Chúa
Thánh Thần Hiện Xuống Mấy Lần?
(catechesis.net)
Hôm nay
là lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Theo Tin mừng thứ tư, thì Chúa Giêsu đã ban
Thánh Thần cho các thánh tông đồ vào ngày Phục sinh. Có phải đó là lần thứ nhất
Chúa Thánh Thần hiện xuống, còn hôm nay là lần thứ hai không? Linh
mục Phan Tấn Thành trả lời.
Trong
các sách phụng vụ bằng tiếng Việt, lễ hôm nay được gọi là “Chúa Thánh Thần hiện
xuống”; nhưng trong nguyên bản Latinh thì lễ này được gọi là Pentecostes (gốc
tiếng Hy-lạp) có nghĩa là 50 ngày (chuyển sang chữ Hán là “Ngũ tuần”). Vì thế,
nếu xét theo nguyên bản Latinh, thì chỉ có một lễ Ngũ tuần; còn nếu xét theo
tiếng Việt, “Chúa Thánh Thần hiện xuống” thì phải nói rằng có nhiều lần.
Lần thứ
nhất là vào ngày Chúa Giêsu phục sinh phải không?
Không
phải thế. Trước đây, nhiều sách giáo lý và thần học thường đặt khởi đầu của sự
can thiệp của Thánh Linh từ lễ Ngũ tuần (quen gọi là lễ Hiện xuống). Nhưng khi
nghiên cứu Kinh thánh và các giáo phụ, chúng ta thấy rằng Thánh Linh đã tác
động ngay từ lúc khai nguyên vũ trụ. Vì thế, Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo
(từ số 702 đến 730) đã gom lại những sự can thiệp của Thánh Linh trong lịch sử
cứu độ vào ba giai đoạn như sau: 1) Thời hứa hẹn: tạo dựng, giao ước; ngôn sứ.
2) Thời viên mãn của Đức Kitô. 3) Thời chót của Hội thánh. Thời hứa hẹn kéo dài
từ lúc tạo dựng vũ trụ cho đến hết thời Cựu ước. Thời viên mãn trùng hợp với
thời gian tại thế của Đức Kitô. Thời thứ ba là giai đoạn của Hội thánh cho đến
cánh chung.
Chúa
Thánh Thần bắt dầu xuất hiện từ hồi nào?
Đành
rằng phải chờ cho đến Tân ước, thì mạc khải về Thánh Linh như là một Ngôi vị
mới rõ ràng; thế nhưng sau khi đã lãnh nhận mạc khải đó, các Kitô hữu đã đọc
lại toàn thể lịch sử cứu độ và đã nhận ra tác động của Thánh Linh ngay từ lúc
tạo dựng. Trong khi phân tích các bản văn Kinh thánh Cựu ước, chúng ta đã thấy
nói tới ruah Yaweh (thần
khí Chúa) không những đã hiện diện vào hồi tác tạo vũ trụ, nhưng còn tiếp tục
duy trì cho các sinh vật được hiện hữu. Nếu Thiên Chúa rút thần khí lại thì mọi
vật tan tành thành mây khói. Thánh Linh được kêu cầu như là “Thần khí tác tạo”
(Creator Spiritus).
