Bài 17

 

HỘI THÁNH PHÁT TRIỂN Ở ĐÔNG PHƯƠNG VÀ TÂY PHƯƠNG

Lc 13, 18 - 19

I.   CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ:

     Lạy Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa giờ học giáo lý hôm nay với tất cả lòng yêu mến của chúng con để cầu nguyện cho công việc truyền giáo của Hội Thánh Chúa.

     Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần để Ngài soi sáng giúp chúng con hiểu những điều Chúa muốn dạy chúng con, và xin Ngài giúp chúng con sống theo Lời Chúa.

Đọc Kinh Sáng Soi.

II.      DẪN VÀO LỜI CHÚA:

     Một câu chuyện có thật kể về nguồn gốc của một khu rừng như sau: “Một ông lão người Pháp nọ, sau khi vợ qua đời đã mang người em trai duy nhất của ông đến một vùng đất khô cằn nhất của miền Trung nước Pháp để lập nghiệp. Thực ra, người đàn ông chỉ muốn quên đi cái quá khứ quá khó khăn vất vả của mình. Miền đất khô cằn nơi ông đặt chân đến còn vỏn vẹn năm ngôi làng nhỏ, với rất ít dân cư sống trong những ngôi nhà xiêu vẹo đổ nát. Đa số đã bỏ đi những thành phố lớn để tìm công ăn việc làm. Ông lão trên 60 tuổi đưa mắt nhìn khung cảnh chung quanh và đi đến kết luận như sau: “Nếu không có cây cối thì chỉ trong vòng một thời gian ngắn cả vùng này sẽ trở thành sa mạc hoang vu”. Sau khi đã dọn chỗ cho đàn cừu và một số gia súc khác, ông bắt đầu đi bộ dọc theo các lối đi và nhặt từng hạt dẻ. Ông lựa những hạt tốt để gieo, ngâm vào nước. Khi mặt trời vừa lên, ông dùng một thanh sắt nhọn moi những lỗ nhỏ và đặt cứ mỗi lỗ một hạt dẻ. Ngày ngày như thế, trong liên tiếp 3 năm, ông lão đã trồng được tất cả 100. 000 cây dẻ con. Ông hy vọng rằng cũng phải có ít nhất là 10 ngàn cây còn sống sót, ông cũng hy vọng rằng Chúa sẽ cho ông được sống thêm vài năm để làm cho xong công tác trồng cây này. Ông qua đời năm 1947, hưởng thọ 89 tuổi. Từ những hạt dẻ ông đã cặm cụi moi từng lỗ bỏ vào: bây giờ nước Pháp đã có một trong những khu rừng đẹp nhất thế giới. Trong 3 khóm rừng, mỗi khóm dài 1km, rộng 3 km, những cây dẻ xinh tươi to lớn đã có mặt để chứa được nước mưa, làm cho cây cối xung quanh được xinh tươi và biến khu đồi cằn ngày xưa thành những dòng suối róc rách, chim chóc trở lại, sự sống cũng bắt đầu chớm nở. Dân chúng từ từ trở lại với ngôi làng cũ để xây nhà và làm lại cuộc đời.

     Các em thân mến, qua câu chuyện trên gợi cho chúng ta những suy nghĩ về Hội Thánh. Vâng, sự hiện diện của Hội Thánh là dấu chỉ của niềm hy vọng. Tin Mừng như những hạt giống được chôn vùi trong lòng đất, có những âm thầm đau khổ, có những bách hại khó chịu nhưng cuối cùng Hội Thánh của Chúa vẫn phát triển và lan rộng khắp nơi. Đoạn Lời Chúa sau đây sẽ cho chúng ta thấy rõ điều đó.

     Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

III.    CÔNG BỐ LỜI CHÚA:      Lc 13, 18 - 19

                                                   Thinh lặng giây lát

IV.     GIẢI THÍCH LỜI CHÚA:

1.    Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố:

     - Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe nằm trong trình thuật “Hành trình lên Giê-ru-sa-lem” của Tin Mừng Lu-ca. Trong cuộc sống Con người đi từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem, Thiên Chúa như vạch ra hoài mãi một con đường giải phóng cho hết thảy mọi người.

     - “Nước Trời” là tiếng lấy từ ngôn ngữ Hy-lạp, có thể dịch là “Triều đại” để nhấn mạnh rằng Thiên Chúa đang hành động nhằm thiết lập vương quyền của Ngài. Hoặc dịch là “Vương quốc” để nhấn mạnh về những kết quả công việc của Chúa và sự người ta đón nhận vương quyền của Chúa.

     - Trong khi rao giảng, Chúa Giê-su hay dùng dụ ngôn. Chúng ta vừa nghe “ Dụ ngôn Hạt cải”. Chúa ví Nước Trời giống như một hạt cải bé nhỏ, người ta lấy gieo trong ruộng mình, nó âm thầm lớn lên và trở thành cây, chim trời đến làm tổ trên cành được, để nói lên sự phát triển của Nước Trời.

     Chúng ta cùng thảo luận đoạn Lời Chúa trên.

2.    Các em học sinh thảo luận:

     Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe là một bài giảng.

           a. Đoạn văn có những từ ngữ hoặc cụm từ nào quan trọng?

       Nước Trời, giống như, hạt cải, gieo trong vườn, nó lớn lên, trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.

         - Từ ngữ hoặc cụm từ chính yếu:   Nó lớn lên và trở thành cây

          b. Câu tóm ý:    câu 19

          c. Đặt tựa đề ngắn:   Sự phát triển của Nước Trời.

3.    Bài học giáo lý:

     Trong những thế kỷ đầu, sự phát triển của Nước Trời ở Đông phương và Tây phương như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu bài học.

3. 1 Hội Thánh được bình an:

     Năm 312, Con-tan-ti-nô lên ngôi Hoàng đế ở Rô-ma, ông tỏ ra rất thân thiện với Ki-tô giáo. Ông cho in trên đồng tiền của ông hai mẫu tự Hy-lạp X và P chồng lên nhau để xưng hô danh Chúa Ki-tô. Ông yêu cầu chấm dứt cuộc bách hại Đạo. Ông quyết định cho các công chức, toà án, thợ thuyền phải nghỉ ngày Chúa Nhật; miễn dịch, miễn thuế cho các linh mục. Ở Rô-ma, ông dành một ngân khoản lớn vào việc xây cất hoặc sửa chữa các cơ sở của Giáo hội, như Thánh đường Latran, Đền Thờ Thánh Phê-rô trên đồi Vatican, Thánh Phao-lô ngoại thành, thánh Laurensô, thánh Agnès. Hoàng hậu Fausta cũng dâng cúng Đức thánh cha Miltiadê ngôi Đền Latran để thiết lập cung điện Giáo triều.

     Năm 313, Con-tan-ti-nô đã cùng với Licinius (cai quản phương Đông) ký chiếu chỉ Milan, Ki-tô giáo được nhìn nhận là một “Tôn giáo hợp pháp”. Đế quốc đã tự nhận sự lầm lẫn của mình trong việc bách hại Đạo, đồng thời chấp nhận đầu hàng sức mạnh tinh thần của Ki-tô giáo.

     Triều đại Con-tan-ti-nô mở đầu giai đoạn chiến thắng của Giáo hội, phải mất ba thế kỷ với bao xương máu mới có một chỗ đứng công khai trong Đế quốc; và không đầy sau hai thế kỷ, Giáo hội sẽ đập tan Thần giáo để tiến tới Ki-tô hoá Đế quốc.

 - Tóm ý: Với quyết nghị của Hoàng đế Con-tan-ti-nô, mối tương quan giữa Đế quốc Rô-ma và Ki-tô giáo đã đảo ngược. Ki-tô giáo không những được tự do hành đạo mà còn được Hoàng đế bảo vệ và trở thành Quốc giáo.

3. 2  Trình bày đức tin:

     Những thử thách trong cuộc bách hại chưa phải là mối nguy hiểm tai hại nhất mà Hội Thánh phải đương đầu. Còn có những kẻ thù độc hại hơn và không kém phần ác liệt nổi dậy ngay từ bên trong, tức là những vụ chống đối âm thầm hoặc công khai, đưa đến đổ vỡ và ly giáo, tất cả đều là những hành động của con cái trong nhà, tức là các giáo phái.

     Giáo phái hay lạc thuyết nói đây là những chủ trương khác với phán quyết chính thức của Hội Thánh về vấn đề thuộc tín lý hay kỷ luật.

     Giáo phái A-ri-ô là một trong những thử thách nặng nề và ghê sợ nhất mà Hội Thánh thời Thượng cổ phải đương đầu. Trong gần một thế kỷ, nó gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi về Thiên tính Chúa Ki-tô, mà cả hai bên: bên Công giáo cũng như phe A-ri-ô đều không chịu nhượng bộ nhau.

     -Năm 325, các giám mục họp Công đồng Ni-kê-a ở Tiểu Á, long trọng công bố đức tin của Hội Thánh. Từ đó ta có “Kinh Tin Kính”.

     - Các nơi cầu nguyện (nhà thờ) được xây dựng, cách riêng là các đại giáo đường ở Rô-ma, Con-tan-ti-nốp và Giê-ru-sa-lem.

     -Kinh thánh lúc đầu được viết bằng tiếng Hip-ri và Hy-lạp, bây giờ được thánh Giê-rô-ni-mô dịch sang tiếng La-tinh, vì lúc đó rất nhiều nước nói tiếng La-tinh.

     - Nhiều Ki-tô hữu đã diễn giải Tin Mừng và để lại những cuốn sách ngày nay vẫn còn giá trị. Đó là các “Giáo Phụ” như  thánh Am-rô-xi-ô, thánh Gio-an Kim Khẩu, thánh Âu-tinh, thánh Ghê-gô-ri-ô…

- Tóm ý: Thời Thượng cổ, Hội Thánh phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần: đặc biệt với Công đồng Ni-kê-a (325), Đức tin của Hội Thánh đã được công bố qua kinh Tin Kính. Các nơi cầu nguyện được xây dựng. Kinh thánh được dịch ra tiếng La-tinh và các tác phẩm giá trị của các Giáo phụ.

3. 3   Đời sống đan tu:

     Trước thời bách hại Đạo, các nhà tu hành không những đã có mặt ở Ai cập, mà còn ở nhiều nơi khác bên Đông phương. Khi cuộc bách hại bùng nổ, các vị bó buộc phải rời khỏi đô thị, di tản vào sa mạc hoặc lên những vùng sơn cước, kể từ đây bắt đầu xuất hiện những hình thức ẩn tu, khổ tu, biệt tu hoặc cộng tu. Và rồi với giòng thời gian, đời tu trở thành một nếp sống vững chắc và nên gương, được Hội Thánh nhìn nhận và đặc biệt đề cao.

     Cuối thế kỷ III, đời sống đan tu ở Ai cập thật phồn thịnh, thánh Phao-lô (234 – 341), và thánh An-tôn (251 – 356) là những người tiên phong, thu hút được rất nhiều môn đệ. Các đan sĩ vào đó để tu thân luyện đức.

     Sang thế kỷ IV, thánh Pacômiô (290-346) mới thiết lập tại Tabemisi một Đan viện đầu tiên có nếp sống cộng đồng. Với nếp sống này, các đan sĩ phải tuân theo một kỷ luật được quy định rõ rệt: lao tác chân tay, học Kinh thánh, phục quyền chỉ đạo của một bề trên. Thánh Basiliô (329-379) đã viết lại Bộ luật này một cách rõ ràng.

     Trung tuần thế kỷ IV, thánh Hilariô (315-367) sau một thời gian tu luyện khổ hạnh ở Tiểu Á, đã trở về Tây phương mang theo sứ mạng cao cả là truyền bá lý tưởng tu trì cho trời Âu.

     Suốt thế kỷ IV và V, nếp sống tu trì đã phổ biến rộng rãi ở Tây phương, nhưng còn trên đường thí nghiệm. Chưa có một Bộ luật nào đáp ứng với điều kiện tâm lý, địa dư của người Tây phương. Công việc khó khăn này, Thiên Chúa đã dành cho thánh Biển Đức (Benedictô Nurcia 480- 547)

 - Tóm ý: Theo gương thánh Antôn, có những Ki-tô hữu đã quyết tận hiến đời mình cho Thiên Chúa, họ sống cô tịch trong sa mạc. Nhiều người khác theo chân thánh Basiliô ở Đông phương và thánh Biển Đức ở Tây phương, sống thành cộng đoàn, cùng nhau cầu nguyện, làm việc và sống thinh lặng : đó là các đan sĩ.

3. 4  Các dân tin Chúa Ki-tô

     Thời trung cổ trong lịch sử thế giới bắt đầu từ khi Hoàng đế Theodosius I băng hà năm 395, đánh dấu sự suy sụp của Đế quốc Rô-ma trước nạn xâm lăng của Man dân.

     Hoàn cảnh đổi thay đã đặt Hội Thánh vào một vị trí mới. Không những Hội Thánh đã bảo vệ được di sản quý báu của văn minh nhân loại mà còn thu nhận những “Chủ ông mới” (những thủ lãnh người man di) vào gia đình mình, đem theo cả Dân tộc của họ, để rồi từ đó bành trướng ảnh hưởng của mình sâu rộng hơn.

     Sự trở lại của Cơ-lô-vít (Clovis), Vua dân Pháp (481-511) là biến cố trọng đại nhất trong lịch sử cảm hoá man dân của Hội Thánh. Ông đã được thánh Rê-mi, Tổng giám mục thành Rem-xơ (Reims) rửa tội vào đêm Giáng sinh năm 498 cùng với 3000 quân nhân của ông. Đó là vị vua man dân đầu tiên theo Ki-tô giáo.

-       Tóm ý: Thế giới thời Thượng cổ đã được Ki-tô hoá, nhưng thế giới thời Trung cổ mới thật là sản phẩm, là con đẻ của Ki-tô giáo.

 

·       TÓM Ý TOÀN BÀI:  Sau chiếu chỉ Milan 313, Hội Thánh ở Đông phưong và Tây phương ngày càng phát triển cả về tinh thần lẫn vật chất: với việc xây dựng các nơi cầu nguyện, dịch thuật Kinh thánh, công bố đức tin, nhiều Ki-tô hữu tận hiến đời mình cho Thiên Chúa trong đời sống đan tu và các Dân đã tin nhận Chúa Ki-tô.

V.  CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:

     1. Gợi tâm tình cầu nguyện:

     Các em thân mến,

     Sự phát triển của Nước Trời được ví như hạt cải chôn vùi trong vườn, dù gặp những điều kiện thuận lợi hay khó khăn bách hại. Hạt giống Tin Mừng vẫn âm thầm lớn lên và sinh hoa kết trái. Vâng, trong hoạt động tích cực hay trong âm thầm gieo vãi bằng những đau khổ từng ngày, tất cả mọi người Ki-tô hữu đều được mời gọi để gieo rắc niềm hy vọng. Giờ đây, chúng ta cùng sốt sắng và tin tưởng dâng Chúa lời cầu nguyện cho Hội Thánh.

     2. Cầu nguyện:

         Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã luôn yêu thương gìn giữ và dẫn dắt Hội Thánh. Xin Chúa ban cho chúng con niềm tin tưởng lạc quan của người gieo giống: dù những hạt giống Tin Mừng chúng con gieo vãi trong âm thầm, rất khiêm tốn và nhỏ bé, trong hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn. Xin cho hạt giống tin yêu và hy vọng được nảy mầm và mang lại nhiều hoa trái, hầu cho mọi người được nhận biết Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.

VI. SINH HOẠT: Hát : “Chúng ta cùng đem Tin Mừng”

VII. BÀI TẬP:

     Em hãy chọn câu đúng nhất và đánh dấu x vào ô vuông ¨

1.    Cộng đồng Ni-kê-a đã long trọng tuyên bố:

a.    Tín điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa

b.    Đức tin của Hội Thánh  (Kinh Tin Kính)

c.    Tín điều Đức Mẹ Hồn xác lên trời

d.    Cả 3 câu đều đúng.

(câu b)

2.    Sau chiếu chỉ Milan 313, Hội Thánh ở Đông phương và Tây phương đã phát triển qua:

a.    Việc ổn định và tổ chức Hội Thánh cả tinh thần lẫn vật chất.

b.    Đời sống Đan tu

c.    Các dân lãnh nhận Đức tin.

d.    Câu a và c đúng.

e.    Câu a,b và c đúng

(câu e )

VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:

1.  Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?

    Thiên Chúa luôn yêu thương gìn giữ và dẫn dắt Hội Thánh. Ngài muốn hết mọi người được hưởng ơn cứu độ.

2.  Có gương tốt nào nên theo?

     Noi gương các đan sĩ : yêu mến sự thinh lặng để dễ gặp Chúa giữa cuộc sống.

3.  Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?

    - Âm thầm làm những việc tốt để cầu nguyện cho việc truyền giáo và các đan sĩ.

    - Mỗi ngày dành ít phút thinh lặng để gặp gỡ Chúa.

IX.  CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:

         Hát bài cảm tạ.