Bài 19 :

CÁC NGÔN SỨ

 

-Lời Chúa : 2 V 17, 5-8. 13-15a. 18

-Ý chính:Khi dân Chúa lầm đường lạc lối, Thiên Chúa sai các Ngôn sứù đến  kêu gọi họ bỏ đường tội lỗi, ăn năn hối cải.

-Giáo cụ trực quan :

       *Tranh:- Hôsê rao giảng chống lại việc thờ lạy tà thần(Số 33).

                  - Dân Giuđa bị lưu đầy ở Babylon (Số 35).               

        *Sách Chúa nói với trẻ em đoạn 35 trang 38.

 

I.  CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

Lạy Chúa Thánh Thần, xin tác động trong tâm hồn mỗi người chúng con, giúp chúng con cầm lòng cầm trí và hiểu được những điều Chúa nói với chúng con trong bài học hôm nay.

Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần.

II.   DẪN VÀO LỜI CHÚA  

1/Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm .

+Ôn bài cũ :

- Đấng Cứu Thế đã xuất phát từ dòng dõi nào ? (Vua Đavit)

- Ta học được gì nơi Vua Đa vít ?  (Yêu mến Chúa, luôn cầu nguyện tìm ý Chúa, sống có nhân nghĩa với người khác, biết nhận lỗi và chân thành ăn năn sám hối).

+Kiểm tra quyết tâm :

Trong tuần qua, các em có cố gắng cầu nguyện cho bạn, nghĩ tốt, nói tốt về bạn, tôn trọng và giúp đỡ bạn khi cần chưa?

2/Dẫn vào Lời Chúa :

Vua nước Nguỵ là Vũ hầu thường cùng các bầy tôi làm việc, trong bất cứ việc gì, ý kiến của ông đưa ra cũng đều hay đều phải. Bởi thế, mỗi khi họp xong, ông đều ra vẻ như vui mừng lắm .

Một bữa nọ có người vệ sĩ  nước Sở là Ngô Khởi mới sang. Nghe tiếng Ngô Khởi dùng binh giỏi nổi tiếng, Vũ hầu mời vào  nói chuyện. Ngô Khởi thấy Vua nước Ngụy tỏ vẻ rất hài lòng về chỗ bầy tôi không ai giỏi bằng mình, nên hỏi:

Các quan lại ở đây đã nói chuyện Sở Trang Vương cho nhà Vua nghe chưa ?

Vũ hầu đáp : Chưa, chuyện thế nào ?

Ngô Khởi thưa : Ấy là sau khi họp bàn với bầy tôi chuyện gì Sở Trang Vương lại lấy làm lo lắm. Có kẻ hỏi lý do, Sở Trang Vương đáp “Ta đem việc bàn với quan nhưng không ai bằng ta cả, vì thế ta phải lo. Người xưa có câu : Các vua chư hầu ai có thầy giỏi làm lên nghiệp vương, ai có bạn giỏi làm lên nghiệp bá, ai có người quyết đoán cho mọi việc thì giữ yên được nước còn ai họp bàn mà không ai bằng mình thì sẽ bị nguy vong. Ta đây ngu mà các quan lại của ta còn ngu hơn nữa thì nước ta có lẽ sẽ mất. Hỏi thế ta không lo sao được. Ấy cũng một việc giống nhau mà Sở trang vương lo mà nhà vua lại mừng.

Vũ hầu nghe nói, vội vàng đứng dậy vái tạ Ngô Khởi rồi nói : Thật quả tiên sinh là người trời sai đến đây để chỉ cho quả nhân những lỗi lầm ấy .

Các em thân mến!  Ngô Khởi can đảm nói lên sự thật để chỉ ra lỗi lầm của Vua nước Ngụy là Vũ hầu. Cũng vậy, dân Chúa trong cảnh thái bình thịnh vượng, hạnh phúc ấm no thay vì cảm tạ Thiên Chúa  lại chạy theo tiền bạc, ăn chơi trác táng, dần dần quên đi giao ước. Thiên Chúa đã sai người đến nhắc nhở họ. Để biết Thiên Chúa  đã sai ai đến  nhắc nhở, mời các em đứng lên lắng nghe Lời Chúa .

