Bài 27:
CHÚA GIÊ-SU BỊ CHỐNG ĐỐI
PHẦN
HỌC SINH
Câu
1 : H. Vì sao Chúa Giêsu bị một số lãn đạo Do thái chống đối và tìm cách giết
chết ?
T. Vì họ cho rằng Chúa Giêsu chống
lại luật Môsê, coi thường đền thờ Giêrusalem, và nhất là đã phạm thượng, dám tự
coi mình là Thiên Chúa.
Câu
2 : H. Chúa Giêsu có thái độ nào đối với luật Môsê ?
T. Ngài không hủy bỏ những đã tuân
giữ trọn vẹn và làm cho nó nên hoàn hảo.
Câu
3 : H. Chúa Giêsu có thái độ nào đối với đền thờ Giêrusalem ?
T. Ngài luôn yêu mến đền thờ, vì đó
là chỗ dành riêng để cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa. Ngài đã dùng hình ảnh đền
thờ để báo trước cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài.
Câu 4 : H. Vậy tại sao giới lãnh đạo Do thái lại kết án Ngài ?
T. Vì họ không nhận biết Ngài là Thiên Chúa làm người, nên khi Ngài tỏ mình ra là Con Thiên Chúa, họ đã không tin, và cho rằng Ngài là kẻ phạm thượng đáng phải chết.
PHẦN
GIÁO LÝ VIÊN
-Lời Chúa:
Mc 8, 31-33
-Ý chính
: Chúa Giê-su là ánh sáng thật đã đến thế gian chiếu soi mọi người, nhưng
Ngài đã bị chống đối.
-Giáo cụ trực quan: * Tranh : Chúa Giê-su trước công nghị Do Thái (Số
97).
* Sách Chúa nói với trẻ em đoạn 85, trang 81-82; đoạn 56, trang 56.
I. CẦU
NGUYỆN ĐẦU GIỜ
Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin dâng
lên Chúa giờ học giáo lý hôm nay. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống trên từng
người chúng con để Ngài soi sáng, dạy dỗ, giúp chúng con hiểu biết và yêu mến
Chúa hơn.
Hát:
“Cầu xin Chúa Thánh Thần”.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA
1/ Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.
+ Ôn bài cũ :
- Em hãy kể tên các nhân đức hướng thần? ( Tin, Cậy, Mến)
- Muốn được thêm lòng Tin, Cậy, Mến ta phải
làm gì?
. Năng
học hỏi và suy niệm nhiều về tình thương của Chúa.
. Hằng
ngày cố gắng sống xứng đáng là con cái Chúa.
. Tha
thiết cầu xin Chúa Thánh Thần ban thêm sức cho ta.
+ Kiểm tra quyết tâm :
Trong
tuần qua các em có âm thầm dâng giờ học cho Chúa và xin Chúa giúp đỡ trước mỗi
giờ học ở nhà trường không ?
2/ Dẫn vào Lời Chúa.
Vào năm 1856, các nhà khảo cổ đã
thực hiện một cuộc khám phá đầy thú vị ở Balatin tại thành phố Rô-ma. Khi đào bới
những lớp đất bao phủ một trại lính Rô-ma cổ, trên bức vách một bức tường họ
tìm thấy hình cây thập giá được một người lính nào đó khắc vào tường. Bên cạnh
là hình một chàng thanh niên giơ tay chào kính cây Thánh gía. Trên cây Thánh giá
có vẽ hình một người nhưng đầu người ấy lại là hình một con lừa. Dưới hai hình
vẽ người ta thấy có viết hàng chữ: “Alex
Saminốt thờ lạy Chúa của hắn”. Các nhà khảo cổ cho rằng có thể bức vẽ đã được
thực hiện vào những năm 123-126. Nếu sự chẩn đoán về niên hiệu này là đúng, thì
đây có lẽ là hình vẽ Thánh giá cổ nhất, nhưng lại là hình vẽ Thánh giá bị nhạo
báng chê cười: “Nếu Thiên Chúa đã chết trên
thập giá, thì đây là hành động yếu hèn, khờ dại như hành động của một con lừa và cả những người
thờ lạy Thiên Chúa trên thập giá cũng thế”.
