Bài 8 :
PHỤNG VỤ THÁNH TẨY
“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm
phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19)
Phụng vụ Thánh Tẩy hay Rửa Tội là ban ơn tái sinh làm con Thiên Chúa và
Hội Thánh qua việc thừa tác viên đổ nước và rửa nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa.
I.
NGHI THỨC THÁNH TẨY
Hiện nay Hội Thánh Công Giáo có nhiều bản văn phụng vụ dành cho việc cử
hành Bí tích Thánh Tẩy hay Rửa tội. Tựu trung có ba mẫu nghi thức cho ba trường
hợp khác nhau :
1) Nghi thức khai
tâm cho người lớn :
Đối với những người đã trưởng thành muốn gia nhập đạo cần chuẩn bị từng
bước theo ba giai đọan :
- Giai đọan I : gồm có nghi lễ tiếp nhận dự tòng,
xức dầu dự tòng và trừ tà, dành cho những người mới học giáo lý
trong thời gian dự tòng.
- Giai đọan II : gồm có nghi thức tuyển chọn, khảo
hạch, trao kinh và trả kinh, dành cho các dự tòng đã học xong giáo
lý để họ được thanh tẩy và soi sáng, thường là vào mùa Chay.
- Giai đọan III : nghi thức cử hành các bí tích khai tâm
Kitô giáo : Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể trong đêm Vọng Phục
sinh.
Ngoài ra phụng vụ của Hội Thánh cũng dự trù một nghi thức đơn giản
gia nhập đạo của người lớn, nghĩa là gồm một số nghi thức quan trọng
của ba giai đọan kia trong một cử hành phụng vụ.
2) Nghi thức gia
nhập đạo của các trẻ nhỏ đã đến tuổi học giáo lý :
Nghi thức này áp dụng cho các em đã đến tuổi khôn học giáo lý trước khi
xin gia nhập đạo. Nghi thức có sửa đổi đôi chút cho phù hợp với lứa tuổi, song
cũng cử hành trong ba giai đọan giống như nghi thức của người lớn, và cả ba bí
tích khai tâm được ban trong một buổi cử hành.
3) Nghi thức ban Bí
tích Thánh Tẩy hay Rửa Tội cho trẻ nhỏ :
Nghi thức Thánh Tẩy này áp dụng cho các trẻ em sơ sinh hoặc chưa tới
tuổi khôn. Vai trò của cha mẹ và cộng đoàn được đề cao trong các cử hành này để
đảm nhận nuôi nấng và dạy dỗ các em trong đức tin của Hội Thánh. Đối với trẻ
em, Hội Thánh chỉ ban Bí tích Thánh Tẩy, còn Bí tích Thêm Sức sẽ ban khi các em
đã khôn lớn (trừ trường hợp nguy tử), và dành quyền ban Bí tích Thêm Sức
cho Đức giám mục Giáo phận để nói lên sự hiệp thông và liên kết với Hội Thánh.
Bù lại, ngay sau nghi thức Thánh Tẩy cho trẻ em có nghi thức xức dầu
thánh (dầu SC, khác với dầu dự tòng xức trên ngực của các em
lúc khởi sự) trên đỉnh đầu cũng là dấu chỉ báo trước Bí tích Thêm Sức sẽ được xức
dầu thánh trên trán khi các em đã trưởng thành.
4) Nghi thức ban BT
Thánh Tẩy khi nguy tử :
Thừa tác viên thông thường của Bí tích Thánh Tẩy là những người có chức
thánh : giám mục, linh mục, và phó tế. Ngoài ra, trong trường hợp khẩn
cấp và nguy tử, bất cứ ai, miễn là có ý ngay lành, cũng có thể ban Bí
tích Thánh Tẩy theo nghi thức rất đơn giản : vừa đổ nước vừa đọc: “Tôi rửa
... nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
II.
Ý NGHĨA CỬ HÀNH
Ý nghĩa và ân sủng của Bí tích Thánh Tẩy được trình bày rõ nét trong các
nghi thức cử hành :
- Dấu Thánh Giá ở đầu nghi thức là dấu ấn quyền sở hữu của Chúa Kitô và
biểu thị ơn cứu độ nhờ thánh giá.
