Bài 27:
GIA ĐÌNH LÀ HỘI THÁNH NHỎ
- Lời Chúa : Ep 5, 21-27. 6, 1-4
- Ý chính : Gia đình là Hội Thánh nhỏ
giúp người tín hữu nên thánh.
- Giáo cụ trực quan : Tranh : Xưởng mộc
Na-da-ret (Số 107).
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay chúng
con lại được tụ họp nhau đây để nghe Chúa dạy dỗ. Xin giúp chúng con biết lắng
nghe Lời Chúa và đem ra thực hành trong cuộc sống chúng con. Amen.
Đọc kinh Cúi xin Chúa sáng
soi.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA
1. Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.
+Ôn bài cũ:
- Hôn nhân Công Giáo có
mục đích gì?
- Những đặc tính của hôn
nhân Công Giáo là gì?
- Bí tích Hôn phối ban cho
hai vợ chồng ơn gì để họ sống trung thành và giúp nhau nên thánh? (Ơn
giúp họ biết yêu thương nhau như Chúa
Kitô yêu thương Hội Thánh. )
+Kiểm tra quyết tâm:
Trong tuần qua, các em có cố gắng chu toàn bổn phận của con cái đối
với cha mẹ qua những công việc nho nhỏ hằng ngày như chịu khó học hành chăm
chỉ, quét nhà, rửa bát, nấu cơm … không?
2. Dẫn vào Lời Chúa
- Bức tranh này gọi là
bức tranh gì vậy các em? (Xưởng mộc của Gia đình Thánh gia).
- Tại sao lại gọi gia
đình của Chúa Giêsu – Mẹ Maria và thánh Giuse là gia đình Thánh?
Bời
vì trong gia đình Chúa Giêsu, mọi người rất yêu thương nhau, giúp đỡ, hiệp
nhất, hy sinh cho nhau, cùng nhau tiến tới trên con đường nên thánh:
- Chúa Giêsu,
Con Thiên Chúa làm người đã sống gần hết cuộc đời (30 năm) tại gia đình Na-da-rét
như những gia đình lao động khác. Nhưng Ngài đã sống một cuộc sống gương mẫu
trong việc tuân phục ý Chúa Cha và hiếu thảo với Mẹ Maria và thánh Giuse : “Còn
Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm nhân đức đối với Thiên Chúa và người
ta”(Lc 2, 52)
- Thánh Giuse và Mẹ Maria luôn
yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, cùng giúp đỡ nhau thi hành sứ mạng Thiên Chúa
trao phó là nuôi dưỡng Chúa Giêsu. Đời sống của gia đình thánh gia là gương mẫu
cho mọi gia đình khác: mọi người luôn sống quảng đại, hiền lành, khiêm nhường, phục
vụ và cầu nguyện .
Các em thân mến! Thiên
Chúa mời gọi chúng ta nên thánh, mỗi người cộng tác vào chương trình cứu độ của
Thiên Chúa, rao giảng Tin Mừng ngay trong cuộc sống gia đình của mình. Và Chúa
đã dạy cho từng người trong gia đình: vợ, chồng, cha mẹ, con cái cách sống để
nên thánh. Mời các em đứng chúng ta cùng lắng nghe Chúa dạy nhé!
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Ep 5, 21-27. 6, 1-4
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA
1. Dẫn giải Lời Chúa.
- Đoạn Kinh Thánh chúng ta
vừa nghe trích trong thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Ê-phê-xô. Trong đoạn này,
thánh Phaolô muốn nói điều gì? (Ngài nói về gia đình Kitô hữu).
- Trong gia đình gồm những
ai? (Cha
mẹ, con cái)
- Thánh Phaolô khuyên vợ
chồng ra sao? (hãy yêu thương nâng đỡ nhau)
- Ngài khuyên con cái đối
với cha mẹ thế nào? (Hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa).
- Còn cha mẹ đối với con
cái? (Hãy
giáo dục con cái thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy)
Như thế, thánh Phaolô đã
vạch ra cho các gia đình Kitô hữu thấy con đường phải đi để xây dựng một gia
đình thánh, gia đình hạnh phúc, trong đó mọi người yêu thương nhau, hiệp nhất
với nhau, phản ánh tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh và cũng phản ánh
khuôn mặt của Hội Thánh đối với Đức Kitô.
