PHẦN III

Hội Thánh Tiến Bước Trong Lịch Sử

 

     Hội Thánh có sứ mạng làm chứng cho sự thật và tình thương. Qua 20 thế kỷ thi hành sứ mạng ấy, lịch sử Hội Thánh có những trang thật tuyệt vời và cũng có những trang thật đau thương đen tối, vì thoái hoá hoặc chia rẽ. Nhưng rồi vượt khỏi những giai đoạn thử thách, Hội Thánh lại tiến bước trong an bình.

     Bước chân của Hội Thánh như bước chân người lữ hành kiên trì: có lúc hăng hái, có lúc mỏi mệt, nhưng rồi lại trỗi dậy tiếp tục hành trình. Hội Thánh ôm trong mình những con người bất toàn và yếu đuối nên luôn có nguy cơ bị biến chất và thoái hoá. Thế nhưng Hội Thánh không chỉ gồm có những con người mà còn có Đức Chúa Thánh Thần là linh hồn của Hội Thánh. Chính Ngài luôn an ủi, nâng đỡ để Hội Thánh luôn kiên trì tiến bước.

     Chúng ta cần học về lịch sử Hội Thánh để yêu mến Hội Thánh hơn và để thêm lòng trông cậy vì thấy rõ Hội Thánh là công cuộc của Thiên Chúa chứ không phải là công cuộc của loàn người.

 

Bài 15

TIN MỪNG TRONG CÁC CỘNG ĐOÀN KI-TÔ HỮU ĐẦU TIÊN

Cv 2, 42 - 47

I.   CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ:

     Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin dâng lên Chúa giờ học giáo lý hôm nay để tìm hiểu về đời sống Tin Mừng trong các cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi.

     Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần giúp chúng con thấy được những điều tốt đẹp mà Hội Thánh buổi đầu đã sống để chúng con noi theo.

     Hát: Hãy chiếu sáng tâm hồn con…

II.      DẪN VÀO LỜI CHÚA:

     Câu chuyện : “Chịu hy sinh để bảo tồn Kinh thánh”  (Nối lửa cho đời, số 6, trg. 134)

     Ngày 3-4-311, Hoàng đế Galère của Đế quốc Rô-ma ở phương Đông đã cho ban một sắc lệnh chấm dứt các cuộc bách hại đối với người Ki-tô hữu. Thế nhưng, khi ông ta chết, hoàng đế kế vị là Maximilian Daia lại tái diễn thảm kịch và do vậy, Hội Thánh Công giáo lại có thêm những vị anh hùng vui lòng chịu chết vì Đạo Chúa, đặc biệt, họ đã quyết hy sinh để bảo tồn sách Kinh thánh, tác phẩm vô giá của Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại.

     Đức giám mục Félix ở Phi Châu, khi bị bắt phải đem nộp những quyển Kinh thánh hiện đang lưu giữ, Ngài đã bình tĩnh tuyên bố: “Thà chính tay tôi phải đốt sách Kinh thánh còn hơn để Kinh thánh bị thiêu rụi bởi tay người bách hại Đạo Chúa!”

     Nữ thánh Irène ở Salonique, đã khẳng khái tuyên xưng: “Chúng tôi sẵn sàng chịu thiêu sống hay chịu bất cứ khổ hình nào hơn là giao nộp những cuốn Kinh thánh!”

     Thầy Phó tế Hermes tại Héraclée thì mạnh dạn nói với pháp quan: “Dù các ông có thành công trong việc bắt giao nộp tất cả các sách Kinh thánh, dù trên thế gian này chẳng còn dấu vết Thánh truyền của chúng tôi đi nữa, thì các thế hệ con cháu chúng tôi sớm muộn gì cũng sẽ tái tạo được những tác phẩm ấy nhiều gấp bội, và họ sẽ càng hăng say giảng dạy sự kính mến Thiên Chúa nhiều hơn nữa!”

     Các em thân mến,

     Kinh thánh là bộ sách gồm hai phần: Cựu ước và Tân ước, được các Hội Thánh Ki-tô giáo coi là bản văn linh hứng và trung thực, ghi lại những mạc khải, qua đó Chúa cho nhân loại biết về Người và ý định của Người đối với họ.

     Đặc biệt các sách Tân ước, đã thuật lại những gì xảy ra trong cuộc đời Đức Giê-su, nhất là cái chết và sự phục sinh của Ngài. Đây là ánh sáng soi dọi niềm tin cho các tín hữu mà ngay từ buổi sơ khai của Hội Thánh, đã được các cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên đón nhận và sống.

     Thánh sử Lu-ca sẽ chi chúng ta thấy rõ điều này trong đoạn sách Công vụ Tông đồ sau đây.

     Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

III.    CÔNG BỐ LỜI CHÚA:            Cv 2, 42 -47

                                                       Thinh lặng giây lát

IV.     GIẢI THÍCH LỜI CHÚA:

1.   Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố:

     “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy” – Nghĩa là siêng  năng nghe các Tông đồ cắt nghĩa Kinh thánh dưới ánh sáng phục sinh, nghe lại cuộc đời Đức Giê-su qua các thị chứng nhân. Đây là hình thức Tin Mừng truyền khẩu, vì các sách chỉ được viết mấy chục năm sau đó. Việc lắng nghe khơi dậy đức tin, nhờ đức tin, người tín hữu ý thức được mối liên đới giữa mình với cộâng đoàn. Sau này, họ bị bách hại, các tín hữu trốn chạy khắp nơi, đến lượt họ, họ sẽ loan báo những gì đã được nghe và đã tin.

     Chúng ta cùng thảo luận đoạn Lời Chúa trên để thấy rõ hơn việc lắng nghe và sống Tin Mừng của Hội Thánh thời sơ khai.

2.    Các em học sinh thảo luận:

     Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe là một câu chuyện kể

     a. Đoạn văn nói tới những nhân vật nào?

   Các tín hữu, các Tông đồ, mọi người, Thiên Chúa, toàn dân, những người được cứu độ.

     - Nhân vật chính: Các tín hữu

     b. Câu tóm ý: câu 42

     c. Đặt tựa đề ngắn: Các tín hữu tiên khởi lắng nghe và sống Tin Mừng

3.    Bài học giáo lý:

3. 1 Các cộng đoàn đầu tiên

     Các thành phần của Hội Thánh sơ khai gồm những ai?

     Cộng đoàn Hội thánh sơ khai gồm nhiều thành phần: Do Thái tại Giê-ru-sa-lem, những người Ga-li-lê đi theo Đức Giê-su, những người Do Thái kiều theo văn hoá Hy-lạp đã hồi hương, sống tại Giê-ru-sa-lem, những Do Thái kiều về dự lễ rồi hội nhập Hội thánh sơ khai…Thành phần đa tạp, không chọn nhau để mà sống. Sở dĩ sống chung được là vì cùng một đức tin, vì thấy rằng mọi người đều là môn đệ Đức Ki-tô, Đấng đã dạy hãy yêu thương nhau. Do đó, họ thi thố tình thương đối với nhau. Chính trong bầu khí thân ái đó mà Lu-ca đã kết luận: “Họ được toàn dân mến phục và cộng đoàn ngày càng thêm đông” (Cv 2,47).

     -Sau lễ Ngũ tuần, các môn đệ của Chúa Giê-su quy tụ thành những nhóm nhỏ quanh các Tông đồ. Họ họp nhau để nghe nói về Đức Giê-su Ki-tô và cử hành việc nhắc lại cái chết và sự phục sinh của Ngài để tưởng niệm Ngài. (Cv 2,10)     . Các môn đệ ngày càng họp thành những cộng đoàn đông đảo hơn, nhất là trong các thành phố.

      - Tóm ý: Cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên luôn đồng tâm nhất trí trong cùng một đức tin. Họ họp nhau quanh các Tông đồ để nghe nói về Đức Giê-su Ki-tô, và cử hành việc nhắc lại cái chết và sự phục sinh của Ngài để tưởng niệm Ngài.

3. 2  Các sách Tân ước

     Sau khi Đức Ki-tô đã phục sinh và trao ban Thánh Thần cho các môn đồ, những người này bắt đầu làm chứng cho Thầy mình. Họ rao giảng Tin Mừng cứu độ được ban qua Thập giá và cuộc Phục sinh của Đức Giê-su, chúng ta có thể đọc thấy ở sách Công vụ Tông đồ (2,32; 3. 15. 5,30-32). Khi công bố Tin Mừng, các Tông đồ đã lãnh nhận một cảm nghiệm mới về Đức Giê-su: Người không chỉ là một ngôn sứ mà còn là Đấng Thiên sai, là Đức Chúa,là Con Thiên Chúa, Thánh Thần đã giúp các môn đệ hiểu rõ hơn ý nghĩa của các lời nói và việc làm của Đức Ki-tô dưới ánh sáng phục sinh (Ga 2, 22; 12,16; 14, 26) hoặc các lời Kinh thánh tiên báo về sứ mạng của Người (Lc 24,27. 44-45; Cv 1,3). Cộng đoàn các tín hữu họp nhau để nghe giảng và cầu nguyện (Đặc biệt qua các buổi cử hành Thánh lễ) là nơi để ôn lại các lời nói và việc làm của Người, đồng thời cũng là nơi tuyên xưng đức tin vào Đức Ki-tô.

     Để giúp các cộng đoàn ấy sống Tin Mừng, một số Tông đồ viết thư cho họ. Đó là các Tông đồ Phê-rô, Phao-lô, Gia-cô-bê, Gio-an và Giu-đa. Cụ thể là sách Công vụ Tông đồ, các thư Phao-lô gửi cho Rô-ma, Cô-rin-tô I và II, Ga-la-ta, Ê-phê-sô, Phi-líp-phê, Cô-lô-xê, Thê-sa-lô-ni-ca I và II, Ti-mô-thêu I và II, Ti-tô, Phi-lê-mon, Do-Thái; Các thư mục vụ của Gia-cô-bê, Phê-rô I và II, Gio-an I, II và III, Giu-đa; và sách Khải huyền của thánh Gio-an.

     Đặc biệt các Tông đồ đã lớn tiếng kể lại những việc Đức Giê-su đã làm và những lời Ngài đã nói.

     Thời gian trôi qua, những người tân tòng muốn biết rõ hơn về cuộc đời trần thế của Đức Ki-tô Phục sinh. Nhắc lại với nhau để giải thích thêm những gì Ngài đã sống, soi sáng cho bước đường sống đạo của họ.

     Rồi các chứng nhân đầu tiên cũng dần dần qua đi, người thì bị giết (Gia-cô-bê năm 44, Phê-rô tại Rô-ma), kẻ thì chết già, phải liệu sao để giữ được trọn vẹn những gì họ đã truyền đạt? Về sau, bốn tác giả Mat-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an đã chép lại những điều các Tông đồ rao giảng. Các cuốn sách này, tức là các sách Tin Mừng, mở đầu cho phần thứ hai của bộ Kinh thánh: Phần Tân ước.

      - Tóm ý: Tân ước là các sách nằm trong bộ Kinh thánh, xếp sau các sách Kinh thánh Do Thái giáo (Cựu ước).

     Tân ước là sự hoàn thành Giao ước cũ và là bộ sách ghi lại tất cả những gì Đức Ki-tô đã nói và đã làm khi còn sống trên trần gian.

3. 3   Riêng về các sách Tin Mừng:

     Một  trong bốn bản tường thuật chính thức kể lại cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Đức Giê-su, mà theo Hội Thánh dạy đã được Chúa linh hứng, đó là các sách Tin Mừng theo thánh Mat-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an.

     Mục đích tác giả nhắm không phải là viết Sử, nhưng là triển khai và bồi dưỡng niềm tin của tín hữu, từ những lời nói và việc làm của Chúa Cứu Thế.  Do đó, họ đã chọn lựa các sự kiện và kể lại theo nhu cầu của mỗi giáo đoàn.

