02 / 10/ 2014, 04:10:36
ĐIỀU 1: Là môn đệ Chúa Giêsu, bản thân giáo lý viên (glv)
cần tin tưởng tuyệt đối vào tác động của Chúa Thánh Thần trong các hoạt động
huấn giáo, lắng nghe và nhận ra sự thúc đẩy của Ngài nhờ đời sống cầu nguyện,
lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận bí tích, nhờ đó có được nhiệt tình loan báo Tin
Mừng và trở thành chứng nhân sống động của Tin Mừng.
YÊU CẦU
Nhìn lại việc tân phúc âm hóa giáo lý viên: đổi mới nhiệt
tình loan báo Tin Mừng.
GIÁO HUẤN GIÁO HỘI
Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý 1997 (HDTQ, s.239)
“Việc đào tạo đích thực cũng phải nuôi dưỡng đời sống
thiêng liêng của glv để hoạt động của họ bắt nguồn từ chứng tá đời sống của họ.
Mỗi đề tài mà glv giảng dạy, trước hết phải nuôi dưỡng đức tin cho chính họ.
Người ta dạy giáo lý cho người khác bằng cách trước tiên dạy cho chính
mình..Việc đào tạo phải thường xuyên nuôi dưỡng ý thức tông đồ, tinh thần rao
giảng TM của glv… Cách tốt nhất để nuôi dưỡng sự trong sáng tông đồ là đồng hóa
với CGS.KT, là thầy và là nhà đào tạo các môn đệ, bằng cách làm cho mình có
cùng lòng nhiệt thành mà Người đã biểu lộ đối với Nước Thiên Chúa”.
Tông huấn Niềm vui Tin Mừng của ĐTC Phanxicô (TH.NVTM 259-283)
Theo ĐTC Phan-xi-cô, người loan báo Tin Mừng đầy Thánh
Thần là:
a/ những người vững vàng tin cậy vào Chúa Thánh Thần
(280), can đảm mở lòng ra cho hoạt động của Ngài, can đảm ra khỏi chính mình và
can đảm công bố TM cách mới mẻ (259);
b/ những người có khả năng vun trồng một không gian
nội tâm để gặp gỡ Chúa nhờ chuyên tâm cầu nguyện, đọc Lời Chúa trong cầu
nguyện, suy niệm Tin Mừng với tình yêu (262);
c/ những người có kinh nghiệm về tình yêu cứu độ nhờ khám
phá ra sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc đời (264), xác tín
rằng CGS và Tin Mừng của Ngài có thể đáp ứng khát vọng thâm sâu của con người
(265) qua trải nghiệm được đổi mới nhờ Lời và tình bạn với CGS, qua khám phá
Chúa luôn đồng hành với mình trong cuộc sống (266), và qua việc tìm kiếm Vinh
Quang của Chúa Cha (267);
d/ những người nhận thức mình thuộc về Dân Thiên Chúa,
sống chan hòa với Dân và khám phá đó là nguồn vui, từ đó, nhận ra căn tính thâm
sâu của mình là những người được tuyển chọn và sai đi (268), yêu mến và gần gũi
với Dân (269), đi vào thực tế và chạm đến sự khốn cùng của Dân (270), biết ứng
xử dịu dàng và khiêm nhường với Dân (271), hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, nhiệt
thành truyền giáo hơn (272), nhận thức rõ sứ mệnh ở giữa Dân là điều không thể
chối bỏ (273) và ý thức rõ hơn sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người khác để
yêu thương và kính trọng họ (274),
e/ những người tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng đã
chiến thắng sự dữ và đang tiến bước với mình trong lịch sử. Ngài có khả năng
hành động trong mọi tình huống, ngay trong những khó khăn và những cái bề ngoài
có vẻ là thất bại (275-280),
f/ những người mà kinh nguyện của họ luôn có chỗ cho người
khác (chuyển cầu), luôn diễn tả niềm vui và lòng biết ơn (tạ ơn), nhờ đó, sức
mạnh, tình yêu và sự trung tín của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi Dân của Ngài
(281-283).
TIÊU CHÍ
1. có khả năng vun trồng một không
gian nội tâm để gặp gỡ Chúa nhờ chuyên tâm cầu nguyện, đọc Lời Chúa trong cầu
nguyện, suy niệm Tin Mừng với tình yêu và lãnh nhận bí tích,
2. có kinh nghiệm về tình yêu cứu
độ nhờ: a/ xác tín rằng CGS và Tin Mừng của Ngài có thể đáp ứng khát vọng thâm
sâu của con người, b/ trải nghiệm được đổi mới xuất phát từ Lời và tình bạn với
CGS, và c/ nỗ lực tìm kiếm Vinh Quang của Thiên Chúa,
3. nhận thức mình thuộc về Dân
Thiên Chúa, sống chan hòa với Dân và khám phá đó là nguồn vui,
4. yêu mến và gần gũi với học
viên, đi vào thực tế và chạm đến sự khốn cùng của học viên, biết ứng xử dịu
dàng và khiêm nhường với họ, hiểu biết, tin tưởng và yêu mến Chúa hơn, vui mừng
và hạnh phúc khi tìm lợi ích và hạnh phúc cho người khác, không chỉ rao giảng
bằng lời nói, nhưng trên hết bằng một đời sống được biến đổi nhờ sống thân tình
với Chúa Giêsu.
07 / 10/ 2014, 09:10:11
ĐIỀU 2
Việc dạy giáo lý phải dựa trên Lời Chúa, vì Lời Chúa là
linh hồn của việc dạy giáo lý.
YÊU CẦU
Nhìn lại bản chất của việc dạy giáo lý: làm cho Lời Chúa
vang dội trong tâm hồn các tín hữu, giúp họ đón nhận, thực thi và rao giảng
Lời.
GIÁO HUẤN GIÁO HỘI
HDTQ 50
Tác vụ Lời Chúa là yếu tố nền tảng của việc rao giảng Tin
Mừng
TH. LC 74 -75
Trong tông huấn “Lời Chúa”, ĐTC Bênêđictô viết: “Tôi muốn
nhấn mạnh đặc biệt rằng khoa giáo lý phải thấm nhuần và nắm vững tư tưởng, tinh
thần và thái độ Kinh Thánh và Tin Mừng nhờ việc chuyên cần tiếp xúc với chính
bản văn […] cũng có thể là bổ ích nếu hiểu biết và học thuộc lòng một vài đoạn
Kinh Thánh, đặc biệt những đoạn nói về các Mầu nhiệm Kitô giáo” (s.74). Như
thế, giảng viên giáo lý nên giúp các em tiếp cận với chính bản văn Kinh Thánh,
thay vì chỉ giải thích và áp dụng xuông; nhờ đó, học viên giáo lý có thể nếm
được hương vị ngọt ngào của Lời Chúa, yêu mến và có thói quen quy chiếu vào Lời
Chúa trong đời sống hàng ngày (s.75).
TH. NVTM 174-175
Mọi hoạt động loan báo Tin Mừng phải dựa trên Lời Chúa,
phải lắng nghe, suy niệm, sống, cử hành và làm chứng cho Lời. Lời Chúa chính là
nguồn mạch của việc loan báo Tin Mừng. Lời Chúa phải không ngừng được đặt một
cách đầy đủ hơn vào tâm điểm của mọi hoạt động của Hội Thánh. Việc giảng Lời
sống động và hiệu quả có tác dụng chuẩn bị cho việc lãnh nhận bí tích và Lời
đạt được hiệu quả tối đa trong bí tích (174). Thiên Chúa đã nói với chúng ta
tất cả những gì chúng ta cần biết về Người trong Kinh Thánh. Vì thế, chúng ta
cần phải học hỏi nghiêm túc và thường xuyên về Kinh Thánh, đặc biệt đọc Lời
Chúa trong tâm thế cầu nguyện (175).
TIÊU CHÍ
1. có phần dạy kinh bổn,
2. có phần công bố, giải thích và áp
dụng Lời Chúa,
3. có phần tiếp cận và tìm hiểu bản văn
Lời Chúa,
4. có phần nội tâm hóa sứ điệp Lời Chúa
(học viên gặp gỡ và thưa chuyện với Chúa trong thinh lặng), có phần cho học
viên diễn tả niềm xác tín và phần đồng hành thiêng liêng của giáo lý viên.
14 / 10/ 2014, 09:10:10
BẢN GHI NHỚ
NHỮNG TIÊU CHÍ THỰC HIỆN VÀ LƯỢNG GIÁ
(tiếp theo)
ĐIỀU 3: Việc dạy giáo lý thiết yếu nhằm: (1) trình bày nội
dung đức tin khách quan, đầy đủ và có hệ thống, (2) giúp học viên giáo lý gắn
bó và yêu mến Chúa Giêsu; (3) nhờ đó hoán cải để sống và rao giảng Tin Mừng (x.
Evangelii Nuntiandi).
YÊU CẦU I
Nhìn lại nội dung của việc dạy giáo lý: vai trò riêng biệt
của việc dạy giáo lý là tỏ cho biết Chúa Giêsu Kitô là ai – về đời sống và mầu
nhiệm của Người – cũng như trình bày đức tin Công Giáo như là việc bước theo
Người (HDTQ 41).
GIÁO HUẤN GIÁO HỘI
HDTQ 120-123
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo là “điểm quy chiếu để
giáo lý viên trình bày một cách chính thống nội dung đức tin” (120), vì sách
giáo lý này “trình bày một cách có hệ thống và tổng hợp những nội dung cốt yếu
và căn bản của đạo lý công giáo về mặt đức tin cũng như về mặt luân lý, dưới
ánh sáng của Công Đồng Vaticanô II và toàn bộ Truyền thống của Hội Thánh”
(121). Sách này “xoay quanh bốn chiều kích cơ bản của đời sống Kitô hữu: tuyên
xưng đức tin, cử hành phụng vụ, đời sống luân lý theo Tin Mừng và việc cầu
nguyện” (122). Bốn chiều kích này đều phát xuất từ mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô
“là đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6), đường dẫn chúng ta tới đời sống mới
trong Ba Ngôi Thiên Chúa (123).
TH.NVTM 164
Trên môi miệng người dạy giáo lý, lời rao giảng tiên khởi
phải không ngừng vang to: “Đức Giêsu Kitô yêu bạn; Ngài hiến mạng sống mình để
cứu bạn; và bây giờ Ngài đang sống bên cạnh bạn mỗi ngày để soi sáng, ban sức
mạnh và giải thoát bạn.” Lời rao giảng đầu tiên này được gọi là “đầu tiên”
không phải vì nó xuất hiện lúc ban đầu và rồi có thể bị lãng quên hay thay thế
bằng một cái gì quan trọng hơn. Nó là đầu tiên theo nghĩa phẩm tính vì nó là
lời rao giảng chính, lời rao giảng mà chúng ta phải nghe đi nghe lại bằng nhiều
cách khác nhau, phải loan báo bằng cách này hay cách khác trong suốt tiến trình
huấn giáo, ở mọi cấp độ và mọi thời điểm... Vị trí trung tâm của Lời rao giảng
đầu tiên đòi phải nhấn mạnh những yếu tố cần nhất hôm nay: nó phải diễn tả tình
thương cứu độ của Thiên Chúa, là cái đi trước mọi bổn phận luân lý hay tôn giáo
của chúng ta; nó không được áp đặt sự thật nhưng kêu gọi tự do; nó phải được
đánh dấu bằng niềm vui, sự khích lệ, sức sống và một sự cân bằng hài hoà để
không giản lược việc rao giảng vào một ít giáo thuyết đôi khi mang tính triết
học hơn là tính phúc âm.
TIÊU CHÍ
YÊU CẦU II
Nhìn lại mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý: tiếp xúc
và kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu.
GIÁO HUẤN GIÁO HỘI
HDTQ 80-81
Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người
không những được tiếp xúc, mà còn được thông hiệp mật thiết với Chúa Giêsu
Kitô. Kết hợp nhờ biết rõ hơn về CGS, về mầu nhiệm, giáo huấn và sứ vụ của
Ngài; yêu mến, nên đồng hình đồng dạng với Ngài, và nhờ Ngài, kết hợp với Ba
Ngôi.
TH.NVTM 7
Tôi không bao giờ thấy chán khi lặp lại lời của Đức
Bênêđictô đưa chúng ta vào chính tâm điểm của Tin Mừng: “Là Kitô hữu không phải
là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng là gặp gỡ
một biến cố, một con người, sự gặp gỡ đem đến cho cuộc đời một chân trời mới và
một hướng đi quyết định”.
TIÊU CHÍ
YÊU CẦU III
Nhìn lại vai trò khai tâm của việc dạy giáo lý, bao gồm
việc dẫn vào đời sống đức tin, đời sống phụng vụ và đời sống bác ái cũng như
tham gia vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh.
GIÁO HUẤN GIÁO HỘI
HDTQ 51, 55, 59.
Những người được ân sủng thúc đẩy và quyết định đi theo
Chúa Giêsu thì “được dẫn vào đời sống đức tin, đời sống phụng vụ, và đời sống
bác ái của Dân Thiên Chúa. Hội Thánh thực hiện nhiệm vụ này, chủ yếu nhờ việc
dạy giáo lý, kết hợp chặt chẽ với các bí tích khai tâm mà họ đã hay sẽ lãnh
nhận (51).
Đức tin bao hàm một sự thay đổi đời sống, một “metanoia”,
nghĩa là một biến đổi sâu xa lòng trí dẫn người tin đến “một cách hiện hữu mới,
một cách sống mới, một cách sống chung mới mà Tin Mừng đã khởi xướng”. Sự thay
đổi này được biểu lộ trên mọi lãnh vực của đời sống người kitô hữu, trong đời
sống nội tâm là tôn thờ và đón nhận thánh ý Chúa; trong sự tham gia vào sứ mạng
của Hội Thánh; trong đời sống hôn nhân và gia đình; trong đời sống nghề nghiệp;
trong mọi sinh hoạt kinh tế và xã hội (55).
Việc dạy giáo lý, nằm trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng của
Hội Thánh và được coi là “thời điểm” chính yếu, nó kín múc trong việc Phúc Âm
hóa động lực truyền giáo đã đem lại cho nó sự phong phú nội tại và căn tính đặc
thù. Nên tác vụ giáo lý là việc phục vụ căn bản của Hội Thánh trong việc hoàn
thành mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu” (59).
TIÊU CHÍ
25 / 10/ 2014, 09:10:27
BẢN GHI NHỚ
NHỮNG TIÊU CHÍ THỰC HIỆN VÀ LƯỢNG GIÁ
(tiếp theo)
ĐIỀU 4
Trong việc dạy giáo lý, giáo lý viên phải thoát ra khỏi
khuôn khổ của một “lớp” học. Cần hướng dẫn học viên giáo lý cầu nguyện bằng
cách thưa chuyện với Chúa nhờ lắng nghe và đón nhận Lời Chúa. Ngoài ra, cần có
sự gặp gỡ cá nhân, lắng nghe và đồng hành.
YÊU CẦU I
Nhìn lại việc giúp học viên cầu nguyện và nội tâm hóa sứ
điệp Lời Chúa khi dạy giáo lý.
GIÁO HUẤN GIÁO HỘI:
HDTQ 85
Sự hiệp thông với CGS đưa các môn đệ đến việc nhận lấy
chính thái độ cầu nguyện và chiêm niệm của Tôn Sư. Học cầu nguyện với CGS là
cầu nguyện bằng chính những tâm tình mà Ngài đã bày tỏ khi thân thưa với Chúa
Cha: thờ lạy, ngợi khen, tạ ơn, tâm tình phó thác của người con, van nài,
ngưỡng mộ vinh quang của Cha. Những tâm tình ấy được phản ánh trong kinh Lạy
Cha.
NVTM 3
“Tôi kêu mời mọi Kitô hữu khắp nơi, ngay lúc này, đi vào cuộc
gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa
Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày”.
TIÊU CHÍ
YÊU CẦU II
GIÁO HUẤN GIÁO HỘI
HDTQ 140
Qua những lời nói, những dấu chỉ, những công trình của
Người, suốt một đời tuy ngắn ngủi nhưng mãnh liệt, các môn đệ đã kinh nghiệm
trực tiếp tất cả những gì là những nét căn bản “khoa sư phạm của CGS” và sau đó
đã cho biết trong những sách Tin Mừng:
a/ Sự đón nhận người khác, nhất là người nghèo khổ, trẻ
nhỏ, người tội lỗi, như một con người mà Thiên Chúa hằng yêu thương và tìm
kiếm;
b/ sự loan báo rõ ràng về Vương Quốc Thiên Chúa như tin
vui về chân lý và về sự an ủi của Chúa Cha: một cách thức yêu thương, vừa tế
nhị vừa mạnh mẽ, để giải thoát con người khỏi sự dữ và nâng đỡ cuộc đời họ;
c/ lời mời gọi khẩn cấp cho một nếp sống được nâng đỡ bởi
niềm tin vào Thiên Chúa, bởi lòng cậy trông vào Nước Trời và tình yêu thương
đối với tha nhân;
d/ việc sử dụng mọi nguồn hiệp thông giữa con người, như
lời nói, sự im lặng, ẩn dụ, hình ảnh, gương mẫu, biết bao nhiêu dấu chỉ khác
nhau, như các tiên tri trong Thánh Kinh đã làm.
NVTM 169-173
Kitô hữu phải học biết đồng hành với người khác trong sự
tôn trọng huyền nhiệm của họ: có thái độ gần gũi và cái nhìn cảm thông của Đức
Kitô để giúp chữa lành và khích lệ họ tăng trưởng trong đời sống kitô giáo;
biết dẫn họ đến gần Chúa hơn, nơi Ngài, họ đạt tới sự tự do đích thực; biết
thận trọng, cảm thông, kiên nhẫn và ngoan ngoãn vâng theo sự hướng dẫn của Chúa
Thánh Thần; biết lắng nghe người khác với lòng tôn trọng và cảm thông để có
được những lời nói và cử chỉ thích hợp giúp đánh thức khát vọng lý tưởng kitô
giáo, ước muốn đáp lại tình yêu của Thiên Chúa ở nơi họ và làm cho những gì
Ngài gieo trong cuộc đời họ sinh hoa kết trái; cần hiểu rằng mỗi hoàn cảnh và đời
sống thiêng liêng của một người là một huyền nhiệm không thể thấu triệt từ bên
ngoài, do đó, khi cần phải sửa lỗi, không nên quy trách và kết tội; cuối cùng,
không đầu hàng trước thất bại và sợ hãi nhưng mời gọi người khác bỏ mọi sự lại
phía sau để lên đường loan báo Tin Mừng.
TIÊU CHÍ
04 / 11/ 2014, 09:11:49
ĐIỀU 5
Khi trình bày các mầu nhiệm Kitô giáo, giáo lý viên cần
vận dụng ngôn ngữ cụ thể và sống động, sử dụng nghệ thuật để diễn tả vẻ đẹp
tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
YÊU CẦU
Nhìn lại việc sử dụng ngôn ngữ và nghệ thuật khi giáo lý.
GIÁO HUẤN GIÁO HỘI
HDTQ 208
Huấn giáo cũng cần phải được truyền đạt với những kiểu nói
và những hạn từ riêng của văn hóa người học ..., phải khuyến khích những cách
diễn đạt mới về Tin Mừng trong nền văn hóa mà Tin Mừng ấy được gieo trồng ... ,
phải tìm ra những ngôn ngữ phù hợp với trẻ em, với giới trẻ thời nay nói chung
và nhiều đối tượng khác như sinh viên, người trí thức, người làm khoa học,
người mù chữ hay những người có văn hóa bình dân, người thiểu năng v.v...
TH. NVTM 139-142
Giảng viên nói với tinh thần và thái độ từ mẫu: không chỉ
bảo ban mà còn tìm ý Chúa nơi học viên, không chỉ dạy mà còn học nơi người
nghe, sử dụng thứ ngôn ngữ khích lệ, ban sức mạnh và mang lại lòng nhiệt thành
(139). Giảng viên phải có thái độ: gần gũi với cộng đoàn, giọng phải ấm áp, nói
năng đơn sơ, điệu bộ thì vui vẻ (140), phải biết dùng vẻ đẹp của những hình ảnh
đã được CGS sử dụng để mời gọi các tín hữu lấy tình yêu đáp lại tình yêu
(142).
TH. NVTM 156-158
Giảng viên nói gẫy gọn, ít lời mà nhiều ý (156), dùng hình
ảnh để khơi dậy tâm tình, đánh thức ước muốn và đánh động ý chí hướng tới Tin Mừng
(157), nói đơn sơ dễ hiểu, rõ ràng, và mạch lạc . Một bài giảng hay là một bài
giảng có “một ý tưởng, một tâm tình, một hình ảnh” (158).
TH. NVTM 167
Huấn giáo không chỉ nhấn đến sự thật nhưng cần chú ý và
quý chuộng cái đẹp vì nó là phương tiện làm rung động lòng người và giúp cho sự
thật cũng như sự tốt lành của Đấng Phục Sinh trở nên rạng rỡ trong lòng họ. Vì
vậy, cần phải huấn luyện vận dụng cái đẹp để thông truyền đức tin. Mỗi giáo hội
phải khuyến khích dùng nghệ thuật cổ điển hoặc đương đại trong công cuộc phúc
âm hóa, mạnh dạn khám phá những ký hiệu mới, những biểu tượng mới, những cách
thể hiện khác nhau của cái đẹp cũng như những hình thức phá cách của nó trong
các nền văn hóa để thông truyền đức tin (167).
TIÊU CHÍ
13 / 11/ 2014, 10:11:25
Khi dạy giáo lý phải tập cho các học viên giáo lý tham gia
phụng vụ và có được những thói quen đạo đức trong đời sống hằng ngày; quan tâm
đến các vấn đề xã hội và tham gia các hoạt động xã hội nhằm xây dựng thiện ích
chung theo Tin Mừng.
YÊU CẦU I
Nhìn lại nhiệm vụ giáo dục phụng vụ và huấn luyện luân lý
của việc dạy giáo lý.
GIÁO HUẤN GIÁO HỘI
HDTQ 85
Hội Thánh tha thiết ước mong toàn thể tín hữu được dẫn vào
việc tham dự trọn vẹn, ý thức và linh động mà chính bản chất phụng vụ cũng như
phẩm cách của chức tư tế cộng đồng đòi hỏi. Vì vậy, việc dạy giáo lý không
những phải giúp hiểu biết ý nghĩa của phụng vụ và các bí tích, mà còn phải dạy
các môn đệ của CGS “cầu nguyện, tạ ơn, sám hối, biết cầu nguyện với niềm tín
thác, tinh thần cộng đoàn, ngôn ngữ của các biểu tượng …” Tất cả những điều đó
cần thiết cho đời sống phụng vụ… Việc dạy giáo lý phải truyền đạt cho các môn
đệ thái độ sống của CGS… được thâu tóm trong Bài giảng trên núi trong đó Ngài
nhắc lại Thập Giới và ghi dấu tinh thần Bát Phúc, một tham chiếu không thể bỏ
qua trong việc giáo dục luân lý.
NVTM 24
Hân hoan loan báo Tin Mừng trở thành cái đẹp của phụng vụ,
như một phần mối quan tâm hằng ngày của chúng ta trong việc làm lan tỏa lòng
nhân hậu của Thiên Chúa. Hội Thánh vừa giảng Tin Mừng vừa được nghe giảng Tin
Mừng qua vẻ đẹp của phụng vụ, vì phụng vụ vừa là cử hành công việc rao giảng
Tin Mừng, vừa là nguồn mạch canh tân hành vi trao hiến của Hội Thánh.
TIÊU CHÍ
YÊU CẦU II
Nhìn lại chiều kích xã hội của việc dạy giáo lý: sự quan
tâm và dấn thân xã hội.
GIÁO HUẤN GIÁO HỘI
HDTQ 147
Một đàng giảng viên giáo lý giúp con người mở ra với chiều
kích tôn giáo của đời sống, đàng khác, một cách nào đó họ giới thiệu Tin Mừng,
để rồi Tin Mừng thấm nhiễm và biến đổi những thái độ của trí tuệ, lương tâm, tự
do, hành động của con người, làm cho cuộc đời trở thành một hiến thân, theo
gương CGS.Kitô.
TH. NVTM 176-185
Loan báo Tin Mừng là làm cho Vương Quốc Thiên Chúa hiện
diện trong thế giới hôm nay. Từ tâm điểm của Tin Mừng chúng ta thấy mối liên
kết sâu xa giữa loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người. Chúng ta đã có một
công cụ thích hợp nhất để suy tư về các vấn đề xã hội, đó là cuốn Toát yếu Học
thuyết Xã hội của HTCG. Vì thế, ĐTC Phanxicô muốn tập trung vào hai vấn đề lớn:
vấn đề thứ nhất là sự bao gồm người nghèo trong xã hội và vấn đề thứ hai là hòa
bình và đối thoại xã hội.
Vấn đề người nghèo đòi hỏi chúng ta phải mở lòng và chăm
chú lắng nghe tiếng kêu của người nghèo (vô gia cư, nghiện ngập, tỵ nạn, dân
tộc, người già, di dân, phụ nữ, trẻ em, thai nhi…) và đến cứu giúp họ, hoàn trả
lại cho họ những gì thuộc về họ như giúp họ được hưởng một nền giáo dục, chăm
sóc ý tế và trên hết là việc làm… Sự dấn thân của chúng ta không chỉ duy nhất
hệ tại các hoạt động hay chương trình thăng tiến và cứu giúp, mà còn là trân
trọng người nghèo trong lòng tốt của họ, kinh nghiệm cuộc đời, văn hóa và cách
sống đức tin của họ.
Vấn đề hòa bình không được hiểu là sự bình định hay vắng
bóng bạo lực, không có chiến tranh, nhưng là sự phát triển nền văn hóa của sự
gặp gỡ trong hòa bình và đa dạng. Nó đòi hỏi chúng ta kiên trì , hiệp nhất,
thực tiễn và mở ra chân trời mới cho đối thoại với chính quyền, xã hội và các
tôn giáo.
TIÊU CHÍ
26 / 11/ 2014, 09:11:51
ĐIỀU 7
Việc giáo dục đức tin là trách nhiệm của cộng đoàn Dân
Chúa, cần có sự thống nhất đường lối, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành
phần Dân Chúa (giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân), giữa giáo phận, giáo xứ và
gia đình.
YÊU CẦU
Nhìn lại chiều kích cộng đoàn của việc dạy giáo lý: sự
thống nhất đường lối và hợp tác giữa các thành phần Dân Chúa.
GIÁO HUẤN GIÁO HỘI
HDTQ 219-231 và 272-275
Trong giáo phận, dạy giáo lý là công việc duy nhất, được
hoàn thành nhờ sự hợp tác giữa các linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân trong sự
thông hiệp với giám mục. Tất cả cộng đoàn tín hữu phải cảm thấy có trách nhiệm
với công việc này. Nhưng mỗi đấng bậc lại theo một cách riêng tùy vai trò của
mình trong Giáo Hội:
a/ giám mục là người chịu trách nhiệm đầu tiên đối với vấn
đề huấn giáo của Giáo Hội địa phương. Giám mục phải thiết lập trong giáo phận
một dự án tổng quát về huấn giáo, rõ ràng và mạch lạc;
b/ linh mục là mục tử và nhà giáo dục của cộng đoàn tín
hữu, người đưa sinh hoạt giáo lý vào kế hoạch loan báo Tin Mừng của cộng đoàn
và đảm bảo việc dạy giáo lý của cộng đoàn hòa hợp với những chương trình mục vụ
chung cấp giáo phận,
c/ cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên về đức tin của
con cái mình. Họ phải cống hiến cho con cái một nền giáo dục kitô giáo và phải
được cộng đoàn quan tâm và giúp đỡ,
d/ tu sĩ tham dự vào những hoạt động giáo lý và ước mong
‘các cộng đoàn tu trì dàng tối đa những nỗ lực và khả năng của họ vào công cuộc
chuyên môn này,
e/ giáo lý viên giáo dân hoạt động theo tính cách thế tục,
ở giữa đời, của mình và phải nhạy cảm đặc biệt để đem Tin Mừng vào đời sống cụ
thể của người khác.
TIÊU CHÍ
03 / 12/ 2014, 10:12:14
ĐIỀU 8
Để các nỗ lực trên đạt hiệu quả, các tham dự viên ao ước
có được những định hướng chung hay Sách Giáo lý chung.
YÊU CẦU I
Nhu cầu có một định hướng chung cho sinh hoạt giáo lý toàn
quốc.
GIÁO HUẤN GIÁO HỘI
THƯ CHUNG HĐHDC 2010, s.11
Cùng với việc học hỏi Lời Chúa, việc dạy và học giáo lý là
đòi hỏi tối cần thiết trong đời sống Giáo Hội, nhất là trong thời đại ngày nay
đầy rẫy những luồng tư tưởng nghịch với Tin Mừng. Đại Hội Dân Chúa mong mỏi sớm
có được những nguyên tắc, đường hướng và chương trình chung…
HDTQ 269
Bên cạnh HĐGM, phải thiết lập một ban huấn giáo hay trung
tâm quốc gia về huấn giáo mà nhiệm vụ chính là giúp đỡ mỗi giáo phận về công
việc dạy giáo lý, những công việc vượt qua khả năng của giáo phận hay của miền
như xuất bản những tài liệu cấp quốc gia, tổ chức những hội nghị toàn quốc, phổ
biến những thông tin và kế hoạch về huấn giáo, phối hợp sinh hoạt và giúp đỡ
các giáo phận thiếu trang bị về vấn đề huấn giáo.
TIÊU CHÍ
YÊU CẦU II
Nhu cầu có một sách giáo lý chung cho sinh hoạt giáo lý
toàn quốc.
GIÁO HUẤN GIÁO HỘI
THƯ CHUNG HĐHDC2010, s.11
Cùng với việc học hỏi Lời Chúa, việc dạy và học giáo lý là
đòi hỏi tối cần thiết trong đời sống Giáo Hội, nhất là trong thời đại ngày nay
đầy rẫy những luồng tư tưởng nghịch với Tin Mừng. Đại Hội Dân Chúa mong mỏi sớm
có được ... một thủ bản chung về giáo lý, vừa trung thành với Tin Mừng vừa gần
gũi với văn hóa Việt Nam.
HDTQ 284
Nếu toàn bộ hoạt động huấn giáo phải luôn được vị giám mục
điều khiển, thì việc xuất bản các sách giáo lý là trách nhiệm trực tiếp của
thừa tác vụ giám mục. Những sách giáo lý toàn quốc, địa phương hay giáo phận,
được các chuyên viên về huấn giáo hợp tác soạn thảo, cuối cùng vẫn tùy thuộc
trách nhiệm trực tiếp của các giám mục, là những giáo lý viên tuyệt vời nhất
của các Giáo hội địa phương.
Trong việc soạn thảo giáo lý, trước hết phải tôn trọng hai
tiêu chuẩn sau:
a/ phải hoàn toàn phù hợp với sách GLHTCG…,
b/ phải quan tâm những qui tắc và tiêu chuẩn về việc trình
bày sứ điệp TM mà cuốn HDTQ.VDGL đã đề ra…
TIÊU CHÍ
Tác giả: Ban Giáo Lý VN
Nguồn: giaolyductin.net