Bài 12

CÁC BÍ TÍCH PHỤC HỒI TÂM LINH

Mt 9, 1 – 8

     Học cụ: Tranh Chúa Giê-su chữa người bại liệt

I.   CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ:

     Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con giờ học giáo lý hôm nay. Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con, giúp chúng con tin rằng Chúa đang hiện diện giữa chúng con để yêu thương, dạy dỗ và hướng dẫn cuộc đời chúng con.

     Lạy Chúa Thánh Thần, xin soi sáng và giúp chúng con nhận ra tình yêu thương tha thứ của Chúa, để chúng con siêng năng đến kín múc nguồn ân sủng mà Chúa đã, đang và mãi mãi dành cho chúng con.

Hát: Hãy chiếu soi lửa hồng vào đêm tối sâu thẳm hồn con…

II.      DẪN VÀO LỜI CHÚA: Câu chuyện “Lòng nhân từ của Chúa thì vô cùng”

                                                  (Bông lúa vàng, trg. 122)

     Trong một nhà thờ ở Tây Ban Nha, người ta tôn kính một cây Thánh giá cổ xưa mà cánh tay phải của Chúa tách rời khỏi đinh. Cây Thánh giá này có lịch sử như sau:

      Ngày nọ, một tội nhân “gạo cội” đến xưng thú tội mình dưới cây Thánh giá này với tất cả dấu hiệu của một sự thống hối chân thật. Cha giải tội do dự ban phép giải tội cho ông ta vì các tội của ông nhiều và nặng. Tội nhân cầu xin sự tha thứ.

     - Tôi ban phép giải tội cho ông – Vị linh mục nói. Tuy nhiên ông không được tái phạm nữa nhé!

     Tội nhân xin hứa và giữ được lời hứa trong một thời gian. Nhưng rồi ông yếu đuối và sa ngã lại. Lòng thống hối thúc đẩy ông đến toà giải tội. Vị linh mục bảo ông:

     - Lần này thì tôi không ban phép giải tội cho ông đâu!

     - Con đã chân thành đoan hứa với cha, nhưng con yếu đuối! Xin hãy tha thứ, tha thứ cho con!

      Cha giải tội tha thứ và nói thêm:

     - Đây là lần cuối cùng đó nhé!

      Một thời gian khá lâu sau đó, một phần do thói quen, một phần vì yếu đuối, ông ta lại rơi vào vòng tội lỗi.

     - Bây giờ thì dứt khoát! Vị linh mục bảo ông: Ông luôn rơi lại trong cùng một tội. Sự thống hối của ông không chân thành.

     - Thưa cha, con rất chân thành thống hối. Con sa ngã vì con yếu đuối. Con thẳng thắn, chân thực, nhưng con bệnh hoạn.

     - Không, không còn sự tha thứ cho ông nữa!

     Vào chính lúc đó, người ta nghe thấy có tiếng ai khóc. Tiếng động phát xuất từ cây Thánh giá: một cánh tay rời khỏi đinh, giơ lên và vạch trên đầu tội nhân dấu hiệu sự tha thứ. Và từ đó, bàn tay Chúa cứ ở tư thế ấy như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ.

        Các em thân mến, sự cao cả cũng là sự sâu thẳm nhất nơi Thiên Chúa chính là lòng thương xót. Thiên Chúa không những quên mọi lỗi lầm của chúng ta, mà Người còn quên luôn cả việc Người đã bao lần phải tha thứ cho chúng ta, chỉ cần chúng ta tin tưởng và đến với lòng nhân từ Chúa, thì chắc chắn chúng ta sẽ được Chúa thứ tha và nâng đỡ như trong đọan Lời Chúa chúng ta sẽ công bố giờ đây. Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

III.    CÔNG BỐ LỜI CHÚA:        Mt 9, 1- 8

                                               Thinh lặng giây lát

IV.     GIẢI THÍCH LỜI CHÚA:

1.  Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố:

- Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe trích trong Tin Mừng nào?  Mat-thêu

- Tin Mừng Mat-thêu được viết khi nào? Khoảng năm 80

- Chúng ta vừa nghe thánh Mt kể lại chuyện gì? ( Đức Giê-su chữa người bại liệt)

- Người bại liệt đến với Chúa Giê-su bằng cách nào? (Người ta khiêng anh đến với Chúa )

- Đức Giê-su nói gì với anh? ( “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!”)

Đoạn Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy hai điều:

. Chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội.

. Tất cả những ai tin tưởng ở Chúa sẽ được Người cứu chữa cả hồn lẫn xác.

     Các em thân mến, tất cả chúng ta là những bệnh nhân trước mặt Chúa. Chúng ta cần được Chúa cứu giúp như người bị liệt trong Tin Mừng. Nhưng điều kiện để được Chúa cứu giúp là chúng ta phải đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa.

       Vậy để thấy rõ hơn quyền năng và tình thương của Chúa đối với lòng tin tưởng của con người, chúng ta cùng thảo luận đoạn Lời Chúa trên

2.   Các em học sinh thảo luận:

        Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe là một câu chuyện kể.

         a. Đoạn văn nói tới những nhân vật nào?