     Khi kể lại các chuyện đó, họ tiếp tục công tác của các Tông đồ là mời gọi mọi người tin và hành động theo đức tin. Cả từng giáo đoàn đón nhận, chia sẻ, đào sâu và viết ra những lời nói và hành động của Chúa: Sách Tin Mừng là sản phẩm của cả giáo đoàn.

     Mỗi tác giả Tin Mừng là chứng nhân tuỳ theo cử tọa và tuỳ ơn gọi của mình. Họ có bản lĩnh cá nhân đưa ra trong lối văn và cách mô tả. Chúng ta biết được rất ít về đời sống các tác giả bốn sách Tin Mừng, nhưng điều quan trọng là họ đã cho ta biết về Đức Giê-su Ki-tô.

      - Tóm ý: Các sách Tin Mừng theo thánh Mat-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an là những bản tường thuật chính thức được Chúa Thánh Thần linh hứng kể lại cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su, nhằm soi sáng niềm tin cho các tín hữu.

 

·       TÓM Ý TOÀN BÀI: Các sách Tân ước, đặc biệt là các sách Tin Mừng đã từng được ôm ấp, thai nghén trong lòng của đông đảo anh chị em tín hữu các cộng đoàn tiên khởi. Lúc đầu, truyền miệng cho nhau những gì về Đức Ki-tô Phục sinh, qua các sổ tay ghi lại một số kỷ niệm, rồi sau cùng mới được biên soạn tổng hợp lại thành sách Tin Mừng. Đây là kim chỉ nam cho đời sống đức tin của các Ki-tô hữu đầu tiên cũng như các Ki-tô hữu mọi thời.

V.  CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:

     1. Gợi tâm tình cầu nguyện:

     Các em thân mến,

     Lời Chúa là hạt giống mà tâm hồn chúng ta là mảnh đất tiếp nhận, kết quả thế nào? Được sinh hoa kết trái dồi dào hay khô cằn là do thái độ đón nhận của chúng ta. Noi gương các Ki-tô hữu đầu tiên, chúng ta hãy siêng năng lắng nghe Lời Chúa qua lời giảng dạy của các vị chủ chăn; hãy siêng năng đọc, suy niệm và thực hành Lời Chúa, để Lời Chúa biến đổi chúng ta nên giống Chúa hơn. Giờ đây, chúng ta hãy sốt sắng dâng Chúa những tâm tình cầu nguyện.

     2. Cầu nguyện: Hát : Lắng nghe Lời Chúa

VI. SINH HOẠT:     Hát: Chúng ta cùng đem Tin Mừng …

VII. BÀI TẬP:

     Em hãy chọn câu đúng nhất và đánh dấu x vào ô vuông ¨

     1. Mục đích của các sách Tin Mừng là:

         a. Viết lại lịch sử của Đế quốc Rô-ma

         b. Triển khai và bồi dưỡng niềm tin của các tín hữu

         c. Cả 2 câu đều đúng

         (câu b)

     2.  Em hãy kể tên các tác giả của sách Tân ước ?

VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:

1.    Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?

     Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa đã ban chính Con Một của Người là Ngôi Lời đến ở với chúng ta. Ngài đã và còn ở mãi với chúng ta và dạy dỗ chúng ta qua Lời của Ngài.

      2.  Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?

     Noi gương các tín hữu tiên khởi, chúng ta hãy để Lời Chúa soi dẫn niềm tin của mình bằng cách mỗi ngày em quyết tâm đọc một đoạn Tin Mừng.

  IX. CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:

     Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con giờ học giáo lý hôm nay. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết hăng say học hỏi Lời Chúa, siêng năng đọc, lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa, để Lời Chúa Chúa biến đổi chúng con nên giống Chúa, và chúng con sẽ cảm nếm được niềm hạnh phúc mà Chúa đã ban cho những ai yêu mến và tuân giữ Lời Chúa. Amen.