Bài 24

Dậy Men Tin Mừng 5

KÍNH TRỌNG LÒNG TIN CỦA NGƯỜI KHÁC

Cv 17, 16 - 23

 

I.   CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ:

         Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin dâng lên Chúa giờ học giáo lý hôm nay, xin Chúa ban ơn soi sáng cho chúng con hiểu được muốn truyền giáo chúng con phải sống như thế nào, để giúp người khác nhận ra ơn cứu chuộc ban mà tin theo.

     Hát: Hãy chiếu sáng tâm hồn con…

II.  THẢO LUẬN:

    1. Giải thích bài học:

       Các em thân mến,

      Các bài học vừa qua cho chúng ta thấy những xung đột trong Hội thánh, dẫn đến những cuộc ly khai đáng tiếc như: Chính Thống giáo (1054), các lạc giáo (1184-1233), những cuộc viễn chinh Thập tự quân đẫm máu với Hồi giáo, các Hội thánh Tin lành và Anh giáo. Tại sao có quá nhiều chia rẽ và đổ vỡ trong Hội thánh như vậy? Và cho đến hôm nay, số người tin nhận Chúa Ki-tô mới có khoảng hơn 2 tỷ người, trong đó chỉ có hơn 1 tỷ người Công giáo, trong khi dân số thế giới hơn 6 tỷ người.

         Có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính là vì có những giai đoạn, có những vị lãnh đạo trong Hội Thánh và có những Ki-tô hữu đã thiếu lòng khoan dung, khiêm nhường, bác ái, không đón nhận những người có suy nghĩ khác mình. Hoặc khi truyền giáo, chưa quan tâm đến con người với niềm tin, văn hoá, môi trường họ đang sống.

         Ý thức điều đó, khi đến Việt Nam truyền giáo, các vị thừa sai đã quan tâm tìm hiểu lòng tin của cha ông ta. Các vị đã gặp thấy nơi các ngài có sẵn những tâm tình tôn giáo chân thật. Các vị đã ra công tìm hiểu những điều cao quý của các tôn giáo tại Việt Nam để có thể cảm thông và giúp cha ông ta nhận ra những điều còn cao quý hơn, tức là Tin Mừng của Chúa Giê-su Cứu Thế. Đó là điều ngày nay chúng ta vẫn còn phải tiếp tục thực hiện để chu toàn sứ mạng Chúa trao phó.

         Bài học hôm nay sẽ giúp chúng ta biết cách sống với những người không cùng niềm tin với chúng ta.

     a. Kính trọng các tôn giáo khác

         Tứ mấy năm nay, cứ đến lễ thánh Phan-xi-cô Át-xi-di (ngày 4-10), tòa thánh lại tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các tôn giáo để cầu nguyện cho hoà bình. Thái độ của công đồng Va-ti-ca-nô II đối với các tôn giáo khác là kính trọng, đối thoại và hợp tác.

     Chúng ta xác tín rằng Ki-tô giáo là tôn giáo duy nhất đem lại cho con người sự cứu chuộc trong máu Chúa Ki-tô. Giáo lý Ki-tô giáo vượt xa các tôn giáo khác. Giáo lý ấy không phải là một hệ thống những lời dạy và kinh nghiệm sống, nhưng được dệt bằng những  điều Thiên Chúa đã làm trong lịch sử (khởi từ cuộc sáng tạo, đặc biệt là từ thời tổ phụ Áp-ra-ham cho đến Chúa Giê-su ). Giáo lý ấy vẫn còn định hướng cho lịch sử tương lai, loan báo ngày Chúa Giê-su lại đến trong vinh quang để tổng kết mọi sự. Chính nội dung lịch sử ấy cho thấy Ki-tô giáo trổi vượt hơn bất cứ tôn giáo nào.

     Tuy nhiên, dù xác tín như vậy, các Ki-tô hữu vẫn trọng các tôn giáo khác. Không có nghĩa là đạo nào cũng như đạo nào, nhưng đạo nào cũng đáng chúng ta kính trọng.

     Tại sao? Tại vì về mục đích, các tôn giáo khác đều nhắm mưu cầu điều tốt cho con người; về giáo lý, các tôn giáo ấy đều có một phần sự thật hướng đến sự thật toàn diện mà Thiên Chúa muốn bày tỏ trong Ki-tô giáo. Hơn nữa, về mặt thực tiễn, dù nhiều hay ít, các tôn giáo ấy đều có tác động dẫn dắt con người đến điều thiện, dọn lòng cho con người đón nhận mặc khải của Thiên Chúa.

