BÀI 22 :

MẾN CHÚA TRÊN HẾT

 

 

LỜI CHÚA : Mt 22,36-38.

        Đức Giêsu đáp: ‘Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu” (Mt 22,37-38)

 

 BÀI HỌC :

        Tuân giữ lề luật là bằng chứng yêu mến Thiên Chúa và là cách đáp lại tình thương của Người. Đó là bổn phận của Kitô hữu đối với Thiên Chúa được thể hiện qua ba nhân đức Tin-Cậy-Mến.

 

I - YÊU MẾN BẰNG TIN TƯỞNG

        Đức tin là ơn Thiên Chúa ban, giúp chúng ta phó thác toàn thân cho Chúa, và đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa đã mặc khải mà Hội Thánh truyền lại cho chúng ta.

 

1* Tin là dấn thân :

        Tin là đón nhận điều mà mình chưa thấy tận mắt, chưa kiểm bằng tay, nhưng lại đáng tin vìø thường là dựa vào thế giá của người truyền đạt (Chúa Giêsu, các tông đồ và Hội Thánh).

Cái biết của đức tin tuy là gián tiếp và chưa trọn vẹn, nhưng không phải là vô lý hay mù quáng, nghĩa là vẫn có đủ ánh sáng soi dẫn để lý trí có thể chấp nhận tin và ý chí con người dám dấn thân.

Con người dù thánh thiện đến đâu cũng không phải là toàn hảo, nên mọi giá trị về con người đều tương đối. Còn Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, chúng ta có thể đặt niềm tin tưởng và phó thác tuyệt đối trên những nẻo đường mà Ngài mời gọi chúng ta bước đi, giống như tổ phụ Ápraham, Đức Maria, các tông đồ, các thánh...

 

2* Tin là vâng phục :

        Không ai thấy Thiên Chúa nhưng chúng ta lại tin có Thiên Chúa qua những công trình tự nhiên, và tin rằng Ngài luôn hiện diện trong thế giới con người. Tôn thờ Thiên Chúa là bổn phận đương nhiên của một thụ tạo, đặc biệt các tín hữu Kitô phải vâng phục Thiên Chúa với tất cả tấm lòng thành, không nghi ngờ hay chối bỏ những gì Chúa đã mạc khải và Hội Thánh truyền dạy. Đó là giới răn ưu tiên và lớn nhất mà Thiên Chúa đã phán dạy: “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự” (Đnl 6,5 ; Mt 19,16-22).

 

Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã tỏ cho ta biết Thiên Chúa là Cha hằng yêu thương quan phòng thế giới. Vì thế, tin vào Thiên Chúa là gắn bó với Chúa Giêsu, nghe lời của Ngài để gặp được Thiên Chúa là Cha (x.Ga 14,15.21).

 Như vậy, đức tin còn là sự cộng tác của con người với hồng ân Chúa ban để gặp gỡ Thiên Chúa và biến đổi đời mình.

 

II - YÊU MẾN BẰNG CẬY TRÔNG

        Đức Cậy là ơn Chúa ban giúp ta dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần để vững lòng trông đợi hạnh phúc Nước Trời mà Chúa Giêsu đã hứa ban.

 

1* Thiên Chúa hứa ban hạnh phúc :

        Con Thiên Chúa đến trần gian này là để chúng ta ‘được sống và sống dồi dào’ (Ga 10,10); và hạnh phúc đích thực chỉ toàn vẹn trong Nước Trời khi con người chia sẻ sự sống đời đời của Thiên Chúa (x.Mt 5,1-12). Thiên Chúa đã hứa ban và Ngài luôn luôn giữ lời hứa, qua dòng lịch sử nhân loại, chỉ có con người là hay thất trung, cậy dựa vào sức mình hoặc quá ỷ lại vào lòng nhân từ của Thiên Chúa mà không nỗ lực rồi đâm ra hoài nghi và thất vọng.

Các hình thức như tôn thờ thụ tạo, mê tín dị đoan, bói toán ma thuật,... đều là những tội nghịch đức tin và đức cậy.

 

2* Con người phải bền bỉ cậy trông :

        Khó khăn, đau khổ và bóng tối là những thử thách tất nhiên sẵn cóù trên con đường hoàn thiện vào Nước Trời, song nó chỉ là tạm thời, và Thiên Chúa cũng không bao giờ thử thách quá sức chịu đựng của con người. Sa ngã là điều có thể xảy ra và thường xảy đến, song điều quan trọng là chúng ta có đi đến cùng hay không, còn những thương tích hay sày sướt sẽ chẳng là gì một khi chúng ta đã đạt được hạnh phúc Chúa ban (x.Rm 8,18).

Cậy trông vào tình yêu tha thứ và chiến thắng tử thần của Đức Kitô sẽ dẫn đưa chúng ta đi đến nơi về đến chốn là điều mà Thiên Chúa đã dọn sẵn và lòng chúng ta hằng mong đợi (x.Rm 8,24-25).

 

III - YÊU MẾN BẰNG VÂNG PHỤC

        Đức Mến là ơn Chúa ban, giúp ta yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và vì mến Chúa mà yêu thương mọi người như chính mình.

 

1* Đức Mến bắt nguồn từ Thiên Chúa :

        Ta không thể yêu mến Thiên Chúa nếu Thiên Chúa không yêu thương ta trước. “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này : Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9). Thiên Chúa còn đổ tràn Thánh Thần vào lòng chúng ta để tình yêu trổ sinh những hoa quả của Thánh Thần là vui mừng, bình an và lòng thương xót.

Thánh Phaolô đã diễn giải các đặc tính của đức mến như sau:

“Đức mến thì nhẫn nhục, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).

 

2* Đức Mến quy hướng về Thiên Chúa :

        Đức tin mà không có hành động đi kèm là đức tin chết (x.Gc 2,17), và hành động phải phát xuất từ đức mến, nếu không nó chẳng có giá trị gì (x.1Cr 13,1-3). Yêu Chúa là tuân giữ các giới răn của Chúa. Toàn thể giới răn của Chúa được gồm tóm trong giới luật yêu thương. Trong 10 điều răn của Chúa thì 3 giới răn đầu tiên dạy ta phải thờ kính Thiên Chúa hết lòng hết sức và trên hết mọi sự.

 

Chúng ta không thờ phượng các thánh, song phải tôn kính các ngài như những mẫu gương sống đạo và chuyển cầu cho chúng ta trước toà Chúa. Đức Maria dù được tôn kính là Mẹ Thiên Chúa, song Đức Maria không phải là Thiên Chúa, nhưng đã sinh ra Con Thiên Chúa làm người, nên Mẹ Maria có một vị trí được tôn kính rất đặc biệt trong Hội Thánh.

 

Các tín hữu buộc phải tham dự thánh lễ các ngày Chúa Nhật và lễ buộc để tỏ lòng thờ phượng và kín múc ơn thánh hoá đời sống. Theo nguyên tắc phụng vụ, ngày đại lễ bắt đầu từ chiều hôm trước, nên những ai tham dự thánh lễ chiều thứ Bảy được coi là đã giữ lễ ngày Chúa Nhật. Các lễ trọng buộc tham dự đã được chuyển vào ngày Chúa Nhật, ngoại trừ lễ Giáng Sinh (25/12). Ngoài ra còn phải nghỉ việc ngày Chúa Nhật để bảo tồn sức khoẻ cá nhân và để có điều kiện quan tâm đến những người chung quanh.

 

3* Đức Mến lan toả đến mọi người :

        Yêu người cũng là yêu Chúa, vì không thể yêu mến Thiên Chúa là Cha mà lại không yêu thương mọi người là anh chị em của mình. Trong các dụ ngôn về ngày chung thẩm, Đức Giêsu tự đồng hoá mình với người nghèo (x.Mt 25,31-46), giúp cho người nghèo là giúp cho Chúa, và công ơn ấy không bao giờ bị rơi vào quên lãng, song góp phần xây dựng Nước Trời.

Tóm lại, thờ phượng Thiên Chúa và kính mến Người trên hết mọi sự là một nỗ lực liên lỉ, song ta phải xác tín như lời thánh Phaolô : “Thiên Chúa làm cho mọi sự sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).

 

CẦU NGUYỆN :

        Đọc kinh Tin, kinh Cậy và kinh Mến, trang 12

 

TÓM LƯỢC :

1* Đức Tin là gì ?

- Đức tin là ơn Chúa ban, giúp chúng ta phó thác toàn thân cho Chúa, và đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa đã mặc khải mà Hội Thánh truyền lại cho chúng ta.

2* Đức Cậy là gì ?

- Đức Cậy là ơn Chúa ban giúp ta dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần để vững lòng trông đợi hạnh phúc Nước Trời mà Chúa Giêsu đã hứa ban.

3* Đức Mến là gì ?

- Đức Mến là ơn Chúa ban, giúp ta yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và vì mến Chúa mà yêu thương mọi người như chính mình.

4* Luật thờ phượng Thiên Chúa buộc ta những gì ?

- Luật thờ phượng Thiên Chúa buộc ta phải tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật và lễ buộc, siêng năng cầu nguyện và tuân giữ các giới răn của Chúa.

 

QUYẾT TÂM :

          Tôi quyết không bỏ cầu nguyện sáng tối.


Mục Lục Giáo Lý Dự Tòng
Trở Về Trang Nhà