THƯỢNG ĐẾ, NGÀI LÀ AI?
CHÚA TRỜI DƯỚI CÁI NHÌN KHOA HỌC
PHẦN MỞ ĐẦU
SỐNG ẢO
Càng văn minh tiến bộ, bạn có thấy con người ngày càng xa
rời hiện thực để sống ảo? Có bao giờ
bạn hồi tâm, suy nghĩ để thấy mình đang lao vào đời sống ảo như một con thiêu
thân không biết dừng? Bạn đang phiêu lưu trong một cuộc đời vô định và để cho ai đó, chứ
không phải là bạn, quyết định thân phận mình.
Này nhé, thị trường chứng khoán có phải là dùng tiền
thật, mồ hôi công sức của mình để mua cái ảo, để mua những con số của sổ sách?
Con người sống bằng tiềm năng. Cái tiềm năng vô hình mới
là cái có giá trị thực.
Các tỉ phú đô la sống thực là mấy: nhà cửa, phương tiện
xe cộ, lương thực có đáng là bao… Tiền rừng bạc
bể của họ để đâu cho hết? Thì ở nhà băng, ở cổ phiếu, v.v. Cũng chỉ
là những con số.
Xưa kia người ta cất giấu vàng bạc kim loại quý, coi như của
nả để dành. Sau này, nhà nước phát
hành tiền
giấy, gói đồ cũng không xong. Niềm tin đối với định chế nhà nước cũng chính là
cái ảo. Nhà nước quyết định giá trị thay cho bạn, muốn ra sao thì ra. Ngày nay,
người ta mua bán giao dịch bằng ví điện tử, ghi nhận bằng những con số ảo trong
bộ nhớ máy tính.
Ta thử phân tích thêm
một chút, lĩnh
vực kỹ
thuật số. Phim ảnh, truyền hình, internet, điện thoại thông minh…đưa ta vào thế
giới ảo. Cái ảo chiếm
hầu hết thời gian thực, biến nó thành cái rất thực khi nào không hay. Một máy
phát, hàng triệu máy nhận ngay lập tức, cùng một nội dung, đã được ai đó lập
trình. Các trò chơi games, với những câu truyện bịa đặt kinh thiên động địa,
bay bổng khắp thiên hà, đến nơi nào mà trí óc có thể tưởng tượng, y như thật.
Mãi rồi hư thực lẫn lộn, có
có,
không không. Nhân sinh như mộng ảo, đời người như chiêm bao.
Có người còn cho rằng: cuộc sống này không thực, chẳng
qua chỉ là trò chơi của những người siêu đẳng nào đó ngoài hành tinh lập trình
nên. Hay nói ấn tượng hơn như Nietzsche: chỉ là những con khỉ hay bắt chước, mà
Thượng Đế dựng nên để tiêu khiển mua vui cho đời sống quá dài của mình.
(Nietzsche: Zarathustra đã nói như thế)
Vậy đâu là mộng, đâu là thực? Liệu đời người chỉ là giấc
chiêm bao? Giữa hữu thể và hư vô, ta đang ở đâu? Cuối cùng, ai trong chúng ta
cũng thành triết gia như ông Descartes, tự hỏi và nhủ lòng: “cogito ergo sum”,
ta đang suy nghĩ là ta đang có đây.
Có điều chắc chắn, mộng hay ảo đều phải bắt rễ ở hiện
thực. Thượng Đế là một hiện thực vĩnh hằng. Ý tưởng về
Thượng Đế hay Chúa Trời là mấu chốt của nhân sinh.
I. Ý NIỆM THƯỢNG
ĐẾ THỜI SƠ KHAI
Vào buổi bình minh của nhân loại, con người sống bằng săn
bắn, hái lượm, cư ngụ trong hốc
đá, hang động. Trí óc non kém, văn hoá sơ khai, man ri mọi rợ so với những tiêu
chuẩn hiện đại.
Tư duy thì cụ thể. Ngôn ngữ trừu tượng rất ít ỏi. Chưa có
chữ viết. Bản năng hầu như chi phối mọi sinh hoạt hằng ngày.
Để có nền móng vững chắc cho một xã hội đặc trưng riêng của
con người, thì thiên nhiên đã hình thành cho nó những yếu tố căn bản không thể
thiếu:
-
Một cơ thể phù hợp
Khả năng đứng thẳng, duỗi
đầu gối, chân dài hơn giúp giải phóng đôi tay. Bộ não phát
triển đủ để trao đổi thông tin, ký ức lưu trữ
cao, từ đó có khả năng suy tưởng
và dự báo, tính toán và sáng tạo.
-
Trí
tuệ và ngôn ngữ
Nhờ khả năng tiếp nhận, trao đổi và lưu trữ thông tin dồi
dào qua ngôn ngữ, nhờ khả năng tư duy và sáng tạo, nhờ học hỏi kinh nghiệm của
một quần thể xã hội có tổ chức, con người dần dần tích tụ kiến thức, hiểu biết
và chế ngự thiên nhiên, tiến tới khai thác và làm chủ vạn vật.
-
Lương tâm
Lương tâm là khả năng thiên nhiên phú bẩm trong tâm hồn mỗi
người, để tự nhận thức điều tốt xấu mà hành xử thích đáng trong xã hội. Lương
tâm mang tính phổ quát cho mọi người, mọi dân tộc. Dù ở đâu hay thuộc một dân tộc
nào, mọi người cũng đều có quan niệm tốt xấu như nhau, như: không nên trộm cắp,
không làm điều gian dối, không giết hại đồng loại, nên thảo hiếu cha mẹ, nên biết
ơn người làm việc tốt cho minh,
v.v. Lương tâm là một thúc bách nội tâm giúp người làm điều hay, tránh điều
có hại: khi làm sai thì bị lương tâm cắn rứt, phiền muộn; lúc làm điều lành thì
thơ thới hân hoan.
Dĩ nhiên lương tâm có thể bị biến dạng phần nào do ảnh hưởng
bởi giáo dục, văn hoá,
thời đại, v.v. Nhưng nói chung, lương tâm như một hạt giống tốt gieo trong lòng mỗi cá
nhân, ai cũng như ai.
Quy luật thiên nhiên: mạnh được yếu thua, bắt đầu dần được
thay thế bằng ý thức công bình, chính trực, đạo đức, trách nhiệm. Chỉ có nơi xã
hội con người mới có.
Lương tâm là đặc trưng của con người có lý trí hiểu biết.
Ở người nguyên thuỷ, lương tâm mới chớm khai mở, còn đơn sơ mộc mạc và bị ảnh
hưởng nhất định bởi các định chế xã hội.
Xã hội con
người nguyên thuỷ gồm những thành phần cá nhân, tiềm tàng sự tự do và óc sáng tạo,
tập hợp thành quần thể sinh động thúc đẩy tiến hoá nhanh, làm cho thế giới sinh
vật như bừng tỉnh sau giấc ngủ triền miên dài đằng đẵng. Các nhà tiến hoá cho rằng
sinh vật đa bào đã xuất hiện cách đây 1 tỉ năm và con người hình thành sau này mới
40.000 năm.
Lúc này, ý thức về bản ngã và khái niệm thần linh
nơi con người mới được hình thành.
Cũng như từ cái bào thai không biết gì, không nhớ gì, đứa
trẻ lớn lên một hai tuổi nay mới lờ mờ cảm nhận cuộc sống chung quanh. Suy nghĩ
đầu tiên, bập bẹ qua ngôn ngữ của nó là hai tiếng “papa”, “mama”, “ba”, “má”.
Con người nguyên thuỷ với trí tuệ non nớt, cũng cảm nhận
được cái mà mình tuỳ thuộc: từ nguồn gốc đến tồn tại, ảnh hưởng trên đời sống của
mình như vậy; không phải là chính mình, không phải là thú vật cây cỏ thấp kém hơn
mình mà là những uy lực dũng mãnh đến từ các thần linh vô hình: thần núi, thần
sông, thần sấm sét, v.v.
Như vậy tôn giáo là
một khía cạnh tất yếu và tự nhiên, ta
nhận thấy qua các hiện tượng:
-
Thờ vật tổ, đa thần, ma chay cúng lễ cho người chết
-
Ma thuật
-
Bói toán, đoán mộng, chiêm tinh
-
Phù thuỷ, đồng bóng
Người nguyên thủy tin vào đời sống bên kia thế giới, tin vào linh hồn bất tử và có ý niệm mơ hồ về một Thượng Đế là nguồn cội, có uy quyền, chi phối trực tiếp và định
đoạt vận mệnh của mỗi người.
Bạn có nghĩ quá trình tiến hoá đó, hướng đi lên ngoạn mục
đó là do ngẫu nhiên, hay có một thượng trí dẫn dắt?
II. Ý NIỆM THƯỢNG
ĐẾ THỜI CỔ ĐẠI
Hầu như tất cả các tôn giáo lớn đều xuất hiện vào thời kỳ
cổ đại và tồn tại đến ngày nay.
Người ta đồng thuận với nhau thời kỳ cổ đại bắt đầu khoảng
4000-5000 năm trước công nguyên, khi có chữ
viết, và kết thúc
vào thế kỷ V sau công nguyên, cùng với sự sụp đổ của đế quốc La Mã.
Vào
thời kỳ này, trí thức đã phát
triển và
con người đã lập nên những nền văn minh xán lạn, còn lưu lại nhiều dấu tích khảo
cổ và trong sử sách. Tuy vì địa lý cách trở, sự giao lưu văn hoá đã có nhưng
chưa mạnh mẽ và còn phân
vùng cục bộ. Ta có thể kể ra những nền văn minh như:
-
Văn minh Lưỡng Hà: Gần sông Euphrates và sông Tigris, khoảng
3500 năm trước công nguyên. Với mẫu
chữ hình nêm.
-
Văn minh Ai Cập: Gần sông Nile, khoảng
3000 năm trước công nguyên. Với mẫu
chữ tượng hình.
-
Văn minh Ấn Độ: Gần sông Ấn, khoảng 2500 năm trước
công nguyên. Với mẫu chữ Ấn.
-
Văn minh Hoàng Hà: Gần khu vực sông Hoàng Hà, khoảng 2500
năm trước công nguyên. Với nền tảng
chữ Hán.
2.1. Đa thần
Người ta tính, các thần
được tôn thờ ở thời cổ đại có đến hàng chục ngàn, càng lùi sâu vào lịch sử thì
càng nhiều và đa dạng, nhất là thời văn minh cổ Lưỡng Hà và văn minh Ai Cập xa xưa.
Điều này dễ hiểu với chúng ta ngày nay: thiên nhiên chưa được khám
phá, rất nhiều bí ẩn mà dưới con mắt người xưa là không thể giải thích. Cái gì
không thể lý giải thì chỉ có nguồn gốc thần thánh mà thôi: chim thần, nỏ thần,
bò thần, và sóng to tàn phá không hiểu nổi từ đâu mà có, cũng là sóng thần nốt.
Các
vị thần lớn và tiêu biểu thời cổ đại Lưỡng Hà:
-
Tiamat: thần của khởi tạo và huỷ diệt
-
Ishtar: nữ thần tình yêu và chiến tranh
-
Anu: cai quản bầu trời và các chòm sao
-
Enlil: thần gió và không khí
-
Enki: thần nước
Các
vị thần lớn và tiêu biểu thời cổ đại Ai Cập:
-
Amun: vua các vị thần, đem lại công bằng, may mắn
-
Bes: thần chiến tranh
-
Orisis: thần chết, cai quản thế giới bên kia
-
Ra: thần mặt trời, sự sống, v.v.
Dịch bệnh ốm đau, mất mùa đói kém, thiên tai đe doạ, làm cho đời sống bấp bênh. Hiểu
biết nông cạn đem đến nỗi sợ hãi, sự bất lực
yếu đuối khiến con người phải tìm đến chỗ dựa thần linh.
Liệu ta có sẽ biết hết mọi
sự trên đời để thoát khỏi mọi sợ hãi và thấy mình toàn năng để không phải cầu
khẩn ai khác?
2.2. Phiếm thần
Ta gọi phiếm
thần để chỉ quan niệm cho vạn vật đều là thần thánh, đều linh thiêng hoặc phát
xuất từ thần linh. Phiếm thần vốn là một hệ thống niềm tin đã tồn tại ít nhất
2500 năm trước công nguyên.
Bà La Môn, Phật, Lão giáo là đặc trưng
cho tôn giáo phiếm thần với diễn dịch thế giới như một hệ thống to lớn mà con
người là tiểu vũ trụ.
Atharva Veda nói: “Chỉ hơi thở
của Người đủ thành sinh khí cho toàn đại vũ trụ, đủ tạo nên vạn vật, sự chi phối
hoàn bị đến độ đều nằm sẵn trong từng cá thể vi ti nhỏ nhặt nhất.” (thuvienhoasen.org).
Yajur Veda cũng bảo rằng: “Vạn vật phát hiện tự nơi Ngài và vũ trụ đã có sẵn trong
Ngài. Cũng như cây sồi có sẵn trong hạt sồi, cũng như trái cây có sẵn trong mầm
hạt cây, sẵn sàng nẩy nở và phát triển, muôn vật hữu hình đã có sẵn ở Brahman
và mọi mầm mống đều phát sinh tự nơi Ngài”. (thuvienhoasen.org, Bà La Môn giáo và triết học Phật Giáo.
Như Thị).
Phật Giáo chủ trương thực tại tối hậu là Chân Như. Chân Như là một nguyên
lý tối hậu, vĩnh hằng, từ đó mọi thứ hiện tượng mà chúng ta cảm nghiệm, được hình thành. Mọi thứ sinh
hoá duyên khởi đều không ra khỏi Chân Như.
Thượng Đế của Lão Giáo nằm trong quan niệm “Đạo”. Lão Tử nói: “Có một cái gì đó
huyền bí và nguyên vẹn tồn tại trước lúc khai thiên lập địa. Tĩnh mịch, vô
hình, trọn vẹn và bất biến. Nó sống mãi ở khắp mọi nơi trong hoàn thiện và từ
nó mọi vật được sinh ra. Tôi không biết tên nó là gì. Tôi gọi nó là “Đạo”. Điều đó có ý nói rằng thế giới
được hình thành từ “Đạo” (Đạo Đức Kinh).
Đạo là nguồn gốc
hình thành nên vạn vật, là bản thể và là đường lối mọi vật đi theo, là thực thể
không có khởi đầu và kết thúc, là tổng thể những quy luật chi phối sự sinh hoá
biến thiên của vạn vật. Hết sức linh diệu và thuận theo tự nhiên.
“Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn
vật.” Có nghĩa là vạn vật đồng nhất thể, thế giới hữu hình này cũng là Đạo mà
thôi. Thần cũng là người và con người cũng là thần linh.
2.3. Độc thần
Thờ kính một Thượng Đế duy
nhất, sáng tạo vạn vật từ hư không và là chủ tể muôn loài. Ngài có ngôi vị, nghĩa
là tách biệt bản thể với thọ sinh.
Đây, nói chung, là một tiến bộ của nhận thức. Độc thần được
nhiều người coi như một vũ trụ quan đặc trưng của ba tôn giáo lớn: Do Thái Giáo,
Kitô Giáo, Hồi
Giáo, mà tổ phụ
là Abraham, ông sống vào khoảng trên 2000 năm
trước công nguyên.
Do Thái Giáo gọi Thượng Đế là Đức Yaveh (Đn 9:14).
Thiên Chúa được biết như là đấng tối thượng, duy nhất, vô hình, là khởi nguyên
của mọi sự. Ngài là cá thể, là đấng siêu việt. Muôn vật do Ngài sáng tạo mà
thành.
Vào khoảng thế kỷ XIV, XV trước
công nguyên, Moise được Thượng
Đế giao cho nhiệm vụ cứu dân Do Thái ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập. Nguồn thông
tin mà ta có về sứ mạng của ông là từ kinh Torah, sách cựu ước Do Thái ghi lại.
Moise gặp Thượng
Đế dưới hình đám lửa trong bụi gai, ông hỏi danh
tính của Ngài là gì để nói cho dân biết. Ngài trả
lời cho ông: “Ta là Đấng
Tự Hữu” (Xh 3,2), nghĩa là đấng tự có. Khi đưa dân
ra khỏi đất Ai Cập vào sa mạc, Ngài tỏ cho dân biết sự hiện diện của Ngài qua
hình ảnh cột mây dẫn đường.
Thượng Đế thì vô hình vô tướng. Trí óc con người không thể
tưởng tượng ra được.
Thượng Đế của Do Thái Giáo là Thiên Chúa của Kitô Giáo. Chúa
Giêsu cho ta biết
thêm: Thượng Đế có ba Ngôi Vị, nhưng duy nhất là một Chúa: “Các con hãy đi rao giảng muôn
dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” (Mt 28,18).
Hồi Giáo gọi Thượng Đế của cựu ước Do Thái là Thánh Allah,
là thần linh tối cao, duy nhất và tự hữu, quyền lực tuyệt đối.
Mohamet được
Thượng Đế mạc khải
cho. Kinh Coran có đoạn:
“Chúa phán: Hãy kể lại
mọi sự nhân danh Đấng Quan Phòng của con, Đấng đã tạo dựng loài người từ những
tế bào mầm sống. Hãy kể lại, vì Đấng Quan Phòng của con là Đấng trọn tốt trọn
lành, là Đấng đã dạy loài người biết sử dụng ngòi bút và đã dạy loài người biết
được những gì nó không biết.” (Coran 96:1)
III. THƯỢNG ĐẾ CỦA KHOA HỌC TRUNG CỔ VÀ CẬN ĐẠI
Từ thế kỷ V sau công nguyên, khi đế quốc
La Mã sụp đổ, nhiều người cho rằng đây là thời kỳ đen tối của trí thức nhân loại.
Nhưng thực ra, ở những thế
kỷ sơ kỳ trung cổ, các cuộc
chiến, bạo loạn đã
đem lại sự giao thoa văn hóa giữa Đông và Tây.
Đến giai đoạn giữa trung cổ thì học thuật phương Tây bắt
đầu nở rộ. Các trường đại học như Bologna (1088), Oxford (1096), Cambridge (1209), v.v. Các khoa học
đầu ngành đã được thành lập, với sự hỗ trợ tích cực của giáo hội Công Giáo. Toán học có một bước
tiến mới với sự ra đời của môn đại số, hệ số thập phân. Người ta chế tạo nên đồng hồ cơ học, nghiên cứu thiên văn qua kính cầu lõm, v.v.
3.1. Sự lên
ngôi của khoa học thực nghiệm
Cùng với sự phát triển vượt bậc của trí tuệ,
của trừu tượng hoá, của óc phân tích, lý luận, dự đoán và sự giúp sức của thư
viện lưu trữ và nhà in (Gutenberg 1430), tư duy khoa
học thấm nhập vào mọi lãnh vực trong đời sống tinh thần. Con người không chấp
nhận những gì mơ hồ, tưởng tượng võ đoán. Mọi việc đều phải được thực chứng, được
hệ thống hoá, hợp lý lẽ mới đáng tin. Kinh nghiệm
không nói lên được gì nếu nó không được quan sát, đo lường, thử nghiệm đúng sai. Có gì chắc
chắn hơn là toán học, khoa học
phát triển đi đôi với toán học.
-
Thiên văn học: Nổi bật là
thuyết nhật tâm do Nicolai Kopernik
(1473-1543), một giáo sĩ người Ba Lan, chủ trương: mặt trời là
trung tâm thái dương hệ chứ không
phải là trái đất như xưa nay vẫn tưởng.
Gallileo Gallilei (1564-1642), người Ý; đã phát
triển quan điểm chấn động và gây tranh cãi này của Kopernik. Bị Giáo Hội lên án
kịch liệt và cho là lập luận của ma quỷ, phù thuỷ.
-
Vật lý học thực nghiệm: Francis
Bacon (1561-1626) cho rằng không có gì
tồn tại, ngoài các sự vật hoạt động theo quy luật…
Thượng Đế chỉ là
khái niệm siêu hình: làm sao đong
đếm được.
Như vậy, đối với nhiều người, Thượng Đế chỉ là tưởng tượng
mê tín của một thời ngu muội.
3.2. Những sai
lầm đáng tiếc của Giáo Hội
Song hành với nhà cầm
quyền thế tục trong thời gian dài, giáo hội
công giáo La Mã, cùng với vua chúa và giới quý tộc, đã nắm trọn
quyền bính, thế lực trong tay: chinh phục
các bộ tộc, thống trị cả nền văn hoá xã hội Âu Châu trung cổ. Sự tha hoá của giáo hội đã dẫn đến
nhiều sai lầm: khắt khe, áp bức, cố chấp, tàn nhẫn.
Các giáo sĩ được đào tạo bài bản, không để trở thành
thông tuệ, mà là cố chấp bằng mọi lý lẽ bảo vệ truyền thống, giải thích thánh kinh một
cách ấu trĩ, tự cho mình
nắm mọi chân lý. Ai không nghĩ theo đúng đường lối giống mình là ma quỷ, là dị
giáo, lầm lạc, thậm chí dùng quyền
lực toà án để giết hại những người bất đồng chính kiến, biến cơ cấu Giáo hội trở
thành guồng máy cai trị áp bức, chứ không
còn là phương tiện giáo hoá nhân tâm. Đây là thời kỳ suy thoái nghiêm trọng của
cơ cấu Giáo hội La
Mã: chạy theo thế tục, xa rời giáo huấn Phúc âm.
Giáo quyền quá chú trọng đến hình thức bên ngoài, quyền lợi danh vọng thế tục, lễ
nghi quan cách, cứng nhắc, mê tín dị đoan, mà quên đi cái nội dung linh diệu
bên trong. Trái ngược với giáo lý chính thống đơn sơ bằng những suy luận, tưởng
rằng cao siêu, nhưng xa rời cuộc sống, vô bổ, trói buộc.
Nói chung, hình ảnh của một Thiên Chúa tinh tuyền biến
thành một ngẫu tượng thấp hèn, không hơn không kém. Tôn giáo trở thành liều thuốc
ru ngủ, lú lẫn, mê hoặc,
phục vụ cho giới thống trị ăn
trên ngồi trốc.
3.3. Thượng Đế của những
người vô thần
Quá ê chề với những võ đoán, mê tín, cả tin, đưa nhân loại
vào trì trệ, thối nát thất bại, khổ đau, nô lệ, những người vô thần tự coi mình như những nhà giải phóng,
những nhà khoa học tiến bộ. Thời kỳ này kéo dài sau đó, sang cả thế kỷ XVIII ở châu Âu, gọi là thời đại khai sáng hoặc ánh sáng mà đỉnh điểm là cuộc
cách mạng Pháp 1789.
Khoa học không ngừng phát triển về mọi mặt. Nổi bật là
các trào lưu vô thần thế kỷ XIX:
-
Duy vật biện chứng:
Karl Marx (1818-1883), Friederich Engels (1820-1895): Vũ trụ là một
thể thống nhất của vật chất, tồn tại khách quan. Không gian và thời gian, vận động
là những hình thức tồn tại, thuộc tính cố hữu của vật chất. Thế giới vật chất tồn
tại vĩnh viễn, không sinh ra và không mất đi. Vật chất biến đổi, chuyển hoá lẫn
nhau, là nguồn gốc, nguyên nhân và kết quả của nhau. Ý thức cũng chỉ là một
hình thái của vật chất.
-
Thuyết tiến hoá:
Charles Darwin (1809-1882): Mọi loài sinh ra tự nhiên,
không do một Chúa trời nào cả. Từ vô cơ, sinh vật đơn bào, rồi từ sinh vật cấp
thấp, mà tiến hoá đến sinh vật cấp cao có trí tuệ như con người, nhờ quá trình chọn
lọc tự nhiên, cạnh tranh sinh tồn, thích nghi. Loài người do khỉ vượn tiến hoá
mà thành. (“Nguồn gốc
các loài” 1859).
3.4. Các nhà
khoa học tin vào sự hiện hữu của Thượng Đế
Bên cạnh những nhà khoa học không có niềm tin vào thế giới
siêu hình, cộng với trào lưu
tục hoá rộng rãi của xã hội, coi tôn
giáo là mê tín, hủ hoá, nô dịch, kềm toả tự do, mà con người văn minh cần tự giải phóng thì có nhiều nhà
bác học lại khiêm tốn, thấy tri thức con người không là gì trước sự huyền bí vô
cùng bao la của thiên nhiên và sự cao cả của Thượng Đế.
Họ tiêu biểu là:
-
Johannes Kepler (1571-1630)
Ông là giáo sư chủng
viện Graz sống cùng thời với Gallileo. Kepler
là nhà toán học và thiên
văn học người Đức, là một trong những đại diện của cuộc cách mạng khoa học thế
kỷ XVII. Ông tìm
ra các định luật về chuyển động thiên thể gọi là định luật Kepler, phát minh ra
mẫu kính viễn vọng phản xạ (kính viễn vọng Kepler).
Ông tin rằng: Chúa đã sáng
tạo thế giới theo một kế hoạch có thể dùng lý trí mà biết. Nhờ các định luật của
Kepler về sự chuyển động các hành tinh mà Newton lập nên thuyết vạn
vật hấp dẫn.
-
Isaac Newton (1642-1726)
Nhà toán học,
vật lý, thiên văn
người Anh, đề ra định
luật vạn vật hấp dẫn và ba định luật về chuyển động, được coi là nền tảng của
cơ học cổ điển. Newton được nhiều người xem là một trong những nhà khoa học vĩ
đại, có tầm ảnh
hưởng lớn nhất trong lịch sử, với vai trò là nhân vật chính trong cuộc cách mạng
khoa học.
Ngoài việc cống hiến cho những nghiên cứu khoa học, ông
dành phần lớn thời gian để tìm hiểu thánh kinh.
Newton tin tưởng một Chúa Trời duy nhất, siêu việt, dựng nên vũ trụ này, Đấng
mà ta không thể phủ nhận khi nhìn ngắm các công trình kỳ diệu của Ngài. Ông
nói: “Tôi thấy
Thượng Đế qua viễn vọng kính
của tôi.”
-
Louis Pasteur (1822-1895)
Người Pháp, được coi là
cha đẻ của ngành sinh vật học, với những phát hiện về các nguyên tắc tiêm
phòng, lên men vi sinh,
v.v.
Pasteur chứng minh thuyết tự sinh vốn được các nhà khoa học trước đó chủ trương
là không đúng. Pasteur cũng được tôn là cha đẻ của nền y học hiện đại, một
thiên tài, phát minh thuốc chủng ngừa bệnh dại, bệnh than, phương pháp tiệt
trùng, v.v. Ông cũng là
nhà khoa học luôn đặt niềm tin vào Thượng Đế: “Càng nghiên cứu khoa học, tôi càng tin vào Thượng Đế”.
Ngoài
những nhà khoa học tiêu biểu kể trên, ta không thể không kể đến các nhà bác học
lỗi lạc khác cùng thời như:
-
Faraday (1791- 1867): nhà hoá học
và vật lý học, đóng góp cho
lĩnh vực điện từ và điện hoá học.
-
Maxwell (1831-1879): nhà toán học và vật lý học, nghiên cứu lực
tĩnh điện, từ trường, từ
đó
tiên đoán sự tồn tại sóng vô tuyến. Các khám phá của ông mở ra lối đi cho các
lĩnh vực như thuyết tương đối hẹp và cơ học lượng tử sau này.
-
Dalton (1766-1844): nhà hoá học, nổi tiếng về lý thuyết
nguyên tử.
-
Mendel (1822- 1884): cha đẻ môn
di truyền học. Ông là một linh mục công giáo.
Và nhiều nhà khoa học khác nữa. Đối với họ tôn giáo không đối
nghịch với khoa học mà trái lại, nói như
Einstein: “Tôi chưa
hề gặp điều gì trong khoa học của tôi mà đi ngược lại với tôn giáo”.
IV. THƯỢNG ĐẾ CỦA
KHOA HỌC HIỆN ĐẠI: Thế kỷ XX-XXI
4.1. Những sai lầm
của thuyết tiến hoá cổ điển:
Thuyết tiến hoá cổ điển mà Darwin, một trong những người khởi
xướng, với cuốn sách ông xuất bản nhan đề “Nguồn gốc các loài”, như làn gió thổi vào khoa học thế kỷ XIX, đang hừng
hực khí thế chung đòi phế bỏ hàng loạt những quan niệm đã lỗi thời. Thuyết này,
trong hơn 150 năm qua, dễ dàng được nhiều người chấp nhận vì những lập luận khá
thuyết phục dựa trên những bằng chứng khảo cổ tìm được và qua quan sát thực
nghiệm.
Đến nay thì thuyết này ngày càng đuối sức, vì có những bằng
chứng khoa học mới, đi ngược lại
kết luận vội vã, vốn mang nhiều tính chất võ đoán hơn là khoa học của nó. Các
điểm chính yếu đang được người ta tranh cãi, xoay quanh các vấn đề nan giải
là làm sao để giải thích được các hiện tượng:
-
Theo nhiệt động lực học: khi chuyển hoá, năng lượng tiêu hao,
chứ không ngược lại theo chiều hướng đi lên.
-
Thiết kế phải được hoàn chỉnh từ đầu do một trí tuệ khôn ngoan xếp đặt chứ
không thể tự nhiên.
-
Sinh vật học: chỉ có sự
sống mới sinh ra sự sống và loài nào sinh ra loài ấy.
-
Di truyền học: Nếu bị đột
biến thì chỉ có thể thoái hoá chứ không tiến hoá đi lên được.
-
Nhiều cổ vật hoá đá cách đây hàng trăm triệu năm vẫn không
khác gì so với cùng loài còn sống đến hôm nay.
-
Rất nhiều mẫu vật khảo cổ thu thập, được chứng minh là không
đáng tin cậy, giả tạo.
Nhiều nhà khoa học tin rằng: rồi thuyết tiến hoá cổ điển sẽ
bị khai tử như một học thuyết dối trá, nhảm nhí, lừa gạt lớn trong lịch sử khoa
học. Darwin, cha đẻ thuyết này cũng nghi ngờ chính mình. Nhà khoa học Ernst
Chain, đạt giải Nobel sinh học và y học thì nói: “Tôi thà tin vào chuyện cổ tích, còn hơn tin vào những phỏng
đoán vô căn cứ như vậy của thuyết
tiến hoá.’’
Dựa trên học thuyết tiến hoá cổ điển của Darwin thế kỷ XIX, hai nhà cổ
sinh vật học nổi tiếng Lecomte du Nouy, một tín hữu công giáo có lòng tin sâu sắc
và Teilhard de Chardin, linh mục dòng Tên, chủ trương
học thuyết tiến hoá mới gọi là “học thuyết viễn đích”.
4.2. Thuyết tiến hoá mới của Lecomte du Nouy (1883-1947) và
Teilhard de Chardin (1881-1955)
Cuộc tiến hoá đến con người có trí tuệ thì sẽ đi vào chiều
sâu, chủ yếu là sự phát triển của tinh thần và ý thức. Nhân loại đang hình
thành một lớp người siêu đẳng, thần nhân. Sự tiến hoá này được định hướng nhắm
tới một mục tiêu rõ rệt, là tiến đến
sự hoàn hảo tinh thần và trí thức nhân loại, mà đỉnh điểm là Omega. Tiến trình
này Teilhard de Chardin gọi là Kitô hoá
(Christianisation).
Ngày nay, sự phủ sóng rộng khắp của internet, với nền trí thức toàn cầu hoá trình độ
cao, đã chứng minh cho ý niệm “tuệ quyển”
(noosphere) của Chardin, mà ông đã tiên đoán trước hàng nửa thế kỷ, là hoàn
toàn đúng.
Thượng Đế mời gọi và hướng dẫn công cuộc tiến hoá một
cách diệu kỳ. Con người sẽ dùng sự tự do, tự chủ mà Ngài ban cho, để dần dần kiềm
chế bản năng thấp hèn, hướng đến đời sống cao thượng, thoát khỏi dục vọng bản
thân, sống xứng với nhân phẩm cao cả.
Trong tiến trình này, cũng theo các ông: đóng góp của cá
nhân và sự tự do là thiết yếu. Thượng Đế chỉ mời gọi chứ không ép buộc. Ta mới thấy sự
tự do quan trọng và đáng quý thế nào. Nó có thể đóng góp vào sự thành công hay
huỷ hoại cả một công trình
sáng tạo.
Tự do là cái
quý nhất của con người và cũng là mối nguy hiểm nhất. Nó đòi buộc sự tự chủ và khả năng tự chịu
tránh nhiệm cho hành vi của mình.
Khoa học tiến bộ,
phát minh kỹ thuật càng tối tân, thì việc
sử dụng sự tự do càng đòi hỏi trách nhiệm cao độ. Ngày nay, khoa học kỹ thuật đã
phát triển đến mức không thể kiểm soát. Điều
này tỏ
ra vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi một
trình độ đạo đức tương xứng để duy trì thế
quân bằng. Nếu không, sự tự huỷ diệt là điều không thể tránh khỏi.
Người ta hỏi Einstein, thế chiến thứ ba sẽ xảy ra thế nào,
khi rất nhiều nước sở hữu bom khinh khí và hạt nhân, có sức huỷ diệt mọi sự sống
trên địa cầu. Ông điềm nhiên trả lời: tôi không biết, nhưng điều
chắc là thế chiến thứ tư thì con người
chọi nhau bằng đá. Đó
nghĩa
là xoá bài làm lại từ đầu. Nhiều nhà khoa học cho rằng: đã từng có những nền
văn minh cổ xưa rất rực rỡ trên trái đất,
nhưng không
biết vì lý do gì đã bị tận diệt.
Điều này có xảy ra cho chúng ta không? Rất có thể, nếu ta
loại trừ Thượng Đế ra khỏi đời sống mình.
4.3. Thuyết tương đối của Albert Einstein (1879-1955) và Thuyết bất định của Heisenberg (1901-1976)
Einstein với phương trình nổi tiếng E=MC2: vật chất chỉ
là một dạng của năng lượng. Công thức
này thay đổi cách nhìn về năng lượng, tạo ra những công nghệ hiện đại ngày nay.
Năng lượng không tự sinh ra mà chỉ có thể chuyển từ dạng này sang dạng khác. Ví dụ củi khô biến
thành nhiệt khi đốt cháy. Với phương trình này, bom nguyên tử đã được chế tạo.
Einstein còn đề ra
thuyết tương đối: coi thời gian và không gian chỉ là một dạng nhận thức, có thể
hoán vị cho nhau.
Heisenberg chủ trương nguyên lý bất định: các hạt vi
mô cơ bản vừa là hạt vừa là sóng.
Lý thuyết của Einstein và Heisenberg là đại diện nổi bật, làm đảo lộn tất cả quan niệm
của nền tri thức và khoa học cũ dựa trên toán học Euclide và vật lý cổ điển Newton, đặt nền
móng và đưa thế giới vào thời đại mới của khoa học vật lý lượng tử.
Từ nay, con người bước vào một cuộc phiêu lưu mới, khám
phá một vùng thiên nhiên vô cùng mới lạ, vô cùng phong phú, vô cùng vi diệu, mà
các phương pháp khoa học đều không có tác dụng nào.
4.4. Sự thất bại của khoa học và cuộc cách mạng kỹ thuật tin học
Từ những câu truyện mà ta cho là hoang đường, mê tín, huyền
thoại thì nay nhiều thứ đã biến thành hiện thực. Thế giới lượng tử vén màn cho
ta thấy những điều kỳ lạ, phi lý ngoài sức tưởng tượng, nay biến thành sự thật
không thể chối cãi.
-
Thiên văn học
Với những viễn vọng kính tối tân, con người đã dõi mắt đến
những thiên hà xa xăm hàng tỉ năm ánh sáng, đã phát hiện
ra những hố đen, ở đó không còn không gian thời gian. Không có thời gian và
không gian, làm sao ta
quan niệm được và làm sao khoa học tồn tại được.
-
Vật chất tối, năng lượng tối:
Thì ra thế giới hữu hình ta đang ở trong, chỉ chiếm một
phần rất nhỏ thực tại sống. Quanh ta là vật chất tối, năng lượng tối, một thế giới khác mà ta không thể nào quan niệm
được.
-
Thế giới lượng tử
Hiện hữu rất
thật, trong đó các định luật khoa học mà ta đang áp dụng hoàn toàn vô nghĩa. Với
vật lý lượng tử, ta có thể
cùng một lúc ở nhiều nơi; quá khứ hiện tại, tương lai là một mà thôi.
Các nhà khoa học đã áp dụng
lý thuyết lượng tử để tạo ra những máy tính, có thể xử lý dữ liệu nhanh hơn hàng
triệu lần so với máy tính thông thường.
Như
thế:
-
Phải chấp nhận một quyền năng siêu việt cho sự
tiến hoá nếu muốn thuyết này tồn tại.
-
Khoa học không đối kháng với đức tin, mà trái lại nhờ sự
hiện hữu của Thượng Đế, tri thức khoa học mới có giá trị nội tại, giải thích được.
Khoa học đòi buộc phải có Thượng
Đế.
V. CHÚA TRỜI
VÀ NGẪU TƯỢNG
Khoa học bị giới hạn về khả năng, không hề là phương pháp
tin cậy để đi tìm Thượng Đế và cũng sai lầm về bản chất, nếu ta dùng nó để khám
phá thế giới siêu hình.
Karl Jaspers: “Ven bờ biên
giới của lý trí là sự bất khả quan niệm và là một huyền nhiệm. Những điều
bất khả quan niệm không có nghĩa là những điều phi lý.”
Tôn giáo hoàn toàn có lý do để tồn tại.
Tôn giáo chân chính khác hẳn với mê tín dị đoan. Mê tín dị đoan là biến tướng
sai lạc của tôn giáo, là u mê lầm
lạc của trí tuệ ấu trĩ, của lừa lọc dối trá của một thứ tôn giáo phi tôn giáo.
Tôn giáo thật, chân chính, là mối dây liên hệ với thế giới
siêu hình, với những chân lý của mạc khải.
Chúa Giêsu nói: “Không ai đã
lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.” (Ga 3,13) Những lời Ngài cho chúng
ta biết không xuất phát từ con người, không từ những suy luận gọi là “cao siêu”
của các bộ óc các tư tưởng gia, nhưng được mạc khải từ Thượng Đế: “Lạy Cha là
Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho
bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm nước trời, nhưng lại mạc khải cho những
người bé mọn.’’ (Mt 11,25-30)
Thánh kinh cho ta biết gì về Thượng Đế?
5.1. Chúa Trời, Ngài là ai?
Thượng Đế siêu việt,
ngoài trí tưởng tượng của con người. Trong sách xuất hành Chúa phán cùng Moise:
“Ngươi không thể xem thấy tôn nhan ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống.”
(Xh 33,20). Tuy nhiên ta có thể nhận biết Ngài qua các danh xưng:
-
Thiên Chúa là Đấng tự hữu, hằng có.
Ngài xưng: “Ta là Đấng
Tự Hữu” (Xh 3,14) khi Moise hỏi tên
Ngài, để nói lại với dân Do Thái.
-
Thiên Chúa là Đấng sáng tạo.
Chúa tạo dựng vũ trụ muôn vật và con người từ hư không (xem sách Sáng
Thế Ký: St 1,1-25)
-
Thiên Chúa toàn năng.
“Tôi biết rằng, Chúa có thể làm được mọi sự.” (G 42:2)
-
Thiên Chúa toàn trí.
“Ngươi chẳng
biết, chẳng nghe
thấy sao? Đức Chúa là Thiên Chúa vĩnh cửu, là Đấng sáng tạo toàn cõi đất. Người
không mệt mỏi, chẳng nhọc nhằn, trí thông minh của Người khôn dò thấu.” (Is 40:
28) Chúa Giêsu căn dặn
các môn đệ khi cầu nguyện: “Khi các con
cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng kín cửa…cũng đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói
nhiều mới được chấp nhận. Đừng làm như họ, vì cha các con biết rõ điều các con
cần, ngay cả trước khi các con xin.” (Mt 6,6-8).
-
Thiên Chúa là thần khí.
Thiên Chúa không phải là tượng thần vô tri vô giác, Ngài
không ở nơi này nơi kia. Ngài là tinh thần và chân lý: Chúa Giêsu nói “Thiên Chúa
là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự
thật.” (Ga
4,23-24)
-
Thiên Chúa Ba Ngôi.
Chúa Giêsu phán: “Các
con hãy đi rao giảng muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và
Thánh Thần.” (Mt 28,18). Ba ngôi tuy riêng biệt nhưng cùng là một bản thể, nên
Ba Ngôi chỉ là một Chúa mà thôi.
-
Thiên Chúa là tình yêu, nhân hậu.
Thánh Gioan cho ta biết: “Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4,8)
Trong phúc âm, Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn để giảng dạy. Phần vì dân trí của
người đương thời không cao, khó nắm bắt những điều cao siêu khó hiểu. Phần vì ngôn
ngữ không lột tả hết được ý nghĩa của điều muốn trình bày.
Để diễn tả hình ảnh chân thực của Thượng Đế, không thể
nào dùng ngôn ngữ được. Chúa Giêsu ví von
qua dụ ngôn, để các môn đệ hiểu được đại khái tính cách của Ngài. Dụ ngôn đi
vào cụ thể cuộc sống, để thực hành chứ không là nguồn tri thức khoa học: Thượng
Đế là chủ vườn
nho; khi thì là người chăn chiên; lúc là người gieo giống, v.v. nhưng rõ nhất
là hình ảnh người cha trong câu truyện đứa con hoang đàng:
Gia đình kia có hai đứa con trai. Người em út không chịu
làm ăn. Một hôm đòi cha chia gia tài và đi phương xa tiêu pha, ăn chơi đàng điếm.
Hết tiền phải đi chăn heo khổ cực. Không có gì ăn, liền quay về định xin lỗi
cha và xin làm gia nhân trong nhà. Nhưng người cha thương con, thứ tha hết tội
lỗi của nó, ôm nó vào lòng và đãi tiệc ăn mừng vì nó trở về. Người anh cả, lâu nay
cung cúc tận tụy, tỏ ra
không bằng lòng. Người
cha ôn
tồn giảng giải: nó là em con, đã chết nay sống lại, đã mất nay
lại tìm thấy.
Dĩ nhiên
người cha trần thế không giống như Cha trên trời được, nhưng qua đó, các môn đệ
mường tượng ra Chúa Trời cùng với những tính cách của Ngài:
-
Một người cha giàu có, quyền lực.
-
Một người cha hết mực nhân từ, yêu thương vô điều kiện.
-
Một người cha đầy lòng vị tha, bao dung.
-
Một người cha biết tôn trọng tự do con cái, kiên nhẫn,
không câu nệ, không so đo tính toán, không xét nét.
-
Một người cha luôn mong muốn con cái biết yêu thương,
chia sẻ và nhịn nhục nhau.
Thượng Đế của mạc khải nơi
dân Do Thái là một quan niệm độc thần và ngôi vị, rất xa lạ với nền văn hoá đa
thần của các dân tộc cổ đại cùng thời. Để giữ niềm tin này, người Do Thái phải có một nỗ lực phi thường để chống lại khuynh
hướng tôn thờ ngẫu tượng, luôn chực chờ
nổi dậy trong văn hoá xã hội lúc bấy giờ.
5.2. Ngẫu tượng là gì?
Ngẫu tượng mà ta nói tới là hình ảnh méo mó, không đúng bản
chất thật của Chúa Trời.
Feuerbach, nhà vô thần, là người mà Karl Marx dựa vào triết học của ông để khai triển luận
chứng duy vật của mình, cho rằng Thượng Đế chẳng qua chỉ là ước vọng, chỉ là
hình ảnh lý tưởng do con người hư cấu nên.
Thật vậy, con người luôn tìm cái gì cụ thể, mà Thiên Chúa
thì vô hình, vô tướng. Ta khó mà nói chuyện, mà cầu khẩn với cái gì không thấy,
tĩnh lặng đến khó hiểu. Thượng Đế lại là cái hết sức cần cho đời sống hằng ngày.
Vậy thì, thiết thực nhất, là nặn ra cho mình một Thượng Đế, phản ánh nhu cầu
thiết yếu mà ta đang nhắm tới. Ngẫu tượng vì thế nhan nhản khắp mọi nơi.
Dân Do Thái trong hoang mạc, chờ lâu ngày không thấy thủ
lãnh Moise xuống núi.
Ông là đại diện dân Chúa, chỉ có ông giáp mặt với Thượng Đế mà họ chưa thấy bao
giờ. Họ đã tưởng tượng Thiên Chúa như một con bò vàng, đúc nên và tôn thờ con
bò ấy. Con bò là biểu tượng sự sung mãn vật chất, no ấm. Hình ảnh con bò trong
sách Xuất Hành là đặc trưng cho ngẫu tượng.
Nhưng Thượng Đế là một thực tại khách quan.
Lệnh của Thiên Chúa cho dân Do Thái: “Ngươi không
được có thần khác đối nghịch với ta, ngươi không được tạc tượng, vẽ bất cứ vật
gì trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để
mà thờ.” (Xh 20,3-4), là một tuyên
ngôn còn giá trị mãi đến hôm nay, trong cái xã hội tôn thờ vật chất này và ngay
trong tâm khảm những người đã tin có một Chúa Trời. Thay vì đưa con người tiếp
cận với chân lý, thì ngẫu tượng lại
làm ta xa dần Ngài.
Ngẫu tượng nô lệ hoá con người, ngẫu tượng biến tấu đa dạng
dưới nhiều hình thức.
Thô thiển thì buôn thần bán thánh, coi Thượng Đế như quan
toà trần thế tham lam quyền hành và lợi lộc, chia chác. Có thể hối lộ, mua chuộc
bằng vật chất, cúng bái, đền bù.
Thậm chí coi
Thượng Đế có vai trò như thiên lôi, dưới quyền sai khiến của con
người. Khi Ngài được
nghe mách lẻo thì tự ái trả
thù, vì có người dám làm điều bất ưng. Thượng Đế này rất vui thú khi thấy người
ta hy sinh vì mình. Hàm ơn vì danh mình được bảo vệ, cho dù có người phải chết.
Hoặc nhẹ nhàng hơn: Ngài chỉ mủi lòng khi thấy được người
ta cầu khẩn khóc lóc; háo danh khi được ca tụng, ton hót, xu nịnh; và chỉ ban
ơn huệ cho ai biết điều, cầu cạnh Ngài.
Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện:
“Xin cho danh Cha được cả sáng, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”
(Lc 11,2-4). Từ đầu tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã cho vạn vật vận hành theo những
quy luật mà thánh kinh đã nhắc nhiều lần: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.” (St
1,10). Thiết nghĩ, Thiên Chúa chân thật, Ngài không muốn tự mâu thuẫn với chính
mình khi can thiệp vào những việc trái quy luật, cái mà ta thường cho là phép lạ.
Tất cả đều không đúng bản chất của Thượng Đế cao cả, khôn
sánh. Đó là điều báng bổ.
Chúng ta thử tự vấn lương tâm xem, có lúc nào, ta đã biến
Chúa Trời thành ngẫu tượng và đem ngẫu tượng đó đi truyền bá khắp nơi, cho cả
thế hệ trẻ. Rồi tự hỏi sao chúng cứng lòng không chấp nhận?
Suy cho cùng: Thượng Đế chính là Chân Thiện Mỹ.
Cái chân thực, cái thiện hảo tuyệt đối.
Ngài cũng là cái đẹp tuyệt mỹ: tất cả của hứng thú, đam
mê và khát vọng hạnh phúc. Cái đẹp thực sự này đưa tâm hồn ta đến cõi sống,
tăng trưởng, vui thú; ngược lại với cái xấu của bất hạnh, huỷ diệt chết
chóc.
Thượng Đế là cái lực hút mọi hoạt động của ta: tri thức,
thiện tâm, thẩm mỹ. Thiếu
vắng lực hút này mọi sự rỗng không, ta chỉ còn là một cái xác không hồn
mà thôi.
Chúa Giêsu nói: “Khi
ta bị treo lên, ta sẽ kéo mọi sự lên
cùng ta.” (Ga 12,32) Muốn lên đến
cõi thượng giới này, con người phải trở nên tinh tuyền, phải đóng góp và dấn thân
vào hành trình tiến hoá tập thể. Đây là thời kỳ quá độ để tới đích, không phải là một hành trình vô
định, sớm
muộn có lẽ do ta chọn lựa.
5.3. Một thái độ
đúng đắn
Đức Maria, khi được thiên thần báo tin sẽ thụ thai
Chúa Cứu Thế, Ngài suy nghĩ và tự hỏi điều đó có ý nghĩa gì. Maria không hiểu, nhưng khi biết
việc Thiên Chúa làm, thì Ngài mau mắn đáp lại “Xin vâng”.
Trải qua bao nhiêu biến cố: từ lời tiên
tri cụ Simeon nói về con trẻ khi Maria
dâng
Chúa Giêsu vào đền
thánh, trốn sang Ai Cập vì vua Herode tìm con trẻ
mà giết, theo Ngài khi đi giảng đạo
và chứng kiến nhiều phép lạ Ngài làm, cho đến khi
Chúa Giêsu bị hành
hình, âm thầm đứng dưới chân thánh giá: ê chề, phi
lý, không hiểu nổi
những bí nhiệm Thiên Chúa thực hiện, Maria chỉ khiêm
tốn chiêm nghiệm trong lòng.
Lời
kinh Magnificat tuyệt vời đã nói lên tất cả thái độ đúng đắn phải có, giữa thụ tạo
và Thượng Đế:
“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa.
Và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Vì Chúa đã đoái thương phận hèn tôi tớ.
Này từ nay, muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước.
Vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại.
Danh Người là thánh.
Lòng thương
xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia hằng bao bọc những ai kính sợ Ngài…” (Lc 1:46-50).
Trước
Thượng Đế cao sang, toàn năng và thánh thiện, Đức Maria đã không xin điều gì mà chỉ:
-
Khiêm tốn, chiêm nghiệm.
-
Ngưỡng mộ, biết ơn.
-
Vui mừng vì được Đấng Tạo Hoá đoái hoài, thương mến, cứu
độ.
-
Tuân phục.
Chúng ta cám ơn Thượng
Đế, vì đã giao cho con người cai quản vũ trụ, cho ta địa vị là chủ nhân thiên nhiên: “Hãy làm cho
đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trời và mọi loài bò
sát trên mặt đất.” (St:1,28b)
Nhờ sự cứu chuộc của
Chúa Kitô, chúng ta trở nên đứa con thừa tự, chuyện vãn với Ngài như một người
Cha. Thánh Phaolô viết: “Chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng,
chúng ta là con cái Thiên Chúa.” (Rm, 8,15)
PHẦN CUỐI
Blaise Pascal: Đứng trước sự lựa chọn hữu thần hay vô thần,
thái độ khôn ngoan là chọn lựa hữu thần, vì ta sẽ không mất mát gì cả.
Nhưng đức tin vào
một Chúa Trời không phải là sự chọn lựa khiên cưỡng như lập luận của Pascal, mà
là một lời mời gọi để ta chấp
nhận với sự tự do sáng suốt của lý trí, với một lòng thành kính cảm nhận từ thực tế cuộc sống.
-
Đức tin là hành động:
Đức tin đòi
buộc ta phải dấn thân, đến chân lý
bằng cả tâm hồn và cuộc sống. Chúa Giêsu nói: “Ngươi phải yêu
mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức
ngươi” và “Điều thứ hai: ngươi phải
yêu người thân cận như chính mình”
(Mc
12,28-34).
Nói tóm lại: tin hay không tin, không phải là lời nói
suông, mà là đánh đổi bằng cuộc sống, bằng hành động cho một lý tưởng, là tuân
giữ những điều Thiên Chúa muốn.
Chúa Giêsu: “Ai yêu mến thầy
thì tuân giữ lời thầy. Cha của thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của thầy và thầy sẽ
đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).
-
Tự do hay nô lệ:
Phúc âm, lời Chúa dạy đơn sơ, cụ thể và rất nhân bản: “Ngày
sa bát (ngày thứ 7, ngày
bắt buộc nghỉ) được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa
bát.” (Mc 2,27). Luật lệ đặt
ra là để phục vụ con người, làm cho sự tự do chân chính nơi con người được phát
triển, chứ không phải là để con người hoá ra nô lệ và phục vụ ngược lại cho lề
luật vô cảm.
Thượng Đế không bao giờ muốn nô dịch con người Ngài tạo dựng,
mà ban cho nó cái rất quý là sự tự do. Thánh Phaolô nói: “Anh em đã
được gọi để được hưởng tự do” (Gl 5,13).
“Thượng Đế tạo
dựng con người theo hình ảnh Ngài”
(St 1,27): không phải là có mắt, tay chân, mồm mũi như con người thể xác, mà chính
là tri thức và tự do.
Con người được tự do đến độ dám “tranh cãi” cả với Thượng
Đế (bài giảng của
ĐGH Phanxicô khi nói về
niềm tin của tổ phụ Abraham, tháng 5,2020).
Đức tin đã giải phóng chúng ta khi nhìn ra sự thực, nhìn
ra bản chất thực của sự sống và của vũ trụ: “Sự thực sẽ
giải phóng anh em.” (Ga 8,32). Thiên Chúa là hữu thể: “Không
có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.” (Ga 1,3)
Càng văn minh, càng biết nhiều, càng sống ảo, ta càng khám
phá ra rằng chúng ta quá
ít hiểu biết về con người và vũ trụ vi diệu, công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta
càng gần gũi hơn với Ngài,
thì khám phá ra rằng mình quá nhỏ bé và
tất yếu lệ thuộc vào sự cao cả của Đấng Tạo Hoá khôn ngoan toàn
trí.
-
Thế giới đại đồng:
Từ Khổng Tử trong sách Kinh Lễ: “Đại Đạo mà
thi hành được thì thiên hạ là của chung” (Đại Đạo
chi hành dã, thiên hạ vi công).
Cho đến Lão Tử, trong Đạo Đức Kinh: Kẻ phàm phu khi nghe Đạo
thì chế giễu; người
bậc trung khi nghe Đạo thì nửa tin nửa ngờ; bậc thượng trí mà nghe Đạo thì tìm
cách mà thi hành.
Đến Karl Marx trong
biện chứng lịch sử, đều mơ về một thế giới đại đồng, ở đó ai cũng bình đẳng như
nhau, của cải chia đều: làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu.
2500 năm sau,
thế giới đại đồng chẳng thấy đâu.
Pascal nói: “Qui veut faire l’ange fait la bête.” (Ai muốn làm thiên thần sẽ
trở thành con vật). Người thì phải thành người, mới phải lẽ.
Tin vào Chúa Trời, tin vào lời Chúa Giêsu mời gọi: “Các
con hãy nên hoàn thiện như cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48). Con người sẽ hoàn thiện dần và
sẽ đến một thế giới đại đồng thực sự. Mặc dù ngày ấy còn rất xa.
Tiếng Kêu Trong Sa Mạc
****************