Chính Đức Kitô đã lập Bí tích
Hôn phối để kiến tạo các gia đình Kitô hữu và để giúp mỗi gia đình Kitô hữu thực
sự là một Hội Thánh nhỏ của Ngài hay còn gọi là Hội Thánh tại gia. Chúng ta sẽ
cùng nhau tìm hiểu về Hội Thánh tại gia ở phần bài học dưới đây.
2. Giải thích câu hỏi thưa.
* Đọc chung câu 1:
1- H. Tại sao gia đình Công Giáo được gọi
là “Hội Thánh tại gia” ?
T. Vì cũng như Hội Thánh, gia đình là cộng
đoàn ân sủng và cầu nguyện, là trường dạy các đức tính nhân bản và siêu nhiên
và là cộng đoàn truyền giáo.
Để hiểu tại sao gia đình Công Giáo được gọi là Hội Thánh tại gia,
chúng ta so sánh Hội Thánh và gia đình .
-Em nào có thể cho biết Hội Thánh
được gọi là cộng đoàn gì? (Khuyến khích
các em trả lời)
*Cộng đoàn đức tin: Gồm những người tin vào Chúa Giêsu Kitô.
*Cộng đoàn ngôn sứ : mọi người có sứ mạng loan báo Tin Mừng.
*Cộng đoàn tư tế : cử hành các bí tích, đặc
biệt Bí tích Thánh Thể, cầu nguyện.
*Cộng đoàn vương đế : sống phục vụ.
-Gia đình Công Giáo cũng là một cộng đoàn được mời gọi tham dự vào sứ
mạng của Hội Thánh:
*Gia đình Công Giáo là một cộng đoàn đức tin
và ngôn sứ(Loan báo Tin Mừng) : Cả gia đình đều tin vào Chúa Kitô. Cha mẹ
truyền dậy đức tin (loan báo Tin Mừng) cho con cái bắng lời nói và gương lành.
Gia đình là là trường học đầu tiên về dời sống Kitô giáo và là trường học phát
triển các đức tính làm người.
*Gia đình Công Giáo là một cộng đoàn tư tế (ân
sủng và cầu nguyện) : Gia đình là nơi cha
mẹ, con cái sống chức tư tế cộng đồng, là nơi phụng thờ Thiên Chúa qua kinh
nguyện và hy lễ đời sống: những hy sinh, chịu đựng nhau, tha thứ cho nhau….
*Gia đình Công Giáo là một cộng đoàn vương đế (phục
vụ) : Tinh thần và thái độ phục vụ của gia đình được thực hiện giữa vợ chồng, cha
mẹ, con cái – bà con lối xóm – cả người không cùng niềm tin.
Như thế, gia đình Công Giáo quả là một Hội
Thánh thu nhỏ hay Hội Thánh tại gia.
* Đọc chung câu 2:
2- H. Là một Hội Thánh nhỏ, gia
đình Kitô hữu có sứ mạng gì?
T. Có sứ mạng sống đúng bản chất của mình
là một cộng đoàn yêu thương, hợp nhất và thánh thiện để làm dấu chỉ loan báo Nước
Thiên Chúa giữa trần gian.
-Gia đình được gọi là gì? (Hội Thánh tại gia hay Hội Thánh thu nhỏ).
-Vì là Hội Thánh thu nhỏ nên sứ mạng của gia đình cũng giống như sứ
mạng của Hội Thánh. Dựa vào giải thích ở câu 1 về Hội Thánh, em nào có thể cho biết
bản chất của Hội Thánh và gia đình là gì không?
(Bản chất của Hội Thánh và gia
đình Công Giáo là một cộng đoàn yêu thương, hiệp nhất, thánh thiện).
-Vậy sứ mạng của gia đình là gì?
Gia đình là Hội Thánh nhỏ của Chúa. Do đó, sứ mạng của mỗi gia đình là
thể hiện đúng bản chất của mình là một cộng đoàn yêu thương, hiệp nhất và thánh
thiện để làm dấu chỉ loan báo cho mọi người về Nước Thiên Chúa. (SGLC 2205).
Ngày nay,
ở phương Tây có những gia đình tình nguyện đi truyền giáo. Họ bỏ quê hương, xứ
sở để đi tới những nơi hẻo lánh tại Phi
Tóm lại: - Là một Hội Thánh thu
nhỏ, gia đình Công Giáo phải sống như thế nào?
(yêu thương, hiệp nhất và thánh thiện)
-Gia đình Kitô
hữu có sứ mạng sống đúng bản chất của mình để làm gì? (làm dấu chỉ loan báo Nước Thiên Chúa ở trần
gian).
(GLV nói lướt qua câu 3 và 4)
* Đọc chung câu 3 + 4 :
3- H. Ngày nay có những thái độ nào đang đe doạ
hạnh phúc của các gia đình?
T. Có 3 thái độ này:
- Một là thái độ sống ích kỷ,
thiếu quan tâm đến người khác.
- Hai là sự tôn thờ tiền bạc,
- Ba là sự buông thả theo các đòi hỏi
của bản năng.
4- H. Người Kitô hữu phải làm thế nào để
thắng vượt những cám dỗ ấy?
T. Cần năng chiêm ngắm gia đình Na-da-rét
để học sống quảng đại, hiền lành, khiêm nhường, phục vụ và cầu nguyện.
* Đọc chung câu 5:
5- H. Ta cần làm gì để góp phần xây dựng
bầu khí gia đình?
T. Ta cần biết ăn nói dịu dàng, vui
vẻ, tha thứ cho nhau, tôn trọng nhau và tận tâm phục vụ lẫn nhau.
Gia đình nào cũng có những
lúc bình an, hạnh phúc. Nhưng cũng không thiếu những lúc khó khăn, đau khổ,
những bất hoà làm cho gia đình mất sự bình an. Do đó, mỗi người trong gia đình
cần biết khiêm tốn nhận ra những khuyết điểm của mình để sửa đổi, phải biết
sống hoà thuận, yêu thương, thông cảm cho nhau, tạo niềm vui và biết tha thứ,
tôn trọng, phục vụ lẫn nhau.
- Là con cái, các em sẽ làm
gì để góp phần xây dựng bầu khí gia đình?
(Cầu nguyện cho gia đình, vâng
lời, giúp đỡ cha mẹ, thương yêu anh chị em, chu toàn bổn phận học hành của mình).
Tóm lại: Để góp phần xây dựng bầu khí gia đình, ta cần làm gì?
(khuyến khích các em trả lời)
* Đọc chung câu 6:
6- H. Gia đình Kitô hữu tham gia việc
truyền giáo thế nào?
T. Mỗi gia đình cần sống công bình,
bác ái với mọi người, tích cực tham gia các sinh hoạt giáo xứ và có hướng cho
gia đình làm việc truyền giáo.
-Trước khi về trời, Chúa Giêsu giao cho Hội Thánh sứ mạng gì? (Rao
giảng Tin Mừng cho mọi người, còn gọi là truyền giáo).
-Gia đình là Hội Thánh thu nhỏ nên sứ mạng chính yếu của gia đình
là truyền giáo. Vậy gia đình phải truyền giáo thế nào? (Khuyến
khích các em trả lời).
-Câu giáo lý chúng ta vừa đọc dậy ta truyền giáo thế nào?
*Cần sống công bình, bác ái với mọi người : sống thật thà, không tham
lam, biết quan tâm giúp đỡ hàng xóm mỗi khi khó khăn.
* Tích cực
xây dựng, tham gia các sinh hoạt của giáo xứ (chăm học giáo lý, tham gia
các hội đoàn…). Ta coi giáo xứ
như gia đình của mình.
* Siêng năng cầu nguyện và đóng góp cho công cuộc truyền giáo của
giáo xứ, giáo phận.
Tóm lại: - Để tham gia vào việc truyền giáo, mỗi gia đình cần sống thế
nào với mọi người? (công bình và bác
ái).
- Và đối với
các sinh hoạt của giáo xứ? (Tích cực
tham gia).
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
1. Gợi tâm tình.
Các em thân mến! Là
một Hội Thánh thu nhỏ, gia đình có sứ mạng sống đúng bản chất của mình là một
cộng đoàn yêu thương, hiệp nhất và thánh thiện để loan báo Nước Thiên Chúa giữa
trần gian này. Chính vì sứ mạng cao cả như thế nên chúng ta cần đến ơn Chúa
nhiều lắm, vậy giờ đây chúng ta cùng cầu xin Chúa gìn giữ các gia đình Kitô hữu
qua lời Kinh Gia đình nhé.
2. Cầu nguyện:
Lạy Thánh
gia Na-da-rét, là gương mẫu của đời sống thánh thiện, công bình và yêu thương. Xin
cho gia đình chúng con trở nên nơi đào tạo các nhân đức, trong hiền hoà, phục vụ
và cầu nguyện. Xin cho chúng con xây dựng gia đình, thành mối an ủi cho cuộc đời
đầy thử thách. Xin cho chúng con biết làm cho mọi người trong gia đình, đều được
thăng tiến để được góp phần vào việc phát triển xã hội, và cộng tác trong việc
xây dựng Giáo hội.
Xin Ba Đấng luôn hiện diện
trong gia đình chúng con, khi vui vũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ
ngơi, khi lo âu cũng như lúc hy vọng, khi sinh con cũng như lúc có kẻ qua đời. Để
khi trải qua mọi thăng trầm của cuộc sống, chúng con luôn chúc tụng Chúa, cho đến
ngày được xum họp với Ba Đấng trong Nước Trời. Amen.
VI. SINH HOẠT
VII. BÀI TẬP
Em
hãy tìm ở cột B một câu thích hợp với một câu ở cột A
Cột A |
Cột B |
1. Là một Hội Thánh thu nhỏ, sứ mạng của gia đình Kitô hữu
là: |
a. Sống công bình, bác ái với mọi người, tích cực tham gia các
sinh hoạt giáo xứ và đề ra hướng truyền giáo. |
2. Để góp phần xây dựng bầu khí gia đình, ta cần: |
b. Sống yêu thương, hiệp nhất và thánh thiện. |
3. Để tham gia vào việc truyền giáo, gia đình Kitô hữu cần:
|
c. Ăn nói dịu dàng, vui vẻ, tha thứ cho nhau, tôn trọng và tận
tâm phục vụ lẫn nhau. |
VIII. SỐNG LỜI CHÚA
Theo gương Chúa
Giêsu tại Na-da-rét, tuần này em quyết tâm góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình
bằng cách luôn vâng lời ba mẹ, yêu thương anh chị em và vui vẻ giúp đỡ mọi
người.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy Chúa Giêsu, chúng con
cảm tạ Chúa đã cho chúng con biết sứ mạng cao cả của mỗi gia đình Kitô hữu chúng
con . Xin giúp chúng con biết theo gương Chúa, làm cho gia đình chúng con được
hạnh phúc, đểø làm chứng cho Chúa trong cuộc sống thường ngày. Amen.
Đọc kinh Sáng Danh.
CÂU
HỎI CHO HỌC SINH
Bài 27: GIA ĐÌNH LÀ HỘI THÁNH NHỎ
Chính vì thế, người đàn
ông sẽ rời bỏ cha, mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương thịt.
Mầu nhiệm này thật cao cả. Tôi muốn nói về Chúa Ki-tô và Hội thánh. (x.Ep 5, 31-32)
1-H. Tại sao gia đình công giáo được gọi là Hội
thánh tại gia?
T. Vì
cũng như Hội thánh, gia đình là cộng đoàn ân sủng và cầu nguyện, là trường dạy các
đức tính nhân bản và siêu nhiên, và là cộng đoàn truyền giáo.
2-H. Là một Hội thánh nhỏ, gia đình Ki-tô hữu có
sứ mạng gì?
T. Co
sứ mạng sống đúng bản chất của mình là một cộng đoàn yêu thương, hợp nhất và thánh
thiện để làm dấu chỉ laon báo Nước Thiên Chúa giữa trần gian.
3-H. Ngày nay có những thái độ nào đang đe dọa hạnh
phúc của các gia đình?
T. Có
ba thái độ này:
- Một là thái độ sống ích kỷ, thiếu quan tâm tới
người khác.
- Hai là sự tôn thờ tiền bạc.
- Ba là sự buông tha theo các đòi hỏi của bản
năng.
4-H. Người Ki-tô phải làm thế nào để thắng vượt
những cám dỗ ấy?
T. Cần
năng chiêm ngắm gia đình Na-da-rét để học sống quảng đại, hiền lành, khiêm nhường,
phục vụ và cầu nguyện.
5-H. Ta cần làm gì để góp phần xây dựng bầu khí
gia đình?
T. Ta
biết ăn nói dịu dàng, vui vẻ, tha thứ cho nhau, tôn trọng nhau và tận tâm phục vụ
lẫn nhau.
6-H. Gia đình Ki-tô hữu tham gia việc truyền giáo
như thế nào?
T. Mỗi
gia đình cần sống công bình, bác ái với mọi người, tích cực tham gia các sinh
hoạt giáo xứ và có hướng cho gia đình làm việc truyền giáo.