     - Tóm ý: Ki-tô giáo là tôn giáo duy nhất đem lại cho con người sự cứu chuộc trong máu Chúa Ki-tô. Ki-tô hữu trổi vượt hơn bất cứ tôn giáo nào. Tuy nhiên, các Ki-tô hữu vẫn phải kính trọng các tôn giáo khác vì các tôn giáo khác đều nhắm mưu cầu điều tốt cho con người.

     b. Kính trọng lòng tin của người khác

     Đàng khác, về phía chủ quan, mỗi người có quyền chọn tôn giáo mà lương tâm họ thấy đúng. Chúng ta tôn trọng lương tâm của mọi người  thì cũng phải tôn trọng sự chọn lựa của họ về lòng tin tôn giáo.

     Thường thường, người ta theo một tôn giáo vì tin rằng đó là con đường đích thật và hữu hiệu giúp đạt tới hạnh phúc tâm linh, và chính vị thần họ nhận biết mới là Thiên Chúa thật. Họ thật lòng tin tưởng như thế. Đồng thời rõ ràng niềm tin ấy giúp họ sống tốt hơn. Do đó, không dễ gì họ bỏ lòng tin có sẵn để tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-su. Những ai đã tin tưởng như thế và rồi đã vượt lên để tin theo Chúa Ki-tô, quả là hết sức can đảm, và đã phải nhờ ơn Chúa rất nhiều. Hiểu như thế, ta sẽ thấy lòng tin của mỗi người là một điều nghiêm túc, cần được kính trọng.

     - Tóm ý: Thường thường, người ta theo một tôn giáo vì tin rằng đó là con đường đích thật và hữu hiệu giúp đạt tới hạnh phúc tâm linh, và lòng tin ấy giúp họ sống tốt hơn. Như vậy, lòng tin của mỗi người là một điều nghiêm túc, cần được kính trọng.

     c. Biết người biết mình để truyền giáo hữu hiệu

         Người Công giáo vừa xác tín rằng đạo Chúa vượt trên mọi tôn giáo, vừa thật lòng kính trọng lòng tin người khác. Thái độ ấy đòi hỏi chúng ta trứơc hết phải không ngừng đào sâuvà sống trọn giáo lý của Chúa. Đồng thời cần cố gắng tìm hiểu lòng tin của người chung quanh để cảm thông với họ và giúp họ đi từ lòng tin ấy đến chỗ tin nhận Thiên Chúa tuyệt đối.

     Trân trọng tìm hiểu, ta sẽ thấy những tôn giáo lớn quanh ta đều có những giá trị đáng say mê, đồng thời cũng thấy rõ thêm rằng dù cao cả đến đâu, tất cả những điều ấy đều mới chỉ là sự khôn ngoan của con người chứ chưa phải là sự thật cứu độ Thiên Chúa muốn bày tỏ. Chúng ta không ngần ngại tiếp nhận nhiều điều trong các kinh nghiệm quý báu của những người thành tâm kiếm tìm Thiên Chúa, nhưng chúng ta biết rằng không kinh nghiệm nào thay thế được tình yêu thương của Thiên Chúa.

     Những điều cao quý trong kinh nghiệm các tôn giáo và tác dụng tốt của các tôn giáo ấy trên con người là một thách đố lớn cho người Ki-tô hữu chúng ta, đòi chúng ta phải gia tăng việc học hỏi và sống Lời Chúa, để có thể làm chứng bằng đời sống và có thể diễn giải cho anh em đồng loại nhận biết tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa.

     Với tư cách là A-đam mới, là vị thủ lãnh hằng cảm thông với nỗi yếu đuối của chúng ta, Chúa Giê-su đã chấp nhận thử thách trăm chiều, và chiến thắng tên cám dỗ là ma quỷ để chúng ta được chiến thắng. ( Dt  )

- Tóm ý: Để truyền giáo hữu hiệu, người Công giáo cần hiểu và sống gắn bó với Thiên Chúa Tình yêu, đồng thời cũng cần tìm hiểu những giá trị của các tôn giáo khác.

TÓM Ý TOÀN BÀI:

  Để chu toàn sứ mạng truyền giáo, người Ki-tô hữu chúng ta cần xác tín và sống niềm tin của mình cách tích cực, đồng thời cần học hiểu những điều cao quý của các tôn giáo khác để kính trọng, cảm thông và giúp những người không cùng tín ngưỡng với chúng ta nhận ra điều cao quý hơn tức là Tin Mừng của Chúa Ki-tô Cứu Thế, và Ki-tô giáo là tôn giáo trổi vượt hơn bất cứ tôn giáo nào vì Ki-tô giáo là tôn giáo duy nhất đem lại cho con người sự cứu chuộc trong máu Chúa Ki-tô.

Mời các em cùng tìm hiểu về một vài tôn giáo khác.

     2. Các em học sinh thảo luận:

     *Câu hỏi thảo luận:

     -Xem: Hãy kể tên những tôn giáo mà em biết ? (GLV giúp các em tìm hiểu một vài tôn giáo cụ thể nơi địa phương. )

Hồi giáo, Tin lành, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Cao đài, Ấn giáo…

     -Xét: Các tôn giáo ấy có những điểm gì hay?

         1.  Hồi giáo:

     Người khởi xướng và là giáo chủ đầu tiên của Hồi giáo là Mohamed (Mahomet). Ông sinh tại Mecca (La Merque hoặc Mekke), một thành phố miền Nam Trung tây Bán đảo Ả Rập, khỏang năm 570.

     Mặc dù trong quá trình lịch sử Hồi giáo dựa vào thế lực của các đoàn quân để phát triển. Nhưng để sinh tồn yếu tố căn bản phải là một nền giáo lý vững vàng. Thực tế, Thần luận nơi Hồi giáo đã có thời phát triển cao độ.

     Giáo thuyết của Hồi giáo đặt nền tảng trên Niềm Tin về một đức Allah Thiên Chúa (độc thần), chấp nhận Mạc Khải (qua vị Ngôn sứ) và hướng về ngày chung thẩm là 3 điểm chính yếu nơi giáo lý Hồi giáo. Việc hướng về ngày chung thẩm cũng là động lực cơ bản thúc đẩy các tín hữu Hồi giáo cố sống tốt mặt luân lý.

     ( Đạo Hiếu, Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo        Xem Sách học sinh trang 112 – 114)

     2. Phật giáo :

     Phật giáo là một Đạo từ bi với tinh thần rất bao dung, không đố kỵ, tẩy trừ hoặc kết án một giáo thuyết nào cả. Ngày nay, Phật giáo được coi là một tôn giáo lớn và cổ kính trên thế giới. Có thể nói, hiện thời Phật giáo đang hiện diện khắp nơi, với những chùa chiền, am miếu, lễ nghi cúng bái…cũng như các cơ quan từ thiện, những lễ hội văn hóa, nghệ thuật… làm cho cuộc sống của nhân lọai nói chung và những cá nhân, cộng đòan nói riêng, mỗi ngày thêm tốt đẹp, nhất là về mặt từ bi, xả kỷ.

     3. Lão giáo: Lão giáo đã du nhập vào việt Nam từ thời Bắc thuộc, cùng với Khổng giáo.

     Phép tu thân của Lão Tử là “trở về nguồn” trở về chỗ cực kỳ trống rỗng và hồn nhiên. Nhờ đó giữ được trạng thái bình thản, phẳng lặng, trong suốt. Đó là việc “tu tâm dưỡng tính”.

     4. Khổng giáo tại Việt Nam:

     Ảnh hưởng của Khổng giáo đã, đang cũng như hy vọng sẽ còn rất lớn và vững chắc trong đời sống người Việt Nam nói chung. Ai cũng thấy rõ: bao phong tục tập quán (lọai thuần phong mỹ tục) của dân ta đã nhờ Khổng học mà có. Nhất là mặt giao tế, xã hội.

     Học thuyết Khổng Mạnh nhằm xây dựng đời sống con người, đưa con người đến an hòa nhu thuận. Vì thế, chữ “Đạo” trong Nho giáo được hiểu trước tiên là Đạo Nhân, cái đạo làm người (tu thân và xử thế), được chia làm hai cấp bậc: thành nhân, dành chung cho mọi người, và thành đạo, dành riêng cho các hiền nhân quân tử. Dĩ nhiên, để tới thành đạo, phải cố gắng thành nhân đã.

     5. Cao đài giáo;

     Được thành lập cuối năm 1926 tại Việt Nam, do ông Phủ Ngô Văn Chiêu.

     Không có ý chối bỏ các tôn giáo khác, giáo thuyết Cao đài đã gọi Khổng giáo là Nhân Đạo, Ki-tô giáo là Thánh đạo, Lão giáo là Tiên đạo và Phật giáo là Phật đạo. Các tín đồ được dạy phải kính các Thần thánh là những bậc cứu nhân độ thế qua các thời đại: Đức Phật, Đức Khổng, Đức Lão, Đức Giê-su, các Chư thần đều được khấn tới trong các buổi cầu kinh.

     Là một tôn giáo, đạo Cao đài cũng nêu ý hướng “cứu nhân độ thế” (Tam kỳ phổ độ) theo đường hướng được Đấng Tối Cao “mạc khải”. Tuy nhiên, đạo Cao đài muốn “vượt lên trên” các cựu đạo, thể hiện lý tưởng “hòa hợp tôn giáo”. Thật là một lý tưởng cao đẹp!

     Với khuynh hướng liên kết các quan niệm tín ngưỡng để phù hợp với mọi trình độ, giáo lý Cao đài gồm 5 nguyên tắc cơ bản: Về luân lý, Tín lý, Thờ cúng, Tâm linh,Giáo dục – những bổn phận sống đạo.

     -Làm: Muốn tryền giáo cho những tín đồ của các tôn giáo ấy, em làm gì?

     . Đào sâu và sống trọn giáo lý của Chúa: Tích cực tham dự các cử hành Phụng vụ, cầu nguyện và hy sinh cho việc truyền giáo.

     . Có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa qua đời sống cầu nguyện và sống bác ái với mọi người.

     . Siêng năng học giáo lý.

     . Kính trọng những giá trị của những tôn giáo khác.

III.  DẪN VÀO LỜI CHÚA:

     Các em thân mến,

     Để cứu chuộc nhân lọai, Chúa Giê-su đã giáng trần làm người, thuộc về một dân tộc (Do Thái), Ngài cũng tuân giữ các luật lệ đạo – đời của Tổ quốc Ngài sinh sống. Là người Do Thái, Đức Giê-su cũng giữ Luật Mô-sê nhưng Ngài kiện tòan Luật Môsê, dẫn dắt con người đến giới luật mới: giới luật yêu thương.

     Gương Chúa Giê-su cho chúng ta bài học về việc truyền giáo: cần hội nhập với những người mang niềm tin khác chúng ta, tôn trọng niềm tin của họ, học hiểu những điểm tích cực trong giáo lý của các tôn giáo khác, rồi từ đó giúp họ hướng đến sự thật toàn diện mà Thiên Chúa muốn bày tỏ trong Ki-tô giáo.

     Thánh Phao-lô cũng đã áp dụng điều này khi rao giảng ở Athen, được thánh Lu-ca kể lại trong sách Công vụ tông đồ.

     Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

IV. CÔNG BỐ LỜI CHÚA: Cv 17, 16 -23

                                            Thinh lặng giây lát

V.  CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:

     1. Gợi tâm tình cầu nguyện:

         Các em thân mến,

     Theo niên giám Tòa Thánh, tính đến ngày 01-01-2003, số tín hữu Công giáo là 1. 071. 000. 000. Tỉ lệ chỉ là 17,2% dân số thế giới (6. 212. 000. 000). Và tỉ lệ người Công giáo ở Châu Á mới chỉ là 3%. Và quanh chúng ta cũng còn biết bao người chưa nhận biết Chúa Giê-su là Đấng Cứu độ. Chúng ta hãy tha thiết cầu xin Chúa cho mọi người trên thế giới được nhận biết Chúa.

     2. Cầu nguyện:

         Lạy Cha, Cha muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giê-su, Con Cha. Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người chưa nhận biết Đức Giê-su. Xin Cha thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và bình an của mình cho tha nhân, và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giê-su cho thế giới. Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng. Chúng con chỉ xin đến với những người bạn gần bên, giúp họ quen biết Đức Giê-su và tin vào Ngài, qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con. Chúng con cũng nguyện cầu cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo. Xin Cha cho những cố gắng của chúng con sinh nhiều hoa trái.

         Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.

 

VI.  SINH HOẠT:  Hát : Chiếc thuyền nan

                           ( 100 bài ca sinh họat)

VII. BÀI TẬP:

     Em hãy chọn câu đúng nhất và đánh dấu x vào ô vuông º

     1. Chúng ta phải kính trọng các tôn giáo khác vì:

    a. Đạo nào cũng đem lại ơn cứu độ.

    b. Mục đích các tôn giáo khác đều nhắm mưu cầu điều tốt cho con người.

    c. Đạo nào cũng như đạo nào.

    d. Cả 3 câu a,b,c đều đúng.     (câu b)

     2. Chúng ta xác tín rằng:

    a. Ki-tô giáo là tôn giáo duy nhất đem lại sự cứu chuộc trong Máu Chúa Ki-tô.

    b. Giáo lý Chúa Ki-tô vượt xa các tôn giáo khác.

    c. Giáo lý Ki-tô giáo là sự thật tòan diện mà Thiên Chúa muốn bày tỏ.

    d. Cả 3 câu a,b,c đều đúng.     (câu d)

     3. Muốn việc truyền giáo đạt kết quả tốt đẹp, ta cần:

    a. Kính trọng lòng tin của người khác.

    b. Gia tăng học hỏi và sống Lời Chúa.

    c. Cả 2 câu a,b đều đúng.

    d. cả 2 câu a,b đều sai    (câu c)

 

VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:

          Phần thảo luận: LÀM

 

IX.  CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:

           Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa vì qua bài giáo lý hôm nay, Chúa ban cho chúng con hiểu biết hơn về cách truyền giáo là biết kính trọng lòng tin của người khác. Xin giúp chúng con  thực hiện điều quyết tâm để trở nên những chứng nhân trong môi trường chúng con đang sống, hầu giúp những người chưa tin nhận Chúa được đón nhận Tin Mừng cứu độ. Amen.