Vào năm 1870, các nhà khảo cổ
lại tìm được câu trả lời mà họ nghĩ là của
chàng thanh niên mang niềm tin ki-tô giáo tên là Alex Saminốt. Ở một trụ bằng đá
có dựng hình “Thần Mars” tức là vị “Thần chiến tranh”, người ta khám phá thấy
một dòng chữ khắc trên đá: “Alex Saminốt
vẫn vững tin”.
Hình ảnh Thiên Chúa chết treo
trên thập giá là một hình ảnh khủng khiếp, yếu đuối, dại khờ đối với những người không tin.
Tự nhiên, con người ai cũng sợ
và muốn tránh đau khổ. Ngay cả các môn đệ, được sống bên cạnh Chúa nhưng các ngài
cũng không dễ dàng đón nhận Đức Giê-su Ki-tô là Đấng phải chịu nhiều đau khổ, bị
chống đối như trong đoạn Tin Mừng chúng
ta sẽ lắng nghe giờ đây.
Mời các em đứng, chúng ta cùng
lắng nghe Lời Chúa.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Mc 8, 31- 33
IV.
GIẢI THÍCH LỜI CHÚA
1/ Dẫn giải Lời Chúa.
- Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa
nghe được trích từ Tin Mừng theo Thánh nào ? (Thánh Mác-cô).
- Chúa Giêsu đang nói với ai
trong đoạn Lời Chúa này? (Các Tông đồ).
- Chúa Giêsu loan báo cho các Tông
đồ biết điều gì? (Chúa Giêsu loan báo cuộc
thương khó và phục sinh của Ngài).
Các em thân mến! Thật là một bất ngờ đối với các
Môn đệ: tại Xê-da-rê Phi-líp-phê, sau khi Thánh Phê-rô đại diện các môn đệ tuyên
xưng: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8, 29),
Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết Ngài sẽ phải chịu đau khổ, bị khai trừ,
bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại (Mc 8, 31). Đối với họ Chúa Giêsu quả
thực là Đấng Kitô, nhưng Đấng Kitô đó phải là một vị Vua dũng mãnh. Họ không thể
chấp nhận được rằng Đấng Kitô sẽ bị thất bại, bị bắt nộp, bị giết chết một cách
đau khổ nhục nhã. Chính vì thế, Thánh Phê-rô liền kéo riêng Chúa Giêsu ra và trách
Chúa: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy
gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16, 22). Đoạn kinh thánh các em sắp đọc cho thấy dân
chúng chống đối Chúa Giêsu như thế nào. Các em mở sách Chúa nói với trẻ em đoạn
81, trang 81-82 và cùng đọc.
Chúa Giêsu đã làm gì khiến giới lãnh đạo Do Thái chống đối và tìm cách
tiêu diệt, chúng ta cùng tìm hiểu ở phần bài học dưới đây.
2/ Giải thích các câu hỏi thưa.
Câu 1: Vì sao Chúa Giêsu bị giới
lãnh đạo Do Thái chống đối và tìm cách giết chết?
Các em hãy nhìn lên bức tranh vẽ
lại cảnh Chúa Giêsu đang bị xét hỏi và lên án trước công nghị Do Thái (Số 97).
Chúa Giêsu đã bị nhóm Pha-ri-sêu
và phe Hê-rô-đê cùng với các Tư tế và kinh sư
liên kết với nhau để hại Ngài (x. Mc 3, 6). Dưới con mắt của họ, Chúa Giêsu
là người có tội vì:
- Đã
chống lại luật Mô-sê (x. Mc 3, 1-6)
- Coi thường đền thờ Giê-ru-sa-lem, trung tâm
đời sống phụng tự của dân Do Thái (x. Ga 2, 19).
- Phạm thượng dám cả gan coi mình ngang hàng
với Thiên Chúa (x. Ga 8, 59).
Đó là những trọng tội thuộc lãnh
vực tôn giáo, mà theo Luật Mô-sê, phải bị
xử tử (x. Ga 8, 59; Lv 24, 16).
Đọc chung câu 1
Câu 2: Chúa Giêsu có hủy bỏ Luật
Mô-sê không?
Tội đầu tiên họ kết tội Chúa Giêsu
là chống lại luật Môsê. Vậy Chúa Giêsu có thực sự chống đối luật Môsê không ?
Chúa Giêsu không chống lại Luật
Mô-sê. Trong bài giảng trên núi, Đức Giêsu đã tuyên bố: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ
Luật Mô-sê hoặc lời các Ngôn sứ. Thầy đến khôn g phải để bãi bỏ nhưng là
để kiện toàn” (Mt 5, 17).
Như vậy, Chúa Giêsu đến không phải để hủy bỏ Luật Mô-sê nhưng là làm cho
nó nên hoàn hảo hơn. Chẳng hạn:
Luật Mô-sê dậy: “Chớ giết người”
(Xh 20, 13). Còn Chúa Giêsu dạy: không những không được giết người mà còn không được giận ghét anh em, không
được mắng chửi anh em. Hơn thế nữa, còn phải đi bước trước trong việc sống hòa
thuận với anh em (x. Mt 5, 21- 26).
Nếu Chúa Giêsu có chỉ trích một
số truyền thống do các kinh sư Do Thái đặt ra thì bởi vì những truyền thống
này đi ngược lại với điều răn của Thiên Chúa (x. Mc 7, 1- 23).
Đọc chung câu 2
Câu 3: Chúa Giêsu có thái độ nào đối với đền thờ Giê-ru-sa-lem?
Tội thứ hai
họ kết án Chúa Giêsu là coi thường Đền Thờ Giêrusalem. Vậy Chúa Giêsu có thực sự
coi thường Đền thờ không?
- Trong giáo xứ chúng ta, nơi nào
được mọi người coi là nơi linh thánh, nơi Chúa ngự cách đặc biệt, mọi người cùng
đến để tôn kính Chúa và lãnh nhận các Bí
tích? ( Nhà thờ).
- Người ta có được buôn bán, đùa
giỡn trong nhà thờ không? (Không)
Đối với người Do Thái, đền thờ
Giê-ru-sa-lem là nơi Thiên Chúa hiện diện cách đặc biệt (Tv 42, 2- 3). Đó là
trung tâm đời sống phụng tự của cả dân tộc. Họ rất yêu mến và tôn kính đền thờ
(Tv 26, 8).
Chúa Giêsu cũng dành cho đền thờ
Giê-ru-sa-lem sự tôn kính đặc biệt. Nơi đó, Ngài đã được cha mẹ hiến dâng cho
Thiên Chúa (x. Lc 2, 22- 31). Nơi đó, Ngài đã đến hành hương hàng năm trong suốt
thời gian sống tại Na-da-rét (x. Lc 2, 31). Cả cuộc sống rao giảng của Chúa Giêsu
cũng bắt nhịp với những lần hành hương về Đền thánh.
Hơn thế nữa, Ngài coi Đền Thánh
là nhà của CHA, nhà cầu nguyện. Vì thế, trong dịp lễ vượt qua năm 27, Chúa Giêsu
lên Giê-ru-sa-lem mừng lễ. Ngài rất khó chịu khi thấy người ta buôn bán chiên bò,
bồ câu và đổi tiền trong Đền thờ. Ngài đã lấy dây làm roi xua đuổi tất cả ra khỏi
đền thờ. (Ga 2, 16).
Khi người Do Thái hỏi Chúa Giêsu
lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho thấy Ngài có quyền làm như thế. Chúa Giêsu đã trả lời:
“Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”. Qua câu nói
này, Chúa Giêsu muốn báo trước về cuộc thương khó của Ngài. Đền thờ ở đây là thân thể Ngài ( Ga 2, 21- 22).
Dựa vào câu nói của Chúa Giêsu các
Thượng tế đã tố cáo Chúa Giêsu là kẻ đe dọa phá đền thờ (Mt 26, 61).
Như vậy Chúa Giêsu đã không coi
thường Đền Thờ Giêrusalem như người ta kết án.
Đọc chung câu 3
Câu 4 : Vậy tại sao giới lãnh đạo Do Thái kết án Chúa?
- Tội thứ ba họ kết án Chúa Giêsu
là tội nào? (Tội phạm thượng coi mình là
Con Thiên Chúa).
- Trong khi rao giảng, Đức Giêsu
loan báo Thiên Chúa là Cha. Ngài gọi Thiên Chúa là ai và xưng mình là gì? (Ngài gọi Thiên Chúa là Cha và xưng mình là
con).
- Hơn thế nữa, Đức Giêsu còn tỏ
mình là Đấng cứu độ, đặc biệt khi Ngài thực thi quyền tha tội (Mc 2, 5), quyền
chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa
(Mc 2, 7). Các em hãy mở sách Chúa nói với trẻ em trang 56 và đọc doạn
56 để thấy rõ Chúa Giêsu quả thật là Con Thiên Chúa được tỏ lộ qua quyền tha tội
của Ngài.
Mặc dù chứng kiến rất nhiều phép
lạ Chúa đã làm nhưng giới lãnh đạo Do Thái
vẫn không tin Chúa Giêsu là con Thiên Chúa (x. Ga 12, 37). Do đó, trước phiên tòa
Thượng Hội Đồng họ đã đồng thanh kết án Chúa Giêsu đáng chết vì tội phạm thượng
(Mt 26, 63- 66).
Đọc chung câu 4
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
1/Gợi tâm tình.
Loài người chúng ta đã phạm tội nên
phải chết. Vì thương chúng ta, Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người
mang lấy tội của chúng ta và chết cho chúng ta để chúng ta được sống. Giờ đây
chúng ta cùng dâng lời cảm tạ Chúa.
2/Lời nguyện.
Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương chúng
con, Chúa đã bị chống đối và kết án tử hình. Chúng con xin dâng lời cảm tạ Chúa.
Xin Chúa giúp chúng con biết cảm tạ Chúa cách chân thành bằng chính cách sống của
chúng con. Cách sống của những người đã được Chúa cứu sống là xa tránh tội lỗi,
quảng đại bác ái, vui lòng đón nhận những hy sinh bé nhỏ trong cuộc sống hằng
ngày. Chúng con cầu xin vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
VI. SINH HOẠT Băng reo : VÌ YÊU
Người điều khiển |
Tất cả |
-Vì yêu |
- Chúa giáng trần |
-Vì yêu |
- Chúa chịu chết |
-Yêu Chúa |
- Mến anh em |
VII. BÀI TẬP : Em hãy khoanh tròn vào câu trả lời đúng nhất:
Chúa Giêsu bị chống đối vì:
a. Chúa hủy bỏ luật Mô-sê b. Chúa coi thường đền thờ Giê-ru-sa-lem.
c.
Chúa phạm thượng + d. Giới lãnh đạo Do Thái không tin Chúa Giêsu là
con Thiên Chúa.
VIII. SỐNG LỜI CHÚA
Chúa Giêsu tự nguyện chịu sự chống đối của
người khác để cứu độ chúng ta. Trong tuần này em bắt chước Chúa biết chịu đựng
những hiểu lầm của người khác về mình qua việc tha thứ, không tranh cãi để cầu
nguyện cho các linh hồn.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã thương
hiện diện và dạy đỗ chúng con trong giờ Giáo lý hôm nay. Xin Chúa giúp chúng
con biết cộng tác vào công trình cứu người khác của Chúa qua việc biết nhịn nhục
tha thứ cho những người xúc phạm đến mình.
Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
Đọc kinh Sáng Danh.