BÀI 23 :

YÊU NGƯỜI NHƯ MÌNH

 

 

LỜI CHÚA :

        “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39).

 

BÀI HỌC :

        Chúa Giêsu khẳng định yêu thương là giới răn quan trọng nhất : yêu Chúa là giới răn thứ nhất, và yêu người cũng được kể vào giới răn hàng đầu.

 

I - YÊU NGƯỜI TRONG BÁC ÁI

        Thảo kính cha mẹ và tôn trọng sự sống là hai giới răn thuộc về đức bác ái.

 

1* Thảo kính cha mẹ :

        Giới răn thứ tư dạy ta sống đúng chức phận của mình trong gia đình, trong Giáo Hội và xã hội, mà trước hết là thảo kính cha mẹ.

Ông bà cha mẹ là những người đã sinh thành dưỡng dục, thay mặt Chúa săn sóc, uốn nắn chúng ta nên người, và nhất là trở nên người con hiếu thảo của Cha trên trời. Nền tảng của lòng hiếu thảo là lòng kính sợ Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc của mọi tình phụ mẫu trên trời dưới đất. Thảo kính cha mẹ là tỏ lòng biết ơn và yêu mến bằng cách vâng lời, giúp đỡ và chu tất mọi nghĩa vụ làm con cháu khi cha mẹ còn sống cũng như khi các ngài đã qua đời.

 

Đối với các việc thờ cúng ông bà tổ tiên là những cách thức tỏ lòng hiếu kính, không mang tính dị đoan, các tín hữu có bổn phận tổ chức hoặc tham dự để tỏ lòng tưởng nhớ, yêu mến và biết ơn.

Bổn phận yêu mến, kính trọng, giúp đỡ cha mẹ còn phải mở rộng sang các tương quan gia đình như vợ chồng, anh chị em, họ hàng, cũng như các quan hệ khác trong xã hội và Giáo Hội. Tội phạm đến đức ái cách nghiêm trọng nhất là tội giết người.

 

2* Tôn trọng sự sống :

        Giới răn thứ năm dạy ta tôn trọng sự sống, vì chỉ có Thiên Chúa mới là chủ sự sống, và không ai được phép trực tiếp huỷ hoại mạng sống người vô tội. Nếu không có lý do nghiêm trọng, không ai được phép đặt người khác vào chỗ nguy hiểm chết người, cũng như không được phép từ chối giúp đỡ một người đang nguy tử.

 

Tự vệ chính đáng không nhắm tới việc giết người mà trước hết chỉ muốn bảo vệ sự sống của mình và sự sống còn của đồng bào mình. Ngoài ra để bảo vệ công ích, nhà nước có quyền và có bổn phận đề ra hình phạt cân xứng với tội phạm, nhưng trường hợp phải khử trừ phạm nhân là hoạ hiếm.

Sự sống con người phải được tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ từ lúc được thụ thai. Trực tiếp hay gián tiếp phá thai là một trọng tội, và theo Giáo Luật (điều 1398): Hội Thánh ra vạ tuyệt thông (cấm lãnh nhận các bí tích nếu chưa được giải vạ) cho những kẻ phạm tội này nhằm ngăn ngừa nạn phá thai đang ngày càng gia tăng.

 

Việc trực tiếp giết chết để tránh đau cho người tật nguyền, đau yếu hoặc hấp hối là điều Hội Thánh không bao giờ chấp nhận.

Tự sát là một tội phạm nặng nề đến Thiên Chúa là chủ sự sống, phạm đến tình yêu đối với bản thân và mọi người thân cận. Tuy nhiên ta không tuyệt vọng về phần rỗi đời đời của những người tự tử. Chỉ mình Thiên Chúa mới biết lòng thống hối của họ, nên Hội Thánh vẫn gia tăng lời cầu nguyện cho họ.

 

II - YÊU NGƯỜI CÁCH TRONG SẠCH

        Sống trong sạch (khiết tịnh) là biết làm chủ bản năng tính dục để sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa trong bậc sống của mình (x.Mt 5,9.27). Đó cũng là yêu người như chính mình.

 

1* Trong sạch trong hành động :

        Giớ răn thứ sáu đòi hỏi ta phải học biết tự chủ để sống như một con người : hoặc chế ngự các đam mê và được bình an; hoặc làm nô lệ chúng và trở nên bất hạnh.

 

Những tội phạm đến đức trong sạch là tưởng nghĩ đến những điều dâm ô, nói lời thô tục, hay nhìn xem phim ảnh, sách báo khiêu dâm, thủ dâm. Những tội xúc phạm đến đến đời sống hôn nhân như ngoại tình, ly dị, loạn luân, đa thê, đa phu, tự do chung sống, hôn nhân thử, đồng tính luyến ái...

 

2* Trong sạch trong tư tưởng :

        Giới răn thứ chín còn dạy ta sống trong sạch từ trong tư tưởng, bằng cách chống trả những ham muốn hỗn loạn, bất chính của xác thịt để lòng trí được tự do trong sáng (x.Mt 5,28).

 

Giới răn thứ sáu chỉ rõ tội dâm ô trong hành động, còn giới răn thứ chín nhấn mạnh tội phạm ngay trong tư tưởng xấu và ước muốn bất chính (x.Mt 15,11.18-19). Nhượng bộ trong tư tưởng, sớm muộn cũng đưa đến hành động. Mọi sự đều đi vào tâm trí qua giác quan, vì thế muốn giữ tâm tưởng trong sáng, cần phải tự chủ trong mắt nhìn, tai nghe và miệng nói. Chúng ta thường tự đánh lừa chính mình, lân la với dịp tội, liều mình sống trong cảnh dễ bị bôi bẩn, và sơ hở rồi sa ngã là chuyện khó tránh.

 

Giữa một thế giới có cả một kỹ nghệ quảng bá cho tình dục, việc giữ được lòng trong trắng không phải là dễ, nhưng vì khó mà nó càng trở nên quý giá.

 

III - YÊU NGƯỜI TRONG CÔNG BÌNH

        Sống công bình là tìm kiếm và tôn trọng của cải vật chất và tinh thần của mình cũng như của kẻ khác.

 

1* Công bình về của cải vật chất :

        Giới răn thứ bảy và thứ mười dạy ta sống công bằng trong hành động và tư tưởng. Tôn trọng của cải của người khác vì mọi người được quyền có tài sản riêng để bảo đảm nhân phẩm và cuộc sống, gọi là quyền tư hữu. Đồng thời phải biết sử dụng của cải trong tinh thần liên đới và chia sẻ vì mọi tài nguyên trong vũ trụ đều do Chúa ban chung cho mọi người. Trộm cứơp, gian lận, hối lộ, tham lận của công, trốn nợ, trốn thuế ... đều là tội chiếm đoạt một cách bất công. Giữ lòng mình khỏi những ham mê của cải một cách quá đáng để không ghen tỵ, không tham lam của người là cách thế hữu hiệu tránh được những tội phạm trên.

 

Đức công bằng đòi buộc người tín hữu phải đền trả tương xứng những thiệt hại về của cải và danh dự, chứ không phải cứ xưng tội xong là hết nợ.

 

2* Công bình về của cải tinh thần :

        Giới răn thứ tám cũng nói về đức công bình, dạy ta sống thành thật, làm chứng cho sự thật và tôn trọng danh dự của người khác (x.Mt 5,37). Thiên Chúa là Chân Lý tuyệt đối, cho nên sống theo sự thật là sống theo Chúa. Sự thành thật làm tăng thêm giá trị của con người và rất cần thiết cho đời sống chung. Bội thề, tiết lộ bí mật, chứng gian, gièm pha, nói hành nói xấu, vu khống, hạ giá người khác ... đều là những tội phạm đến giới răn thứ tám, và buộc chúng ta phải đền trả danh thơm tiếng tốt cho những người mà ta đã xúc phạm.

 

Luật lệ được đặt ra là vì loài người, vì lợi ích của con người. Tuân thủ các lề luật tôn giáo và xã hội là con đường đưa đến hạnh phúc đời đời. Tuy nhiên, cũng phải tránh những hình thức nệ luật, chèn ép người khác theo luật. Là những Kitô hữu, ta cần phải đối xử với nhau theo lòng nhân từ, và đó là điều làm đẹp lòng Chúa nhất.

 

CẦU NGUYỆN :

        Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa không hứa ban một cuộc sống dễ dãi, hay thịnh vượng vật chất, song theo Chúa là con phải đi vào con đường hẹp là tuân giữ các giới răn của Chúa. Xin Chúa ban sức mạnh Thánh Thần để con bước theo Chúa đến cùng.

Học kinh : Mười điều răn, trang 17

 

TÓM LƯỢC :

1* Giới răn thứ tư dạy ta điều gì ?

- Giới răn thứ tư dạy ta sống đúng chức phận mình trong gia đình, Hội Thánh và xã hội, là thảo kính cha mẹ và yêu thương mọi người.

2* Giới răn thứ năm dạy ta điều gì ?

- Giới răn thứ năm dạy ta tôn trọng sự sống của mình và của người, và cấm xâm phạm đến sự sống con người dưới mọi hình thức như : cố sát, phá thai, chết êm dịu, tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác.

3* Giới răn thứ sáu dạy ta điều gì ?

- Giới răn thứ sáu dạy ta làm chủ bản năng tính dục để không tìm thú vui nhục dục bên ngoài cuộc sống hôn nhân, một mình hay với người khác.

4* Giới răn thứ chín dạy ta điều gì ?

- Giới răn thứ chín dạy ta sống trong sạch trong tư tưởng, bằng cách không nhìn xem, suy tưởng và ham muốn khoái lạc tính dục nghịch đức khiết tịnh.

5* Giới răn thứ bảy dạy ta điều gì ?

- Giới răn thứ bảy dạy ta sống công bằng với mọi người, theo nghĩa không gian lận, và biết sử dụng của cải trong tinh thần liên đới.

6* Giới răn thứ mười dạy ta điều gì ?

- Giới răn thứ mười dạy ta giữ lòng khỏi những ghen tỵ, ham mê của cải của người khác một cách bất chính.

7* Giới răn thứ tám dạy ta điều gì ?

- Giới răn thứ tám dạy ta sống chân thực, làm chứng cho sự thật và tôn trọng danh dự của người khác.

 

QUYẾT TÂM :

          Tật xấu nào hay chi phối tôi ? Tôi sẽ chừa bỏ bằng cách tập một nhân đức chống lại thói xấu


Mục Lục Giáo Lý Dự Tòng
Trở Về Trang Nhà