Bài 29:
HỘI THÁNH TỈNH THỨC CẦU NGUYỆN
- Lời Chúa : Lc 21, 28
- Ý chính : Trong Hội Thánh, Chúa Giêsu dạy ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để sẵn sàng chờ đợi Chúa
đến.
- Giáo cụ trực quan : Lược đồ lịch sử cứu độ (Số 45).
Lạy Chúa Giêsu, chúng con
xin dâng giờ học này cho Chúa. Chúng con biết rằng Chúa luôn ở cùng chúng con
mọi ngày cho đến tận thế. Xin ban Chúa Thánh Thần để Ngài giúp chúng con lắng
nghe, yêu mến, và tin tưởng vào những điều Chúa dạy chúng con. Chúng con cầu
xin, vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA
1. Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.
+Ôn bài cũ:
- Phụ tích là gì?
- Có mấy thứ phụ tích?
- Ta cần có tâm tình nào
đối với các phụ tích?
+Kiểm tra quyết tâm:
Trong tuần qua, các em có nhớ
cám ơn Chúa sau mỗi công việc, nhất là sau một ngày sống trong giờ kinh tối, trước
khi đi ngủ không?
2. Dẫn vào Lời Chúa
Trong những bài học sau
cùng của năm học này, chúng ta sẽ được học biết về “ thời gian cuối cùng”, thời
gian đón đợi Chúa Giê-su lại đến trong vinh quang. Để đón đợi Chúa đến, Hội
Thánh kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Bây giờ, anh (chị) sẽ kể
cho các em nghe một câu chuyện có thật đã xảy ra cho một anh phi công tên là
JOHN TESTRAKE như sau:
Vào tháng 6 năm 1985,
nhiều người theo dõi trên các kênh truyền hình bên các nước Tây Phương đều hồi
hộp, căng thẳng theo dõi hình ảnh một chiếc máy bay đang đậu ở phi trường.
Trong buồng lái là một anh phi công nhìn ra ngoài nói chuyện với một số phóng
viên, trong khi một người nữa đứng bên cạnh, cầm súng dí sát vào đầu anh. Đó là
anh phi công John Testrake, anh bị không tặc uy hiếp trên đường bay từ thủ đô
Athènes của Hy Lạp về La Mã. Trong suốt 17 ngày đêm, bọn không tặc đã dùng lựu
đạn và súng uy hiếp anh, buộc anh phải bay từ Beinit qua Alger rồi bay về
Beinit cả thảy bốn lần. Chúng bắn chết một hành khách, đánh đập một số hành
khách khác. Cuối cùng chúng cũng trả tự do cho 39 con tin, nhưng họ phải đi qua
mấy chặng đường dài. Mặc dù chỉ theo dõi trên truyền hình nhưng nhiều người đã
cảm thấy rất là lo sợ…
Sau
này, anh John Testrake kể lại kinh nghiệm về chuyến bay đó như sau:
- Lúc đó, tôi biết chắc chắn là có Chúa ở với tôi, nên tôi không hề
sợ hãi mà còn tràn ngập bình an, tin tưởng nữa.
Anh
còn cho biết anh đã theo đạo năm 25 tuổi, nhưng lúc bấy giờ anh chưa thực sự
xác tín rằng có Thiên Chúa. Mãi đến năm 1983, anh mới thực sự thức tỉnh, anh
bắt đầu đọc Kinh Thánh và cầu nguyện đều đặn. Nhờ mang cuốn Kinh Thánh bên
mình, cho nên trong 17 ngày đêm bị uy hiếp, anh vẫn không tỏ ra nao núng vì tin
chắc Chúa ở với anh và nâng đỡ anh.
Các em thân mến! Qua câu chuyện
này chúng ta thấy rằng: không ai trong chúng ta biết trước được những gì sắp
xảy đến cho mình, có thể là một tai nạn, hay thiên tai ập xuống…Vì thế, chúng ta
cần luôn tỉnh thức đề khi bất cứ biến cố nào xảy đến, chúng ta vẫn tin tưởng và
bình an như trường hợp anh John Testrake. Lý do anh có được sự bình an là vì anh
đang tỉnh thức và sống hiệp thông với Thiên Chúa qua cầu nguyện.
