Bài 30 :

CHÚA THÁNH THẦN LÀ THIÊN CHÚA CHA VÀ CHÚA CON

Ga 14, 15-17.25-26

 

I.   CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã thương quy tụ chúng con lại đây để được học hỏi về Chúa. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con. Xin Ngài soi sáng , dạy dỗ giúp chúng con ngày càng hiểu biết Chúa hơn, để chúng con yêu mến, gắn bó và đáp trả tình yêu Chúa mỗi ngày như ý Chúa muốn.

Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần…

II.                DẪN VÀO LỜI CHÚA :

Chú bé bị mù từ bẩm sinh. Nhờ cuộc giải phẫu, mắt chú dần dần sáng ra. Ngày nọ, mẹ chú dẫn chú ra đường và mở màn che, chú say sưa ngắm nhìn trời đất. Chú kêu lên :

-Mẹ ơi, sao lâu nay mẹ không nói cho con  hay đất trời đẹp thế !

Bà mẹ bật khóc nói :

-Con ạ, mẹ đã cố gắng nói cho con hay đấy chứ, nhưng lúc đó con làmsao hiểu được.

Cũng vậy, Chúa Giê-su cũng đã nói cho chúng ta về mầu nhiệm Nước Trời, nhưng nếu Thánh Linh không gỡ màn che, mở con mắt tâm linh cho ta, thì ta cũng chẳng thấy sự hiện diện của Chúa.

Chúng ta cùng nghe đoạn Tin Mừng sau đây ghi lại những lời Chúa Giê-su giới thiệu cho ta biết về Chúa Thánh Thần.

Mời các  bạn đứng, chúng ta cùng lắng nghe :

III.             CÔNG BỐ LỜI CHÚA : Ga 14,15-17.25-26    Thinhlặng giây lát

IV.              GIẢI THÍCH LỜI CHÚA:

1.    Dẫn giải đoạn Kinh Thánh vừa công bố :

-Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe của ai ? Thánh Gio-an

-Thời gian viết : khoảng năm 80-90

Đoạn Tin Mừng này nằm trong trình thuật về Bữa Tiệc ly và mạc khải của Chúa Giê-su cho các môn đồ.

Trong thời gian rao giảng, Chúa Giê-su đã gợi ý cho dân chúng biết về Chúa Thánh Thần. Khi nói với dân chúng là những người thiện chí, Ngài đã nói xa xa về Chúa Thánh Thần. Chỉ riêng với các môn đệ, Ngài mới nói rõ. Cách riêng trong Bữa Tiệc ly, Chúa Giê-su mới tỏ cho các môn đệ biết Chúa Thánh Thần là một Đấng Bảo Trợ khác (x, Bài 28), cùng một thế giá và quyền năng như Ngài.

Chúa Thánh Thần cũng là Thiên Chúa như Chúa Cha và Chúa Giê-su. Ngài là Thiên Chúa Ngôi Ba. Ngài đến dẫn đưa chúng ta vào tất cả sự thật nghĩa là vào đời sống hiểu biết Chúa hơn, yêu mến Chúa hơn và sống gắn bó với Chúa hơn.

Chúng ta cùng thảo luận đoạn Tin Mừng này :

2.    Các em học sinh thảo luận:

 Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một câu chuyện kể

a. Đoạn văn nói tới những nhân vật nào ?

   -Chúa Giê-su, Chúa Cha, các môn đệ, Đấng Bảo Trợ.

   -Nhân vật chính : Đấng Bảo trợ

b. Câu tóm ý cả đoạn : câu 16

c. Đặt tựa đề ngắn : Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo trợ

3.    Bài học giáo lý :

Trong Bữa Tiệc ly, Chúa Giê-su hứa với các môn đệ sẽ xin Cha sai đến cho họ một Đấng Bảo Trợ khác. Đấng này khác với Chúa Giê-su và do Chúa Cha sai đến. Đó là Chúa Thánh Thần (SGLC 243).

Chúa Thánh Thần hằng ở với Chúa Cha và Chúa Con. Ngài hằng có mặt và cùng làm việc với Chúa Cha và Chúa Con trong mọi công cuộc : tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá.

  3.1 Trong lịch sử  :

        Chúa Thánh Thần không có bộ mặt nhân loại như Chúa Cha và Chúa Con, nhưng Ngài được so sánh như hơi thở, khí, gió và được tượng trưng bằng lửa, bằng chim bồ câu. Hoạt động của Ngài tựa như nước, lửa, dầu…Vừa thiết yếu cho sự sống, vừa có sức mạnh không gì chống lại được.

        Chúa Thánh Thần đã có mặt bên Chúa Cha và Ngôi Lời ngay từ đầu lịch sử cứu độ.

-Khi sáng tạo vũ trụ : “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần Khí Thịên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St1,1-2).

-Khi tạo dựng con người : “ Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St2,7).

-Sau khi nhân loại sa ngã và được Thiên Chúa hứa ban ơn cứu độ, Chúa Thánh Thần đã đi vào lịch sử nhân loại, để chuẩn bị một dân tộc đón nhận Đấng Cứu thế đến.

-Trong cuộc Xuất hành, Thần Khí hiện diện nơi ông Mô-sê, Giô-suê và các bậc kỳ lão để hướng dẫn họ đưa dân Ít-ra-en vào Đất Hứa (Ds11,17-29; 27,18; Đnl 34,9).

-Thời các Thủ lãnh, Thần khí Thiên Chúa hiện diện nơi các Thủ lãnh để giúp họ thực hiện sứ mạng đối với dân Chúa. Chẳng hạn như ông Oùt-ni-ên (Tl3,10); Ghít-ôn (Tl6,34); Sam-sôn (Tl14,19; 15,14), Sa-mu-en.

-Thời Các Vua, Thần Khí Thiên Chúa được ban xuống trên các vua, đặc biệt là Đa-vít khi ông được xức dầu làm vua (1Sm 16,13)…

-Trong thời lưu đầy và những thời sau đó. Thánh Thần đã dùng các ngôn sứ, để chuẩn bị tâm hồn dân Chúa chờ đón Đấng Cứu Thế.

-Qua miệng ngôn sứ I-sai-a, Thánh Thần cho thấy hình ảnh Đấng Mê-si-a sắp tới sẽ là vị đầy tràn Thần Khí Thiên Chúa:

“Từ gốc tổ Giê-sê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này : Thần Khí khôn ngoan và minh mẫn, Thần khí mưu lược và dũng mãnh, Thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11,1-2)

Chính vì thế, khi khởi đầu công cuộc loan báo Tin Mừng, Chúa Giê-su đã cho thấy đoạn ngôn sứ I-sai-a ở trên là chỉ về Ngài : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho ngừơi mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19)

-Tóm ý: Nhìn lại lịch sử, ta thấy :

 . Ngay từ đầu Thánh Thần đã hành động trong công trình sáng tạo, Thánh Thần là Đấng ban sự sống.

 . Thánh Thần đã dùng miệng các ngôn sứ mà phán dạy : chính Thánh Thần hướng dẫn các Tổ phụ, các Vua và các Ngôn sứ…Suốt thời Cựu Ước Ngài đã chuẩn bị một dân chờ đón Đấng Cứu Thế.

 .Khi Con Thiên Chúa nhập thể làm người trong lòng Mẹ Ma-ri-a, khi Ngài rao giảng, Tử nạn và Phục sinh…luôn luôn có Thánh Thần hiện diện.

 

3.2 Trong lời tuyên xưng của Hội Thánh:

Nhờ Chúa Thánh Thần mà ta có thể tuyên xưng Chúa Giê-su là Chúa và đến với Chúa Cha như người con.Nhưng Chúa Thánh Thần lại là Đấng được bày tỏ sau cùng.