Ngoài ra, trong lịch sử của Israel, thần khí Chúa đã can thiệp các đặc biệt khi
gợi dậy bao nhiêu sứ giả cứu tinh, đặc biệt là các ngôn sứ: đó là điều mà chúng
ta tuyên xưng trong kinh Tin kính: “Thánh Linh đã phán dạy qua các ngôn sứ”
(x.1Pr 1,11; 2Pr 1,21). Hơn thế nữa, trong những văn kiện sau Công đồng thánh
Gioan Phaolô II đã nhiều lần nói tới hoạt động của Thánh Linh vượt lên mọi biên
cương của không gian và thời gian (thí dụ: thông điệp Dominum et Vivificantem số
53, Redemptor Hominis số
6). Lời khẳng định này mang theo nhiều hệ luận quan trọng cho công tác truyền
giáo của Hội thánh. Ai ai cũng biết rằng Hội thánh đã được sai đi mang Tin mừng
cứu rỗi đến cho muôn dân. Tuy nhiên, các nhân viên phục vụ Tin mừng cần phải
khiêm tốn nhìn nhận rằng không phải họ là những người tiên phong mang chân lý
vào chỗ hoàn toàn u mê tăm tối. Không phải như vậy, Thánh Linh đã đi trước họ
rồi: Ngài đã dọn đường cho Tin mừng qua những hạt giống chân lý gieo vào lòng
các dân tộc, các nền văn hóa, và nhất là trong thâm tâm của mỗi người. Từ đó,
nhà truyền giáo không nên có thái độ ngạo nghễ của một người đi xâm chiếm vùng
đất hoang vu, nhưng cần có thái độ kính cẩn đi rón rén, kẻo giày đạp những hạt
giống chân lý mà Thánh Linh đã gieo trước đó (x.Cv 10,47). Chúng ta đọc thấy tư
tưởng này trong thông điệp Redemptoris
Missio ở số 28-29; 56, tông huấn Ecclesia in Asia số
15-16. Nên biết là vào hồi Trung cổ, thánh Tôma Aquinô đã viết rằng đâu có dấu
vết chân lý thì đấy có Thánh Linh (“Omne verum, a quocumque dicatur, a
Spiritu Sancto est”: ST I-II,109,a.1,1m); còn đức Gioan Phaolô II
thì chú trọng cách riêng tới lời cầu nguyện chân chính như là
dấu chỉ sống động của Thánh Linh. Thực vậy, thánh Phaolô trong Rm 8,26 có nói
rằng Thánh Linh đến giúp chúng ta cầu nguyện vì chúng ta không biết tìm lời lẽ
xứng đáng thân thưa với Chúa; hậu nhiên, khi ta gặp thấy lời cầu nguyện đích
đáng thì cần phải coi đó như tác động của Thánh Linh (Dominum et vivificantem số
65; Redemptoris Missio số
29).
Thánh
Linh đã tác động trong thế giới từ khi tạo dựng vũ trụ và trong lịch sử các dân
tộc. Như vậy, giai đoạn hai có thêm gì mới lạ hơn không?
Dựa
theo từ ngữ của Tân ước, Sách Giáo lý đặt tên cho giai đoạn hai là “Thời viên
mãn”: Đức Giêsu đã xuất hiện trong thế giới như sự thực hiện những lời Chúa hứa
với các tổ phụ. Trong bối cảnh này, tác động của Thánh Linh cũng đánh dấu một
bước tiến mới. Tân ước đã cho thấy Thánh Linh tác động trong cuộc đời của Đức
Giêsu, từ khi nhập thể đến lúc Phục sinh; rồi từ biến cố Phục sinh Thánh Linh
trở nên hồng ân mà Đức Kitô ban cho nhân loại. Trong suốt cuộc đời ấy, có ba
biến cố mà Thánh Linh can thiệp cách đặc biệt, đó là: vào lúc nhập
thể, lúc lĩnh phép rửa, và trên thập giá.
(1)
Thật vậy, Mátthêu và Luca (tác giả của Tin mừng thời thơ ấu) đều giải thích
việc đức Maria thụ thai Đức Giêsu là do quyền năng của Thánh Linh (Mt 1,20; Lc
1,35). Điều này đã được tuyên xưng trong tất cả các tín biểu: “bởi phép Đức
Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người”.
Dựa theo các giáo phụ, thánh Tôma Aquinô giải thích rằng vai trò của Thánh Linh
là kết hợp Ngôi Lời với nhân tính (gratia unionis), nhờ đó mà Đức Giêsu được
sung mãn ân sủng và chân lý để thông chuyền cho chúng ta với tư cách là đầu của
Nhiệm thể (x. ST III, q.2,aa.10-12; q.6,a.6; q.7,a.13).
(2)
Biến cố can thiệp lần thứ hai của Thánh Linh là vào lúc Đức Giêsu lĩnh phép rửa
ở sông Giordan, tất cả bốn Phúc âm đều mô tả sự xuất hiện của Thánh Linh (Mt
3,18; Mc 1,10; Lc 3,21; Ga 1,32). Dựa theo Cv 10,37-38, nhiều giáo phụ (thí dụ:
Irênêô, Adversus
Haereses, 3,18,3; Ambrôsiô, De
Spiritu Sancto 1,3,44) đã giải thích biến cố đó như Đức Giêsu
được Thánh Linh xức dầu (Kitô, trong tiếng Hylạp, có nghĩa là người được xức
dầu), để khởi sự sứ mạng ngôn sứ và cứu tinh (x. Is 42,1). Như chúng ta đã
biết, chính nhờ quyền năng của Thánh Linh đáp xuống trên mình mà Đức Giêsu mang
Tin mừng đến cho người nghèo (Lc 4,18), giải phóng con người khỏi vòng nô lệ
của ma quỷ (Mc 3,22-20; Mt 12,28), bệnh tật, tội lỗi, chết chóc (Mt 8,17;
12,15-21; Cv 10,38).
(3) Sau
hết, biến cố Đức Kitô bị treo lên Thập giá được thánh Gioan giải thích như là
sự tôn vinh Thiên Chúa. Thiên Chúa được tôn vinh vì đã mạc khải tình yêu của
Ngài qua việc trao ban Con Một mình cho nhân loại (Ga 3,16). Thánh Gioan không
mô tả cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá như một thảm kịch đau thương cho
bằng như một sự mạc khải của tình yêu trao hiến. Sự trao hiến đạt đến mức tột
đỉnh khi mà tặng phẩm không phải là một “đồ vật” mà là một “nhân vật”: Thánh
Linh chính là nhân vật được trao tặng. Thực vậy, thánh Gioan cho thấy rằng “mọi
sự đã hoàn tất” (Ga 19,30) vào lúc mà Đức Giêsu tắt thở; thế nhưng Gioan đã mô
tả sự tắt thở không phải như sự trút hơi lìa đời mà là “trút ban thần khí”.
Chương trình yêu thương cứu rỗi của Thiên Chúa được hoàn tất do việc Đức Kitô
hiến mạng sống mình cho những bạn hữu mình yêu, và cử chỉ tình yêu ấy được đóng
ấn với sự trao ban Thánh Linh. Thánh Linh đã được ban phát ngay từ hồi nguyên
thủy, nay được ban ra dồi dào từ cái chết của Đức Kitô, như mạch suối nước hằng
sống (Ga 19,30; x.7,37-39). Việc trao ban Thánh Linh được biểu thị cách hữu
hình vào lúc Đức Kitô phục sinh hà hơi trên các tông đồ: “Các con hãy nhận lãnh
Thánh Linh” (Ga 20,22). Thánh Phaolô đã nói rất nhiều về việc Thánh Linh được
trao ban từ cuộc Phục sinh của Đức Kitô (thí dụ Rm 1,4; 8,11) để trở thành sinh
lực cho chúng ta, biến chúng ta thành con cái Chúa, và là bảo chứng cho việc
chúng ta sẽ sống lại mai hậu.
Các
thánh tông đồ đã nhận lãnh Thánh Thần vào lúc Chúa Giêsu sống lại. Như vậy, lễ
Chúa Thánh Thần Hiện xuống còn ý nghĩa gì nữa không?
Như đã
nói ở đầu, trong bản văn Latinh, hôm nay không phải là lễ Thánh Thần Hiện
xuống, nhưng là lễ Ngũ tuần. Đối với người Do thái, lễ Ngũ tuần kỷ niệm biến cố
Thiên Chúa ban bố giao ước trên núi Sinai, 50 ngày sau khi được cứu thoát khỏi
cảnh nô lệ bên Ai-cập. Đối với các Kitô hữu, chúng ta cũng mừng kỷ niệm giao
ước mới. Các ngôn sứ Giêrêmia và Êdêkiel đã nói đến giao ước mới được ghi khắc
trong con tim. Giao ước ấy hiển hiện qua việc trao ban Thánh Linh. Lễ Ngũ tuần
cũng là ngày ra mắt của Hội thánh, Hội thánh của giao ước mới. Nên biết là
trong Tông đồ công vụ, thánh Luca còn kể lại nhiều cuộc Hiện xuống của
Thánh Linh, thí dụ: ở chương 4,31 (sau khi cộng đoàn tín hữu cầu nguyện trong
cơn bách hại); chương 8,17 cho dân Samari; chương 10,44 cho dân ngoại (x.19,6).
Thần học gọi đó là một vài biểu hiện bên ngoài của Thánh Linh. Những hoạt động
âm thầm của Ngài còn nhiều hơn nữa. Thánh Linh là hơi thở nuôi sống Hội thánh;
Ngài rút hơi lại thì Hội thánh tiêu tan. Theo Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo,
(số 688), Thánh Linh vẫn tiếp tục thổi hơi vào Hội thánh qua bảy nơi sau đây:
1/ nơi Kinh thánh mà Thánh Linh linh ứng; 2/ nơi Thánh Truyền; 3/ nơi Huấn
quyền; 4/ trong phụng vụ bí tích; 5/ trong các đoàn sủng và tác vụ; 6/ trong
các dấu chỉ của đời sống tông đồ và truyền giáo; 7/ nơi chứng tá của các thánh.