Chính Chúa Giêsu cũng nhắc nhở
chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện như trong đoạn Tin Mừng chúng ta sẽ công bố
giờ đây. Anh (chị) mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa .
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Lc 21, 25-28
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA
1. Dẫn giải Lời Chúa.
- Đoạn Lời Chúa hôm nay nói đến
những điềm báo trước ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang. Chúa Giêsu nói
đến những điềm nào? (có nhiều người mạo danh Chúa để lừa gạt, chiến tranh, loạn lạc, thiên
tai, những kẻ tin theo Chúa bị bắt bớ ngược đãi, những điềm lạ trên trời dưới
đất).
Những biến cố kể trên là
dấu hiệu báo cho ta biết điều gì? (Dấu hiệu báo trước cho ta biết Chúa sắp đến)
- Điều quan trọng mà Chúa
dặn ta là gì? (Kiên trì: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”)
Kiên trì nghĩa là vững
lòng tin tưởng và cậy trông vào Chúa. Thái độ kiên trì này đòi ta phải luôn sẵn
sàng tỉnh thức.
Vậy để xứng đáng đứng
thẳng, ngẩng cao đầu đón Chúa, chúng ta phải sống thế nào? –“Tuy không thấy Ngài, anh em vẫn yêu mến,
tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin” (1Pr 1, 8).
Hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu điều này.
2. Giải thích câu hỏi
thưa.
* Đọc chung câu 1:
1- H. Tại sao giai đoạn chúng ta sống được gọi
là thời cuối cùng?
T. Bởi vì việc Chúa Giêsu sống lại và
lên trời đã là biến cố lớn nhất, nên ta không còn phải mong chờ điều gì khác
ngoài việc Ngài đến hoàn tất lịch sử trong ngày cuối cùng.
Tại sao nói việc Chúa
Giêsu sống lại và lên trời là biến cố lớn nhất?
Các em cùng xem Lược đồ Lịch sử Cứu độ này nhé.
GLV dựa vào Lược đồ (Số 45)
để giải thích :
THIÊN CHÚA BA NGÔI YÊU THƯƠNG
Lịch sử cứu độ gồm ba thời kỳ chính:
- Thiên Chúa sáng tạo:
Thiên
Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài và ban cho hạnh phúc trong tình yêu
của Ngài. Nhưng con người đã chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa, do đó bị rơi
xuống vực sâu tội lỗi. Thiên Chúa không bỏ mặc con người, Ngài đã hứa ban Đấng
Cứu Thế. Và Thiên Chúa bắt đầu chuần bị cho Đấng Cứu Thế sinh ra qua việc chọn
Tổ phụ Ap-ra –ham, I-sa-ác, Gia-cóp…
- Đấng Cứu Thế thực hiện lời hứa
cứu độ:
Lời hứa của Thiên Chúa đã
được thực hiện qua việc Hài nhi Giêsu sinh ra bởi Trinh nữ Maria. Ngài chính là
Đấng Cứu thế mà các ngôn sứ đã loan báo. Chúa Giêsu đến để khai mở Nước Thiên
Chúa ở trần gian này, và biến cố vĩ đại nhất đã xảy ra: Chúa Giêsu chịu chết,
sống lại và lên trời.
- Chúa Thánh Thần hướng dẫn, xây
dựng và thánh hoá Hội Thánh:
Sau khi về trời, Chúa Giêsu
ban Chúa Thánh Thần xuống trên Hội Thánh, để Ngài hướng dẫn và xây dựng Hội
Thánh trong việc chu toàn sứ mạng đem ơn cứu độ đến cho muôn dân. Vì ơn cứu độ
đã được Chúa Giêsu thực hiện qua cái chết, sống lại và lên trời của Ngài nên
chúng ta không mong đợi gì khác ngoài việc mong đợi Chúa Giêsu trở lại để hoàn
tất lịch sử trong ngày cuối cùng.
