Bài 29

HỘI THÁNH CHÚA TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM  

1Pr 3, 13-17

I.   CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ:

     Lạy Chúa, chúng con xin dâng Chúa giờ học giáo lý hôm nay để tìm hiểu về Hội thánh Chúa trong lịch sử nước Việt chúng con.

     Xin Chúa Thánh Thần  giúp chúng con hiểu được tình yêu Chúa đã dành cho dân Việt chúng con qua đời sống đức tin, để chúng con biết đào sâu đức tin và làm chứng cho đức tin. Amen.

     Hát: Hãy chiếu sáng tâm hồn con…

II.      DẪN VÀO LỜI CHÚA:

     Martyr theo nguyên ngữ có nghĩa là NHÂN CHỨNG. Trừ một vài vị tử đạo nhờ ơn Chúa đặc biệt để có được một quyết định quả cảm bất ngờ trước thử thách. Còn bình thường cuộc đời của họ đã là một chứng từ, một quá trình hợp tác với ơn Chúa, trước khi phải làm chứng cho Ngài bằng máu đào.

     Giai đoạn lịch sử thời 117 thánh Tử đạo Việt Nam kéo dài đúng 117 năm, tính từ hai vị tử đạo tiên khởi 1745 (Thánh Phanxicô Federich Tế và Matthêu Liciniana Đậu) đến vị cuối cùng 1862(thánh Phê-rô Đa), qua các triều đại vua Lê, chúa Trịnh, Tây Sơn và triều Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Nếu xét lịch sử Việt Nam theo niên biểu 1533, khởi đầu bằng giáo sĩ I-ni-khu, thì thời các thánh tử đạo phải nói là hoa quả của hơn hai thế kỷ LỜI THIÊN CHÚA đã được gieo trồng trên quê hương Việt Nam. Trong đó gần một thế kỷ đi vào tổ chức chặt chẽ (từ năm 1659) có hai địa phận Đàng Trong và Đàng Ngòai, rồi từ  năm 1668 có linh mục bản xứ. Vì thế có thể nói, Giáo hội đã có những chọn lựa cách sống tương ứng với giai đoạn lịch sử của mình.

     Các em thân mến, thánh Tertulien đã nói: “Máu các thánh Tử đạo đã làm phát sinh những người có đạo”. Nhờ đâu Giáo hội Việt Nam chúng ta ngày càng vững mạnh? Chính là vì Cha ông chúng ta đã để Lời Chúa soi dẫn cuộc đời mình và các ngài đã sống trung thành với niềm tin của mình, dù phải trả với một giá rất đắt vì đó là ý Thiên Chúa, đúng như cách sống mà thánh Phê-rô đã khuyên các tín hữu xưa trong thư thứ nhất của ngài mà chúng ta sẽ công bố giờ đây.

     Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

III.    CÔNG BỐ LỜI CHÚA:  1Pr 3, 13-17

                                        Thinh lặng giây lát

IV.     GIẢI THÍCH LỜI CHÚA:

     1. Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố:

     Thư 1Pr được viết  năm nào?  Khoảng năm 64.

     -Phê-rô, “tông đồ của Đức Giê-su”, một người đã “chứng kiến các sự thương khó của Ngài”, trước khi chính mình lâm nạn, cũng cảm thấy trách nhiệm phải biên thư yên ủi, tưởng lệ các giáo đoàn bé nhỏ đang gặp nhiều thử thách đó đây, nhắc nhở họ kiên trì, vững vàng, luôn biết sống gắn bó với Đức Giê-su.

     Qua đoạn thư trên, thánh Phê-rô nhắn nhủ các tín hữu: Trong mọi hoàn cảnh, phải biết vận dụng các đòi hỏi của bí tích Rửa tội để làm chứng cho Tin Mừng, về một đời sống mới, đời sống yêu thương, hòa giải, thân thiện, tích cực ngay trong gian khổ, thử thách.

     Mời các em cùng thảo luận đoạn Lời Chúa trên để thấy rõ hơn  những vấn đề này

     2. Các em học sinh thảo luận:

      Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe là một bài giảng.

      a. Đoạn văn có những từ ngữ hoặc cụm từ nào quan trọng?

     Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa; Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cách hiền hòa, kính trọng; Hãy luôn giữ lương tâm ngay thẳng, ăn ở ngay thẳng trong Đức Ki-tô ; thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý Thiên Chúa, còn hơn là làm điều ác.

