TÓM LƯỢC SÁCH “HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ 1997” CỦA BỘ GIÁO SĨ (3)

(giaolyductin.org) 21 / 04/ 2015, 11:04:34

7. Tổ chức việc dạy giáo lý

7.1. Những người thừa hưởng việc dạy giáo lý

Chúa Giêsu “là giáo lý viên về Nước Thiên Chúa cho mọi người không phân biệt: lớn hay bé, giầu hay nghèo, khỏe hay yếu, gần hay xa, Do Thái hay lương dân, đàn ông hay đàn bà, người công chính hay kẻ tội lỗi, dân chúng hay chính quyền, cá nhân hay tập thể … Ngài quan tâm đến từng người và lo lắng đến những nhu cầu của họ”.[1]

Tiếp nối công trình cũng như tinh thần của Chúa Giêsu, Giáo Hội không ngừng quan tâm đến con người với những hoàn cảnh và nhu cầu khác nhau đồng thời mở ra những nẻo đường khác nhau để gặp gỡ họ và thích nghi cách dạy giáo lý cho phù hợp với tâm thức cũng như nhu cầu của họ.

Do đó, có nhiều cách dạy giáo lý khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của con người trong những hoàn cảnh khác nhau: giáo lý dự tòng và tân tòng nhằm khơi dậy đức tin ban đầu, giáo lý căn bản nhằm tăng triển đức tin của người đã được rửa tội, giáo lý lứa tuổi nhằm thích ứng với sự phát triển tâm sinh lý của người học giáo lý, giáo lý theo từng hoàn cảnh nhằm thích ứng với những bối cảnh xã hội và văn hóa khác nhau. Nhờ đó, mọi tín hữu - từ ấu nhi, thiếu nhi và thiếu niên đến giới trẻ, người cao tuổi và những người có hoàn cảnh đặc biệt - đều có thể tiếp nhận một nền giáo lý vững chắc và thích hợp.[2]

7.2. Những người thi hành thừa tác vụ dạy giáo lý

Trong giáo phận, dạy giáo lý là công việc duy nhất, được hoàn thành nhờ sự hợp tác giữa các linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân, trong sự thông hiệp với giám mục. Tất cả cộng đoàn Kitô hữu phải cảm thấy có trách nhiệm đối với dạy giáo lý và tất cả đều phục vụ cho thừa tác vụ duy nhất của Giáo Hội.[3]

Các giám mục là những người có trách nhiệm đầu tiên về việc dạy giáo lý và phải là những giáo lý viên tuyệt vời. Các ngài đảm nhận trách nhiệm hướng dẫn tối cao việc dạy giáo lý trong giáo phận: phải dành ưu tiên cho việc dạy giáo lý, quan tâm đến sự xác thực của lời tuyên xưng đức tin, khuyến khích mọi người tham gia vào việc dạy giáo lý, lo cho các giáo lý viên được đào tạo phù hợp với nhiệm vụ của mình, đặc biệt là về giáo lý cũng như các nguyên tắc tâm lý và sư phạm, thiết lập trong giáo phận một dự án tổng quát, rõ ràng và mạch lạc về huấn giáo.[4]

Do bí tích truyền chức thánh, các linh mục là những nhà giáo dục đức tin. Là cộng tác viên của giám mục, các ngài khuyến khích ơn gọi và công việc của các giáo lý viên, thúc đẩy trong cộng đoàn tinh thần trách nhiệm chung đối với việc dạy giáo lý, chăm lo cho việc dạy giáo lý, khuyến khích các ơn gọi phục vụ cho việc dạy giáo lý, đảm bảo việc dạy giáo lý của cộng đoàn hòa hợp với chương trình mục vụ của giáo phận.[5]

Kinh nghiệm Kitô giáo đầu tiên của trẻ em được thể hiện trong tương quan giữa các em và cha mẹ. Không gì có thể thay thế được việc khơi dậy ý thức tôn giáo cho tuổi thơ trong gia đình. Kinh nghiệm này sẽ được đào sâu nếu như cha mẹ biết giải thích và giúp con cái nội tâm hóa các bài học giáo lý mà chúng nhận được nơi cộng đoàn giáo xứ. Cha mẹ nhận được nơi bí tích Hôn Phối ân sủng và trách nhiệm giáo dục đức tin cho con cái. Cha mẹ phải được giúp đỡ để chu toàn nhiệm vụ này qua những cuộc tiếp xúc cá nhân, những cuộc gặp gỡ, những khóa học hỏi và các chương trình giáo lý dành cho người trưởng thành.[6]

Sự tham gia vào hoạt động giáo lý của các tu sĩ phát sinh từ cuộc sống theo các lời khuyên Phúc Âm. Sự đóng góp của họ vào việc dạy giáo lý không thể thay thế bằng các linh mục hay giáo dân. Nhiều dòng tu được thành lập để lo việc giáo dục đức tin cho các trẻ em và thanh thiếu niên, nhất là những người bị bỏ rơi. Các đặc sủng khác nhau của các dòng tu không làm mất đi tính đặc thù của hoạt động giáo lý mà còn làm cho nó trở nên phong phú và để lại những dấu ấn sâu sắc về tôn giáo, xã hội và sư phạm.[7]

Hoạt động giáo lý của giáo dân có tính cách riêng do ơn gọi sống giữa thế gian và biến đổi nó như ý Chúa muốn, ơn gọi này phát xuất từ bí tích Rửa Tội và được củng cố bằng bí tích Thêm Sức. Nhờ hai bí tích này, họ được thông phần vào các chức vụ của Đức Kiô; một số được mời gọi đảm nhận trách vụ giáo lý viên. Có những giáo lý viên chỉ dạy giáo lý trong một thời gian ngắn, nhưng cũng có nhiều người kiên trì hy sinh với lòng quảng đại cho công việc này. Sự phục vụ và cộng tác của họ không kém phần quý giá.[8]

7.3. Việc đào tạo giáo lý viên

Giáo phận phải dành ưu tiên tuyệt đối cho việc đào tạo giáo lý viên giáo dân,[9]cũng như đào tạo về dạy giáo lý cho các linh mục và cả các đại chủng sinh nữa vì họ cung ứng một hỗ trợ đặc biệt và cần thiết cho công cuộc giáo dục đức tin của Giáo Hội;[10] phải đào tạo giáo lý viên cho các độ tuổi và hoàn cảnh khác nhau;[11] phải đào tạo kỹ lưỡng, toàn diện và chuyên biệt để họ nên thành thạo, đảm bảo chất lượng và hiệu quả cho việc dạy giáo lý[12] vì phẩm cách kitô hữu tốt đẹp nơi người giáo lý viên quan trọng hơn thủ bản giáo lý và những công cụ làm việc khác;[13] phải đào tạo để mỗi nơi, mỗi cấp bậc có một số giáo lý viên chuyên nghiệp, dưới sự hướng dẫn của các mục tử và của tổ chức huấn giáo;[14] và phải đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo các giáo lý viên cho người trưởng thành,[15] vì giáo lý cho người lớn là hình thức dạy giáo lý ưu việt nhất.[16]

Việc đào tạo này có mục đích giúp giáo lý viên ý thức về ơn gọi cao quý và chuyên biệt của mình trong Giáo Hội;[17] giúp họ hiểu biết các mầu nhiệm kitô giáo và trở nên người môn đệ chân chính của Chúa Kitô, tham dự vào sứ mạng cứu rỗi của Ngài;[18] giúp họ có đủ khả năng và tư cách để loan báo Chúa Giêsu Kitô và cuộc đời của Ngài trong lịch sử cứu độ, vì việc dạy giáo lý phải mang tính cách quy Kitô cách rõ nét;[19] và loan báo nhân danh Giáo Hội.[20]

Các ứng viên được tuyển chọn vào trách nhiệm giáo lý viên theo các tiêu chuẩn đầy đủ, chính xác và dễ phối kiểm do quyền bính của Giáo Hội địa phương thẩm định và đề ra.[21] Họ phải được đào tạo để có được sự thống nhất và hài hòa trong nhân cách của giáo lý viên nghĩa là đạt đến sự thống nhất đời sống trên các bình diện thiêng liêng, thế tục và tông đồ;[22] và có được một đức tin sâu sắc, gắn bó với Chúa Kitô và Giáo Hội, đồng thời nhạy cảm với các vấn đề của xã hội.[23]

Tóm lại, phải đào tạo giáo lý viên thế nào để họ có thể là thầy dạy, là nhà giáo dục và là chứng nhân,[24] thành một người tốt, một tín hữu sốt sắng và một tông đồ nhiệt thành.[25] Điều này đòi hỏi giáo lý viên phải được đào tạo Thánh kinh và Thần học, được tiếp xúc với các khoa học tâm lý, xã hội, giáo dục và truyền thông, được đào tạo về sư phạm và được đào tạo giữa lòng các cộng đoàn Kitô hữu[26] cũng như trong các trường dành cho giáo lý viên thông thường, cho người có trách nhiệm về huấn giáo và cho các chuyên viên về huấn giáo.[27]

7.4. Những địa điểm huấn giáo

Trong lịch sử, địa điểm hay trung tâm huấn giáo chính là cộng đoàn tín hữu dưới những dạng thức khác nhau, mẫu mực như Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội địa phương, gần gũi như gia đình, giáo xứ, trường học Công giáo, các hiệp hội và phong trào Công giáo, các cộng đoàn Giáo hội cơ bản…, ở những nơi ấy người Kitô hữu được sinh ra, được giáo dục và sống trong đức tin.[28]

8. Việc tổ chức mục vụ huấn giáo

8.1. Cấp giáo phận

Việc dạy giáo lý là một sinh hoạt rất quan trọng trong đời sống của một Giáo Hội địa phương, đến nỗi không một giáo phận nào mà không cần đến một Ban giáo lý.[29] Ban giáo lý (BGL) là cơ quan qua đó giám mục, người chịu trách nhiệm cộng đoàn và thầy dạy đức tin, điều hành và hướng dẫn tất cả các sinh hoạt huấn giáo của giáo phận.[30]

Nhiệm vụ chính của BGL giáo phận là: a/ phân tích tình hình giáo dục đức tin để xác định nhu cầu liên quan đến huấn giáo, b/ soạn thảo một chương trình hành động ấn định rõ mục tiêu, phương hướng và hoạt động cụ thể, c/ khuyến khích và đào tạo giáo lý viên, d/ soạn thảo hay cung cấp cho giáo lý viên những phương tiện hỗ trợ cho việc dạy giáo lý, e/ tăng cường và nâng đỡ những học viện chuyên biệt về giáo lý của giáo phận, f/ cải thiện nguồn nhân vật lực ở cấp giáo phận, giáo hạt và giáo xứ, và g/ cộng tác với ủy ban Phụng vụ, đặc biệt trong việc dạy giáo lý khai tâm và dự tòng.[31] Để hoàn tất những công việc trên, văn phòng giáo lý phải nhờ đến một nhóm linh mục, tu sĩ và giáo dân có khả năng chuyên môn.[32]

8.2. Cấp liên giáo phận

Các giáo phận khác nhau, đặc biệt các giáo phận gần gũi về mặt địa lý và đồng nhất về văn hóa, nên kết hợp những hoạt động riêng lại với nhau, góp chung những kinh nghiệm và những việc làm, những khả năng và những phương tiện, để những giáo phận có nhiều khả năng hơn giúp đỡ các giáo phận khác và người ta có thể soạn thảo một chương trình hành động chung mang tính địa phương.[33]

8.3. Cấp quốc gia

Bên cạnh Hội đồng Giám mục, phải thiết lập một ban huấn giáo hay trung tâm quốc gia về huấn giáo mà nhiệm vụ chính là giúp đỡ mỗi giáo phận về công việc dạy giáo lý, những công việc vượt qua khả năng của giáo phận hay của miền như xuất bản những tài liệu cấp quốc gia, tổ chức những hội nghị toàn quốc, phổ biến những thông tin và kế hoạch về huấn giáo, phối hợp sinh hoạt và giúp đỡ các giáo phận thiếu trang bị về vấn đề huấn giáo.[34]

8.4. Cấp quốc tế

Trong việc huấn giáo, tác vụ của Phêrô được thực thi một cách tuyệt vời qua những giáo huấn của người. Về vấn đề huấn giáo, Đức Thánh Cha hành động cách trực tiếp và đặc biệt qua trung gian của Bộ Giáo Sĩ.[35]

9. Tầm quan trọng của sự phối hợp

Các hoạt động loan báo Tin Mừng nói chung và huấn giáo nói riêng cần có sự phối hợp tốt.[36]Sự phối này không chỉ là vấn đề thuần túy chiến lược để làm cho các hoạt động được hiệu quả hơn, nhưng còn là vấn đề thần học liên quan đến sứ vụ duy nhất và toàn vẹn của Giáo Hội: duy nhất vì khởi đi và quy hướng về Đức Giêsu Kitô, toàn vẹn vì bao gồm nhiều hoạt động từ loan báo Tin mừng đầu tiên đến tăng trưởng đức tin cũng như đem Tin Mừng thấm nhập mọi lãnh vực đời sống xã hội và văn hoá.[37]

Trong thực tế, cần có sự phối hợp giữa những hình thức dạy giáo lý cho các lứa tuổi và môi trường xã hội khác nhau, giữa việc dạy giáo lý với những hình thức khác của tác vụ Lời Chúa và loan báo Tin Mừng, giữa sinh hoạt truyền giáo và sinh hoạt dự tòng, giữa hoạt động giáo dục và giáo dục đức tin cho cùng một đối tượng nhất là ấu nhi, thiếu nhi, thiếu niên và giới trẻ.[38]

Kế hoạch giáo lý cấp giáo phận bao gồm những tiến trình dạy giáo lý khác nhau dành cho những người được thừa hưởng thuộc các lứa tuổi khác nhau”.[39] Để các tiến trình dạy giáo lý khác nhau này có được sự liên kết chặt chẽ với nhau trong một kế hoạch giáo lý duy nhất, cần quan tâm đến việc dạy giáo lý cho người trưởng thành đồng thời lấy nó làm trục chính.[40]

Hy vọng bản tóm lược Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý đã đem lại cho quý vị một cái nhìn tổng quát về huấn giáo và một hướng dẫn quý báu về hoạt động giáo lý ở những cấp độ cũng như trong những hoàn cảnh khác nhau. Điều cuối cùng nhưng quan trọng nhất mà chúng ta cần lưu tâm; đó là việc dạy giáo lý theo Hướng Dẫn 1997 trước hết phải phục vụ cho sứ vụ chung của Giáo Hội là Loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho mọi người, nhờ đó họ khám phá ra ý nghĩa đời sống và được lớn lên như những con người mới. Nếu như sứ vụ này có tính duy nhất vì khởi đi và quy hướng về Đức Giêsu và có tính toàn diện vì bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, từ loan báo Tin Mừng đầu tiên đến giáo dục đức tin trưởng thành và đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập mọi lãnh vực đời sống xã hội và văn hóa, thì mọi hoạt động giáo lý cũng phải duy nhất và toàn diện như vậy: duy nhất khi công bố Danh Chúa Giêsu và toàn diện khi làm cho đức tin của các tín hữu lớn lên qua các giai đoạn cho đến mức trưởng thành và trở thành tác nhân biến đổi xã hội. Thứ đến, việc dạy giáo lý hôm nay còn phải quan tâm đến việc hồi sinh đức tin cho những người đã được rửa tội, dẫn đưa họ đến cùng Chúa Giêsu, đến cuộc gặp gỡ cá vị với Ngài, để chính họ có thể trở thành người thông truyền đức tin, thông truyền kinh nghiệm gặp gỡ Chúa cho mọi người. Sau hết, dù áp dụng hình thức hoặc phương pháp nào, việc dạy giáo lý vừa phải trung thành với Thiên Chúa, nghĩa là trung thành với sứ điệp Đức Kitô là Con Thiên Chúa, Đấng làm người, đã chết và sống lại, vừa phải trung thành với con người, nghĩa là phải khởi đi từ những hoàn cảnh cụ thể và các mối quan tâm của họ, rồi quy về mối tương quan giữa con người với nhau cũng như giữa con người với Thiên Chúa.


[1] HDTQ 163.

[2] HDTQ 165.

[3] HDTQ 219.

[4] HDTQ 222-223.

[5] HDTQ 224-225.

[6] HDTQ 226-227.

[7] HDTQ 228-229.

[8] HDTQ 230-231.

[9] HDTQ 230-231.

[10] x. HDTQ 234.

[11] x. HDTQ 232.

[12] x. HDTQ 219. 234.

[13] x. HDTQ 156.

[14] x. HDTQ 233-234.

[15] x. HDTQ 29.

[16] x. HDTQ 59.

[17] x. HDTQ 221.

[18] x. HDTQ 235.

[19] x. HDTQ 223-225. 235.

[20] x. HDTQ 236.

[21] x. HDTQ 16-17. 20-21. 23-25.

[22] x. HDTQ 235-236.

[23] x. HDTQ 237.

[24] x. HDTQ 237.

[25] x. HDTQ 238-239.

[26] x. HDTQ 240-247.

[27] x. HDTQ 248-251.

[28] x. HDTQ 253.

[29] x. HDTQ 267.

[30] x. HDTQ 265.

[31] x. HDTQ 266.

[32] x. HDTQ 267.

[33] x. HDTQ 268.

[34] x. HDTQ 269.

[35] x. HDTQ 270. Hiện nay là Hội đồng Tòa Thánh về việc cổ vũ Tân phúc âm hóa.

[36] “... Trong Giáo Hội, ta không thể phó mặc mọi điều trên cho may rủi hay ứng biến bừa bãi. Chúng đòi một cam kết chung đối với một phương án mục vụ có thể gợi lên điểu chủ chốt nghĩa là đặt trọng tâm vào đấng chủ chốt, tức Chúa Giêsu Kitô”. x. Bài diễn văn ngày 14 tháng Mười 2012 của Đức Phanxicô với Hội Nghị Toàn Thể của Hội Đồng Giáo Hoàng về việc cổ vũ Tân Phúc Âm Hóa.

[37] x. HDTQ 272.

[38] x. HDTQ 273.

[39] x. HDTQ 274.

[40] x. HDTQ 275.

Tác giả: Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền

 


Tủ Sách Giáo Lý