Như vậy, theo Lược đồ
này:
- Ai có thể chỉ cho cả lớp biết, chúng ta đang sống trong thời kỳ
nào không? (GLV mời một em lên trả lời
theo sơ đồ)
- Trong lịch sử cứu độ có biến cố nào lớn nhất? (Chúa Giêsu chết, sống lại và lên trời).
* Đọc chung câu 2:
2- H. Ta cần phải làm gì để đứng vững trước
các thử thách?
T. Ta cần tỉnh thức trong hoán cải, hy
sinh và cầu nguyện .
- Khi rao giảng về ngày cuối cùng, Chúa Giêsu có báo trước Ngài sẽ
đến để phán xét nhân loại không? (Có).
-Chúa Giêsu có nói rõ ngày nào là ngày cuối
cùng, ngày Ngài sẽ đến không? (Không, ngày ấy sẽ đến cách bất thình lình,
không ai biết trước được).
-Chúa Giêsu đã kể các dụ ngôn nào để nói ngày ấy sẽ đến bất thình lình?
(Mười cô trinh nữ đi đón chàng rể
: 5 cô khờ dại và 5 cô khôn ngoan; người
đầy tớ trung tín …).
-Trong khi chờ đợi ngày cuối cùng này đến, Chúa Giêsu có nói rằng
Hội Thánh sẽ gặp nhiều thử thách không?
(Có).
-Ngày cuối cùng sẽ đến cách bất thình lình và trong khi chờ ngày ấy
đến, Hội Thánh sẽ gặp nhiều khó khăn thử thách. Vậy Chúa Giêsu đã dậy ta phải
làm gì, phải sống như thế nào? (Qua các lời rao giảng, đặc biệt qua các dụ ngôn
mà chúng ta vừa nêu trên, Ngài nhắc chúng ta hãy luôn tỉnh thức và sẵn sàng. Chúa
nói: “Anh em hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì lúc anh em không ngờ, Con Người sẽ
đến” (Mt 24, 44)].
-Sống tỉnh thức và sẵn sàng là phải sống như thế nào? (Sống
tỉnh thức và sẵn sàng là luôn hoán cải đời sống, hy sinh, làm việc lành phúc
đức và cầu nguyện không ngừng (SGLC 1058). Cách sống này sẽ giúp ta đứng vững
trước các thử thách).
Tóm lại: - Để đứng vũng trước các thử thách ta cần làm gì? (tỉnh thức trong hoán cải, hy sinh và cầu
nguyện)
* Đọc chung câu 3:
3- H. Để chờ ngày Chúa trở lại, ta phải làm
những gì?
T. Ta phải theo ơn Chúa Thánh Thần mà ra
sức làm ba việc này:
- Một là sống xứng đáng con cái Cha trên
trời.
- Hai là làm cho mọi người nhận biết
Thiên Chúa và yêu thương nhau hơn.
- Ba là xây dựng thế giới này tốt
đẹp hơn để đón mừng Chúa Giêsu ngự đến.
-Ngày tận thế là ngày Chúa Giêsu trở lại, Ngài sẽ trở lại âm thầm
như nơi hang đá Bêlem xưa hay trong vinh quang?
(Ngài sẽ trở lại trong vinh quang,
Ngài sẽ ngự trên ngai vinh hiển).
-Còn số phận loài người thì thế nào? (Lúc
ấy, xác loài người sẽ sống lại, kết hợp với linh hồn).
-Và thế giới này thay đổi thế nào? (Thế
giới này sẽ được biến đổi hoàn toàn để đi vào trong vinh quang Thiên Chúa. Tội
lỗi và sự chết sẽ bị tiêu diệt).
Như thế, ngày Chúa trở lại là
một ngay hạnh phúc. Chính Chúa Giêsu nói khi ngày ấy đến “hãy ngẩng đầu lên vì
anh em sắp được cứu độ”(Lc 21, 28). Vậy, để chờ ngày Chúa trở lại, chúng ta hãy
tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta sống xứng đáng là con cái Cha
trên trời, cố gắng làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa và yêu thương nhau,
đồng thời xây dựng thế giới tốt đẹp hơn .
Tóm lại: - Để chờ ngày Chúa Giêsu trở lại, ta phải sống theo sự
hướng dẫn của ai? (Chúa Thánh Thần )
- Chúa Thánh Thần giúp ta sống thế nào để chờ ngày
Chúa trở lại?
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
1. Gợi tâm tình.
Chúng ta đang sống trong
giai đoạn cuối cùng của lịch sử cứu độ. Chúa Giêsu cho chúng ta biết trong thời
gian này sẽ có nhiều biến cố xảy ra, và Chúa nhắc nhở chúng ta hãy luôn tỉnh
thức và cầu nguyện để có thể đứng vững trước những thử thách lớn lao này. Để
mong chờ ngày Chúa trở lại trong vinh quang, chúng ta hãy nguyện xin Ngài ban
Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết hoán cải đời sống, hy sinh, cầu nguyện liên
lỉ và xây dựng thế giới này ngày càng tốt đẹp hơn.
2. Lời nguyện.
Lạy Chúa Giêsu, xưa
Chúa đã dạy chúng con rằng: “Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì lúc các con
không ngờ, Con Người sẽ đến”. Xin cho chúng con hằng tha thiết đợi trông Chúa
ngự đến trong tư thế tỉnh thức và sẵn sàng, để khi đến gõ cửa, Chúa thấy chúng
con đang tỉnh thức cầu nguyện và hân hoan ca tụng Chúa. Chúng con cầu xin vì
Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
VI. SINH HOẠT :
Băng reo : Ngày tận thế
- NĐK: Khi đất rung chuyển.
- TC : Ngày tận thế (hai bàn tay úp, làm động tác rung chuyển).
- NĐK: Khi trăng sao rơi rụng.
- TC : Ngày tận thế (hai tay đưa cao lên trời và làm động tác rơi rụng)
- NĐK: Khi sóng biển xô gầm.
- TC : Ngày tận thế (vỗ tay trái qua phải)
- NĐK: Kìa Chúa đến.
- TC : (Nhảy lên) Trong
vinh quang – A…
VII. BÀI TẬP :
Em hãy trả lời đúng hay sai các
câu sau đây :
1. Ta đang sống trong thời kỳ cuối cùng vì Chúa Giêsu đã chết, sống
lại và lên trời.
Đúng
– Sai
2. Để đứng vững trước những thử thách, ta cần hối cải, cầu nguyện,
làm phúc bố thí và tìm hiểu các dấu chỉ của thời đại.
Đúng
– Sai.
VIII. SỐNG LỜI CHÚA
Mỗi sáng thức dậy, em
dâng mình cho Chúa và xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn mọi tư tưởng, lời nói và
việc làm của em trong ngày, để giúp em tỉnh thức đón chờ ngày Chúa đến.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy Chúa Giêsu, chúng con
cảm tạ Chúa về giờ học hôm nay. Xin Chúa giúp chúng con thực hiện điều quyết
tâm để luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần . Chúng con nguyện xin
vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
Đọc kinh Sáng Danh.
CÂU
HỎI CHO HỌC SINH
Bài 29 HỘI
THÁNH TỈNH THỨC CẦU NGUYỆN.
“Khi những biến cố ấy bắt
đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩn đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (x Lc 21,28)
1- H. Tại sao giai đoạn chúng ta sống được gọi là
thời cuối cùng?
T. Bởi vì việc Chúa Giê-su sống lại và lên trời
đã là biến cố lớn nhất, nên ta không còn mong chờ điều gì khác ngoài việc Ngài đến
hoàn tất lịch sử trong ngày cuối cùng.
2- H. Cần phải làm gì để đứng vững trước các thử
thách?
T. Ta cần tỉnh thức trong hoán cải, hy sinh và cầu
nguyện.
3- H. Để chờ ngày Chúa trở lại, ta phải làm những
gì?
T. Ta phải theo ơn Chúa thánh thần, mà ra sức làm
ba việc này:
- Một là sống xứng đáng con cái Cha trên Trời.
- Hai là làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa
và yêu thương nhau hơn.
- Ba là xây dựng thế giới này tốt đẹp hơn để đón
mừng Chúa Giê-su ngự đến.