BÀI 9 :

Mầu nhiệm

CHÚA BA NGÔI

LỜI CHÚA :

“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân dân trở thành môn đệ,làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”

(Mt 28,20).

 

BÀI HỌC :

 

Đức tin dạy rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, vậy mà Chúa Giêsu lại truyền cho các tông đồ thâu nạp môn đồ nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa. Làm sao có thể hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa vừa là một, lại vừa là ba ?

 

I - ĐÂY LÀ MẦU NHIỆM MẠC KHẢI

 

Nếu Thiên Chúa không làm người thì có lẽ không bao giờ chúng ta biết Thiên Chúa có Ba Ngôi vị.

 

1*   Trước hết, Đức Giêsu nhận mình là Con Thiên Chúa và ngang bằng với Thiên Chúa (Ga 10,22-39).

 

2*   Thứ đến, Chúa Giêsu cũng tỏ cho biết Cha của Ngài cũng là Cha của nhân loại, người Cha trên trời ấy rất mực yêu thương chúng ta (Ga 12,26; Lc 10,21-22) và muốn cho chúng ta được hưởng hạnh phúc đời đời với Người (Lc 11,9-13; Ga 17,3).

 

3*   Sau cùng, nhờ Chúa Giêsu mà chúng ta biết  còn một Đấng Bảo Trợ khác nữa là Chúa Thánh Thần (Ga 16,5-10). Sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh về bên Chúa Cha thì Chúa Thánh Thần được ban xuống để trợ giúp và thánh hóa chúng ta (Ga 16,13-15).

 

Người Do Thái trong Giao Ước cũ chưa nhận biết Thiên Chúa có Ba Ngôi vì niềm tin độc thần giáo chưa tỏ lộ hết mầu nhiệm Thiên Chúa, vì sợ lẫn lộn với đa thần giáo của dân ngoại. Người Do Thái cũng tin vào thần khí Thiên Chúa, vào lời Thiên Chúa nhưng chưa dám nghĩ rằng đó là những ngôi vị khác với Thiên Chúa, song chỉ được đồng hóa với Thiên Chúa. Chỉ những ai tin vào Đức Kitô mới tuyên xưng đức tin Ba Ngôi.

 

II – ĐÂY LÀ MẦU NHIỆM ĐỨC TIN

 

Trong Kinh Tin Kính chúng ta vẫn tuyên xưng: “Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời”, nghĩa là Chúa Con được nhiệm sinh bởi Chúa Cha, còn Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con mà ra.

 

Đức tin Công Giáo dạy rằng:

 

1*   Cả Ba Ngôi Thiên Chúa khác biệt nhưng không tách biệt khỏi nhau. Khác biệt vì Ba Ngôi không phải là một Thiên Chúa có ba khuôn mặt khác nhau tùy lúc, nhưng là ba Đấng với những cương vị khác nhau (Cha-Con-Thánh Thần) và những phận vụ khác nhau (tạo dựng, cứu độ, thánh hoá). Cả Ba Ngôi khác biệt nhau vì có những đặc tính riêng, nhưng không phải là ba Chúa, vì cả ba cùng chung một sự sống, một bản chất thần linh.

 

2*   Cả Ba Ngôi luôn hiệp nhất với nhau vì cả ba Ngôi Vị đều là Thiên Chúa và là một Thiên Chúa duy nhất. Chúa Cha luôn ở trong Chúa Con, Chúa Con luôn ở trong Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần luôn ở trong Chúa Cha và Chúa Con.

 

3*   Cả Ba Ngôi bằng nhau về mọi mặt, thần tính cũng như quyền năng, không Ngôi nào hơn, không Ngôi nào kém, không Ngôi nào có trước, không Ngôi nào có sau vì cả Ba Ngôi có từ đời đời, nghĩa là hiện hữu cả trước khi có thời gian.

 

Sống đạo là bước theo Chúa Kitô trong quyền năng trợ giúp của Chúa Thánh Thần để về với Chúa Cha; và chỉ những ai sống yêu thương mới nhận biết Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

III - ĐÂY LÀ MẦU NHIỆM TÌNH YÊU

 

Qua con người và cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, chúng ta cảm nhận rằng Thiên Chúa là Đấng rất nhân từ, giàu lòng thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung. Vì thế mà thánh Gioan đã tuyên xưng “Thiên Chúa là TÌNH YÊU” (1Ga 4,8). Thiên Chúa không là gì khác ngoài Tình Yêu. Ngài có thể làm tất cả vì Ngài Toàn Năng, nhưng đúng hơn, Ngài chỉ có thể làm những gì mà tình yêu có thể làm, và Ngài không thể làm những gì trái với tình yêu, vì bản chất của Ngài là yêu thương.