- Việc công bố Lời Chúa soi sáng các chân lý mặc khải và việc
đáp trả đức tin.
- Lời nguyện trừ tà nhằm giải thóat khỏi ách nô lệ của tội
lỗi và ma quỷ để tuyên xưng đức tin của Hội Thánh.
- Nước rửa tội nhắc đến quyền năng của Chúa Thánh Thần làm cho dự tòng ‘được
tái sinh nhờ nước và Thánh Thần’ (Ga 3,5).
- Dìm nước hay đổ nước là nghi thức chính yếu của bí tích, biểu thị
việc chết đi đối với tội lỗi và bước vào đời sống mới của Chúa Ba Ngôi.
- Việc xức dầu biểu thị việc ban Thánh Thần cho người tân tòng. Đối với
trẻ em, Hội Thánh không ban Bí tích Thêm Sức ngay nên có việc xức dầu thánh
trên đỉnh đầu thay vì trên trán :
“Trong phụng vụ của các Giáo Hội Đông Phương, việc xức dầu sau Rửa Tội
là Bí tích Xức Dầu Thánh (Thêm Sức). Trong phụng vụ Rôma, việc này loan báo việc xức
dầu lần thứ hai mà giám mục sẽ trao ban là Bí tích Thêm Sức. Bí tích Thêm Sức ‘chuẩn
nhận’ và ‘hòan tất’ việc xức dầu khi Rửa Tội” (GLHTCG
1242).
- Áo trắng tượng trưng việc ‘mặc lấy Chúa Kitô’ (Gl
3,27), và đèn sáng biểu thị Đức Kitô soi sáng đường đi lối bước của tân
tòng.
III.
ÂN SỦNG THÁNH TẨY
Hai hiệu quả chính của Bí tích Thánh Tẩy là thanh luyện tội lỗi và tái sinh
trong Chúa Thánh Thần :
- Được thứ tha tội lỗi, gồm tội chung (nguyên tổ) và tội riêng (cá
nhân) để chúng ta được trở nên trong sạch trước khi được tháp nhập vào
Thiên Chúa là Đấng thánh. Dĩ nhiên, sự hướng chiều về điều xấu (cái nôi của
tội) vẫn tồn tại, nhưng nó không có khả năng làm hại những ai không đồng
tình, và chúng ta có thể chống lại nó nhờ ân sủng của Chúa.
- Trở thành con Thiên Chúa, bởi lẽ chúng ta tự bản chất chỉ là loài thụ tạo chứ
không do Thiên Chúa sinh ra. Bí tích Thánh Tẩy làm cho chúng ta trở thành ‘thụ
tạo mới’ (2Cr 5,17), ‘được thông phần bản tính Thiên Chúa’ (2Pr
1,4), thành chi thể Đức Kitô (1Cr 6,15) và đồng thừa tự với
Người (Rm 8,17), thành đền thờ Chúa Thánh Thần (1Cr
12,13).
- Được gia nhập vào Hội Thánh, nghĩa là trở thành chi thể trong thân thể nhiệm mầu của
Chúa Kitô.
“Bí tích Thánh Tẩy đã trao cho người lãnh nhận những trách nhiệm và bổn
phận, đồng thời cũng cho họ được hưởng những quyền lợi trong lòng Hội Thánh:
được lãnh nhận các bí tích, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và được Hội Thánh
nâng đỡ bằng các trợ giúp thiêng liêng” (GLHTCG 1269)
- Ở trong mối dây hiệp nhất các Kitô hữu, nghĩa là trở nên
anh chị em với nhau của con cùng một Cha trên trời. Dù họ ở trong một Giáo Hội
không hoàn toàn hiệp thông với Hội Thánh Công Giáo, thì họ vẫn có quyền mang
danh hiệu ‘Kitô hữu’ và xứng đáng được liên kết với mọi kẻ đã được tái
sinh.
- Ghi một dấu ấn thiêng liêng không thể tảy xóa, nghĩa là một ấn
tích được ‘đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô’, một dấu ấn tái sinh làm
con Thiên Chúa nên mãi mãi là con Thiên Chúa cho dù có phản bội Người cũng
không phải chịu lại lần thứ hai (con ngoan hay
con hư).
Bí tích Thánh Tẩy là một ơn đức tin, chứ không phải do tự sức con người mà
có thể đạt tới các ơn thiêng. Đức tin này gắn liền với đức tin của Hội Thánh.
Đức tin cần có để được Rửa Tội chưa phải là đức tin hoàn hảo và trưởng thành,
nhưng là một khởi đầu cần được tăng trưởng sau đó. Chính vì vậy, hàng năm trong
đêm Vọng Phục sinh, Hội Thánh kêu gọi các tín hữu lập lại lời hứa Rửa tội.
IV.
MỤC VỤ GIÁO LÝ
“Theo
bản chất, việc Rửa Tội trẻ em đòi hỏi sau đó phải có một giai đoạn khai tâm
Kitô giáo, không những dạy về Bí tích Thánh Tẩy, mà còn giúp triển nở ân sủng
Bí tích Thánh Tẩy dựa theo sự tăng trưởng tự nhiên. Đó là giai đoạn dành cho
Giáo lý”
(GLHTCG 1231)
1* Tiến trình khai tâm cho trẻ em :
Việc tách rời Thánh Tẩy ra khỏi Thêm Sức và Thánh Thể, dù khác với cách
thực hành truyền thống nguyên thủy của Hội Thánh (Giáo Hội Chính Thống vẫn
giữ truyền thống này), song nó cũng có lý do chính đáng. Việc hoãn ban Thêm
Sức cũng là để kéo dài tiến trình khai tâm của các em, vì các em cần phải được
phát triển và hoàn thiện theo thời gian cùng với việc học giáo lý sau này.
Thánh Tẩy trẻ em là việc tái sinh làm con Thiên Chúa nên cần có thời gian để
lớn khôn; và Thêm Sức chính là bí tích tăng trưởng, nhằm triển nở những ơn đã
lãnh nhận khi xưa trong Bí tích Thánh Tẩy.
“Được sinh ra với bản tính con người đã sa ngã và hoen ố do nguyên tội,
trẻ em cũng cần được sinh ra trong đời sống mới nhờ Bí tích Thánh Tẩy, để thoát
khỏi quyền lực tối tăm và được hưởng tự do của con cái Thiên Chúa mà mọi người
được mời gọi. Việc rửa tội cho trẻ em cho thấy Thiên Chúa ban ơn cứu độ hoàn
toàn nhưng không. Nếu không cho các em lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy càng sớm
càng tốt sau khi sinh, thì Hội Thánh và cha mẹ đã ngăn chặn các em lãnh nhận ơn
vô giá là được trở nên con cái Thiên Chúa. Các bậc cha mẹ Kitô hữu cần ý thức
rằng việc rửa tội cho con cái phù hợp với vai trò nuôi dưỡng sự sống mà Thiên
Chúa ủy thác cho họ”. (GLHTCG 1250-1251)
2* Thánh Thể trước Thêm Sức :
Thông thường các em sẽ lãnh nhận Bí tích Thánh Thể trước khi được Thêm
Sức, đang khi Thánh Thể là đỉnh cao và hoàn tất tiến trình khai tâm Kitô giáo.
Nếu ban Thêm Sức cho trẻ em khi đã trưởng thành về đức tin rồi mới cho Rước Lễ
lần đầu thì các em sẽ bị thiệt thòi vì các em khỏang 7 tuổi đã nhận thức và ao
ước được Mình Thánh Chúa nuôi dưỡng. Không nên nại đến trật tự của ba bí tích
khai tâm mà từ chối không cho các em Rước Lễ.
3* Rước Lễ trọng thể :
Hiện nay có nhiều nơi tổ chức cho các thiếu niên Rước Lễ trọng thể sau
khi đã Thêm Sức. Theo đó tiến trình khai tâm Kitô giáo của trẻ em chỉ kết thúc
sau khi học xong giáo lý qua việc Rước Lễ trọng thể (Bao đồng), và như
vậy, Bí tích Thánh Thể vẫn là đỉnh cao và hoàn tất việc khai tâm Kitô giáo theo
như cách thực hành truyền thống của Hội Thánh. Khi được Rước Lễ trọng thể,
các em phải tự mình tuyên xưng đức tin như làm sống lại Bí tích Thánh Tẩy, và ý
thức sứ mạng làm chứng cho Chúa Kitô của Bí tích Thêm Sức đã lãnh nhận, rồi mới
lãnh nhận Bí tích Thánh Thể trong nghi thức Bao Đồng.
