Bài 20
THẾ KỶ XII – XIII:
CÓ NHỮNG ĐIỀU ĐÁNG TIẾC
1Ga 2,3-4. 9
Lạy
Chúa Giê-su, Vua từ ái, chúng con xin dâng lên Chúa giờ học hôm nay. Xin Chúa
ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, xin Ngài soi sáng giúp chúng con thấy
được những điều đáng tiếc trong lịch sử Hội thánh, để chúng con biết noi gương
Chúa sống khoan dung với mọi người, đón nhận tha nhân như Chúa đã yêu thương và
đón nhận chúng con. Amen.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA: Câu chuyện : “Đức Giê-su đứng về phe nào?”
(Hạt giống âm thầm, trg. 148)
Giải
túc cầu thế giới 1990 kết thúc tối hôm Chúa Nhật 8. 7. 1990 tại Italia. Người được
kẻ thua, người cười kẻ khóc, đó là cái thường tình của bất cứ một cuộc tranh giải
nào. Dù muốn dù không, thiên hạ cũng dễ dàng chia làm hai phe. Một linh mục Ấn độ
chuyên về huấn luyện tu đức là cha Anthony
De Melo đã tưởng tượng ra một câu chuyện như sau:
“Đức
Giê-su than phiền là Ngài chưa một lần tham dự một trận bóng đá. Chúng tôi bèn đưa
Ngài đi xem một trận đấu rất gay go giữa một đội Tin lành và một đội Công giáo.
Người Công giáo làm bàn trước : 1 không. Đức Giê-su vỗ tay hoan hô và tung cả mũ
lên trời. Vài phút sau, đội Tin lành lại làm bàn. Lần này Đức Giê-su cũng vỗ
tay reo hò và tung mũ lên trời. Một khán giả bên cạnh lấy làm khó chịu về thái độ
của Đức Giê-su. Ông ta lấy tay đập lên vai Chúa Giê-su rồi hỏi Ngài: “Này, ông
bạn, ông bạn ủng hộ bên nào vậy?” Xem chừng như vẫn còn bị khích động bởi trận đấu,
Đức Giê-su trả lời : “Tôi à, tôi không ủng hộ bên nào cả, tôi đến đây là chỉ để
thưởng thức trận đấu mà thôi”. Người khán giả khó chịu về thái độ của Đức Giê-su
nên lại càng bực bội hơn. Ông ta quay sang người bên cạnh và nói nhỏ: “Hắn ta là
một tên vô thần!”. Trên đường trở về nhà, chúng tôi chất vấn Đức Giê-su về tình
hình tôn giáo trên thế giới, chúng tôi nói với Ngài : “Thưa Chúa, những con người
có tôn giáo thật là buồn cười, họ tưởng rằng Thiên Chúa chỉ đứng về phía của họ
và nghịch lại với tất cả những người không thuộc tôn giáo của họ.” Đức Giê-su gật
đầu tỏ vẻ ưng ý, Ngài nói: “Đó là lý do tại sao Ta không ủng hộ tôn giáo nào, mà
chỉ ủng hộ con người mà thôi. Con người quan trọng hơn tôn giáo, con người trọng
hơn ngày Sabbat. Chúng con nên biết: chính những người có tôn giáo đã treo Ta lên
thập giá”.
Câu chuyện tưởng tượng trên đây cho chúng
ta thấy rằng một trong những vết thương lớn nhất của nhân loại trải qua mọi thời
đại, đó là thái độ bất khoan dung đưa đến những cuộc chiến tranh tôn giáo. Con
người ai cũng bị cám dỗ để nhân danh Thượng đế, nhân danh Thần linh và nhân
danh hệ tư tưởng của mình, để triệt hạ, để loại trừ, để bách hại người khác. Đức
Giê-su đến để mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa là Cha của mọi người. Ngài là
Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành, cũng như cho kẻ dữ. Ngài yêu thương
những kẻ nhận biết và yêu mến Ngài, cũng như những kẻ chối bỏ và thù ghét Ngài.
Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau như anh em của cùng một gia đình. Chúng ta
chỉ có thể là môn đệ đích thực của Chúa nếu chúng ta biết yêu thương mọi người.
Còn nếu chúng ta nhận rằng mình biết Thiên Chúa mà không yêu thương người khác
thì chúng ta chỉ là những kẻ nói dối. Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Gio-an sẽ cho chúng ta thấy
rõ điều này.
Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA:
1Ga 2,3-4. 9
Thinh lặng giây lát
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA:
1.
Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố:
Thư 1 Ga được viết khi nào? Khoảng năm
80-90
Thư 1 Ga có mục đích giải đáp các nhu cầu
cụ thể của một thời điểm. Nó được gởi đến cho một giáo đoàn đang gặp khủng hoảng:
chia rẽ nội bộ (2,18-19), giáo lý không bảo đảm của một số người( 4,1).
Vào
cuối thế kỷ thứ nhất, vấn đề lớn của giáo đoàn là làm sao trung thành với đức
tin vào Đức Giê-su. Họ không biết Đức Giê-su đích thân, họ phải dựa vào lời các
Tông đồ. Họ lại bị ảnh hưởng các luồng tư tưởng xung quanh xâm nhập, khiến họ
khó gặp Chúa nơi “thể xác Giê-su” trong cuộc sống. Mến Chúa vô hình thì dễ hơn
yêu thương anh em.
Bức
thư mời chúng ta gặp Chúa trong chính cuộc sống, biết lấy lịch sử loài người làm
quan trọng, khám phá ra trong đó chương trình của Thiên Chúa, có quy chiếu về Đức
Giê-su, phải dùng tình yêu thương anh em mà đi vào kinh nghiệm về Thiên Chúa.
Có
thể cũng là khám phá ra thế nào là một Giáo hội được mời gọi gọi truyền thông sự
sống Chúa xuyên qua hành động yêu thương ở giữa anh em.
Để thấy rõ hơn mục đích của bức thư này, chúng ta cùng thảo luận đoạn Lời Chúa trên.
2.
Các em học sinh thảo luận:
Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe là một bài giảng.
a. Đoạn văn có
những từ ngữ hoặc cụm từ nào quan trọng?
- Chúng ta biết Thiên Chúa, tuân giữ các điều răn của Người, nói
mình biết Thiên Chúa, mà không tuân giữ, là kẻ nói dối, nói mình ở trong ánh sáng,
mà lại ghét anh em, vẫn ở trong bóng tối.
- Từ ngữ hoặc cụm từ
chính yếu: Ghét anh em thì vẫn ở trong bóng tối.
b. Câu tóm ý: câu 9
c. Đặt tựa đề ngắn: Yêu Chúa thật là đón nhận anh em.
Hoặc
: Ghét
anh em là không yêu Chúa.
3.
Bài học giáo lý:
3. 1 Khối Ki-tô giáo
Vào
thế kỷ XII và XIII, các vương quốc và thành phố không ngừng phát triển. Vượt
qua các ranh giới, dân chúng châu Âu tất cả đều theo cùng một tôn giáo: Ki-tô
giáo. Các dân tộc theo Ki-tô giáo có cảm tưởng được liên kết thành một khối: khối
Ki-tô giáo (hoặc Nước Ki-tô). Mỗi công dân đều có nghĩa vụ xây dựng, phát triển
và bảo vệ quê hương đó. Toàn thể châu Âu nên như một đại gia đình con cùng Cha
trên trời.
Hai nét nổi bật trong thời
Nước Ki-tô là ảnh hưởng sâu đậm của các Đan viện và tầm quan trọng ngày càng
gia tăng của quyền giáo hoàng. Các Đức Giáo hoàng trở thành tôn sư trong toàn cõi
Nước Ki-tô. Các vị ngày càng can thiệp vào mọi chuyện trong xã hội và trở thành
trọng tài của các quốc gia.
Chúng ta hôm nay thừa kế
giai đoạn này một di sản khổng lồ về giáo lý, cách sống đạo cũng như nghệ thuật.
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một giai đoạn lịch sử của Giáo hội lữ hành, không nên
lý tưởng hoá quá độ. Như chúng ta sẽ thấy, không phải lúc nào các tín hữu Trung
cổ cũng sống và cư xử theo Tin Mừng.
- Tóm ý:
Hạn từ Nước Ki-tô nói lên tương
quan giữa Giáo hội và xã hội Trung cổ. Các dân tộc châu Âu liên đới thành một
khối nhờ đức tin Ki-tô giáo, dưới sự hướng dẫn của vị đại diện Chúa là các Đức
giáo hoàng.
3. 2 Viễn chinh Thập tự
quân
Thập
tự quân bắt nguồn từ việc hành hương Giê-ru-sa-lem. Hành hương trước hết là một
nghi thức thanh tẩy và sám hối. Đi Palestine, khách hành hương muốn dự phần vào
cuộc sống trần thế của Chúa Ki-tô và những đau khổ của Ngài. Họ có thể chết nơi
Đức Giê-su đã chết để cùng sống lại với Ngài lúc phán xét. Việc hành hương Giê-ru-sa-lem
cho đến thế kỷ XI vẫn dễ dàng, chỉ trở thành khó khăn và nguy hiểm từ khi vùng
Tiểu Aù rơi vào tay quân Thổ nhĩ kỳ (1070). Giáo dân hành hương bấy giờ phải tổ
chức thành từng đoàn mang võ khí. Từ hoàn cảnh đó, nảy ra ý định “Một cuộc hành
hương quy mô” nhằm tái chiếm Giê-ru-sa-lem.