          Đức Giê-su, người ta, kẻ bại liệt, mấy kinh sư, dân chúng, Thiên Chúa.

            - Nhân vật chính:  Đức Giê-su

         b. Câu tóm ý: câu 6

         c. Đặt tựa đề ngắn: Đức Giê-su có quyền tha tội.

3.   Bài học giáo lý:

     Sách Khải huyền 2, 4-5 đã viết: “Ta oán trách ngươi điều này là ngươi đã bỏ lơi lòng mến thuở ban đầu. Vậy ngươi hãy lo nhớ lại ngươi đã sa đoạ từ đâu và hãy hối cải mà làm các việc ban đầu”.

       Vâng, qua dòng thời gian, Hội Thánh đã không luôn giữ được nét lý tưởng của thuở ban  đầu. Lý do là vì Hội Thánh bao gồm những con người mang bản chất yếu đuối, cho nên vẫn có nhiều bất toàn, thiếu sót, dường như lúc nào cũng có nhu cầu phải bắt đầu lại.

       Kinh nghiệm ấy của Hội Thánh cũng là kinh nghiệm của mỗi người tín hữu: Trong thân phận yếu đuối, chúng ta luôn cảm thấy nhu cầu phải làm mới lại tình yêu của mình. Cả khi đến cuối đường đời ta vẫn thấy cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa để không ngừng bắt đầu lại. Chính vì cảm thông nỗi yếu đuối của ta, Chúa Giê-su ban cho Hội Thánh hai bí tích đầy an ủi là bí tích Giao hoà và bí tích Xức dầu bệnh nhân.  Chúng ta cùng tìm hiểu hai bí tích này.

3. 1 Bí tích giao hoà

TÊN GỌI

Bt Giao hoà, bt Giải tội, bt Cáogiải hoặc bt Sám hối

MỤC ĐÍCH

Để tha các tội ta phạm từ khi lãnh bí tích rửa tội về sau, ban lại cho ta đời sống ơn thánh đã bị mất hay bị tổn thương vì tội lỗi hầu đưa ta trở lại hiệp thông với Thiên Chúa và Hội Thánh.

DẤU CHỈ

Bí tích Giao hoà được thực hiện qua hai dấu chỉ này:

 - một là lòng ăn năn, sự thú tội và quyết tâm làm việc đền tội,

 - hai là lời linh mục tha tội nhân Danh Thiên Chúa Ba Ngôi.

ƠN

BÍ TÍCH

- Được tha thứ và được giao hoà với Thiên Chúa và Hội Thánh

- Được tha khỏi án phạt đời đời do các tội trọng gây nên,

- Được bình an trong lòng và được thêm sức mạnh để chiến thắng tội lỗi.

ĐẶC ĐIỂM

 Các vị giải tội đại diện Chúa Ki-tô và Hội Thánh, cho nên khi ta xưng tội với các ngài chính là xưng tội với Chúa qua Hội Thánh.

người  cử hành

Giám mục và linh mục

NG. NHẬN

Những người đã được rửa tội và đã chuẩn bị đầy đủ.

NHỮNG

VIỆC CẦN

LÀM

Khi đi xưng tội, cần làm 5 việc này:

- một là xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng,

- hai là xét mình

- ba là ăn năn dốc lòng chừa tội,

- bốn là xưng tội,

- năm là đền tội.

K. L. CHO

BẢN THÂN

- năng kiểm điểm đời sống để xa tránh các dịp tội, và đổi sống đời sống mỗi ngày.

- năng đến với bí tích giao hoà để tiến bước trên đường nên thánh.

      - Tóm ý: Chúa Giê-su đã lập bí tích Giao hoà để tha thứ những tội ta phạm sau khi được rửa tội, đưa ta trở lại hiệp thông với Thiên Chúa và Hội Thánh, đồng thời lại được chia sẻ đời sống thân mật, hạnh phúc với Thiên Chúa Ba Ngôi.

3. 2   Bí tích Xức dầu bệnh nhân

TÊN GỌI

Bt Xức Dầu Bệnh Nhân hoặc Bt Xức Dầu thánh

MỤC ĐÍCH

Để ban ơn nâng đỡ bệnh nhân và người già yếu, về phần hồn và phần xác.

DẤU CHỈ

Bí tích Xức dầu được thực hiện qua việc xức dầu thánh trên thân thể bệnh nhân và lời cầu nguyện của linh mục.

ƠN

BÍ TÍCH

Bí tích Xức dầu giúp đỡ bệnh nhân:

- một là được kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Ki-tô để sinh ích cho chính mình và cho Hội Thánh,

- hai là được ơn an ủi và can đảm để đón nhận đau khổ vì lòng yêu mến Chúa.

- ba là được tha thứ các tội lỗi nếu bệnh nhân không kịp lãnh bí tích Giao hoà.

- bốn là được bình an để sẵn sàng bước vào cuộc sống đời đời.

Nếu Chúa muốn thì bí tích này cũng làm cho bệnh nhân mau khoẻ lại.

ĐẶC ĐIỂM

Mỗi khi bệnh nặng thì được lãnh bí tích Xức dầu một lần, và nếu bệnh trở nên nguy kịch thì có thề xin lãnh nhận thêm.

người cử hành

Giám mục và linh mục

Người nhận

Những tín hữu lâm bệnh nặng, gặp cảnh nguy tử hoặc bị yếu liệt vì tuổi già

KẾT LUẬN

CHO

BẢN THÂN

- Quan tâm đến thăm và chăm sóc người già cả, đau yếu.

- Nếu trong xứ có người bệnh nặng thì báo tin cho cha xứ biết và phụ giúp người bệnh dọn mình lãnh các bí tích.

      - Tóm ý: Chúa Giê-su đã lập bí tích Xức dầu để ban ơn nâng đỡ các bệnh nhân và người già yếu về phần xác cũng như phần hồn.

·                TÓM Ý TOÀN BÀI:  Trong thân phận yếu đuối, chúng ta luôn thấy nhu cầu phải làm mới lại tình yêu của mình. Cả khi đến cuối đường đời, ta vẫn cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa để không ngừng bắt đầu lại. Chính vì cảm thông nỗi yếu đuối của ta, Chúa Giê-su ban cho Hội Thánh hai bí tích đầy an ủi là bí tích Giao hoà và bí tích Xức dầu bệnh nhân. Chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa và hãy siêng năng kín múc nguồn ơn thánh mà Chúa đã dành cho chúng ta.

V.  CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:

     1. Gợi tâm tình cầu nguyện:

     Các em thân mến,

        Mang thân phận con người, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự yếu đuối cả tâm hồn lẫn thể xác. Trước mặt Chúa, chúng ta đều là những tội nhân, rất cần đến lòng thương xót tha thứ của Chúa. Và với thân xác mỏng dòn, bệnh tật và cái chết không chỉ đến với những người cao tuổi mà với bất cứ lứa tuổi nào. Vì thế, Chúa Giê-su đã lập ra bí tích Giao hoà và bí tích Xức dầu để tha thứ và nâng đỡ chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy cảm tạ Chúa và tin tưởng cầu xin. 

  2. Cầu nguyện:

     Lạy Chúa Giê-su, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi, và xin Chúa giúp con luôn biết noi gương Chúa: yêu thương nâng đỡ những người tội lỗi, già yếu, bệnh tật trong gia đình, làng xóm chúng con.

        Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

        Hoặc hát:   Bài ca sám hối (Thánh vịnh 50)

VI. SINH HOẠT:

      Trò chơi : Chúa chữa

     - Rèn luyện: Phản xạ nhanh

     - Cách chơi: + GLV chỉ vào đầu mình và nói: “Chúa chữa đầu tôi”

                     + Mọi người : Xoa đầu và lặp lại

        Cũng tương tự như thế khi GLV chỉ vào các phần thân thể khác. Nhưng GLV có thể chỉ vào đầu và nói: “Chúa chữa bụng tôi…”, thì mọi người phải chỉ vào đầu và nói: “Chúa chữa đầu tôi”. ( Trò chơi có thể thay đổi tuỳ GLV yêu cầu làm theo khẩu lệnh hay cử chỉ cũng được)

VII. BÀI TẬP:

     Em hãy chọn câu đúng nhất và đánh dấu x vào ô vuông

1.    Chúa Giê-su đã lập bí tích Giao hoà để:

a.    Tha các tội ta phạm từ khi lãnh bí tích Rửa tội về sau.

b.    Đưa ta trở lại hiệp thông với Thiên Chúa và Hội Thánh.

c.    Cả 2 câu đều đúng.

d.    Câu a đúng.    (câu c)

2.    Nên xin lãnh nhận bí tích Xức Dầu khi:

a.    Lâm bệnh nặng, trước những chuyến đi xa.

b.    Lâm bệnh nặng, nguy tử, yếu liệt vì tuổi già.

c.    Lâu ngày chưa xưng tội, đau bệnh,già yếu

(câu b)

VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:

1. Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?

     Vì yêu thương,Chúa Giê-su đã lập ra bí tích Giao hoà và Xức dầu bệnh nhân để tha thứ và nâng đỡ chúng ta.

2.  Có gương tốt nào nên theo?

       Như người bại liệt, chúng ta hãy đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa. Và như những người khiêng người bại liệt, chúng ta hãy giúp những người yếu đuối đến với Chúa.

3.  Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?

      - Mỗi tối em xét mình xin Chúa thứ tha những lỗi lầm trong ngày và xin Chúa giúp em sửa đổi để sống tốt hơn. ( Hoặc: Tuần này em quyết tâm lãnh nhận bí tích Giao hoà)

      - Mỗi ngày em dâng một việc hy sinh để cầu nguyện cho các bệnh nhân và những người già yếu ( Hoặc : Tuần này em sẽ đi thăm những bệnh nhân hay những cụ già trong xóm)

IX.  CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:

           Lạy Chúa Giê-su, chúng con cám ơn Chúa về giờ học gíao lý hôm nay, Chúa cho chúng con hiểu hơn tình thương Chúa đã dành cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con thực hành điều chúng con đã quyết tâm. Amen.

      Đọc Kinh Sáng Danh