Bài 20:
CHÚA
GIÊSU LẬP BÍ TÍCH GIAO HOÀ
- Lời Chúa : Ga 8, 1-11
- Ý chính
: Chúa Giêsu lập bí tích Giao hoà để tha tội cho ta, đưa ta trở lại hiệp
thông với Thiên Chúa và Hội Thánh .
- Giáo cụ trực quan : Tranh số 85; số
69.
Các em thân mến! Chúng ta
không thể làm được gì nếu không có ơn Chúa giúp. Vì thế, chúng ta hãy dâng giờ
học này cho Chúa, xin Ngài hướng dẫn chúng ta qua lời kinh sau đây:
Kinh Cúi xin Chúa sáng soi.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA
1. Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.
+ Ôn bài cũ:
- Hội Thánh dâng lễ vì
những ý nào? (Vì 4 ý sau…)
- Ta làm gì để nối kết thánh lễ với cuộc sống
của ta?
+ Kiểm tra quyết tâm:
Trong tuần qua, khi tham dự Thánh lễ, các em
có dọn mình cẩn thận và rước lễ sốt sắng không?
2. Dẫn vào Lời Chúa.
Để bắt đầu bài học hôm nay,
anh (chị) kể cho các em một câu truyện:
Có người
thuộc nhóm Pha-ri-sêu tên là Si-mon mời Chúa Giêsu dùng bữa tại nhà mình. Khi mọi
người đang dùng bữa thì có một người phụ nữ bước vào, trên tay bà cầm bình dầu
thơm quý giá. Bà vốn là một người tội lỗi trong thành, mọi người đều khinh ghét
bà ta. Bà đến sát bên Chúa Giêsu, quỳ xuống dưới chân Chúa mà khóc, lấy nước mắt
mà tưới ướt chân Người. Bà lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu
thơm mà đổ lên.
Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã
mời Người liền nghĩ rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết
người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!”.
Chúa Giêsu quay lại phía
người phụ nữ và nói với ông Si-mon: “Này
ông Si-mon, tôi có điều muốn nói với ông!”. . . “Ông thấy người phụ nữ này chứ?
Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không
đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình
mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng
hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu
thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng
đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ:
“Tội của chị đã được tha rồi, chị hãy đi bình an. ”
Các em
đã biết, Chúa Giêsu đến trần gian này là để tỏ cho con người biết tình yêu thương
nhân từ, bao dung của Thiên Chúa. Ngài đã đến với những người tội lỗi, đón nhận
họ, kêu gọi họ sám hối để được Ngài tha thứ.
Đoạn Tin Mừng mà chúng ta sắp
được nghe dưới đây còn nói cho chúng ta một điều quan trọng hơn nữa: Chúa Giêsu
không chỉ đến mời gọi chúng ta sám hối ăn năn, nhưng Ngài còn là Đấng bênh đỡ
ta, dù ta là kẻ có tội vì Ngài hiểu rõ ta hơn ai hết. Lời Chúa nói với người đàn
bà ngoại tình ngày xưa, ngày hôm nay, Ngài cũng muốn nói với ta nơi toà giải tội,
qua môi miệng vị linh mục: “Ta không kết án con đâu! Thôi con cứ về đi, và từ
nay đừng phạm tội nữa!”.
Mời các em đứng lên, chúng
ta cùng lắng nghe Lời Chúa.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Ga 8, 1-11
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA
1. Dẫn giải Lời Chúa.
- Đoạn Tin Mừng chúng ta
vừa nghe nhắc đến những nhân vật nào? (Chúa Giêsu, đám đông dân chúng, người phụ nữ
tội lỗi, các kinh sư và người Pha-ri-sêu)
Lúc đó là tảng sáng, Chúa
Giêsu đang ngồi giảng dạy cho dân chúng tại Đền thờ. Bỗng các kinh sư và người
Pha-ri-sêu xuất hiện. Họ lôi một phụ nữ đến, đẩy chị ta vào giữa vòng tròn và nói:
“Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông
Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà này. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?
”
- Tại sao các kinh sư và
người Pha-ri-sêu đem người phụ nữ tội lỗi đến hỏi ý kiến Chúa Giêsu? (Họ muốn
đặt Ngài trong tình huống khó xử: nếu tha thì phạm luật Mô-sê, nếu kết án thì
trái với lòng nhân từ và sự tha thứ của Ngài).
- Chúa Giêsu đã trả lời thế
nào? (Ai
trong các ngươi sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!)
- Thái độ của đám đông ra
sao sau khi nghe câu nói của Chúa Giêsu? (Tất cả đều
bỏ đi, lần lượt từ những người lớn tuổi…)
- Chúa Giêsu đã nói gì với
người phụ nữ? (Ta không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!)
- Các em thử hình dung thái độ
của người phụ nữ lúc đó thế nào? (Để các em tự trả lời)
Quả thực, câu nói của Chúa Giêsu đã làm cho
người phụ nữ ngoại tình như được Phục Sinh, sống một đời sống mới.
Câu nói này Chúa Giêsu vẫn
lặp đi lặp lại với chúng ta trong bí tích Giao hoà là bí tích biểu lộ lòng thương
xót, tha thứ của Chúa. Bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu về bí tích này nhé.
2. Giải thích các câu hỏi thưa.
* Đọc chung câu 1: (SGLC 1446, 1486)
1- H. Bí tích giao
hoà là gì?
T. Là dấu chỉ Chúa Giêsu dùng để tha các tội
ta phạm từ khi lãnh Bí tích Rửa tội về sau, hầu đưa ta trở lại hiệp thông với
Thiên Chúa và Hội Thánh. Bí tích này còn được gọi là Bí tích Giải tội hoặc Sám
hối.
- Em nào có thể nhắc lại bí
tích Rửa tội ban cho ta ơn gì? (BT Rửa tội tha tội tổ tông và mọi tội đã phạm
trước đó).
- Con người chúng ta rất yếu
đuối, dễ sa ngã phạm tội. Vậy những tội ta phạm sau khi rửa tội thì sao? (Chúa
Giêsu đã lập Bí tích Giao hoà (Bí tích Giải tội) để tha tội cho ta, đem ta trở
lại đời sống ơn thánh).
- Khi bắt đầu cuộc đời rao
giảng, Chúa Giêsu đã kêu gọi mọi người thế nào? (Anh em
hãy sám hối vì Nước trời đã gần đến. Mt 4, 17; Mc 1, 15)
-Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ
ngôn tỏ cho thấy lòng nhân từ của Thiên Chúa kêu gọi tội nhân trở lại với Ngài:
dụ ngôn con chiên lạc, đồng bạc bị mất và một dụ ngôn rất nổi tiếng nữa, các em
hãy xem những bức tranh sau đây và nói đó là những dụ ngôn nào: (tranh số 85: người
cha nhân hậu. Giáo lý viên nói sơ qua dụ
ngôn này để giải thích về lòng bao dung, tha thứ của Chúa).
Chúa Giêsu không chỉ rao giảng
sự thống hối nhưng nhiều lần Chúa còn tha tội: “Này con, con đã được tha tội rồi”
(Mt 9, 2; Mc 2, 5; Lc 5, 20). “Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7, 48).
Chiều ngày Phục Sinh, Chúa
Giêsu đã ban quyền cho Hội Thánh khi Ngài hiện ra với các Tông đồ, thổi hơi vào
các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người
ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 22). Qua cử chỉ
và lời nói đó, Chúa Giêsu lập nên Bí tích Hoà giải.
Như vậy, Chúa Giêsu đã lập Bí
tích Hoà giải để tha thứ những tội ta phạm sau khi được rửa tội. Nhờ thế ta được
làm hoà với Thiên Chúa và với Hội Thánh, đồng thời lại được chia sẻ đời sống thân
mật, hạnh phúc với Ba Ngôi Thiên Chúa.
* Đọc chung câu 2 và
3:
2- H. Ai có quyền
tha tội?
T. Chỉ Thiên
Chúa mới có quyền tha tội. Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên Ngài có quyền tha tội và
Ngài đã ban quyền ấy cho Hội Thánh .
3- H. Những ai
trong Hội Thánh được quyền tha tội?
T. Các Giám mục và linh mục. Các
ngài đại diện Chúa Kitô và Hội Thánh, cho nên khi ta xưng tội với các ngài
chính là xưng tội với Chúa qua Hội Thánh.
Để hiểu 2 câu giáo lý
này, các em hãy nhìn lên bức tranh này (Số 69). Bức tranh này vẽ lại phép lạ nào
đây? (Chúa Giêsu chữa người bất toại). Câu chuyện đã xảy ra như sau:
Một
hôm, Chúa Giêsu đang giảng dạy trong một ngôi nhà, thì người ta khiêng đến một
người bị bại liệt nằm trên chõng. Vì đông người quá, không tới gần Chúa Giêsu được,
nên họ trèo lên mái nhà, dỡ ngói ra và thòng người bại liệt xuống trước mặt Chúa
Giêsu. Thấy vậy, Chúa Giêsu bảo: “Này anh, anh đã được tha tội rồi”. Nghe vậy, các
biệt phái mới nghĩ thầm: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ngoài một mình Thiên Chúa ra, ai có quyền tha
tội? ” Họ nghĩ rất đúng: chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Nhưng họ
không biết được rằng Chúa Giêsu chính là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Chúa Giêsu
biết rõ ý nghĩ của họ, nên Ngài bảo với họ: “Ở dưới đất này Con Người có quyền
tha tội”. Con Người ở đây là chính Chúa.
Và sau khi sống lại, Chúa
Giêsu đã trao quyền tha tội cho các Tông đồ: “Anh em hãy nhận lãnh Thánh Thần, anh
em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm
giữ” (Ga 20, 22).
Các em thân mến! Chỉ Thiên
Chúa mới có quyền tha tội, và Chúa Giêsu đã trao quyền này cho Hội Thánh qua các
Giám mục và các linh mục . Các ngài là những người thay mặt Chúa Kitô và Hội Thánh.
Vì thế, khi ta xưng tội với các ngài là ta xưng tội với chính Chúa Kitô qua Hội
Thánh .
Tóm lại:
- Chúa Giê-su ban quyền tha tội cho ai? (cho Hội Thánh ).
- Trong Hội Thánh những ai được quyền tha tội?
(Giám mục và linh mục )
- Khi ta xưng tội với linh mục là ta xưng với ai? (là xưng với Chúa qua Hội Thánh).
* Đọc chung câu 4:
4- H. Bí tích Giao
hoà được thực hiện qua dấu chỉ nào?
T. Qua hai dấu
chỉ này:
- Một là lòng ăn năn, sự thú tội
và quyết tâm làm việc đền tội của ta.
- Hai là lời linh mục
tha tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.
. Mỗi
khi đi xưng tội, trước hết em làm gì? (Xét mình, ăn năn dốc lòng chừa)
. Vào toà giải tội, ta làm
gì? (Ta
thú tội với cha giải tội. Sau đó ta lắng nghe cha khuyên nhủ và dặn việc đền tội).
. Tiếp theo, linh mục
giải tội làm gì cho ta? (Đọc lời
tha tội).
. Khi cha đọc đến câu : vậy cha tha tội cho
con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần thì ta làm gì? (Ta làm
dấu Thánh Giá và thưa Amen ).
Tóm lại, bí tích Giải tội được thực hiện qua hai dấu chỉ:
- Một là lòng ăn năn, sự thú
tội và quyết tâm làm việc đền tội của ta.
- Hai là lời linh mục tha tội
nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi:
“Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự
chết và sống lại của Con Chúa mà giao hoà thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để
tha tội; xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh
mà ban cho con ơn tha thứ và bình an. Vậy, Cha tha tội cho con, nhân
Danh Chúa Cha và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần”.
* Đọc chung câu 5:
5- H. Bí tích Giao
hoà đem lại cho ta những ơn ích nào?
T. Đem lại cho
ta những ơn này:
- Một là được
tha thứ tội lỗi và được giao hoà với Thiên Chúa và Hội Thánh.
- Hai là được tha khỏi án phạt đời
đời do các tội trọng gây nên,
- Ba là được bình an trong lòng, và được thêm sức mạnh để chiến
thắng tội lỗi.
-*Được tha thứ tội lỗi và được
giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh.
. Khi
em phạm lỗi với cha mẹ, em xin lỗi cha mẹ và được cha mẹ tha thứ em cảm thấy thế
nào? (Được
làm lành với cha mẹ, được bình an trong lòng).
Tuy nhiên hiệu quả của
bí tích Hoà giải đem lại còn hơn thế nữa: Được tha thứ tội lỗi và được giao hoà
với Thiên Chúa và Hội Thánh.
. Khi một phần nào trong thân
thể ta bị thương, thì toàn thân ta có cảm thấy đau đớn không? (Có).
Cũng tương tự như thế, tội lỗi làm cho ta xa cách Thiên Chúa, làm cho thân thể
Chúa Kitô là Hội Thánh bị tổn thương và đau khổ. Vì thế, Bí tích Giao hoà tha
thứ mọi tội lỗi nơi ta, đem ta trở lại giao hoà với Thiên Chúa và Hội Thánh .
-* Được tha thứ khỏi án phạt đời đời do các tội
trọng gây nên:
Tội
trọng không những làm cho ta xa cách Thiên Chúa, mà còn làm cho ta mất ơn làm
con Thiên Chúa, phải đau khổ và chết đời đời. Khi ta tin tưởng, phó thác vào lòng
nhân từ của Thiên Chúa trong Bí tích Giao hoà, ta được tha khỏi án phạt đời đời
do tội trọng gây nên. (SGLC 1470).
-* Được bình an trong lòng và được thêm sức mạnh
để chiến thắng tội lỗi:
. Khi em có lỗi với cha mẹ,
em cảm thấy thế nào? (Lo lắng, bối rối, xấu hổ, trốn tránh…)
. Em chỉ tìm được niềm vui
khi nào? (Khi em đến thú tội và được cha mẹ thứ tha).
Cũng thế, khi phạm tội, ta
xúc phạm đến Thiên Chúa, nên chỉ có Ngài mới tha thứ cho ta và ban cho ta sự bình
an. Vì thế, qua Bí tích Giao hoà, ta sẽ tìm lại được sự bình an trong tâm hồn và
được thêm sức mạnh để chiến thắng tội lỗi.
Tóm lại, em nào có
thể nhắc lại những ơn ích mà Bí tích Giao hoà đem lại cho ta?
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
1. Gợi tâm tình.
Lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa
được biểu lộ qua Bí tích Giao hoà: Thiên Chúa tha thứ hết mọi tội lỗi cho ta, đưa
ta trở lại giao hoà với Thiên Chúa và Hội Thánh .
Các em thân mến ! Trước mặt
Chúa chúng ta đều là tội nhân, rất cần đến lòng thương xót và tha thứ của Chúa.
Với lòng thống hối, ăn năn vì đã nhiều lần xúc phạm đến Chúa, anh (chị) mời các
em đứng lên, chúng ta cùng xin lỗi Chúa qua Thánh vịnh 50, là thánh vịnh mà vua
Đavít đã dùng để xin lỗi Chúa cả đời.
2. Lời nguyện.
Hát:
Bài ca sám hối (Tv 50)
Lạy Chúa, nguyện thương
con theo lượng từ bi, nguyện thương con theo lượng hải hà. Lạy Chúa, xin xoá
con sạch mọi tội ác, rửa hồn con hết mọi gian tà.
Vì tội con ở trước Thiên
nhan, và con đã phản nghịch cùng Chúa. Xin canh tân con người con, đừng loại
con khỏi thánh nhan. Xin ban cho con quả tim trong sạch, xin ban cho con niềm
vui cứu độ. Hãy mở môi con ca ngợi Danh Chúa, tim con reo vui trong Chúa trời.
VI. SINH HOẠT :
Trò chơi: Không ai là vô tội.
- Mục đích: Giáo dục học sinh biết rằng ai cũng có tội. Vì thế không
nên xét đoán người khác.
- Cách chơi: GLV đứng giữa phòng. Lần lượt mời từng em lên đứng bên
cạnh (7-8 em). Em nào không gây ra tiếng động như va chạm bàn ghế, giày dép… thì sẽ thắng.
VII. BÀI TẬP : Em hãy trả lời đúng hay sai các câu sau đây:
1. Chúa Giêsu đã lập Bí tích Giao hoà để tha các
tội ta phạm từ khi lãnh Bí tích Rửa tội về sau, đưa ta trở lại hiệp thông với
Thiên Chúa và Hội Thánh.
Đúng – Sai
2. Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên Ngài có quyền tha tội, và Ngài đã
ban quyền tha tội cho tất cả chúng ta.
Đúng – Sai
3. Các Giám mục và linh mục là những người đại diện Chúa Kitô và Hội
Thánh nên được Chúa Giêsu ban quyền tha tội.
Đúng - Sai
VIII. SỐNG LỜI CHÚA
Để tỏ lòng ăn năn sám
hối, mỗi tối em nhớ xin Chúa thứ tha về những lỗi lầm trong ngày và xin Ngài
ban ơn giúp em sống tốt hơn.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy Chúa Giêsu, chúng
con cám ơn Chúa về giờ học vừa qua: Chúa đã cho chúng con biết Chúa luôn yêu thương
tha thứ cho những lỗi lầm của chúng con . Xin giúp chúng con biết nhận ra chúng
con là kẻ có tội, và với ơn Chúa giúp, chúng con biết sửa đổi đời sống mỗi ngày
một nên tốt hơn. Amen.
Đọc kinh Sáng Danh.
CÂU
HỎI CHO HỌC SINH
Bài 20: CHÚA GIÊ-SU LẬP BÍ TÍCH GIAO HÒA
“Con cứ về đi, và từ
nay đừng phạm tội nữa”. (x. Ga 8, 1-11)
1-H. Bí tích hòa giải là gì?
T. Là dấu chỉ Chúa Giê-su
dùng để tha các tội ta phạm từ khi lãnh bí tích Rửa tội về sau, hầu đưa ta trở
lại hiệp thông với Thiên Chúa và Hội thánh. Bí tích này còn được gọi là bí tích
giải tội hoặc sám hối.
2-H. Ai có quyền tha tội?
T. Chỉ có Thiên Chúa mới
có quyền tha tội. Chúa Giê-su là Thiên Chúa nên Ngài có quyền tha tội và Ngài
đã quyền ấy cho Hội thánh.
3-H. Những ai trong Hội thánh có quyền tha tội?
T. Các giám mục và linh
mục. Các ngài đại diện Chúa Ki-tô và Hội thánh, cho nên khi ta xưng tội với các
ngài chình là xưng tội với Chúa qua Hội thánh.
4-H. Bí tích Giao hòa được thực hiện qua dấu chỉ nào?
T. Qua 2 dấu chỉ này:
- Một là lòng ăn năn, sự thú tội và quyết tâm làm viêc đền tội của
ta.
- Hai là lời linh mục tha tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.
5-H. Bí tích Giao hòa đem lại cho ta những ơn ích gì?
T. Đem lại cho ta những
ơn này:
- Một là được tha thứ tội lỗi và được hòa với Thiên Chúa và Hội
thánh.
- Hai là được tha án phạt đời đời do các tội trọng gây nên.
- Ba là được bình an trong lòng và được thêm sức mạnh để chiến
thắng tội lỗi.