“Trong các nghi lễ Đông Phương, việc khai tâm Kitô giáo dành cho trẻ em
bắt đầu với Bí tích Thánh Tẩy, liền sau đó là Thêm Sức và Thánh Thể; trong nghi
lễ La-Tinh, việc khai tâm kéo dài trong nhiều năm học giáo lý và kết thúc với
Thêm Sức và Thánh Thể là đỉnh cao” (GLHTCG 1233).
4* Hòa Giải trước Thánh Thể :
Còn một vấn đề nữa được đặt ra trong cách thực hành của Hội Thánh hiện
nay trong tiến trình khai tâm cho trẻ em là có sự chen chân của Bí tích Hòa
Giải : Xưng Tội lần đầu rồi mới Rước Lễ lần đầu. Khi cho các em Rước Lễ là lúc
các em đã biết phân biệt điều xấu điều tốt nên các em cũng cần phải ‘xin
lỗi’ Chúa qua Bí tích Hòa Giải. Làm như thế là đang tập cho các em sống đức
tin của mình trong tiến trình sám hối của việc khai tâm Kitô giáo. Muốn làm con
Chúa tốt thì trước tiên phải làm người tốt. Xưng tội là cụ thể hóa tâm tình sám
hối của trẻ em trước những việc làm sai trái trong đời sống làm người. Thành
nhân trước khi thành thiên là như vậy.
Bí tích Thánh
Tẩy là bí tích đức tin cần thiết để được cứu độ, là cửa ngõ dẫn vào đời sống
Kitô giáo, phải được Rửa Tội rồi thì mới được lãnh nhận các bí tích khác.
TÓM LƯỢC :
1* H. Phụng vụ Thánh Tẩy là gì ?
-T.
Phụng vụ Thánh Tẩy là ban ơn tái sinh làm con Thiên Chúa và Hội Thánh qua việc
thừa tác viên đổ nước và rửa nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa.
2* H. Nghi thức Thánh Tẩy trẻ em được cử hành thế nào ?
-T.
Nghi thức Thánh Tẩy trẻ em khởi đầu bằng việc tiếp nhận và xức dầu dự tòng, lời
cầu chung, làm phép nước, tuyên xưng đức tin rồi đổ nước và đọc lời Rửa Tội,
sau cùng là mặc áo trắng và trao đèn sáng.
3* H. Nghi thức Thánh Tẩy người lớn được cử hành thế nào ?
-T.
Nghi thức Thánh Tẩy người lớn thường được cử hành theo ba giai đoạn : một là
tiếp nhận làm dự tòng, hai là được tuyển chọn và trao kinh, ba là lãnh nhận các
bí tích khai tâm.
3* H. Bí tích Thánh Tẩy đem lại cho ta những ơn gì ?
-T.
Bí tích Thánh Tẩy đem lại cho ta ơn tha thứ tội lỗi để tái sinh làm con Thiên
Chúa giữa lòng Hội Thánh.
CẦU
NGUYỆN :
Lạy Chúa Giêsu,
xin hãy ca hát và
hãy nói cho con
về Thiên Chúa là Cha
của Ngài :
Lời nói của Ngài sẽ
cứu độ con,
bài ca của Ngài sẽ
giáo dục con.
Cho tới hôm nay,
con lang thang mò
mẫm đi tìm Thiên Chúa.
Nhưng nhờ Ngài dẫn
dắt,
lạy Chúa, nhờ Ngài
con tìm thấy Thiên Chúa.
Từ Ngài, con đã đón
nhận Chúa Cha,
và trở thành đồng
thừa tự,
bởi Ngài đã không tỏ
ra xấu hổ vì đứa em của Ngài.
(Protreptique II, 113,4-5)