành giúp chúng ta nhìn lại tâm tình và thái
độ của mình đối với những người học giáo lý: chúng ta có thái độ gần gũi và
thân thiện, lắng nghe và chấp nhận họ không? Chúng ta có quan tâm đến tình cảm
và ý nghĩ riêng của họ và tạo điều kiện cho họ tự do bộc lộ cảm nghiệm và tâm
tư của mình không?
“Truyền đạt văn hóa theo lối “encadrement”
(rập khuôn) là tập cho ai nấy ‘vào khuôn vào phép’ bề ngoài. Trong tổ chức “tư
giáo” (équipe d’animation pastorale), thì khuôn phép của đạo Kitô gồm có ba yếu
tố: a) một số tín điều cần phải biết, tóm tắt trong Kinh Tin Kính, và trong
Sách Bổn; b) một số điều luật phải giữ trong đời sống cá nhân và trong tổ chức
Giáo Hội; c) một số nghi lễ phụng tự phải cử hành cho phải phép, cho thành
phép. Tất cả đều dựa vào Phúc Âm, chứ không phải do ai tự tiện đặt ra. Điều
thiếu sót là ít ai để ý đến kinh nghiệm và niềm thâm tín của cá nhân”(Trần Văn Toàn, “Thần học sau Công đồng Vatican II”, Hiệp Thông số
63, tháng 1&2 năm 2011).
Tiếp đến, Chúa Giêsu giải thích cho các
môn đệ những gì liên quan đến Ngài trong tất cả Sách Thánh, làm cho tâm hồn các
ông bừng cháy lên niềm vui, và cho các ông một dấu chỉ để nhận ra Ngài.
4. Giải thích Kinh Thánh: Những gì các môn đệ đã thấy và
nghe về cuộc khổ nạn và cái chết củaĐức Giêsu làm cho họ buồn sầu và nản chí.
Hình ảnh của Đức Giêsu mà các ông cất giữ trong lòng là hình ảnh của Đấng chết
treo thập tự đã ba ngày rồi, nên khi nghe các bà báo tin Ngài vẫn sống thì các
ông không tài nào hiểu được. Khi giải thích những gì liên quan đến Ngài trong
tất cả Sách Thánh, Chúa Giêsugiúp các môn đệ khám phá Kinh Thánh theo một cách
thức mới mẻ; khám phá thập giá không là một thất bại nhưng là một hoàn tất và
một khởi hành mới (x. Verbum Domini, s. 54).
Trong tông huấn “Lời của Chúa”, Đức
Thánh Cha Bênêđictô XVI viết:”…tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt rằng khoa giáo lý ‘phải thấm nhuần và nắm
vững tư tưởng, tinh thần và thái độ Kinh Thánh và Tin Mừng nhờ việc chuyên cần
tiếp xúc với chính các bản văn; điều này cũng muốn nhắc nhớ rằng khoa giáo lý
sẽ càng phong phú và hiệu quả hơn, nếu như đọc các bản văn với khối óc và con
tim của Giáo Hội’ (Catechesi Tradendae, s.27) và được gợi hứng từ suy tư và đời
sống suốt hai ngàn năm qua của Giáo Hội” (Verbum Domini, s.74).
5. Dấu chỉ bẻ bánh: Lời giải thích của Chúa Giêsu xem ra chưa làm cho các môn đệ thỏa
mãn và họ chỉ nhận ra Chúa khi Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và
trao cho họ. Lời giải thích của Chúa Giêsu xem ra mới chỉ “khai trí” chứ chưa “mở
lòng” hai môn đệ, mãi cho đến khi Chúa Giêsu “cầm bánh trong tay, dâng lời chúc
tụng, bẻ ra và trao cho họ…”, họ mới thực sự nhận ra Người. “Sự hiện diện của
Đức Giêsu, trước tiên qua lời nói, sau đó qua cử chỉ bẻ bánh, đã cho phép các
môn đệ nhận ra Người” (Verbum Domini Verbum Domini, s. 54). Thoạt đầu, lời
Chúa Giêsu nói dường dường như còn “ở bên ngoài” các môn đệ; nhưng sau đó, cử
chỉ bẻ bánh đã giúp các ông nhớ lại trong lòng cử chỉ của Chúa trước khi mà
Chúa đã làm khi nhân năm chiếc bánh và hai con cá ra nhiều để nuôi hơn năm ngàn
người trong hoang mạc hoặc cử chỉ của Ngài mà Ngài cử hành trong bữa ăn cuối
cùng với các môn đệ trước khi tự nguyện chịu khổ hình; lúc ấy, các ông mới “ngộ”
ra Ngài vẫn sống.
