BÀI 23
LƯƠNG TÂM VÀ LUẬT CHÚA HƯỚNG
DẪN TA
(1 Cr 4, 3- 5)
Lạy Chúa, xin ban Thánh
Thần đến với chúng con và soi sáng, để chúng con cùng nhau học hỏi, hiểu biết về
lương tâm và luật Chúa ban hướng dẫn chúng con, giúp chúng con sống xứng đáng là
con cái Chúa.
1- Kiểm tra bài cũ và điều quyết tâm
2- Viết tựa đề và Lời Chúa của bài mới
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA.
- Khi em đi sau một
người, nhìn thấy họ đánh rơi ví tiền. Em phân vân giữa việc
nhặt cất đi (vì không có ai nhìn thấy)
hoặc nhặt trả lại cho họ. Sau một lúc suy nghĩ, em quyết
định nhặt và trả lại cho họ.
- Theo em khi làm một
việc như vậy, em đã được sự thúc giục và nhắc bảo của ai? (Của Chúa Thánh Thần và của lương tâm).
- Làm như vậy em cảm
thấy thế nào? (Yên tâm, không áy náy)
- Ngược lại, vì không
có ai nhìn thấy, em nhặt cất đi làm của mình, em cảm thấy thế nào? (Áy náy, lo sợ, ray rứt).
Vậy
khi đứng trước một điều tốt và một điều xấu, nếu em chọn điều xấu thì Chúa Thánh
Thần và lương tâm không làm việc trong em hay sao? (Không phải, Chúa Thánh Thần vẫn soi sáng, lương tâm vẫn hướng dẫn. Nhưng
em đã bỏ qua, không lắng nghe sự hướng dẫn đó).
Ta có thể kết luận rằng : Mọi người
chúng ta đều phải đối diện trước lương tâm, là tiếng Chúa nói trong lòng, để trả
lời về những việc mình đã làm.
- Nếu là điều xấu: lương tâm ta cắn rứt, trách móc và ta cảm thấy xấu
hổ.
- Nếu là điều tốt : lương tâm ta sẽ khen ngợi và ta cảm thấy bình
an, vui sướng.
Chúng ta cùng lắng nghe thánh Phaolô nói
về lương tâm ngay thẳng của mình trước mặt Chúa.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA. (1 Cr 4, 3- 5).
Thinh
lặng một phút.
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA.
a. Tìm trọng tâm : (hội thảo theo tổ, ghi lại đúc kết)
- Từ ngữ chính : Lương tâm – xét xử
- Câu tóm ý : Câu 4 “Tôi không thấy lương tâm áy náy…”
- Tựa đề mới : SỐNG THEO LƯƠNG TÂM.
b. Lời Chúa dẫn đến bài học.
Trong đời sống hằng ngày, Chúa luôn mời
gọi ta làm điều tốt và tránh điều xấu. Khi làm điều
tốt, ta làm đẹp lòng Chúa và lòng ta an vui. Ngược lại, khi làm điều xấu thì ta làm Chúa buồn và lòng ta áy náy.
Lời mời gọi của Chúa trong tâm hồn ta chính
là “tiếng lương tâm”.
1/ Lương tâm : (Xem lại Giáo lý CB1, bài 24)
Nơi
tận đáy lòng chúng ta luôn có tiếng nói bảo chúng ta làm lành lánh dữ, đó là tiếng
của ai? (- Là tiếng
nói của Chúa, gọi là tiếng lương tâm.)
- Vậy lương tâm là gì? (-Là
sự phán đoán của lý trí mà
Thiên Chúa đặt sẵn nơi đáy lòng mỗi người để soi dẫn họ làm điều
tốt.)
- Chúa ban lương tâm cho những ai? (-Cho mọi người. Cả những người chưa nhận biết Chúa, vì Chúa
yêu thương mọi người.)
- Lương tâm có phải là luật Chúa ghi trong tâm hồn ta không? (-Đúng vậy, đó là luật tự nhiên.)
- Chúa làm gì để nâng đỡ lương tâm con người
? (-Chúa ban Thánh
Thần để nâng đỡ lương tâm ta.)
- Ta có buộc phải
nghe tiếng lương tâm không ? (- Có, ta phải triệt để nghe theo tiếng lương
tâm, vì đó là tiếng Chúa).
- Lương tâm có thể
sai lạc không? Khi nào? (- Có, vì
hoàn cảnh sống. Ví dụ : Một em bé mồ côi, được một nhóm
trộm cướp nuôi, lớn lên em phải đi ăn cắp, em không biết đó là tội, chỉ nghĩ đó
là việc cần làm để sinh sống.)
Vậy ta phải làm gì để
có lương tâm ngay thẳng, sáng suốt? (Học giáo lý và lề luật
Chúa để biết phân biệt tốt xấu. Năng cầu nguyện để có sức mạnh xa tránh
cám dỗ và chiến thắng tội
lỗi. Khi cần thì phải bàn hỏi với những người đạo đức, khôn
ngoan.)
* HS đọc phần I trong sách học sinh.
