TỐ TỤNG DỰA TRÊN TÀI LIỆU

ĐỐI VỚI VỤ ÁN HÔN NHÂN BẤT THÀNH

(Giáo luật các điều từ 1686 đến 1688)

Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ

(gpquinhon.org)

Thủ tục tố tụng trong việc xét hôn nhân bất thành dựa trên tài liệu là một điểm mới trong bộ giáo luật. Về căn bản tố tụng nầy dựa trên tài liệu như một chứng cứ duy nhất. Tài liệu đó không thể phản bác để chứng minh sự vô hiệu của hôn nhân.

Tố tụng dựa trên tài liệu thực sự là một hình thức tố tụng pháp lý có tính chất khẩu biện, đơn giản về trình tự và kết thúc với một bản án (sententia) chứ không phải bằng một quyết định hành chính (decretum).

Hình thức tố tụng nầy chỉ cần một thẩm phán duy nhất là được (đ. 1425; 1686).

I. ĐIỀU KIỆN

Có hai điều kiện căn bản để có thể áp dụng xét xét xử dựa trên tài liệu:

1. Có một tài liệu chính thức không thể bị phản bác hay khước biện để chứng minh rằng chắc chắn có một ngăn trở tiêu hôn hay thiếu thể thức giáo luật.

2. Có sự xác tín chắc chắn từ tài liệu đó rằng ngăn trở tiêu hôn hay hình thức giáo luật đã không được chuẩn chước hoặc người đại diện đã không có uỷ nhiệm thư hữu hiệu.

Tài liệu liên quan đến ngăn trở tiêu hôn hay chuẩn chước thể thức giáo luật dù là công (đ. 1540) hay tư (đ. 1542), bản gốc hay bản sao được công chứng, đều làm sao phải bảo đảm sự chân thật[1].

Ngoài ra lưu ý rằng việc áp dụng tố tụng tiêu hôn dựa trên tài liệu chỉ đối với các hôn nhân đã cử hành theo thể thức giáo luật. Không áp dụng hình thức tố tụng nầy đối với những hôn nhân đòi buộc theo thể thức giáo luật nhưng thực tế đã làm theo hình thức dù là đơn giản của dân luật, hay trước sự chứng giám của thừa tác viên không công giáo[2].

II. TIẾN HÀNH

1. Tòa án cấp I (đ. 1686)

Nguyên tắc của tố tụng dựa trên tài liệu là bỏ qua một số thủ tục tố tụng hộ sự thông thường. Do đó hình thức tố tụng nầy ngắn gọn, nhanh, giảm thiểu các án từ, được tiến hành liên tục. Một số nét chính như sau:

- Trước hết, nguyên đơn[3] nộp đơn lên tòa án có thẩm quyền (theo đ. 1673), trong đó nêu lên nội dung tranh tụng và xin thẩm phán xét xử (đ. 1502).

- Vị thẩm phán duy nhất (hoặc vị đại diện tư pháp hay một thẩm phán do vị Đại diện tư pháp chỉ định sẽ xem xét đơn, ra quyết định chấp đơn hay là bác đơn theo nguyên tắc đ. 1505, sau đó phải mời các bên ra tòa (đ. 1507§1 và đ. 1686).

- Thẩm phán thực hiện cuộc thẩm vấn và tất nhiên cần có lục sự tòa án (công chứng viên) hiện diện để ghi biên bản và ký xác nhận, nếu không án từ sẽ vô hiệu (đ, 1437§1).

- Theo qui định, tất cả chỉ thực hiện trong một phiên tòa. Nếu tài liệu chính thức và không có gì tranh cãi về tài liệu đó, thì thẩm phán sau khi xem xét tài liệu, nghe các bên và ý kiến của bảo hệ viên, sẽ ra bản án công bố hôn nhân bất thành.

- Chú ý rằng, ở tòa án cấp I áp dụng tố tụng dựa trên tài liệu thì chỉ có thể ra bản án phán quyết hôn nhân đó bất thành. Còn trường hợp không thể công bố hôn nhân đó bất thành vì có thể tài liệu không chắc chắn, không có tính quyết định, thì tòa án phải xét theo thể thức tố tụng thông thường. Tóm lại, không thể ra bản án phán quyết không xác nhận một hôn nhân là bất thành sự khi áp dụng tố tụng dựa trên tài liệu[4].

