CHƯƠNG VIII

SINH HOẠT GIÁO LÝ

 

I. Mục đích:

    1. Thư giãn, giải trí.

Sau khi các em học sinh đã gặp Chúa trong phần cầu nguyện giữa giờ, nghĩa là đã học quá nữa giờ Giáo lý, Giáo lý viên nên cho các em học sinh sinh hoạt ít phút để tâm trí các em được thư giãn, thoải mái hầu có thể tiếp tục học hỏi tốt hơn nửa giờ Giáo lý còn lại.

    2. Tạo bầu khí vui tươi trong giờ học Giáo lý.

    3. Ghi nhớ nội dung bài Giáo lý.

Phần sinh hoạt cũng nhằm giúp các em ghi nhớ những gì vừa học. Do đó, phần sinh hoạt này phải được lựa chọn phù hợp với nội dung bài Giáo lý.

II. Các hình thức sinh hoạt trong giờ Giáo lý.

Vì thời gian sinh hoạt rất ngắn, khoảng 5 phút và không gian sinh hoạt là phòng học, nên chúng ta chỉ lựa chọn các hình thức sinh hoạt đơn giản sau đây : băng reo, trò chơi nhỏ, bài hát.

1. Băng reo.

Chúng ta sáng tác băng reo dựa theo nội dung bài Giáo lý và theo một trong các  thể loại sau đây  :

a. Các em lặp lại theo người điều khiển, thêm cử điệu.

Ví dụ :

-Người điều khiển  (NĐK)  : Chúa đã về.

-Tất cả  (TC)  lặp lại : Chúa đã về  (vỗ tay 3 cái).

-NĐK: Trên phố phường –  TC : lặp lại  (bước vào 3 bước)

-NĐK: Trên làng quê          TC :  lặp lại  (bước thêm vào 3 bước).

-NĐK: Trên quê hương Việt NamTC : bước ra 6 bước, vung tay và la lên : A !

b. Người điều khiển chỉ nói 1 câu, tất cả nói câu khác.

Ví dụ :

-NĐK : Chúa ở đâu ?      TC : Trong anh  (chỉ vào người bên cạnh).

-NĐK : Chúa ở đâu ?  TC : Trong tôi  (chỉ ngực).

-NĐK : Chúa ở đâu ?  TC : Trên trời  (chỉ lên trời).

-NĐK : Chúa ở đâu ? TC : Khắp mọi nơi  (xoay tròn).

c. Người điều khiển nêu nhiều ý, tất cả chỉ lặp lại một câu :

Ví dụ :

-NĐK : Ta vui             -  TC : bên nhau  (vỗ tay 2 cái).

-NĐK : Ta múa           -  TC : bên  nhau  (vỗ lên đùi hai cái).

-NĐK : Ta hát             -  TC : bên nhau  (hai tay lên vai).

-NĐK : Tất cả            -  TC : bên nhau.

d. Người điều khiển nêu ý, tất cả cùng bổ túc ý.

Ví dụ :

-NĐK : Sống trên đời       -  TC : Phải có bạn  (giơ hai tay hình chữ V).

-NĐK : Không có bạn  -  TC : Buồn chết đi   (chắp tay).

-NĐK : Nhưng phải chọn -  TC : Bạn tốt  (nắm tay người bên cạnh).

2- Trò chơi

a. Định nghĩa :

Trò chơi là một cuộc vận động sinh hoạt :

-         Do một người tổ chức.

-         Cho một số người tham gia.

-         Theo một quy ước có hướng dẫn.

-         Trong một thời gian nhất định.

-          Tại một nơi chốn.

b. Mục đích :

-          Giúp xây dựng bầu khí vui tươi, rèn luyện sự khéo léo và giáo dục chiều sâu nội tâm.

-          Đối với Giáo lý, trò chơi còn giúp ghi nhớ nội dung Giáo lý.

c. Yêu cầu trong Giáo lý : giáo dục chiều sâu :

Trò chơi góp phần giáo dục :

-          Về nhân bản : Trò chơi giúp nhận thức kỷ luật tập thể, tính trung thực, ý chí cương quyết.

-          Về thiêng liêng : Trò chơi có tính tôn giáo hình thành ý niệm Thiên Chúa và tha nhân, thêm yêu mến Thánh Kinh, lời mời gọi của Chúa.

d. Chọn trò chơi phù hợp với lứa tuổi (13 -15 tuổi).

Chọn những trò chơi có tính động, nhanh, có tính ganh đua, đòi suy nghĩ …

e. Điều khiển trò chơi.

Giáo lý viên làm người quản trò, điều khiển cuộc chơi. Để thành công, nên cân nhắc chọn lựa trò chơi cho thích hợp với không gian, nội dung bài Giáo lý,lứa tuổi và số người tham dự.

Quản trò lưu ý tới 4 bước sau đây  :

[1]. Chuẩn bị trò chơi  :

Nghiên cứu kỹ lưỡng  :

* Địa điểm.

* Phân công cụ thể.

* Chuẩn bị các dụng cụ chơi cho chu đáo.

[2]. Hướng dẫn trò chơi  :

* Giới thiệu tên trò chơi, phổ biến luật chơi.

* Ở từng điểm nên hỏi lại xem mọi người đã hiểu, đã nắm vững luật chơi chưa.

* Đề nghị chơi thử, nháp một hai lần cho chắc chắn, cũng là tạo bầu khí lôi cuốn vào cuộc chơi hơn.

[3]. Diễn tiến trò chơi  :

Đang khi tiến hành cuộc chơi. Quản trò phải chú ý đến tính cách sau đây, liên quan đến tâm lý người chơi  :

*  Luôn nhắc nhở, nêu cao tinh thần tự giác, trung thực.

* Khéo léo khuyến khích những em nhút nhát chưa quen  sinh hoạt.

[4]. Kết thúc trò chơi :

Khi trò chơi chấm dứt, cần lưu ý đến các điểm sau đây  :

* Tuyên bố kết quả trò chơi cho công bằng, khen người thắng và khuyến khích người thua.

* Nên vắn tắt nêu ý nghĩa trò chơi vừa chơi xong, ý nghĩa nhân bản và ý nghĩa hướng về nội dung bài Giáo lý.

Ví dụ : Tên trò chơi : Thám tử tài ba.

- Thể loại : Trò chơi lý luận trong phòng hay ngoài trời cho 20 tới 30 người

- Chia thành 2 đội. Độ tuổi : thiếu niên.

- Rèn luyện : óc nhận định và suy đoán khách quan.

- Giáo dục : Ý thức về tha nhân với các nét đặc thù.

- Luật chơi : Mỗi đội lần lượt bí mật chọn trước một người trong đội mình, nêu lên một đặc điểm tiêu biểu và dí dỏm của người ấy. Mỗi đội phải họp bàn nhanh với nhau để tìm ra người có đặc điểm như thế trong đội kia là ai.  Có thể chơi 3 hay 5 hiệp để tính điểm thắng thua giữa hai đội.

- Mục đích : Gây tình thân ái trong lớp.

- Lưu ý : Tế nhị, tránh đưa ra những dị tật của người khác.

3. Bài hát :

         a. Giá trị bài hát  :

- Bài hát có thể dùng trong việc giảng dạy như một phương tiện sư phạm sinh động và có hiệu quả cao.

- Bài hát có khả năng chuyển tải ý nghĩa một chủ đề giáo dục nhân bản hoặc một bài Giáo lý.

- Bài hát có thể nhanh chóng gây dựng được bầu khí vui tươi cho lớp học, tập thể.

         b. Cách chọn bài hát  phù hợp với lứa tuổi (13- 15 tuổi)

- Chọn những bài hát mạnh, nhịp nhàng, phấn khởi, có tính cộng đồng, những bài Thánh ca vào đời.

- Phù hợp với chủ đề, nội dung bài Giáo lý.

         c. Phương pháp tập hát  :

- Hát trước bài hát 2, 3 lần cho mọi người nghe quen tai.

- Sau đó tập từng câu.

- Vừa hát vừa cắt nghĩa từng câu của bài hát một cách lý thú và sinh động.

BÀI TẬP : Chọn một bài Giáo lý khối Kinh Thánh và sáng tác hoặc chọn một băng reo, một trò chơi, một bài hát có sẵn phù hợp với nội dung bài Giáo lý.

 

 

CHƯƠNG IX :   BÀI TẬP GIÁO LÝ

 

I. Mục đích:

Bài tập Giáo lý có mục đích giúp các em học sinh hiểu và nhớ nội dung bài Giáo lý.

II. Các loại bài tập.

Các loại bài tập sau đây phù hợp với các em học sinh khối Kinh Thánh (13- 15t).

1. Tìm câu Kinh Thánh diễn tả bức tranh:

Lấy bức tranh diễn tả nội dung đoạn Lời Chúa  của bài học Giáo lý vừa công bố và nói các em tìm trong đoạn Kinh Thánh  một câu diễn tả bức tranh.

2. Đoán Kinh Thánh theo chữ cái.

- Cách soạn : Chọn một câu Kinh Thánh trong bài học giáo lý diễn tả nội dung, ý chính của bài Giáo lý, viết tắt bằng các chữ cái đầu mỗi từ.

Ví dụ : HĂNSHVTVTM.

          - Đáp án: Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng.

    3. Tìm ở cột B một câu thích hợp với một câu ở cột A

- Nội dung : Nội dung của bài tập nhằm huấn luyện óc phán đoán về cách sống Lời Chúa,về đời sống của người Kitôâ hữu trong đời sống hằng ngày.

- Cách soạn :

* Cột A: Viết về cách sống của một người.

* Cột B : Đánh giá về cách sống ấy.

Chúng ta đảo lộn các câu ở cột B để các em tìm cách ráp lại cho hợp với câu ở cột A.

Ví dụ : Giáo lý Kinh Thánh 2 bài 18.

BỮA TIỆC LY VÀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ.

Cột A

Cột B

1. Bạn A chỉ đi lễ và rước lễ vào ngày Chúa nhật vì nghĩ rằng luật Chúa chỉ đòi hỏi có thế.

1. Bạn này đã sồng niềm tin và bí tích Thánh Thể cách tuyệt vời.

2. Bạn B rất thích Thánh lễ, anh đi lễ và rước lễ mỗi ngày.

2. Bạn này chưa có lòng yêu mến bí tích Thánh Thể.

3. Để làm cha mẹ vui lòng, bạn C đi lễ vào mỗi ngày Chúa nhật. Anh hay đứng ngoài nhà thờ và rất ít khi rước lễ.

3. Bạn này chưa hiểu biết và chưa có niểm tin vào bí tích Thánh Thể.

 

4- Câu hỏi Trắc nghiệm :

Cách soạn : Dựa vào nội dung bài Giáo lý soạn ra một số mệnh đề, thường là 4 mệnh đề : a, b, c, d. Các  em học sinh sẽ chọn câu đúng nhất (khoanh tròn hay đánh dấu x. )

Ví dụ : Giáo lý Kinh Thánh 1, bài 15

SỐNG CÓ KỶ LUẬT.

Câu hỏi trắc nghiệm:

 Kỷ luật :

a. Giúp con người mạnh khoẻ, giầu có.

b. Giúp đào tạo con người.

c. Giúp năng lực con người được tập trung để dễ đi đến thành công.

d. Câu b và câu c đều đúng.

‚ Để dễ dàng khép mình vào kỷ luật ta phải :

a.  Ý thức kỷ luật là cần thiết.

b. Coi kỷ luật là phương thế rèn luyện mình trưởng thành.

c. Hai câu a và b đều đúng.

d. Hai câu a và b đều sai.

III. Lưu ý :

1. Bài tập có mục đích giúp các em hiểu và nhớ bài và thời gian chỉ có 6 phút thôi, nên chỉ lấy ý chính của bài Giáo lý để ra bài tập.

2. Để phần bài tập được nhanh gọn, Giáo lý viên nên viết sẵn bài tập ra một cái bảng phụ, đến giờ làm bài tập treo lên. Các em chỉ việc trả lời trên giấy câu số mấy là đúng. Hoặc viết bài tập ra giấy đem đi photo, đến giờ làm bài tập, phát bài tập cho các em và các em trả lời ngay trên giấy đó.

Ví dụ : * Viết trên bảng:

   Câu 1- Kỷ luật :

a. Giúp con người mạnh khoẻ, giầu có.

b. Giúp đào tạo con người.

c. Giúp năng lực con người được tập trung để dễ đi đến thành công.

d. Câu b và câu c đều đúng.

* Các em trả lời trên một tờ giấy :

Câu 1: d đúng

 

BÀI TẬP :  Chọn một bài Giáo lý khối Kinh Thánh và soạn một bài tập theo một trong các loại bài tập trên.

CHƯƠNG X :
SỐNG LỜI CHÚA

 

I. Gặp Chúa, tin Chúa, nghe Lời Chúa, dẫn tới việc thay đổi cách sống.

1. Trường hợp ông Da-kêu   (Lc 19, 1-10).

Ông Da-kêu là một người thu thuế giầu có. Người Do Thái xem ông cũng như những người thu thuế khác là những người tội lỗi. Sau  khi Chúa Giêsu gặp ông, ông tuyên bố: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19, 8).

2. Trường hợp Thánh Phanxicô Xaviêâ :

Phanxicô Xaviê là một giáo sư đại học, đam mê danh vọng. Nhưng với Lời Chúa do người bạn là Thánh Ignatiô luôn nhắc nhở : “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì” (Lc 9, 25), thánh nhân đã đổi đời : từ bỏ tất cả, gia nhập Dòng Tên của Thánh Ignatiô và đã trở thành một người truyền giáo nổi tiếng ở Á Châu, Quan Thầy của các xứ truyền giáo.

II. Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu  luôn mời gọi người nghe sống điều Người dậy.

1. Sau mỗi bài giảng, dụ ngôn là lời mời gọi áp dụng thực hành:

- Sau dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu,Chúa Giêsu nói: “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10, 37).

- Với chàng thanh niên đến hỏi : “Tôi phải làm gì để được sống”, Chúa Giêsu nói : “Hãy bán những gì ngươi có và đến đây theo Ta” (Mc 10, 21).

2. Chúa Giêsu kêu gọi dân chúng sống lời Người dậy.

- Sau bài giảng trên núi, Chúa Giêsu nói : “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lạy Chúa ! Lạy Chúa ! là được vào Nước Trời. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy … mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21).

- “Vậy ai nghe những Lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7, 24).

III. Giáo lý phải dẫn đến việc sống Lời Chúa.

1. Giáo lý viên giúp các em chọn một quyết tâm để sống trong tuần.

Nguồn mạch chính của Giáo lý là Lời Chúa. Vì thế một tiết học Giáo lý phải dẫn đến việc thực hành Lời Chúa.

Sau khi các em đã nghe Lời Chúa, hiểu Lời Chúa và gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện. Giáo lý viên hãy giúp các em nghĩ ra được một quyết tâm để các em sống.

2. Phương pháp giúp các em rút ra điều quyết tâm sống:

Đặc tính tâm lý của lứa tuổi náy là không thích người khác áp đặt một lối sống cho mình. Vì thế Giáo lý viên làm thế nào để tự các em tìm ra một quyết tâm sống từ bài học Giáo lý.

Để làm điều này, Giáo lý viên sẽ cho các em thảo luận với nhau theo tổ hoặc thảo luận chung cả lớp do Giáo lý viên điều khiển. Câu hỏi thảo luận để tìm ra một quyết tâm được ghi ở các sách Giáo lý Kinh Thánh 1, 2, 3, trang 4 phần bài học tâm linh. Tuỳ bài học Giáo lý, chúng ta có thể dùng cả 3 câu hỏi sau đây hay chỉ dùng một câu hỏi thứ 3:

 Bài học Giáo lý hôm nay giúp ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Ngài ?

‚ Có gương tốt nào nên theo ? Gương xấu nào cần tránh?

ƒ Qua bài Giáo lý này, Thiên Chúa muốn dậy riêng tôi điều gì? Chúa muốn tôi sống như thế nào? Đâu là quyết tâm sống của tôi  trong tuần này?

 

Đề nghị :

* Ở lớp Kinh Thánh 1 : Nên thảo luận theo lớp và Giáo lý viên điều khiển.

* Ở các lớp Kinh Thánh 2 và 3 : Có thể thảo luận theo tổ.

3. Quyết tâm sống phải cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh sống của các em.

Từ một bài Giáo lý, chúng ta có thể rút ra được nhiều điều thực hành. Chúng ta chỉ chọn một điều phù hợp với hoàn cảnh sống của các em. Chúng ta hãy giúp các em biết đừng bao giờ đưa ra một quyết tâm sống mà các em không thể làm được. Chẳng hạn : Mỗi tuần tôi sẽ giúp người nghèo vài trăm ngàn hay mỗi tuần tôi sẽ đi lễ đủ 7 ngày, trong khi các em ở xa nhà thờ hàng chục cây số.

Vì thế, khi hướng dẫn thảo luận, Giáo lý viên nên gợi ý cho các em cách khéo léo một quyết tâm sống cụ thể, mà mình cảm thấy các em cần phải sống. Giáo lý viên phải thật khéo léo để cho các em thấy do chính các em đưa ra quyết tâm đó chứ không phải là Giáo lý viên.

4. Giáo lý viên giúp các em xét lại việc sống Lời Chúa

a. Nhắc nhở điều quyết tâm :

Vào cuối giờ Giáo lý trong lời cầu nguyện kết thúc, Giáo lý viên nhắc lại điều đã quyết tâm qua lời cầu xin Chúa  giúp các em thực hành điều quyếât tâm.

b. Xét lại việc sống điều quyết tâm :

Vào giờ học Giáo lý tuần tới, Giáo lý viên hãy giúp các em xét lại việc sống quyết tâm này trước khi học bài mới.

 

- BÀI TẬP :  Chọn một bài Giáo lý khối Kinh Thánh và rút ra một quyết tâm sống phù hợp qua việc thảo luận các câu hỏi trong phần bài học tâm linh.