Bài 16

TRONG ĐẾ QUỐC RÔ-MA,

HỘI THÁNH BỊ BÁCH HẠI NHƯNG VẪN LỚN MẠNH

Cv 5,27 - 33

I.   CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ:

     Lạy Chúa, chúng con cảm ơn Chúa đã thương qui tụ chúng con lại đây để được cùng nhau tìm hiểu về Hội Thánh Chúa.

     Xin Chúa Thánh Thần ban ơn soi sáng, giúp chúng con hiểu được những điều Chúa muốn dạy chúng con  trong bài học hôm nay,và xin giúp chúng con hăng hái loan báo Tin Mừng trong cuộc sống chúng con lúc bình an cũng như khi gặp khó khăn,thử thách.

II.      DẪN VÀO LỜI CHÚA: “Cuộc tử đạo của 7 Ki-tô hữu Thái Lan”(Hạt giống âm thầm, trg. 104)

(ĐTC Gio-an Phao-lô II phong chân phước ngày 22. 10. 1989)

     Mùa đông năm 1940, làng Socon thuộc phía Đông bắc Thái Lan phải trải qua một cuộc bách hại dã man. Đây là thời kỳ các cuộc chiến tranh giữa Đông dương thuộc Pháp và Thái Lan. Lấy lý do những người Ki-tô hữu là những người nối giáo cho giặc, cũng như du nhập vào xứ sở một Tôn giáo ngoại lai gây phương hại cho sự vẹn toàn của Phật pháp và văn hoá dân tộc. Nhà cầm quyền Thái Lan đã ra tay bách hại các tín hữu Công giáo. Sau khi đã trục xuất linh mục chánh xứ, cảnh sát Thái đã đến làng Socon lục soát từng nhà để cưỡng bách các tín hữu chối bỏ đức tin. Ba nhân vật được cảnh sát chiếu cố nhất đó là : Nữ tu Agnès Suyla, nữ tu Lucia Camphan và giảng viên giáo lý Philippe Siphon, đại diện của cộng đồng Công giáo trong làng. Trước những đe dọa và sách nhiễu của cảnh sát, anh Siphon vẫn không tỏ ra nao núng, anh đi từng nhà để khích lệ bà con giữ vững niềm tin của mình, thái độ ấy lại càng làm cho cảnh sát khó chịu hơn, họ đã quyết định loại trừ anh ra khỏi cộng đoàn.

     Ngày 16. 12. 1940, họ ngụy tạo một tờ giấy yêu cầu anh đến trình diện nơi đồn cảnh sát. Đã quen thuộc với mánh khóe của cảnh sát, những giáo dân trong làng khuyên anh đừng đi trình diện, nhưng người giảng viên giáo lý can trường ấy vẫn một mực ra đi, vì anh lúc nào cũng sẵn sàng chết vì đức tin. Nhưng trên đường đi, thay vì đưa anh đến đồn cảnh sát, những tên lý hình đã đưa anh vào rừng và hạ sát anh ở đó. Cái chết của anh Siphon vẫn không làm cho các nữ tu nao núng. Các chị vẫn đến từng làng để thay thế anh hướng dẫn cộng đoàn. Hằng ngày, các chị vẫn qui tụ các em lại để dạy giáo lý. Sự kiên tâm của các chị lại làm cho cảnh sát tức giận hơn. Lần này họ quyết định thủ tiêu chính các nữ tu. Ngược lại, các chị vẫn nuôi dưỡng ước muốn tử đạo và đã tìm đủ mọi cách để rao giảng Tin Mừng.

     Các em thân mến, câu chuyện trên đây làm chúng ta nhớ đến đời sống của Hội Thánh trong Đế quốc Rô-ma: dù bị cấm cách, các Tông đồ càng hăng say rao giảng Tin Mừng, dù bị bách hại nhưng Hội Thánh vẫn lớn mạnh như đoạn Lời Chúa chúng ta sẽ lắng nghe giờ đây.

     Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

III.    CÔNG BỐ LỜI CHÚA:          Cv 5, 27 - 33

                                                      Thinh lặng giây lát

IV.     GIẢI THÍCH LỜI CHÚA:

1.   Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố:

- Tác giả? (Lu-ca); Thời gian viết? Khoảng năm  65 - 80

     Sau Lễ Ngũ tuần, các Tông đồ mạnh dạn rao giảng Tin Mừng, rất nhiều người gia nhập Ki-tô giáo, những người lãnh đạo Do Thái đã bắt các Ngài tống ngục và cấm không cho các Ngài rao giảng về Danh Chúa Giê-su.

     Sau khi được Thiên sứ của Chúa giải thoát khỏi nhà giam, các Tông đồ lại vào Đền thờ rao giảng. Tin Mừng được lan ra khắp cả Giê-ru-sa-lem. Những người lãnh đạo Do Thái lại cho người bắt các ngài. Trước Thượng Hội Đồng, các Ngài mạnh mẽû tuyên xưng niềm tin của mình, và nhất quyết làm chứng cho niềm tin ấy đến cùng. Nghe vậy, những người lãnh đạo Do Thái càng tức giận và muốn giết các Tông đồ.

     Chúng ta cùng thảo luận đoạn Lời Chúa trên để thấy rõ hơn sự can đảm sống và loan báo Tin Mừng của các Tông đồ.

2.   Các em học sinh thảo luận:

     Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe là một câu chuyện kể..

       a. Đoạn văn nói tới những nhân vật nào?

       Viên lãnh binh và bọn thuộc hạ (họ), Thượng Hội Đồng, ông Phê-rô và các Tông đồ, Thiên Chúa, Đức Giê-su, Thánh Thần, những ai vâng lời Thiên Chúa.

        - Nhân vật chính: Các Tông đồ

      b. Câu tóm ý: câu 28

      c. Đặt tựa đề ngắn: Các Tông đồ can đảm rao giảng Tin Mừng.

     Tại sao Hội Thánh lại bị bách hại? Các Tông đồ đã can trường rao giảng Tin Mừng như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu bài học.

3.   Bài học giáo lý:

     Nước Thiên Chúa và nước trần gian mâu thuẫn nhau như ánh sáng với tối tăm, do đó con cái ánh sáng và con cái sự tối không thể sống chung với nhau được. Chúa Giê-su đã báo trước cho những kẻ theo Ngài là những cuộc bách hại chờ đợi họ.

     Nhưng bách hạ, tra tấn, đầu rơi, máu chảy không ngăn cản được bước tiến cách mạng tinh thần của Ki-tô giáo. Những chứng nhân của Chúa đã vui nhận cái chết để trở nên những hạt giống chịu chôn vùi trong lòng đất, từ đó phát sinh nhiều bông hạt mới, Nước Chúa ngày càng phát triển.

3. 1  Hội Thánh trong Đế quốc Rô-ma

     Chúng ta biết rằng sự nghiệp của Đức Giê-su cũng như hoạt động của các thánh Tông đồ diễn ra trong bối cảnh chính trị là Đế quốc Rô-ma.

     Tuy nhiên, ở trong hai giai đoạn ấy, nhà cầm quyền Rô-ma còn đứng ở hậu trường chứ không ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của Đức Giê-su hay của các Tông đồ. Hơn thế nữa, Đế quốc Rô-ma còn cung cấp nhiều điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá Tin Mừng : Đế quốc Rô-ma lan rộng quanh vùng Địa Trung Hải, nhờ đội quân hùng mạnh gìn giữ an ninh, các xứ thuộc địa đều phát triển. Đường giao thông thuận lợi, việc qua lại giữa các thành phố lớn được dễ dàng, nên các Ki-tô hữu (người buôn bán, binh lính, nhà giáo, du khách) cũng theo đó mà đem Tin Mừng đi khắp nơi.

     Trong những năm đầu tiên, Ki-tô giáo đã gặp sự đối kháng không phải về phía nhà cầm quyền Đế quốc Rô-ma cho bằng về phía nhà cầm quyền Do Thái, điển hình qua việc ném đá ông Tê-pha-nô và ông Gia-cô-bê. Thậm chí nhà cầm quyền Rô-ma đã nhiều lần can thiệp để giải thoát ông Phao-lô khi gặp khó khăn trên đường truyền giáo chẳng hạn như tại đảo Sýp (Cv 13,9), tại Cô-rin-tô (Cv 18,12), tại Ê-phê-sô (Cv 19,40) và ngay tại Giê-ru-sa-lem (Cv 21,32).

     Đối lại, chúng ta biết rằng các nhà lãnh đạo Ki-tô giáo đã khuyên nhủ các tín đồ hãy tôn trọng quyền bính xã hội, cầu nguyện cho chính quyền (x. Rm 13,1-7; 1Tm 2,1-2; Tt3,1; 1Pr 2,13-17)

      - Tóm ý: Trong gần khoảng 30 năm trường, có thể nói được rằng mối bang giao giữa Ki-tô giáo với Đế quốc Rô-ma thật là tốt đẹp.

3. 2  Tin Mừng đòi đổi mới:

     Thời Hội Thánh phôi thai, Đế quốc Rô-ma chưa để ý đến Ki-tô giáo, còn coi họ như một giáo phái trong Do Thái giáo, hoặc như một tôn giáo mới của Đông phương đang thời phát triển. Họ không ngờ đó là cuộc cách mạng âm thầm đang lớn lên để đi đến một xã hội công bình và bác ái. Những ai đã thành Ki-tô hữu thì chỉ thờ phượng một Thiên Chúa chân thật, duy nhất mà thôi. Họ coi mọi người đều là anh em, kể cả các nô lệ và những người bị kết án tử hình. Trong khi đó, người Rô-ma thờ nhiều Thần và thờ lạy cả Hoàng đế. Họ có nhiều nô lệ, luật của họ cho người chủ có cả quyền giết nô lệ của mình hoặc bắt nô lệ thi đấu với thú dữ để mua vui cho công chúng.

      - Tóm ý: Sống Tin Mừng là một cuộc cách mạng trong đời sống, tuy âm thầm nhưng khi lớn lên, ảnh hưởng của nó không thể không đe dọa những tổ chức sa đoạ của một xã hội đang xuống dốc.

3. 3  Các Ki-tô hữu bị bách hại:

     Từ năm 64, số giáo dân tăng nhiều và có mặt trong mọi tầng lớp xã hội. Người ta bắt đầu để ý và nhận ra Ki-tô giáo khác biệt với Do Thái giáo.

     Nếu trong khoảng gần 30 năm trường, Đế quốc Rô-ma đã không có thái độ thù hằn đối với Ki-tô giáo, thì vì đâu các cuộc bách hại lại bùng lên? Chắc hẳn là có nhiều lý do khác nhau:

     -Trước hết, những người chuyên sống bằng nghề buôn bán súc vật dùng vào việc tế lễ bị mất khách, họ thù ghét và vu cáo cho người Ki-tô hữu.

     -Trong xã hội bảo thủ và thối nát, lối sống của người Ki-tô hữu bị coi là lập dị và không thể tha thứ được. Những người Do Thái bảo thủ cũng lợi dụng tình thế tung ra nhiều vu cáo chống Giáo Hội.

     -Một vụ hoả hoạn xảy ra ngày 18. 7. 64, do thái độ ngông cuồng của Hoàng đế Nê-rô: vì muốn chỉnh trang thủ đô Rô-ma, ông ra lệnh đốt hủy thành phố. Ngọn lửa bốc cháy từ vùng Circus Maximus (Sân đua ngựa) rồi lan rộng sang các quận khác của Thành phố. Trước sự căm phẫn của nhân dân, ông đổ vạ cho người Ki-tô hữu, hành hạ rồi đem giết cho thỏa giận. Nê-rô cũng trổ tài hung dữ, nghĩ ra nhiều trò ghê rợn để hành hạ và giết các Ki-tô hữu. (Thánh Phê-rô và phao-lô tử đạo vào thời này, năm 67).

      Cuộc bách hại bắt đầu từ năm 64, khởi sự từ Rô-ma và tràn ra khắp Đế quốc, tạm ngưng vào năm 68 khi Nê-rô băng hà. Nhưng rồi các Ki-tô hữu lại bị bách hại, lúc ác liệt, lúc lắng dịu, kéo dài hai thế kỷ rưỡi, nghĩa là cho đến năm 313, với chiếu chỉ Milan tha đạo.

     Cũng có những Ki-tô hữu bị khủng bố đã bỏ đức tin, nhưng đa số họ bằng lòng chịu đau khổ và chịu chết vì Danh Chúa Giê-su. Ta gọi họ là các vị tử đạo hoặc các chứng nhân đức tin.

      - Tóm ý: Dù bị bách hại, các chứng nhân của Chúa Ki-tô đã kiên cường bằng lòng chịu đau khổ và chịu chết để giữ vững niềm tin của mình. Máu các thánh tử đạo làm phát sinh các Ki-tô hữu.

 

·       TÓM Ý TOÀN BÀI:  Trong Đế quốc Rô-ma, với dòng thời gian, đạo Chúa Ki-tô ngày càng lan rộng, lối sống của người Ki-tô hữu là một cuộc cách mạng đi đến một xã hội công bình và bác ái, đe dọa những tổ chức sa đoạ của một xã hội đang xuống dốc.. Do đó, người Ki-tô hữu đã bị chống đối. Lúc đầu, bị thúc đẩy bởi một số người, các nhà cầm quyền địa phương can thiệp và cấm cách. Cho đến thời Nê-rô, Triều đình Rô-ma mới nhúng tay vào.

     Nhưng dù bị bách hại, Hội Thánh vẫn lớn mạnh, những chứng nhân của Chúa Ki-tô đã can đảm chấp nhận cái chết để hạt giống đức tin tiếp tục phát triển, Nước Chúa ngày một lan rộng.

V.  CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:

     1. Gợi tâm tình cầu nguyện:

Các em thân mến,

     Chúa Cứu thế đã báo trước cho những kẻ theo Ngài là những cuộc bách hại chờ đợi họ. Điều này đã ứng nghiệm ngay trong buổi đầu của Hội Thánh. Nhưng dù bị bách hại, các tín hữu đã can đảm chấp nhận hy sinh đến chết để trung thành với Chúa. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã ban cho Hội Thánh nhiều chứng nhân anh dũng để xây dựng Nước Chúa, và cầu xin Chúa giúp chúng ta cũng biết noi gương các ngài để luôn giữ vững niềm tin của mình.

     2. Cầu nguyện:

       Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho các thánh tử đạo được lòng dũng cảm hy sinh đến cùng vì chính đạo, xin Chúa thương nhận lời các Ngài chuyển cầu mà giúp chúng con  can đảm chấp nhận mọi gian nan vì lòng mến Chúa và dồn hết tâm lực để đến cùng Chúa là nguồn sống duy nhất của chúng con.

 Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.

VI. SINH HOẠT: Hát : “Chứng nhân Đức Ki-tô” (Ra Khơi, tập 2, trg. 107)

     Hoặc : Hát : “Về giữa ca mừng”

     Người gieo trong nước mắt sẽ gặt giữa ca mừng,

     Người ra đi gian khó sẽ về giữa tiếng reo.

     Hôm nay ta lo toan mồ hôi lã chã rơi.

     Mai đây bao hân hoan ôm ngàn bông lúa tươi cười.

VII. BÀI TẬP:

     Em hãy chọn câu đúng nhất và đánh dấu x vào ô vuông ¨

1.    Trong Đế quốc Rô-ma, các Ki-tô hữu bị bách hại vì:

a.    Coi thường Hoàng đế Rô-ma.

b.    Sống theo Tin Mừng.

c.    Không giữ Luật Mô-sê.

d.    Cả 3 câu đều đúng.         (câu b )

2.    Các Tông đồ đã rao giảng Tin Mừng bằng cách:

     a. Rao giảng về cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô

     b. Xây dựng một xã hội công bình và bác ái           c. Chấp nhận chết vì đạo

     d. Câu c đúng        e. Cả 3 câu a,b,c đều đúng         (câu e )

VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:

1. Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?

         Thiên Chúa luôn yêu thương và dẫn dắt Hội Thánh, dù bị bách hại nhưng Hội Thánh Chúa vẫn lớn mạnh.

2. Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?

         -Không kêu ca, than trách khi gặp khó khăn, trái ý.

         -Mỗi ngày dâng Chúa một hy sinh để cầu nguyện cho các Ki-tô hữu đang bị bách hại.

IX.  CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:

     Lạy Chúa Giê-su, chúng con cám ơn Chúa đã ban cho chúng con giờ học giáo lý hôm nay. Xin Chúa giúp chúng con thực hành điều quyết tâm, để cuộc sống chúng con ngày càng vững mạnh hơn trước những khó khăn trong cuộc sống và sẵn sàng hy sinh để giữ vững đức tin. Amen.