III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA

2V 17, 5-8. 13-15a. 18

IV.  GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

1 /  Dẫn giải Lời Chúa :

-Lời Chúa mà các em vừa nghe trích từ sách nào?  (Sách các vua quyển thứ hai).

- Đoạn Lời Chúa này cho biết Dân Chúa đã từ bỏ Thiên Chúa  mà thờ ai ? (Họ thờ các thần của dân ngoại).

-Khi dân chúng bỏ Chúa mà thờ các thần khác thì họ phạm tội gì ? (Phạm tội bất trung với Chúa, không giữ Giao Ước đã ký kết với Chúa ở núi Sinai là chỉ tôn thờ một mình Ngài mà thôi).

-Trước sự phản bội Giao Ước của dân chúng, Thiên Chúa đã làm gì ? (Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến nhắc nhở sự sai trái của họ).

-Họ có nghe theo lời của các ngôn sứ không ? (Không).

-Hậu quả của việc không nghe lời các ngôn sứ nhắc nhở là gì ? [Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ, cho Đế quốc Assyri xâm chiếm miền Bắc là nước Israel năm 721 tcn (Nước Do Thái bị phân đôi năm 931 tcn, miền Bắc gọi là nước Israel và miền Nam gọi là nước Giuđa)].

Đọc lại lịch sử dân Israel, chúng ta thấy từ khi ký kết Giao Ước ở núi Sinai, Dân Chúa luôn lỗi Giao Ước. Chúng ta thử đọc một lời lên án Dân Chúa lỗi Giao Ước của ngôn sứ Amốt vào thế kỷ VIII TCN để thấy rõ sự vi phạm Giao ước của họ. Các em mở sách Chúa nói với trẻ em trang 38 đoạn 35 và cùng đọc.

Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm điều này trong phần bài học sau đây.

2/Giải thích câu hỏi thưa.

Câu 1 : Từ cuối thời vua Salômon trở đi, dân chúng có sống trung thành với Giao ước không?

- Sau khi Vua Đavit mất, ai lên kế vị ông ? (Con của ông là Salômon lên nối ngôi)

- Ban đầu vua Salômon là con người tốt lành, chuyên chăm cầu nguyện, hướng dẫn dân chúng cầu nguyện, đã xây dựng nhà cho Chúa ngự là Đền thờ Giêrusalem. Nhưng về sau, Salômon đã sống thế nào? (Ông sống xa hoa, lấy nhiều vợ ngoại giáo rồi theo các bà vợ ngoại giáo thờ lạy các tà thần của các bà vợ này).

-Hậu quả của đời sống phản nghịch cùng Chúa của vua Salômon là gì ? (Hậu quả là, sau khi ông chết, vào năm 931 TCN, đất nước bị chia đôi : 10 chi tộc miền Bắc nổi dậy lập ra nước riêng tên là Israel, còn con cháu Vua Đavit chỉ cai trị ở phía Nam gọi là nước Giuđa, thủ đô là Giêrusalem).

-Từ  đấy trở đi cho đến thời bị lưu đầy ở Babilon năm 587 TCN, Dân Chúa có luôn giữ Giao Ước không? (Không, họ không còn giữ Giao Ước : bỏ Chúa, thờ lạy các ngẫu tượng và làm nhiều điều gian ác).

Đọc chung câu 1.

 Câu 2 : Ngẫu tượng là gì ?

Để biết thờ ngẫu tượng là thờ cái gì, các em hãy quan sát bức tranh này (Số 33). Bức tranh này vẽ lại cảnh ngôn sứ Hôsê, sống vào thế kỷ thứ VIII TCN, rao giảng chống lại việc thờ ngẫu tượng của Dân Chúa (x. Hs 8, 4-7).

-Ở góc trên, phía xa xa trên đồi có một bàn thờ, lửa cháy bập bùng, khói lên nghi ngút. Đứng trước bàn thờ là một tư tế dân ngoại, giơ hai tay lên trời đang cầu khẩn. Họ đang thờ lạy và cầu khẩn với thần nào đây ? (Với con bê được đúc bằng vàng).

-Còn phía dưới, người mặc áo đỏ đang giảng dạy là ai ? (Ngôn sứ Hôsê).

-Ngôn sứ Hôsê đang giảng điều gì ? (Ông giảng rằng việc thờ lạy con bê được đúc bằng vàng ở trên đồi kia là thờ ngẫu thần).

-Tại sao ? (Vì họ đã lấy vàng bạc đúc ra con bê đó. Con bê đó là do chính họ tạo ra . Họ đã tôn  thờ một vật do chính họ tạo ra ngang hàng với Thiên Chúa. Đây là tôn thờ ngẫu tượng).

Như vậy, tôn thờ ngẫu tượng là tôn thờ các vị thần do con người nghĩ ra như thần tài, ông địa…tôn thờ các loài do Chúa dựng nên như sông ngòi (thần sông), cây cối (thần cây đa), loài vật (con cọp, cá ông), con người hay tiền bạc, danh vọng, khoái lạc… như là chính Thiên Chúa.

-Tội thờ ngẫu tượng có nặng không ? (Có, ngôn sứ Hôsê nói tội này làm Thiên Chúa nổi giận. Tội này lỗi giới răn thứ I: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự).

Đọc chung câu 2.

Câu 3 : Thiên Chúa đã làm gì để kêu gọi dân trở lại với Ngài ?

-Các em nhớ lại đoạn sách Các Vua, quyển thứ 2 mà các em đã nghe ở phần công bố Lời Chúa. Đó là những lời của ngôn sứ Hôsê, được Chúa sai đến để kêu gọi dân chúng miền Bắc là nước Israel hãy ăn năn sám hối trở về với Chúa, từ bỏ các tà thần để Chúa cứu khỏi sự đe dọa của Đế quốc nào ? (Đế quốc Assyri).

-Như vậy Thiên Chúa đã làm gì để kêu gọi dân chúng trở lại với Ngài ? (Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến nhắc nhở, kêu gọi dân).

Đọc chung câu 3.

Câu 4 : Trong thời kỳ này có những ngôn sứ nào ?

Từ thời đất nước bị chia đôi vào năm 931 TCN tới năm Dân Chúa bị lưu đầy ở Babylon năm 587 TCN  đã có các ngôn sứ sau đây được Chúa sai đến với Dân Ngài :

-Miền Bắc có các ngôn sứ : Êlia, Êlisa, Amốt và Hôsê.

-Miền Nam có các ngôn sứ : Isaia, Giêrêmia, Mikha và Sôphônia.

Đọc chung câu 4.

Câu 5 : Khi dân chúng không nghe lời các ngôn sứ, Thiên Chúa đã sửa phạt thế nào ?

-Đoạn Lời Chúa trong sách các vua quyển thứ 2 mà chúng ta đã nghe ở phần đầu, khi dân chúng không nghe lời ngôn sứ Hôsê nhắc nhở, Thiên Chúa đã phạt dân miền Bắc (tức nước Israel) đi đầy ở đâu ?  Năm nào ? (Dân bị đi lưu đầy ở Ninivê, năm 721 TCN).

-Còn số phận dân miền Nam (tức nước Giuđa) thì thế nào? Chúng ta hãy mở sách Chúa nói với trẻ em trang 39 và đọc đoạn 36 sẽ thấy rõ.

       *Trong đoạn sách này chúng ta thấy Thiên Chúa đã sai ngôn sứ nào đến nhắc nhở dân Giuđa đừng phạm tội nữa, hãy trở về với Chúa để tránh Đế quốc Babylon xâm chiếm đất nước và bắt dân đi đầy ? (Ngôn sứ Giêrêmia).

       *Dân chúng có nghe không ? (Không).

       *Hậu quả của sự cứng lòng này là gì ?  (Quân Babylon dưới sự lãnh đạo của Vua Na-bu-cô-đô-nô- xo đã tàn phá xứ sở và bắt dân đi lưu đầy ở Babylon năm 587 TCN. Bức tranh này vẽ lại cảnh dân chúng bị đưa đi lưu đầy ở Babylon (Số 35).

-Như vậy, khi dân chúng không nghe lời các ngôn sứ nhắc nhở, Thiên Chúa đã sửa phạt : cho họ đi lưu đầy.

Đọc chung câu 5.

Tóm lại, khi Dân Chúa phạm tội, không trung thành với Giao ước mà họ đã ký kết với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ  đến nhắc nhở và kêu gọi họ từ bỏ đời sống tội lỗi mà trở về với Thiên Chúa.

V .  CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

1/Gợi tâm tình .

Các em thân mến,

Qua bài học hôm nay, chúng ta thấy Thiên Chúa luôn trung thành với Giao Ước mà Ngài đã ký kết với Dân Ngài cho dù Dân Ngài luôn  phản bội, bất trung với Giao Ước. Thật vậy, khi dân chúng phạm tội không trung thành với Giao ước, Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến nhắc nhở họ quay trở lại với Ngài. Khi họ vẫn có chấp không nghe các ngôn sứ nhắc nhở, Ngài đã phạt họ bị lưu đầy. Nhưng khi phạt họ đi lưu đầy không phải là Ngài bỏ rơi họ mà là tạo điều kiện để họ có cơ hội suy nghĩ trở về với Ngài và Ngài sẽ đưa họ trở về quê hương như biến cố lưu đầy Babylon năm 587 TCN, Ngài đã đưa họ về quê hương năm 538 TCN. Tin tưởng vào tình thương của Chúa chúng ta dâng lời cầu nguyện.

2/Lời nguyện .

Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con. Ngày xưa, khi Dân Chúa bất trung không giữ Giao ước, Chúa đã sai các Ngôn sứ đến để dạy bảo dân chúng, nhưng họ đã không nghe và đã bị phạt đi lưu đầy. Ngày nay, xin Chúa thương ban cho chúng con, luôn biết vâng nghe Lời Chúa qua việc tuân  giữ các giới luật của Chúa, để chúng con luôn được Chúa yêu thương, che chở,  giữ gìn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitôâ Chúa chúng con Amen.

VI. SINH HOẠT -Trò chơi : Tiếng ma quỷ .

Ma quỷ thường thúc giục ta làm những điều trái ngược với ý Chúa .

-Số người : không hạn chế

-Rèn luyện: Phán đoán, ứng xử mau lẹ .

-Cách chơi: Người điều khiển đứng trước một người nào đó, nói một câu, thì người đối diện phải nói ngược lại.
Ví dụ  “Trên Trời”. Đáp lại : “Dưới đất “ –
          “Siêng năng “. Đáp lại : ”Lười biếng “

Lưu ý :  Người điều khiển xướng từ đơn, thì đáp lại từ đơn, xướng từ kép thì đáp từ kép .

  Mỗi người ứng xử ba lần. Nếu đúng sẽ được tuyên dương .

VII. BÀI TẬP

·   Khi Dân Chúa tôn thờ các ngẫu tượng, Thiên Chúa  đã sai ai đến dạy bảo?

a.    Ma quỷ

b.       Các Thiên Thần

c.       Các ngôn sứ

·   Khi Dân Chúa không nghe lời các ngôn sứ thì Chúa đối xử với họ thế nào?  

a.     Cho chết tại chỗ.

b.     Phạt đi lưu đầy.

c.      Thiên Chúa bỏ qua cho họ.

·    Trong lịch sử Dân Chúa có mấy cuộc lưu đầy chính?

a.     2 cuộc lưu đầy. (Lần 1: năm -721, lần 2: năm -587)

b.     3 cuộc lưu đầy.

c.      4 cuộc  lưu đầy.

VIII.  SỐNG LỜI CHÚA  

Mỗi khi được cha mẹ, thầy cô, các bạn sửa sai, em mau mắn vâng nghe và cố gắng khắc phục lỗi lầm để trở nên tốt hơn.

 IX .  CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

Lạy Chúa vì thương chúng con, Chúa vẫn kiên nhẫn chờ  đợi và mời gọi con trở về mỗi khi chúng con lầm đường lạc lối. Xin Chúa thương giúp mỗi người chúng con mau mắn sửa lại những sai lỗi khi có ai nhắc bảo để chúng con luôn là người con ngoan của Chúa. Amen.

Đọc  Kinh Sáng danh

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà