KINH THÁNH 3
PHẦN I:
Hội Thánh Lắng Nghe Lời Chúa
Hội Thánh là gì?
Là cộng đoàn tín hữu trên khắp thế giới.
Có thể hiểu Hội Thánh theo nhiều nghĩa khác nhau của Kinh Thánh, cụ thể như Cộng
đoàn các tín hữu, Nước Chúa, Nhiệm Thể Chúa Ki-tô.
- Là Cộng đoàn
các tín hữu: nghĩa là tập hợp (eklesia) tất cả những ai tin vào Đức Giê-su Ki-tô,
hay cộng đồng(koinonia) của tất cả những ai cùng yêu mến Chúa cứu Thế.
- Là Nước Chúa:
nghĩa là nơi ứng nghiệm các sấm ngôn ngày xưa về Triều đại Đấng Mê-si-a.
- Là Nhiệm Thể
Chúa Ki-tô: nghĩa là nơi hiệp thông tất cả những ai đã được ân sủng Đức Ki-tô
thánh hoá: Người là Đầu vô hình và họ là chi thể hữu hình của Nhiệm thể ấy.
Hội Thánh là cộng đoàn các tín hữu, nghĩa
là tập họp tất cả những người tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Vậy Đức tin có là bởi đâu?Tại
sao ngày nay chúng ta có thể nói về Chúa Giê-su ?
Thưa: Đức tin có là nhờ nghe rao giảng (Rm
10, 17). Hội Thánh buổi đầu xuất hiện như cộng đoàn những người tin vào Đức
Ki-tô Phục sinh. Họ quy tụ chung quanh các tông đồ, cùng nhau lắng nghe Lời Chúa,
tham dự lễ bẻ bánh, hiệp thông huyng đệ, cầu nguyện và làm chứng. Đó là nếp sống
năm chuyên cần của Hội Thánh thuở ban đầu mà thánh Lu-ca mô tả trong Công vụ các
Tông đồ (Cv 2,42-47; 5,32-35).
Sức sống của Hội Thánh chính là chúa Thánh
Thần. Ngay từ đầu, Ngài đã được ban xuống đầy tràn trên Hội Thánh để xây dựng và
hướng dẫn Hội Thánh trở thành cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa. Mỗi khi ta đọc Kinh
Thánh, nhất là khi ta lắng nghe Lời Chúa trong Phụng vụ, Thánh lễ, Ngài chuẩn bị
tâm hồn ta, giúp ta hiểu và đón nhận Lời của Chúa Giê-su. Ngài cũng ban ơn giúp
sức và hướng dẫn ta biến đổi đời sống theo Lời Chúa Giê-su dạy.
Bài 1
TẬP NHẬT KÝ CỦA HỘI THÁNH THUỞ BAN ĐẦU:
SÁCH CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ
Cv 5, 32 -35
Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã quy tụ chúng con lại đây
trong tình thương của Chúa. Chúng con xin dâng lên Chúa giờ học đầu tiên hôm
nay và trọn năm học mới này.
Xin Chúa ban tràn đầy Chúa
Thánh Thần xuống trên chúng con để Ngài
soi sáng, dạy dỗ, thánh hoá, giúp chúng con hiểu sâu hơn về Người Mẹ của chúng
con là Hội Thánh. Và chúng con luôn biết góp phần làm cho khuôn mặt của Hội Thánh
mỗi ngày một phản ánh rõ ràng và trung thực hơn khuôn mặt Đức Ki-tô, bằng cuộc
sống thấm nhuần Tin Mừng. Amen.
Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần
…
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA:
Một thi sĩ Việt nam đã từng viết:
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy,
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” thường được những người yêu nhau ghi
lại trong nhật ký của mình. Năm tháng trôi qua có thể làm tình yêu của họ ra
phai lạt, nhưng những trang nhật ký luôn chất chứa nguồn sức mạnh, không những
giúp họ sống lại những mặn nồng thuở ban đầu mà còn làm cho tình yêu của họ mỗi
ngày một thêm phong phú và mãi mãi tươi trẻ với thời gian.
Hội Thánh được ví như Hiền thê của Đức Ki-tô (2Cr 11, 2-3; Ep
5,25- 27; Kh 21,2). Thuở ban đầu ấy cũng được Hội Thánh ghi lại trong tập nhật
ký của mình, dưới tác động của hơi thở tình yêu là Chúa Thánh Thần. Tập nhật ký
đó có tên là sách Công Vụ Tông Đồ. Chúng ta hãy cùng lắng nghe trích một đoạn của
tập nhật ký này:
Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA: Cv 5,
32 - 35
Thinh lặng giây lát
IV. GIẢI THÍCH BÀI HỌC
1. Sách Công vụ Tông đồ
a. Tác giả và thời gian biên soạn:
-Tác giả: Tác giả là một
người bạn đồng hành của Phao-lô, ông viết: “Chúng tôi đã đến…” tức là có ông cùng
đi với Phao-lô. Dựa vào giọng văn Hy-lạp lưu loát và sự hiểu biết rành rẽ về vùng
An-ti-ô-khi-a, ta nhận ngay ra tác giả sách Công vụ Tông đồ cũng chính là tác
giả Tin Mừng Lu-ca.
Lu-ca là một người Hy-lạp tân tòng, được ơn trở lại lúc ông đang sống tại
An-ti-ô-khi-a, Thủ đô nước Sy-ry-a, một trong những trung tâm của văn hoá Hy-lạp.
Lu-ca là người có học thức, ông thành thạo Kinh Thánh Hy-lạp, rành về y khoa
(Lc 4,23; Cv3,7; 28,8) trở thành bạn đồng hành của Phao-lô trong các chuyến đi
truyền giáo.
- Thời gian biên soạn: Khó
biết rõ sách được viếât tại đâu? Ở
A-chai-a hay Rô-ma? Nhưng chỉ biết chắc là viết sau sách Tin Mừng thứ 3
(Cv1,1); sau khi Phao-lô tử đạo (năm 67), có lẽ được viết khoảng năm 80.
b. Nội dung:
Hội Thánh đã được
khai sinh tại Giê-ru-sa-lem. Từ ấy, các thử thách, khủng hoảng đã làm cho trưởng
thành và giúp Hội Thánh khám phá ra cơ đồ lớn lao của Tin Mừng Đấng
Phục sinh, nên mạnh dạn lan ra cho tới cả trung tâm Đế quốc Rô-ma, tượng trưng
cho toàn cầu, địa bàn bao la của Tin Mừng: “Anh em là chứng nhân của Tôi tại Giê-ru-sa-lem,
khắp đất Giu-đa và Sa-ma-ri, và cho tới tận cùng mặt đất” (Cv1,8)
Lu-ca dùng sách Công vụ Tông
đồ trình bày việc triển nở của Tin Mừng Đấng Phục sinh. Trước tiên không phải để
mô tả sự phát triển về mặt địa dư từ Giê-ru-sa-lem sang tới Rô-ma, nhưng sâu hơn
chính là sự khám phá xuyên qua việc truyền giáo rằng : chỉ cần tin vào Đức Giê-su
là đủ, dân nước nào cũng có thể sống Tin Mừng, chứ không phải chỉ là người Do
Thái (ơn
cứu độ phổ quát), với những Lề luật và nghi lễ của họ. Thánh linh luôn tác động
thổi tung các nhóm ra khỏi ốc đảo, cho thấy rằng Đạo Thiên Chúa của Do Thái vốn
là điểm tựa xuất phát.
Đây là phần thứ hai trong
bộ tác phẩm của thánh Lu-ca. Phần thứ nhất là Tin Mừng, viết về cuộc đời và giáo
lý của Chúa Giê-su. Phần thứ hai này viết về buổi đầu của Hội Thánh. Sau lời mở
đầu gần giống như lời mở đầu trong Tin Mừng Lu-ca, tác phẩm gồm hai phần:
- Phần thứ nhất: Kể về những
bước đầu của Hội Thánh, tập trung vào hoạt động của thánh Phê-rô, trong khung cảnh
Giê-ru-sa-lem, Xứ Giu-đê và Xy-ry-a (Cv1,12- 12,25)
- Phần thứ hai: Kể về những bước tiến của Ki-tô giáo, tập trung vào
hoạt động của thánh Phao-lô với các chuyến đi truyền giáo của Ngài (Cv13,1-
28-31)
2. Tin Mừng của Chúa Thánh Thần :
Khác với Mát-thêu, Mác-cô
và Gio-an, thánh Lu-ca đã phân chia “Ký ức” của ngài về Chúa Giê-su thành hai
quyển. Trong sách Tin Mừng, Ngài quan tâm nhiều tới thời gian của Chúa Giê-su :
Chúa Giê-su công bố Tin Mừng Cứu độ tại Giê-ru-sa-lem. Tin Mừng đã khởi đầu và
kết thúc tại thành thánh, nơi Chúa Giê-su đã hoàn tất Mầu nhiệm vinh quang và
chấm dứt sự hiện diện hữu hình của Ngài.
Sách Công vụ Tông đồ khai
mở thời gian của Hội Thánh, thời gian mà Chúa Giê-su tiếp tục hiện diện với các
môn đệ của Ngài qua hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chính vì thế mà chúng ta có
thể gọi tập sách này là Tin Mừng của Chúa Thánh Thần.
Sách Công vụ Tông đồ ghi
lại khuôn mặt của Hội Thánh 30 năm đầu. Trong quyển nhật ký đầy sức sống này,
ta thấy được sự phát sinh của các cộng đồng Ki-tô hữu đầu tiên khác nhau trong
giới Do Thái tại Giê-ru-sa-lem hay nơi đất ngoại giáo như tại An-ti-ô-khi-a, Cô-rin-tô
hay Phi-líp-phê. Chúng ta có thể theo dõi Phao-lô qua ba cuộc hành trình truyền
giáo đầy gian nan, vất vả, nguy hiểm của Ngài. Chúng ta có thể thấy được Hội Thánh
thuở ban đầu đã phải đối phó với những vấn đề nào và đã làm thế nào để đi đến một
lối sống mới.
3. Bố cục :
Sách Công vụ Tông
đồ gồm 28 chương. Ngoài phần Nhập đề (1, 1 –11), Sách Công vụ Tông đồ được chia
làm hai phần chính:
* Phần I: Thánh Phê-rô :Tin Mừng được rao giảng
cho dân Do Thái tại Palettin (Cv 1-12)
1,12 – 5,42 6,1 – 8,3 8,4 – 40 9,1 – 30 9,31 – 11,18 11,19 – 12,25 |
Cộng đoàn Giê-ru-sa-lem. Phó tế Tê-pha-nô tử đạo tiên khởi. Phó tế Phi-lip-phê. Phao-lô được Chúa kêu gọi làm Tông đồ Hoạt động truyền giáo của Phê-rô ở
Pa-let-tin. Cóc-nê-li-ô, người ngoại đầu tiên trở lại đạo. Cộng đoàn An-ti-ô-khi-a và cộng đoàn Giê-ru-sa-lem
khởi sự tiếp xúc với dân ngoại. |
* Phần II: Thánh Phao-lô :Tin Mừng lan rộng tới thế giới dân ngoại (Cv 13,28)
13,1 – 15,35 15,36 – 18,23 18,24 – 19,40 20,1 – 21,26 21,27 – 28,31 |
Hành trình truyền giáo lần thứ nhất của
Phao-lô. Công đồng Giê-ru-sa-lem. Hành trình truyền giáo lần thứ hai của
Phao-lô tại Tiểu Á, Hy-Lạp. Hành trình truyền giáo lần thứ ba của
Phao-lô tại Ê-phê-xô. Phao-lô trở về Giê-ru-sa-lem. Phao-lô bị bắt ở Giê-ru-sa-lem, bị cầm
tù 2 năm ở Xê-da-rê, và bị giải đi Rô-ma, nhưng vẫn luôn làm chứng cho Đức
Ki-tô. |
Như thế là thực hiện đúng lời Chúa Giê-su
căn dặn: “Anh em phải làm chứng cho Thầy tại Giê-ru-sa-lem, Sa-ma-ri-a và cho đến
tận cùng trái đất” (Cv 1,8)
4. Sách Công vụ Tông đồ và chúng ta hôm nay:
“Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả
và lòng kiên nhẫn của ngươi…Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình
yêu thuở ban đầu”. (Kh 2,2 – 4).
Lời nhắn nhủ đó không phải chỉ dành riêng cho Hội thánh tại Êâ-phê-xô
ngày xưa, nhưng còn đặc biệt gửi đến Hội thánh ngày hôm nay.
Hội thánh và cách riêng từng người chúng ta được mời gọi đọc lại tập
Nhật ký của Hội thánh để khơi dậy ngọn lửa tình yêu nồng thắm thuở ban đầu của
mình. Tính yêu thuở ban đầu đó được thể hiện qua nếp sống của cộng đoàn tín hữu
đầu tiên dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (Cv 2,42 – 47)
Đó là nếp sống 5 chuyên:
-Chuyên cần với giáo huấn của các Tông đồ.
-Chuyên cần với việc hiệp thông và chia sẻ bác ái.
- Chuyên cần tham dự phụng
vụ bẻ bánh.
- Chuyên cần cầu nguyện.
-Chuyên cần làm chứng và rao giảng Tin Mừng.
Hình
ảnh tiêu biểu của Hội thánh thuở ban đầu được hun đúc qua hai khuôn mặt cột trụ
về đức tin và đức ái : Phê-rô và Phao-lô.
Với Phê-rô, ta bắt gặp lời
tuyên tín vượt trên mọi đe doạ thử thách, vượt trên cả những yếu đuối lỗi lầm của
mình: “Ngoài Đức Giê-su Ki-tô ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời
này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ
đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).
Còn với Phao-lô, qua những
nỗ lực đầy gian lao vất vả của Ngài trong việc truyền giáo và xây dựng các giáo
đoàn, ta bắt gặp một tình yêu rực cháy: “Tình yêu Đức Ki-tô thúc bách chúng tôi”
(2Cr 5,14).
