Bài 18:                            

CHÚNG TA THAM DỰ THÁNH LỄ

         

- Lời Chúa : Cv 2, 40-42

- Ý chính    : Thánh Lễ là Bàn tiệc Thánh, Chúa Giêsu nuôi ta bằng Lời Ngài và Mình Máu Ngài mỗi ngày.

 

I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

    Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin dâng giờ học này cho Chúa. Xin giúp chúng con biết lắng nghe Lời Chúa và yêu mến Chúa hết tâm hồn chúng con. Amen.

   Đọc kinh Cúi xin Chúa sáng soi.

II. DẪN VÀO LỜI CHÚA :

   1. Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.

+Ôn bài cũ:

    - Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể để làm gì?  (Để tiếp tục lễ hy sinh trên Thánh Giá và để ban Mình Máu Ngài nuôi dưỡng linh hồn ta).

    - Bí tích Thánh Thể quan trọng như thế nào?   (BT Thánh thể là nguồn mạch và tột đỉnh của mọi sinh hoạt Hội Thánh ).

+Kiểm tra quyết tâm:

Trong tuần qua các em có cố gắng tham dự một Thánh lễ ngày thường và dọn mình rước lễ sốt sắng không?

2. Dẫn vào Lời Chúa.

       Các em có nhớ câu truyện hai môn đệ trên đường Em-mau không? Anh (chị) kể lại nha.

       Sau khi Chúa Giêsu chịu chết, các tông đồ rất thất vọng, sợ hãi. Bởi vì Thầy của họ không còn nữa. Người Thầy mà họ đã từ bỏ gia đình, quê quán… để đi theo. Người Thầy đã từng yêu thương, dạy dỗ, cùng ăn, cùng uống với họ. Người Thầy mà họ hy vọng sẽ có ngày làm vua Israel! Ngài đã bị kết án tử hình và đã chết trên thập giá. Bây giờ họ không biết đi theo ai.

   Trong tâm trạng chán nản và thất vọng như thế, hai môn đệ Chúa Giêsu quyết định trở về quê nhà. Họ đang trên đường về làng Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem khoảng 11 cây số. Họ vừa đi vừa nói chuyện về cái chết của Chúa Giêsu. Lúc đó, Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra, đến bên họ và hỏi:

   - Các anh đang trao đổi với nhau chuyện gì vậy?

   Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu nhưng không hề nhận ra đó là Thầy mình. Rồi họ kể cho Chúa Giêsu nghe về biến cố mới xảy ra mấy ngày qua, mấy bà ra thăm mộ Chúa nhưng không thấy xác Ngài đâu, và còn thấy thiên thần hiện ra với các bà và nói rằng Chúa đã sống lại!

  Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh cho hai ông nghe, nhưng họ vẫn chưa nhận ra Ngài. Khi đến gần làng Em-mau, Chúa Giêsu vờ như muốn đi xa hơn, nhưng hai ông đã mời Chúa Giêsu ở lại vì trời đã gần tối.

 Chúa Giêsu đã ở lại với họ. Đến bữa ăn, Chúa cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho họ…Chính nhờ cử chỉ này mà hai môn đệ Em-mau đã nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh (x. Lc 24, 30-31). Có thể nói đây là thánh lễ đầu tiên sau khi Chúa Phục Sinh.

  Khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã truyền cho các tông đồ lặp lại những cử chỉ và lời nói của Ngài cho đến khi Ngài lại đến: “Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (x. 1Cr 11, 23-26).

  Ngay từ đầu, Hội Thánh đã trung thành tuân giữ mệnh lệnh của Chúa. Chúng ta cùng lắng nghe sách Công vụ Tông đồ thuật lại.

III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA

          Cv 2, 42

IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

1. Dẫn giải Lời Chúa.

  - Các em có biết sách Công vụ Tông đồ do ai viết không?  (Thánh Luca).

  - Lời Chúa trong Sách Tông đồ công vụ mà chúng ta vừa nghe cho ta biết các tín hữu ban đầu đã làm những công việc gì?  (GLV khuyến khích các em trả lời: Chuyên  cần nghe các Tông đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện)

   Chúng ta vừa nghe thánh Luca mô tả vắn tắt sinh hoạt của cộng đoàn tín hữu đầu tiên: Sau khi Chúa Giêsu  về trời, họ luôn siêng năng tham dự Lễ Bẻ Bánh. Tham dự Lễ Bẻ Bánh nghĩa là tham dự Thánh lễ .

   Thánh lễ là gì?  Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu tiếp nhé!

2. Giải thích câu hỏi thưa.

   * Đọc chung câu 1:

    1- H. Bí tích Thánh Thể được thực hiện qua dấu chỉ nào?

         T. Qua dấu chỉ bánh miến và rượu nho cùng với lời thánh hiến linh mục đọc trong thánh lễ .

  - Các em đã học về Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức, vậy em nào có thể nhắc lại hai bí tích này được thực hiện qua dấu chỉ nào?

   . Bí tích Rửa tội được thực hiện qua dấu chỉ đổ nước trên đầu và đọc lời rửa tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.

   . Bí tích Thêm sức được thực hiện qua dấu chỉ: đặt tay cầu nguyện và xức dầu thánh, cùng với lời đọc: “Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”.

 - Mỗi bí tích đều có những dấu chỉ riêng. Vậy Bí tích Thánh Thể được thực hiện qua những dấu chỉ nào?  (Bánh miến, rượu nho, lời thánh hiến của linh mục)

  Như vậy, hai yếu tố chính yếu trong dấu hiệu khả giác (nghĩa là có thể thấy được nghe được, sờ được) để làm nên Bí tích Thánh Thể là:

  + Bánh và rượu: Bánh phải làm bằng bột lúa miến (lúa mì), và rượu phải là rượu nho nguyên chất. Đó là truyền thống của Hội Thánh từ ngàn xưa.

  + Lời thánh hiến: Đó là lời linh mục đọc trên bánh và rượu lúc truyền phép trong thánh lễ: “Này là Mình Ta… Này là Chén Máu Ta…”

   * Đọc chung câu 2.      (SGLC 1356, 1409)

    2- H. Thánh lễ là gì?

         T. Thánh lễ là cuộc tưởng niệm lễ Vượt qua của Chúa Kitô bằng hành vi phụng vụ của Hội Thánh, làm cho hy lễ thập giá của Ngài trở thành hiện tại để thờ phượng và cảm tạ Chúa Cha.

  Chúng ta đã học ở bài 3, Hội Thánh chỉ có một Phụng vụ duy nhất, là việc cử hành mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô. Vậy, khi Hội Thánh cử hành thánh lễ là mọi người tụ họp tưởng niệm mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô. Trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể và truyền lệnh: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. “Việc này” là việc Chúa Giêsu vừa làm, biến bánh và rượu trở nên Mình và Máu thánh Ngài. Của lễ đẹp lòng Thiên Chúa Cha nhất chính là Con Thiên Chúa  dâng mình trên Thánh Giá làm hy lễ. Trong thánh lễ, Chúa Giêsu chính là của lễ và Ngài muốn con người tiếp tục dùng của lễ ấy mà dâng lên Chúa Cha để đền tội, tạ ơn và tôn thờ Thiên Chúa. Ngày nay, trong Thánh lễ, Chúa Giêsu nhờ bàn tay linh mục, hiến dâng Chúa Cha lễ vật cứu độ là Mình Máu Ngài.

-Vậy phải chăng Thánh lễ chỉ là một kỷ niệm hay một nghi thức tái diễn cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu xưa?  (Không, Thánh lễ không phải là kỷ niệm hay tái diễn nhưng là hiện tại hóa cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu để cứu mọi người ở mọi thời).

-Điều đó có nghĩa là gì?  (Có nghĩa là mỗi khi cử hành Thánh lễ thì chính Chúa Giêsu là người thật và là Thiên Chúa thật đang chịu chết và sống lại trước mắt chúng ta để cứu chúng ta).

Tóm lại: Thánh lễ là gì?

   * Đọc chung câu 3:

    3- H. Thánh lễ có mấy phần?

         T. Thánh lễ có hai phần:

           - Một là Phụng vụ Lời Chúa:    gồm từ đầu cho đến hết lời nguyện tín hữu (lời nguyện giáo dân).

           - Hai là Phụng vụ Thánh Thể: gồm từ việc dâng lễ vật cho đến hết lễ.

      -Thánh lễ được diễn tiến thế nào?  (Khuyến khích các em kể ra và ghi trên bảng, sau đó sẽ sắp xếp lại từng phần).

Thánh lễ gồm 2 phần chính là Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. Ngoài ra còn có nghi thức đầu lễ và nghi thức kết lễ.

1. Nghi thức đầu lễ:

- Ca nhập lễ

- Dấu Thánh Giá, Lời chào khai mạc

- Nghi thức sám hối và kinh “Xin Chúa thương xót”
(hay rảy nước thánh nếu là Chúa Nhật)

- Kinh Vinh danh (trong lễ trọng, lễ kính, Chúa Nhật)

- Lời nguyện nhập lễ.

2. Phụng vụ Lời Chúa :

- Bài đọc 1

- Thánh vịnh đáp ca

- Bài đọc 2 (Chúa Nhật, lễ trọng)

- Câu tung hô Tin Mừng: Alleluia

- Bài Tin Mừng

- Diễn giảng

- Lời tuyên xưng đức tin: Kinh Tin kính (Chúa Nhật và lễ trọng)

- Lời nguyện tín hữu (Chúa Nhật và lễ trọng).

3. Phụng vụ Thánh Thể

Gồm 3 phần: Chuẩn bị của lễ, Kinh nguyện Thánh Thể và Rước lễ.

+ Chuẩn bị của lễ: - Dâng bánh rượu

                              - Kêu gọi tín hữu cầu nguyện

                              - Lời nguyện tiến lễ

+ Kinh nguyện Thánh Thể: - Kinh Tiền tụng             

                                            - Tung hô: Kinh “Thánh! Thánh! Thánh!”

                                            - Kinh nguyện Thánh Thể (I, II, III, IV)

                                            - Kết thúc

+ Nghi thức Rước lễ: - Kinh Lạy Cha      - Kinh dọn rước lễ và rước lễ

                                  - Lời nguyện hiệp lễ.

4. Nghi thức kết lễ

- Phép lành

- Giải tán

 Như vậy, Thánh lễ gồm 2 phần chính :
Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể.

- Phụng vụ Lời Chúa gồm từ đầu lễ cho đến hết lời nguyện giáo dân.

- Phụng vụ Thánh Thể gồm từ việc dâng lễ vật cho đến hết lễ.

   * Đọc chung câu 4:

    4- H. Trong phần Phụng vụ Lời Chúa, chúng ta làm gì?

         T. Chúng ta lắng nghe Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh và cùng suy niệm với Hội Thánh để đem ra thực hành.

 Sau lời nguyện nhập lễ, chúng ta bước vào phần Phụng vụ Lời Chúa. Chúng ta lắng nghe Lời Chúa dạy qua các bài đọc. Thánh lễ ngày Chúa Nhật hoặc lễ trọng có 3 bài đọc:

-        Bài đọc 1: Cựu ước (nhưng trong mùa Phục Sinh được trích từ sách Tông đồ Công vụ).

-        Bài đọc 2: Các thư của các tông đồ (Tân ước)

-        Bài Tin Mừng: Một trong 4 sách Tin Mừng.

   Ba bài đọc Cựu ước, Tân ước và bài Tin Mừng  nói lên sự liên tục của 2 Giao ước: Cựu và Tân ước. Lịch sử cứu độ được thực hiện trong Cựu ước rồi được hoàn tất nơi Đức Kitô (Tân ước).

  Với bài đọc 1 và 2, Chúa nói với ta qua các tổ phụ, ngôn sứ và các tông đồ. Còn với bài Tin Mừng, Chúa Kitô trực tiếp nói với Dân Ngài. Vì thế, trước khi công bố Tin Mừng, chủ tế cúi mình xin ơn thánh hoá. Toàn thể cộng đoàn đứng, chăm chú lắng nghe. Trước khi nghe công bố bài Tin Mừng, ta ghi dấu Thánh Giá :

          . Trên trán: xin ơn thông hiểu Lời Chúa

          . Trên miệng: xin ơn biết tuyên xưng Lời Chúa

          . Trên ngực: xin ơn yêu mến Lời Chúa

   Sau bài Tin Mừng là bài giảng của linh mục. Ta cần chăm chú lắng nghe ngài giải thích để hiểu rõ hơn Lời Chúa và để đem ra thực hành trong cuộc sống.

Tóm lại:   - Trong phần phụng vụ Lời Chúa, chúng ta làm gì?   (cần lắng nghe  Lời Chúa dạy qua các bài đọc Kinh Thánh và cùng tìm hiểu, suy niệm qua bài giảng của vị linh mục để hiểu biết Chúa hơn, yêu mến Chúa hơn và sống theo Lời Chúa dạy. )

   * Đọc chung câu 5:

    5- H. Trong phần Phụng vụ Thánh Thể, chúng ta làm gì?

         T. Chúng ta dâng lên Chúa Cha lễ tế là Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, để chúc tụng tạ ơn Ngài và để được hiệp thông vào Mình và Máu Thánh ấy mà được sống đời đời.

  Sau bài giảng hoặc sau lời nguyện tín hữu (Chúa Nhật và lễ trọng), chúng ta bước sang phần phụng vụ Thánh Thể.

-Sau khi Linh mục đọc lời truyền phép thì bánh rượu trở thành ai?  (Bánh rượu trở thành chính Chúa Giêsu Kitô, đang chết và sống lại để cứu chúng ta).

-Vậy của lễ chúng ta dâng lên Chúa Cha để chúc tụng, tạ ơn Ngài trong Thánh lễ là gì?  (Là chính Chúa Giêsu).

- Sau đó mọi người được Chúa Ktô mời gọi rước lễ. Vậy khi ta rước lễ là rước lấy ai?  (Chúng ta rước Mình Máu Chúa Kitô hay rước lấy chính Chúa Kitô để được sống đời đời).

         Như vậy, trong phần phụng vụ Thánh Thể có mấy nghi thức quan trọng?  (Có 2 nghi thức quan trọng :

 * Nghi thức truyền phép làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa.

 * Nghi thức rước lễ: mọi người được mời gọi lên đón nhận Mình và Máu Chúa Kitô.

Vì thế, trước khi lên rước lễ, các em nhớ sửa soạn tâm hồn và ước ao Chúa ngự vào lòng mình).

Tóm lại, trong phần phụng vụ Thánh Thể chúng ta làm gì?  (Dâng lên Chúa Cha lễ tế là Mình và Máu Chúa Kitô để chúc tụng, tạ ơn Ngài và đón nhận Ngài vào lòng ta để ta được sống đời đời).

   * Đọc chung câu 6:

    6- H. Ta phải tham dự thánh lễ thế nào?

         T. Ta phải hợp lòng hợp ý với cộng đoàn, với chủ tế và nhất là với Chúa Kitô mà dâng lên Chúa Cha lời ngợi khen, cảm tạ, mọi vui buồn của cuộc sống và chính bản thân ta.

   Thánh Thể là bí tích cứu độ được Đức Kitô hoàn tất trên Thánh Giá, đồng thời cũng là hy tế tạ ơn và ca ngợi công trình của Đấng Sáng Tạo. Trong hy tế Thánh Thể, Đức Kitô dâng toàn thể công trình sáng tạo được Thiên Chúa yêu thương lên trước nhan thánh Chúa Cha qua cái chết và sự Phục Sinh của mình. Nhờ Người, Hội Thánh có thể dâng hy tế tạ ơn và ca ngợi vì tất cả những điều tốt lành Thiên Chúa đã ban cho vũ trụ và cho con người.

   Vì thế, mỗi khi đi tham dự thánh lễ, ta cần ý thức rằng chính Chúa Kitô là linh mục tối cao, đang chủ toạ tất cả các cử hành thánh lễ . Bởi vậy, ta cần hợp lòng, hợp ý với toàn thể anh chị em đang có mặt, với chủ tế đang nhân danh Chúa Giêsu dâng lễ và nhất là với Chúa Giêsu  mà dâng lên Chúa Cha lời ngợi khen, cảm tạ, mọi vui buồn cuộc sống và trót bản thân ta.

        Tóm lại, bài học hôm nay cho ta biết rằngThánh lễ là bàn tiệc thánh, Chúa Giê-su nuôi ta bằng Lời Ngài và Mình Máu thánh Ngài.

V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

   1. Gợi tâm tình.

        Các em thân mến! Mỗi khi tham dự thánh lễ là chúng ta được kết hiệp với lễ hy sinh của Chúa Giêsu trên Thánh Giá mà dâng lên Chúa Cha mọi vui buồn của cuộc sống và chính bản thân ta, để chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ Ngài, và được hiệp thông vào Mình và Máu thánh Chúa Giêsu mà được sống đời đời. Trong tâm tình yêu mến và biết ơn, anh (chị) mời các em đứng lên, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

   2. Lời nguyện.

       Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho chúng con một kho tàng vô giá là Thánh lễ. Xin giúp chúng con biết sử dụng kho tàng vô giá ấy là năng tham dự Thánh Lễ, rước lễ và sống Mầu nhiệm Thánh Thể  trong đời sống hằng ngày để Thánh Lễ sinh lợi cho chúng con và qua đó sinh lợi cho Hội Thánh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.

VI. SINH HOẠT

VII. BÀI TẬP:      

Em hãy trả lời đúng hay sai các câu hỏi sau đây:

1. Bí tích Thánh Thể được thực hiện qua dấu chỉ: bánh miến, rượu nho cùng với lời thánh hiến mà linh mục đọc trong Thánh lễ .

         Đúng – Sai

2. Thánh lễ có hai phần: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. Phần Phụng vụ Lời Chúa gồm từ đầu lễ cho tới hết dâng lễ vật.

           Đúng – Sai ---(Sai).

3. Trong thánh lễ, ta phải hợp với cộng đoàn, với chủ tế và nhất là với Chúa Giêsu mà dâng lên Chúa Cha lời ngợi khen và cảm tạ.

           Đúng  - Sai

VIII. SỐNG LỜI CHÚA

        Em quyết tâm mỗi ngày làm một hy sinh nho nhỏ như vâng lời cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ, chịu khó học hành…, để khi tham dự thánh lễ, em kết hợp hi sinh nho nhỏ ấy với của lễ của Chúa Giêsu trên Thánh Giá dâng lên Chúa Cha và cùng với Ngài dâng lời ngợi khen, cảm tạ Chúa Cha.

IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

      Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã hiện diện và dạy dỗ chúng con trong giờ học hôm nay. Xin giúp chúng con yêu mến Bí tích Thánh Thể và siêng năng tham dự thánh lễ hơn, nhất là biết sống hi sinh hằng ngày để dâng lên Chúa trong Thánh lễ như chúng con đã quyết tâm. Amen.

     Đọc kinh Sáng Danh.

CÂU HỎI CHO HỌC SINH

 

Bài 18: CHÚNG TA CỬ HÀNH THÁNH LỄ

Họ chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện.(x.Cv 2,42)

1-H. Bí tích Thánh Thể đuôc thực hiện qua dấu chỉ nào?

    T. Qua dấu chỉ bánh miến và rượu nho cùng với lời thánh hiến linh mục đọc trong thánh lễ.

2-H. Thánh lễ là gì?

    T. Thánh lễ là cuộc tưởng niệm lễ vượt qua của Chúa Ki-tô bằng hành vi phụng vụ của Hội thánh, làm cho hy lễ thập giá của Ngài trở thành hiện tại để thờ phượng và cảm tạ Chúa Cha.

3-H. Thánh lễ có mấy phần?

    T. Thánh lễ có hai phần:

- Một là Phụng vụ Lời Chúa gồm từ đầu cho đến hết lời nguyện giáo dân.

- Hai là Phụng vụ Thánh Thể gồm từ việc dâng lễ vật cho đến hết lễ.

4-H. Trong phần Phụng vụ Lời Chúa, chúng ta làm gì?

    T. Chúng ta lắng nghe Lời Chúa day trong kinh thánh và cùng suy niệm với Hội thánh để đem ra thực hành.

5-H. Trong phần Phụng vụ Thánh Thể, chúng ta làm gì?

    T. Chúng ta dâng lên Chúa Cha lễ tế là Mình và Máu thánh Chúa Ki-tô, để chúc tụng tạ ơn Ngài và để hiệp thông vào Mình và Máu thánh ấy mà được sống đời đời.

6-H. Ta phải tham dự thánh lễ thế nào?

    T. Ta phải hợp lòng hợp ý với cộng đoàn, với chủ tế và nhất là với Chúa Ki-tô mà dâng lên Chúa Cha lời ngợi khen, cảm tạ, mọi vui buồn của cuộc sống và chính bản thân ta.