      - Từ ngữ hoặc cụm từ chính yếu: Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa trong lòng anh em.

          b. Câu tóm ý: câu 15

          c. Đặt tựa đề ngắn: Bổn phận của các tín hữu trong cơn bách hại.

   3. Bài học giáo lý:

     Vấn đề của thư  1Pr là làm thế nào dựa vào Tin Mừng Phục sinh để sống đạo trong hoàn cảnh có khó khăn, thử thách. Trên cơ sở đó, thư 1Pr vẫn là một tài liệu luôn có tính thời sự. Bài học giáo lý hôm nay sẽ cho thấy người dân Việt chúng ta đã áp dụng thư 1Pr vào việc tiếp nhận, sống và làm chứng cho đức tin như thế nào.

     3. 1  Giáo Hội Việt Nam thời phôi thai

     * Những bước đầu của công cuộc truyền giáo tại Bắc Hà:

     - Năm 1533 dưới thời nhà Lê, một giáo sĩ tên là I-nha-xi-ô (I-ni-khu) Dòng Phan-xi-cô?, đến truyền giáo tại tỉnh Hà Nam Ninh. Tiếp đó, theo các tàu buôn Bồ Đào Nha đi lại buôn bán với người Việt, các giáo sĩ Tây phương đã đến truyền giáo.

     - Sau giáo sĩ  I-ni-khu, lịch sử nói đến các linh mục triều người Bồ Đào Nha do Đức giám mục Macao gửi sang theo lời mời của công chúa Chiêm.

     - Năm 1583, các nhà truyền giáo Dòng Phan-xi-cô cập bến An Quảng (Quảng Yên) theo sự yêu cầu của nhà Mạc.

     - Năm 1626-1630, các nhà truyền giáo Dòng Tên, đặc biệt là cha Alexandre de Rhodes, tự Đắc Lộ (1627-1645) đã đến Cửa Bạng, Tỉnh Thanh Hóa nhằm ngày lễ Thánh Giu-se 19-3-1627.

     * Tại Nam Hà :

     -Những nhà truyền giáo tiên phong và tử đạo tiên khởi thuộc Dòng Đaminh Bồ Đào Nha, Pháp và Tây Ban Nha (1550-1631). Năm 1558, vua Chiêm Thành đã bắt hai cha De Fonseca và cha De la Motte về Bình Định và kết án tử hình. Đây là những vị tử đạo tiên khởi trên đất Việt.

     - Năm 1613, vua Nhật hạ chiếu chỉ cấm Đạo, trục xuất các thừa sai. Các thừa sai Dòng Tên phải bỏ Nhật  đi Macao.  Cha bề trên dòng đã sai các thừa sai đến Việt Nam. Bốn nhà truyền giáo Dòng Tên đầu tiên trên đất Việt tới Cửa Hàn ngày 18-1-1615. Các thừa sai Dòng Tên tiếp tục đến truyền giáo tại Nam Hà cho đến năm 1639.

     Công cuộc truyền giáo của các thừa sai đã được người dân Việt thuộc mọi thành phần hưởng ứng nồng nhiệt: cả giới sư sãi (nguyên sư cụ Đamian…); quan lại (ông đại sứ của chúa Nguyễn ở Chân Lạp đã trở lại cùng phu nhân và nhiều gia nhân); giới trí thức cũng đã tin Chúa và xin gia nhập Đạo rất đông. Nhiều nhân vật trong triều đình và phủ liêu cũng xin gia nhập Đạo: chị của vua Lê Thế Tôn là công chúa Chiêm đã được Rửa tội, tên thánh là Ma-ri-a, tức là Mai Hoa, công chúa cũng khuyên được nhiều người theo Đạo. Bà chị của chúa Trịnh cũng xin gia nhập Đạo, tên thánh là Catharina. Sau này, bà khuyên được mẹ và 17 người quý tộc khác theo Đạo. Một vương phi rất sùng Phật cũng xin trở lại và nhận tên thánh là Maria Mađalêna(1625), tức bà Maria Minh Đức Vương Thái phi, việc trở lại của bà Maria đánh dấu một bước tiến trong lịch sử truyền giáo ở Nam Hà. Đặc biệt với giới dân quê, vì nhiều kết quả đã thu lượm được trong giới này ngay từ khi công cuộc truyền giáo bắt đầu: nhiều họ đạo được thiết lập, lúc đầu với con số 5- 6 gia đình, vài ba chục nhân danh, rồi dần dần thêm lên tới ngàn và số giáo dân mỗi ngày một thêm đông.

     Cha Đắc Lộ đã tổ chức lại Hội thầy giảng và đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo. Đó cũng là nguồn gốc nhà Đức Chúa Trời ở Xứ Bắc, nơi xuất thân của những linh mục Việt Nam tiên khởi.

     Cha Đắc Lộ không những có công lớn với sứ mạng truyền giáo, mà còn là ân nhân của nền văn hóa Việt Nam: cha là người có công nhất trong việc tu sửa chữ quốc ngữ đang trong thời phôi thai.

      - Tóm ý: Thời kỳ phôi thai của Giáo hội Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII : công việc mởø lối của những nhà truyền giáo tiên phong, và những vị tử đạo tiên khởi Dòng Đaminh, với công cuộc xây dựng nền móng của các cha Dòng Tên; cùng với lòng nhiệt thành của bổn đạo Việt Nam, không phải chỉ ở chỗ mộ mến Đạo, tin Đạo, giữ Đạo, sùng Đạo, truyền Đạo mà còn dâng cả cuộc đời phụng sự Chúa và phục vụ con người trong Tu hội Thầy giảng và Dòng Mến Thánh giá.

     3. 2  Giáo Hội Việt Nam thời Tử đạo

     Từ giữa thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX: thời Tử đạo của Giáo hội Việt Nam. Các nhà cầm quyền trong giai đoạn này đã gọi Đạo Chúa là tà đạo của Tây phương, làm hại lòng người và phong tục, là họa lớn cho đất nước, cần phải bài trừ.

     Năm 1659, Đức thánh cha Alexandro VII công bố sắc lệnh thiết lập hai địa phận Đàng Ngoài (Bắc Hà) và Đàng Trong (Nam Hà), nâng hai miền truyền giáo ở Việt Nam lên hàng giáo phận: Giáo phận Đàng Trong (Nam Hà) được trao cho Đức cha Phê-rô Lâm Bích (Pierre Lambert de La Motte) và Giáo phận Đàng Ngoài được trao cho Đức cha Phan-xi-cô Panlu (Francois Pallu) phụ trách. (Sau khi được tấn phong ở Rôma,  Đức cha Pallu trở về Pháp tìm người cộng tác. Do việc này đã khai sinh ra Hội Thừa sai Paris (1660), tức chủng viện đào tạo các giáo sĩ sẽ được gửi sang Á đông  truyền giáo. )

     Hai Đức cha tìm đường vào Việt Nam nhưng không thể vào được, vì đang có cuộc bách hại Đạo ở cả hai miền Bắc-Nam. Trong thời gian này, các linh mục thừa sai đã lén lút đến Việt Nam truyền giáo, tiếp tục củng cố Hội Thầy giảng, tuyển chọn những thầy có khả năng lên chức linh mục. Năm 1668, thầy Giuse Trang và Luca Bền (Đàng Trong), thầy Benedictô Hiền và Gioan Huệ (Đàng Ngoài) được gửi sang Xiêm để lãnh chức linh mục do Đức cha Lambert tấn phong.

     Thầy giảng Anrê Phú Yên chết vì đức tin tại thành Chiêm ngày 26. 7. 1644 (được tôn phong Chân phước ngày 5. 3. 2000)

     Tháng 9-1669, Đức cha Lambert đã đến thăm Đàng Ngoài trên một chuyến tàu Pháp với danh nghĩa là tuyên úy của đoàn thủy thủ. Trong 6 tháng ở Đàng Ngoài, Đức cha truyền chức cho 7 tân linh mục và 48 thầy chức nhỏ, triệu tập công đồng thứ nhất (14-2-1670) gọi là Công đồng Phố Hiến: cải thiện các tổ chức truyền giáo, cắt cử các cha, tuyển mộ chủng sinh, đưa ra nhiều chỉ thị về việc ban các Bí tích, và nhận thánh Giuse làm Bổn mạng Giáo hội Việt Nam. Ngày 19-2-1670, Đức cha ban sắc lập dòng Mến Thánh giá. Sau đó, ngài vội rời khỏi miền Bắc để trở về Xiêm.

     Năm 1671, Đức cha đến Đàng Trong vào chính lúc bách hại Đạo gay gắt. Cuối năm 1671, Ngài lập dòng Mến Thánh giá, cùng một luật dòng như Mến Thánh giá Đàng Ngoài. Sau đó Ngài phải trở về Xiêm năm 1672.

     Năm 1675, Đức cha Lambert từ  Xiêm sang thăm Đàng Trong một lần nữa. Ngài từ trần tại Juthia năm 1679, thọ 55 tuổi. Dưới thời ngài, Địa phận Đàng Trong có tới 100 người được phúc tử đạo (từ 1664-1675)

     - Từ năm 1760, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) cấm Đạo, Giáo hội miền Nam trải qua những giai đoạn đau thương đẫm máu, các thừa sai bị trục xuất.

     -Tại Đàng Ngoài, năm 1676, giữa cơn bách hại Đạo của Trịnh Tạc (1657-1681), các vị thừa sai vẫn lén lút đến truyền giáo.

     - Năm 1712, Trịnh Tráng (1706-1729) rồi Trịnh Giang (1729-1746) cấm đạo. Hầu hết các thánh đường bị triệt hạ, hàng trăm người được phúc tử đạo.

     - Những năm bách hại Đạo ác liệt nhất của thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) và Trịnh Sâm(1767-1782): nhiều giáo sĩ, thầy giảng, giáo dân bị bắt và chịu tra tấn dã man. Nhiều vị đã được phúc tử đạo. Trên 200 thánh đường bị triệt hạ, phần lớn thuộc xứ Nam.

     - Dưới thời Tây Sơn (1777-1802): Tây sơn đã cắt đứt giao thông giữa miền Trung và miền Nam, dầu vậy các thừa sai vẫn tiếp tục đến hoạt động ở cả hai miền. Giáo đoàn miền Trung rơi vào tay Tây Sơn và chịu bách hại liên miên, giáo dân chết quá nửa, phần vì Tây Sơn sát hại, phần vì ôn dịch hoành hành. Các quan bày ra rất nhiều hình khổ dã man để bách hại Đạo.

     - Dưới thời Cảnh Thịnh, cuộc bách hại diễn ra khắp nơi, nhất là ở miền Trung. Các giáo sĩ Pháp, Việt đều phải làm hầm trú  ẩn, hoặc chạy trốn vào rừng hay ra hoang đảo, mỗi khi muốn viếng thăm giáo dân phải lén lút, tàng hình.

     - Thái độ của vua Gia-Long (1802-1820) đối với Đạo Công giáo : Để tỏ lòng biết ơn Đức cha Bá Đa Lộc trong công cuộc thống nhất Nam-Bắc, Vua Gia Long tuyên bố hủy bỏ các chiếu chỉ cấm Đạo, cho các giám mục, tu sĩ được tự do giảng đạo.

     _ Năm 1820, Vua Gia Long băng hà, hoàng tử Đảm lên ngôi vua, tức Minh Mạng (1820-1841). Minh Mạng trước khi lên cầm quyền đã ác cảm với Tây phương và Đạo Công giáo. Ngày 12-2-1825, nhà vua ra chiếu chỉ cấm Đạo.

     Từ năm 1833 – 1862  Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đã ban hành trên 10 chiếu chỉ cấm Đạo. Các giáo sĩ, nhất là giáo sĩ ngoại quốc bị lùng bắt và bị lên án tử hình, kể cả những kẻ chứa chấp. Giáo sĩ, giáo dân bị giết vô kể, triệt hạ Thánh đường, Nhà Chung, khiến Giáo hội Việt Nam trải qua một thời đẫm máu.

     -Năm 1883 vua Tự  Đức băng hà. Phong trào Cần Vương và Văn Thân nổi dậy kéo nhau đi đánh phá các làng có Đạo, tái diễn cuộc bách hại (1885-1886), hàng trăm làng ra tro, hàng ngàn người bị thảm sát.

     Dù phải trải qua nhiều cuộc bách hại, số tín hữu vẫn gia tăng. Nhiều người đã làm chứng cho Tin Mừng, trong đó Giáo hội đã suy tôn 117 hiển thánh Tử đạo ngày 19-6-1988, do Đức Gio-an phao-lô II; thành phần các vị gồm có 8 giám mục, 50 linh mục, 14 thầy giảng, 1 chủng sinh và 44 giáo dân.

- Tóm ý:     Đạo Chúa bị bách hại dưới thời chúa Trịnh, chúa Nguyễn, dưới thời Tây Sơn, cũng như dưới thời các vua triều Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và sau đó là thời Văn Thân. Gần 300 năm bị bách hại, Tin Mừng trên quê hương Việt Nam đã được vun xới bằng máu của gần 130. 000 Ki-tô hữu trung kiên dám chết để làm chứng cho đức tin.

     3. 3  Giáo Hội Việt Nam trưởng thành

     Kể từ khi các cuộc bách hại chấm dứt (1888), Giáo hội Việt Nam bành trướng mau lẹ và tiến tới trưởng thành. Khi cuộc bách hại của Minh Mạng bắt đầu (1833), số giáo dân chỉ vào khoảng 400. 000; sau hơn một nửa thế kỷ bách hại của nhà Nguyễn và Văn Thân, trên 130. 000 người bị giết, các hoạt dộng truyền giáo bị tê liệt hầu như hoàn toàn, thế mà con số giáo dân cũng đã lên 683. 111 năm 1892; năm 1933 con số đó tăng gần gấp hai, tức 1. 297. 000 (10%) trên tổng số 13 triệu dân. Hàng giáo sĩ cùng một đà gia tăng: từ con số 4 linh mục tiên khởi năm 1668 lên 43 vị năm 1700; 119 vị năm 1800; 385 vị năm 1900; 1. 158 vị năm 1933 (Niên giám Công giáo năm 1964).

     -Năm 1933, một biến cố quan trọng chứng tỏ sự  trưởng thành của Giáo hội Việt Nam:một người con của dân tộc Việt Nam bước lên hàng giám mục : Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (x. 3. 1 bài 27), vị giám mục Việt Nam tiên khởi, do Đức Thánh Cha Piô XI tấn phong tại Rôma ngày 11-6-1933. Ngài chính thức nhận Giáo phận Phát Diệm năn 1935.

     -Ngày 24-11-1960, Đức Gioan XXIII đã tuyên bố thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam. Từ nay, các giám mục đều là giám mục chính tòa thay vì đại diện tông tòa như trước. Giáo hội Việt Nam được chia thành 3 Tổng Giáo phận: Hà Nội (10 giáo phận), Huế (4 giáo phận), Sài Gòn(6 giáo phận).

     -Năm 1964, theo yêu cầu của các giám mục Việt Nam, Tòa thánh chấp nhận cho các tín hữu Việt Nam được dùng kiểu cúng tế Á đông để bày tỏ lòng tôn kính tổ tiên.

     -Hội thánh Việt Nam trên đất nước thống nhất: Dù có nhiều người xao xuyến vì những nỗi niềm riêng tư gắn liền với các sự kiện trên đất nước đã bị chia cắt không phải chỉ về mặt lãnh thổ, mà còn về quyền lợi, thân xác, tâm hồn và ý thức, thì sự kiện thống nhất đất nước vào ngày 30. 4. 1975 là một hồng ân cho Giáo hội Việt Nam xét về nhiều khía cạnh. Người ta chỉ có thể nhận ra điều này trong một tâm hồn thanh thản, khiêm tốn, cầu nguyện và sám hối.

     Năm 1975, khi đất nước thống nhất, Hội thánh trên toàn cõi Việt Nam gồm 25 giáo phận, trên 2000 linh mục và khoảng 5 triệu giáo dân. Năm 1976, Hội thánh có vị hồng y đầu tiên: Hồng y Giuse Maria Trịnh Như  Khuê (1899-1978), tổng giám mục Hà Nội. Năm 1980, lần đầu tiên có cuộc hội nghị giám mục Việt Nam. Hội nghị này đưa ra đường lối mục vụ cho Hội thánh Việt Nam trong thời đại này là: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.

     Ngày 19. 6. 1988, Đức Gio-an Phao-lô II đã tuyên phong 117 vị tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh.

     Đào tạo chủng sinh và hoạt động của các chủng viện: Hiện nay trên cả nước có 5 Đại Chủng viện tại Hà Nội, Huế, Nha Trang, Sài Gòn và Cần Thơ.

     Các dòng tu: Ngoài Dòng Mến Thánh giá (1670), Dòng Nữ  Đaminh (1725); từ năm 1933 đến 1975 đã có rất nhiều dòng tu được thành lập trên đất việt, một số dòng đang được thử nghiệm. Hiện nay khá đông về số  lượng đơn vị dòng tu cũng như về số lượng tu sĩ của mỗi dòng.

     Giáo dân ngày càng đóng góp tích cực trong nhiều lãnh vực.

     Vấn đề rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc thiểu số đang cư trú sinh sống trên đất nước Việt Nam, cũng được Giáo hội Việt Nam quan tâm đặc biệt.

     Nhiều thay đổi đã diễn ra trong Giáo hội Việt Nam, về các lãnh vực hoạt động ngày càng phong phú và đa dạng hơn: với các Ủy ban giám mục về linh mục và tu sĩ; Các dòng tu; Ban thánh nhạc; Học hỏi, nghiên cứu, dịch thuật, ấn hành và phổ biến Kinh thánh. Một số họat động tôn sùng Đức Mẹ trong Giáo hội. Các hoạt động đại kết và liên tôn của Giáo hội. Những hoạt động văn hóa, giáo dục; Hoạt động xã hội, y tế, thiện nguyện…

     Các quan hệ quốc tế của Giáo hội Việt Nam ngày càng mở rộng: hàng giáo phẩm đi nước ngoài ngày càng trở nên bình thường hơn, Giáo hội Việt Nam cũng tiếp nhận nhiều phái đoàn Tôn giáo quốc tế đến thăm Giáo hội Việt Nam.

      Hiện tình Giáo hội  Việt Nam ở  thời điểm bước vào thiên niên kỷ mới :

     -Theo thống kê năm 2000: Hàng Giám mục Việt Nam có một Hồng Y Tổng Giám mục, 2 Tổng Giám mục, 22 Giám mục chính tòa, 6 Giám mục phó, 5 Giám mục phụ tá, 4 Giám mục về hưu. Tổng cộng là 40 vị, cùng với 2303 linh mục (giáo phận và dòng tu), 1629 nam tu sĩ (các dòng tu nam), 9739 nữ tu sĩ và 5. 080. 487 tín hữu/ 77. 715. 750 người Việt Nam, phân bố trên 2760 giáo xứ (kể cả 1424 họ nhánh).

     -Theo Niên Giám Tòa thánh năm 2004:

     Tổng dân số của Việt Nam là:80. 489. 857 người(76.683.203 người kinh + 3.806.654 dân tộc thiểu số).

     Tổng số Công giáo của 25 giáo phận : 5.324.492 người (5.065.105 người Kinh + 259. 387 dân tộc thiểu số).

     Tổng linh mục của 25 giáo phận : 2. 526 Lm (2. 133 triều + 393 dòng).

     Tổng số tu sĩ trong 25 giáo phận : 11. 282 Tu sĩ (1. 524 nam + 9. 758 nữ)

     Tổng số chủng sinh của 25 giáo phận : 1,765 Chủng sinh (1. 044 đang học + 318 học xong + 403 dự bị).

     Tổng số giáo lý viên của 25 giáo phận: 45. 858 Giáo lý viên.

     Nguyên nhìn vào những con số trên, chúng ta cũng đã thấy được nhu cầu to lớn về nhân sự của Giáo hội Việt Nam  trong sứ mệnh sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng mà Giáo hội đã nhận được từ chính Chúa Giê-su.

 - Tóm ý: Sau thời kỳ bách hại, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông, Giáo hội Việt Nam đã có những bước tiến dài với những biến cố quan trọng : Giám mục tiên khởi (1933), thành lập hàng giám mục Việt Nam (1960), và “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” từ sau ngày thống nhất đất nước (30. 4. 1975), hòa cùng nhịp tiến của Hội thánh toàn cầu và thế giới. Tuy nhiên, vấn đề nhân sự  để thi hành sứ mệnh làm chứng và loan báo Tin Mừng còn thiếu rất nhiều vì nhiều lý do.

TÓM Ý TOÀN BÀI:  

     Tin Mừng đã đến Việt Nam từ năm 1533, và khá liên tục từ năm 1615 dưới thời các linh mục Dòng Tên trở về sau, cho đến khi Giáo hội Việt Nam có linh mục đầu tiên (1668) và phải đợi gần hai thế kỷ sau mới có một giám mục tiên khởi (1933). Một Giáo hội địa phương đã được xây dựng với những tín hữu được tôi luyện trong đức tin và được chứng minh bằng máu tử đạo; với nhiều linh mục, thầy giảng và tu sĩ hiến thân cho tác vụ thờ tự, mục vụ và truyền giáo một cách tận tụy, nhưng khiêm nhường và thông minh đã dẫn dắt cả cộng đồng Dân Chúa tiến lên với lòng tin, cậy, mến trong ánh sáng Tin Mừng quang tỏa cho muôn dân, vì lợi ích của mọi người trên hành tinh này và vì Vinh Danh Chúa trên Trời dưới Đất đến muôn đời.

V.  CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:

     1. Gợi tâm tình cầu nguyện:

     Các em thân mến,

     Rõ ràng là nhờ các nhà truyền giáo nước ngoài đã hy sinh bỏ quê cha đất tổ, vượt bao khó khăn, nguy hiểm, dám từ bỏ cả mạng sống để nhắm một mục đích cao cả, vô vị lợi, là giới thiệu Tin Mừng với xã hội và con người Việt Nam. Nhưng Tin Mừng được lan rộng nhanh chóng và dần dần ăn rễ sâu trên mảnh đất này còn tùy thuộc vào những đóng góp lớn lao hoặc âm thầm của ngàn vạn tín hữu. Chúng ta hãy cảm tạ tình yêu thương quan phòng của Chúa và tha thiết cầu nguyện.

     2. Cầu nguyện:

     Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban đức tin và luôn dẫn dắt, nâng đỡ giúp ông bà tổ tiên chúng con không ngần ngại hy sinh mạng sống để tuyên xưng đức tin, và nhiệt thành truyền bá đức tin, đưa Hội thánh Việt Nam đạt đến sự trưởng thành như ngày hôm nay. Xin Chúa thương trợ giúp để chúng con luôn biết đào sâu đức tin và làm chứng cho đức tin bằng một đời sống yêu mến quê hương dân tộc, tha thiết đem Tin Mừng đến cho đồng bào.

         Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.  

VI. SINH HOẠT:         Hát : Nối vòng tay lớn

                                           (Trịnh Công sơn,100 bài ca sinh hoạt,p. 14)

VII. BÀI TẬP:

     1. Tin Mừng đã đến trên đất Việt năm nào? (1533).

     2. Vị giám mục đầu tiên của Việt Nam là ai? Được tấn phong năm nào? (ĐGM Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, được Đức giáo hoàng Pi-ô XI tấn phong giám mục ngày1. 6. 1933)

     3. Em hãy cho biết ngày, tháng, năm thành lập hàng giám mục Việt Nam? (24. 11. 1960)

     4. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong bao nhiêu vị thánh tử đạo trên đất Việt, vào năm nào? ( 117 Vị, ngày 19. 6. 1988)

VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:

1.    Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?

Thiên Chúa đã yêu thương dân Việt chúng ta, Ngài đã ban đức tin và dẫn dắt, nâng đỡ Hội thánh Việt Nam vượt qua bao thăng trầm để giữ vững đức tin.

2.    Có gương tốt nào nên theo?

Noi gương các vị thừa sai và các thánh tử đạo Việt Nam nhiệt thành truyền giáo và trung thành với tình yêu Chúa.

3.    Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?

-Cầu nguyện và tích cực xây dựng Hội thánh địa phương bằng cách siêng năng tham dự phụng vụ, học giáo lý, tham gia các đoàn thể của giáo xứ (Giáo lý viên, ca đoàn, giúp lễ…)

-Đọc đoạn Lời Chúa 1 Pr 3,13-17 mỗi ngày và xin Chúa giúp thực hành.

IX.  CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:

     Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì qua bài giáo lý hôm nay, chúng con được hiểu biết nhiều hơn về tình yêu Chúa đã dành cho quê hương đất nước chúng con. Xin Chúa giúp chúng con thực hành điều quyết tâm để phần nào đáp lại tình yêu Chúa và xứng đáng là con cháu của các các thánh Tử đạo Việt Nam. Amen.