Hiểu Sống Đức Tin: Gọi Thiên Chúa Là Mẹ Được Không?

(catechesis.net)

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Gọi Thiên Chúa Là Mẹ Được Không?

(28-2-1999)

Nhằm chuẩn bị cho Năm thánh 2000, Đức Thánh Cha đã mời gọi chúng ta trong năm nay hãy tìm hiểu Thiên Chúa là Cha. Nhưng có thể gọi Chúa là Mẹ được không?

Từ hồi khai nguyên Kitô giáo đến nay, các tín hữu đã chấp nhận danh của Thiên Chúa là do đức Giêsu đã mặc khải. Ngay từ lời mở đầu kinh Tin kính, họ tuyên xưng Thiên Chúa là ACha toàn năng Đấng tạo thành trời đất. Và hằng ngày, họ khẩn cầu Thiên Chúa với lời kinh mà Đức Giêsu đã dạy: ALạy Cha chúng con ở trên trời. Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ XX, vài tác giả tranh đấu cho nam nữ bình quyền đã đòi xét lại vấn đề. Chủ trương cực đoan hơn cả là của bà Mary Daly: bà đòi loại ra khỏi Kinh thánh và thần học tất cả những từ ngữ nào mang mầu sắc nam tính. Đứng đầu các từ ngữ cần phải thanh lọc là “Thiên Chúa Cha”. Theo bà, khi gọi Thiên Chúa là Cha, vô tình chúng ta xếp Ngài vào nam giới. Bao lâu Thiên Chúa còn đứng về phía nam giới thì bấy lâu nữ giới sẽ còn bị chèn ép. Vì thế muốn cho nam nữ được bình quyền thì phải tránh gọi Thiên Chúa là Cha.

Như vậy, thay vì gọi Thiên Chúa là Cha, thì gọi Ngài là Mẹ phải không?

Bà Daly chủ trương gạt bỏ tất cả mọi lối nói có liên hệ đến phái tính: Chúa chẳng là cha cũng chẳng là mẹ. Tuy nhiên, không thiếu người đã phản ứng lại truyền thống bằng cách gọi Thiên Chúa là Mẹ, hay gọi Ngài bằng cả hai từ Cha Mẹ.

Các nhà thần học đã phản ứng thế nào đối với những ý kiến vừa nói?

Cách đây 20 năm, trong một bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin ngày Chúa Nhật 10/9/1978, đức Gioan Phaolô I đã gây sửng sốt cho nhiều người khi nói rằng : Thiên Chúa yêu thương chúng ta, bởi vì Ngài là cha của ta, hơn thế nữa, Ngài còn là mẹ của ta.

Như vậy Đức Gioan Phaolô I đứng về phe của nữ quyền, phải không?

Tôi không rõ Đức Thánh Cha có đọc các tác phẩm của phe nữ quyền hay không. Nhưng ngài đã đi tới kết luận vừa nói khi chú giải đoạn văn của ngôn sứ Isaia chương 49 câu 15, viết cho dân tộc Israel rằng: ACó bà mẹ bỏ quên đứa con của mình, không còn đoái hoài đến đứa con mà mình đã cưu mang hay không? Giả như có bà mẹ nào như thế đi nữa, thì ta sẽ không bao giờ quên ngươi đâu? Đức Gioan Phaolô I muốn dựa vào đó để nói rằng Thiên Chúa không thể nào bỏ rơi chúng ta, cho dù đôi khi chúng ta có cảm giác là ngài xa vắng.

Trong Kinh thánh có chỗ nào gọi Thiên Chúa là mẹ không?

Có lẽ nhờ cuộc tranh luận với các tác giả của phe nữ quyền mà các nhà thần học đã có dịp đọc lại Kinh thánh kỹ lưỡng hơn. Trong vấn đề này, có hai điểm sau đây đáng ghi nhận. Thứ nhất, Kinh thánh thực sự có những đoạn mô tả Thiên Chúa với những nét của nữ tính. Thứ hai, nhưng mà Kinh thánh lại không bao giờ gọi Thiên Chúa là mẹ.

Thế nào là những nét nữ tính của Thiên Chúa?

Gọi là những nét nữ tính khi các tác giả Kinh thánh so sánh cách đối xử của Thiên Chúa giống như cách đối xử của bà mẹ. Chẳng hạn như đoạn văn của ngôn sứ Isaia chương 49 câu 15 vừa trích dẫn trên đây, khi nhấn mạnh rằng Thiên Chúa không thể nào bỏ rơi dân tộc mà mình đã chọn. Sang đến chương 66 câu 13, ông Isaia cũng lại ví Thiên Chúa như bà mẹ an ủi vỗ về con mình. Nhưng mà có lẽ đoạn văn âu yếm nhất là chương 11 của ngôn sứ Hôsêa, khi ông mô tả Thiên Chúa tập cho đứa con biết đi, rồi bồng bế nó, mớm cho nó ăn. Tuy có lẽ Thiên Chúa được trình bày như người cha, nhưng là một người cha đầy tình cảm của người mẹ. Ngoài ra, các học giả còn liệt kê một số đoạn văn ví tình thương của Thiên Chúa như lòng mẹ, (mà trong ngôn ngữ Do Thái gọi là bụng dạ của bà mẹ cưu mang con cái), chẳng hạn như Isaia 22,24; 44,2.24; 46,3-4. Đối lại, chúng ta gặp thấy ở thánh vịnh 131,2 một câu văn biểu lộ lòng tín thác vào Thiên Chúa như đứa con tựa vào lòng mẹ: “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ; trong con, hồn lặng lẽ an vui. Cậy vào Chúa, Israel ơi! từ nay đến mãi muôn đời muôn năm@. Còn thể dùng những phương pháp khác nữa để tìm ra các đoạn văn nói đến những nét nữ tính của Thiên Chúa; tuy nhiên như đã nói trên đây, Kinh thánh không gọi Thiên Chúa là mẹ.

Tại vì các tác giả Kinh thánh là nam giới, và chịu ảnh hưởng của văn hóa phụ hệ chứ gì?

Đó là lối giải đáp khá quen thuộc. Sách Kinh thánh đã được viết trong khung cảnh văn hóa phụ hệ, trọng nam khinh nữ, vì thế phải đặt Thiên Chúa vào phái mạnh (là cha, là phu quân), chứ không thể nào xếp Ngài vào phái yếu được. Tuy nhiên, các học giả cho rằng câu trả lời không đơn giản như vậy. Khi đối chiếu với các nền văn hóa trong miền Cận Đông, người ta nhận thấy có nhiều tôn giáo trình bày Thiên Chúa dưới hình dạng phụ nữ. Dân Do Thái cũng biết những phong tục đó, và họ đã phản ứng lại. Lý do không phải là vì trọng nam khinh nữ, nhưng là vì nhận thấy tục thờ nữ thần ở Cana đưa đến tín ngưỡng đa thần: đã có nữ thần thì sẽ có nam thần cho có đôi lứa, và cứ thế mà nhân cấp lên. Đi xa hơn nữa, các học giả nhận thấy rằng không những Cựu ước không bao giờ gọi Thiên Chúa là mẹ, mà cũng tỏ ra dè dặt khi gọi Thiên Chúa là cha. Những lần gọi Thiên Chúa là cha không nhiều cho lắm, có lẽ vì sợ hiểu lầm khi sống ở giữa các dân tộc khác, khi mà tư tưởng cha mẹ được gắn liền với việc sinh sản tự nhiên, tựa như bà Âu cơ trong lịch sử Việt Nam với 100 trứng. Thiên Chúa được gọi là cha của dân tộc Israel không phải vì đã sinh sản tổ tiên của dân này, nhưng là vì Ngài đã yêu thương tuyển chọn họ.

Ngày nay, những nguy cơ hiểu lầm ấy đã được vượt qua rồi, vì thế ta có thể gọi Chúa là cha hay là mẹ cũng chẳng sao, phải không?

Nói theo lý luận triết học thì đúng như vậy. Thiên Chúa không phải nam giới cũng chẳng thuộc nữ giới. Chúng ta ví tình thương của Ngài đối với chúng ta giống như tình thương của cha mẹ đối với con cái, vì thế có thể gọi Ngài là cha hay là mẹ, hay là cả cha mẹ cũng chẳng sao. Tuy nhiên, điều khó khăn ở chỗ đối với Kitô giáo, việc gọi Thiên Chúa là Cha không phải là do suy luận của trí óc con người nhưng là do đức Giêsu đã dạy. Đây là một cái kẹt của thần học: chúng ta có thể tự tiện sửa đổi một từ ngữ do đức Giêsu đã sử dụng hay không?

Tại sao không được? Cần phải thích nghi với ngôn ngữ và văn hóa của các dân tộc chứ?