Càng đọc Sách Công vụ Tông
đồ, ta càng được thêm thôi thúc làm việc tông đồ: Hội thánh ngay từ buổi đầu đã
đưa Tin Mừng đến tận Rô-ma, trung tâm của thế giới hồi ấy, thì ngày hôm nay, mỗi
người chúng ta có bổn phận tiếp nối để đưa Tin Mừng đến tận nơi mình sống, đến đầu
làng cuối xóm, đến mọi đầu đường, góc phố, mọi ngõ ngách quanh ta.
· TÓM Ý TOÀN BÀI: Sách Công vụ Tông đồ ghi
lại khuôn mặt của Hội Thánh 30 năm đầu: dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần,
cộng đoàn tín hữu đầu tiên đã sống niềm tin vào Đức Ki-tô Phục sinh qua việc
chuyên cần với giáo huấn của các Tông đồ, với sự hiệp thông và chia sẻ bác ái,
tham dự phụng vụ bẻ bánh, cầu nguyện, làm chứng và rao giảng Tin Mừng cho muôn
dân. Tiêu biểu qua hai khuôn mặt cột trụ về Đức tin và Đức ái là thánh Phê-rô và
thánh Phao-lô.
Chúng ta nên thường xuyên
đọc sách Công vụ Tông đồ, để ngày càng được thêm thôi thúc làm việc tông đồ, và
chúng ta hãy cùng nhau trở nên “nhân chứng của Đấng phục sinh” cho đến tận cùng
trái đất.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:
1. Gợi tâm tình cầu nguyện:
Các em thân mến,
Qua sách Công vụ Tông
đồ, chúng ta thấy được sức sống của Hội Thánh thuở ban đầu: mọi tín hữu đều một
lòng một ý sống niềm tin vào Đức Ki-tô Phục sinh và nhiệt thành rao giảng niềm
tin ấy cho muôn dân, nhờ vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Và đức tin của chúng
ta hôm nay có được cũng là nhờ vào những lời rao giảng ấy. Vậy chúng ta hãy cùng
cảm tạ Thiên Chúa và dâng lên Người lời cầu nguyện:
2.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã lập nên Hội Thánh và ban
Chúa Thánh Thần để Ngài ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Xin cho chúng
con luôn biết yêu mến và siêng năng đọc lại những trang nhật ký của Hội Thánh
thuở ban đầu, nhờ đó chúng con sẽ được thêm lòng yêu mến Chúa, và nhiệt thành làm
chứng cho Chúa trong môi trường chúng con đang sống, hầu Tin Mừng của Chúa ngày
càng được nhiều người đón nhận, Hội Thánh Chúa ngày càng lan rộng.
Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng hằng sống
hằng trị muôn đời. Amen.
VI. SINH HOẠT:
Mỗi đội cử ra 5 em, lần lượt lên ghi nếp sống năm chuyên của Hội Thánh
thuở ban đầu:
- Chuyên cần với giáo huấn
của các Tông đồ.
- Chuyên cần với việc hiệp
thông và chia sẻ bác ái.
- Chuyên cần tham dự phụng
vụ bẻ bánh.
- Chuyên cần cầu nguyện.
- Chuyên cần làm chứng và
rao giảng Tin Mừng.
( Đội nào ghi nhanh nhất
và chính xác sẽ thắng)
VII. BÀI TẬP:
Em hãy chọn câu đúng nhất
và đánh dấu x vào ô vuông º
1. Sách Công vụ Tông đồ ghi lại:
a. Khuôn mặt của Hội thánh 30 năm đầu.
b. Niềm tin vào Đức Ki-tô Phục sinh của cộng đoàn tín hữu đầu tiên.
c. Hai khuôn mặt cột trụ về đức tin và đức ái là thánh Phê-rô và thánh
Phao-lô.
d. Cả 3 câu đều đúng.
(câu d)
2. Sách Công vụ Tông đồ khai mở thời gian của Hội thánh với:
a. Sự hiện diện hữu hình của Chúa Giê-su.
b. Sự hiện diện của Chúa Giê-su qua hoạt động của Chúa Thánh Thần.
c. Việc rao giảng và chữa lành bệnh tật của Chúa Giê-su.
(câu b)
VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:
1. Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?
Thiên Chúa đã luôn yêu thương
và dẫn dắt Hội thánh.
2. Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?
Tuần này, em quyết tâm
thực hiện tốt một điều chuyên cần của các tín hữu sơ khai.
IX. CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã thương
cho chúng con được sống trong Hội thánh Chúa. Xin Chúa giúp chúng con thực hành
điều quyết tâm, để cuộc sống chúng con ngày càng gắn bó với Chúa, với Hội thánh
hơn. Amen.