Bài  7 :

CHÚA GIÊSU CỨU ĐỘ NHÂN LOẠI

 

 

LỜI CHÚA : Rm 5,6-8.

 “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8)

 

BÀI HỌC :

Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa toàn năng, không cứu độ con người bằng quyền lực trấn áp sự dữ, song Ngài chọn con đường thập giá đi từ đau khổ đến vinh quang. Thiên Chúa muốn chia sẻ thân phận và kiếp sống khổ tội của con người để đưa con người lên với Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương. Như vậy, chính tình yêu của Thiên Chúa, Đấng sẵn sàng hy sinh mạng sống vì người mình yêu, đã cứu độ nhân loại chúng ta.

 

I – CHÚA GIÊSU CHỊU CHẾT VÌ TỘI LỖI CON NGƯỜI:

Nhiều người Do Thái đã từ chối Tin Mừng mà Đức Giêsu đã rao giảng, không đón nhận Đấng Kitô cứu thế mà Thiên Chúa đã hứa ban cho họ qua hoàng tộc Đavit (Ga 10,22-26). Bởi đó, họ đã loại trừ Đức Giêsu bằng cách đóng đinh Ngài trên thập giá.

 

1) Lý do nào đã đưa đến cái chết của Chúa Giêsu?

 

* Tôn giáo Do Thái là tôn giáo độc thần, chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, mà Đức Giêsu lại xưng mình là Con Thiên Chúa và ngang bằng với Thiên Chúa là Cha của Ngài (Ga 10,22-39; Mc 6,1-6).

 

* Chiếu theo luật Do Thái giáo thì Đức Giêsu phải bị ném đá cho đến chết vì đã phạm thượng (Lc 22,66-71; Mt 26,59-66; Mc 14,55-64), song đất nước Do Thái thời Chúa Giêsu là đất nước bị đô hộ bởi đế quốc Rôma, nên họ phải nại đến chính quyền Rôma để đóng đinh Đức Giêsu trên thập giá với tội danh vu cáo rằng Đức Giêsu đã rao giảng quần chúng chống lại Rôma (Lc 23,1-7).

 

* Thực ra, người Do Thái có thể bỏ qua tội phạm thượng vì đã có lần, người ta cho Ngài là kẻ quẫn trí, nói nhảm (Mc 3,20-21; Ga 10,19-21). Philatô đã có thể tha bổng Đức Giêsu vì ông biết rõ Giêsu vô tội, chỉ vì ghen tỵ mà người Do Thái đã nộp Ngài (Mc 15,8-11); song Philatô lo sợ quần chúng nổi loạn nên đã ra lệnh đóng đinh Đức Giêsu trên thập giá (Mt 27,19-26).

 

Sống trong một đất nước bị đô hộ, người Do Thái tuân phục chính quyền Rôma một cách miễn cưỡng, vì thế họ dành sự kính trọng cho giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái. Đó là lý do tại sao quần chúng Do Thái trước kia có cảm tình với Chúa Giêsu (Mt 21,1-11), bây giờ lại ngả theo giới thượng tế đòi đóng đinh Đức Giêsu (Mt 27,20-25).

 

Đức Giêsu xuất hiện như một bậc thầy thông thạo về đạo lý, lại làm được những việc lạ lùng (Mt 6,17-19), nên đã thu hút được quần chúng tin theo (Mt 7,16-17). Giới lãnh đạo Do Thái giáo ghen tỵ và tìm cách loại trừ (Ga 11,45-57).

 

Tuy nhiên, không thể quy trách nhiệm sát hại Đức Giêsu cho dân Do Thái vì chính Chúa đã chết vì tội lỗi của mọi người chúng ta (1Cr 15,3), và đó là ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa.

 

2) Tuần Thánh tưởng niệm những biến cố gì ?

Tuần Thánh bắt đầu từ Chúa Nhật  Lễ Lá đến Chúa Nhật  Phục Sinh :

 

* Chúa Nhật Lễ Lá : Chúa Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem, được đón tiếp như là Đấng Kitô cứu thế (Mt 21,1-10).

 

* Chiều thứ Năm Tuần Thánh : Đức Giêsu mừng lễ Vượt Qua theo truyền thống của người Do Thái (Mt 26,17-19), và cũng là bữa ăn chia tay với các môn đệ (Lc 22,15-18). Trong bữa tiệc ly này, Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể (Lc 22,19-20), như một cử chỉ báo trước hy tế thập giá của ngày thứ Sáu bằng cách biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Ngài làm lễ vật dâng lên Thiên Chúa và làm lương thiêng nuôi dưỡng các tín hữu (Ga 13,1). Trong bầu khí thân tình ấy, Đức Giêsu làm một cử chỉ yêu thương và phục vụ bằng cách cúi xuống rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,2-5).

 

Sau cùng, Đức Giêsu vào vườn Cây Dầu cầu nguyện để đón nhận thánh ý Chúa Cha, rồi bị một môn đệ làm phản và Ngài bị bắt, bị xét xử bởi Thượng Hội Đồng Do Thái (Lc 22,39-48.66-71).

 

* Thứ Sáu Tuần Thánh : Đức Giêsu bị điệu tới tổng trấn Philatô (Lc 23,1-7.24.33.44-46), bị chế diễu, hành hạ rồi bị kết án đóng đinh trên thập giá và tắt thở khoảng 3 giờ chiều. Các môn đệ hạ xác và mai táng vội vã vì sắp sửa bước vào ngày đại lễ (Lc 23,50-56).

 

* Thứ Bảy Tuần Thánh : Ngày đại lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu vẫn an nghỉ trong mồ đá.

 

* Chúa Nhật Phục Sinh : Đây là ngày thứ nhất trong tuần đối với người Do Thái, các môn đệ đến thăm mồ nhưng xác Đức Giêsu không còn ở đấy, và các thiên thần cho biết Ngài đã sống lại (Lc 24,1-7).

Chúa Phục Sinh là Chúa lên trời (Thăng Thiên), nghĩa là về với Chúa Cha mang theo cả thân xác đã Phục Sinh của Ngài. Tuy nhiên trong những ngày đầu, Chúa Giêsu vẫn hiện ra với các môn đệ nhiều lần để củng cố niềm tin của họ. Sau 40 ngày kể từ khi sống lại, Chúa Giêsu về trời, không còn hiện diện hữu hình nữa (Lc 24,51).

Chúa Phục Sinh cũng là lúc Chúa ban Thánh Thần cho các môn đệ (Ga 20,2), nhưng phải 50 ngày sau (Cv 2,1-4), các ông mới nhận ra tác động của Chúa Thánh Thần trong lịch sử của Hội Thánh.

 

II – CHÚA SỐNG LẠI ĐỂ GIẢI THOÁT CON NGƯỜI KHỎI CHẾT

 

1* Chúa Phục Sinh là một biến cố lịch sử và siêu việt :

Đức Giêsu sống lại từ cõi chết là một sự kiện có thực, vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính siêu việt dựa vào ngôi mộ trống và những lần hiện ra.

Ngôi mộ trống tự nó không chứng minh được việc Chúa Phục Sinh, vì có thể xảy ra trường hợp đánh cắp xác đi nơi khác; lúc đầu chính các môn đệ cũng nghĩ như vậy (Ga 20,1-2). Song căn cứ vào những lần Chúa Giêsu hiện ra (Ga 20,11-29), các môn đệ đã nhận ra Thầy của mình, người mà họ đã từng gặp gỡ, ăn uống, đi lại bây giờ đã sống lại thực. Rất nhiều người không tin chuyện Chúa Phục Sinh, riêng các môn đệ thì xác tín và rao giảng đức tin Phục Sinh bất chấp mọi nguy hiểm và cả cái chết. Rõ ràng đã có một sự thay đổi lớn lao nơi các tông đồ là những chứng nhân trực tiếp, và vẫn còn tác động trên các tín hữu mọi thời mọi nơi (1Cr 15,1-11).

 

2* Chúa Phục Sinh mang lại Tin Mừng cho nhân loại

Nếu không có sự sống lại thì cuộc đời này thật phi lý, vì cái chết sẽ cào bằng tất cả, kẻ gian ác cũng như người lành thánh. Nếu Đức Giêsu không sống lại từ cõi chết thì dù cái chết ấy có mang một ý nghĩa cao đẹp mấy đi nữa, cũng không có giá trị cứu độ con người (1Cr 15,14). Đã là người thì ai cũng phải chết, nhưng đã có một người trong số con cái loài người, sống lại từ cõi chết; điều đó lại chẳng làm cho chúng ta nuôi hy vọng hay sao ? Vì thế, việc Chúa Giêsu Phục Sinh từ cõi chết là một đại Tin Mừng mang hy vọng rực rỡ nhất (1Cr 15,16-24).

 

3* Tin Mừng Phục Sinh lại khởi đi từ con đường thập giá :

Tội lỗi đã vô hiệu hoá mọi khả năng sống đời đời và sống hạnh phúc của con người bằng cái chết vĩnh viễn. Chúa Giêsu đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, chiến thắng của Ngài không còn là của riêng Ngài nữa, mà là gia tài của toàn thể nhân loại, của những ai là đồng loại với Ngài. Không thể có sự sống lại mà trước đó không đi vào cái chết. Cái chết vẫn cứ đến với mỗi người, song con người sẽ không bị quăng vào cõi tiêu diệt đời đời, nhưng như hạt lúa gieo vào lòng đất phải thối nát đi mới đâm mầm nảy mộng, mới hy vọng có ngày trổ sinh nhiều bông hạt.

 

4* Tin Mừng Phục Sinh chỉ hoàn tất vào ngày cánh chung :

Chúa Kitô Phục Sinh sẽ chỉ trở lại trần gian này một lần nữa vào ngày tận cùng của thế giới này ‘để phán xét kẻ sống và kẻ chết’ (Quang Lâm). Thực ra Thiên Chúa muốn cho hết mọi người được hưởng hạnh phúc đời đời, và không muốn nghiêm phạt một ai. Ngài chỉ cản ngăn tội lỗi mà con người mang theo. Vì thế cần có sự thanh luyện trước khi về với Thiên Chúa là Đấng chí thánh, và ta thường gọi là ‘luyện tội’. Những ai không sống trong ân phúc của Chúa và tới giờ phút cuối cùng vẫn cố tình từ chối tình thương vô bờ của Chúa thì không thể tồn tại trong Chúa; và người ta gọi họ là những kẻ bị án phạt hoả ngục đời đời. Còn những ai được thanh luyện sẽ trở nên giống Thiên Chúa, chia sẻ sự sống và hạnh phúc của Thiên Chúa, và chúng ta quen gọi là Thiên Đàng.

 

Thiên Đàng không phải là một nơi chốn mà chỉ là một tình trạng được hạnh phúc ở trong Thiên Chúa (thiên đàng). Chỉ có Thiên Chúa là tồn tại mãi mãi, nên ngoài Thiên Chúa thì chẳng còn gì nữa, mà chỉ là hư mất đời đời (hoả ngục).

 

Theo niềm tin của người Công Giáo, chết là linh hồn lìa khỏi xác. Hồn bất tử vì do Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng và phú ban cho con người khi đầu thai, song trước khi hồn trở về với Chúa phải được thanh luyện. Xác tan rã dưới lòng đất, chờ ngày tận thế sống lại kết hợp với hồn để có thể hưởng hạnh phúc đời đời.

 

Chúng ta tin là tin vào Thiên Chúa, chứ không phải hoả ngục, mà ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’, nên chúng ta có quyền hy vọng không có ai bị kết án đời đời. Đó là một Tin Mừng mà chúng ta cần phải gia tăng lời cầu nguyện bằng các việc lành và dâng lễ cầu cho mọi người, đặc biệt những người đã khuất.

 

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa, cái chết là tin buồn cho loài người, song con tin rằng “Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Học kinh : Tin kính, trang 14

 

TÓM LƯỢC :

 

1* Vì sao Chúa Giêsu phải chết ?

-       Có thể nêu ra ba lý do :

-       một là vì Đức Giêsu tự xưng mình là Con Thiên Chúa và ngang bằng với Thiên Chúa;

-       hai là Đức Giêsu bị vu cáo bằng một tội danh chính trị;

-       ba là do sự ghen ghét của giới lãnh đạo Do Thái giáo từ chối Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng,

-       Nhưng xét cho cùng, vẫn là vì tội lỗi của cả loài người mà Đức Giêsu đã phải chết để cứu độ chúng ta.

 

2* Vì sao gọi sự kiện Phục Sinh là một biến cố lịch sử và siêu việt ?

- Phục Sinh là một biến cố siêu việt vì nó vượt quá mọi quy luật tự nhiên, nhưng đây là một sự kiện lịch sử có thật dựa vào ngôi mộ trống và những lần hiện ra của Chúa Giêsu mà các tông đồ đã làm chứng và truyền lại cho chúng ta.

 

3* Tại sao Chúa Phục Sinh lại là một Tin Mừng cho nhân loại ?

- Chúa Phục Sinh là một Tin Mừng vì mọi người dù có phải chết nhưng sẽ sống lại nhờ chiến thắng tử thần của Chúa.

 

4* Thiên đàng hay hoả ngục là gì ?

- Thiên đàng là tình trạng đã được thanh luyện để hưởng hạnh phúc bên Chúa mãi mãi, sau khi xác loài người sống lại vào ngày tận thế; còn ngoài Thiên Chúa ra là hoả ngục, là hư mất đời đời.

 

QUYẾT TÂM :

 

Nếu tôi cùng với Chúa Kitô chết đi con người cũ của mình, tôi sẽ cùng sống lại với Chúa Kitô trong con người mới (Rm 6,8).


Mục Lục Giáo Lý Dự Tòng
Trở Về Trang Nhà