Câu chuyện không đơn giản như chị nghĩ. Chúng ta đã quá quen với lối gọi Thiên Chúa là Cha rồi, và chúng ta nghĩ là chuyện thông thường, cho nên muốn biến báo sao cũng được. Nhưng khi nghiền ngẫm lại Tân ước, các học giả ghi nhận rằng tiên vàn Thiên Chúa là cha của đức Giêsu; nới rộng tí nữa, đức Giêsu cho phép các môn đệ của Người cũng được gọi Thiên Chúa là Cha. Không hiểu đức Giêsu có muốn cho hết mọi người cũng được gia nhập hàng ngũ các thân nhân của người hay không. Nói cách khác, trước khi chúng ta họp nhau để quyết định có nên gọi Thiên Chúa là Cha hay là Mẹ, thì cần phải hỏi ý kiến của đức Giêsu đã.

Đó chỉ là một cách tránh né vấn đề. Làm thế nào hỏi ý kiến của đức Giêsu được?

Dĩ nhiên là chúng ta không có cách nào để hỏi ý kiến của đức Giêsu. Nhưng trước khi muốn bàn đến chuyện thay đổi từ ngữ của Tân ước cho hợp với não trạng của thời đại, thì chúng ta cần phải đi tìm hiểu ý nghĩa nguyên thủy của nó đã. Tại sao đức Giêsu gọi Thiên Chúa là cha? Tại sao Ngài không gọi Thiên Chúa là mẹ? Chắc không phải tại vì Ngài trọng nam khinh nữ đâu, nhất là khi ngài đã cảm nghiệm tình thương của một người mẹ hiền. Nên nhớ rằng Đức Giêsu không những gọi Thiên Chúa là Cha, mà còn gọi là ACha của tôi, khác với Acha của các anh. Đành rằng khi nói đến cha thì đức Giêsu nhắm nêu bật tình thương lân tuất của Thiên Chúa, chẳng hạn như trong dụ ngôn về đứa con hoang đàng. Nhưng rất nhiều lần tiếng cha được hiểu theo một nghĩa khác thường, không dựa theo tình cảm tự nhiên. Cần phải thú nhận rằng không dễ gì để hiểu được tất cả những giáo huấn của Tin Mừng. Cách riêng, khi bàn về các mối liên hệ gia đình, đức Giêsu có những lối cư xử khó hiểu. Người tỏ lòng tôn kính với luân lý cổ truyền về việc thảo kính cha mẹ, nhưng có những lúc mà Người chẳng tỏ lòng hiếu thảo gì hết, chẳng hạn như hồi lên 12 tuổi, người đã ở lì lại trong đền thờ để lo việc của Cha mà chẳng xin phép song thân. Đến khi hai ông bà đã tìm lại được và trách móc người, thì thay vì xin lỗi, người còn vặn lại. Đối với họ hàng thân thuộc, người đã hơn một lần tỏ ra cứng cỏi với họ, khi người đặt câu hỏi: Aai là mẹ tôi? ai là anh chị em của tôi? và người đã trả lời dứt khóat: Acha mẹ, anh chị em của tôi là những kẻ nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Vì thế, khi gọi Thiên Chúa là Cha, đức Giêsu không lấy tiêu chuẩn từ tình cảm ruột thịt tự nhiên, nhưng từ chỗ khác. Cha không hiểu theo nghĩa sinh sản, cũng không theo nghĩa nuông chiều. Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha theo nghĩa là Người kết hợp với Cha trong ý chí và hành động: Người lấy ý Cha làm lương thực, và sẵn sàng làm theo ý Cha kể cả khi phải hiến dâng mạng sống: Lạy Cha, Cha có thể làm hết mọi sự. Xin cất chén này xa con, nhưng xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý của Cha. Nói khác đi, trước khi muốn đổi tên gọi của Thiên Chúa là cha hay là mẹ, chúng ta cần phải đào sâu thêm ý nghĩa của việc đức Giêsu gọi Thiên Chúa là cha. Thiên Chúa là Cha theo một nghĩa vượt xa những hình ảnh mà chúng ta cảm nghiệm từ các mối tình phụ tử trên đời này. Sách Giáo Lý Hội Thánh công giáo (số 2779) đã nhấn mạnh rằng để có thể thưa với Thiên Chúa là Cha một cách đứng đắn, chúng ta cần phải trải qua một cuộc cải hóan, và thiết tưởng phải nói đến một cuộc tẩy não mới đúng.

 


Tủ Sách Giáo Lý