Qua Công đồng chung Con-tan-ti-nô-pô-li (381) và Khan-kê-đô-ni-a (451), Hội thánh đã đúc kết Đức tin của mình về Chúa Thánh Thần như sau :

“Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống; Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra; Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa con; Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy”.

Là Thiên Chúa, có nghĩa Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa như Chúa Cha và Chúa Con. Tuy nhiên, chúng ta không tuyên xưng ba Thiên Chúa, mà tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất. Đó là Thiên Chúa Tình yêu. Vì là Tinh yêu nên Thiên Chúa vừa một vừa ba: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thánh Thần hay Thần Khí Thánh có nghĩa là hơi thở tình yêu của Thiên Chúa. Giữa Tình yêu đang ban cho ( Chúa Cha) và Tình yêu đang đón nhận ( Chúa Con) ta thấy chính Tình yêu đang có đó ( Chúa Thánh Thần), như ngọn gió mà ta không biết từ đâu thổi đến và lại thổi đi đâu.

Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba, Ngài bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Ngài là Thiên Chúa thật, cùng uy quyền và vinh quang như Chúa Cha và Chúa Con (Ga 14,16; Cv5,3-4; Mt 28,19; 1Cr 3,16).

Chính Chúa Cha và Chúa Con gửi Thánh Thần đến cho ta, nhờ đó ta biết được Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra (Ga 14,16.26; 15,26; 16,13-15)

Ta cần phải yêu mến và thờ phượng Chúa Thánh Thần như yêu mến và thờ phượng Chúa Cha và Chúa Con, lại phải năng cầu nguyện với Ngài và nghe theo ơn Ngài soi sáng (Ep 4,30; 1Tx 5,19; Gl 5,16).

-Tóm ý: Hội Thánh tuyên xưng niềm tin của mình về Chúa Thánh Thần như sau : “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống; Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra; Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha  và Đức Chúa Con; Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy”.

  3.3 Trong lòng tôi:

“Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng các ngươi. Chính Thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi. Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành (Ed 36,26-27).

Những lời trên là của ngôn sứ Ê-dê-ki-en vào thế kỷ 6 truớc công nguyên.

Lời hứa đó đã được thực hiện sau khi Chúa Giê-su sống lại và lên trời. Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã được Chúa Cha và Chúa Giê-su cử đến : “Và ai nấy đều được tràn đầy ơn  Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv2,4). Chúa Thánh Thần được ban xuống không chỉ trên các Tông đồ, mà trên mọi tín hữu trong đócó chúng ta (Cv 4,31).

Qua bí tích Rửa tội và Thêm sức, chúng ta đã lãnh nhận tràn đầy Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần hằng hiện diện trong ta:

-Ngài dạy ta cầu nguyện, giúp ta đến với Thiên Chúa và thưa với Ngài: “Aùp-ba, Cha ơi!” (Gl 4,6; Rm 8,15)  (SGLC 741)

-Ngài giúp ta hiểu biết Lời Chúa và đem ra thực hành. Toàn bộ Kinh Thánh được viết ra dưới sự soi sáng và hướng dẫn (linh hứng) của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là tác giả và là Đấng giải nghĩa Kinh Thánh. Thánh Kinh đã được viết trong Chúa Thánh Thần nên cũng phải được đọc và giải thích trong Chúa Thánh Thần (SGLC 105-114).

-Ngài giúp ta sống gắn bó với Chúa Ki-tô và ngày càng nên giống Chúa Ki-tô hơn không chỉ qua Lời Chúa mà còn qua Phụng vụ của Hội thánh : nơi các Bí tích, Ngài làm cho ta được hiệp thông với Chúa Ki-tô. (SGLC 737).

-Ngài dạy chúng ta sống yêu thương, giúp chúng ta trổ sinh hoa quả của Thần khí là: bác ái, hoan lạc , bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết  độ (Gl 5,22-23)

-Tóm ý : Chúa Thánh Thần chính là vị Thượng  khách của lòng ta. Ngài luôn ở với ta. Ta hãy làm đẹp lòng Chúa Thánh Thần bằng cách luôn nhớ đến Ngài và xin Ngài ban ơn soi sáng hướng dẫn ta. Ta cần quảng đại lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa Thánh Thần từ trong những gợi ý rất nhỏ của Ngài để trở nên người của Thánh Thần.

*TÓM Ý TOÀN BÀI :

Chúa Giê-su dạy ta biết Chúa Thánh Thần là một Đấng Bảo trợ như Ngài, và cùng làm những việc của Chúa Cha và Chúa Con như sáng tạo, ban sự sống, mặc khải và thánh hoá. Như thế, Chúa Thánh Thần cũng là thiên Chúa như ngang hàng với Chúa Cha và Chúa Con.

Chúa Thánh Thần thường được gọi là Thần Khí của Thiên Chúa, là Thần khí của sự thật, là Đấng An ủi và là Đấng ban sự sống. (Ga 14,15-26; 15,26)

Ta phải tin kính, thờ phượng, cầu xin Chúa Thánh Thần và vâng theo ơn Ngài soi sáng, cùng tôn trọng hồn xác ta là Đền thờ của Ngài.

V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, sau khi về Trời Chúa đã không bỏ chúng con mồ côi, nhưng đã xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến dạy dỗ chúng con. Xin đổ đầy linh hồn chúng con Thần khí của Chúa, xin giúp chúng con trao dâng chính mình cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt, để chúng con rao truyền Chúa không chỉ bằng lời nói nhưng bằng sức mạnh của Tình yêu Chúa, hầu những ơn Chúa Thánh Thần luôn sinh hoa kết quả dồi dào trong đời sống chúng con.

Chúng con cầu xin vì Chúa…

VI.              SINH HOẠT GIÁO LÝ

Hát: Lạy Chúa Thánh Thần  ( Trầm Hương)

VII.           BÀI TẬP GIÁO LÝ

1.     Qua Công đồng chung Con-tan-ti-nô-pô-li (381) và Khan-kê-đô-ni-a (451), Hội Thánh đã đúc kết đức tin của mình về Chúa Thánh Thần như thế nào ?

     “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống; Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra; Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha  và Đức Chúa Con; Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy”.

Hoặc câu hỏi thảo luận :

  Em hãy chọn câu đúng nhất :

2.     Chúa Thánh Thần hằng hiện diện trong chúng ta để :

a.Dạy ta cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha.

b.Giúp ta hiểu biết ý Chúa vàđem ra thực hành.

c. Giúp ta sống gắn bó với Chúa qua Lời Chúa và qua Phụng vụ của hội Thánh.

d.Dạy ta sống yêu thương, giúp chúng ta trổ sinh hoa quả của Thánh Thần là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín,hiền hoà, tiết độ (Gl5,22-23)

e.Cả 4 câu đều đúng

        (câu e)

VIII.        ĐIỀU DỐC LÒNG

1.Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?

   Chúa Thánh Thần là Thần khí sự thật, là hơi thở sự sống và tình yêu Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa.

2.Qua đoạn văn này, hôm nay Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?

   Tránh không làm điều gì buồn lòng Thánh Thần, luôn nhớ đến Ngài và xin Ngài ban ơn soi sáng trước và sau mỗi công việc, trước khi đi ngủ,khi vừa thức dậy. Quảng đại đáp lại những gợi ý của Chúa Thánh Thần.

IX.              CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã thương ban cho chúng con giờ học giáo lý hôm nay. Xin Chúa giúp chúng con thực hiện điều chúng con đã quyết tâm, để cuộc sống chúng con ngày càng thánh thiện, xứng đáng là Ngôi đền của Chúa Thánh Thần. Amen.