“Việc dạy giáo lý phải liên kết mật
thiết toàn thể sinh hoạt phụng vụ và bí tích. Thế mà thường xuyên việc dạy giáo
lý chỉ có một tương quan yếu ớt và rời rạc với phụng vụ. Người ta ít chú tâm
đến dấu chỉ và nghi thức phụng vụ và ít làm nổi bật nguồn mạch phụng vụ. Các
giáo án rất ít hay không hề gắn với năm phụng vụ và những cử hành phụng vụ và
những cử hành phụng vụ trong đó chỉ là chuyện phụ” (HDTQ, s. 30).
6. Nhận ra Chúa Giêsu:
Các môn đệ không thể nhận ra Chúa Giêsu và tuyên xưng Ngài là “Đức Chúa” mà
không được Thánh Thần dẫn dắt (x. 1 Cr 12,3). Nhờ quyền năng Chúa Thánh
Thần, Chúa Giêsu đã giúp các ông lớn lên trong đức tin và dẫn các ông vào đời
sống mới phát xuất từ cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chúa Thánh Thần là
giáo lý viên đầu tiên, là vị thầy nội tâm của mọi tín hữu.
“Trong
việc thực hành huấn giáo, không phải các kỹ năng sư phạm tân tiến nhất, cũng
chẳng phải giáo lý viên có nhân cách lôi cuốn nhất, có thể thay thế cho hành
động thầm lặng và kín đáo của Chúa Thánh Thần. ‘Chính Ngài là người chủ chốt
của đích thực của tất cả sứ mạng Hội Thánh’ (Redemptionis Missio, s. 21); chinh
Ngài là giáo lý viên đầu tiên; chính Ngài là ‘vị Thầy nội tâm’ của những người
lớn lên trong Đức Kitô” (x. Catechesi Tradendae, s. 72).
Nếu Chúa Giêsu đã dùng Kinh Thánh để mở
đường cho các môn đệ gặp gỡ và bước vào đời sống thân tình với Chúa cũng như
với mọi người, thì Lời Chúa có tầm quan trọng như thế nào trong việc dạy giáo
lý của chúng ta ngày nay? Lời Chúa thường được công bố và lắng nghe với tâm
tìnhthế nào? Người học giáo lý có được tiếp xúc và tìm hiểu chính bản văn Kinh
Thánh không?
Giáo sư Trần Văn Toàn có nhận xét sau:”Khi đi truyền giáo thì
các giáo sĩ Tin Lành thường đưa sách Phúc âm ra giảng ngay từ đầu. Ngược lại,
các giáo sĩ Công Giáo thì mang khuôn phép đã có sẵn ra dạy, là: Sách Bổn, Sách
Kinh, Sách Các Phép, và ít sách nguyện gẫm…Thành ra người Công giáo Việt
Cuối cùng,Chúa Giêsu biến mất. Ngay lúc
ấy, các môn đệ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn
hữu đang tụ họp tại đó. Các ông nghe những người này loan báo Chúa đã sống lại
và thuật lại cho họ nghe mình đã nhận ra Chúa như thế nào.
7. Chúa Giêsu biến mất: thực ra, Ngài vẫn hiện diện nhưng “hiện
diện cách vắng mặt” để các môn đệ có được: (1) một khoảng lặng cần thiết, cả bề
ngoài lẫn bề trong, để suy đi nghĩ lại hay nội tâm hóa những lời Chúa đã nói và
những việc Chúa đã làm cho mình, (2) một không gian thể hiện tự do và trách
nhiệm đối với chính mình, và (3) một khoảng cách giúp các ông nhìn lại chính
mình với những cái hay cần phát huy và những cái dở cần khắc phục; từ đó, hăng
say dấn bước. Chúa Giêsu đã không quyết định thay, không áp đặt chọn lựa hay
quyết định của mình lên các môn đệ, cũng chẳng dặn dò khuyên bảo chi, nhưng để
cho các môn đệ tự do định đoạt.
“Lời chỉ có thể được công bố và lắng
nghe trong thinh lặng,cả bề ngoài lẫn bề trong.Thời đại chúng ta không cổ võ
cho sự tĩnh lặng, nên đôi khi chúng ta có cảm tưởng người ta sợ tách mình ra
khỏi các phương tiện truyền thông đại chúng, dù chỉ trong khoảnh khắc. Chính vì
thế, ngày nay cần phải giáo dục Dân Thiên Chúa về giá trị của sự thinh lặng.”
(Verbum Domini, s. 66)
“Việc dạy giáo lý được coi là đích thực,
khi giúp nhận ra tác động của Thiên Chúa trong suốt chặng đường đào luyện bằng
cách tạo nên một bầu khí lắng nghe, tạ ơn và cầu nguyện, bằng cách thôi thúc
con người đáp trả một cách tự do, bằng cách khuyến khích những người học giáo
lý tích cực tham gia.” (HDTQ, s. 145)
8. Các môn đệ đứng dậy & quay trở
lại Giêrusalem: “mắt họ mở ra và họ nhận ra Ngài” đó
là một kinh nghiệm sống động gọi được là “xuất thần”, một thứ xuất thần của ánh
sáng, của gặp gỡ vui tươi. Khoảnh khắc ân sủng này đã trở thành niềm vui của
đổi mới tất cả từ bên trong, thành khởi điểm mới cho một cuộc lên đường ra khỏi
chính mình để về lại “mái nhà xưa” là cộng đoàn, nơi mình được sinh ra, được
nuôi dưỡng và lớn lên trong đức tin.
