Chúa Giêsu có khi nào cười không?
(daminhvn.net) 06/10/2015
Trong
Phúc âm chúng ta đọc thấy nhiều lần Chúa Giêsu khóc, thí dụ như khi đứng trước
mồ của ông bạn Ladarô của mình, hay là Ngài khóc thương Giêrusalem khi nghĩ đến
tới số phận tang thương sẽ ập xuống thành đó. Phúc âm có khi nào nói tới Chúa
Giêsu cười không?
Hồi mới vào chủng viện, tôi cũng có đặt câu hỏi như vậy. Và một
giáo sư triết học đã giúp tôi tìm câu trả lời qua sự suy diễn của tam đoạn luận
như sau. Cái cười là một đặc trưng của con người. Thế mà Chúa Giêsu là con
người. Cho nên Ngài phải biết cười. Cần thêm rằng vào thời đó, Kinh thánh chưa
phải là quyển sách gối đầu giường như là từ hồi công đồng Vaticanô II trở về
sau. Dĩ nhiên, ngày nay, chúng ta không thể dùng cái tam đoạn luận như vậy nữa
đẻ mà trả lời cho câu hỏi: “có bao giờ Chúa Giêsu cười hay không?”; nhưng chúng
ta phải khảo sát trong chính bản văn Thánh kinh. Tuy nhiên, thiết tưởng trước
khi mở Tân ước ra, chúng ta nên dừng lại chút xíu để tìm hiểu ý nghĩa của cái
cười. Thực vậy, có cái cười chế nhạo khinh bỉ; chúng ta sẽ bực mình khi gặp
phải cái cười đó. Tục ngữ Việt Nam đã khuyên: “cười người chớ khá cười lâu!
Cười người hôm trước, hôm sau người cười”. Có cái cười vô duyên: hay cũng hì dở
cũng hì. Trong Kinh thánh, tác giả của sách Giảng viên (2,2; 3,4) đã nhắc nhở
rằng cười phải đúng lúc thôi, kẻo mà thành rởm. Chúng ta cũng chẳng ưa thích
cái cười đó! Cái cười mà chúng ta muốn thấy là cái cười tươi vui, biểu lộ tâm
hồn thanh thản hồn nhiên, và ra như muốn mời mọc ta cũng chia sẻ cái vui của họ
nữa. Có lẽ chúng ta muốn tìm thấy cái cười này trên môi Chúa Giêsu, chứ không
phải là cái thứ cười thuộc loại châm biếm chế nhạo.
Có phải Chúa cấm cười chế nhạo người khác không?
Xem ra ở trong Phúc âm theo thánh Luca (6,25) có lời khiển trách
khá nặng như thế này: “khốn cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang được vui
cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than!” Thực ra những lời cảnh cáo những
ai cười nhạo kẻ tàn tật, cô thân không thiếu trong các sách Cựu ước, đặc biệt
là trong các sách Khôn ngoan. Thí dụ: sách Huấn ca 7,11: “đừng cười kẻ đang bị
âu sầu; hãy nhớ rằng có Đấng nhắc lên hạ xuống”; sách Châm ngôn 17,5: “Kẻ cười
nhạo người nghèo hèn nhục mạ Đấng tạo ra nó, kẻ diễu cợt người hoạn nạn sẽ
chẳng thoát khỏi hoạn nạn”. Dưới khía cạnh này thì quả là Chúa cấm cười.
Nhưng có lúc Chúa cho phép cười, thí dụ như
khi Chúa hứa rằng: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh
em sẽ được vui cười” (Lc 6,21)
Có hai ý kiến giữa các nhà chú giải Kinh thánh về ý nghĩa của
cái cười đó. Một số người cho rằng đó là cái cười đắc thắng của người lành hả
hê khi thấy quân thù phải rút lui nhục nhã. Trong các thánh vịnh, ta đã thấy tư
tưởng đó rồi. Thí dụ trong thánh vịnh 35 (câu 15-21), một người công chính gặp
hoạn nạn đã đến kể lể với Chúa vì bị quân thù nhục mạ nhạo báng mình thay vì tỏ
thông cảm; nhưng thánh vịnh 58,11 lại nói rằng: “người công chính sẽ vui mừng
thấy Chúa trả oán; họ sẽ rửa chân trong máu ác nhân”. Hình ảnh đó xem ra tởm
quá! Thánh vịnh 52, 8-9 có vẻ thanh nhã hơn: người công chính cười khi thấy
những hạnh phúc giả dối của đám ngu xuẩn (tựa như tiền bạc, quyền hành) đã tan
tành ra mây khói hết. Thậm chí thánh vịnh 2,4 nói rằng Thiên Chúa cũng bật cười
khi thấy bọn ngu xuẩn muốn nổi loạn chống nhà trời! Tuy nhiên, một ý kiến khác
cho rằng ở đây Chúa Giêsu không có ý nói tới cái cười khoái chí vì được trả
đũa, nhưng chỉ là cái cười bộc lộ niềm vui thanh tao và bền bỉ, không bao giờ
sợ mất nữa. Cái cười vì được an ủi, được một bàn tay êm ái lau khô nước mắt.
Cái cười diễn tả niềm vui và hạnh phúc mà Chúa hứa cho những nghèo đói: họ được
hưởng chính Chúa, cội nguồn hạnh phúc.
Nãy giờ cha đi vòng quanh giáo đầu giáo đuôi
nhưng mà chưa chịu đi vào đề: Phúc âm có bao giờ nói Chúa Giêsu cười không?
Tôi đã cố gắng lục lọi tìm tòi qua máy vi tính, nhưng không thấy
đoạn văn nào trong Phúc âm nói tới Chúa Giêsu cười. Tác giả của lá thư gửi
người Do thái đã viết rằng: Chúa Giêsu đã trở nên hoàn toàn giống như chúng ta,
chỉ trừ tội lỗi (4,25). Thế rồi khi muốn nêu bật điều kiện con người của Chúa
Giêsu, tác giả nhắc tới sự kiện là “khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã
lớn tiếng kêu van khóc lóc, mà dâng lời khấn nguyện nài xin lên Đấng có quyền
năng cứu Người khỏi chết” (5,7). Như vậy, tác giả nhận xét Chúa Giêsu đã tỏ ra
tính con người khi khóc lóc chứ không phải là lúc cười! Thực ra cũng nên biết
là tác giả viết thư này cho một cộng đoàn tín hữu đang bị bách hại để nâng đỡ
lòng tin của họ, vì thế không lạ gì mà tác giả không nói tới chuyện Chúa cười.
- Tuy nhiên, mặc dù Phúc âm không có nói tới việc Chúa cười, nhưng có những
đoạn văn cho phép chúng ta tưởng tượng được khuôn mặt tươi cười của Chúa. Thực
vậy, Phúc âm không phải chỉ nói tới việc Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Cây dầu
hay phải chịu khổ hình trên thập giá, nhưng biết bao nhiêu lần còn tới tới việc
Chúa đem Tin vui đến cho đời, ngài loan báo tin vui của Thiên Chúa là cha chăm
sóc hết nọi người, cha vui mừng khi thấy đứa con lạc đường trở lại. Chúa Giêsu
cũng đã mang niềm vui cho bao nhiêu người khi chữa lành bệnh tật cho họ, hoặc
đem lại niềm vui cho bao nhiêu gia đình khi thấy thân nhân của mình được khỏi
bệnh, được sống lại. Chúng ta có thể áp dụng ở đây một lối nói đã gặp thấy ở
trong Cựu ước: khi nói rằng Chúa ban ơn cho ai thì người ta nói rằng “Chúa cười
với người ấy”. Thực vậy, xưa nay, chúng ta thường mang ấn tượng là trong Cựu
ước, Thiên Chúa hiện ra dưới cảnh uy nghi rực rỡ, tựa như cảnh trên núi Sinai
(sách Xuất hành chương 19) hay là trong đền thờ mà ngôn sứ Isaia và Edekiel
thuật lại! Nhưng mà sách Sáng thế có đoạn nói tới việc Chúa hiện ra và cười với
bà Sara. Lúc đầu, khi nghe báo tin rằng mình sẽ có con, thì cả ông Abraham và
bà Sara đều cười bởi vì tưởng Chúa nói giỡn (St 17,16; 18,12). Đến khi sinh
được đứa con rồi, thì bà Sara lại nói rằng Chúa đã cười với mình, nghĩa là đã
an ủi mình, đã mang lại niềm vui cho mình. Và đứa con được đặt tên là Isaac có
nghĩa là “Chúa đã cười với tôi” (St 21,3-6). Như vậy, nói rằng Chúa cười với ai
thì có nghĩa là Chúa ban ơn cho người đó. Có lẽ vì vậy mà trong dân Israel,
người ta đã cầu chúc cho nhau: “Nguyện xin Thiên Chúa tỏa xuống trên bạn ánh
tôn nhan Ngài” (Sách Dân số 6,25; Tv 67,2; 4,7). Dĩ nhiên ở đây ta không hiểu
là Chúa phóng tỏa sấm chớp lên người đó, nhưng mà Người tỏ nụ cười duyên với
họ, ban cho họ dồi dào phúc lộc. Thế rồi, thánh Luca còn nói tới việc Chúa
Giêsu hoan hỉ trong Thánh thần khi dâng lời cảm tạ Chúa Cha đã mặc khải những
bí nhiệm nước trời cho những bé nhỏ, đang khi lại giấu ẩn những bậc hiền triết
(10,21). Đây cũng là một kiểu nói nữa đã thấy trong Cựu ước. Khi muốn biểu lộ
niềm vui sướng, người ta nói rằng “tôi hớn hở nhảy mừng”. Đừng kể rất nhiều
thánh vịnh dùng lối nói này, ta có thể trưng dẫn chính Mẹ Maria trong bài ca
Magnificat: “linh hồn ngợi khen Thiên Chúa, thần trí tôi nhảy mừng trong Thiên
Chúa, Đấng Cứu độ của tôi”. Chị hãy tưởng tượng xem khuôn mặt của Mẹ khi thốt
lên những lời đó chứ? Phúc âm cũng nói tới việc Chúa Giêsu bị một nhóm nhi đồng
tới quấn quít lấy, Ngài đùa giỡn với chúng. Điều đó đã khiến các môn đệ cau
mày, vì xem ra Chúa chơi trò trẻ con, thiếu tư cách đạo mạo! Thế nhưng Chúa lại
bênh vực các em bé ấy: “Ai không trở nên giống như các em bé ấy thì sẽ không
được vào Nước trời”. Chị thử tưởng tượng nét mặt của Chúa Giêsu lúc đó, và cũng
đừng nên quên khuôn mặt của các tông đồ đứng bên cạnh. Nói thế không có nghĩa
là khuôn mặt các tông đồ lúc nào cũng đằng đằng sát khí đâu. Thánh Luca (10,17)
thuật lại rằng sau khi đi giảng về, các môn đệ tới khoe với Chúa vì họ thấy
từng đàn ma quỷ sa xuống như sung rụng. Chúa cũng cười với họ, nhưng mà Ngài
thêm rằng: “Các con đừng chỉ vui bởi vì thấy quỷ sợ tụi con; hãy vui hơn nữa vì
tên các con đã được viết trên trời” (Lc 10,20). Hơn thế nữa, có những đoạn văn
xem ra không những là Chúa mỉm cười, mà ra như Ngài muốn chọc cho người khác
cũng cười theo.
Có lúc nào Chúa chọc cho người ta cười?
Nhiều đoạn lắm. Chúng ta hình dung cuộc đối thoại với ông
Nicôđêmô về sự tái sinh. Ông hỏi Chúa: Làm thế nào mà tôi có thể chui vào bụng
mẹ để sinh lại được? Chúa tủm tỉm trả lời: “Này, cụ là thầy giáo trong dân
Israel, mà lại hỏi câu ngây ngô như vậy hả?” Cũng vậy, khi ông Phêrô hỏi ngài:
“Con phải tha thứ bao nhiêu lần cho người xúc phạm đến con? Tới bảy lần ư?”.
Chúa Giêsu ngạo ông ta: “Đâu có phải bảy lần; bảy mười lần bảy chứ!” Cũng lại
ông thánh Phêrô, khi đòi đi trên mặt nước để tới với Chúa, và mới được có vài
bước thì sợ quá té cái rụp; Chúa trêu ông: “Sao mà yếu tin quá vậy?”. Chúng ta
cũng có thể tưởng tượng sự ngạc nhiên của Chúa khi đi vào làng kia, thấy ông
Dakêu đang trèo lên cây; Ngài ngẩn lên: “Này bác ơi, xuống đi; tôi định tới
thăm nhà bác đây!”. Tóm lại, tuy rằng chúng ta không thấy trong Phúc âm có đoạn
nào nói tới Chúa Giêsu cười, nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng lúc nào sắc mặt của
Ngài cũng hằm hằm hay là nhăn nhó. Không, chúng ta có cơ sở để nói rằng 99 phần
trăm những lần gặp Ngài, ta thấy nét mặt của Ngài tươi vui, bởi vì Ngài sống
trong tình yêu của Chúa và muốn thông đạt cho ta tình yêu đó.
(Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP)