Lịch Sử Cuộc Ly
Khai Của Giáo Hội Tin Lành
Linh Tiến Khải
1. Cuộc ly khai của Giáo Hội Chính Thống
Trong lịch sử Kitô giáo, ngoài các vụ chia rẽ có từ hồi
thế kỷ thứ IV, cuộc ly khai lớn nhất đầu tiên xảy ra ngày 16 tháng 7 năm 1054,
khi Giáo Hội Tây Phuơng và Giáo Hội Đông Phương ra vạ tuyệt thông cho nhau, và
biến thành Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống.
Sau đó, các biến cố chính trị lịch sử như: cuộc viễn chinh
lần thứ tư của các thập tự quân Công Giáo đánh chiếm thành Costantinopoli,
cướp bóc và tàn sát các Kitô hữu Chính Thống giáo năm 1204; biến cố
Costantinopoli rơi vào tay quân Hồi giáo của Đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ năm
1453; và chế độ cộng sản Liên Xô thống trị Nga từ năm 1917 và các nước Đông Âu
từ năm 1944;… đã khiến cho hố sâu ngăn cách giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội
Chính Thống ngày càng sâu đậm. Phải cho mãi tới sau Công Đồng Chung Vatican II
(1963 – 1965), tình hình mới dần khởi đầu được cải thiện với phong trào đối
thoại đại kết.
2. Cuộc ly khai của Giáo Hội Tin Lành (hay Giáo Hội Cải
Cách)
Cuộc ly khai lớn thứ hai trong Giáo Hội xảy ra hơn bốn thế
kỷ sau vào năm 1517, khởi đi từ Phong trào phản đối hay cải cách do Martin
Luther khởi xướng làm nảy sinh ra các Giáo Hội Tin Lành hay Giáo Hội Cải Cách.
Martin Luther là một linh mục dòng Augustino, người Đức, giáo sư tại phân khoa
thần học Wittenberg.
Trong các năm từ 1510 tới 1520, Martin Luther dạy các môn
về Thánh Kinh: các Thánh Vịnh, các thư Thánh Phaolô các giáo đoàn Do Thái, Roma
và Galát. Giáo sư Martin Luther xác tín rằng: Giáo Hội thối nát trong các đường
lối của mình và đã đánh mất đi nhiều chân lý chính của Kitô giáo; điều quan
trọng nhất chính là “ơn Công Chính Hóa”. Tín hữu chỉ được
công chính hóa nhờ đức tin và Ơn Thánh Chúa ban, chứ không do công nghiệp của
mình. Công chính hóa hoàn toàn là công trình của Thiên Chúa. “Người Kitô
hữu nhận được sự công chính hoàn toàn từ bên ngoài; sự công chính không chỉ đến
từ Chúa Kitô, nhưng là sự công chính của Chúa Kitô “được gán cho Kitô hữu” qua
đức tin. Do đó, chỉ có đức tin mới khiến cho tín hữu được trở nên công chính và
chu toàn luật lệ. Điểm đầu tiên và chính yếu đó là: “Đức Giêsu
Kitô là Thiên Chúa và là Chúa đã chết cho tội lỗi chúng ta, và đã sống lại cho
sự công chính hóa của chúng ta” (Rm 3,24-25). Chỉ có Ngài là Chiên
Con Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian (Ga 1,29) và Thiên Chúa đã “chất lên
Ngài” tội ác của chúng ta (Is 53,6). Tất cả
mọi người đều đã phạm tội và được nên công chính một cách tự do, mà không có
các công việc làm và công nghiệp của mình, nhưng bởi Ơn Thánh Chúa, qua Ơn Cứu
Độ nơi Chúa Kitô Giêsu, trong Máu Ngài (Rm 3,23-25); Đây là điều phải tin. Nó
không được chiếm hữu hay giật lấy được bởi bất cứ công việc, luật lệ hay công
nghiệp nào. Vì thế, thật rõ ràng và chắc chắn là: chỉ niềm tin này khiến cho
chúng ta nên công chính. Việc tái khám phá ra Chúa Kitô và Ơn Cứu Độ của Ngài
là điểm đầu tiên trong hai điểm trở thành nền tảng của sự Cải Cách cùng với
Thánh Kinh và chỉ có Thánh Kinh. Martin Luther dựa trên điều này để chửi rủa
chống lại việc buôn bán ân xá trong Giáo Hội Công Giáo thời đó.
Martin Luther khước từ nhiều giáo huấn và thực hành của
Giáo Hội Công Giáo thời Muộn Trung Cổ. Ông tin rằng, sự cứu rỗi đời sau là ơn
Thiên Chúa ban “cách nhưng không” cho tín hữu qua
niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, là Đấng cứu loài người khỏi tội lỗi, chứ không do
các việc làm hay công nghiệp của con người. Thần học của Martin Luther cũng
thách thức quyền bính và chức vụ của Đức Giáo Hoàng, bằng cách khẳng định rằng:
chỉ có Thánh Kinh là nguồn gốc duy nhất của sự hiểu biết được chính Thiên Chúa
mạc khải. Ông cũng chống lại khuynh hướng duy giáo sĩ, bằng cách khẳng định
chức linh mục thánh của tất cả mọi Kitô hữu.
Lý cớ cho các phản đối gay gắt của Martin Luther là vụ
Johann Tetzel, tu sĩ Dòng Đaminh và là ủy viên Giáo Hoàng đặc trách việc ban
các ân xá, được gửi sang Đức để bán các ân xá nhằm lấy tiền xây cất đền thờ
thánh Phêrô tại Roma. Thần học Công Giáo Roma tuyên bố rằng: chỉ có đức tin
không thôi, thì không thể khiến cho con người được công chính; việc công chính
hóa chỉ tùy thuộc đức tin tích cực, được thể hiện trong việc thi hành tình bác
ái và các việc làm tốt. Các lợi ích của việc làm tốt có thể có được bằng cách
dâng cúng tiền bạc cho Giáo Hội. Martin Luther không tin tiền bạc có thể giải
thoát con người khỏi bị Thiên Chúa trừng phạt vì tội lỗi. Ông đề nghị một cuộc
thảo luận về quyền năng và sự vô ích của các ân xá trong Luận thuyết 95 điểm
công bố năm 1517. Ngày 31 tháng 10 năm 1517, Luther viết thư cho Đức Cha
Albrecht, Tổng Giám mục Mainz và Magdeburg, phản đối việc bán các ân xá, kèm
theo một bản “Tranh luận của Martin Luther về quyền lực và hiệu qủa các ân xá”,
được biết tới như 95 luận thuyết. Các luận thuyết này không có ý đối đầu với
Giáo Hội, nhưng chỉ như là một tranh luận chống lại các thực hành trong Giáo
Hội thời đó với giọng điệu tìm hiểu hơn là giáo thuyết. Tuy nhiên, cũng có
nhiều luận thuyết có giọng điệu thách thức, chẳng hạn luận thuyết 86 hỏi: “Tại sao
Đức Giáo Hoàng có của cải giàu sang lớn hơn người giàu nhất là ông Crassus, lại
xây vương cung thánh đường thánh Phêrô với tiền của người nghèo thay vì với
tiền của chính mình?”.
Martin Luther phản bác câu nói thái quá được gán cho tu sĩ
Johann Tetzel: “Vừa khi đồng tiền kêu vang trong hòm quyên, là
linh hồn trong luyện ngục nhảy lên thiên đàng”. Ông nhấn mạnh rằng,
vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội, những người yêu sách rằng các ân xá
tha mọi hình phạt cho những người mua và ban cho họ ơn cứu rỗi là sai lầm. Kitô
hữu không được nới lỏng việc theo Chúa Kitô vì các bảo đảm giả đối ấy.
Đức Cha Albrecht đã không trả lời thư chứa đựng 95 luận
thuyết của Martin Luther, nhưng duyệt xét và coi chúng là lạc giáo; rồi vào
tháng 12 năm 1517, Đức Cha Albrecht đã gửi lá thư này về Roma. Lý do là vì Đức
Cha cần tiền từ việc bán ân xá, để thanh toán cho xong việc Đức Giáo Hoàng cho
phép Ngài chiếm hưởng lợi tức của hơn một Giáo phận. Đức Giáo Hoàng cũng nhúng tay
vào vụ này, vì phân nửa số tiền bán ân xá được gửi về xây đền thờ thánh Phêrô.
Chưa tới tháng giêng năm 1518, bạn hữu của Luther đã dịch
95 luận thuyết ra tiếng Đức, cho in và phân phát khắp nơi, khiến cho cuộc tranh
luận trở thành nổi tiếng hàng đầu thời đó. Chỉ trong vòng hai tuần, tài liệu
được phổ biến khắp nước Đức, và trong vòng hai tháng, nó đã lan sang toàn Âu
châu, tới Pháp, Anh và Italia đầu năm 1519. Các sinh viên tuốn đến Wittenberg
để nghe Luther giảng dạy. Luther cho in cuốn chú giải thư gửi giáo đoàn Galát
và các Thánh Vịnh. Và năm 1520, cho in ba tác phẩm nổi tiếng nhất: “Cho giới
quyền quý Kitô của quốc gia Đức”; “Về tình trạng bị giam cầm bên
Babilonia của Giáo Hội”; “Về sự tự do của Kitô hữu”.
Trong ba năm trời, Đức Giáo Hoàng Leo X đã huy động hàng
loạt các thần học gia Giáo Hoàng và các phái viên chống lại Luther. Trước hết,
thần học gia Dòng Đaminh Sylvester Mazzolini soạn bản phúc thảo trường hợp lạc
giáo chống lại Luther, mà Đức Giáo Hoàng Leo X cho gọi về Roma. Nhưng hoàng tử
Frederick III, vùng Sassonia, thuyết phục Đức Giáo Hoàng cho điều tra Luther
tại Augsburg, là nơi Hoàng đế họp hội nghị.
Tháng 10 năm 1518, tại Augsburg, trong vụ hỏi cung của Đức
Hồng y Cajetan, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng, Luther tuyên bố ông không coi chức
Giáo Hoàng là phần của Giáo Hội trong Thánh Kinh, bởi vì giải thích lịch sử của
lời tiên tri trong Thánh Kinh kết luận rằng chức Giáo Hoàng là Phản Kitô. Thế
là các lời tiên tri liên quan bởi tên Phản Kitô trở thành trung tâm các cuộc
tranh cãi. Cuộc khảo cung biến thành cuộc đấu la hét giữa hai bên. Việc đối đầu
với Giáo Hội khiến Luther trở thành kẻ thù của Giáo Hoàng. Ban đầu Đức Hồng y
Cajetan ra lệnh bắt giữ, nếu Luther không công khai thu hồi các ý kiến của ông.
Nhưng ban đêm, Luther trốn khỏi thành Augsburg.
Tháng giêng năm 1519, tại Altenburg vùng Sassonia, Đức Sứ
Thần Toà Thánh Karl von Miltitz áp dụng phương pháp hòa dịu hơn, Luther đồng ý
vài nhượng bộ vì Đức Hồng y có bà con với hoàng tử Frederick III, đồng thời hứa
sẽ im lặng, nếu phía chống đối cũng thinh lặng. Tuy nhiên, thần học gia Joahann
Eck nhất định đưa giáo thuyết của Luther ra diễn đàn công khai.
Tháng 6 năm 1519, Johann Eck tổ chức cuộc tranh luận với
Andreas Karlstadt, bạn của Luther, tại Leipzig và mời Luther lên tiếng. Khẳng
định táo bạo nhất của Luther trong cuộc tranh luận đó là: văn bản Phúc Âm thánh
Matthew chương 16 câu 18 không ban cho các Giáo Hoàng quyền giải thích Thánh Kinh,
và vì thế, các Giáo Hoàng cũng như các Công Đồng của Giáo Hội cũng sai lầm.
Thần học gia Eck coi Luther là một người lạc giáo, và từ đó nhất quyết đánh hạ
Luther.
Ngày 15 tháng 6 năm 1520, Đức Giáo Hoàng Leo X công bố sắc
chỉ “Exsurge Domine” cảnh cáo ra vạ tuyệt thông, nếu Luther
không thu hồi 41 khẳng định khỏi các bút tích của mình, bao gồm cả 95 luận
thuyết, nội trong vòng 60 ngày.
Mùa thu năm 1520, Johann Eck công bố sắc chỉ tại Meissen
và các thành phố khác bên Đức. Đức Sứ Thần Karl von Miltitz thử làm môi giới
cho một giải pháp. Nhưng ngày mùng 10 tháng 12 năm 1520, Luther công khai đốt
sắc chỉ và các sắc lệnh khác của Đức Giáo Hoàng tại Wittenberg. Trước đó, vào
tháng 10, Luther đã gửi cho Đức Giáo Hoàng một ấn bản cuốn “Về sự tự
do của Kitô hữu”. Hậu quả là ngày mùng 3 tháng giêng năm 1521, Đức
Giáo Hoàng Leo X công bố sắc chỉ “Decet Romanum Pontificem” chính
thức ra vạ tuyệt thông cho Luther.
Sự kiện này không chỉ riêng trong nội bộ Giáo Hội, nhưng
cũng được công khai trước chính quyền xã hội. Ngày 18 tháng 4 năm 1521, Luther
được lệnh trình diện trước Hội nghị của Đế quốc thánh Roma, do Hoàng đế Carlo V
triệu tập và chủ sự tại thành phố Worms trên sông Rhein trong các ngày từ 28
tháng giêng cho tới 25 tháng ba năm 1521. Johann Eck đại diện cho Đế quốc lên
tiếng, như phụ tá của Đức Tổng Giám mục Trier, đã giới thiệu Luther với các bản
bút tích của Luther trên bàn, và hỏi: đây có phải là các sách vở tài liệu của
ông không? và ông có bênh vực các nội dung của chúng không?. Luther nhận đó là
các tác phẩm của mình, nhưng xin có thời gian suy nghĩ để trả lời câu hỏi thứ
hai. Sau khi cầu nguyện và thăm dò ý kiến của bạn bè, ngày hôm sau, Luther trả
lời: “Trừ phi tôi xác tín bởi chứng tá của Thánh Kinh hay bởi lý trí rõ ràng,
vì tôi không tin tưởng nơi Giáo Hoàng cũng như các Công Đồng, bởi như đã biết
rõ là họ thường sai lầm và mâu thuẫn, tôi bị bó buộc bởi Thánh Kinh tôi đã
trích dẫn và lương tâm tôi bị Lời Chúa bắt giữ. Tôi không thể và không muốn thu
hồi bất cứ điều gì, vì chống lại lương tâm thì không thận trọng và không đúng.
Xin Chúa giúp tôi. Amen!”.
Trong hơn năm ngày sau đó, các cuộc họp đã diễn ra để định
đoạt số phận của Luther. Hoàng đế Carlo V đưa ra văn bản chung cuộc. “Chỉ dụ
Worms” ngày 25 tháng 5 năm 1521, của Hoàng đế Carlo V, tuyên
bố Luther ngoài vòng pháp luật, cấm các bút tích của ông, và ra lệnh bắt giữ
Luther. “Chúng tôi muốn bắt và trừng phạt ông như là kẻ lạc giáo mà ai cũng biết”.
Tất cả những ai cho đồ ăn thức uống hay chứa chấp Luther là một tội phạm, và ai
giết Luther thì không bị luật pháp trừng trị.
Hoàng tử Frederick III đã dàn xếp để Luther biến mất như
thể bị bắt cóc và đưa ông tới ẩn náu tại Wartburg. Tại đây, Luther dịch Thánh
Kinh Tân Ước ra tiếng Đức. Từ đó, Luther viết nhiều khảo luận chỉ trích việc
kiếm tìm các ân xá và đi hành hương, cũng như nhiều điểm giáo lý như: tư tưởng
coi thánh lễ là hiến tế là tôn thờ ngẫu tượng; khước từ việc bắt buộc xưng tội,
khuyến khích việc xưng tội và giải tội riêng tư, vì mọi Kitô hữu đều là người
giải tội; các đan sĩ và tu sĩ có thể bẻ gẫy lời khấn mà không có tội gì, vì các
lời khấn là bất hợp pháp và là cố gắng vô ích để được cứu rỗi; tên Phản Kitô là
quyền bính Giáo Hoàng;v.v…
Bạn của Luther là Andrreas Karkstadt, được một cựu tu sĩ
Agostino là Gabriel Zwilling, đã khởi xướng một phong trào cải cách triệt để,
quá khích, vượt quá mọi dự tính và mong muốn của Luther. Phong trào Cải Cách
này đã làm nảy sinh ra các vụ lộn xộn, bao gồm cả vụ nổi loạn của các tu sĩ
Dòng thánh Agostino Augsburg chống lại tu viện trưởng, đập phá các tượng ảnh
trong các nhà thờ, và tố cáo các quan tòa,…
Năm 1525, Luther đã cưới Katharna von Bora, một trong số
12 nữ tu Xitô thuộc tu viện Nimbschen, mà ông đã giúp trốn khỏi tu viện năm
1523 làm vợ. Trong các năm 1525-1529, Luther thiết lập và củng cố các cơ cấu
của Giáo Hội mới, viết sách giáo lý nhỏ cho tín hữu, sách giáo lý lớn cho các
mục sư, sáng tác thánh nhạc,… Giáo Hội Tin Lành (hay Giáo
Hội Cải Cách) đã nảy sinh từ đó, và lan nhanh tại Đức và nhiều
nước Âu châu, trong đó có Thụy sĩ với các hoạt động của Calvin và Zwingli.
3. Những nét chính yếu của Giáo Hội Tin Lành hay Giáo Hội
Cải Cách
– Thứ nhất, các điểm tham chiếu là: sự công chính hóa của
đức tin, chỉ cần đức tin là đủ cho ơn cứu rỗi; chỉ có Thánh Kinh. Vì thế Giáo
Hội Tin Lành khước từ quyền của Đức Giáo Hoàng. Mỗi người có thể đọc và giải
thích Thánh Kinh.
– Thứ hai, không có hàng giáo sĩ, chỉ có các hướng dẫn
viên tinh thần được gọi là các mục sư.
– Thứ ba, chỉ có hai Bí tích: Bí tích Rửa Tội và Bí tích
Thánh Thể. Tuy nhiên, về Bí tích Thánh Thể, Luther vẫn tin vào sự hiện diện
thật của Đức Giêsu Kitô trong Bí tích, nhưng các đồ đệ của ông không tin. Với
họ, “Thánh lễ chỉ là lễ nghi tưởng niệm bữa tiệc chiều của Chúa, bánh và
rượu được làm phép không phải là Mình và Máu Chúa Kitô, nhưng chỉ là bánh và
rượu thôi”.
– Thứ
tư, lễ nghi phụng vụ Chúa Nhật dựa trên các bài đọc Thánh Kinh được mục sư giải
thích.
– Thứ
năm, các tín hữu Tin Lành cũng tuyên xưng đức tin với Kinh Tin Kính.
– Thứ
sáu, họ không tôn kính Đức Maria và không coi Đức Maria là mẹ Thiên Chúa. Họ
cũng không kính các Thánh, và trong các nhà thờ Tin Lành không có các ảnh
tượng.
Hiện
nay, Giáo Hội Tin Lành chia thành nhiều nhánh khác nhau, và bao gồm hàng ngàn
giáo phái tự trị.