Giáo Luật về vấn đề phá thai

(gpquinhon.org) Thứ hai - 27/05/2013 03:01

GIÁO LUẬT VỀ VẤN ĐỀ PHÁ THAI

Sự sống con người là một hồng ân cao quý mà Thiên Chúa ban tặng vì con người là một nhân vị được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, là một cái gì có tính cách linh thánh vì sự sống phát xuất từ Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa. Sự sống con người cũng là một cái gì hết sức quý báu, vì nó nền tảng của mọi phúc lợi, là nguồn gốc và là điều kiện tất yếu cho mọi sinh hoạt con người và mọi cảm thông trong xã hội. Không có gì gần gũi con người hơn sự sống của chính mình, đụng đến sự sống là đụng đến chính con người. Tôn trọng sự sống là khởi nguồn của mọi tôn trọng các quyền căn bản của con người.

Vì thế, tội giết người là một tội rất nghiêm trọng, vì là tội ác chống Thiên Chúa, Đấng duy nhất có quyền sinh tử, và là tội ác chống tha nhân vì mình đã tước đoạt của họ một giá trị hết sức quý báu. Thiên Chúa đã ra lệnh: “Ngươi không được giết người” (Xh 20,13; Đnl 5,17). Trong tất cả tội ác mà con người có thể thực hiện chống lại sự sống thì sự phá thai do cố ý là một tội ác đặc biệt nghiêm trọng. Đây chính là một loại giết người hết sức ghê tởm vì nạn nhân trong trường hợp này là một kẻ vô tội chưa đủ khả năng tự vệ.

1. Vấn đề phá thai

“Phá thai là lấy khỏi bụng mẹ một con người không thể sống được dựa vào một phương pháp nào đó của con người, hoặc bằng cách giết nó trước khi lấy ra khỏi bụng mẹ, hoặc bằng cách làm cho nó phải liều mạng khi sống ngoài bụng mẹ” (KARL H. PESCHKE, Christian Ethics, vol. II: “Special Moral Theology”. Bản dịch tiếng Việt “ Thần học luân lý chuyên biệt, Tập Hai, Tủ sách chuyên đề, trang 285). Vấn đề đặc biệt được nêu ra là chính xác khi nào phôi thai là một con người đúng nghĩa? Từ xưa đến nay đã có hai lý thuyết khác nhau:

- Aristote và thánh Tôma Aquinô cho rằng linh hồn có lý trí chỉ được phú cho thân xác sau khi trứng thụ tinh ấy phát triển tới một mức nào đó. Còn trước đó, phôi thai chỉ có một sự sống thực vật và động vật.

- Các học giả gần đây cho rằng phôi thai đã có linh hồn ngay từ khi thụ thai.

Giáo Hội không đưa ra lời tuyên bố chính thức nào, tán thành hay phi bác một trong hai lý thuyết vừa kể. Tuy nhiên, vì cả hai ý kiến đều có khả năng đúng và vì đứng trước một vấn đề nghiêm trọng là sự sống con người, nên Giáo Hội chỉ còn cách là phải chọn theo hướng hành động nào an toàn hơn Trong trường hợp có sự hoài nghi thì phải theo ý kiến nào đảm bảo hơn, vì nó tránh được nguy hiểm lỗi luật mà phạm tội, theo nguyên tắc luân lý: “In dubio tutior pars est eligenda”. , đó là luôn luôn đối xử với một trứng thụ tinh và còn sống như một con người, với đầy đủ quyền lợi của một con người, bất kể nó đang ở trong giai đoạn phát triển nào.

“Cần phải tôn trọng sự sống con người ngay từ khi bắt đầu quá trình sinh sản. Từ khi trứng thụ tinh, đã có một sự sống mới bắt đầu, không phải của cha, cũng không phải của mẹ. Đúng hơn đó là sự sống của một con người mới sẽ được phát triển riêng. Sự sống ấy sẽ không bao giờ trở thành người được nếu đã không là người” (BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Tuyên ngôn Về việc phá thai. III.12.)

2. Tính luân lý của việc phá thai

2.1. Lý do biện minh

Có bốn lý do được đưa ra biện minh cho việc phá thai:

2.1.1. Lý do ưu sinh: Lý do ưu sinh đòi phải phá thai trong những trường hợp dự đoán khá chắc chắn trẻ sơ sinh sẽ bị những khuyết tật nghiêm trọng.

2.1.2. Lý do có tính đạo đức: Lý do có tính đạo đức như khi mang thai do bị cưỡng hiếp. Phá thai trong trường hợp này được biện minh là vì đứa trẻ sinh ra là một gánh nặng không chính đáng mà người mẹ phải chịu ngược với ý muốn của mình và vì thế khó lòng yêu thương nó.

2.1.3. Lý do có tính xã hội: Lý do có tính xã hội như khi đứa trẻ (được sinh ra thêm) là một gánh nặng quá lớn về mặt xã hội và đặc biệt về mặt kinh tế cho gia đình hay cho người mẹ.

2.1.4. Lý do có tính y học hay trị liệu: Lý do có tính y học hay trị liệu khi tính mạng của người mẹ bị nguy hiểm nghiêm trọng do việc mang thai.

2.2. Luân lý tính

Luân lý Công giáo tuyệt đối bác bỏ mọi hình thức phá thai vì những lý do ưu sinh, đạo đức và xã hội, coi đó chỉ là những hình thức giết hại trẻ vô tội.

Thần học luân lý công giáo ít ra nhìn nhận phá thai trị liệu cách gián tiếp trong những trường hợp có nguy hiểm trầm trọng tới tính mạng của người mẹ là hợp pháp. Gọi là phá thai gián tiếp khi ta chỉ cho phép phôi thai chết như một hậu quả đi kèm theo một điều ta trực tiếp nhắm tới, như làm chết phôi thai do cắt bỏ tử cung bị ung thư của một người mẹ đang mang thai Trong trường hợp này, ta áp dụng nguyên tắc song hiệu: một sự việc (ở đây là cuộc giải phẫu) có thể gây ra hai hiệu quả, một hiệu quả tốt (là điều duy nhất ta muốn nhắm tới) tức là sức khoẻ người mẹ, và một hiệu quả xấu, nhưng không thể nào tránh được dù ta không nhắm tới (phôi thai chết). Hai hiệu quả quan trọng (hai mạng sống) nhưng độc lập với nhau: người mẹ được cứu không phải do ta diệt phôi thai, nhưng do ta cắt bỏ tử cung bị ung thư..

Vấn đề phá thai trị liệu cách trực tiếp nghĩa là việc phá thai trực tiếp muốn như một phương tiện xấu (giết hại bào thai) để đạt được mục đích tốt (chữa bệnh cho người mẹ) thì không hợp với luân lý. (Còn Tiếp)

3. Giáo luật về vấn đề phá thai

Trực tiếp tiêu diệt sự sống một người vô tội bao giờ cũng là một hành vi xấu từ bản chất. Phá thai tự bản chất của nó là xấu, chứ không phải là xấu bởi vì Giáo Hội cấm đoán. Giáo Hội chỉ cấm phá thai bởi vì tự bản chất phá thai là xấu.

Công đồng Vativcan II đã khẳng định phá thai là tội ác ghê tởm chống lại sự sống: “Sự sống ngay từ lúc thụ thai đã phải được giữ gìn hết sức cẩn thận: phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm” (GS 51).

Giáo huấn luân lý Kitô giáo luôn luôn coi phá thai là một trọng tội: “Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý” (GLHTCG. số 2271).

Theo Giáo luật hiện hành, Hội Thánh phạt vạ tuyệt thông cho những ai đã phá thai thành công: “Người nào thi hành việc phá thai và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết” (Điều 1398).

1/ Tội phạm

Tội phá thai có hiệu quả. Nếu chỉ có ý mà không thi hành hoặc thực hiện mà không có kết quả thì chỉ mắc tội mà không mắc vạ.

Tội phạm cấu thành mỗi khi không những là một thai nhi bị loại ra khỏi tử cung, mà còn là một hành động được thực hiện trực tiếp nhằm giết một thai nhi còn sống – kể từ khi bắt đầu thụ thai – dù là ở trong dạ mẹ hay ở ngoài, bất kể dùng phương tiện nào, miễn là phát sinh hiệu quả.

2/ Hình phạt

Hình phạt đối với tội phá thai là bị vạ tuyệt thông tiền kết Giáo luật phân biệt hai loại hình phạt:

- Hình phạt tiền kết: khi luật hoặc mệnh lệnh ấn định rằng phạm nhân phải chịu hình phạt tức khắc do chính sự kiện phạm tội.

- Hình phạt hậu kết: phạm nhân chỉ chịu hình phạt sau khi vị thẩm phán hoặc Bề Trên tuyên bố thật sự..

Giáo sĩ vi phạm, ngoài vạ tuyệt thông, còn bị coi là bất hợp luật để chịu chức và để thi hành chức thánh đã lãnh nhận (Điều 1041, 40 và 1044 §1, 30).

Tu sĩ vi phạm, ngoài vạ tuyệt thông (và những bất hợp luật nếu là giáo sĩ), còn bị sa thải khỏi tu hội (Điều 695 §1).

Theo Điều 1331, những người bị vạ tuyệt thông bị cấm:

- Tham dự cuộc cử hành Hiến Tế Thánh Thể và bất cứ nghi lễ phụng vụ nào khác bằng bất cứ cách nào với tư cách là thừa tác viên;

- Cử hành các bí tích hay các á bí tích, và lãnh nhận các bí tích;

- Thi hành các giáo vụ, các thừa tác vụ hay bất cứ nhiệm vụ nào, hoặc thực hiện những hành vi lãnh đạo.

3/ Những ai bị phạt?

Những người bị phạt là người đi phá thai, những người thực hiện và những người đồng loã phạm tội (Điều 1329). Có sự đồng loã phạm tội khi nhiều người cộng tác với chủ ý chung là thực hiện cùng một hành vi tội phạm.

- Nguời đi phá thai.

- Y tá, bác sĩ thực hiện việc phá thai, hoặc dược sĩ bán thuốc phá thai.

- Những người đã xúi giục, khuyến khích việc phá thai.

- Cha mẹ, anh chị em, bè bạn đã tham gia tích cực vào công việc phá thai.

Nguyệt san Công Giáo và Dân tộc, số 1759, tuần lễ từ 28.5 đến 03.06.2010, trang 26, đã đưa tin như sau: “Một nữ tu ở Mỹ, dòng Thương xót đã bị vạ thuyệt thông và mất việc vì tham gia vào quyết định cho phá thai. Đức Giám Mục giáo phận Koenig bang Arizona nói rằng nữ tu này đã bị vạ tuyệt thông tức khắc theo giáo luật vì đã tham gia quyết định cho phá bào thai của một phụ nữ bị bệnh nặng tại nhà thương Thánh Giuse ở TP Koenig. Nữ tu cũng bị loại bỏ chức vụ phó giám đốc nhà thương. Vụ phá thai này xảy ra hồi năm ngoái”.

Có trường hợp người lỗi luật biết luật (vd. cha mẹ, anh chị em đồng loã trong việc phá thai…) nhưng không biết có hình phạt vạ tuyệt thông kèm theo (de ignorantia poenae) thì người lỗi luật đó cũng vẫn mắc vạ, vì đây là một vạ phạt thông thường mà người đó phải sử dụng những phương thế cần thiết để biết sự lỗi luật phải chịu một hình phạt tương xứng.

Vì thế, các linh mục có bổn phận phải loan báo Tin Mừng về sự sống và trình bày cho giáo dân hiểu rõ về tội phá thai và hình phạt tương xứng kèm theo.

4. Tha vạ tuyệt thông tiền kết tội phá thai

Vạ tuyệt thông là một hình phạt chủ yếu dùng để sửa dạy người phạm pháp.

4.1. Trong tình trạng nguy tử

Hình phạt không tự chấm dứt. Tuy nhiên, hình phạt cấm lãnh nhận các bí tích sẽ bị đình chỉ bao lâu phạm nhân còn trong tình trạng nguy tử (Điều 1352§1).

Cũng trong trường hợp nguy tử, bất cứ tư tế nào, cho dù không có năng quyền giải tội, cũng giải hết mọi vạ và mọi tội cách thành sự và hợp thức cho mọi hối nhân lâm cơn nguy tử. Mặc dầu có sự hiện diện của một tư tế được chuẩn nhận (Điều 976).

4.2. Cha giải tội tha ở toà trong

Trong trường hợp bình thường, “cha giải tội có thể tha ở toà trong, lúc ban bí tích, vạ tuyệt thông tiền kết hay vạ cấm chế tiền kết chưa được tuyên bố, nếu hối nhân cảm thấy khổ sở khi phải sống trong tình trạng tội trọng suốt thời gian cần thiết để Bề Trên có thẩm quyền định liệu” (Điều 1357 §1). Khi tha vạ, cha giải tội phải buộc hối nhân, nếu bất tuân, thì sẽ mắc vạ lại, trong vòng một tháng phải thượng cầu lên Bề Trên có thẩm quyền hay lên tư tế có năng quyền và phải tuân theo quyết định của ngài; trong khi chờ đợi, cha giải tội phải ra một việc đền tội cân xứng và phải buộc đương sự sửa chữa gương xấu cũng như đền bù thiệt hại trong mức độ cần thiết; cũng có thể nhờ cha giải tội thực hiện việc thượng cầu này, nhưng không nêu danh tính của hối nhân (Điều 1357 §2).

4.3. Đấng Bản quyền tha vạ tuyệt thông tiền kết

Khi nào phạm nhân thật lòng hối hận về tội phạm của mình và sẵn lòng sửa chữa các thiệt hại và gương xấu cách xứng hợp, hay ít là đã nghiêm chỉnh hứa làm điều ấy thì phải kể như người ấy hết ngoan cố (Điều 1347 §2) và sẽ được Bề Trên có thẩm quyền tha hình phạt (x. 1358 §1).

“Hình phạt tiền kết do luật thiết lập những chưa được tuyên bố, và nếu hình phạt ấy đã không được dành riêng cho Tông Toà, thì có thể được Đấng Bản Quyền tha cho những người thuộc quyền mình và những người đang ở trong địa hạt mình hay những người đã phạm tội tại đó; bất cứ Giám Mục nào cũng có quyền tha hình phạt ấy, nhưng chỉ trong khi ban bí tích Giải Tội” (Điều 1355 §2).

Trong Giáo phận Long Xuyên, Đức Giám Mục ban năng quyền cho các linh mục trong Giáo phận được tha vạ tuyệt thông tiền kết, trong khi ban bí tích Giải Tội, cho những ai thi hành việc phá thai và nếu việc phá thai có hiệu quả (Hướng Dẫn Mục Vụ và Năng Quyền, số 5.6, trang 22).

Khi linh mục, chiếu theo luật, giải vạ tuyệt thông tiền kết ở toà trong, lúc ban bí tích Giải Tội cho hối nhân đã chuẩn bị xứng đáng, thì không phải thay đổi mô thức giải tội, nhưng có ý tha vạ là đủ rồi. (x. Prot. số CD 1200/83, ngày 12/09/1983, bí tích Giải Tội, Phụ lục 1, số 1).

Tác giả bài viết: Lm. Luy Huỳnh Phước Lâm 

 


Tủ Sách Giáo Lý