“Sư phạm giáo lý chỉ hữu hiệu nếu cộng
đoàn Kitô hữu trở thành điểm quy chiếu cụ thể và gương mẫu cho hành trình đức
tin của mỗi người.” (HDTQ, s. 158)
“Việc dạy giáo lý mang lại cho người
Kitô hữu khả năng sống cộng đoàn, tham gia tích cực vào đời sống và sứ mệnh của
Hội Thánh… Khi giáo dục đời sống cộng đoàn, việc dạy giáo lý… khuyến khích thái
độ huynh đệ với những thành viên của Giáo Hội và các cộng đoàn Kitô hữu khác.”
(HDTQ, s. 86)
“Việc khai tâm Kitô giáo lý không phải
chỉ là việc riêng của giáo lý viên hay của các linh mục, mà còn là việc của toàn
thể cộng đoàn tín hữu, nhất là những người đỡ đầu.” (HDTQ, s. 90)
9. Các môn đệ thuật lại cho các bạn hữu
nghe: được nuôi dưỡng bởi lời Chúa và lôi
cuốn vào cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa nhờ cử chỉ bẻ bánh Ngài ban cho, các
môn đệ trở thành người truyền đạt những gì đã lãnh nhận được nhờ ơn Chúa. Các
ngài không thể giữ lại cho riêng mình những lời ban sự sống đời đời, những lời
đã được ban cho mình qua cuộc gặp gỡ với Chúa, những lời được dành cho mọi
người vì tất cả đều cần đến sứ điệp này (x. Verbum Domini, s. 91).
“Việc dạy giáo lý cũng mở ra cho sự năng
động truyền giáo và cố gắng làm thế nào để các môn đệ Chúa Giêsu biết hiện diện
với tư cách là người Kitô hữu trong xã hội, trong đời sống nghề nghiệp, văn hóa
và xã hội. Nó cũng chuẩn bị cho họ cộng tác trong các việc phục vụ khác nhau
của Hội Thánh, tùy theo ơn gọi của mỗi người.” (HDTQ, s. 86)
Chúa Giêsu đã “bước vào và ra khỏi” cuộc
đối thoại đúng thời đúng lúc, để sự hiện diện của Ngài luôn mang lại hiệu quả
cao nhất. Khoảng lặng Ngài để lại, khoảng cách Ngài thiết lập hoặc không gian
Ngài tạo ra, đều phục vụ cho sự triển nở đức tin nơi các môn đệ. Điều này nhắc
nhở chúng ta liên kết chặt chẽ sinh hoạt của mình với tác động huyền nhiệm của
ơn thánh Chúa (x. HDTQ, s. 138), để chúng mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng
cho các tín hữu.
Cuộc gặp gỡ và đối thoại đầy yêu thương
của Chúa Giêsu với hai môn đệ trên đường Emmaus thực sự là nguồn cảm hứng và
mẫu mực cho việc dạy giáo lý dưới hình thức gặp gỡ và đối thoại; khởi đi từ
cuộc gặp gỡ và đối thoại với nhau, đến cuộc tiếp xúc và thông hiệp mật thiết
với Thiên Chúa. Để thực hiện cuộc gặp gỡ và đối thoại này, giáo lý viên cần
phải: (1) xác tín “đức tin không đơn giản là một hệ thống kiến thức và thông
tin, nhưng tâm điểm của nó trước hết là gặp Đức Kitô… Gặp Ngài, ta gặp được ánh
sáng để có thể hiểu ra Thiên Chúa, con người, thế giới, sứ mạng và ý nghĩa cuộc
sống và hiểu ra được mối liên hệ của mọi gặp gỡ khác” (Joseph Ratzinger, Thiên Chúa và Trần Thế,
251), (2) năng gặp gỡ Đức Kitô và bước theo Ngài trên đường yêu thương và phục
vụ, (3) trau dồi kiến thức đức tin và khả năng linh hoạt hữu hiệu một buổi gặp
gỡ giáo lý. Được như thế thì chính việc dạy giáo lý sẽ làm cho giáo lý viên lớn
lên trong đức tin, sẽ trở thành niềm vui của sự đổi mới từ bên trong, thành
khởi điểm mới cho một cuộc lên đường.
Trung Tâm Mục Vụ, ngày 12.5.2012
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền