Bài 17:             

CHÚA GIÊ-SU LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ

 

- Lời Chúa : Ga 6, 48-59

- Ý chính: Chúa Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống để cho thế gian được sống.

- Giáo cụ trực quan :     * Tranh Chúa Giê-su hoá bánh ra nhiều cho năm ngàn người ăn no (Số 77).
* Tranh : Tiệc ly (Số 94).

 

I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

    Để bắt đầu giờ học hôm nay, anh (chị) mời các em hãy hướng lòng mình lên cùng Chúa. Xin Ngài soi trí mở lòng chúng ta, giúp chúng ta nhận biết tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, để ta yêu mến Chúa hơn.

    Đọc kinh Cúi xin Chúa sáng soi.

II. DẪN VÀO LỜI CHÚA

1. Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.

+Ôn bài cũ:

-Ta phải tôn trọng ai, phải chăng ta chỉ phải tôn trọng những người có chức có quyền, giầu có, những người hay giúp đỡ ta?  (Ta phải tôn trọng mọi người không trừ ai).

-Vì sao ta phải tôn trọng mọi người?  (Vì mọi người đều được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài).

-Cách sống tôn trọng mọi người là gì?  (Nhớ tên, lắng nghe, khen ngợi điều hay, điều tốt của người khác, cư xử khiêm tốn và hiền lành…).

+Kiểm tra quyết tâm:

Trong tuần qua, các em có cố gắng khen ngợi bạn khi thấy bạn làm được những việc tốt lành không và có cố gắng không phát biểu ý kiến của mình khi người khác chưa nói xong để tôn tỏ lòng tôn trọng người khác không?

2. Dẫn vào Lời Chúa.

      Thân xác chúng ta cần có lương thực để nuôi sống. Ở những nơi bị mất mùa, hạn hán kéo dài, dân chúng bị đói khát rất là cực khổ phải không các em?

      Ngày xưa, khi Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng, Chúa đã làm gì khi thấy dân chúng đói khát?  (Các em hãy nhìn vào bức tranh này (Số 77) và trả lời: Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để dân chúng ăn). Bây giờ chúng ta cùng kể lại phép lạ Chúa Giêsu đã hoá bánh ra nhiều để nuôi dân chúng nhé. (GLV có thể cho học sinh tham gia kể theo lối kể chuyện tiếp sức).

      Một hôm, Chúa Giêsu đi thuyền tới một nơi hoang vắng để cầu nguyện. Nghe biết vậy, dân chúng theo Ngài rất đông. Khi thấy đoàn người lũ lượt theo mình, Chúa động lòng thương, Ngài liền giảng dạy họ và chữa lành bệnh tật cho nhiều người.

     Đến chiều tối, các tông đồ mới thưa với Chúa:

- Thưa Thầy, ở đây hoang vắng quá và trời đã muộn, xin Thầy giải tán đám đông để họ đi mua thức ăn.

 Chúa trả lời: - Họ không phải đi đâu cả, chính các con hãy cho họ ăn.

 Các tông đồ đáp lại:

- Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá .

 Chúa bảo họ: - Các con hãy đem lại đây cho Thầy.

   Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các tông đồ.

   Phép lạ này chính là hình ảnh báo trước Chúa Giêsu sẽ lập Bí tích Thánh Thể sau này. Nhưng trước khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa đã giới thiệu, đã chuẩn bị cho dân chúng biết rằng Ngài sẽ ban cho họ bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời. Chúa Giêsu đã hứa với họ khi nào?  Thánh Gioan đã ghi lại trong Tin Mừng của Ngài. Mời các em đứng lên, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA

          Ga 6, 48-59

IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

   1. Dẫn giải Lời Chúa.

      - Đoạn Kinh Thánh chúng ta vừa nghe thuật lại điều gì?  (Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là bánh hằng sống từ trời xuống).

      - Ai ăn bánh này sẽ được điều gì?  (được sống đời đời).

    Câu chuyện xảy ra tại Ca-phác-na-um. Lúc ấy sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái. (Ga 6, 4).

    Sau phép lạ hoá 5 chiếc bánh và 2 con cá nuôi hơn năm ngàn người, Chúa Giêsu và các môn đệ đi xuống  núi, chèo thuyền qua Biển Hồ, đến Ca-phác-na-um. Sáng hôm sau dân chúng chạy đi tìm Chúa khắp nơi. Gặp Ngài bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ông, các ông tìm Ta, không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì của ăn mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông…” (x. Ga 6, 22-27).

  Từ chuyện cơm bánh vật chất, Chúa Giêsu đã giới thiệu cho họ về bánh hằng sống và cho biết: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh Ta sẽ ban tặng, chính là thịt Ta đây để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51).

  Lời hứa đó đã được Chúa Giêsu thực hiện trong bữa tiệc ly, khi Ngài lập Bí tích Thánh Thể. Chúng ta sẽ tìm hiểu về Bí tích Thánh Thể trong phần bài học dưới đây.

   2. Giải thích câu hỏi thưa.

   * Đọc chung câu 1:

    1- H. Bí tích Thánh Thể là gì?

        T. Là dấu chỉ Chúa Giêsu dùng để tiếp tục lễ hy sinh trên Thánh Giá và để ban Mình Máu Ngài dưới hình bánh rượu làm của nuôi linh hồn ta.

    Mỗi khi tham dự thánh lễ, là ta được tham dự vào mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần làm cho lễ hy sinh của Chúa Kitô trở nên hiện tại, nghĩa là Chúa Giêsu đang chết và sống lại hằng ngày trong mỗi thánh lễ, để ban Mình, Máu Ngài dưới hình bánh rượu nuôi sống chúng ta.

  Vậy bí tích Thánh Thể là dấu chỉ Chúa Giêsu dùng, để:

  - Tiếp tục lễ hy sinh của Ngài trên đâu?  (Trên Thánh Giá).

  - Ban Mình Máu Ngài dưới hình gì để làm của nuôi linh hồn ta?  (Dưới hình bánh rượu).

Tóm lại: Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể để làm gì?

   * Đọc chung câu 2:

    2- H. Bí tích Thánh Thể quan trọng thế nào?

         T. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của mọi sinh hoạt Hội Thánh, vì Thánh Thể chứa đựng tất cả kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh, là chính bản thân Chúa Kitô .

  Bí tích Thánh Thể vô cùng phong phú đến nỗi có rất nhiều tên gọi để chỉ về bí tích này. Mỗi tên diễn tả một ý nghĩa, chẳng hạn như: Lễ Tạ Ơn, Bữa Aên của Chúa, Lễ Bẻ bánh…

  Việc cử hành bí tích Thánh Thể được gọi là Thánh Lễ.

 Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của mọi sinh hoạt Hội Thánh:

- Mỗi ngày Chúa Nhật, các tín hữu đều quy tụ quanh Bàn tiệc Lời Chúa và Bàn tiệc Thánh Thể để thờ phượng Thiên Chúa, để hiệp thông với nhau. Bí tích Thánh Thể quy tụ chúng ta lại, tạo nên cộng đoàn phụng vụ, cộng đoàn hiệp thông, cộng đoàn sống đức ái, cộng đoàn truyền giáo.

- Các bí tích như Rửa tội (cho người lớn), Thêm sức, Hôn phối và đặc biệt là bí tích Truyền chức thánh được cử hành ở đâu?  (Ở trong thánh lễ).

- Lễ khấn dòng, lễ khai mạc và kết thúc năm học giáo lý, lễ an táng, lễ giỗ, lễ kỷ niệm ngày cưới… tất cả đều được cử hành ỡ đâu?  (Ở trong thánh lễ)

Tóm lại: Bí tích Thánh Thể rất quan trọng vì : các bí tích khác và các hoạt động tông đồ đều gắn liền với bí tích Thánh Thể  và quy hướng về đó.

Em nào có thể nhắc lại, bí tích Thánh Thể quan trọng như thế nào?

* Đọc chung câu 3 và 4 :

3- H. Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể khi nào?

    T. Chúa Giê-su đã lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc ly, trước khi Ngài đi chịu chết.

4- H. Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể thế nào?  

     T. Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả các con cầm lấy mà ăn: Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con. ” Rồi Ngài cầm lấy chén rượu, cũng tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả các con cầm lấy mà uống: Này là chén Máu Thầy, máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

      - Đây là bức tranh gì vậy các em?  (Bức tranh Bữa Tiệc ly)

   Tại Ca-phác-na-um, sau hôm làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu đã giảng rất rõ về bánh bởi trời. Ngài hứa ban tặng bánh trường sinh là chính Thịt và Máu Ngài làm của ăn, của uống đem lại cho ta sự sống đời đời. Lời hứa đó đã được Chúa Giêsu thực hiện trong bữa Tiệc ly và tiếp tục thực hiện mãi mãi trong thánh lễ, cho tới khi Ngài lại đến.

  Chúa Giêsu thực hiện bằng cách nào?  Chúng ta có thể đọc trong các sách Tin Mừng Mt 26, 26-28; Mc 14, 22-24; Lc 22, 19-20.

   Còn trong thư 1 Cô-rin-tô, thánh Phaolô cho biết:

   Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như  Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11, 23-25).

    Tiếp đó, thánh Phaolô còn cho biết thêm: “Thật vậy, mỗi lần anh em ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết, cho tới ngày Chúa đến” (1 Cr 11, 26).

  Như vậy: Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể, làm cho bánh và rượu trở thành Thịt Máu Ngài trong bữa Tiệc ly, trước khi đi chịu chết.

   * Đọc chung câu 5:

    5- H. Chúa Giêsu ban quyền cho ai được cử hành bí tích Thánh Thể ?

         T. Chúa Giêsu đã ban quyền cho các tông đồ và những người tiếp nối các ngài trong chức linh mục, khi Ngài phán rằng: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

-Trong bữa tiệc ly, sau khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã nói câu gì để thiết lập chức vụ Linh mục để cử hành bí tích Thánh thể?  (Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy).

  - “Các con” ở đây là những ai?  (Các tông đồ).

  - Ngày nay những ai tiếp nối sứ mạng của các tông đồ?  

(Đức Giáo hoàng, các Đức Giám mục, Linh mục).

 Như vậy, Chúa Giêsu ban quyền cho các tông đồ và những người kế vị các ngài trong chức linh mục được quyền cử hành bí tích Thánh Thể  .

V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

1. Gợi tâm tình.

    Các em thân mến,

    Cao điểm của việc cứu độ chúng ta là cái chết trên Thập giá và sự sống lại từ cõi chết của Chúa Giêsu. Để cuộc tử nạn và sự sống lại của Chúa luôn hiện diện với mọi người, mọi nơi, mọi lúc, Chúa đã có sáng kiến tuyệt vời là thiết lập Bí tích Thánh Thể vào buổi chiều ngày thứ năm Tuần Thánh trong bữa tiệc ly, trước khi đi vào cuộc khổ nạn, tử nạn và Phục Sinh để cứu chúng ta. Để rồi mỗi khi tham dự cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta đón nhận được ơn cứu độ y như người đứng dưới chân Thánh Giá trên đồi Calvariô xưa. Chúng ta hãy dâng lời tạ ơn và cầu xin Chúa trước sáng kiến đầy yêu thương này.

2. Lời nguyện.

     Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Thánh Chúa để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con một niềm sùng kính, mến yêu bí tích kỳ diệu này để cảm tạ tình yêu của Chúa và để chúng con nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

VI. SINH HOẠT

VII. BÀI TẬP :        Em hãy đoán câu Kinh Thánh sau đây:

TLBHSTTX. AABN, SĐSMĐ.

Đáp án: “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).

VIII. SỐNG LỜI CHÚA

     Ý thức được tầm quan trọng của Bí tích Thánh thể, trong tuần này, các em hãy quyết tâm dự các lễ dành cho thiếu nhi và thêm một lễ ngày thường, nhất là cố gắng dọn mình để rước Chúa Giêsu Thánh Thể thật sốt sắng.

IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

      Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con cảm tạ Chúa, vì qua giờ học giáo lý hôm nay, chúng con được hiểu sâu hơn tình yêu vô cùng của Chúa đã dành cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con luôn yêu mến Bí tích Thánh Thể và siêng năng tham dự thánh lễ và rước lễ hơn. Amen.

      Đọc kinh Sáng Danh.

 

CÂU HỎI CHO HỌC SINH

 

Bài 17: CHÚA GIÊ-SU LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ.

“Bánh Ta sẽ ban tặng chính là thịt Ta đây để cho thế gian được sống”.     (x.Ga 6, 48-59)

1-H. Bí tích Thánh Thể là gì?

    T. Là dấu chỉ Chúa Giê-su dùng để tiếp tục lễ hy sinh trên thánh giá và để ban Mình Máu Ngài dưới hình bánh rượu làm của nuôi linh hồn ta.

2-H. Bí tích Thánh Thể quan trọng thế nào?

    T. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của mọi sinh hoạt Hội thánh, vì Thánh Thể chứa đựng tất cả kho tang thiêng liêng của Hội thánh, là chính bản thân Chúa Ki-tô.

3-H. Chúa Giê-su đã lập bí tích Thánh Thể khi nào?

    T. Chúa Giê-su đã lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly, trước khi Ngài đi chịu chết.

4-H. Chúa Giê-su đã lập bí tích Thánh Thể thế nào?

    T. Chúa Giê-su cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả các con cầm lấy mà ăn: Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”. Rồi Ngài cầm lấy chén rượu cũng tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: “ Tất cả các con cầm lấy mà uống: Này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra và mọi người được tha tội, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

5-H. Chúa Giê-su ban quyền cho ai được cử hành bí tích Thánh Thể?

    T. Chúa Giê-su ban quyền cho các tông đồ và những người tiếp nối các Ngài trong chức linh mục, khi Ngài phán rằng: “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.