Ngày 27. 11. 1095, tại Công
đồng Clermont, Đức Giáo hoàng Urbanô II lên tiếng kêu gọi thế giới Công giáo đứng
lên cứu Đất thánh, giải thoát mồ Đức Giê-su. Lời kêu gọi của Đức Urbanô đã gây
nên một tiếng vang khắp thế giới Công giáo, phát động một phong trào “hành hương”
dâng lên như sóng cồn. Thêm vào đó, một ơn toàn xá hứa ban cho tất cả những ai
tình nguyện gia nhập đoàn quân viễn chinh “không những vì phần rỗi mình mà còn
vì sự sống còn của mẹ Giáo hội”, càng lôi cuốn và thúc đẩy nhiều người.
Từ năm 1096 đến 1254 có 8
cuộc viễn chinh thập tự quân. Người ta đã khởi đầu với những ý định tốt lành nhưng
chiến tranh bao giờ cũng tàn khốc, gây nhiều thiệt hại đáng tiếc, đào thêm hố
chia rẽ giữa tín hữu Đông –Tây. Kết cuộc, mồ thánh vẫn không được giải thoát.
- Tóm ý:
Trước sự đe doạ của Hồi giáo và lạc
giáo. Ki-tô giáo đã mang lấy vũ khí để Thập tự chinh, tổ chức giáo toà để trấn áp.
Thế nhưng mọi sự không vì thế mà được giải quyết. Tin Mừng không thể áp đặt bằng
vũ lực.
3. 3 Trấn áp các lạc giáo
Cuối thế kỷ XI, Đức Giáo hoàng Grégoire VII
(1073-1085) đã tiến hành một cuộc cải tổ lớn về luân lý, nhằm vào tệ nạn mại thánh
và về đời sống linh mục. Tuy nhiên, những cải tổ này không được hưởng ứng bao
nhiêu.
Trong một lúc thất vọng, Đức
Grégoire VII cho rằng mọi tệ hại đều phát xuất từ việc thế quyền phong ban. Ngài
muốn chấm dứt điều đó ở mọi cấp. Năm 1075, Ngài đã đẩy mạnh việc cải cách trong
Hội thánh, không để các vua quan can thiệp vào việc phong chức giám mục và linh
mục. Ngài không phân biệt tài sản đi kèm chức vụ với chính chức vụ, Ngài không
mấy quan tâm đến vấn đề tài sản, mà chỉ muốn chức giám mục độc lập với thế quyền.
Do ảnh hưởng cuộc cải cách ấy, xuất hiện nhiều nhóm tín hữu trở về nguồn Tin Mừng,
phản kháng lại sự giàu có xa hoa của nhiều vị trong hàng giáo sĩ thời bấy giờ,
thế nhưng vì thiếu khả năng thần học và cư xử thiếu tế nhị, họ bị đẩy ra bên lề
Hội thánh và tiến dần đến lạc giáo.
Trong số những phong trào
sống Tin Mừng này, nổi bật nhất có phong trào Người nghèo thành Lyon do Van-đô
phát động khoảng năm 1173. Ông vốn là một thương gia giàu có, bối rối về lợi tức,
đã đem bán toàn bộ tài sản rồi đi rao giảng về sự nghèo khó của Tin Mừng. Ông
quy tụ nhiều nhóm nam nữ. Dầu ít học nhưng họ rất tự phụ, họ chiếm đoạt chức năng
của các Tông đồ và dám rao giảng Tin Mừng nơi công cộng. Bằng một lối sống nghèo
giả dối và dưới vẻ thánh thiện trá ngụy. Họ khinh bỉ giám mục, giáo sĩ cho rằng
các vị này quá giàu sang và sống trong lạc thú.
Nhóm Ca-tha (Cathares):
những người tự nhận mình là tinh tuyền, thiện hữu. Họ chủ trương Nhị nguyên, hậu thân của Manikê nhận
và tuyên xưng có hai Thiên Chúa: Chúa thiện và Chúa ác. Cũng vậy, họ nghĩ rằng
có hai Giáo hội: Giáo hội tốt là Giáo hội của họ, Giáo hội của Chúa Giê-su Ki-tô;
và Giáo hội xấu là Giáo hội Rô-ma. Họ lấy lại nhiều nghi lễ của Giáo hội Thượng
cổ. Những ai lãnh nhận nghi thức đặt tay đều được phái đi giảng. Họ coi thân thể
là vật chất xấu xa, nên chối việc Đức Giê-su Nhập thể và lên án hôn nhân.
Sau những tranh luận, các
lạc giáo bị trấn áp bằng võ lực và bằng Toà điều tra(1184-1233). Giáo hội đã buộc
những nhóm này phải từ bỏ việc rao giảng, họ bất tuân và bị xử khiếm diện, bị vạ
tuyệt thông, bị đuổi ra khỏi thành phố và quê hương mình. Thật đáng tiếc!
- Tóm ý: Ảnh hưởng cuộc cải cách Đức Grégorio VII,
nhiều nhóm trở về nguồn Tin Mừng xuất hiện, phản kháng laiï sự giàu có xa hoa của
hàng giáo sĩ bấy giờ. Thế nhưng vì thiếu khả năng thần học, thiếu tế nhị, họ bị
đẩy ra bên lề Giáo hội để tiến đến lạc giáo. Nổi tiếng nhất có phong trào Van-đô
(từ 1170) và Nhóm Nhị nguyên Ca-tha.
·
TÓM Ý TOÀN BÀI: Đang lúc Giáo hội châu Âu trở thành sức nối kết các quốc gia, thái độ người
Hồi giáo Thổ Nhĩ kỳ đã thúc đẩy Giáo hội dùng đến sức mạnh. Một vài thắng lợi
nhỏ đã khiến một số giới chức trong Giáo hội sinh ra ảo tưởng về quyền lực. Họ
nghĩ đó là con đường ngắn nhất để phát triển Giáo hội hoặc để giáo dục con cái
mình. Người ta quên rằng Nước Đức Ki-tô không thuộc về trần gian, quên rằng
trong Nước đó người làm đầu phải hầu thiên hạ (Mt 20,25 tt), và quên rằng Đức
Ki-tô đã chiến thắng bằng con đường khổ giá. Thất bại của Binh Thánh giá và Toà
tra là bài học lớn của lịch sử giúp ta tránh những ảo vọng tương tự. “Tuy cần đến
những phương tiện nhân loại để chu toàn sứ vụ mình, Giáo hội được thành lập không
phải để tìm kiếm vinh quang trần thế, nhưng để truyền bá khiêm nhường và từ bỏ,
bằng gương lành của chính mình. ” (LG số 8)
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:
Lạy Cha, xin dạy chúng con biết cộng tác với
nhau trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian. Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến, và tin tưởng vào thiện chí của nhau. Khi cộng tác với
nhau, xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện, nhờ đó chúng con vượt qua những
tự ái nhỏ nhen, những tham vọng ích kỷ và những định kiến cằn cỗi. Ước gì chúng
con dám từ bỏ mình, để tìm kiếm chân lý ở mọi nơi và mọi người, nhất là nơi những
ai khác quan điểm.
Lạy Cha, Xin sai Thánh Thần đến trên chúng
con, để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim, và hiểu nhau ngay trong những
dị biệt. Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác, xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Chúng con cầu xin,
nhờ ĐGK …
VI. SINH HOẠT: Hát : “Trường ca Đức Ki-tô”
* Mặc lấy Đức Ki-tô khuôn mặt đầy hiền hoà,
Mặc lấy
Đức Ki-tô tấm lòng luôn thứ tha,
Mặc lấy
Đức Ki-tô kết tình của mọi người,
Mặc lấy
Đức Ki-tô cùng xây dựng tin yêu.
* Định lý Đức Ki-tô dấu cộng của vạn lòng
Định lý
Đức Ki-tô lũy thừa bao khát mong.
Định lý
Đức Ki-tô khấu trừ mọi tuyệt vọng.
Định lý
Đức Ki-tô xẻ chia thành bao dung.
VII. BÀI TẬP: - Em hãy kể ra vài ví dụ về lòng khoan
dung?
VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:
1. Đoạn văn cho ta biết gì về
Thiên Chúa và tình thương của Người?
Vì yêu thương chúng ta,
Chúa Cha đã ban cho chúng ta Đức Giê-su. Ngài đã sống và dạy cho chúng ta con đường
để đạt được Nước Trời là con đường khổ giá, bao dung, khiêm nhường và tôn trọng
những khác biệt của người khác.
2. Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa
muốn dạy riêng tôi điều gì?
Theo gương Chúa Giê-su luôn
sống khoan dung, đón nhận người khác. Tuần này em quyết tâm không phê bình, chỉ
trích ai và luôn tôn trọng những suy nghĩ của người khác.
IX. CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:
Lạy
Chúa, chúng con cám ơn Chúa vì qua bài học giáo lý hôm nay, Chúa cho chúng con
biết phải dùng tình yêu thương anh em mà đi vào kinh nghiệm về Thiên Chúa. Xin
cho chúng con được lòng khoan dung, và đón nhận người khác như Chúa đã yêu thương
và đón nhận chúng con. Amen.