2. Kháng cáo (đ. 1687)

Trường hợp xử án dựa trên tài liệu, nếu không có kháng cáo nào (từ bảo hệ viên hay từ các bên thấy mình bị thiệt hại) thì chỉ cần bản án ở tòa cấp I là đủ hiệu lực, các bên có thể cử hành hôn nhân mới mà không cần một quyết định nào khác ở tòa án cấp II giống như trường hợp thông thường khác mà giáo luật buộc phải có theo giáo luật đ. 1682 quy định[5].

- Người có quyền kháng cáo là Bảo hệ viên và các đương sự, ai thấy mình bị thiệt hại thì có toàn quyền kháng cáo (đ. 1687).

Bảo hệ viên không chỉ có quyền mà đó còn là bổn phận phải kháng cáo trong trường hợp sau khi xem xét cẩn thận thấy rằng không chắc chắn về phép chuẩn, hoặc về những hà tỳ về thể thức giáo luật của hôn nhân, về ngăn trở tiêu hôn, hoặc về ủy nhiệm thư không hữu hiệu.

- Thời hạn kháng cáo là trong vòng 15 ngày kể từ khi bản án được công bố (đ. 1630§1)

- Hồ sơ kháng cáo: Các án từ phải được chuyển lên thẩm phán tòa án cấp hai, và phải thông báo bằng văn bản cho vị này biết đó là một vụ tố tụng dựa trên tài liệu.

3. Tòa án cấp II - tòa kháng cáo (đ. 1688)

Như trên đã lưu ý, khi vụ án xét dựa trên tài liệu, chỉ khi nào có kháng cáo thì hồ sơ và phán quyết của cấp I mới chuyển lên tòa án cấp II, còn nếu không thì phán quyết của tòa án cấp I là đủ. Trường hợp có kháng cáo, thẩm phán duy nhất của tòa án cấp II trong trường hợp nầy hoặc là chính vị đại diện tư pháp hoặc là một thẩm phán nào đó trong thẩm phán đoàn do vị đại diện tư pháp chỉ định (đ. 1640).

Nhiệm vụ của thẩm phán ở tòa án cấp II cũng tiến hành tương tự như ở tòa án cấp một, tức là phải nghe hai bên và có sự can thiệp của bảo hệ viên để đưa ra quyết định (decretum) thích hợp: xác nhận hay không xác nhận hôn nhân bất thành hoặc cần phải tiến hành theo thủ tục tố tụng thông thường.

Trường hợp nếu xác nhận (giống phán quyết của tòa án cấp I), thì bản án sẽ được thi hành (đ. 1684; 1685).

Hai trường hợp còn lại, một là không xác nhận tức là ngược với phán quyết của tòa án cấp I; hai là buộc phải áp dụng tố tụng thông thường, thì thẩm phán cấp II phải trả hồ sơ vụ án về cho tòa án cấp I để tiến hành lại theo hình thức tố tụng thông thường.

III. ÁP DỤNG

1. Những trường hợp hà tỳ ưng thuận hôn nhân

Theo đ. 1686 không phải mọi trường hợp của vụ án tiêu hôn có thể áp dụng tố tụng dựa trên tài liệu. Như chúng ta biết một hôn phối có thể vô hiệu:

- mắc ngăn trở tiêu hôn nào đó;

- hà tỳ về thể thức giáo luật;

- người đại diện đã không có uỷ nhiệm thư hữu hiệu;

- hà tỳ về ưng thuận kết hôn.     

Điều 1686 xác định chỉ có ba trường hợp đầu được giả thiết có thể áp dụng tố tụng tiêu hôn dựa trên tài liệu, còn trường hợp liên quan đến ưng thuận kết hôn, tức là có hà tỳ về sự thỏa thuận hôn nhân, thì không được áp dụng tố tụng dựa trên tài liệu[6].

2. Ngăn trở tiêu hôn có thể áp dụng tố tụng dựa trên tài liệu

Như chúng ta biết có 12 ngăn trở tiêu hôn theo giáo luật.

