Hiểu Sống Đức Tin: Một Năm Có Bao Nhiêu Ngày "Thế Giới Cầu
Nguyện"?
(catechesis.net)
- 16-4-2016 Tài Liệu
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Ngày khởi đầu Năm mới Dương lịch,
chúng ta có ngày “Thế giới cầu nguyện cho hòa bình”; đến tháng Hai, chúng ta có
ngày “Thế giới cầu nguyện cho các bệnh nhân”; hay như hôm nay, Chúa Nhật thứ 4
mùa Phục Sinh, ngày “Thế giới cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu”. Trong suốt năm,
chúng ta còn nhiều ngày thế giới cầu nguyện nữa. Vậy có bao nhiêu ngày tất cả?
Mục đích để làm gì?
Ngày đầu năm mới, mùng 1
tháng Giêng, là ngày thế giới cầu nguyện cho hòa bình. Nó mở đầu cho một chuỗi
các ngày thế giới cầu nguyện trải dài trong suốt năm; tuy vậy, chúng ta nên biết
là ngày đó không phải là niên trưởng xét theo thời gian. Chúng ta sẽ có dịp đối
chiếu khi đi vào nguồn gốc của chúng. Tuy nhiên, chúng ta sẽ điểm qua các ngày
thế giới cầu nguyện dựa theo thứ tự các tháng trong năm chứ không theo lịch sử
thiết lập.
Ngày thế giới cầu nguyện cho hòa bình do Đức Giáo Hoàng Phaolô
VI thiết lập ngày 8/12/1967, nghĩa là hai năm sau khi bế mạc Công Đồng Vatican
II. Đức Thánh Cha ước muốn rằng, ngày đầu năm dương lịch, vào lúc hoạch địch
chương trình cho năm mới, một chỗ đứng quan trọng phải được dành cho hòa bình.
Hòa bình là một đề tài suy tư, học hỏi, cầu nguyện, và hành động. Ngày thế giới
cầu nguyện cho hòa bình được cử hành lần đầu tiên vào ngày 1/1/1968. Mỗi năm một
chủ đề được chọn và được khai triển thành một sứ điệp.
Sang đến tháng Hai, chúng ta có hai ngày do Đức Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II thiết lập: ngày 2 tháng Hai, lễ Đức Mẹ dâng con vào đền thờ được dành
để cầu nguyện cho các phần tử đời sống thánh hiến. Tuy tục lệ này đã lưu hành tại
Roma từ sau Công Đồng Vatican II, nhưng được chính thức nhìn nhận và phổ biến
khắp thế giới sau khi công bố Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục bàn về đời
sống thánh hiến vào ngày 25 tháng Ba năm 1996. Trong sứ điệp gửi toàn thể Hội
Thánh, Đức Thánh Cha nêu ra ba mục tiêu chính của nó:
- 1/. Tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân thánh hiến ban cho Hội Thánh;
- 2/. Cổ võ sự hiểu biết và trân trọng hồng ân này giữa lòng Dân
Chúa;
- 3/. Giúp các phần tử tận hiến ý thức hơn về ơn gọi của mình.
Trong tháng Hai, chúng ta còn gặp một ngày cầu nguyện nữa, vào
ngày 11 (lễ nhớ Đức
Mẹ hiện ra tại Lộ Đức), được ấn định làm ngày cầu cho các bệnh nhân
từ năm 1993. Hằng năm, Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách về mục vụ y tế tổ chức một
cuộc hội thảo tại một thánh điện kính Đức Mẹ rải rác trên khắp năm châu (Lourdes, Fatima, Czestochova, Loreto,v.v…) và phát hành một sứ điệp.
Nguồn gốc 3 ngày cầu nguyện vừa nói
do Tòa Thánh thiết lập. Có ngày nào không do Tòa Thánh thiết lập không?
Có chứ. Vào Chúa Nhật cuối cùng trong tháng Giêng, chúng ta có
thể kể ra ngày cầu cho các bệnh nhân phong cùi do ông Raoul Follereau
(17/8/1903-6/12/1977) đề xuất năm 1954.
Tại Italia, trong tháng Hai, một ngày được dành cho “sự sống” do Hội Đồng Giám Mục địa phương thiết
lập cách đây 44 năm sau khi Quốc hội nước này biểu quyết luật cho phép phá
thai.