 

Không ai lý giải cặn kẽ được tình yêu nhưng vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài nên cứ nhìn vào tấm gương tình yêu phản chiếu nơi con người, ta có thể bập bẹ đôi điều về Thiên Chúa :

 

1) Yêu là ra khỏi mình để hướng tới người khác :

Nói đến yêu là chúng ta nói đến người thứ hai, thứ ba, là nói đến một đối tượng khác với chúng ta. Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu mà Ngài chỉ yêu một thân mình Ngài thì đó là ích kỷ, và như vậy không phải là Thiên Chúa của tình yêu. Nếu “Thiên Chúa là Tình Yêu” thì Thiên Chúa ấy không cô độc một mình. Từ đời đời Ngài đã hướng về Chúa Con, đã yêu thương Chúa Con bằng Tình Yêu khôn tả là chính Chúa Thánh Thần.

 

2) Yêu là chấp nhận sự khác biệt của nhau :

Nếu chúng ta chỉ yêu cái gì giống mình, cái gì hợp với sở thích của mình, chỉ yêu những người tốt bụng thì không phải là yêu người mà chỉ là yêu mình, là chúng ta đã bóp chết tình yêu, không làm nảy nở tình yêu. Yêu thương là chấp nhận cái hay lẫn cái dở, sự giàu có lẫn sự nghèo nàn của người mình yêu vì họ khác với mình.

 

Chúa Cha yêu Chúa Con, nghĩa là Chúa Cha khác với Chúa Con. Chúa Con phải là một Ngôi Vị khác với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa mới là Tình Yêu.

 

3) Yêu nhau là muốn nên một với nhau :

Càng yêu nhau thì càng hài hòa trong chính sự khác biệt, vì “yêu nhau củ ấu cũng tròn”. Chúng ta vẫn thường nói về tình yêu vợ chồng: “Ta với mình tuy hai mà một”. Bản chất con người là giới hạn nên sự hiệp nhất của con người không toàn vẹn, song quyền năng vô hạn của Thiên Chúa làm cho sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi là trọn vẹn tuyệt đối. Chúa Cha và Chúa Con yêu nhau hết mình, yêu đến quên mình nên đã trở nên một trong Tình Yêu là Chúa Thánh Thần.

 

Như thế chỉ trong tình yêu, chúng ta mới dễ hiểu : tự bản chất, Thiên Chúa không thể là một ngôi vị đơn độc; và rằng chỉ trong tình yêu ‘chín bỏ làm mười’, chúng ta mới hiểu được Thiên Chúa vừa là ba, lại vừa là một.

 

Chúng ta có thể quan niệm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như một gia đình: Gia Đình Thiên Chúa. Gia đình tuy có ba thành phần khác nhau, song luôn luôn hiệp nhất với nhau. Yếu tố nòng cốt để có sự hiệp nhất trong gia đình chính là tình yêu, và tình yêu làm nên hạnh phúc, mà bản chất của Thiên Chúa lại là Tình yêu. Chúng ta cũng thuộc về Gia Đình Thiên Chúa khi sống yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Thực vậy, sống yêu thương là sống ở trong Thiên Chúa; và đó là Nước Trời, vì “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Gia đình yêu thương là làm cho hạnh phúc ngắn hạn của trần gian này được biến đổi trở thành hạnh phúc vĩnh cửu trong Gia Đình Thiên Chúa.

 

CẦU NGUYỆN :

 

Lạy Chúa Giêsu Kitô, con cảm tạ Chúa, vì yêu thương mà Chúa đã vâng lời Chúa Cha đón nhận cái chết để cứu độ con người, và lại ban Chúa Thánh Thần để hướng dẫn chúng con theo đường lối của Chúa mà về với Chúa Cha là Quê Hương vĩnh cửu.

 

Học kinh : kinh Sáng Danh, trang 13

 

TÓM LƯỢC :

 

1* Nhờ đâu chúng ta biết được Thiên Chúa có Ba Ngôi?

- Nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người mà chúng ta biết Thiên Chúa có Ba Ngôi. Chính Đức Kitô cho chúng ta biết Ngài là Con Thiên Chúa, và Thiên Chúa cũng là Cha của chúng ta, và chúng ta còn có sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần.

 

2* Đức tin dạy chúng ta thế nào về mầu nhiệm Thiên Chúa?

- Đức tin dạy chúng ta chỉ có một Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. Cả Ba Ngôi khác biệt nhau nhưng luôn hiệp nhất với nhau nên chỉ có một Thiên Chúa. Cả Ba Ngôi ngang bằng nhau: không có ngôi nào có trước, ngôi nào có sau; không có ngôi nào hơn, ngôi nào kém vì cả Ba Ngôi có tự đời đời và có cùng một bản tính thần linh.

 

3* Làm sao hiểu được Thiên Chúa vừa là ba ngôi vị khác nhau, vừa là một Thiên Chúa duy nhất?

- Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là Tình Yêu”, mà tình yêu thì không đơn độc, có sự khác biệt nhưng lại hiệp nhất. Vì thế, Thiên Chúa chúng ta tôn thờ vừa là Ba Ngôi khác biệt, vừa là một Thiên Chúa duy nhất.

 

QUYẾT TÂM :

 

Mỗi lần làm dấu Thánh Giá là tôi ý thức và làm cách nghiêm trang để tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.


Mục Lục Giáo Lý Dự Tòng
Trở Về Trang Nhà