BÀI 24 :

Cầu Nguyện

 

LỜI CHÚA :

          “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mt 26,41)

 

BÀI HỌC :

Con người vốn yếu đuối, cần đón nhận ơn Chúa trợ giúp để sống vươn lên. Đó là lý do mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải siêng năng cầu nguyện.

 

I - CẦU NGUYỆN LÀ GÌ ?

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, để chúc tụng, tạ ơn hay cầu xin Người ban cho những ơn cần thiết.

Tâm nguyện là hướng về Thiên Chúa với tất cả tâm tình, ước muốn và cả thân xác của mình.

Khẩu nguyện là đối thoại với Chúa. Lời cầu nguyện có thể là do tự phát, hoặc do Hội Thánh soạn sẵn như các kinh thông dụng.

 

II - CẦU NGUYỆN NHƯ CHÚA GIÊSU ĐÃ DẠY

Con Thiên Chúa làm người cũng đã học cách cầu nguyện nơi Mẹ Maria và cộng đoàn Do Thái giáo. Đức Giêsu cầu nguyện mọi nơi mọi lúc, đặc biệt tìm nơi vắng vẻ, cầu nguyện trước các biến cố cuộc đời (x.Lc 21,34-36), trước những quyết định quan trọng để biết thánh ý Chúa Cha, nhất là trong những giây phút cuối cùng của hy tế thập giá (x.Lc 22,39-46); và Chúa cũng đã dạy chúng ta cầu nguyện :

 

1) Cầu nguyện trong kiên trì :

Cầu nguyện kiên trì, không sờn lòng nản chí, chắc chắn sẽ được Thiên Chúa nhận lời. Chẳng hạn như bà goá kêu oan, đòi ông quan toà phân xử; cuối cùng ông cũng phải giải quyết (x.Lc 18,1-8). “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn?” (18,7). Hay như người kia quấy rầy người bạn mình vào lúc đêm khuya vẫn có được tất cả những thứ gì anh ta cần dùng (x.Lc 11,5-8). Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta: “Hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ sẽ mở cho” (Lc 11,10). Và Thiên Chúa còn ban cho hơn cả lòng chúng ta mong ước vì Cha trên trời còn rộng lượng hơn cả người cha trần gian; đó là ban chính Thánh Thần của Ngài cho chúng ta (x.Mt 7,7-11; Lc 11,11-13).

 

2) Cầu nguyện trong khiêm tốn :

* Cầu nguyện trong sự khiêm tốn, hạ mình là cách thức dễ đánh động lòng Thiên Chúa nhất. Dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện cho thấy Thiên Chúa không đoái hoài đến những thành tích đáng nể của người Pharisêu chỉ vì ông hay khoe khoang và coi khinh người khác (x.Lc 18,9-14; 7,6-10).

* Cầu nguyện để sám hối về những lầm lỗi, và tạ ơn về tất cả những gì mình đã được lãnh nhận, và đó là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất (x.Lc 10,21).

 

3) Cầu nguyện để tỉnh thức :

* Cầu nguyện để tỉnh thức, không vấp ngã, không làm tôi hai chủ (x.Mc 6,21,24) được Chúa Giêsu hay nhắc đi nhắc lại (x.Lc 21,34-36; 22,31-34; 22,39-40.45-46).

* Cầu nguyện mang lại sức mạnh, niềm tin và hy vọng. Người cha của đứa bé bị động kinh kém lòng tin, nhưng đã cầu xin Chúa thêm lòng tin và ông đã được nhận lời (x.Mc 9,14-26). Các môn đệ không trừ được quỷ câm cũng vì thiếu cầu nguyện (x.Lc 9,28-29).

 

4) Cầu nguyện như Lời kinh Chúa dạy :

Cầu nguyện như Chúa đã dạy qua kinh Lạy Cha       ( x.Mt 6,9-13; Lc 11,1-4) là khởi đầu của mọi kinh nguyện cá nhân cũng như chung cho Hội Thánh [“Lạy Cha chúng con”].

“Kinh Lạy Cha là kinh nguyện tuyệt hảo... với lời kinh này, không những chúng ta nguyện xin tất cả những gì chúng ta có thể ao ước cách chính đáng, mà còn theo trật tự những gì nên ao ước. Vì thế, kinh nguyện này không chỉ dạy chúng ta nguyện xin, mà còn huấn luyện tâm tình của ta nữa” (thánh Tôma Aquinô).

 

* Ba lời nguyện đầu tiên hướng chúng ta về Thiên Chúa để “Danh Cha được cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Con người chỉ có hạnh phúc vĩnh cửu ở trong Thiên Chúa, song con người lại có thể từ chối hạnh phúc ấy. Vì thế chúng ta cầu xin cho mọi người biết nhìn nhận và sống theo ý muốn của Thiên Chúa để được hạnh phúc đời đời.

 

* Bốn lời nguyện sau nhắm đến các nhu cầu của con người :

- “Hôm nay lương thực hằng ngày” : nói lên niềm tín thác vào Thiên Chúa quan phòng, vì đối với ai tìm kiếm Nước Thiên Chúa thì Người ban cho mọi sự.

- “Xin tha nợ chúng con” : Thiên Chúa chỉ nhận lời cầu xin nếu như chúng ta đáp ứng đòi buộc của Chúa trước: Thiên Chúa sẽ tha cho chúng ta khi chúng ta biết tha thứ cho anh chị em mình.

- “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” : Chúng ta không cầu xin cho mình không bị cám dỗ, vì cám dỗ là điều không thể tránh khỏi đối với kiếp người, song chúng ta xin cho mình đừng sa ngã trong cám dỗ, nghĩa là biết chống trả cám dỗ đến kỳ cùng.

- “Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” : “Sự Dữ không là một điều trừu tượng, nhưng là một nhân vật, là Satan, Ác Thần, thiên thần đã chống lại Thiên Chúa” (GLHTCG 2851). Khi xin giải thoát khỏi Ác Thần, chúng ta cũng xin cứu khỏi mọi sự dữ trong quá khứ, hiện tại và tương lai, do ma quỷ là thủ phạm hay kẻ chủ mưu.

 

 III - CẦU NGUYỆN VỚI TỪNG NGÔI VỊ THIÊN CHÚA

Đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ phong phú biết bao nếu như chúng ta biết cầu nguyện với từng ngôi vị Thiên Chúa, thay vì cầu nguyện chung chung với Chúa: “Lạy Chúa, ...lạy Chúa”.

- Có lúc chúng ta nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa là Cha của chúng ta, Đấng đã cứu độ chúng ta nhờ Con của Người là Chúa Giêsu Kitô trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.

- Có lúc chúng ta lại nói trực tiếp với Chúa Giêsu, xin Người ban Thánh Thần để chúng ta mạnh dạn bước theo Chúa trên con đường về với Chúa Cha.

- Có những lúc chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn và trợ lực để tuân giữ các giới răn của Chúa Kitô hầu làm vinh danh Thiên Chúa là Cha toàn năng.

 

Nói chung, cầu nguyện với từng ngôi vị Thiên Chúa là nói với Ai và nói về Ai, nói  về những gì... Trong phụng vụ của Hội Thánh, hầu hết các lời nguyện đều nói trực tiếp với Chúa Cha, qua Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần. Ngoài ra ta có thể nói với Đức Maria hay các thánh về Thiên Chúa, về thế giới con người.

 

IV - CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC MARIA VÀ CÁC THÁNH

Đức Maria không phải là Thiên Chúa nhưng đã sinh ra ‘Thiên Chúa làm người’ - Đấng là nguồn mạch mọi ân sủng – nên Mẹ Maria rất có thế giá trong việc chuyển cầu cho loài người. Các thánh là những người đã sống đẹp lòng Thiên Chúa nên chúng ta cũng có thể cậy nhờ.

 

Cầu nguyện với Đức Mẹ qua tràng hạt Mân Côi là cách cầu nguyện đơn sơ, dễ dàng nhất và cũng rất hiệu quả. Tràng hạt Mân Côi là bản tóm lược Tin Mừng, là sức mạnh của lòng tin, là sự mặn mà đầm ấm của lòng yêu mến. Khởi đầu chuỗi Mân Côi bằng việc xướng lên một mầu nhiệm để chiêm ngắm (trong suốt một chục kinh), kế đến là một kinh Lạy Cha, rồi 10 kinh Kính Mừng, và kết thúc bằng kinh Sáng Danh và cầu cho các linh hồn. Tiếp tục sang chục thứ hai cho hết 5 ngắm.

 

AMEN có hai nghĩa: tin và muốn. Khi kết thúc một lời tuyên xưng đức tin, như làm dấu Thánh Giá, kinh Tin Kính... là muốn nói: ‘Con tin như vậy’. Khi kết thúc lời cầu nguyện là muốn nói: ‘Con muốn được như vậy’.

 

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa Thánh Thần, nhiều lúc con chẳng biết cầu nguyện thế nào cho đẹp ý Chúa, xin Ngài hãy đến cầu thay nguyện giúp để con có thể kêu lên hai tiếng thân thương: “Abba, Cha ơi !”. Xin Ngài giúp con ý thức mình sắp trở thành con Cha trên trời, và như vậy con sẽ được đồng thừa tự với Đức Kitô trong vinh quang mà Chúa Cha đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người. 

Tập lần chuỗi Mân Côi, trang 15-17 ;

Bài hát : Xin vâng, trang 194.

 

TÓM LƯỢC :

 

1* Cầu nguyện là gì ?

- Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, để gặp gỡ, chúc tụng, tạ ơn hay cầu xin Chúa.

 

2* Chúa Giêsu dạy ta phải thế nào khi cầu nguyện ?

- Chúa dạy ta khi cầu nguyện phải có lòng khiêm tốn, kiên trì, tỉnh thức, và cầu nguyện như lời kinh Chúa dạy.

 

3 * Cầu nguyện như lời kinh Chúa dạy là gì ?

- Cầu nguyện như lời kinh Chúa dạy là cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha để tìm thánh ý và vinh danh Thiên Chúa trước hết, rồi mới cầu xin những ơn cần thiết cho cuộc sống hiện tại.

 

4* Cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi là gì ?

- Cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi là cầu nguyện cùng với Đức Maria để chiêm ngắm các mầu nhiệm của Chúa qua các kinh Kính Mừng.

 

QUYẾT TÂM :

 

Cầu nguyện là hơi thở của cuộc sống, tôi tập cầu nguyện bằng những lời nguyện tắt bất cứ khi nào có thể.


Mục Lục Giáo Lý Dự Tòng
Trở Về Trang Nhà