Sang đến tháng Ba, ngày mồng 8, nhiều nơi trên thế giới cử hành
ngày “quốc tế phụ nữ”,
nhưng đó là ngày biểu tình học hỏi chứ không phải là ngày cầu nguyện. Tuy
nhiên, biết đâu trong tương lai, nó sẽ được thánh hóa cũng tựa như ngày 01
tháng Năm, lễ “quốc tế
lao động”. Trong tháng Ba, tại Italia, ngày 19, “lễ thánh Giuse” được dành để mừng các người cha, tương
tự như Chúa Nhật thứ hai trong tháng Năm dành cho các bà mẹ. Tục lệ này mang
tính cách địa phương, nhưng chưa trở thành quốc tế, và chỉ là cơ hội để gặp gỡ
gia đình và tặng quà chứ không phải để cầu nguyện.
Ở Italia có một ngày cho các người
cha và một ngày cho các người mẹ. Có ngày nào dành cho các người con không?
Có một ngày dành cho trẻ em, đó là ngày 6 tháng Giêng, lễ Hiển
Linh, kỷ niệm ba nhà đạo sĩ mang lễ vật đến cho Chúa Hài Đồng. Vì thế vào dịp
này, người ta cũng tặng quà cho các nhi đồng. Nên biết là các nhi đồng Âu châu
nhận quà vào các cơ hội khác nhau: ở Balan, vào ngày 6 tháng Mười Hai (lễ thánh Nicola), ở Pháp và Anh vào
đêm Giáng sinh. Đó là nói theo truyền thống cổ xưa. Ngày nay thì người ta tặng
quà cho cả người lớn nữa, cũng tựa như ở Việt Nam người ta mang bánh Trung thu
của tết nhi đồng biếu các ông lớn vậy.
Chúng ta tạm biệt các nhi đồng để lên một lứa tuổi cao hơn. Tôi
muốn nói tới ngày “quốc tế
bạn trẻ”, được mừng vào Chúa Nhật Lễ Lá. Cũng tương tự như ngày
dành cho “đời sống
dâng hiến” và cho “các bệnh nhân”, nguồn gốc của ngày lễ
này mang tính cách địa phương. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã muốn mở rộng
ra cho toàn thế giới từ năm 1985, nhân dịp năm quốc tế giới trẻ do Liên Hợp Quốc
khởi xướng. Kể từ năm 1986 đến nay, vào ngày lễ này, các Đức Giáo Hoàng đều gửi
một sứ điệp cho họ. Các bạn trẻ được mời gọi bắt chước các thanh thiếu niên tại
Giêrusalem, hãy ra đón Đức Kitô đến viếng thăm họ.
Trong mùa Phục Sinh, Chúa
Nhật thứ IV được dành để cầu cho ơn thiên triệu. Thực ra, vào năm 1961, Đức
Giáo Hoàng Gioan XXIII đã thiết lập một ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu giáo
sĩ, nhưng chỉ giới hạn trong nước Italia. Trong thời gian họp Công Đồng Vatican
II, một kỷ niệm quan trọng diễn ra, đó là 400 năm sắc lệnh Công Đồng Trento thiết
lập các chủng viện. Nhân cơ hội này, ngày 23/01/1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI
quyết định dành một ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu giáo sĩ, được chỉ định
vào Chúa Nhật Chúa Chiên Lành (ngày nay
là Chúa Nhật thứ 4 mùa Phục sinh). Nên biết rằng, vào lúc đầu, chủ
đích của ngày này là cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục; nhưng gần đây,
ngày lễ này được mở rộng ra đến tất cả “ơn gọi sống
đời sống tận hiến” và
kể cả “ơn gọi các giáo dân dấn
thân vào công cuộc truyền giáo”. Cũng như ngày “quốc tế giới trẻ”, vào dịp lễ này, các
Đức Giáo Hoàng đều công bố một sứ điệp.
Vào khoảng cuối mùa Phục Sinh, chúng ta có ngày “thế giới Truyền Thông Xã Hội”. Đây là
một sáng kiến của Công Đồng Vatican II trong Sắc lệnh
về Truyền Thông Xã Hội được
ban hành ngày 4/12/1963. Văn kiện này ước mong thiết lập một cơ quan Tòa Thánh
đặc trách về ngành này, cũng như dành một ngày trong năm để gây ý thức trong
Giáo Hội về tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhằm thực
thi quyết nghị của Công Đồng, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập Ủy Ban Tòa
Thánh (sau đổi thành “Hội Đồng Tòa
Thánh”; và ngày 27/06/2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thành lập “Viện Truyền
Thông Xã Hội” trên cơ sở hợp nhất các mảng truyền thông hiện có của Tòa Thánh: Hội Đồng Tòa Thánh về Truyền
thông Xã hội, Phòng Báo chí Tòa Thánh, Phòng Internet Vatican, Trung tâm Truyền
hình Vatican, Nhật báo Osservatore Romano, Nhà in Vatican, Phòng nhiếp ảnh và
Nhà xuất bản Vatican) về
truyền thông xã hội, và cơ quan này đề nghị dành Chúa Nhật sau lễ Chúa Thăng
Thiên làm “ngày
Truyền thông xã hội”, kể từ năm 1967. Tuy nhiên, bởi vì tại nhiều
nơi, lễ Chúa Thăng Thiên được dời vào ngày Chúa Nhật, cho nên nhiều Hội Đồng
Giám Mục đã xin chuyển “ngày
Truyền thông xã hội” sang
một dịp khác. Mỗi năm, vào ngày lễ thánh Francois de Sales, bổn mạng các ký giả,
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày truyền thông thế giới đều được giới thiệu
cho báo chí.
Có ý chỉ cầu nguyện nào nhân lễ Chúa
Thánh Thần Hiện xuống không?
Tự bản chất, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống nhắc nhở Hội Thánh về
sứ mạng truyền giáo. Nhưng ngày cầu nguyện cho việc truyền giáo được cử hành
vào tháng Mười như sẽ nói sau. Tại vài nơi, người ta cũng dành tuần trước lễ Hiện
Xuống để cầu cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu, mặc dù phần lớn các Giáo Hội địa
phương cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong tuần lễ từ 18 đến 25 tháng Giêng.
Dù sao, không đầy ba tuần
sau lễ Hiện Xuống thì phụng vụ cử hành lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, được chỉ định
làm ngày cầu nguyện cho“cuộc thánh hóa các giáo sĩ”. Đức Thánh
Cha không gửi một Sứ điệp nào cho ngày này, nhưng vào ngày thứ Năm Tuần Thánh,
các linh mục đã nhận được một Tông thư của Đức Thánh Cha để suy gẫm, và chính
trong lá thư năm 1995, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ngỏ ý thiết lập ngày
này.
Như vừa nói, ngày thế giới cầu nguyện cho “công cuộc truyền giáo” diễn ra vào Chúa Nhật áp chót trong
tháng Mười. Xét về niên tuế, thì phải xếp vào hạng lão thành trong số các ngày
thế giới cầu nguyện, bởi vì được Đức Giáo Hoàng Piô XI thiết lập ngày
14/4/1926, theo lời đề nghị của “Hội Đồng
Giáo Hoàng Truyền Bá Đức Tin”. Tuy rằng, ngày thế giới truyền giáo
đầu tiên được cử hành năm 1927, nhưng mãi đến năm 1930 thì vị Tổng thư ký Bộ
Truyền Giáo mới có tục lệ gửi một lời hiệu triệu mỗi năm. Từ năm 1963, lời hiệu
triệu này được thay thế bằng một Sứ điệp của chính Đức Thánh Cha. Với ngày thế
giới truyền giáo, chúng ta có thể coi như chấm dứt các ngày thế giới cầu nguyện
trong năm.
Thế còn lễ Tạ Ơn thì sao?
Tùy mỗi người hiểu lễ Tạ Ơn theo nghĩa nào. Đối với người Hoa Kỳ,
lễ Tạ Ơn là một lễ quốc gia, diễn ra vào ngày thứ năm cuối cùng của tháng Mười
Một và mang tính cách dân sự: chủ yếu của lễ Thanksgiving là bữa tiệc. Tại
Italia, cũng có lễ Tạ Ơn vào Chúa Nhật thứ hai trong tháng Mười Một do hiệp hội
nông dân khởi xướng, sau khi kết thúc các vụ gặt hái. Và dĩ nhiên, nhiều nơi
dành ngày 31/12, cuối năm dương lịch để hát kinh TẠ ƠN Chúa vì một năm sắp kết
thúc. Tất cả đều là phong tục địa phương.
Dù sao, thiết tưởng cũng nên nhắc qua vài sáng kiến cầu nguyện
khác trong tháng Mười Một. Vào ngày 1 tháng Mười Một, lễ các thánh, tại Italia,
có nhiều nơi đề xướng làm ngày“thế giới cầu nguyện cho việc nên thánh”,
một ơn gọi của tất cả mọi Kitô hữu như Công Đồng Vatican II đã khẳng định ở
chương Năm trong Hiến chế
Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân). Rồi Chúa Nhật thứ ba trong tháng
Mười Một dành cho những người di cư tị nạn. Đây là một ngày cầu nguyện bắt nguồn
từ Italia, nơi đã có nhiều người di cư lập nghiệp. Nhưng gần đây, nó mang tầm mức
quốc tế, tuy được cử hành vào những ngày tháng khác nhau tùy địa phương.