Bài 21:                           

XÉT MÌNH VÀ ĂN NĂN TỘI

         

- Lời Chúa : Lời Chúa 15, 17-24

- Ý chính    : Khi đi xưng tội, ta cần xét mình và ăn năn dốc lòng chừa.

- Giáo cụ trực quan : Tranh “Người Cha nhân hậu 2” (Số 108).

 

I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những tội nhân luôn cần sự tha thứ của Chúa, xin Chúa ban Chúa Thánh Thần để Người soi sáng cho chúng con hiểu được cách thế đón nhận sự tha thứ của Chúa cách tốt nhất qua bài học hôm nay.

Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần.

II. DẪN VÀO LỜI CHÚA

1. Ôn bài cũ và kiểm tra quyết tâm.

+ Ôn bài cũ:

     - Bí tích Giao hoà là gì?

     - Bí tích Giao hoà đem lại cho ta những ơn ích nào?

+ Kiểm tra quyết tâm:

   Trong tuần qua khi xét mình mỗi tối trước khi đi ngủ, các em có xin Chúa tha thứ những lỗi lầm mình trót phạm trong ngày và quyết tâm sống tốt hơn không?

2. Dẫn vào Lời Chúa.

       Đa-vít là một cậu bé khoảng 12-13 tuổi. Vì là con một trong nhà nên Đa-vít được ba mẹ yêu thương, chiều chuộng lắm. Chính vì thế mà Đa-vít đâm ra hư  đốn, hay chơi bời lêu lổng với tụi bạn xấu tính.

      Một hôm Đa-vít lấy trộm của ba mẹ một số tiền lớn rồi bỏ nhà ra đi tới một nơi xa xôi và ăn chơi tiêu xài phung phí ở đó. Mấy tháng sau, Đa-vít không còn đồng xu nào trong túi, cậu phải sống đói khát, cực khổ… Lúc này cậu mới ăn năn hối hận vì lỗi lầm của mình, cậu quyết định viết thư cho mẹ:

    “Mẹ kính yêu! Trong vài ngày nữa, con sẽ đi xe lửa ngang qua nhà mình. Vậy mẹ xin ba cho con, nếu ba bằng lòng cho con trở về nhà, thì xin ba cột một miếng vải trắng lên cây táo ở đàng trước nhà mình mẹ nhé!”

     Mấy ngày sau, Đa-vít lên xe lửa để về, lúc gần tới nhà cậu rất hồi hộp, lo sợ. Trong tâm trí cậu cứ tưởng tượng ra lúc thì trên cây táo treo đầy vải trắng, lúc lại không có miếng nào cả. Xe lửa càng đến gần nhà cậu càng lo sợ, tim cậu càng đập nhanh hơn nữa. Qua khúc quẹo kia là tới nhà cậu rồi, nhưng cậu không dám nhìn mà phải nhờ ông già ngồi bên cạnh:

- Ông ơi, lát nữa tới khúc quẹo bên tay phải ông sẽ thấy một cây táo, ông nhìn lên cây táo ấy xem có cột miếng vải trắng nào không nhé.

   Lúc xe lửa chạy qua rồi, Đa-vít mới cất tiếng run run hỏi ông già:

- Ôâng ơi có miếng vải nào không ạ?

   Ông già rất ngạc nhiên và trả lời:

- Ô hay! Ở cành nào cũng treo đầy vải trắng, treo hết cả cây luôn, nhiều lắm.

 . Theo các em, ba của Đa-vít cóùõ tha cho cậu không?  (Có).

   Đúng rồi, cậu chỉ xin cột một miếng vải thôi, nhưng ba cậu lại cột rất nhiều. Điều này chứng tỏ ba cậu tha và đang mong chờ cậu trở về phải không các em?

   Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ngài luôn yêu thương mong chờ chúng ta trở về với Chúa để lãnh nhận ơn tha thứ những khi chúng ta phạm tội. Phần chúng ta, để được Chúa tha thứ, chúng ta phải làm gì?  Lời Chúa hôm nay sẽ giúp chúng ta hiểu điều ấy.

   Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA

 Lc 15, 17-21

IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

1. Dẫn giải Lời Chúa.

     - Các em hãy nhìn bức tranh này (Số 108) và hãy cho biết nó nói tới dụ ngôn nào?  (Dụ ngôn người con hoang đàng trở về nhà).

    - Hay còn gọi là dụ ngôn gì?  (Người cha nhân hậu).

    - Khi nhận ra tội lỗi mình đã phạm, người con thứ quyết định làm gì?  (trở về với cha mình).

    -Thái độ của người cha thế nào?  (vui mừng đón con và sai người mở tiệc ăn mừng).

    - Người con đại diện cho ai?  (cho chúng ta là những người tội lỗi).

    - Người cha đại diện cho ai?  (Chúa Cha ).

     Các em thân mến! Dụ ngôn chúng ta vừa nghe được gọi là dụ ngôn “ Người cha nhân hậu”. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nói cho chúng ta biết người cha ấy chính là Chúa Cha, còn chúng ta là hình ảnh của người con thứ. Mỗi khi phạm tội là chúng ta đã tự rời bỏ Thiên Chúa là cha, đã phản bội lại tình yêu của Ngài. Nhưng Chúa Cha vẫn một lòng yêu thương, chờ đợi ta quay trở về để tha thứ cho ta. Vì thế chúng ta hãy tin tưởng, phó thác cho lòng nhân hậu của Chúa mà xưng thú những lỗi lầm chúng ta trót phạm. Nhưng muốn lãnh nhận bí tích Giao hoà ta cần phải làm những gì?  Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

2. Giải thích câu hỏi thưa.

   * Đọc chung câu 1:

    1- H. Khi đi xưng tội ta cần làm những việc gì?  (SGLC 1450, 1460, 1491)

         T. Ta cần làm 5 việc này:

      - Một là xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng

      - Hai là xét mình

      - Ba là ăn năn dốc lòng chừa tội

      - Bốn là xưng tội

      - Năm là đền tội.

   Để xứng đáng lãnh nhận ơn tha thứ, khi xưng tội ta cần làm những việc sau:

- Xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng:

   Trước hết ta dâng mình cho Chúa Thánh Thần, xin Ngài soi sáng để ta nhận biết những lỗi lầm của mình, mà thật lòng ăn năn quay về với Thiên Chúa là Cha.

- Xét mình:    Ta thành tâm nhìn lại những lỗi lầm của mình.

- Ăn năn dốc lòng chừa:

   Ta hối hận vì đã xúc phạm đến Chúa và quyết tâm chừa tội (SGLC 1451)

- Xưng tội:    Xưng thú các tội ta đã phạm đến Chúa với linh mục giải tội.

- Đền tội:    Làm những việc do cha giải tội chỉ định để tỏ lòng ăn năn.

Tóm lại, khi đi xưng tội ta cần làm những việc gì?  (ta cần làm 5 việc ...)

 

   * Đọc chung câu 2 và 3:

    2- H. Xét mình là gì?

         T. Là nhìn lại những điều đã làm, đã nói, đã nghĩ, xem ta sống theo Lời Chúa dạy như thế nào.

    3- H. Phải xét mình thế nào?

         T. Phải xét mình hằng ngày và xét mình thật chu đáo để biết rõ và diệt trừ những gốc rễ tội lỗi trong ta.

- Khi đi học ở trường, hôm nào bài làm được ít điểm các em có buồn không?  ().

   Nếu là học sinh biết cố gắng, em hãy về nhà xem lại bài làm của mình đã sai ở chỗ nào, chỗ nào còn thiếu sót để sửa lại ngay. Mỗi lần như thế, các em sẽ nhớ bài hơn và lần sau gặp những loại bài tập như thế em sẽ làm tốt hơn.

   Các em thân mến! Từ việc xem xét lại bài kiểm tra ở lớp, chúng ta hướng tới việc xem xét lại bản thân mình nhé.

-Khi xét lại cách sống của mình đúng hay sai ta phải dựa vào tiêu chuẩn nào đó để xét. Vậy theo câu giáo lý số 2 các em vừa đọc, chúng ta phải dựa vào tiêu chuẩn nào?  (Lời Chúa).

-Ta có thể xét mình lúc nào là tốt nhất?  (Ngay sau khi phạm tội, hoặc xét mình buổi tối trước khi đi ngủ và trước khi chịu Bí tích Giao hòa).

-Khi xét mình dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta có cần đi tìm nguyên nhân tại sao mình đã phạm tội không?  (Rất cần, vì khi biết rõ nguyên nhân phạm tội, với ơn Chúa giúp, dần dần mội ngày một  ít, chúng ta sẽ dễ từ bỏ được những thói quen tội lỗi và sống đẹp lòng Chúa hơn).

 Tóm lại: - Thế nào là xét mình?  (là nhìn lại những điều đã làm, đã nói, đã nghĩ xem đã sống theo Lời Chúa dạy chưa)

- Muốn xét mình cho chu đáo, em phải xét mình làm sao?  (phải xét mình hằng ngày để biết rõ và diệt trừ gốc rễ của tội lỗi).

   * Đọc chung câu 4:

    4- H. Ta dựa vào đâu để xét mình?

         T. Ta có thể dựa vào lương tâm mà xét theo lòng yêu mến đối với Thiên Chúa, đối với người khác, và đối với chính mình, hoặc xét theo kinh cải tội bảy mối có bảy đức, kinh Mười điều răn và kinh Sáu điều răn.

  Con người tội lỗi của chúng ta không thể đặt ra tiêu chuẩn cho đời sống của mình. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng thánh thiện vô cùng đã dạy con người muốn trở nên hoàn thiện hãy giữ luật Chúa truyền. Vậy luật Chúa truyền được ghi ở đâu?

- Mười giới răn:

  Ngày xưa Thiên Chúa đã ban Mười giới răn cho dân Do Thái tại núi Si-nai. Mười giới răn này đã gìn giữ và bảo vệ Dân trong suốt bao năm trường. Đến khi Chúa Giêsu đi rao giảng, Ngài vẫn tôn trọng Mười giới răn, nhưng Chúa kiện toàn Luật và chỉ cho dân biết phải giữ luật với lòng yêu mến: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi, đó là điều răn trọng nhất. Còn điều răn thứ hai: Ngươi phải yêu mến người khác như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy”.

- Kinh Sáu điều răn Hội Thánh, kinh Cải tội bảy mối:

  Sáu điều răn Hội Thánh và kinh Cải tội bảy mối đều giúp chúng ta giữ 10 giới răn Chúa cho trọn vẹn.

- Tiếng lương tâm:

  Con người chúng ta được Thiên Chúa dựng nên cao quý hơn loài vật là : có xác và linh hồn, chúng ta có ý chí, lý trí và tự do.

  Nhờ lý trí (suy xét), con người nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa trong tâm hồn thúc đẩy làm lành lánh dữ. Tiếng Chúa nói trong tâm hồn mình là tiếng lương tâm (SGLC 1704-1706)

 Tóm lại: - Ta có thể dựa vào đâu để xét mình?  (10 giới răn Chúa, 6 điều răn Hội Thánh, kinh Cải tội bảy mối).

- Ngoài ra, ta còn dựa vào đâu để xét mình nữa?  (tiếng lương tâm).

   * Đọc chung câu 5:

    5- H. Khi đi xưng tội, ta xét mình thế nào?

         T. Ta ôn lại những nơi đã lui tới, những việc đã làm và những người đã gặp, từ khi xưng tội lần trước tới nay và nhớ xem đã phạm những tội gì, mỗi tội mấy lần và những trường hợp làm cho tội thêm nặng hơn.

Dựa vào câu giáo lý trên, các em hãy trả lời những câu hỏi sau đây:

- Khi xét mình, ta cần ôn lại những gì?  (ôn lại những nơi đã lui tới, những việc đã làm và những người đã gặp…).

- Sau đó ta cần nhớ lại điều gì nữa?  (nhớ xem đã phạm những tội gì, phạm mấy lần).

 

   * Đọc chung câu 6:

    6- H. Ăn năn dốc lòng chừa tội là gi?

         T. Ăn năn dốc lòng chừa tội là thật lòng thống hối vì đã phạm tội mất lòng Chúa và quyết tâm chừa cải.

Như thế khi ăn năn tội, ta phải làm mấy việc?  (2 việc: ăn năn tội và dốc lòng chừa tội)

 - Ăn năn tội: Tức là thật lòng đau đớn vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa

 - Việc ăn năn tội phải đi liền với việc dốc lòng chừa: Quyết tâm chừa cải (không phạm tội nữa).

    Ăn năn dốc lòng chừa cải là điều kiện cần thiết để được tha tội.

V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

   1. Gợi tâm tình.

       Tất cả chúng ta là những người có tội, nhưng chúng ta hãy tin tưởng vào lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Ngài luôn mong chờ những đứa con hoang đàng như chúng ta quay trở về để Ngài tha thứ cho. Trước tình yêu bao la của Chúa, chúng ta hãy thành tâm ăn năn tội của mình và xin Ngài ban ơn tha thứ cho chúng ta.

   2. Lời nguyện.

       Lạy Cha rất nhân từ, chúng con xin cảm tạ tình thương tha thứ  Cha đã dành cho chúng con. Chúng con xin dâng lên Cha linh hồn và thân xác chúng con, cả những lỗi lầm, yếu đuối của chúng con nữa. Xin Cha lấy lòng nhân hậu mà xót thương chúng con, xin thanh tẩy lòng trí chúng con nên trong sạch, để chúng con xứng đáng hưởng niềm vui được Cha thứ tha. Chúng con nguyện xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

       - Hát bài:   Chúa nhân từ

VI. SINH HOẠT

VII. BÀI TẬP:         Em hãy khoanh tròn vào câu trả lời đúng nhất.

1. Những việc ta cần làm khi đi xưng tội là:

a. Xin ơn Chúa Thánh Thần, tham dự thánh lễ, dốc lòng chừa.

b. Xin ơn Chúa Thánh Thần, xưng tội, đền tội, rước lễ.

c. Xin ơn Chúa Thánh Thần, xét mình, ăn năn dốc lòng chừa tội, xưng tội, đền tội.

d. Câu a và b đúng.

2. Để xét mình, ta nên dựa vào:

a. Lương tâm.

b. Kinh 10 điều răn.

c. Kinh cải tội bảy mối và kinh sáu điều răn.

d. Cả 3 câu đều đúng.

VIII. SỐNG LỜI CHÚA

         Mỗi tối, khi xét mình, các em quyết tâm xét kỹ xem mình đã phạm tội gì, ở đâu, khi nào và tại sao mình đã phạm tội đó.

IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

      Lạy Chúa, lại một ngày nữa sắp trôi qua trong cuộc đời chúng con. Chúng con cám ơn Chúa đã luôn gìn giữ  những lúc chúng con vui chơi, khi chúng con học hành…. Xin Chúa giúp chúng con mỗi tối biết nhìn lại bản thân mình, để với ơn Chúa giúp ngày mai chúng con sẽ sống tốt hơn. Amen.

      Đọc kinh Sáng Danh.

 

CÂU HỎI CHO HỌC SINH

 

Bài 21: XÉT MÌNH VÀ ĂN NĂN SÁM HỐI

“Thưa Cha, con thật đắc tội với Trời và với Cha, chẳng còn đáng gọi là con Cha nữa”.   (x.Lc 15, 17-21).

1-H. Khi đi xưng tội ta cần làm những việc gì?

    T. Ta cần làm 5 việc này:

- Một là xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng,

- Hai là xét mình,

- Ba là ăn năn dốc lòng chừa tội,

- Bốn là xưng tội,

- Năm là đền tội.

2-H. Xét mình là gì?

    T. Là nhìn lại những điều đã làm, đã nói, đã nghĩ, xem đã sống theo Lời Chúa dạy như thế nào.

3-H. Phải xét mình thế nào?

    T. Phải xét mình hằng ngày và xét mình thật chu đáo để biết rõ và diệt trừ những gốc rễ tội lỗi trong ta.

4-H. Ta dựa vào đâu để xét mình?

    T. Ta có thể dựa vào lương tâm mà xét theo lòng yêu mến đối với Thiên Chúa, đối với người khác và đối với chình mình, hoặc xét theo kinh cải tội cải mối có bảy đức, kinh mười điều răn và kinh sáu điều răn.

5-H. Khi đi xưng tội ta xét mình như thế nào?

    T. Ta ôn lại những nơi đã lui tới, những việc đã làm và những người đã gặp, từ khi lần trước tới nay và nhớ xem đã phạm tội gì, mỗi tội mấy lần và những trường hợp nào cho tội thêm năng hơn.

6-H. Ăn năn dốc lòng chừa tội là gì?

    T. Ăn năn dốc lòng chừa tội là thật lòng thống hối vì đã phạm tội mất lòng Chúa và quyết tâm chứa cải.