BÀI 22 :

TỰ DO VÀ TRÁCH NHIỆM

(Gl 5, 13- 15)

 

I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

         Lạy Chúa, trong giờ giáo lý hôm nay chúng con muốn cùng nhau chia sẻ, học hỏi về tự do và trách nhiệm. Xin Chúa ban ơn soi sáng, để chúng con biết và ý thức sử dụng tự do của mình theo ý Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

- Cúi xin Chúa sáng soi.

1- Kiểm tra bài cũ và điều quyết tâm

2- Viết tựa đề và Lời Chúa của bài mới

II. DẪN VÀO LỜI CHÚA

         Có bao giờ các em thấy người máy (robot) làm việc (hành động) chưa?đâu ? - Đúng, trong truyền hình, phim ảnh, đôi khi ta thấy những người máy hoạt động, nó làm bất kỳ việc gì cũng phải theo những quy định đã được lắp ráp và cài sẵn trong bộ nhớ của nó (như trên TV quảng cáo robot ASIMO của hãng Honda, hay các robot trong cuộc thi robotcon…). Nó không thể suy nghĩ và không có tự do chọn lựa, nó chỉ biết làm theo lệnh và dừng lại theo lệnh của người điều khiển hay bộ điều khiển. (Máy vi tính, các trò chơi vi tính cũng vậy).

Khác với người máy, con người có khả năng lựa chọn theo sự cân nhắc của mình, có thể tuỳ ý mình hành động hoặc không hành động. Con người có thể làm chủ các hành vi của mình. Đó là TỰ DO, là quà tặng  Thiên Chúa ban cho con người. Nhờ đó con người có khả năng tự định liệu, để mỗi người có thể đích thân tìm kiếm và gặp gỡ  Thiên Chúa. Đồng thời, Thiên Chúa cũng luôn tôn trọng tự do Ngài đã ban cho ta.

Mời các em nghe Thánh Phaolô nói về sự tự do và trách nhiệm.

III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA.

Gl 5, 13-15

         Phút thinh lặng.

IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

         Thảo luận (theo tổ)

         - Từ ngữ chính : tự do

- Câu tóm ý :  Câu 13… anh em đã được gọi để hưởng tự do…. Đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt…

         - Tựa đề ngắn : Tự do là quà tặng của Chúa.

Tóm ý Lời Chúa :

Thánh Phaolô  khẳng định và khuyên tín hứu Galata : Mọi người được  Thiên Chúa gọi để hưởng tự do, nhưng đừng lợi dụng tự do đó để sống theo tính xác thịt, sống buông thả, mà phải sử dụng tự do trong tinh thần bác ái, yêu người thân cận như chính mình. Sống theo khuôn thước: YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ. Không ai sống một mình và sống cho riêng mình mà là sống với người khác và có trách nhiệm về nhau.

Bây giờ chúng ta cùng nhau tìm hiểu về tự do và trách nhiệm để cùng rút ra bài học áp dụng vào đời sống.

1- Tự do : (Xem lại Giáo lý CB1, bài 22)

           + Tự do là gì ?

 Là khả năng chọn lựa theo sự cân nhắc của mình để quyết định đi đến hành động hay không hành động.

         dụ : tối nay tivi chiếu phim hay, em lưỡng lự suy nghĩ đắn đo không biết mình nên chọn điều nào học bài hay xem ti vi? Cuối cùng em chọn một trong hai.

Điều đó cho ta thấy rằng, để quyết định làm một điều gì, ta cần cân nhắc chọn lựa. Đồng thời song song với quyết định ta cũng phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó của ta.

         Nếu chọn lựa học bài xong mới xem phim: kết quả là em thuộc bài, nhưng em chấp nhận phải hy sinh bỏ một phần của bộ phim.

         Nếu quyết định ngược lại, xem phim xong mới học bài: em được xem phim, nhưng xem xong em buồn ngủ, không học bài tốt, bài kiểm tra bị điểm kém. Em phải chịu trách nhiệm về chọn lựa của mình.

* Đọc phần I trong sách học sinh, 93-94 .

Trong những trường hợp nào ta không phải chịu trách nhiệm, hay được giảm bớt trách nhiệm về việc làm của mình ? (3 trường hợp : …)

Ơn Chúa có làm mất tự do của con người không ? (Không, vì …)

HS ghi :  Tự do rất quan trọng, vì nó làm cho các hành vi của con người có giá trị tốt hay xấu về mặt luân lý, và mỗi người phải chịu trách nhiệm về những gì mình nghĩ, mình nói hoặc mình làm.

2. Trách nhiệm luân lý . (Xem lại Giáo lý CB1, bài 23)

         Để giúp con người nhận biết điều tốt điều xấu,  Thiên Chúa ban cho chúng ta tiếng nói lương tâm và sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Khi đứng trước một điều tốt hoặc điều xấu. Nếu ta chọn điều tốt, nghĩa là ta đã nghe theo sự thúc giục của Chúa Thánh Thần và tiếng lương tâm (điều đó giúp ta nên tốt và nâng cao giá trị con người của mình lên).

         Ngược lại, nếu ta chọn điều xấu, nghĩa là ta đã bỏ qua, không lắng nghe sự soi sáng của Chúa Thánh Thần và lương tâm (làm cho ta nên xấu, đánh mất phẩm giá cao quý của mình đi).

Như vậy, khi ta quyết định một điều gì với sự ý thức và tự do của mình thì ta phải chịu trách nhiệm về hành vi đó.

Học sinh đọc phần 2 trong sách học sinh, trang 94.

Muốn đánh giá một hành vi là tốt hay xấu ta phải dựa vào đâu? (3 điểm sau : Một là …)

Em hãy nhớ nguyên tắc này : Việc làm tốt phải đi đôi với mục đích tốt. (Phần bài tập).

HS ghi : Tự do làm cho con người trở nên cao cả, nhưng nếu lạm dụng tự do làm điều xấu, thì ta sẽ đánh mất phẩm giá làm người, và làm con Chúa của mình, trở thành nô lệ cho tội lỗi.

3. Chọn lựa của tôi :

Sau khi đã tìm hiểu về tự do và trách nhiệm, bây giờ chúng ta sẽ chọn lựa như thế nào?

Đọc phần 3, trang 95.

           Tự do có phải là muốn làm gì thì làm không?

- Chúng ta phải khẳng định là không. Tự do không phải là sống theo đam mê, buông thả. Nhưng tự do là làm chủ bản thân, bằng cách can đảm nói lên tiếng “không” và tiếng “vâng” đúng chỗ.

* Nói tiếng vâng với thầy cô, cha mẹ và với những điều tốt.

* Nói tiếng không với những bạn xấu, điều xấu, những cám dỗ quyến bên ngoài và những dục vọng tội lỗi sâu kín trong ta.

           Con người tự do gương mẫu là ai ?

         - Là Đức Giêsu. Người đã hoàn toàn tự do khi xuống thế làm người, khi tự nguyện chấp nhận cuộc khổ nạn vì yêu thương nhân loại. Người đã thể hiện sự tự do cao độ khi chọn lựa vâng theo ý Chúa Cha.

Thiên Chúa luôn luôn yêu thương, để giúp ta có đủ can đảm vươn tới tự do đích thực, Ngài luôn ban ơn trợ giúp. Điều quan trọng là ta có đủ can đảm cộng tác với những ân sủng của Chúa hay không. (Ân sủng của Chúa có thể ví như trận mưa. Chúng ta cộng tác với ơn Chúa bằng cách hứng lấy nước. Nếu không cộng tác chúng ta cũng giống như người đem úp phi giữa trời mưa, chúng ta sẽ chẳng được tí nước nào...)

HS ghi : Con người chỉ có tự do đích thực khi biết dùng tự do để cộng tác với ân sủng của Chúa mà sống theo ý Ngài muốn hầu đạt tới hoàn thiện và hạnh phúc trong Ngài.

V. CẦU NGUYỆN :

         Lạy Cha nhân lành, vì yêu thương con, Cha đã ban cho con tự do để con lớn lên, trưởng thành và hạnh phúc trong tình yêu của Cha. Khi làm nô lệ cho tội lỗi con đánh mất phẩm giá cao quý của mình,  nhưng Cha đã cho Đức Giêsu đến giải thoát con khỏi ách nô lệ ấy. Xin cho con biết yêu quý sự tự do Cha đã ban tặng cho con. Xin Cha ban sức mạnh Thánh Thần giúp con biết sử dụng tự do Cha đã ban tặng, để sống đúng với phẩm giá cao quí của con người là hình ảnh Cha. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Con Cha, Chúa chúng con. Amen.

VI. SINH HOẠT:

Băng reo  Công- Phạt”

Ý nghĩa : Sử dụng tự do đúng được thưởng, lạm dụng tự do sẽ bị phạt.

Có thể thay đổi thứ tự câu hô để tạo sự hào hứng.

Người điều khiển hô lớn

Tất cả làm cử điệu

CÔNG

Đưa hai tay lên trời.

THƯỞNG

Giang ngang hai tay ra.

TỘI

Khom lưng, cúi đầu

PHẠT

Quì gối

VII. BÀI TẬP

Theo nguyên tắc : “Việc làm tốt phải đi đôi với mục đích tốt”, em làm một bảng tương tự như dưới đây với các ví dụ khác để thay vào thay ví dụ nằm trong ngoặc.

Hành động (ví dụ)

Mục đích (ví dụ)

Đánh giá

Tốt (Chăm học)

Tốt (để bố mẹ vui)

Tốt

Tốt (………………………………)

Tốt (………………………..)

Tốt

Tốt (Chăm đi dự lễ)

Xấu (để người ta biết)

Xấu

Tốt ( …………………………)

Xấu ( …………………………)

Xấu

Xấu (Ăn cắp tiền)

Tốt (cho người nghèo)

Xấu

Xấu (………………………..)

Tốt  (………………………..)

Xấu

VIII. SỐNG LỜI CHÚA :

Trong tuần này quyết tâm : Tập sống “vâng” đối với cha mẹ, thầy cô.

IX. Cầu nguyện kết thúc :

         Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nêu gương cho chúng con về việc sử dụng tự do. Chúa đã sống tiếng “vâng” với cha mẹ với việc tốt và với Chúa Cha. Xin cho chúng con cũng biết dùng tiếng “vâng” với cha mẹ, thầy cô, với việc tốt và với  Thiên Chúa  để chúng con lớn lên, trưởng thành và hạnh phúc trong tình yêu của Chúa.

Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.