1) Tuổi kết hôn, đ. 1083

2) Bất lực, đ. 1084

3) Dây hôn phối, đ. 1085

4) Khác đạo, đ. 1086; 1124-1125

5) Chức thánh, đ. 1087

6) Lời khấn dòng, đ. 1088

7) Bắt cóc, đ. 1089

8) Tội mưu sát phối ngẫu, đ. 1090

9) Họ máu (huyết tộc), đ. 1091

10) Họ kết bạn, đ. 1092

11) Công hạnh, đ. 1093

12) Pháp tộc, đ. 1094

Nên biết bốn ngăn trở về bất lực (đ. 1084), dây hôn nhân (đ. 1085; 1141), họ máu hàng dọc (đ. 1078§3) và họ máu bậc hai hàng ngang (đ. 1078§3), Giáo Hội không có quyền chuẩn chước vì thuộc luật tự nhiên. Bởi vậy thẩm quyền nào chuẩn chước 4 ngăn trở trên thì chuẩn chước đó là không có giá trị.

Đối với những ngăn trở chỉ do luật thuần túy Giáo Hội mà thôi thì Giáo Hội có quyền chuẩn. Nếu không được chuẩn thì hôn nhân bất thành. Khi có lý do chính đáng, Giáo Hội có thể chuẩn chước những ngăn trở còn lại nói trên. Do đó đây là những trường hợp có thể áp dụng tố tụng dựa trên tài liệu.

Khi xét tài liệu để áp dụng chúng ta phải hết sức lưu ý về thẩm quyền chuẩn chước ngăn trở tiêu hôn như sau:

- Trường hợp thông thường, Tòa Thánh chuẩn ba ngăn trở: chức thánh, lời khấn dòng, và tội mưu sát người phối ngẫu. Còn các ngăn trở khác thì do Bản quyền địa phương (đ. 1078).

- Trường hợp nguy tử, chỉ có Tòa Thánh chuẩn chước ngăn trở do chức linh mục, còn các ngăn trở khác Bản quyền địa phương có thể chuẩn chước. Nếu không liên lạc được với bản quyền địa phương thì cha sở hay người có quyền chứng giám cũng có thể chuẩn chước như Bản quyền địa phương (đ. 1079).

- Trường hợp khẩn cấp, Tòa Thánh chuẩn chước ngăn trở do chức thánh và lời khấn khiết tịnh của hội dòng thuộc luật giáo hoàng, còn Bản quyền địa phương được chuẩn các ngăn trở còn lại. Còn nếu găp trường hợp khẩn cấp nhưng còn kín đáo, thì ngay cả cha sở và người có thẩm quyền chứng hôn cũng được phép chuẩn ngăn trở (đ. 1080).

3. Hà tỳ thể thức giáo luật: áp dụng tố tụng dựa trên tài liệu

Như đã nói trên, một khi có tài liệu khả tín chứng minh chắc chắn một hà tỳ về thể thức giáo luật của hôn nhân đã không được chuẩn chước thì có thể áp dụng tố tụng dựa trên tài liệu (đ. 1686). Chúng ta tìm hiểu sơ qua qui định thể thức giáo luật và qua đó có thể dễ thấy hơn trường hợp nào có thể áp dụng tố tụng dựa vào tài liệu của các vụ án tiêu hôn. Liên quan đến thể thức giáo luật hôn nhân chúng ta thấy một vài khoản luật đáng lưu ý sau đây:

Điều 1108: §1. Hôn nhân chỉ thành sự khi được kết ước trước mặt vị chứng hôn, là Đấng Bản Quyền địa phương hay cha sở, hoặc một tư tế hay một phó tế đã được một trong hai vị trên uỷ quyền, và trước mặt hai nhân chứng, nhưng phải theo những quy tắc được quy định trong những điều khoản sau đây, và miễn là vẫn giữ nguyên những biệt lệ được nói đến ở các điều 144, 1112§1, 1116 và 1127§§1-2. §2. Vị chứng hôn chỉ được hiểu là người hiện diện để yêu cầu hai bên kết ước biểu lộ sự ưng thuận và để nhân danh Giáo Hội chấp nhận sự biểu lộ ấy.

Điều 1109: Chiếu theo chức vụ, Đấng Bản Quyền địa phương và cha sở chứng hôn thành sự trong giới hạn địa hạt của mình, chẳng những cho những người thuộc quyền, mà còn cho cả những người không thuộc quyền, miễn là một trong hai người thuộc lễ điển la tinh, trừ khi các vị ấy bị vạ tuyệt thông, hoặc bị vạ cấm chế, hoặc bị huyền chức do án lệnh hay do sắc lệnh, hoặc đã bị tuyên bố như vậy.

Điều 1111: §1. Bao lâu còn chu toàn giáo vụ của mình cách hữu hiệu, Đấng Bản Quyền địa phương và cha sở có thể uỷ nhiệm năng quyền, kể cả năng quyền tổng quát, cho các tư tế và phó tế, để chứng hôn trong giới hạn của địa hạt mình. §2. Để được hữu hiệu, việc uỷ nhiệm năng quyền chứng hôn phải được minh nhiên ban cho những người nhất định; nếu là một sự uỷ quyền riêng biệt, thì có giá trị đối với một đôi hôn nhân nhất định, còn nếu là một sự uỷ quyền tổng quát, thì phải ban bằng văn bản.

Thể thức giáo luật của hôn phối có thể là thông thường hoặc bất thường (như đ. 144 [7] ; 1112§1; 1116; 1127§1-2). Trong trường hợp thông thường, để thành sự, việc trao đổi ưng thuận giữa hai người kết hôn phải theo thể thức luật định, tức là trước sự hiện của:

- Đấng Bản Quyền địa phương[8] hoặc cha sở[9]; hoặc linh mục, phó tế được ủy quyền.

- Đồng thời có hai người làm chứng.

a. Hai người làm chứng, chỉ cần họ ý thức công việc được mời chứng kiến, và phải hiện diện lúc trao đổi sự thỏa thuận. Tuy nhiên nếu không có sự hiện diện nầy thì hôn nhân vô hiệu. Tuy không đòi buộc họ ký sổ nhưng phải ghi tên họ trong sổ rửa tội, hôn phối (đ. 1116; 1121). Từ đó ta thấy có thể áp dụng tố tụng dựa trên tài liệu đối với trường hợp nầy, như có giấy tờ chứng tỏ rõ ràng rằng hai người chứng kiến đã không có mặt trong lễ hôn phối...

b. Bản Quyền địa phương và cha sở. Để có thể chứng giám hôn nhân thành hiệu, Đấng Bản Quyền địa phương hoặc cha sở:

- Phải nhậm chức chứ không phải chỉ mới bổ nhiệm[10] hay chỉ mới được hứa (đ. 153). Nên nhớ việc bổ nhiệm phải làm bằng văn bản (đ. 156) và việc chấm dứt giáo vụ do mãn thời hạn đã được ấn định hay do quá hạn tuổi chỉ có hiệu lực từ khi nhà chức trách có thẩm quyền thông báo điều đó bằng văn thư (đ. 186).

- Không bị án vạ tuyệt thông, cấm chế, huyền chức[11]. Vạ phải do người có thẩm quyền phán quyết, nếu là vạ tiền kết thì đã phải tuyên bố ở tòa ngoài

- Chỉ chứng hôn trong địa bàn của mình mới thành sự.

Chúng ta cũng nhận thấy các trường hợp nầy cũng có thể áp dụng tố tụng dựa trên tài liệu đối với vụ án tiêu hôn. Ví dụ, việc chứng hôn do cha sở chưa nhậm chức mà chỉ mới tuyên bố, hay mới có giấy bổ nhiệm, hoặc cha sở đã hết chức vụ, linh mục bị vạ tức là đã có án phạt rồi,...

Đặc biệt trường hợp thứ ba, hôn nhân sẽ bất thành nếu Đấng bản quyền và cha sở chứng hôn ngoài địa bàn của mình dù cho những người thuộc quyền mình[12]. Theo luật, trong địa bàn của mình, Đấng Bản Quyền địa phương và cha sở có quyền chứng giám hôn nhân của những người thuộc quyền cũng như của những người không thuộc quyền, miễn là một trong hai bên nam nữ thuộc nghi lễ la tinh (đ. 1109). Đối với các Đấng Bản Quyền và cha sở tòng nhân, họ chỉ có quyền chứng giám hôn phối của những người thuộc quyền họ, miễn là một trong hai người thuộc quyền họ (đ. 1110).

c. Người được ủy quyền 

Đấng Bản Quyền địa phương và cha sở có thể ủy quyền cho người khác chứng giám hôn nhân thay, trong khuôn khổ địa bàn mình có thẩm quyền.

- Sự ủy quyền tổng quát, có giá trị cho tất cả mọi cuộc hôn nhân trong địa bàn. Sự ủy quyền tổng quát buộc phải viết ra giấy tờ, trong đó có đề rõ tên họ của người thụ ủy quyền. Loại ủy quyền nầy có thể chuyển ủy riêng biệt, từng trường hợp một (đ. 137).

- Sự ủy quyền đặt biệt, chỉ có giá trị đối với một hôn phối nhất định (đ. 1111). Trường hợp nầy khó chứng minh bằng tài liệu hơn vì thường có thể được ủy quyền bằng miệng.

Lưu ý rằng, hành vi sẽ vô hiệu nếu vượt quá giới hạn được ủy nhiệm (đ. 133).

Cha sở chỉ có thể ủy quyền chứng giám hôn phối cho một linh mục hay phó tế. Chỉ có Giám Mục mới có thể ủy quyền cho giáo dân khi thiếu linh mục và phó tế, sau khi đã được sự chấp thuận của Hội Đồng Giám Mục và phép của Tòa Thánh (x. đ. 1112).

Ngoài những điều nói trên về sự ủy quyền thành hiệu, giáo luật mong muốn rằng những ai được ủy quyền tổng quát thì nên xin phép cha sở mỗi lần trước khi cử hành hôn lễ (đ. 1114).

4. Trường hợp không có ủy nhiệm thư hữu hiệu 

Giáo luật điều 1105:

§1. Để việc kết hôn qua người đại diện được thành sự thì buộc:

10 phải có một sự uỷ nhiệm đặc biệt để kết hôn với một người nhất định;

20 người đại diện phải được chính người uỷ nhiệm chỉ định, và chính họ đích thân chu toàn phận sự.

§2. Để có hiệu lực, giấy uỷ nhiệm phải được người uỷ nhiệm ký tên, và ngoài ra còn phải có chữ ký của cha sở hay của Đấng Bản Quyền địa phương tại nơi làm giấy uỷ nhiệm, hoặc của một linh mục được một trong hai người uỷ nhiệm, hoặc của ít nhất là hai nhân chứng, hoặc phải được soạn dựa vào một văn bản chính thức chiếu theo quy tắc của luật dân sự.

§3. Nếu người uỷ nhiệm không biết viết, thì phải ghi chú điều ấy vào chính giấy uỷ nhiệm và phải có thêm một nhân chứng khác, chính nhân chứng này cũng phải ký tên vào giấy uỷ nhiệm; bằng không, giấy uỷ nhiệm sẽ vô giá trị.

§4. Nếu người uỷ nhiệm thu hồi giấy uỷ nhiệm hoặc bị mất trí trước khi người đại diện kết hôn nhân danh người uỷ nhiệm, thì hôn nhân bất thành, ngay cả khi người đại diện hay người kết ước kia không biết những việc đó.

Từ khoản giáo luật nầy chúng ta thấy có thể có ủy nhiệm thư không có giá trị nếu vi phạm qui định giáo luật ấn định, và khi đó hôn phối cử hành qua đại diện tương ứng đó sẽ bất thành.

Trong thực tế ở Việt Nam, hiếm có hôn phối cử hành qua vị đại diện theo, nên xin không bàn nhiều về trường hợp nầy.

IV. MỘT SỐ NHẬN XÉT

1. Truy tìm tài liệu khả tín

Việc tố tụng dựa vào tài liệu đối với những trường hợp có ngăn trở tiêu hôn, hà tỳ thể thức giáo luật,.. thể tìm những tài liệu khả tín cần thiết ở các sổ rửa tội, sổ hôn phối, sổ gia đình, sổ status animarum... tại văn khố giáo xứ hay ở Tòa Giám Mục.

Thật vậy, một cách tổng quát, điều 535§2 qui định: «Trong sổ rửa tội cũng phải ghi chú việc chịu phép thêm sức và những gì thuộc về tình trạng giáo luật của các Kitô hữu, như hôn phối, trừ những quy định của điều 1133, việc nhận dưỡng tử, việc lãnh chức thánh, việc tuyên khấn vĩnh viễn trong một hội dòng, cũng như việc thay đổi lễ điển; tất cả những điều này luôn luôn phải được ghi lại trong chứng chỉ rửa tội».

Cách riêng đối với hôn nhân giáo luật qui định rõ ràng về làm sổ sách giấy tờ. Một khi hôn phối cử hành với có chuẩn chước ngăn trở tiêu hôn thì phải phải lập tức thông báo cho Đấng Bản Quyền địa phương biết phép chuẩn đã được ban ở tòa ngoài và phải ghi phép chuẩn ấy vào sổ hôn phối (đ. 1081). Và nói chung, phép chuẩn một ngăn trở kín đã được ban ở tòa trong nhưng ngoài bí tích, phải được ghi trong một cuốn sổ được lưu giữ cẩn thận tại văn khố mật của Tòa Giám Mục, và nếu sau này ngăn trở kín trở thành công khai, thì không cần phải xin một phép chuẩn nào khác ở tòa ngoài (đ. 1082).

Đối với hôn nhân nào đã được kết ước với phép chuẩn khỏi giữ thể thức giáo luật, Đấng Bản Quyền địa phương đã ban phép chuẩn phải liệu sao để phép chuẩn và việc cử hành được ghi vào sổ hôn nhân của Tòa Giám Mục cũng như của giáo xứ riêng phía bên công giáo mà cha sở đã điều tra về tình trạng thong dong. Người phối ngẫu công giáo buộc phải thông báo sớm hết sức cho Đấng Bản Quyền và cha sở biết là hôn nhân đã được cử hành, cũng phải chỉ rõ nơi cử hành và thể thức công khai đã tuân giữ (đ. 1121 §3).

Điều 1122§1 minh định rằng việc kết ước hôn nhân cũng phải được ghi chú vào sổ rửa tội, trong đó đã ghi việc lãnh nhận bí tích rửa tội của hai vợ chồng.

Việc làm sổ sách và lưu trữ trong văn khố của các giáo xứ hay của Tòa Giám Mục là một bổn phận cần phải làm nghiêm túc và có khoa học[13] vì đó là điều hữu ích, cần thiết và bó buộc theo giáo luật với những quy định cụ thể, nghiêm nhặt[14].

Như vậy, những sổ sách ghi chú tình trạng nhân thân của người tín hữu (status animarum), những sổ sách gia đình, những sổ sách lưu trữ ở văn khố giáo xứ và Tòa Giám Mục như sổ sách hay giấy tờ về rửa tội, thêm sức, hôn phối, giấy chuẩn chước, khấn dòng… là những nguồn tài liệu quan trọng để từ đó chúng ta có được một tài liệu công, khả tín có thể sử dụng trong tố tụng dựa theo tài liệu.

2. Một số khó khăn

Có lẽ ở Việt Nam thực tế hiện nay ít có tòa án hôn phối nào áp dụng tố tụng dựa trên tài liệu vì nhiều lý do khác nhau. Trước hết, đây là hình thức tố tụng khá mới mẻ, nên nhiều tòa án và nhân viên tòa án chưa quen thủ tục, nên không mạnh dạn tiến hành.

Tiếp đến, có nhiều khó khăn trong việc truy tìm tài liệu và minh xác tài liệu... Thật vậy, thực tế có những sổ sách về hôn phối, rửa tội vì sổ sách bị thất lạc, cháy bị mất do chiến tranh, do mối mọt làm hư hỏng; đặc biệt nhiều nơi không làm sổ sách một cách nghiêm túc đúng qui định giáo luật[15], nhiều linh mục đã không làm duplicata lưu giữ ở văn khố Tòa Giám Mục hay tại giáo xứ.

Bên cạnh đó, thực tế không chỉ người giáo dân mà ngay cả các linh mục cũng rất ngại đến các giáo xứ hay Tòa Giám Mục để xin tìm lại những giấy tờ liên quan lưu trữ nhiều năm trong văn khố dù biết rằng họ «có quyền đích thân hoặc nhờ người đại diện nhận bản sao chính thức được viết tay hay được chụp của những tài liệu tự bản chất là công khai và liên quan đến tình trạng nhân thân của họ»[16]. Việc tìm lại các giấy tờ vừa mất nhiều công sức và thời giờ vừa đòi hỏi phải tuân giữ những quy định nghiêm nhặt của giáo luật về việc tìm và xác nhận giấy tờ cần thiết[17].

Mặt khác, trong xã hội ngày nay việc gian dối lan tràn ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống giáo dân và linh mục trong Giáo Hội tại Việt Nam. Nhiều người dễ dàng có những giấy tờ giả mạo hay sai lạc theo ý muốn, nhất là những giấy tờ bên đời. Chính tình trạng “đồng bạc đâm toạc tờ giấy” trong xã hội hiện nay có lẽ góp phần khiến chúng ta ngại áp dụng tố tụng dựa trên tài liệu.

Những khó khăn trong việc áp dụng tố tụng dựa trên tài liệu không thể ngay lập tức điều chỉnh mà cần có thời gian và sự đồng bộ từ trên xuống của các thành phần dân Chúa, nhất là của hàng giáo sĩ và của tòa án hôn phối các giáo phận. Trên đây là những điểm căn bản bước đầu để giúp chúng ta lưu ý nhiều hơn nữa trong việc khắc phục khó khăn hầu đem lại nhiều lợi ích cho người giáo dân đang cần đến chúng ta giải quyết các vấn đề của họ, cách riêng là liên quan đến tố tụng dựa trên tài liệu.


[1] Về việc chứng minh bằng tài liệu, bản chất và giá trị chứng minh của tài liệu, việc xuất trình tài liệu xin xem thêm Giáo luật tại các điều từ 1539 đến 1546.

[2] Xem Luigi Chiappetta, Il codice di diritto canonico, commento giuridico-pastorale, III Librri VII, 2 Ed, Accresciuta e aggiornata, Roma 1996, 360. (Bộ giáo luật, chú giải pháp lý và mục vụ, tập II, Quyển VII, in lần 2, có cập nhật và bổ sung). Đây chính là câu trả lời chính thức của Ủy ban Giáo Hoàng về giải thích Giáo luật, Riposta ngày 26.6.1984, xem trong Ochoa, Leges Ecclesiae, VI, số 5067, cột 8865.

[3] Có thể là công tố viên trong trường hợp được dự liệu ở đ. 1674§2.

[4] Xem Luigi Chiappetta, Il codice di diritto canonico, commento giuridico-pastorale, III Librri VII, 2 Ed, Accresciuta e aggiornata, Roma 1996, 227. (Bộ giáo luật, chú giải pháp lý và mục vụ, tập II, Quyển VII, in lần 2, có cập nhật và bổ sung).

[5] Xem Luigi Chiappetta, Il codice di diritto canonico, commento giuridico-pastorale, III Librri VII. Sđd. tr. 228

[6] Trong tiến trình tu chính bộ giáo luật, vấn đề xử án dựa trên tài liệu kể cả đối với trường hợp hà tỳ về sự ưng thuận hôn nhân cũng được đưa ra và đề nghị áp dụng vào giáo luật. Tuy nhiên ý kiến nầy đã không được chấp nhận vì xét rằng điều đó không những sẽ dẫn đến một loạt những khó khăn khác phải giải quyết mà còn có thể nhiều trường hơp rất dễ bị lạm dụng. Xem Luigi Chiappetta, Il codice di diritto canonico, commento giuridico-pastorale, III Librri VII, 2 Ed, Accresciuta e aggiornata, Roma 1996, 225. (Bộ giáo luật, chú giải pháp lý và mục vụ, tập II, Quyển VII, in lần 2, có cập nhật và bổ sung); cũng như Communicationes 1979, 269, can. 351.

[7] Theo điều 144, năng quyền chứng hôn nói ở điều 1111§1 cũng được Ecclesia supplet. Tuy nhiên liên quan đến năng quyền chứng hôn và sự bổ túc quyền hành (Ecclesia supplet) nói ở điều 144, theo cha Phan Tấn Thành, năng quyền chứng hôn phối không phải là quyền cai trị theo nghĩa chặt. Trên thực tế, Tòa Thượng Thẩm Rôma không áp dụng sai lầm cho việc chứng hôn. Do đó nếu một linh mục (kể cả Giám Mục hay Hồng Y) mà đứng ra chứng hôn khi không có sự ủy quyền của Đấng bản quyền địa phương hay cha sở, thì hôn nhân vẫn vô hiệu. Theo án lệ, Giáo Hội chỉ bổ túc quyền hành khi có sự việc nào liên quan tới thiện ích chung hoặc để ngăn ngừa một thiệt hại cho cộng đoàn; còn sự lầm lẫn về thẩm quyền chứng hôn chỉ liên quan tới một đôi hôn nhân chứ không ảnh hưởng tới toàn thể cộng đoàn, vì thế sự bổ túc quyền hành không được đặt ra. Hơn nữa Giáo Hội chỉ bổ túc quyền tài phán (quyền cai trị) chứ không bổ túc quyền thánh chức. X. Phan Tấn Thành, Nhập môn giáo luật, giải thích quyển I: Tổng tắc. Rôma 1995, tr. 210.

[8] Đấng bản quyền địa phương là: Giám Mục giáo phận, Giám mục phó, Giám mục phụ tá với năng quyền đặc biệt (đ. 405§2; 406§1; 403§2),  linh mục tổng đại diện, Đại diện Giám mục (đ. 475-476). Xin xem thêm điều 134.

[9] Nên nhớ những người cũng có chức năng chứng hôn thành sự như cha sở là: linh mục coi sóc chuẩn giáo xứ đ. 516§1 (quasi-paroecia - có lẽ ở Việt Nam gọi là giáo họ biệt lập); các linh mục coi sóc giáo xứ theo cách liên đới (in solidum), đ. 517§1; 543§1; 520§1; giám quản giáo xứ khi giáo xứ khuyết vị hay bị ngăn trở, đ. 540§1; cha phó khi giáo xứ khuyết vị hoặc cha sở bị ngăn trở hoặc vắng mặt, đ. 541§1 và 549.

[10] Hơn nữa, Đấng bản quyền địa phương, cha sở một khi đã được thông báo bằng văn bản rằng họ đã hết nhiệm vụ trong chức vụ đã được giao phó, thì làm phép hôn phối không thành sự dù cho trong địa bàn của mình và cho người thuộc quyền mình hay không thuộc quyền mình. Về nhậm chức cha sở, x. đ. 527.

[11] Ví dụ, vạ tuyệt thông, xem các điều: 1367; 1370;1378; 1397; 1398; 1383; 1385; 1388; 1364; vạ cấm chế: 1370; 1397; 1387; 1390; huyền chức: 1370; 1385; 1387; 1390; 1395;

[12] Quyền chứng hôn nói trên là thuộc loại quyền đối địa (potestas territorialis). Nói cách khác, chứng hôn là chức năng được đồng hóa với hành vi tài thẩm, thường dựa trên cơ sở địa giới. Do đó với bí tích hôn nhân những người có trách nhiệm trong địa bàn của mình đều chứng hôn thành sự (miễn là đủ những điều kiện khác nữa) dù cho những tín hữu không thuộc quyền mình coi sóc (đ. 1109). Ví dụ, cha hạt trưởng cũng chỉ có quyền chứng hôn trong giáo xứ của mình và không có quyền nơi giáo xứ khác dù thuộc trong hạt của mình. Xin xem thêm trong «Bản năng quyền thập niên (1971-1980 tr. 37-39. Luật mới nói rất rõ về vấn đề nầy từ điều 1108 đến đ. 1111.

[13] Hiên nay vấn đề nầy đã được nhiều giáo phận lưu tâm. Các Giám Mục khi đi kinh lý thường cũng đề nghị cha sở trình các sổ sách (đ. 535§4). Ngày nay cũng có nhiều phần mềm tin học quản trị giáo xứ và giáo dân rất hay, hữu ích, giúp cho việc làm sổ sách trở nên nhẹ nhàng, khoa học và hữu dụng.

[14] Xem giáo luật đ. 482; 486-491; đối với giáo xứ dặt biệt điều 535

[15] Vấn đề làm sổ sách là một bắt buộc theo giáo luật. Nhiều giáo phận cũng bắt đầu lưu ý đối với những linh mục trẻ về việc làm sổ sách, lưu trữ trong máy tính sao cho an toàn, kín đáo. Trong tổ chức thường huấn linh mục nên có thêm nội dung nầy.

[16] Điều 487§2.

[17] Chẳng hạn, cha sở phải liệu sao không để những sổ sách của giáo xứ lọt vào tay người ngoài (đ. 535§4); không ai được vào văn khố Tòa Giám Mục hoặc không ai lấy tài liệu ra khỏi văn khố Tòa Giám Mục, trừ trường hợp trong thời gian ngắn, nếu không có sự đồng ý của Giám Mục hay vị điều hành tòa Giám Mục và chưởng ấn (đ. 487; 488) và chỉ hai vị nầy mới là người giữ chìa khóa văn khố của Tòa Giám Mục mà thôi (đ. 487§1).

 

 


Trở Về Trang Nhà