HS ghi bài :
Lương tâm là tiếng Chúa nói trong lòng mỗi người, giúp lý trí
phán đoán để nhận biết và phân biệt tốt xấu, giúp ta làm lành, lánh dữ. Vì vậy ta phải nghe và làm theo tiếng lương
tâm dạy bảo.
2. Luật luân lý . (Xem lại Giáo lý CB1, bài
25)
Lương tâm hướng dẫn hành động của mọi người, vì vậy nó được gọi
là luật gì ? (Tiếng nói của lương tâm chính là luật tự nhiên cho tất cả loài người.)
Nguyên
luật tự nhiên đã đủ cho đời sống con người chưa? (Chưa đủ. Vì thế, khi đã ban cho con người lương tâm, chính Thiên Chúa còn trực
tiếp lên tiếng dạy bảo con người, qua Abraham - Môsê - các ngôn sứ, và chiùnh Đức
Giêsu Kitô đã đến để hoàn tất mọi lề luật trong luật yêu thương . Những điều ấy được gọi là luật mạc khải của Cựu Ước và Tân Ước.)
Cả luật tự nhiên (lương tâm) và luật mạc
khải (Cựu Ước và Tân Ước) hợp thành luật luân lý Kitô giáo, đặt nền tảng trên tình
yêu thương. Mến Chúa – yêu người là chu toàn mọi lề luật.
* HS đọc phần 2 trong sách học sinh, trang 98.
HS ghi bài :
Luật luân lý của Kitô Giáo bao gồm luật tự nhiên và luật mạc
khải trong Cựu Ước và Tân Ước. Luân lý Kitô Giáo qui hướng về tình yêu.
3. Giao ước trong cõi lòng
HS đọc phần 3 trong sách, trang 99.
HS ghi :
Luật Tân Ước là luật của ân sủng và tự do.
Vì được qui hướng về tình yêu nên lề luật không phải là sự áp đặt từ
bên ngoài, nhưng là lời mời gọi mọi người tự nguyện bước theo
con đường đưa tới hạnh phúc.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ.
Lạy Chúa Giêsu, chúng
con cảm tạ Chúa đã ban Thánh Thần soi sáng, dạy dỗ để chúng con biết rằng: vì
muốn cho chúng con sống tốt, Cha trên trời đã ban cho mỗi người chúng con đều có
một lương tâm. Xin cho chúng con biết lắng nghe Chúa Thánh Thần dậy bảo trong lương
tâm chúng con và biết làm theo ý Chúa. Để được tiến xa hơn trên đường nên thánh, nên hoàn thiện như Cha trên
trời là Đấng hoàn thiện. Chúa là Đấng hằng sống hằng
trị muôn đời. Amen.
VI. SINH HOẠT :
Người điều
khiển sẽ nêu lên những hành động. Tất cả lắng nghe và
phân biệt :
·
Việc xấu : chê xấu xa và gục đầu, hai tay úp mặt (xấu hổ).
NĐK |
TẤT CẢ |
NĐK |
TẤT CẢ |
Học giáo lý |
Hoan hô, hoan hô |
Hận thù |
Xấu xa, xấu xa |
Bỏ lễ |
Xấu xa, xấu xa |
Vâng lời |
Hoan hô, hoan hô |
Yêu người |
Hoan hô, hoan hô |
Bướng bỉnh |
Xấu xa, xấu xa |
Siêng năng |
Hoan hô, hoan hô |
Lười biếng |
Xấu xa, xấu xa |
Ăn cắp |
… |
Đánh nhau |
… |
Giúp bạn |
… |
Nói xấu |
… |
VII. BÀI TẬP :
1/ Lương tâm là gì?
a. Sự phán đoán Chúa ban để hướng
dẫn ta làm lành lánh dữ.
b. Tiếng Chúa nói nơi đáy lòng ta. c.
Cả hai câu a+b đều đúng.
2/ Chúa ban lương tâm cho những
ai?
a. Những người có đạo. b. Những người đã trưởng thành.
c. Cho mọi người, cả những người
chưa nhận biết Chúa.
d. Cả a và b đều đúng.
VIII. SỐNG LỜI CHÚA.
Bài học tâm linh :
- Chúa là Đấng phân xử cuối cùng và Ngài sẽ xét xử ta dựa trên việc
ta có sống theo tiếng lương tâm hướng dẫn hay không.
- Gương sáng: Thánh Phaolô thấy “lương tâm tôi không áy náy điều gì”.
- Tôi sẽ năng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần và xin Ngài soi sáng lương
tâm tôi.
Quyết tâm : Tuần này, mỗi sáng, ngay khi ngủ dậy em đọc lời nguyện tắt:
“Lạy Chúa Thánh Thần xin soi sáng lương
tâm con,
để con biết làm điều tốt và tránh điều xấu”.
Khi đọc kinh tối em xét mình xem đã làm theo tiếng lương tâm chưa.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC :
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã ban cho con có một lương tâm để
nhắc nhở con sống tốt để con được hạnh phúc.
Xin ban ơn giúp con biết nghe theo
tiếng Chúa nói với con trong lương tâm để luôn làm điều lành tránh điều dữ.
Kinh Sáng Danh.